Tạp chí Sông Hương - Số 311 (T.01-15)
Chiếc áo
07:57 | 02/02/2015

LÊ MINH PHONG
           Truyện ngắn

Ngay cả cái lúc mà lão già mù đưa cho dì chiếc đàn guitar của lão thì dì vẫn cứ lắc lắc liên tục cái đầu của mình.

Chiếc áo
Minh họa: Lê Minh Phong

“Nó có thể phát ra âm thanh đấy,” tôi nói. “Tao không cần đến cái thứ âm thanh ấy, nói với lão là hãy đánh cho những con bò cái của lão nghe ấy,” dì nói như rống lên và đầu dì lại thụt vào bên trong chiếc áo của dì. Đó là một chiếc áo lâu đời và dơ bẩn. Tôi không thể đếm hết những vết bẩn trên chiếc áo của dì; những chỗ vá víu cũng thế, không thể nào đếm hết được dù nhiều lần tôi đã thử. Lần gần đây nhất là vào tối chủ nhật. Khi dì thụt cái đầu của mình vào bên trong chiếc áo rồi ngáy như sấm thì tôi đốt nến lên và cố đếm những chỗ vá trên chiếc áo đó. Nhưng tôi đã thất bại. Ba cây nến đã tiêu tan cùng với cái trò nghịch dại của tôi.

“Nó có thể phát ra âm thanh.” Tôi nói về cây đàn của lão già mù. Tôi muốn dì đổi lấy cây đàn guitar của lão bằng chiếc áo của dì. Tôi đã thấy bàn tay của lão già mù múa trên những sợi dây đàn, và tôi muốn có cây đàn đó trong nhà tôi (trên bàn học của tôi) mỗi sớm mai khi tôi thức dậy. Nhưng rồi tôi lại nhận được những tràng âm thanh chói tai của dì. “Nói với lão là tao không cần đến cái thứ rẻ tiền đó. Hãy đánh cho những con bò cái của lão nghe ấy!” Dì lại thét lên như thế trong khi dì thụt cái đầu vào bên trong chiếc áo và chuẩn bị cho giấc ngủ về đêm.

Tôi thích cây đàn của lão già mù và ghét cay ghét đắng chiếc áo bẩn thỉu và cứng như sắt thép của dì. Khi còn nhỏ, tôi thấy dì thường mặc chiếc áo đó đi dạo dưới những gốc dừa xanh mướt ngoài bờ hồ. Khi có tiếng động nào đó thì ngay lập tức dì thụt đầu vào bên trong cổ áo. Hẳn nhiên là dì cảm thấy vô cùng an toàn khi trốn trong chiếc áo của dì. Ngày tôi còn nhỏ, dì không có tóc. Tôi nhớ ngày tôi chưa biết giấu đi con cu nhỏ bé của mình thì dì chưa có tóc, và bây giờ đầu của dì đã bằng trái bưởi cỡ bự mà tôi thường dùng để đá banh ngoài sân. Dì không có tóc và dì chẳng bao giờ phải gội đầu như những người đàn bà khác.

Khi nghe thấy tiếng guitar vang lên ngoài ngõ thì dì lại thụt cái đầu vào trong chiếc áo. Tôi nói: “Nó có thể phát ra những giai điệu.” Nhưng dì đã thụt cái đầu của dì vào sâu trong chiếc áo. Tôi leo lên cột nhà nhìn xuống và thấy bên trong cổ áo của dì tối đen. Tôi không thể thấy cái đầu của dì cho dù tôi đã trèo lên tít trên cao và nhìn xuống. Có thể khi chui vào bên trong cổ áo thì đầu của dì biến mất. Sự biến mất này như một điều bí ẩn mà tôi cần phải khám phá cho bằng được. Điều bí ẩn này lôi cuốn và thách thức tôi.

Tôi ngồi trước sân và chờ đợi tiếng đàn của lão già mù vang lên. Bây giờ trời đã nhá nhem. Tôi không nghe thấy tiếng đàn mà chỉ nghe thấy tiếng vo ve của muỗi. Trong nhà, mẹ tôi đang ca cẩm về sự ngột ngạt của không khí và cha tôi đang than thân trách phận bởi ông sinh bất phùng thời.

“Đốn mạt.” Ông nói.

“Nó có thể phát ra những âm thanh khác nhau, những giai điệu khác nhau và âm thanh của nó có thể làm chúng ta phải nhún nhảy đấy,” tôi nói khi thấy cái đầu trọc của dì thò ra bên ngoài cổ áo. “Nhún nhảy dì ạ,” tôi nhấn mạnh thêm. Mắt dì như hai con đom đóm sáng xanh lập lòe trong một góc nhà. “Tao không cần đến những âm thanh rẻ tiền đó,” dì nói khi lão già mù bắt đầu dạo trên những phím đàn từ ngoài ngõ.

“Hãy đánh cho những con bò cái của ông nghe.” Tôi nói.

“Gì?” Lão già mù hỏi.

“Đó là những tràng âm thanh rẻ tiền.” Tôi ghé sát vành tai của lão và rống lên.

“Gì cơ?” Lão già mù nói và tay lão lại vuốt nhẹ lên những sợi dây đàn của lão. Trong khi đó thì đầu của dì đã chui tọt vào bên trong chiếc áo. Muỗi trong nhà vây lấy dì nhưng vì chiếc áo nên chúng không hút được bất kì một giọt máu nào của dì, và tất nhiên dì sẽ sung sướng và hãnh diện vì điều đó.

Sau khi đánh được hai bản nhạc thì lão già mù bỏ đi. Lão hát nghêu ngao như những kẻ thất tình trong những bản tình ca của lão, và bầy chó trong xóm vây lấy và thi nhau cắn vào gót chân lão. Dù cho thế nào thì lão vẫn không có được chiếc áo của dì và về phần dì thì dù có phải chết dì cũng không đời nào cần đến cây đàn rẻ tiền của lão. “Đánh cho những con bò cái nghe ấy!” Trong đêm tối dì nói vọng ra qua lớp áo của dì. Tiếng nói của dì đuổi theo những bước chân của lão già mù và bay đến nơi có những cây rêu đỏ.

Có những đêm tôi thức giấc vì một cơn mộng mị nào đó, rồi tôi thấy phía dưới nhà bếp có hai con đom đóm sáng xanh và chúng luôn giữ một khoảng cách cố định. Có khi chúng biến mất hẳn và rồi chúng lại đồng thời sáng lên. Nhưng cũng có khi con bên trái xuất hiện trong khi con bên phải vẫn biến mất và tôi biết dì đang tập luyện cho đôi mắt của mình. Dì cần phải có một đôi mắt sáng trước khi những sự việc không hay sẽ đến với dì.

Rồi trong đêm khuya tôi nghe tiếng của dì cất lên. Đó không phải là tiếng khóc nhưng cũng không phải là tiếng cười. Dì đang cắn vào chiếc áo của dì và rên rỉ những tràng âm thanh kì quái. “Nó phát ra âm thanh, âm thanh nó phát ra có thể cứu chuộc chúng ta đấy.” Tôi nói, tôi nói nhỏ nhẹ trong đêm khuya và tất nhiên là tôi đang nói đến cây đàn của lão già mù.

“Cứu chuộc, thưa dì.” Tôi lặp lại từng chữ một.

“Âm thanh của nó sẽ làm chúng ta mơ về một điều gì đó.” Tôi nói.

Mơ về dì ạ. Mơ về.” Tôi nói.

Dì không nói nhưng tôi nghe rất rõ tiếng rên rỉ của dì. Thỉnh thoảng mắt dì lại sáng xanh cả một góc nhà.

“Đó là chiếc áo của ngoại. Khi mẹ lớn lên mẹ đã thấy ngoại mặc chiếc áo đó. Chiếc áo đó là do tổ tiên để lại cho ngoại và dì đấy.” Mẹ tôi nói. “Ngày đó, ngoại thường đi dạo dưới những gốc dừa ngoài bờ hồ và khi có tiếng động, ngoại thường hay rụt đầu của mình vào trong cổ áo.” Mẹ nói trong khi tôi đang leo lên cột nhà để nhìn xuống chiếc áo đang bao trùm cả thân hình của dì. Nhưng tôi vẫn không tài nào thấy được cái đầu trọc lóc của dì. Trong chiếc áo của dì là một thế giới mênh mông vô tận, hoàn toàn tăm tối và có thể là rỗng không. Nhưng cũng có lúc tôi nhìn thấy một luồng ánh sáng xanh biếc phát ra từ cổ áo của dì khi chiếc đầu của dì không thò ra bên ngoài. Những lúc như thế là những lúc dì đang luyện tập đôi mắt của mình. Chúng sáng hơn lân tinh. Tôi cam đoan như thế.

Một buổi chiều tháng sáu, khi gió nồm thổi xào xạc trên mái tranh thì mẹ tôi quyết định thả dì xuống hồ trước khi mùa mưa lũ kéo tới. Mẹ thả dì xuống hồ trong tiếng rên rỉ, khóc lóc ca thán của lão già mù. Khi chiếc áo của dì chìm nghỉm dưới đáy hồ cũng là lúc lão già mù cất tiếng hát. Tiếng đàn guitar của lão rơi xuống và nhảy múa trên mặt nước trong xanh. Và tiếng hát của lão cũng theo nhau bay về nơi có những cây rêu đỏ.

Về sau, mỗi khi trời mưa gió tôi thường thấy hai vì sao sáng xanh lấp lánh dưới đáy hồ, và những lúc ấy tôi biết dì đang luyện tập cho đôi mắt của mình trước khi cơn lũ tràn qua con đê ngoài kia rồi kéo tới xóa đi mọi dấu vết. Và cũng ngay tại những thời khắc đó, em gái tôi lại rụt đầu vào chiếc áo bẩn thỉu, rách tươm và hôi thối của nó rồi rên lên những tràng âm thanh quái dị như tiếng than khóc của một ai đó văng vẳng trong đêm khuya.

L.M.P
(SH311/01-15)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hồng hoang biển (29/01/2015)