Tạp chí Sông Hương - Số 311 (T.01-15)
Lớp trẻ - tín hiệu vui của mỹ thuật Huế
14:36 | 11/02/2015

ĐẶNG MẬU TỰU

Ở Việt Nam người ta xếp các họa sĩ tuổi từ 35 trở xuống là họa sĩ trẻ, là độ tuổi mang đầy nhiệt huyết, nuôi những hoài bão lớn lao lấp biển vá trời, là những người muốn phá vỡ những trật tự cũ để làm một cái gì mới mẻ.

Lớp trẻ - tín hiệu vui của mỹ thuật Huế
Tấu khúc dưới trăng - (sơn mài). Tranh của Nguyễn Đình Dàng

Lực lượng trẻ trong lĩnh vực mỹ thuật ở Thừa Thiên Huế khá đông đảo, quy tụ được những cây bút có nghề, là họa sĩ xuất thân từ trường Đại học Nghệ thuật Huế và đang sống tại Huế. Trong đó có những người chọn Huế để lập thân, hoàn cảnh sống mỗi người khác nhau, làm một nghề gì đó để nuôi nghiệp vẽ và cũng có người đã sống với nghiệp bằng nghề, mọi người yêu Huế và thực hiện hoài bão bằng chính nghiệp vẽ của mình.

Từ khi có trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1957) thì Huế luôn cũng có lực lượng mỹ thuật trẻ, mỗi ngày mỗi tăng, càng về sau càng có nhiều người hợp sức, lớp người ấy nay đã thành danh, dù có đi đâu thì họ vẫn nhớ một thời tuổi trẻ ở Huế và đóng góp cho sự hình thành lực lượng trẻ ngày ấy để nay nối tiếp.

Lực lượng trẻ ở Huế có những may mắn và nhiều cơ hội để tiếp thu và thể hiện cái mới như:

1 - Có nhiều hoạt động mỹ thuật giao lưu trong và ngoài nước tổ chức tại Huế. Ngay những năm của thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã có những cuộc triển lãm giao lưu tranh hiện đại với nhiều trường phái.

2 - Việc giáo dục văn thể mỹ được chú ý. Các trường phổ thông trung học có các giờ học và tìm hiểu về hội họa, đặc biệt trong các trường Dòng giờ mỹ thuật hết sức được chú ý. Các thư viện đều có các tài liệu tham khảo về mỹ học. Nhận thức thẩm mỹ của một bộ phận người dân Huế được trang bị.

3 - Qua các kỳ Festival văn hóa và Festival nghề tổ chức ở Huế, có nhiều hoạt động giao lưu nghệ thuật quốc gia và quốc tế đã giới thiệu tác phẩm của những trào lưu nghệ thuật thế giới, công chúng và bản thân họa sĩ đã quen với các loại hình nghệ thuật mới, từ đó cái nhìn của dân Huế đã có thái độ cởi mở hơn về nghệ thuật.

4 - Từ cái nhìn cởi mở và khuyến khích của các nhà lãnh đạo và các cơ quan hữu trách đã tạo điều kiện cho các hoạt động mỹ thuật trong đó có các loại hình mới mẻ. Trong thời gian qua những lớp họa sĩ trẻ đóng góp nhiều cho mỹ thuật, họ trưởng thành và định hình với số lượng khá cao so với các tỉnh trong khu vực. Số họa sĩ đang cầm bút và xông xáo đó có thể cho thấy một niềm tin ở tương lai của mỹ thuật Huế, chúng ta hãy nhìn vào họ qua những gì họ đang thực hiện để thấy họ đã và đang cống hiến.

Khi trào lưu nghệ thuật mới đến với nước ta, các nhà hoạt động cho rằng đó là nghệ thuật đương đại. Không bàn về từ ngữ nhưng điều mà người ta nhận thấy là một sự thay đổi về cách nhìn về mỹ thuật, loại hình này có người cho đó là nghệ thuật thị giác bởi lúc này mỹ thuật không còn là tĩnh tại mà nó trở thành một sự tổng hợp nhiều yếu tố khác, trong đó có thể kể như nghệ thuật sắp đặt (intelation) trình diễn (performance) video art, nghệ thuật hình thể (body art)... Các họa sĩ Huế hào hứng tiếp nhận và thể hiện. Các kỳ Festival Huế chính là điều kiện và thời cơ thuận lợi để các họa sĩ thể nghiệm, nhưng phải nói khởi đầu nhóm trẻ ở thế hệ 6x lúc ấy như Lê Thừa Tiến, Đinh Khắc Thịnh, 7x như Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, đưa vào thực hiện một số tác phẩm sắp đặt ở một số vị trí đã gây ấn tượng của người xem và đã tương tác tốt giữa tác phẩm và công chúng. Khởi đầu tạo ấn tượng tốt là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sau này. Những hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác có Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, các họa sĩ Nguyễn Văn Hè, Trần Tuấn, Thanh Mai, Trương Thiện đã để lại những cảm xúc tốt đối với công chúng.

Nguyễn Văn Hè chuyên về sơn dầu với một loạt tranh đầy ấn tượng nói về sự ràng buộc, đó là những hình thể khỏa thân nữ bị trói bởi trang phục của chính mình trong một không gian vô tận, đặc biệt với bộ tranh 3 bức là một nghệ thuật kết hợp giữa tác phẩm tranh và sắp đặt, tất cả 3 tác phẩm được đặt trên chiếc giường mà chiếc khăn trải từ trong tác phẩm và chiếc khăn ở giường như là sự kéo dài đã tạo nên một cảm giác lạ giữa hư và thực. Nhưng điều mà người ta nói nhiều về anh chính là những tác phẩm trình diễn, những vấn đề anh đặt ra ở tác phẩm có khi bạo liệt lên án sự tráo trở, tính bất trắc và sự tham lam của con người, nhưng cũng có nhiều tác phẩm đầy lòng nhân ái, ngọt ngào ngợi ca cuộc sống đầy tính người và lạc quan.

Họa sĩ Trương Thiện đã tìm cách diễn đạt từ những hình ảnh cũ nối giữa hiện tại và quá khứ, anh đã tổ chức các cuộc triển lãm về loại hình này khá thành công, có thể kể đến khi anh kêu gọi mọi người có những ảnh chụp về Thiên An thì hàng trăm bức ảnh của mọi người được gởi đến, triển lãm đã là một sự nối mối quan hệ của mọi người liên quan và cả những người hiếu kỳ, một tương tác có nhiều hiệu quả.

Họa sĩ Trần Tuấn đã có một số tác phẩm sắp đặt gây sự chú ý của công chúng như mây biến thể; Về những ngón tay... đề cập về sự phản chiến, tác phẩm đã được một bảo tàng nghệ thuật Singapore sưu tập, ngoài ra còn có khả năng là một giám tuyển (curator) đã thu nhận các nghệ sĩ tạo hình các nơi đến nhiệm trú, Then cafe là nơi anh tổ chức thể nghiệm các chương trình nghệ thuật của mình.

Sự xông xáo của cặp song sinh Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải (thế hệ 7x) đã mạnh dạn để đưa ra nhiều hình thức hoạt động, ngoài việc vẽ tranh các anh đã tỏ ra là những nhà tổ chức hoạt động nghệ thuật, hiện là giám tuyển (curator). New space arts foundation đã kết nối nhiều hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước đến với Huế, trung tâm đang phát huy sự lan tỏa của mình.

Họa sĩ Thanh Mai, một nữ họa sĩ với quyết tâm tìm trong nghệ thuật thị giác một ý tưởng khác lạ về thân phận giới nữ, ngợi ca vẻ đẹp từ những nụ vừa chớm nở và một đề tài khác cũng đang lưu ý đó là vấn đề môi trường sống.

Họa sĩ Trần Hữu Nhật thành công với than vẽ trên toile, đã có một số giải thưởng trong tỉnh và toàn quốc, khai thác về cái tôi và sự tương quan với tha nhân, ngoài ra còn tìm tòi ở một số loại hình nghệ thuật thị giác, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và cả video art, tất cả đều chuyển động và có những hiệu quả nhất định.

Họa sĩ Phan Khánh Trang là họa sĩ thế hệ 8x, lặng lẽ tìm kiếm, được giải thưởng từ Nhật Bản về mẫu trang trí ứng dụng đời sống ngay sau khi tốt nghiệp mỹ thuật. Sau khi tu nghiệp sau đại học tại Thái Lan, người ta thấy một loạt tác phẩm đen trắng bằng các chất liệu chỉ màu đen, vải, giấy đã cho người xem một tín hiệu tốt trong sự tìm kiếm khám phá mới trong nghệ thuật. Những người quan tâm đến nghệ thuật thị giác còn nhắc nhở đến tín hiệu từ các họa sĩ trẻ như Lê Nguyễn Lãm Vân, Nguyễn An, Ngô Ngọc Minh, Trần Thị Trạch Oanh, Như Hải... Chắc chắn sẽ còn nhiều, họ có nhiều khả năng nhưng chưa có điều kiện để tỏa sáng, điều đó cũng thấy được trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác ở Huế có một tiềm năng và sẽ phát huy tốt nếu được đầu tư đến nơi đến chốn.

Trong lĩnh vực sơn mài, ở Huế vẫn thưa thớt dù đây là mảnh đất truyền thống về sơn mài nhưng không phải ai cũng đeo đuổi nó đến cùng sau khi ra trường. Tất nhiên hiện nay ở Huế vẫn còn có một số họa sĩ trẻ tâm huyết và say mê với chất liệu này và hơn thế nữa là họ mong muốn vực giá trị của sơn mài, trả về nguyên giá trị sơn ta của nó. Có thể nói đó là các họa sĩ trẻ, như Nguyễn Đình Dàng là một trong những người thành công với chất liệu sáng tạo này và thực sự anh đã tạo nên được những cái khác lạ trong sáng tác của anh. Nguyễn Đăng Sơn một họa sĩ đã có nhiều sáng tạo với những bố cục dàn trải, tranh anh thường có những điểm sáng của màu son và vàng lá. Trần Quốc Bảo với những tác phẩm khổ lớn anh đã khai thác độ bóng của chất sơn ẩn chứa bên dưới những hình thể. Trần Xuân Minh lại đi tìm đề tài đời thường, bình dị và đôi khi mang không khí hài hước. Lê Phan Quốc gom lá vàng thành những hình thể kỳ lạ với những chiếc lá chất thành lớp cùng với sơn mài để nói lên những ý niệm về quy luật của tự nhiên của cuộc sống. Tôn Thất Minh Nhật lại không lệ thuộc vào độ phẳng của sơn mài mà anh tạo ra những gồ ghề, bầm xước thành những hiệu ứng thẩm mỹ hiệu quả.

Lụa là một chất liệu kỳ diệu nhưng hiện tại các tác giả trẻ vẽ lụa ở Huế không nhiều. Khai thác chất lụa truyền thống có Phan Hoài Niệm, Lê Việt Trung, Lê Thị Hải, Dương Kính, Nguyễn Ánh Dương. Trong số đó Phan Hoài Niệm nổi bật với việc đào sâu vào đề tài đời thường đem lại cảm xúc trực tiếp cho người xem. Lê Việt Trung cũng là người có nhiều ý tưởng, nhiều bố cục khác lạ trong ý tưởng và cả hình thức thể hiện. Nguyễn Thị Huệ lại sáng tạo ra những kỹ thuật mang tinh tích hợp khác lạ so với trước. Với những cách tân của mình Nguyễn Thị Huệ được giới chuyên môn đánh giá là người có sự táo bạo và có nhiều khai mở trong chất liệu lụa hiện nay.

Một số họa sĩ trẻ vừa mới tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp chưa lâu lại tìm đến tranh chân dung và nỗ lực diễn đạt tâm lý nhân vật theo lối tả thực. Họ hăng say làm việc, tham gia đều các cuộc triển lãm và tổ chức những cuộc triển lãm cá nhân được sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật. Trong đó có Lại Thanh Dũng, Trần Ngọc Bảy, Phạm Anh, Vũ Duy Tâm, Trương Thế Linh, Nguyễn Đinh Hoàng Việt, Đặng Thu An... là những họa sĩ có nhiều hứa hẹn đi xa bởi nội lực của họ.

Ở Huế hiện nay có nhiều họa sĩ đa năng. Sự đa năng thể hiện ở việc họ thực hành tác phẩm trên nhiều chất liệu. Như họa sĩ Lê Bá Cang, anh thể hiện cả trên sơn dầu, lụa, gốm. Từ những chất liệu khác nhau anh tạo ra nhiều loạt tranh với nhiêu chủ đề khác nhau. Hoàng Thanh Phong vẽ sơn dầu, sơn mài với sự tìm kiếm những điều khác thường, khai thác đề tài tôn giáo, có khả năng vẽ nhanh và hiệu quả. Họa sĩ Nguyễn Hóa cũng là họa sĩ đa năng anh tham gia nhiều loại hình sáng tạo nhưng có nhiều hiệu quả trong tranh sơn mài và đã triển lãm nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Anh còn là một nghệ sĩ hăng hái trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Các tác phẩm của anh đều có ngôn ngữ riêng. Với Hoàng Phi Hùng, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Đinh Hoàng Việt... đều là những người có nội lực.

Về điêu khắc hiện nay thì ở Huế phải nói là đang khan hiếm. Không phải không có người tham gia sáng tác trên lĩnh vực này mà các tác phẩm cần phải có điều kiện thể hiện. Ở Huế có nhiều tác giả thường xuyên tham gia triển lãm và có nhiều sự chú ý của những ngươi yêu mến nghệ thuật như Nguyễn Thái Quảng, Phan Thanh Quang. Qua những tác phẩm của Nguyễn Thái Quảng thể hiện sự nghiêm túc tìm tòi thể hiện của anh. Phan Thanh Quang cũng là người có nhiều tìm tòi trong hình thể và sự khai phá về mặt tư tưởng ở những tác phẩm có chiều sâu.

Lĩnh vực đồ họa là nơi mà có nhiều họa sĩ trẻ đang dấn thân hiện nay. Nguyễn Thị Xuân Lê vẫn trung thành với phong cách đã có của mình. Đề tài về môi trường là đề tài mà cô theo đuổi. Nguyễn Thị Lan cũng là người có nhiều trăn trở cho các đề tài ám ảnh. Bí ẩn sự nở vẫn là đề tài hấp dẫn với Lan bởi sự nở là thuộc tính giống cái nhưng nếu thành hình nó cần những điều kiện khác. Đó là điều mọi người tự hỏi và Lan đang đi tìm. Nguyễn Khắc Tài lại đang tìm kiếm trong ngôn ngữ của khắc gỗ những tiếng nói riêng khi anh đi sâu vào đề tài vùng Tây Bắc và những phiên chợ...

Những người đi vào lĩnh vực đồ họa hiện nay ở Huế nếu muốn có những thành công cần có nhiều nỗ lực. Trong một tương lai gần ở Huế sẽ có một đội ngũ khá mạnh về lĩnh vực này. Trong đồ họa, một loại hình mới được khởi phát từ họa sĩ Phan Hải Bằng đó là trúc chỉ. Là loại giấy chế từ tre trúc. Tuy mới xuất hiện nhưng đây đã là một hình thức nghệ thuật gây được sự chú ý. Có những tác phẩm được giải thưởng như giải B triển lãm Mỹ thuật khu vực IV 2003 của họa sĩ Phan Hải Bằng. Sau Phan Hải Bằng thì có những họa sĩ như Ngô Đình Bảo Vi đạt giải ba mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014 và giải khuyến khích Festival trẻ 2014 toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội.

Ngoài những họa sĩ đang hoạt động sáng tạo trong những lĩnh vực trên cần kể tới những họa sĩ trẻ đã từng qua trường lớp hay đang tự học ở Huế. Những sáng tác của họ cũng đóng góp một phần không nhỏ cho nền mỹ thuật Huế như họa sĩ Nguyễn Đức Trí, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đồng Nai về Huế sáng tác có nhiều tác phẩm đáng chú ý. Bên cạnh đó họa sĩ này còn tham gia vẽ tranh biếm họa cho báo Tuổi Trẻ với bút danh Đức Trí và Viiit. Lê Minh Phong là một họa sĩ tự học, đồng thời cũng là một nhà văn nhưng đã vẽ tới gần cả trăm tác phẩm. Lê Minh Phong đã từng tham gia triển lãm nhóm tại Đại sứ quán Đan Mạch - Hà Nội. Những tác phẩm của anh có nhiều ý niệm của một nhà văn nặng về tâm thức đương đại.

Nếu có một cuộc triển lãm chung cho các họa sĩ trẻ chắc chắn sẽ thấy rõ hơn diện mạo mỹ thuật Huế hiện nay và có thể thấy rõ hơn sự khai phá của họ về sau bằng chính những nội lực và sức trẻ của họ.

Vấn đề còn lại, với lực lượng như vậy thì làm thế nào để tạo nên sắc thái riêng. Ngoài những nỗ lực của các cá nhân nghệ sĩ thì các nhà quản lý, những mạnh thường quân cần có những động thái để tạo ra một môi trường tốt nhất cho các tài năng khởi phát để nghệ thuật Huế có thể khẳng định mình ở trong nước và kể cả ở môi trường rộng lớn hơn.

Đ.M.T
(SH311/01-15)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chiếc áo (02/02/2015)
Hồng hoang biển (29/01/2015)