Tạp chí Sông Hương - Số 311 (T.01-15)
Khởi từ rực rỡ
08:03 | 13/02/2015

LÊ MINH PHONG

“Không có gì trở thành một nghệ phẩm nếu thiếu đi một diễn giải giúp nó trở thành như thế”. (Danto)

Khởi từ rực rỡ
Tranh của Lê Minh Phong

Lối vào nào để thông hiểu những tác phẩm thuộc về nghệ thuật đương đại? Khi nghệ sĩ trình ra những tác phẩm mang tính chất gây hấn với thẩm mỹ truyền thống mà không đem ra một lời giải thích nào cho công chúng thì tất yếu sẽ dẫn tới những quan điểm dị biệt. Người ta cho rằng, nghệ thuật đương đại là lĩnh vực mà trong đó những kẻ bất tài và những kẻ có tài đều có thể phát ngôn. Nhìn vào những tác phẩm thị giác đương đại người ta nghĩ rằng để tạo ra chúng quá ư đơn giản. Ngắm nhìn những tác phẩm “quá ư đơn giản này” người xem bắt đầu hoài nghi về giá trị của chúng, về cái đẹp thực sự của nghệ phẩm. “Rốt cuộc cái đẹp nằm ở đâu?” Đây là câu hỏi thường được phát ra trong một số cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại, bởi người xem không thể nắm được mục tiêu, hành vi và thông điệp của tác phẩm. Cái gì khiến những thứ tưởng như “trò lố” này trở thành một tác phẩm nghệ thuật? Không dễ để đưa ra một câu trả lời. Không còn bóng dáng của nghệ thuật bắt chước hiện thực khách quan, nghệ thuật mô phỏng khởi từ nhà triết học Hi Lạp Platon. Nghệ thuật ngày nay dường như đã được đẩy tới những chân trời không dễ gì dùng ngôn ngữ để diễn giải chúng. Chúng nằm ngoài những luật định, nằm ngoài sự chi phối của lý tính và mọi quy phạm giáo dục. Chúng nằm đâu đó bên kia bờ của sự hoang tưởng, tưởng tượng, bên kia bờ của ảo giác đầy tính huyễn ma.

Những nghi ngờ và những tranh cãi về các tác phẩm đương đại mang tính chất cách mạng trong việc lật đổ quan niệm cái đẹp truyền thống trước hết bắt nguồn từ phương Tây, nơi liên tục sản sinh ra các triết thuyết mỹ học mang tính chất phủ định có tính kế thừa lẫn nhau. Khi tác phẩm “Đái vào chúa” (1987) của Andres Serrano được đem ra công chúng, người ta xem nó như một đòn chí mạng đối với quan niệm về cái đẹp thông thường. Về tác phẩm gây shock này Lippard viết rằng: “Tác phẩm “Đái vào Chúa” - đối tượng cho sự giận dữ của phe kiểm duyệt - là một bức hình đẹp đẽ mơ hồ… bức tượng đóng đinh câu rút nhỏ bé làm bằng gỗ và nhựa dẻo, được phóng lớn bằng nhiếp ảnh, đã trở nên một tượng đài ảo khi bồng bềnh trôi trong một ánh sáng rực rỡ của sắc đỏ và vàng sâu thẳm - đồng thời vừa thông báo tai họa, vừa tỏa rạng vinh quang. Những đốm bọt sủi nhỏ tỏa ngang bề mặt bức ảnh gợi ra cảnh tượng của một đám tinh vân. Song nhan đề tác phẩm, có ý nghĩa dấn thân lớn lao, bằng cách đơn giản thay đổi văn cảnh thưởng lãm tác phẩm, lại đã chuyển hóa thánh tượng văn hóa dễ chấp nhận này thành một dấu hiệu của nổi loạn hoặc một vật thể ghê tởm.” (Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về tác phẩm này qua cuốn: “Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật của Cynthia Freeland, Như Huy chuyển ngữ, Nxb. Tri Thức 2010). Nhìn rộng hơn, sự đẩy tới cùng của những đột phá, những tìm tòi, những nỗ lực khai mở cho nghệ thuật tới những biên độ thể hiện khác, khai sinh ra những cách thức biểu hiện khác của nghệ thuật, hướng đến mô tả, khai phóng những trạng huống tồn tại khác không chỉ có ở trong nghệ thuật thị giác, mà ngay văn chương, một hình thức nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu phản ánh, cũng đã đi tới những cuộc đập phá hoang tàn. Sự đập phá và tạo sinh liên tục đó trong nghệ thuật văn chương đã từng khiến một nhà phê bình văn học danh tiếng là John Barth phải ca thán rằng “Văn chương đã đến hồi kiệt quệ.” Lời ca thán này không phải chỉ mới được phát ra trong những năm gần đây mà là từ năm 1967. Gần với lời ca thán đó của John Barth, tác phẩm “Đái vào Chúa” của Serrano cũng đã từng khiến cho Thượng nghị sĩ Jesse Helms căm phẫn thốt lên: “Tôi không biết ngài Andres Serrano là ai, và hi vọng không bao giờ gặp hắn bởi hắn không phải là một nghệ sĩ, mà chỉ là một kẻ ngu xuẩn.” Và sự nhìn nhận tức thời, thiếu suy xét và thiếu căn bản về việc nắm bắt những trượt trôi, biến đổi trong nghệ thuật nói chung và mỹ học nói riêng không phải là hiếm trong lịch sử nghệ thuật thế giới.
 

Tác phẩm “Đài nước” (Fontaine) 1917 của Marcel Duchamp.

Tương tự với “Đái vào Chúa” là tác phẩm “Đài nước” (Fontaine) 1917 của Marcel Duchamp, một tác phẩm mà ông gọi là “readymades” (tác phẩm làm sẵn). Tác phẩm này là một chiếc bồn  tiểu  được  Duchamp  mua  trong một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở New York, đơn giản như thế, ông lật ngửa nó ra và đặt tên cho nó và trưng bày ở Gallerry như một tiếng nói lạc loài đầy thách thức đối với nghệ thuật duy mỹ. (Về tác phẩm này, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm bài viết “Về những tác phẩm readymades” của Marcel Duchamp qua bản dịch của Hoàng Ngọc Biên). Như thế, cái đẹp trong quan niệm truyền thống, lối thực hành nghệ thuật dựa trên công thức mô phỏng đã trở nên vỡ vụn và mọi chuẩn tắc đã bị bội ước một cách không thương tiếc.

“Đây là tác phẩm nghệ thuật sao? Nếu nghệ thuật mà như thế thì người thợ xây cũng có thể làm được nghệ thuật.” Đó là những câu nói của tôi vào một buổi chiều đầu thu năm 2003, khi tôi đứng trước tác phẩm này. Một tác phẩm được trưng bày tại công viên trước trường Quốc Học. Năm đó tôi vừa mới bước chân vào môi trường đại học. Lúc đó tôi cứ băn khoăn vì sao tác phẩm này lại được xem là nghệ thuật bởi tôi không thấy nó đẹp, lúc đó tôi thấy nó thô cứng, sần sùi và không hề có giá trị biểu đạt khi đứng bên dòng sông thơ mộng này. Hẳn không ít người sẽ nghi ngờ đâu là giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đứng trước những xúc cảm trái chiều là điều dễ hiểu đối với tâm lý của người xem. Cảm nhận đầu tiên có thể là sự vô nghĩa lý bởi rất khó có thể nhìn thấy đâu là cái đẹp ở đây? Nếu thực sự tác phẩm này có giá trị thẩm mỹ thì làm sao để nhìn thấy cái đẹp tiềm ẩn trong nó. Về sau, tôi đã nhận ra một sự trống rỗng khủng khiếp trong khả năng tri nhận của tôi trước một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Tôi hầu như đã không hề được trang bị những kiến thức nền tảng cần thiết cơ bản để có thể chấp nhận được một tác phẩm có tính “khác biệt.” Có thể nói, sự quy chuẩn đã triệt tiêu việc dám chấp nhận những cái khác biệt để có thể mở rộng biên độ tưởng tượng, hướng tới sự hủy diệt và sáng tạo.

Một tác phẩm được trưng bày bên bờ sông Hương


Nếu đối sánh không khí nghệ thuật đương đại ở Huế với các thành phố khác trong cả nước thì có lẽ Huế không đến nỗi ảm đạm. Những năm gần đây, giới nghệ sĩ Huế đã có sự nỗ lực để hướng đến một nền nghệ thuật đương đại mới mẻ và có chiều sâu. Điều này được thể hiện ở sự quảng bá rộng rãi các hệ thống lý thuyết của các trào lưu nghệ thuật đương đại của thế giới với người làm nghệ thuật ở Huế, sự cọ xát của nghệ sĩ Huế với các nghệ sĩ trong cả nước và thế giới thông qua những cuộc triển lãm có quy mô.

Tất nhiên, đang có một khoảng cách rất lớn giữa đông đảo công chúng Huế với nghệ thuật đương đại. Hầu như đứng trước một tác phẩm thuộc về nghệ thuật đương đại người xem khó có thể biết được thông điệp của tác phẩm. Khi người xem không tìm được điều tác giả muốn nói thông qua tác phẩm và tác giả thì không có những lý giải về thông điệp của mình thì liệu giá trị nhận thức và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm có tồn tại và phát huy được giá trị hay không?

Trước hết, nghệ thuật đương đại đòi hỏi người xem phải có một căn nền về mỹ học và triết học cũng như sự vận động trong tư duy thẩm mỹ của các trào lưu nghệ thuật trên thế giới. Nghệ thuật đương đại không vẽ lại nguyên xi hiện thực mà hướng tới những va chấn nằm sâu trong tiềm thức. Nghệ thuật đương đại khai phá những vùng hỗn độn trong chiều sâu nội tâm để lý giải những bề khuất lấp, những hoang tưởng, mơ tưởng, những ảo giác không thực. Nghệ thuật đương đại muốn đặt dấu chấm lửng hơn là đưa ra một kết luận. Thông qua những tác phẩm kiểu như vậy nghệ thuật đương đại muốn thông báo về một trật tự mới, trật tự siêu nghiệm trong vũ trụ nội cảm. Việc từ chối những hình tượng đã đông cứng trong tầng bao quát của lý tính đã tạo nên những dạng thức siêu hình tượng nằm sâu trong con mắt của tâm thức. Như vậy, ở đây, sự mô phỏng đã lùi bước trước trí tưởng tượng trong chiều sâu của tiềm thức.

Nghệ thuật trình diễn, sắp đặt ở Huế trong các kỳ Festival gần đây cũng khiến người xem rất khó có thể hiểu được thông điệp của các tác phẩm. Việc nghệ sĩ trưng bày xác chết của động vật trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, hay việc nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè trình diễn bằng cách uống máu, hay việc thử nghiệm với nhiều chất liệu và hình thể kỳ quặc của các nghệ sĩ trong cuộc Triển lãm Đồ họa không giới hạn khai mạc vào chiều 29/6 tại New Space Art Foundation, 15 Lê Lợi, Tp. Huế đều là những kiểu thực hành nghệ thuật khiến cho đông đảo người xem rất khó lý giải được vì sao chúng lại được gọi là nghệ thuật.

Có lẽ phải dừng lại ở những tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè, một trong rất ít những những nghệ sĩ đương đại ở Huế có sự cách tân mạnh mẽ trong cách thực hành và trong việc truy tìm ý tưởng. Lần tìm theo những chặng đường thực hành sáng tạo của nghệ sĩ này, chúng tôi nhận có những dấu hiệu trộn lẫn của ba khuynh hướng sáng tác mang màu sắc mới của ngôn ngữ thị giác. Đó là Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Arts), Nghệ thuật Trình diễn (Performance Arts) và Nghệ thuật Thân thể (Body Arts). Nếu đặt chúng trong tâm thức của nghệ thuật Hậu Hiện Đại (Postmodernism) để soi xét thì chúng ta mới thấy được những ngầm ẩn về mặt ý niệm trong những tác phẩm của người nghệ sĩ có nhiều ý tưởng mới mẻ này. Trước hết nghệ thuật sắp đặt luôn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố không gian. Có lẽ tác phẩm “Bánh Xe đạp” của họa sĩ Marcel Duchamp là một trong những tác phẩm khởi đầu cho loại hình nghệ thuật này. Nhìn chung nghệ thuật sắp đặt của Nguyễn Văn Hè là sự xóa nhòa những tính dị biệt giữa không gian trưng bày và không gian sinh hoạt. Nếu những nhà nghệ thuật khác luôn tìm kiếm không gian trưng bày mang tính sang trọng thì Nguyễn Văn Hè lại tìm tới những không gian gần gũi với đời sống hơn. Đó là sự dung hòa giữa tư duy của nghệ thuật hội họa và điêu khắc dựa trên những ý tưởng đột khởi. Căn nền của nghệ thuật Nguyễn Văn Hè thường được khởi đi từ những va chấn, những tiếng thét đớn đau của chiến tranh và những ẩn ức, những xung năng đôi khi không được giải phóng của con người hiện đại đang trôi vào những cơn đồng ốp, những chấn loạn điên cuồng tập thể. Đặc trưng trong tác phẩm  sắp  đặt  của  Nguyễn Văn Hè là chúng dựa trên sự bất định và hỗn hợp của vật thể, nó hoàn toàn khác với những  tác  phẩm  mang  tính khép kín và tính chỉnh thể. Đó là sự va đập, hỗn dung lẫn nhau giữa vật thể, âm thanh, ánh sáng, màu sắc,… Vì thế nó tác động lên hầu hết mọi giác  quan  của  người  xem. Hầu hết trong các tác phẩm của Nguyễn Văn Hè, người ta rất khó xác định ranh giới giữa sắp đặt, trình diễn và nghệ thuật thân thể. Qua những tác phẩm như Vòng vây, Thế trận, Thảm trắng, Cảm nhận, Khoảng trắng… của nghệ sĩ này, người xem hầu như bị dồn vào những trạng huống và những xúc cảm dường như không thể dùng ngôn ngữ để diễn giải được, đó là sự xô đẩy người xem vào cái mà Kant gọi là vùng mờ lý tính, đó là khoảnh khắc con người trôi vào sự siêu nghiệm, sự chập chờn giữa ranh giới thức và tỉnh.

Một hình ảnh trong tác phẩm Thế Trận của Nguyễn Văn Hè


Nghệ thuật trình diễn của Nguyễn Văn Hè cũng như những tác phẩm trình diễn khác luôn phải phụ thuộc vào các yếu tố như thân thể người nghệ sĩ, không gian, thời gian,... Những tác phẩm như Thế trận, Vòng Vây… đã thoát khỏi tính truyện thông thường như trong văn học, chúng hướng tới va đập giữa động tác thân thể người nghệ sĩ, vật thể, ánh sáng, hướng tới sự sản sinh ý niệm từ tính chất tạo hình chứ không nằm ở tính chất truyện kể. Điều thú vị nhất ở những tác phẩm của Nguyễn Văn Hè là ngay chính bản thân nghệ sĩ đã là tác phẩm hoặc là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm. Nhìn chung, nghệ thuật trình diễn không phải là một lĩnh vực dễ thực hành. Bởi nếu thiếu căn nền về mỹ học và kiến thức thực sự thì người nghệ sĩ dễ sa vào sự bắt chước, tạo ra những tác phẩm trắng, tác phẩm thiếu ý niệm và đôi khi chỉ là những màn giật gân thể hiện sự thiếu hụt trong việc làm chủ ý tưởng. Tác phẩm Thế trận của Nguyễn Văn Hè tuy là tác phẩm đương đại nhưng những hình ảnh như nghệ sĩ uống máu, máu loang khắp không gian và thân thể nghệ sĩ làm chúng ta liên tưởng tới sự hành lễ cổ xưa. Máu ở tác phẩm Thế trận trở thành biểu tượng của một ngẫu tượng nguyên sơ có nhiều giá trị biểu nghĩa ngầm ẩn. Máu ở đây là cái chết nhưng cũng là sự sống, sự tái sinh. Thậm chí nếu gắn kết với những nghi lễ khởi thủy thì máu trở thành vật dẫn linh hồn. Những tác phẩm này làm chúng ta liên tưởng tới những tác phẩm như Virgin Mary của Chris Ofili, Sausalito của Mapplethorpe hoặc những họa phẩm đứng về phía Mỹ học của cái xấu của Francis Bacon.

Hội họa của Nguyễn Văn Hè cũng là thế giới thú vị, hội họa của anh vừa biểu hình nhưng lại vừa diễn ý. Có lẽ cái mà họa sĩ hướng tới là chuyển tải những thông điệp về những vết thương trong tâm thức dân tộc đi qua nhiều năm tháng tuổi buồn chiến tranh. Không dễ để đi vào hội họa của Nguyễn Văn Hè bởi đó là sự dung hòa nhiều dấu vết của nhiều trường phái nghệ thuật. Nhưng có lẽ lối vào có khả năng vén mở là dựa trên những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật siêu thực và sự thăm dò tiềm thức, giải mã những giấc mơ mà phân tâm học đã mở đường từ trước. Đây là một bài viết mang tính khái quát, chúng tôi không có tham vọng đi sâu hơn vào thế giới hội họa của Nguyễn Văn Hè mà sẽ đi sâu vào thế giới hội họa của anh ở một bài viết khác.

Hình ảnh trong một tác phẩm của hai nghệ sĩ Thanh - Hải


Những năm gần đây, Trung tâm nghệ thuật New Space Arts (NSAF) do Thanh - Hải thành lập năm 2008 có một vai trò quan trọng đối với sự đổi mới trong nghệ thuật thị giác ở Huế. Những cuộc triển lãm tại trung tâm này hầu hết là những cuộc triển lãm mang màu sắc đương đại. Những cuộc triển lãm của các nghệ sĩ trong nước và các nghệ sĩ nước ngoài đã thổi một luồng không khí mới mẻ cho nghệ thuật nơi đây. Những tác phẩm, những cuộc trưng bày mang tâm thức mới, chuyển tải cách nhìn khác, cách lý giải khác về cuộc sống buộc người xem phải suy nghĩ và dần hướng tới việc phải chấp nhận những quan niệm mỹ học khác trong nghệ thuật. Các trường đại học của chúng ta đang có những khoảng cách khá lớn với những chuyển biển của nghệ thuật thế giới. Nếu các sinh viên Huế luôn có những rào cản với nghệ thuật, nghệ sĩ thế giới bởi phong văn hóa, chính trị xã hội, ngôn ngữ… thì trung tâm New Space Arts (NSAF) với tính chất hoạt động tự do lại có thể làm nhịp cầu để xóa nhòa những ranh giới này, nối kết các sinh viên nghệ thuật, những người đam mê nền nghệ thuật mới với các nghệ sỹ nước ngoài, từ đó nghệ thuật đương đại Huế có thể có được một căn nền vững chắc cho những khai phóng về sau. Và ngay chính Thanh - Hải cũng là những nghệ sĩ trình diễn và là những họa sĩ có những đột phá trong tư duy nghệ thuật.

Những cuộc triển lãm đáng lưu ý tại trung tâm New Space Arts (NSAF) là triển lãm Giao điểm của hai nghệ sĩ Eugene Jung và Kim Sung Mi (Hàn Quốc) và triển lãm Mẹ vợ của tôi của Trương Thiện…

Hình ảnh trong cuộc triển lãm Mẹ vợ của tôi của Trương Thiện


Trong triển lãm mang tên Mẹ vợ của tôi, có khoảng 200 bức ảnh được sắp xếp để nói lên một chủ đề rất quen thuộc đối với mỗi chúng ta, nhưng cũng rất độc đáo để nói lên một điều mà không phải tất cả chúng ta đều dễ nói. Đối tượng nghệ thuật ở đây cũng rất bình dị, đó là những tấm hình đen trắng, chụp trong các thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước, với khoảng hai trăm bức ảnh của nhiều nhân vật thuộc nhiều thế hệ trong nhiều gia đình về phía mẹ vợ của tác giả. Các bức ảnh nhỏ đó được để cẩn thận vào trong những chiếc khung nhỏ màu trắng bằng gỗ rồi đặt cạnh nhau. Cảm giác khi xem là sự bình dị, thân thương như chính mình đang chạm  vào   những di chỉ ký ức của mình, đang chạm vào đời sống của những gì đã  khép lại, và cũng đang chạm vào một đời sống mới được tái sinh của các nhân vật trong ảnh. Ng- hệ thuật đương đại là sự phá vỡ những quy tắc, những quan niệm nghệ thuật trong mỹ học truyền thống, hướng tới hoài nghi lý tính bằng những ý niệm mới lạ. Nghệ thuật đương đại trình ra những đối tượng mà ngay chính ngôn ngữ cũng không lý giải nổi, đó là sự chống diễn giải. Vì thế khi bước vào phòng triển lãm này nhiều người tự đặt ra những nghi vấn như, vì sao sự gần gũi mang màu sắc truyền thống này lại được cho là nghệ thuật đương đại. Nó không bội ước với mỹ học truyền thống, cũng chẳng thấy nó hướng đến hoài nghi cái gì cả. Cũng không thấy nó trình ra những gì đánh đố người xem. Vậy đâu là cái cớ để xếp tác phẩm này vào nghệ thuật đương đại khi chính đối tượng của nó lại thuộc về quá khứ, cái của ngày hôm qua?

Triển lãm Năng Lượng cố Đô vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 có sự gặp gỡ của 55 nghệ sĩ trẻ đến từ 17 tỉnh thành cả nước báo hiệu cho một sự đột phá thực sự trong tư duy sáng tạo của lớp họa sĩ trẻ hiện nay. Tại cuộc triển lãm, trong số 55 nghệ sĩ trên toàn quốc thì Huế đã góp mặt tới 20 với cảm thức và tư duy sáng tạo khác biệt. Đó cũng là điều khiến cho tiến sĩ Nora Taylor (Ban nghiên cứu nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Nghệ thuật Chicago, Hoa Kỳ) cho rằng: “Huế là nơi bắt nguồn cảm hứng cho sự khám phá, đổi mới và sự sáng tạo trong nghệ thuật ngoài những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Huế cũng là nơi tôn vinh nghệ thuật cùng với ý tưởng độc lập, tự chủ đã tạo nên một nền nghệ thuật sống động thâm nhập vào đời sống hiện nay. Những nghệ sĩ trẻ Huế là những người có óc sáng tạo và sự cá biệt nhất Việt Nam…”.

Đông đảo người xem ở Huế cũng đứng trước những cảm xúc trái chiều trong lĩnh vực nghệ thật rất mới mẻ ở Huế hiện nay là nghệ thuật Video art. Video art đã trở thành một bộ môn nghệ thuật với nhiều nghệ sĩ thực hành và đã đạt nhiều thành tựu ở phương Tây cuối thập niên 1960. Tất nhiên, cho đến hiện tại nó vẫn là một lĩnh vực nghệ thuật xa lạ với công chúng Việt Nam. Sự xa lạ đó có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do khoảng cách về tư duy nghệ thuật của chúng ta so với thế giới, sự chi phối của xã hội đối với khả năng khai phá và ý chí vượt lên để tìm đến những đề tài mang tính cấm kị. Triển lãm Video art Góc nhìn khai mạc vào ngày 6/9/2014 tại New Space Arts Foundation, Huế là một sự kiện đáng để chú ý về loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Góc nhìn gồm nhiều tác phẩm của nhiều nghệ sĩ như Nguyễn Trinh Thi, Trần Lương, Lê Quang Định, Nguyễn Như Huy, Đặng Hoàng Anh, Thanh - Hải, Phan Lê Chung, v.v.

Nhìn chung các tác phẩm thuộc nghệ thuật video art này đã rời xa tính mạch lạc trong sự di chuyển của hình ảnh và các góc độ quay. Đó như là sự đuổi bắt của nhiều hình ảnh nối tiếp nhau, những hình ảnh được lấy ra dường như từ nguyên mẫu khách quan. Tác giả đang cố đưa lên màn ảnh những nhát cắt, những mảnh vỡ nhỏ lẻ của thực tại để đi đến một ý đồ biểu nghĩa, một ý niệm ẩn giấu nào đấy trong việc khắc họa cuộc sống đương đại. Tác phẩm không còn là bản sao của sự mô phỏng thực tại mà thông qua những hình ảnh, góc nhìn, tác động của âm thanh,... nó đi sâu tác động và tham vọng chạm được những tầng cảm xúc sâu kín mà ngày thường khó tìm thấy ở người xem. Đó là thế giới hoang tưởng, thế giới của những ảo giác nhưng mang tính dự tưởng, khiêu khích thị giác vươn tới những trạng huống mà chính ngôn ngữ cũng trở nên tê liệt trong việc gọi tên chúng.

Đặc trưng của nghệ thuật đương đại là hướng tới tự do cá nhân, nên sự tung tẩy trong việc thể nghiệm ý tưởng đều được người nghệ sĩ đẩy đi xa nhất có thể. Vì thế tác phẩm không mang tính khép kín hay lộ rõ ý nghĩa của nó như trước đây. Ngược lại, tác phẩm là một thế giới mở, mặc sức lý giải, người đọc, người xem có quyền cấp nghĩa có tác phẩm theo sự cảm nhận cũng như kiến thức mà mình có được thông qua sự nhận biết về tri thức khách quan.

Sự triển nở vô tận của nghệ thuật đương đại khiến người ta khó lòng nhận biết sự rạch ròi giữa các khuynh hướng bởi qua cách thực hành của các nghệ sĩ thì những đặc trưng khác nhau của từng khuynh hướng dường như lại có sự xuyên thấu lẫn nhau. Qua những tác phẩm thuộc về trình diễn, sắp đặt, video art ở Huế,…, đôi khi chúng ta thấy nghệ sĩ ngày nay đang muốn kết nối với huyền thoại thông qua những tác phẩm mang màu sắc của lễ nghi tôn giáo, đậm chất tâm linh và khơi gợi không khí hư ảo nhằm gọi tên những khoảng không gian trong tiềm thức. Hơn nữa, đối với nghệ sĩ Do Thái Ukeles thì “tôi tin rằng con người có năng lực sáng tạo vô tận đối với những hình ảnh mang tính thần thánh”. Đem phế thải để tạo nên những tác phẩm sắp đặt đầy chất thơ cũng là hướng đi được nhiều nghệ sĩ theo đuổi. Cũng khó có thể chỉ ra đâu là ý niệm hay những sắp đặt từ rác này có ý nghĩa gì. Có lẽ họ đang nỗ lực cho một cuộc hôn phối giữa những phế thải vô nghĩa, sần sùi, tạm bợ với tính chất trữ tình lấp lánh bởi sự tương tác giữa không gian, ánh sáng và dựa vào những diễn giải chủ quan của người nghệ sĩ… Sự nối kết, đặt vào nhau những hình ảnh không thuộc trường với nhau rồi cho chúng va đập với nhau, hỗn dung lẫn nhau cũng là những gì người ta thường thấy ở trong tác phẩm video art. Có lẽ chúng ta cần chú ý tới một kiểu dạng hiện thực mới, một thứ hiện thực đã bị đánh mất gốc rễ, đã trở nên vỡ vụn, xé lẻ và đầy sự thách thức thị giác bởi tính chất hỗn độn của chúng. Đó là hiện thực thậm phồn trong nghệ thuật hậu hiện đại.

Làm sao để nối gần khoảng cách giữa công chúng với nghệ thuật đương đại là một việc làm không dễ. Chúng ta đang thiếu một nền tảng giáo dục thẩm mỹ có chiến lược trầm trọng. Việc người xem không tìm được những ý nghĩa ẩn sau những kiểu thực hành nghệ thuật hiện nay đó là vì họ đã quen với những quan niệm thẩm mỹ truyền thống, khó lòng tự mở rộng sự nhận biết của mình trước những thay đổi liên tục của thế giới trong quan niệm về cái đẹp và giá trị của cái đẹp ở thế giới phẳng ngày nay.

Nếu như trước đây, nghệ thuật Huế đã có một thời kỳ rực rỡ với những tên tuổi đã cống hiến cho mảnh đất này như Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Hoàng Đăng Nhuận, Vĩnh Phối,… thì ngày nay, trước tâm thức thời đại mới, nền nghệ thuật trẻ Huế đang từng bước dò tìm, và đang thực sự khẳng định được mình trên toàn quốc.

Lớp họa sĩ trẻ hiện nay ít chịu sự níu kéo của ký ức như lớp họa sĩ trước. Họ mạnh dạn hơn trong cách phá vỡ những hình tượng cũ, hướng đến diễn tả một tâm thức đương đại mới mẻ, hướng tới biểu tả những ý niệm không dễ tri nhận. Họ không còn bị gò ép trong công thức mô phỏng, họ hướng tới những hình tượng hàm ý thách thức quan niệm thẩm mỹ truyền thống. Bằng sự bóp méo hình thể, họ lên án cuộc sống hiện tại lắm điều thị phi, phản ánh cuộc sống của những con người bé mọn bằng những hình ảnh đôi khi khắc khổ, u trầm, đôi khi mỉa mai, chua chát và giễu cợt.

Và tất nhiên không thể không nói tới những giới hạn của các nghệ sĩ trẻ Huế hiện nay. Những thử nghiệm tiền phong của chúng ta đang quá nặng về hình thức và sự sao chép. Hình thức trong xu thế chống diễn giải có vai trò thiết yếu của nó nhưng không phải là một lớp hình thức tạm bợ, bắt chước mà là hình thức hướng tới làm nền tảng để xâu chuỗi và làm bệ phóng cho ý niệm. Rất nhiều tác phẩm trình diễn, sắp đặt mới chỉ là hình thức, mới chỉ dừng lại ở sự bắt chước đâu đó một cách hời hợt và ngô nghê. Thực sự những kiểu thực hành đó thiếu vắng tâm thức đương đại, thiếu chiều sâu về ý niệm chứ chưa nói gì tới việc khai sinh ra những hình thể, những trạng huống loan báo về một cái khác của mỹ học một cách bài bản, có hệ thống, có triết thuyết và có thông điệp. Thiết nghĩ, để có được một căn nền về mỹ học, triết học, văn hóa học, biểu tượng học, dân tộc học, tâm lý học,… vững chắc cho những khai phóng trong nghệ thuật đương đại để những nghệ sĩ trẻ thực sự làm chủ được chính mình không phải là một điều dễ dàng. Nhưng có lẽ, hi vọng là một điều chúng ta nên hào phóng, chúng ta vẫn sẵn sàng chờ đợi những vụ mùa rực rỡ về sau.

L.M.P
(SH311/01-15)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chiếc áo (02/02/2015)
Hồng hoang biển (29/01/2015)