Tạp chí Sông Hương - Số 34 (T.11&12-1988)
Tạp chí "The Times" đã từ chối đăng bức thư của nhà văn Graham Greene
16:28 | 02/04/2015

Hơn 50 năm vừa viết văn vừa làm báo đã làm cho nhà văn Graham Greene trở thành một người nói tiếng nói của quần chúng trên thế giới.

Tạp chí "The Times" đã từ chối đăng bức thư của nhà văn Graham Greene
Nhà văn Graham Greene - Ảnh: internet

Trong nhiều năm tác giả của những cuốn tiểu thuyết "Người Mỹ Trầm Lặng" và "Quyền Lực và Danh Dự" đã lấy đề tài từ châu Mỹ La Tinh, châu Á và châu Phi. Sau chuyến viếng thăm lần thứ ba đến Nicaragua và chuyến viếng thăm mới đây đến châu Mỹ La Tinh, Greene đã viết về văn chương, chính trị và tôn giáo trong những tác phẩm của mình ở lứa tuổi 80. Dưới đây là bài phỏng vấn của phóng viên tờ El País Diario (Argentina) với nhà văn Graham Greene.


P.V: Ông đã đến Nicaragua ba lần. Điều gì đã quyến rũ ông đến với đất nước này vậy? Chắc là ý tưởng để ông viết một cuốn tiểu thuyết?

G.G: Không. Đó không phải là vấn đề. Ở bất kỳ nơi nào tôi đến, tôi cũng nhìn vào con người, các thành phố và những đất nước trong một cách mà nó có thể bao hàm trong một tác phẩm văn học. Nhưng bối cảnh là một chuyện còn ý tứ lại là một chuyện hoàn toàn khác. Tình tiết hoặc chủ đề của một cuốn tiểu thuyết không cần thiết phải được phát triển trong suốt chuyến đi, mặc dầu điều ấy vẫn thường xảy đến cho tôi. Nói chung, tôi không bao giờ tự đặt ra cho mình cái mục tiêu phải trở về với một cuốn tiểu thuyết: một ý đồ như thế sẽ làm cho tôi tê liệt và buộc tôi phải tiếp cận "văn chương" với kinh nghiệm của mình cũng như với những người mà tôi tiếp xúc. Tôi thích ghi lại những ấn tượng của mình, những điều mà lúc đó được dùng để viết những bài báo về chuyến đi, trong nhật ký của tôi.

P.V: Gần 50 năm đã trôi qua giữa những chuyến đi Mehico và Nicaragua của ông. Cuốn sách nào trong "Loạt sách về Châu Mỹ La Tinh" mà ông cảm thấy là thành công nhất, và cuốn nào thì ông cho là thất bại?

G.G: Hãy để cho đọc giả phán xét mặc dầu tôi không tiết lộ quan điểm của tôi như một tác giả. Tôi nghĩ cuốn "Viên Lãnh sự Danh Dự" là cuốn hay nhất. Tôi ít bằng lòng hơn với cuốn "Biết về Vị Tướng", nhưng điều này cũng có nhiều lý do. Bốn chuyến đi Panama không những chỉ cung cấp cho tôi những tình tiết văn chương mà nó còn chế ngự được tôi. Nhưng ở cái tuổi 80 bạn sẽ tự hỏi là không biết bạn có còn đủ thời gian và sức mạnh để viết một cuốn tiểu thuyết dài không? Tôi không muốn để một tác phẩm dở dang vì thế mà tôi tìm cách thoái thác. Tôi quyết định dùng thể loại tư liệu và tiểu sử, miêu tả cái cách mà những ý tứ văn chương đã dần dà phát triển trong người tôi. Cuốn sách này vừa có phần giống như một cuốn hồi ký vừa giống như một cuốn sách về du lịch. Nó hoàn toàn không phù hợp với cách viết của tôi và tất nhiên, nó không phải là một cuốn tiểu thuyết, mặc dầu tôi phải mất hai năm để viết. Đó là tất cả lý do khiến tôi không muốn dự liệu trước bất cứ một trường hợp nào ở Nicaragua. Tôi đã yêu đất nước này. Tôi hiểu người dân và cách họ sống, tôi ngưỡng mộ cuộc đấu tranh của họ. Tôi cảm thấy, có trách nhiệm phải đưa ra trên mặt báo một sự minh chứng về những gì tôi đã chứng kiến. Không cần thiết nó phải là một cuốn tiểu thuyết, mà chỉ cần nó mà một bản tường thuật phản ảnh một lập trường trong sáng.

P.V: Ông đã nhận lời mời của chính phủ các nước tự giải phóng khỏi các chế độ độc tài và của các lực lượng quốc gia tự do chống độc tài. Thế ông có cảm thấy ông là một quan sát viên về mặt xã hội đối với bước phát triển của tình hình Trung và Nam Mỹ, một quan sát viên hoạt động nhân danh Châu Âu không?

G.G: Tại sao lại là châu Âu? Tại sao lại không là của Tư tưởng thế giới? Dĩ nhiên việc ấy không phải là một cái tước vị nhiều người có thể chia sẻ một cách công bằng. Nhưng bỏ qua tất cả những chuyện đó, tôi tin rằng quyền lợi của các nước phải được tôn trọng, đặc biệt là quyền tự do dân tộc và sự chọn lựa một chính thể bảo đảm tôn trọng danh dự quốc gia. Tôi đã viếng thăm Panama lần đầu tiên vào năm 1976 do lời mời của tướng Torrijos, nhân đó, chính vị tướng này đã giới thiệu tôi với các lãnh tụ Xanđinô hồi đó đang sống lưu vong. Cái chết của vị tướng ấy trong một tai nạn máy bay vào năm 1981 làm tôi xúc động mạnh. Có thể nghi ngờ rằng đó là một hành động tội ác có tính toán trước hay không?. Tôi cảm nhận, mà không hề phân vân, rằng Torrijos là một con người xã hội chủ nghĩa chân chính. Bây giờ chúng ta chỉ có thể suy đoán về bước phát triển chính trị tất yếu của ông, nhưng điều rõ ràng là nó không phù hợp với những thế lực phản động trong nước hoặc đế quốc Mỹ. Tướng Torrijos chắc chắn trở thành một khuôn mặt quan trọng thứ nhì ở châu Mỹ La Tinh, sau Fidel Castro. Nhưng thay đổi về kinh tế - xã hội bắt đầu dưới thời Torrijos đã để lại tiếng vang trên lục địa và nó còn thực sự là một mối đe dọa lớn cho sự thống trị của chế độ độc quyền Mỹ ở trong vùng, hơn là đối với sự mất quyền kiểm soát con kênh đào nối hai bờ châu Mỹ.

P.V: Báo chí Mỹ nhắc đi nhắc lại rằng không có quyền tự do công dân cũng như quyền tự do chính trị ở Nicaragua, cũng không có tự do tín ngưỡng. Ông có ý kiến gì sau những chuyến tham quan đất nước ấy?

G.G: Điều đó cũng dối trá tương tự như lời tuyên bố của Washington rằng Nicaragua cung cấp vũ khí cho quân du kích En-xanvađo. Các chiến sĩ du kích Xanvado có được vũ khí là nhờ lấy được từ các lực lượng của chính phủ, và do đấy, tất cả vũ khí ấy đều được chế tạo ở Mỹ! Điều độc đáo về cách mạng Nicaragua là sự trung thành với ba nguyên tắc: kinh tế hỗn hợp, chủ nghĩa đa nguyên về chính trị và không liên kết. Người ta không nói đến việc biến cuộc cách mạng ấy thành một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng họ luôn luôn nhấn mạnh đến bản chất chống chủ nghĩa tư bản của nó. Cũng cần phải nói rằng trong những cuộc tuyển cử vào tháng Tám năm 1984, hai phần ba dân Nicaragua đã bỏ phiếu cho mặt trận Sandinô. Nền dân chủ của Nicaragua còn non trẻ, và bị buộc phải đương đầu với mối đe dọa can thiệp từ nước ngoài và đánh trả những cuộc tấn công liên tục của bọn Contras.

P.V: Việc liều lĩnh can thiệp của nước ngoài nghiêm trọng như thế nào?

G.G: Dùng lính đánh thuê, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống lại Nicaragua. Nếu vì một lý do nào đó mà từ nầy bị loại bỏ, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ được miêu tả như chính sách khủng bố dân tộc. Nếu như tổng thống Mỹ không ưa cuộc cách mạng Nicaragua và nền dân chủ của đất nước ấy, thì điều ấy cũng không đủ làm cơ sở để chính phủ Mỹ cung cấp tài chính, huấn luyện bọn Contras và sử dụng chúng như những thí vật trong các cuộc tấn công ăn cướp để chống lại nền Cộng hòa trẻ tuổi. Ông sẽ nhớ lại rằng mùa xuân năm ngoái các nhà lãnh đạo phương Tây ở một cuộc gặp gỡ truyền thống của "Bảy nước lớn" đã chấp thuận một bản tuyên bố chống "chủ nghĩa khủng bố quốc tế". Rõ ràng đây là một nỗ lực nhằm biện minh cho việc ném bom và gửi các lực lượng trừng phạt đến Nicaragua. Ý đồ là san bằng những phong trào giải phóng dân tộc bằng chính sách khủng bố. Để trả lời cho bài phát biểu của hội nghị "Bảy nước lớn" ở Tokyo, tôi đã gửi một bức thư đến tạp chí "The Times" phản đối quan niệm về chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, bức thư của tôi đã không được đăng.

P.V: Thế Ban biên tập tờ "The Times" đã giải thích việc từ chối ấy như thế nào?

G.G: Không hề có lời giải thích nào cả. Ông chủ bút chỉ nói rằng bức thư hay, và những sự kiện trong thư làm người ta phẫn nộ nhưng ông ta sẽ chẳng đăng bức thư ấy. Dĩ nhiên là tôi đã đăng bức thư ấy ở một nơi khác. Đây là một sự vi phạm hai nguyên tắc cùng một lúc: nhân quyền và quyền tự do báo chí. Đó là điều xảy ra khi quyền lợi của đất nước bị chà đạp. Đó là lý do tại làm sao không nên ỉm đi những thứ như "chủ nghĩa khủng bố" và cái gọi là "những cuộc chiến tranh nhỏ". Đó là lý do khiến gần đây tôi gia nhập hội Đoàn kết với nhân dân Nicaragua ở Anh.

P.V: Cách mạng Nicaragua còn độc đáo bởi vì sự cùng tồn tại giữa những người Xan-đi-nít và những người theo đạo Thiên chúa, và độc giả nhìn ông như một nhà văn thiên chúa giáo.

G.G: Ồ không! Đúng tôi là một nhà văn Thiên chúa giáo. Nhưng lại là một tín đồ Thiên chúa bất - khả - tri.

P.V: Nhưng "Quyền Lực và Danh Dự" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã đưa lại cho ông một uy quyền nào đó và một lời đồn đại rằng ông là người đi tìm sự thật.

G.G: Trong gần 30 năm cuốn tiểu thuyết ấy ở trong danh mục những cuốn sách bị Giáo hội La Mã cấm. Khi Giáo hoàng Paul đệ lục (Paul VI), không hề biết chuyện này, cho tôi có dịp hội kiến, đã nói rằng "Quyền Lực và Danh Dự" là một trong những cuốn sách mà ông thích. Lúc ấy tôi nhắc lại cho Giáo Hoàng rằng Tòa Thánh đã cấm cuốn sách ấy. Giáo Hoàng trả lời rằng một vài tín đồ thiên chúa ắt đã phản đối những cuốn sách của tôi nhưng tôi không nên quan tâm về việc ấy.

P.V: Ông đã viết và xuất bản hầu như cùng lúc những tác phẩm "Ngài Quixote" và "Bác sĩ Fihsen ở Geneva" hay "Đảng Bom", nhưng những tác phẩm mà ngay cái tựa đề của nó đã cho thấy rằng những biến cố được miêu tả là ở Thụy Điển. Có phải điều nầy có nghĩa là ông sẽ đề cập tới chủ đề Châu Âu nữa hay không?

G.G: Thực sự tôi chưa bao giờ ngừng tay về việc ấy. Những cuốn sách của tôi về Châu Mỹ La tinh phản ánh một vấn đề với những căn nguyên từ Châu Âu. Hãy để tôi giải thích. Tuổi trẻ của tôi đã trôi qua trong giai đoạn 1911 và 1933 lúc mà nền hòa bình êm ả nhất trong lịch sử châu Âu thắng thế. Những cuốn sách đầu tiên của tôi đã không thành công và điều ấy có thể đã là lý do tại sao tôi không thích thú với các chủ đề về Châu Âu nữa, và tôi bị quyến rũ vào việc đi du lịch đến các đất nước xa xôi và chưa ai biết đến để tự mình được nhìn thấy. Lúc ấy tôi kết luận được rằng Châu Âu, vùng đất đã sản sinh chủ nghĩa quân phiệt và phải trả giá hàng triệu sinh mạng con người để đánh bại nó, như thể rằng nó đã san sẻ dòng máu bẩn thỉu của nó cho phần còn lại của thế giới. Chủ nghĩa khủng bố trong thời đại của chúng ta chính là di sản của Hitler. Nếu như thế giới ngày nay không còn thấy kinh hoàng trước nhưng cuộc tàn sát người Palestine ở các trại Sabra và Chatila ấy cũng bởi đã từng có những biến cố như thế xảy ra trước đó ở Buchenwald và Auschwitz. Chất độc đã ngấm sâu, đặc biệt vào Châu Mỹ La Tinh: Trước hết, vì đó là vùng đất mà hầu hết những tên quân phiệt tội phạm chiến tranh chạy sang ẩn trốn, và thứ hai nữa, bởi vì đó là nơi mà Đế Quốc Mỹ có "những quyền lợi thiết thân". Tôi thấy khó mà quay trở lại với cái Châu Âu mới mẻ, sạch sẽ và được chăm sóc cẩn thận, một Châu Âu sau khi chữa lành những vết thương, đã trở thành kẻ mất hết ký ức. Tôi đặc biệt thích thú những đất nước mà hoàn cảnh chính trị là một sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Tóm lại, không phải bàn cãi về điều kiện địa lý trong những chủ đề của tôi, nhưng cách giải quyết vấn đề nằm ngay trong quy ước về các giới hạn địa lý. Thế thì nói chung trong văn học chúng có tồn tại hay không?

LÊ HÙNG VỌNG dịch
(Theo tạp chí El Pais Diario, Angentina)
(SH34/12-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng