CẢM THỨC VĂN NGHỆ (tiểu luận, tùy bút), tác giả Vĩnh Nguyên, Nxb. Thuận Hóa, 2014.
Thông qua ấn phẩm này, Vĩnh Nguyễn cho rằng: “Không thể nào xóa đi lòng tốt của nhân dân, những người quả cảm, trung thực, nói thẳng nói thật và dám chịu trách nhiệm những gì họ đã nói, đã làm, đã dám mất mạng sống vì người khác, thì không thể xóa mà cần phải quảng bá và tôn vinh họ...”. Bao gồm mười tám tiểu luận, Cảm thức văn nghệ là mười tám góc nhìn khác nhau về cuộc sống, về nghệ thuật. Qua những lý giải, phân tích bằng cái nhìn rất riêng, người đọc có dịp cùng với Vĩnh Nguyên đi vào thế giới thi ca của nhiều tác giả khác nhau. Ngòi bút của Vĩnh Nguyên luôn đi ra từ những sự kiện có thật rồi tứ đó bằng tâm thức của người nghệ sĩ, ông mới truy tìm những ẩn chứa, những điều cần làm sáng tỏ, cần được đồng sáng tạo đối với đối tượng mà ông hướng tới.
TÁC PHẨM TRONG NĂM 2014 (nhiều thể loại), Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế thực hiện. Ấn phẩm này là bức tranh khá toàn cảnh về sáng tạo của các nhà văn Thừa Thiên Huế trong năm 2014. đây là tuyển tập hợp nhiều bài bút ký, văn xuôi, thơ, phê bình... Mỗi thể loại là một góc nhìn khác nhau về cuộc sống của người cầm bút xứ Huế. Một số tác phẩm trong đó là kết quả từ những đợt các nhà văn thâm nhập thực tế sáng tác gắn liền với tình hình cuộc sống, tình hình biển đông trong năm qua; những tác phẩm đi ra từ trái tim yêu Tổ quốc thiết tha, cùng hướng tới một thế giới hòa bình.
ĐỪNG MƠ TỪ BỎ SÁCH GIẤY (đàm luận), tác giả Jean - Claude Carriere và Umberto Eco, Hoàng Mai Anh dịch, Công ty Sao Bắc Media phối hợp với Nxb. Grasset & Fasquelle, 2014. đây là cuộc đàm luận giữa hai học giả hàng đầu thế giới hiện nay là Jean - Claude Carriere và Umberto Eco với sự dẫn dắt của Jean Philippe de Tonnac. Với kiến văn vô cùng uyên thâm của các học giả, người đọc sẽ được dẫn vào một thế giới rộng lớn về kiến thức thuộc những thời kỳ lịch sử và những phạm trù khác nhau. Trong đó, vấn đề số phận của sách in trong xã hội kỹ thuật số như thế nào sẽ được soi chiếu giới nhiều góc cạnh. Và chúng ta có được một kết luận rằng đừng bao giờ mơ tưởng tới việc từ bỏ sách giấy bởi có nhiều nguyên do khác nhau. Theo Claude Carriere thì một cuốn sách có giá trị luôn luôn sống, nó lớn lên và già đi cùng với chúng ta, nhưng không bao giờ chết. Còn đối với Umberto Eco thì sách giấy cũng như cái thìa vậy, một khi đã được tạo ra rồi thì khó mà có thể tốt hơn nữa.
MỘT GIỌT TỪ SỰ ĐỌA ĐÀY (Chuyên luận), tác giả Hamvas Béla, Nguyễn Hồng Nhung dịch, Nxb. Tri thức, 2014. Công trình này là sự góp mặt của hai mươi tiểu luận triết học của một tác giả được đánh giá là một trong những nhà văn, nhà triết học vĩ đại nhất của châu Âu thế kỷ XX và trong nền văn hóa Hungary. Lối viết tiểu luận của Hamvas Béla không quá lý tính để dẫn tới sự khô khan và đó là sự hòa quyện giữa tư duy của một nhà triết học và sự mềm mại, bay bổng trong ngôn ngữ của một nhà văn, nhà nghệ sĩ lớn. Sự kết hợp giữa kiến văn sâu rộng với tư duy nhạy bén và tính chất mơ mộng của nghệ sĩ đã khiến Một giọt từ sự đọa đày trở nên quyến rũ lạ thường. Thông thường, những triết gia, những nghệ sĩ kinh điển phải là những người có số phận bi đát, Hamvas Béla cũng không phải là ngoại lệ. Bởi sự phản tỉnh của ông trong thời đại mà mình lưu trú, sự tiên phong trong ý thức tìm kiếm tự do, khai mở những con đường mới cho nghệ thuật, dám gây hấn với đám đông đồng dạng đã tất yếu dẫn tới một cuộc đời đầy thăng trầm của ông.
PHÁP ÂM VI DIỆU (Kinh Pháp Cú), Tâm Huệ - Nguyễn Thị Mỹ Lý chuyển thơ, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Kinh Pháp Cú - những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế, việc biên dịch nghiên cứu và dịch thơ Kinh Pháp Cú ở Việt Nam đã có nhiều người thực hiện và đã đạt được nhiều thành tựu như Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thiện Châu, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh... Theo đánh giá của Hòa thượng Thích Chơn Tế thì bản Pháp Âm Huyền Diệu mà Phật tử Tâm Huệ chuyển thơ Kinh Pháp Cú là một bản Thi Kinh Pháp Cú hay và có nhiều đóng góp mới vì đây là bản đầu tiên thi hóa Kinh Pháp cú Hán Tạng 39 phẩm thay vì hai mươi sáu phẩm như xưa nay theo bản Pali Tạng.
KHÚC DU CA SỐ PHẬN (thơ), tác giả Tương Giang, Nxb. Hội Nhà văn, 2014. Tương Giang tên thật là Nguyễn Thị Anh Đào. Thơ Tương Giang được cấu nên bởi những ý thơ trong trẻo và lớp ngôn từ giản dị, không khoa trương vì thế thơ trở nên dễ đi vào lòng người bởi những ý tứ về tình yêu về sự cảm nhận cuộc sống nhiều màu sắc. Sự tinh tế trong việc chụp bắt những khoảng khắc đẹp để cho những hình ảnh đẹp được hình thành cũng là một trong những thành công của tập thơ này. Theo Trần Dzạ Lữ thì thơ Tương Giang cũng như con người cô, luôn phết lên vẻ bướng bỉnh, ương ngạnh, phớt đời nhưng lại là một trái tim nhân hậu và dễ mềm lòng nhất...
(SH312/02-15)