Tạp chí Sông Hương - Số 313 (T.03-15)
Chiến tranh “Như đâu đó hình bóng người phụ nữ ta yêu”: đọc M.Proust và Bảo Ninh
15:32 | 23/03/2015


FANNY DAUBIGNY

Chiến tranh “Như đâu đó hình bóng người phụ nữ ta yêu”: đọc M.Proust và Bảo Ninh
TS Fanny Daubigny - Ảnh: internet

Lời dẫn của người dịch

Chiến tranh với châu Âu, đã lùi xa vào dĩ vãng, trở thành ký ức, đề tài nghiên cứu lịch sử hay văn học. Chiến tranh, với đất nước Việt Nam, một phần nào đó đã là quá khứ, nhưng có những mất mát về con người, về tinh thần vẫn ẩn náu đâu đó trong nỗi nhớ, nỗi ám ảnh, nỗi buồn chiến tranh đau đáu dai dẳng... Người Việt Nam tự hào với lịch sử những cuộc chiến chống ngoại xâm giành độc lập, nhưng đồng thời cũng thấm thía với kinh nghiệm những mất mát tột cùng do chiến tranh gây ra. Văn học có chủ đề hay bối cảnh chiến tranh hiển nhiên đã nằm trên lộ trình văn học người Việt, vốn từ lâu quen thuộc ru lòng theo một Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn hay Hòn Vọng phu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Lý do dẫn đến chiến tranh nơi này nơi kia có khác, rất khác, nhưng tiếp sau sự bùng phát xung đột là hậu quả tang thương nơi chiến địa, mất mát đau khổ nơi hậu phương, mãi mãi là sự nhân bản vô hồn muôn đời của cảnh gươm đao tên bay đạn lạc...

Viết như thế nào đây về chiến tranh, là một hoàn cảnh bất thường hay không thể xem là bình thường cho thân phận người? Khi thân phận người ở đây đa phần vốn chỉ là những người nông dân bình dị quen việc đồng áng, là những công nhân thợ thuyền quen với nhịp sống nhà máy, khiêm tốn với thu nhập ít ỏi chỉ mong sao đủ ăn? Rất nhiều người lính châu Âu, vốn chỉ là nông dân hay công nhân, tham gia Thế chiến thứ Nhất một cách ngỡ ngàng, một cuộc chiến thảm khốc mà sớm muộn họ cũng ý thức là không do họ và vì họ... Thậm chí không phải vì Tổ quốc mà họ buộc hy sinh: cuộc chiến đã bùng nổ từ những sự tranh chấp sắp xếp lại về địa chính trị hay ngấm ngầm tranh dành nguồn tài nguyên cho tăng trưởng công nghiệp.

Vậy viết như thế nào đây? Và ngay cả những người may mắn sống sót trở về lành lặn thì cũng đã để lại một phần không nhỏ linh hồn của mình nơi chiến địa, nơi những bạn bè đồng đội đã vĩnh viễn yên nghĩ. Ai muốn viết? Ai được quyền viết? Ai có khả năng viết? Sẽ muốn viết về mặt nào đây của chiến tranh? Sẽ buộc viết như thế nào đây? Viễn ảnh hay mục đích nào cho ngòi bút khi đề cập chiến tranh?

Và trước cái chết hay giữa cái sống và cái chết, người buộc cầm súng phải nghĩ gì? Trong và sau cái chết thì người lính có thể nghĩ gì? Nghĩ đến ai, hình bóng thân thương nào khi mỗi phút giây nơi trận mạc có thể là phút giây cuối cùng bên đồng đội?


Ngòi bút nào có thể lột tả được chân thật thân phận tâm tư người lính?

TS Fanny Daubigny, giảng viên đại học Fullerton (Los Angelès, Mỹ) trong thời gian lưu trú tại Huế, có một buổi nói chuyện tại Viện Pháp (Institut Français) với đề tài “Viết như thế nào đây về những cuồng nộ của chiến tranh?”. Sau nhiều lần trao đổi về một đề tài rất gần gũi với độc giả Việt Nam, cô Fanny Daubigny đã đồng ý viết lại đề tài và nêu ra thêm những tương đồng với một nhà văn Việt Nam, trường hợp Bảo Ninh qua tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Được sự đồng ý của tác giả, dịch giả xin phép phổ biến đề tài với bản dịch sau đây. Chân thành cám ơn sự quan tâm góp ý của độc giả.

Paris 1994 - Huế 2014
Lê Đức Quang


                Có biết chăng trong mỗi hành động của ta,
                toàn bộ sử mệnh như cô đọng tái diễn?
                                   (Friedrich Nietzsche)
 

Triết gia F.Nietzsche chẳng đã cảnh báo chúng ta: lịch sử ẩn tàng, ám ảnh trong mỗi con người, để rồi có cơ tái diễn.

Vào thời điểm nhiều nơi tại châu Âu và nước Mỹ đã bắt đầu những lễ kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ Nhất bùng nổ (1914 - 1918) thì tình hình thế giới năm 2014 lại như rất kề cận với một trận thế chiến mới với những điểm nóng như Ukraina hay giữa Israel và Palestine.

Xét ở khía cạnh nào đi nữa, lịch sử, địa lý hay tính biểu tượng, chiến tranh, ngay đang giữa thời bình, vẫn là một chủ đề mang tính thời sự. Tại Pháp, tính thời sự của chiến tranh đang bộc lộ thông qua nhiều hội thảo, triển lãm, công chiếu phim tài liệu, ấn phẩm: mỗi hình thức có liên quan đều như mong muốn góp sức vào sự soi rọi rõ hơn về trận thế chiến đầu tiên của loài người. Một thế chiến, theo như cách nói của nhà thơ Paul Valéry, đã nhắc nhở chúng ta trong kinh hoàng rằng “những nền văn minh chúng ta đang trải nghiệm cũng có lúc cáo chung”.

Một thế kỷ đã trôi qua, và vào năm 2013, văn đàn nước Pháp lại vẫn như tiếp tục tưởng nhớ đến cuộc chiến khi trao giải Goncourt cho một tác phẩm dám đề cập sự điêu tàn về chính trị và đạo đức ngay sau khi cuộc chiến kết thúc(1). Cuộc chiến 1914 - 1918 đã trở thành một chủ đề hấp dẫn mọi người: bằng chứng là nhiều bộ truyện bằng tranh theo chủ đề này rất thành công trong giới trẻ vốn chẳng hề có kinh nghiệm hay kinh qua chiến tranh(2). Tác phẩm của J.Tardi được giới phê bình hết lòng ca tụng và trở thành một mẫu mực của thể loại truyện tranh.

Năm nay 2014, chiến tranh đã như trở thành một chủ đề huyễn tưởng [ở các nước châu Âu], thế nhưng chưa bao giờ chiến tranh lại như rất kề cận chúng ta như lúc này. Khởi thủy, về chiến tranh, như đã có sự câm nín của thế hệ đầu tiên, thế hệ những con người đã tham gia vào cuộc chiến, chẳng thể thốt ra lời và mãi nín lặng trong kinh hoàng. Tiếp đến là thế hệ nhân chứng: những con người đã có thể và biết cách nêu ra những câu hỏi trước sự im lặng của thế hệ đi trước. Sau cùng là thế hệ của chúng tôi, của chúng ta, vẫn còn lưu giữ ký ức và con đường huyễn tưởng là thực tại duy nhất khả dĩ làm chứng tích về cuộc chiến.

Theo như giáo sư Antoine Compagnon đã đề cập trong một bài giảng tại Collège de France (2013 - 2014) có tựa đề là “cuộc chiến (và) văn đàn”, văn học sử có thông lệ là sắp xếp các tác phẩm liên quan đến chiến tranh thành hai nhóm lớn: văn học anh hùng ca và văn học chủ hòa. Nhóm văn học thứ nhất thì tán tụng sức trai trẻ và anh hùng tính của người lính, xem kinh nghiệm chiến đấu như là một thời khắc phấn khích, thăng hoa lãng mạn. Nhóm văn học thứ hai chủ hòa, ngược lại, trưng ra kinh nghiệm người lính râu ria hầm hố(3) gian khổ, tinh thần thường lệch lạc mất phương hướng, với sự gia tăng xu hướng chủ hòa đi theo với viễn cảnh phi lý của một cuộc chiến “do quý ngài dư ăn dư để khởi xướng”.

Tại Pháp, ngay sau khi vừa dứt tiếng súng, tác phẩm của Drieu La Rochelle (La Comédie de Charleroi,Hài kịch tại Charleroi”) hay của Blaise Cendrars (La Main Coupée,Bàn tay cắt lìa”) đã nhấn mạnh đến giá trị năng động, tuồng như trò thể thao của con người chiến binh, qua đó ca tụng người chỉ huy chiến đấu, đồng thời đâu đó ẩn tàng sự căm hận đối với những ai có học thức(4). Với những nhà văn “yêu nước” như thế, những tàn khốc tan da nát thịt nơi tuyến đầu sẽ như lại thăng hoa thành một kinh nghiệm ngược ngạo đưa đẩy đến sáng tạo thi phú. Trích đoạn:

Cánh tay người đầm đìa máu tươi, như một đóa hoa lớn cánh rạng rỡ, như một đóa huệ đỏ thắm tươi: một cánh tay phải bị cắt rời ra đến phía trên khuỷu tay, với bàn tay còn cử động, những ngón tay còn sờ soạng bấu víu như còn muốn bám rễ vào đất đai” (La Main Coupée).

Còn với những nhà văn thuộc khuynh hướng thứ hai chủ hòa, như Roland Dorgelès (Croix de Bois,Thập giá gỗ”), Jean Giono (Le Grand Troupeau,Bầy đàn”) hay Raymond Radiguet (Le Diable au Corps,Quỷ ám”), chiến tranh lại chỉ phơi bày ra cái phi lý, cái lố bịch, cái nhàm chán, chỉ rõ ra những cuộc phiêu lưu không hề chủ động của một nhân vật phản diện náu mình ở tuyến sau.

Những tiếng chửi đổng, những hơi thở rát ngực nhọc nhằn, tiếng đại bác rền vang, tất cả những âm vang náo loạn nhào nặn nên một cõi súc vật khốn nạn của chúng tôi những người lính. Nhưng không vì thế làm chai lì đi linh hồn của chúng tôi, không vì thế làm héo hon đi vô vàn trìu mến. (Croix de Bois).

R.Dorgelès đã có mặt trong vòng tranh giải Goncourt năm 1919 cùng với M.Proust nhưng tác phẩm của ông đã không gặt hái được kết quả. Giải thưởng sẽ trao cho tác phẩm A l’ombre des filles en fleurs (“Nương bóng những cô nàng đương hoa”) của Proust: là một nhà văn ở hậu phương, thường xuyên lui tới những chốn giao lưu của giới quý tộc thủ đô Paris, Proust đã gây nên phản ứng trong công chúng vốn còn mang trong mình vết thương chiến tranh, vẫn còn nung nấu lòng nhiệt tình ái quốc.

Một số nhà văn có tính dấn thân như Louis Ferdinand Céline (Voyage au bout de la nuit,Tận cùng đêm thâu”) phê phán Proust là một cây bút tư sản náu mình ở hậu phương. Nhưng nói như thế cũng không công bằng khi cho rằng chiến tranh đã không xuất hiện dưới ngòi bút của Proust. Thực tế là cuộc chiến 1914 - 1918 đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn phong của Proust: ngày nay, đặc biệt thông qua những nghiên cứu phân tích theo khuynh hướng truy nguyên, chúng ta có thể biết được là bố cục của bộ tiểu thuyết A la Recherche du Temps perdu (Tìm lại thời gian đã mất) đã có những chỉnh đổi sâu sắc trong thời gian hai năm 1916 - 1917.

Là nhà văn ở tiền tuyến, ở tuyến đầu hay là nhà văn ở hậu phương, ở tuyến sau, thì đàng nào cũng là nhà văn viết về chiến tranh. Việc giờ đây thử so sánh đối chiếu hai nhà văn như Marcel Proust (A la Recherche du Temps perdu(5)) và Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh(6)), vốn rất xa nhau về mặt lịch sử và địa lý, có thể cho thấy là kinh nghiệm về chiến tranh, dù sống xa hay gần vòng xoáy chiến cuộc, vẫn có thể được nuôi dưỡng như nhau, dù hai con đường huyễn tưởng có vẻ như chẳng giống gì nhau. Và vì thế đã có một số nhà phê bình bàn về Bảo Ninh như là một M.Proust của Việt Nam! Đâu có thể là những điểm tương đồng giữa nhà văn Pháp đầu thế kỷ XX và nhà văn Việt Nam đương đại?

Đọc một cách chăm chú hai tác phẩm của hai tác giả sẽ cho phép làm hiển lộ ra một số chủ đề cả hai cùng vận dụng. Đặc biệt phải kể đến vấn đề mối liên hệ với quá khứ, nỗ lực của ký ức, hoài niệm về chốn sinh thành và nghiệp cầm bút.

Ngay những trang đầu tiên, dưới ngòi bút của Bảo Ninh, độc giả đã mường tượng ra cái thảm kịch chiến tranh sẽ phơi bày ra ngay trên sân khấu bi thương của quá khứ. Kiên, nhân vật dẫn chuyện, thuộc lữ đoàn 27 của đoàn B3, thuật lại với một ngôn ngữ xé lòng những trận chiến diễn ra ở vùng đất “ma hờn quỷ ám” trong trận tiến công vào Sài Gòn đưa đến chiến thắng vào năm 1975.

Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng. Đối với tôi tương lai đã nằm lại phía sau xa kia rồi. Và không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hy vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi mà trái lại những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay. Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của những hồi tưởng.(7)

Tương tự như con người thuật chuyện dưới ngòi bút của Proust, thông qua một bố cục dẫn chuyện chằng chịt công phu, chèo ngược dòng thời gian, con người dẫn chuyện nơi tác phẩm nhà văn Việt liên tục đan xen trong cốt truyện những tình tiết hiện tại, quá khứ và tương lai: mỗi một sự thể của hiện tại đều ẩn chứa tích tụ một kỷ niệm của ngày trước, chỉ một mảy may kích thích giác quan là đủ hiển hiện lên tất cả.

Tự nhiên, có cảm giác là tuồng như chiếc xe bỗng dưng rời chỗ, im lìm lăn bánh, chạy êm ru, không cần động cơ, không người cầm lái, một mình mộng du trên con đường rừng cô quạnh. Và âm thầm lẫn trong tiếng suối là tiếng thở than buồn thảm của thế giới rừng sâu nghe vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo như là tiếng vang vọng lại từ một thời nào đó, một nơi nào đó của quá khứ, như là tiếng của làn lá vàng rơi trên thảm cỏ từ lâu lắm rồi....(8)

Chúng ta có thể đặt tương quan giữa đoạn văn nêu trên với những dòng nổi tiếng của “Tìm lại thời gian đã mất” của Proust: hình ảnh hương vị của bánh madeleine được thấm vào tách trà, đã như làm hồi sinh cả một ký ức, trọn vẹn những ngày tháng cũ ở ngôi làng Combray thời tuổi thơ của nhân vật.

Ngay khi tôi vừa nhận ra hương vị bánh madeleine nhúng vào tách trà mà cô tôi thường trao cho (dù không ý thức ngay và phải một thời gian về sau mới hiểu vì sao một kỷ niệm như vậy làm tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc), tức thì căn nhà mặt tiền cũ kỹ màu xám, nơi tôi có một căn phòng, lại tái hiện như phông màn sân khấu gắn kết với căn nhà nhỏ nhìn ra vườn được xây lên phía sau cho phụ thân của tôi (cả một mảng bị khuất lấp đi mà một mình tôi cho đến lúc đó đã chứng kiến); (...) Người Nhật có trò chơi là nhúng vào một chậu sứ đầy nước những mẩu giấy nhỏ đủ kiểu cỡ: những mẩu giấy thấm nước nhũn dài ra, xoắn lại, thấm màu, hình hài sai khác để trở thành những bông hoa, những căn nhà, những nhân vật đầy đặn có thể nhận dạng, và giờ đây, tương tự như trò chơi đó, tất cả những bông hoa của vườn xưa gia đình tôi, của sân vườn nhà Swann, và cả những đóa hoa súng của Vivonne, và rồi những cư dân hiền hòa với những mái nhà nhỏ xinh xắn, cả ngôi giáo đường, cả ngôi làng Combray và vùng ven, tất cả đều hiện nguyên hình nguyên vẹn, một cách trọn vẹn từ một tách trà tôi đang thưởng thức. (M.Proust, Phía nhà Swann).

Do đó, với Proust cũng như với Bảo Ninh, mối quan hệ với quá khứ, với ký ức không thể nào nắm hiểu được nếu không đặt để tương quan với mối hoài niệm về nơi chốn sinh thành. Trong tác phẩm của Proust, hoài niệm về chốn Combray gợi ra một cách rõ rệt những thiên đàng tuổi thơ đã mất, với những ngôi giáo đường của nước Pháp hết mực sùng đạo đã lùi vào dĩ vãng; với Bảo Ninh, sự gắn bó với quá khứ lại gợi lên những nuối tiếc về quê cha đất tổ, về Hà Nội nơi sinh thành với những mặt hồ, những trưa hè oi bức hay những sáng mùa đông lạnh cóng trắng trơn.

Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát.(9)

Vượt ra khỏi những tương đồng về chủ đề nơi hai tác giả Pháp và Việt Nam, theo thiển ý của tôi, mối đan xen qua lại không nguôi ngoai giữa hai chủ đề, chiến tranh và tình yêu, có thể là điểm nhấn tốt nhất để có thể so sánh hai lề lối sáng tác huyễn tưởng. Nỗi buồn chiến tranh nơi nhân vật Kiên tựa như được sống một nỗi bi lụy tình yêu, không ngừng gợi lên khuôn mặt của Phương, người yêu nay không còn nữa.

Đấy, cần phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho cơ thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng thì của quá khứ và quá khứ của quá khứ.(10)

Trong khi đó, trong tác phẩm Temps retrouvé (“Thời gian hồi lưu”), tập cuối cùng của tác phẩm đồ sộ Đi tìm lại thời gian đã mất, chủ đề chiến tranh được vận dụng rất nhiều vào cuộc đàm luận giữa nhân vật thuật chuyện sống ở hậu phương, với người bạn là Saint-Loup, là chứng nhân trở về từ chiến trường. Trong số những chủ đề trao đổi với nhân vật Saint-Loup, điều đáng gây kinh ngạc chính là như có một phác thảo về một quan niệm phi truyền thống lý giải cái phương thế sách lược chiến tranh như là một đối ảnh của nghệ thuật yêu đương:

Chiến tranh là cõi nhân duyên, ta sống lấy như một tình yêu hay như mối hận thù, có thể thuật lại như là tiểu thuyết. Nếu như có người này người kia nhắc đi nhắc lại rằng sách lược chiến cuộc là một thứ phải đào sâu nghiên cứu, thì cũng chẳng giúp ích được gì cho việc nắm hiểu chiến tranh. Chiến tranh đâu là chuyện sách lược. Kẻ thù cũng chẳng nắm bắt được gì về kế hoạch của đối phương, tương tự như ta cũng chẳng nắm hiểu được gì về ý đồ người phụ nữ ta đang yêu. Với lại, nếu có đi chăng nữa, thì ngay chính chúng ta cũng chẳng biết được gì nhiều về kế này mưu no. (M.Proust, Thời gian hồi lưu).

Dưới ngòi bút của Proust cũng như của Bảo Ninh, cái thâm thẩm vô biên của tình yêu hòa âm với cái vô lường của chiến tranh. Người đàn bà hư hư ảo ảo ta yêu có lẽ như không mấy khác xa với kẻ thù không hé lộ hành tung ta phải săn tìm không ngơi nghỉ.

Tình yêu, cũng như chiến cuộc, giáng xuống đời người. Thường khi một cách bất ngờ. Chúng ta dường như luôn luôn là kẻ trả giá. Cho chiến tranh cũng như cho tình yêu.

Nỗi ai oán tình yêu. Nỗi buồn chiến tranh.  

Los Angelès, tháng 7 năm 2014
F.D
(SH313/03-15)

--------------------
1. Tác phẩm Au revoir là-haut của Pierre Lemaire, Nxb. Albin Michel, 2013.  
2. Tác phẩm C’était la guerre des tranchées của Jacques Tardi, Nxb. Casterman, 1993
3. Ghi chú của F.Daubigny: Trong bối cảnh chiến tranh và dòng văn học yêu nước đậm chất anh hùng  tính, nỗi căm hận kẻ học thức là nhắm đến những con người lặng yên, thụ động ở hậu phương, không  tham gia chiến đấu [trong đó có giới học thức]: thực tế thì không phải như vậy vì rất nhiều trí thức đã lên  đường ra mặt trận.  
4. M.Proust, A la Recherche du Temps perdu, bộ Pléiade,1987.
5. Bảo Ninh, [bản tiếng Pháp] Le Chagrin de la Guerre, Nxb. Picquier,1994.
6. Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb. Trẻ, tái bản lần 4, 2013, tr.59.
7. Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb. Trẻ, tái bản lần 4, 2013, tr.10.  
8. Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb. Trẻ, tái bản lần 4, 2013, tr.110.
9.  Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb. Trẻ, tái bản lần 4, 2013, tr.110.
10. Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb. Trẻ, tái bản lần 4, 2013, tr.69.








 

Các bài mới
... 108, 108, ... (24/03/2015)
Các bài đã đăng
Mẹ Tam Giang (19/03/2015)
Phóng sanh (18/03/2015)