NGUYỄN THỊ KIM HÒA
I.
“Linh hồn tội lỗi hãy rửa sạch trong dòng nước thịnh nộ của các thần
Trái tim tội lỗi hãy tẩy xóa trong luồng gió thịnh nộ của các thần.”
Mẹ đã lầm rầm những lời đó lúc Phiên và Vọng thít thêm dây trói.
Mắt mẹ không nhìn dây trói. Không nhìn trời. Mắt chỉ đăm đăm vào một nơi duy nhất. Vạt ánh sáng cong vòng, đầu chĩa nhọn như một lưỡi dao hắt ngược ra từ bệ thờ. Phất vạt áo dài, mẹ đi về phía ánh sáng. Lưỡi dao vòng cung trùm lên bóng mẹ.
Lưỡi dao vòng cung nhòe nước. Nước chất chồng trong cơn mưa trắng đất trắng trời. Trắng dày lên như những cánh champa là những mảng mây rơi rụng đầy trước mặt.
Mình đã mê đi trong bao lâu. Giờ gì rồi? Lúc nào rồi? Còn bao lâu nữa thì đêm đen phải buộc nhường chỗ cho ánh mặt trời.
Gió Đông Bắc đã nổi. Lâu thuyền liệu có kịp đến nơi? Gió. Vâyu, thần nhất định phải trừng phạt con bằng cách này sao?
Rít lên bên tai con, xé vụn màn mưa là cơn phẫn nộ ngày càng dữ dội của Người. Cơn phẫn nộ tung mảnh khăn trải bàn nâu xỉn ụp vào, quấn lấy thân tượng. Quán Thế Âm Bồ tát vẫn he hé môi cười độ lượng. Nụ cười của vương phi Bố Gia La. Lần đầu tiên theo bà vào Phật viện Đồng Dương, quỳ trước Bồ tát Quán Thế Âm đã không thể không đánh ánh mắt từ khuôn mặt tượng sang khuôn mặt người kinh ngạc. Hai nụ cười như hai giọt nước, dịu dàng, bao dung và lúc nào cũng như thấu suốt mọi mắt nhìn.
Mẹ không thích nụ cười của bà. Nụ cười của người mỗi khi nhìn chiếc ghế nạm vàng mình đang ngồi ánh mắt lại trở nên nhạt nhẽo, ơ hờ. Trong khi mỗi giấc mơ đêm của mẹ, chiếc ghế luôn xuất hiện, lộng lẫy, rực rỡ. Chiếc ghế bay thẳng ra giữa điện chầu, kiêu hãnh đáp ngay xuống bên cạnh ngai vua.
“Khi bà sinh được con trai, các thần linh sẽ đem đặt bà lên ngôi vị cao nhất, dù bà có là người của bộ tộc Cau.”
Vị Sky già ở kalan vĩ đại nhất kinh đô lẩm nhẩm lời sấm truyền.
“Bao giờ thì ta có con trai?”
Câu hỏi mẹ vẳng giữa lòng kalan. Lớp tường gạch nuốt chửng lấy nó, tất cả chìm trong câm lặng. Đêm trong tiếng nức nở của mẹ dưới bệ Mukhalinga. Chỉ muốn lao đầu xuống từ đỉnh kalan, hóa tro, rồi lại chui vào bụng mẹ để là một đứa con trai, một vị vua thống trị cả bốn cõi đất.
“Cha có yêu con không?” Mười bốn năm ở Vijaya vẫn chưa hỏi được cha câu hỏi ấy.
Mười bốn tuổi, đã hiểu lắm có những câu hỏi không nhất thiết phải được trả lời. Đã hiểu có những đứa con được sinh ra không bằng tình yêu và do đó chúng không có quyền đòi hưởng tình yêu. Bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu người đã từng là những đứa trẻ ở cung điện Vijaya này là những đứa con như thế? Được sinh ra bởi một vị vua, đó là may mắn hay đáng thương? Khi cởi bỏ mũ vàng, xổ tóc, bôi nhọ nhem mặt mũi áo quần trong tiếng reo chiến thắng của quân Việt dội cùng tiếng cổng thành sập xuống, đã khóc trong vòng tay ôm thổn thức của vương phi Bố Gia La.
“Các con ta, các con thật đáng thương.”
Nước mắt đàn bà hòa cùng nước mắt trẻ con. Nước mắt vương giả hòa cùng nước mắt kẻ hầu. Mỗi mẹ là không khóc.
“Rồi Đức Vua sẽ trở về!” - Mẹ chắc nịch giọng ngay cả khi gỡ mũ vàng, xổ tóc, bôi mặt mũi lem luốc.
Quân Việt tràn vào thành nhanh như một trận gió. Chiến tranh đã không chỉ là những luồng hơi, những ảnh ảo lăm le đe dọa. Chiến tranh đã thấy cả dáng hình. Dáng hình người lính gác cửa cung vắt nghiêng lên mình sư tử đá với một mũi tên xuyên từ sau ra trước. Dáng hình tên nô lệ vẫn bưng nước nhanh chân co quắp trên mớ vàng vẫn còn rớt ra từ chiếc túi rách trước ngực, rớt cùng với máu. Rồi dáng hình những lọn khói, những tầng khói không ngừng tỏa ra chất lên nhau, chất lên những dãy tường gạch lổm chổm, đổ nát, lên cả ngọn kalan vừa gãy gạch chóp đỉnh cao nhất như một mũi tên bị cắt cụt đầu. Chiến tranh dong những sung túc, nhộn nhịp của phố xá đổ ào trong thinh lặng, hoang tàn đáng sợ. Dong đoàn người xơ xác, lấm lem rời cung vàng điện ngọc, lết lê qua những góc phố đầy những xác chết chất chồng lên nhau. Việt, Chiêm lẫn lộn.
Mười bốn tuổi, cuối cùng đã thấy được bộ mặt của chiến tranh.
Mười bốn tuổi, lần thứ hai bước lên thuyền. Không kèn trống, không những thân người cúi rạp đầu đưa tiễn. Chỉ có gió. Gió dìm cả Vijaya tráng lệ trong mờ mịt khói. Gió làm ngả nghiêng thêm những cột buồm cánh rã xập xòa phơi đầy trên cảng biển.
Thi Lị Bi Nại để tang cho kinh thành Vijaya bằng những cánh buồm.
“Rồi Đức Vua sẽ trở về…”.
Gió Đông Bắc đông cứng lời thầm thì của mẹ trên mặt nước. Thuyền dong buồm thẳng về Đại Việt. Lời thầm thì gãy nát, chìm xuống làn nước sâu.
Đợt gió Đông Bắc nào nữa hòa chung cùng ngọn lửa bên bến sông lạnh để kết liễu dư âm của những tiếng thầm thì.
Đài thiêu không kiếm được củi khô sau triền miên những sụt sùi, ẩm ướt. Người xung quanh đài trốn cơn rét mướt túm tụm, nhích gần vào đám lửa. Tin tử trận ba tháng mới đến nơi. Ở một nơi không phải bến sông Việt này, có một thân xác nữa đã tiêu biến dần trong lửa.
Một lần cạo đầu để tang cho hai sự ra đi.
Nụ cười vương phi Bố Gia La vẫn an nhiên nở bên cạnh chén thuốc độc cạn sạch đáy lăn xuống giường vỡ nát. Nụ cười kết thúc một hành trình, một đợi chờ đằng đẵng hai năm nơi đất khách. Lúc gục xuống nơi núi rừng hiểm trở nào đó cha có mỉm cười. Đổ nát, dựng xây rồi đổ nát. Vòng tròn số phận của một vương triều nào khác vòng tròn một đời người.
Tự nhiên không tìm được bất kì kí ức rõ ràng nào về cha. Bốn năm không hỏi được một câu hỏi, khắc nếp sâu nhất vẫn là hình ảnh buổi chiều cha mặc giáp vàng, lưỡi kiếm giơ lên trước mặt soi được cả chòm râu trắng.
“Khi nào ta chết, khuôn mặt ta có được tạc lên một Linga không?” Đến buổi chiều rầm rập tiếng đoàn quân, tiếng vó ngựa tiến ra cổng thành ấy mới biết cha cũng có một câu hỏi. Sao cha không hỏi về bao nhiêu dáng người đang mất hút dần theo cha trong ánh hoàng hôn đỏ lịm như màu máu ấy, bao nhiêu người trong số họ sẽ trở về.
Vương Phi Bố Gia La muốn được theo dòng nước trở về. Kinh đô Đại Việt không có biển. Dòng nước sông mùa đông lạnh ngắt có đưa bà về được mặt biển rộng ấm áp ánh mặt trời. Có đưa bà về với vị vua bà yêu bằng cả cuộc đời.
“Đàn bà trong chiến loạn phận mỏng còn hơn cỏ…”.
Bà già có lần ghé đến thôn xin nhờ Vương phi vài thang lá thuốc nhìn lọ tro lờ lững xa dần theo từng con nước, khẽ thở dài. Mái tóc Việt bạc trắng cúi nghiêng nghiêng trầm mặc bên những mái đầu Chiêm không tóc. Người Việt duy nhất có mặt trong đám tang của một tù binh Chiêm. Người đàn bà từng qua cơn chiến loạn đến tiễn đưa một người đàn bà khác, dù không cùng một giống nòi.
Vẫn nhớ tiếng thở dài rơi trên mặt sông rưng rức đỏ. Vẫn nhớ ánh mắt già nua thả một nỗi buồn gì đó rất quen xuống mênh mang con nước. Tự nhiên thấy bay biến hết những sợ hãi, những e dè. Tự nhiên thấy thương hại. Dù tiếng mẹ vẫn còn như một nhát dao chém giữa nhà lạnh cóng.
“Cứ thân thiết đi! Cứ gần gũi đi! Con cháu bà ta chính là những kẻ đã đốt nhà mi, giết chết cha mi.”
Gió lại quật, Bồ tát ơi. Là cơn thịnh nộ của Vâyu hay là thịnh nộ của mẹ, của cha, của cả dân tộc dành cho con, một linh hồn tội nghiệp lạc loài.
Con sẽ nhận gánh, con sẽ mang hết. Nhưng… dây trói. Người hãy mở bung chúng giúp con. Để con làm trọn vẹn việc cuối cùng này. Việc cuối cùng con làm được cho chàng.
Hoa champa chồng những mảng mây sũng ướt.
Cây hòe cuối bến nước hôm gặp chàng hoa cũng trắng như treo lơ lửng những chòm mây. Cả chặng đường dưới mát rượi những tán hòe, dưới ngập ngời những lớp cánh vàng xanh trên cành dưới đất chỉ nghĩ đến màu hoa trắng, vò nước về đến nhà vơi hết nửa cũng không hay.
Không dám kể với mẹ về người con trai xuống ngựa, lội gần ra đến giữa dòng vớt hộ cái vò không lềnh bềnh trôi vì mải mê ngắm hoa trắng rơi.
Người con trai mắt sáng ánh sao, màu da đồng nung, nhưng lại là một chiến binh người Việt.
Lần gặp tưởng rằng đã cuối, nép sau một thân hòe đã thấy chàng đeo kiếm theo sau kiệu vua Việt, mắt không ngừng quanh quất, ngóng trông gì đó giữa đám đông quỳ thành hai hàng xuống bến. Mẹ không biết tiếng khóc tủi cố nén trong đêm. Mẹ không biết có loài hòe cũng nở hoa trắng như hoa champa, cây hoa mang tên xứ sở quê hương. Màu trắng mẹ yêu nhất vẫn là màu hoa Kraik, cây vương quyền trồng ngay trước cung điện Vijaya.
Bà già Linh Từ nói chàng đã đợi bên bến nước ấy mòn mỏi mấy con trăng rồi.
Thoi dệt rơi trên chân, dao cắt lá thuốc nghiến vào tay.
Những bóng người lạ mặt, mũ lông thú trắng thấp thoáng ra vào phòng mẹ giữa đêm khuya vắng. Vọng và Phiên thì thầm điều nghe được khi vào bưng nước: “Chúng ta sắp về nhà!”
Về nhà. Về nhà rồi liệu Vijaya có lại thành xứ sở của khói mù, đổ nát khi mẹ vẫn chưa nguôi ước mơ trồng lại cây Kraik.
Không kịp nói với chàng: “Em sẽ về lại Vijaya.” Buổi chia tay vội vàng không kịp cả vẫy chào. Đoàn quân ám khói ám bụi đường chỉ kịp ngừng một nhịp để lấp thêm vào những chỗ khuyết những gương mặt mới. Áo nhàu nhĩ chiến trận và áo tinh tươm sạch mới. Tay băng bó thương tích và tay hăm hở mũi giáo. Trộn lẫn vào nhau. Tất cả lại lên đường.
Cảm giác như khi đứng nhìn cha dẫn đoàn người ngựa kiếm cung rời khỏi Vijaya.
“Chúng đang bị trừng phạt. Những kẻ đã tàn phá xứ sở của ta. Skanda sẽ nghiền nát kinh thành của chúng, thiêu rụi chúng bằng lưỡi tầm sét thần thánh của Người.”
Nhưng mẹ ơi, chiến tranh nối tiếp chiến tranh, oán hờn nối tiếp oán hờn thì thương đau nào, máu xương nào đủ để hiến dâng đây.
Đáng lẽ phải chạy theo đoàn quân, phải để ký ức khắc dấu hình ảnh chàng thêm lần nữa, rồi mai này dùng cho cả cuộc đời.
“Hãy đi theo Quốc Mẫu. Bà sẽ bảo vệ nàng và người trong dòng tộc nàng.” Mẩu giấy nghiêng nghiêng dòng chữ chàng viết vội lem nước trong lòng bàn tay. Mẹ không tin vào lòng tốt người Đại Việt. Mẹ có nên đọc mẩu giấy không.
Bà già Linh Từ trên mạn thuyền đã nhìn xuống bằng một cặp mắt buồn:
“Con không theo ta về làng Ngừ?”
Đã mỉm cười trong rùng rùng những gạo, thóc, hàng hóa rồi người lũ lượt xuống thuyền.
Bà già Linh Từ lúc quay đầu hình như lại thở dài. Đứng thẳng người, lệnh truyền sang sảng vang trong gió. Bà trở lại là Quốc Mẫu uy quyền của Đại Việt. Quốc Mẫu đã đem cả kinh đô xuống thuyền.
Gió quật gãy cúp ngọn cờ xanh viền vàng dẫn đầu đoàn kị binh tiến vào kinh thành trống. Gió từ vó ngựa thảo nguyên không bằng gió dữ đất Thăng Long.
Những dãy lều, những thân ngựa chiến, những mũ lông thú dạt ra từ tòa thành trống trắng lố nhố bến sông.
“Không được ra lấy nước. Không được mặc đồ con gái!” Thẻ bài sứ giả người Thát cất trong ngực áo, mẹ vẫn không quên cẩn thận phòng hờ.
Thuyền về Vijaya đã đóng gần xong, mẹ đổi chuyến hành trình đến tự do của đoàn người bằng những hầm chứa, những kho lương thực, những lăng tẩm còn chưa kịp hoặc không thể theo Quốc Mẫu Đại Việt về làng Ngừ.
Mẹ có thật sự đang cười. Khi nhìn Thăng Long lặng ngắt, hoang tàn chỉ khiến nhớ đến ngày tràn gió Đông Bắc, lê qua những góc đường Vijaya khói lửa, lổn ngổn xác người.
Chiến tranh, mi là gì mà cứ như bóng ma đeo đẳng theo ta mãi không rời. Mi là gì mà cứ nghiến nát dưới vòng quay của mi bao máu chiến binh, bao nước mắt đàn bà, bao sinh linh còn chưa kịp được nhớ đến ở cõi người.
Đứa bé bị ngựa quân Thát giẫm chết dưới gốc hòe trắng chỉ mang nửa dòng máu Việt. Người cha đang ghép mui thuyền mải nghĩ đến chuyến đi trở về xứ sở, người mẹ nằm sâu đâu đó dưới ba tấc đất, không nghe được tiếng ngựa hí trùm lên tiếng thét nhỏ bé, mong manh.
Ôm đứa bé chạy từ gốc hòe về đến cổng thôn, trên tay chỉ là một tạo vật đỏ lè, lạnh ngắt. Những ánh mắt Việt còn tản mát xung quanh cũng nhìn về phía thôn lạnh ngắt. Những ánh mắt có cả trở về từ làng Ngừ, từ Thiên Mạc. Những ánh mắt thấp thoáng bên các giếng nước sớm mai đầy thuốc độc, bên các nhóm quân Thát đi tuần bị chặn đánh bất ngờ.
“Ta vẫn không tin nàng và người thôn nàng theo giặc. Hãy giúp ta!”
Người chuyển thư chàng từ Thiên Mạc còn rất trẻ. Cánh tay phải quấn ngang một vòng băng trắng ri rỉ máu. Vết thương bị chém một trận quấy rối trại quân Thát.
Phong thư chỉ vỏn vẹn ba từ duy nhất: Đợi ta về.
Không thể nào đâu, chàng ơi. Thuyền về Vijaya mẹ nói đã xong rồi. Khi lâu thuyền mang chàng chạm Đông Bộ Đầu, chúng em có lẽ đã ra khơi. Hai dân tộc chúng ta mãi mãi là hai đường thẳng song song dù cùng hướng về một mặt trời.
Mẹ đã trói em bằng dây thừng vội vàng tháo ra từ cái gàu còn đổ lênh láng nước bên thềm giếng. Mẹ đã vừa xô, vừa lôi em đến sân chùa để em sám hối tội lỗi mình trong mưa gió, trong những lời kinh mẹ lẩm nhẩm, rì rầm.
Em là một đứa phản bội, đứa quên đi mối hận quê hương dòng tộc, đứa một lòng muốn giúp kẻ thù. Nhưng chàng ơi, em biết làm gì với trái tim mềm yếu của em đây. Trái tim nhắc em rằng chàng đang ngoài kia đó, trong cơn lửa đỏ. Trái tim khóc lời của thân hòe, thân hoa champa, lời của những bình yên cháy thiêu rụi nát trên quê hương chàng, mà nào khác quê em.
Chiến tranh. Đến lúc mi buông tha rồi cả hai dân tộc chúng ta. Để chàng, cha ta và bao chiến binh khác nữa bị mi nuốt chửng có thể trở về.
Dây trói… Nến trong chính điện cũng tắt ngúm cả rồi.
Vẫy vùng, cắn kéo.
Bốn bàn tay lạnh cóng thình lình chạm vào da thịt. Mò mẫm, tháo gỡ. Dây trói bung rồi.
“Đi mau… Chúng tôi đã bắt nhốt người lái thuyền. Thuyền chỉ xuất bến khi cô về.”
Giọng Vọng và Phiên rung rung trong hơi gió.
Ào ạt, gào rít. Tiếng Vâyu liên tục thét bên tai.
Lao ngược hướng gió, lao ngược tiếng mẹ em hét gọi.
Chàng ơi, chiến tranh không bắt được em. Là em bước vào trong nó. Và cùng nhau, chúng ta sẽ kết thúc nó phải không?
II.
- Nàng là ai?
- Người ta nói thiếp từng là một công chúa…
Mỹ nhân giữa đoàn vũ nữ nghiêng vệt mắt Chiêm sâu như biển.
Tiên phong Đoàn Hưng Trí, cựu vương Kim Quốc thấy mình chao đảo, bồng bềnh như kẻ say. Say vì sóng mắt, không vì rượu.
Bầy vũ nữ tản ra bốn góc, tiếng trống, tiếng đàn thao thiết trườn trên mười ngón tay vươn nuột nà, trượt xuống cần cổ cao, xuống gần ngực phập phồng, xuống nữa những đường cong, căng mẩy. Chuỗi vòng trên cổ tay, cổ chân tròn lẳn loang loáng khua thêm âm thanh dắt hồn vào phiêu diêu, ma mị.
Hàng vạn dặm mệt mỏi với rong ruổi bụi đường, nắng thiêu, gió táp. Hàng chục ngày chán chường với việc ngắm những bóng lính vơ vẩn trên tòa thành lạnh ngắt; ngắm những bữa ăn, những túi nước ngọt cứ dần dần bị xén đi, vơi bớt. Giờ Cựu Vương mới thấy lại ý nghĩa của việc làm một con người.
Huống hồ, tiếng nhạc của dân tộc này... Sao Cựu Vương nghe trong giai điệu nó thứ gì như là một tiếng than oán ức, nỉ non. Như là tiếng nức nở, trách hờn vọng sang từ quê nhà xa xôi, nơi đã từng là một Kim quốc hùng cường.
Cứ rót rượu đi, mỹ nhân. Nàng và ta chỉ là hai thân xác lạc loài, hai dây tầm gởi phải treo mình nơi đất khách. Uống cùng ta, mỹ nhân. Chén rượu khóc cho dân tộc nàng, chén rượu khóc cho ta, một vị vua mất nước đem thân làm tướng cho người.
Chén đầy rồi chén vơi. Nóc lều trắng, vách lều giắt cung tên, thanh kiếm chỏng chơ dưới gầm bàn. Nghiêng ngả. Ngả nghiêng.
- Cấp báo. Trại ngựa bốc cháy!
- Cấp báo. Quân Việt tập kích khu phía đông. Tướng giặc là Trần Khánh Dư…
Cựu Vương không kịp mặc giáp, quên mang kiếm, váng vất xiêu vẹo từng bước chạy ra cửa trại. Đoàn vũ nữ rút từ lòng trống, lòng đàn, chộp luôn cả những thứ gắn trên vách lều, dưới gầm bàn lao theo.
Đàn bà Việt cũng biết cầm cung kiếm.
Cũng muốn lao theo họ. Cột khói đang bốc lên ngoài kia chiều lượn đi rất lạ.
Gió Đông Bắc đổi hướng rồi chăng? Câu hỏi vẫn còn chập chờn trong trí óc lúc một nhói đau bất ngờ thốc lên từ sau lưng. Cơn đau chĩa ra trước thành hình mũi kiếm.
- Con Chiêm gián điệp!
Không thấy được người phía sau. Chỉ nghe tiếng nói, như tiếng sứ giả mũ lông thú trắng tặng mẹ thẻ bài trong hộp đỏ.
Gió Đông bắc đổi hướng chăng? Lại một cơn nữa của lưỡi kiếm rút ra. Rơi. Mặt chạm đất, mũi tràn lên mùi đất. Sao không phải là cát. Vijaya có những đồi cát rất vàng.
Dòng lành lạnh dưới lưng đã loang ướt đến vai. Cảm giác bồng bềnh như trôi trên mặt sông. Về Vijaya nhé, sông ơi. Chẳng cần thuyền. Giờ lại quay quắt nhớ bầy ngựa gió xới tung những đụn bụi vàng.
Đầu được nâng lên rồi.
Mẹ, Vọng, Phiên… Mọi người nghe không, có cả tiếng cả bầy ngựa gió từ quê hương chúng ta vừa đổ đến.
Đã bồng bềnh, bồng bềnh hết cả người. Không phải giấc mơ. Ngọn khói trước mặt đã thành biển lửa vàng rực rỡ. Lửa liếm vụn tấm thẻ bài mẹ vừa vứt xuống. Lửa chập chờn trên những dáng người trong thôn lao vào những dãy lều trại cùng màu áo Việt. Lửa bùng lên dữ dội giờ khắc sức mạnh hai dân tộc nhập vào nhau trong rẽ ngoặt bất ngờ. Thiêu rụi tiếng hí vang của bầy ngựa chiến đến từ phương Bắc. Thiêu rụi đi những đau thương, uất hận, oán hờn.
Gió Đông Bắc đổi hướng.
Lâu thuyền mang chàng về đến kia rồi.
“Đêm 24, rạng 25 tháng chạp năm Nguyên Phong thứ tám, lâu thuyền vua Trần Thái Tông ngự bí mật tiến quân ngược sông về đến Đông Bộ Đầu, đánh thẳng vào quân Mông Cổ. Bị tập kích bất ngờ, không kịp trở tay, quân Mông Cổ thua to, đồng loạt tháo chạy khỏi Thăng Long.” Sử Việt ghi.
Không ai ghi về một chiếc thuyền lặng lẽ rời bến, chỉ mang theo ba người đàn bà tóc rối và một xác người lạnh cóng.
Cũng không ai ghi về một nắm hạt cây Kraik bị bỏ quên mốc meo, vụn nát.
Nắm hạt dần biến mất theo thời gian.
N.T.K.H
(SH313/03-15)
---------------
Skanda: thần chiến tranh, một trong những hóa thân của thần Shiva
Vâyu: thần gió
Kshatriya: đẳng cấp quý tộc vũ sĩ, là đẳng cấp thứ 2 sau đẳng cấp Bà La Môn trong xã hội Ấn Độ cổ đại, gồm võ sĩ, vua chúa, quan lại.