THƠ LÊ VĂN NGĂN, Nxb. Thuận Hóa, 2015.
Qua những bài thơ được tuyển chọn lần này, chúng ta thấy thế giới của Lê Văn Ngăn là thế giới của những truy vấn không ngừng về thân phận. Cuộc sống đi vào thơ của Lê Văn Ngăn là một cuộc sống u buồn; tính chất u buồn đó không trở nên thiếu sức sống mà ngược lại, nó xô đẩy người đọc bước vào những không gian đầy thi tính. Từ sự quan sát những số phận, những bi kịch, nhà thơ đã cấu nên những hình tượng mang tính khái quát hóa cao về sự hiện hữu của thân xác, của linh hồn, của tình yêu và hơn nữa là của thân phận làm người. Trên bề mặt câu chữ thì thơ của ông có vẻ giản dị, đời thường nhưng ẩn dưới sự đời thường này là những nguồn mạch đầy mơ mộng và bi thiết mà không phải ai cũng có thể chạm vào đó được. Theo Ngô Thế Oanh thì Lê Văn Ngăn trọn đời với những tín niệm nghệ thuật của mình.
GÕ CHUÔNG Ở XỨ NGƯỜI (bút ký), tác giả Bảo Cường, Nxb. Hội Nhà văn, 2015. Có một sự thuần nhất trong văn chương của Bảo Cường đó chính là những tác phẩm của anh luôn ngồn ngộn chất liệu cuộc sống. Vì là người có cơ hội đi nhiều nên với anh, việc lấy năng lượng từ cuộc sống, từ những chuyến đi để sáng tác chính là suối nguồn. Gõ chuông ở xứ người cũng không ngoại lệ với những điều vừa nói. Chính tác giả cũng đã thổ lộ rằng tập bút ký này là tâm huyết của một người nghệ sĩ với sự nghiệp của mình, tôi chỉ là một nghệ sĩ tự lần mò mà đi giữa đêm tối mịt mờ, biển cả mênh mông không có người nâng đỡ...
BAO GIỜ THẤY MẶT TRỜI (truyện dài), tác giả Nguyễn Phước Hương Lan, Nxb. Thuận Hóa, 2015. Vẫn theo lối viết hiện thực trong Rau tập tàng nhưng tới Bao giờ thấy mặt trời người đọc nhận thấy một Nguyễn Phước Hương Lan không dừng lại, mà trên hết, đây là một nỗ lực tự vượt thoát chính mình. Trước hết đó là sự vượt thoát về cấp độ ý tưởng, sự triển khai tình tiết và trường độ trong việc tổ chức văn bản tác phẩm. Bao giờ thấy mặt trời vẫn lấy thân phận con người làm nền tảng. Con người ở đây là những con người bị ném vào dòng đời với những chua chát và những va đập với chính môi trường tồn tại của mình.
THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965 - 1975, KHUÔN MẶT CÁI TÔI TRỮ TÌNH (chuyên luận), tác giả Bùi Bích Hạnh, Nxb. Văn học, 2015. Công trình là bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về diện mạo thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975. Đứng trên những căn nền triết mỹ để không rơi vào phê bình cảm tính, Bùi Bích Hạnh đã có những phát hiện thú vị về thi pháp và tư tưởng của những tác giả đã đi vào tâm thức những người yêu thơ, nhưng có lẽ quan trọng hơn, đó là sự trục vớt những giá trị thơ, những hiện tượng thơ mà vì những lý do khác nhau của lịch sử có thể chìm vào quên lãng. Trong lời tựa tác giả viết rằng: “Sống trong nỗi đau mất mát giằng xé, các nhà thơ khát khao tự họa chân dung thế hệ từ âm bản hiện thực tàn khốc của chiến tranh… Thơ trẻ 1965 - 1975 có thể xem là bản tự thuật đa giọng điệu, làm sinh động diện mạo thơ Việt Nam 1945 - 1975.
CHÍNH THỂ ĐẠI DIỆN (chuyên luận), tác giả: John Stuart Mill, Nguyễn Văn Trọng - Bùi Văn Nam Sơn dịch, Nxb. Tri thức, 2013. John Stuart Mill là nhà Kinh tế chính trị đồng thời là một nhà triết học nổi danh người Anh. Những tư tưởng của ông đã có sự ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế, chính trị và triết học của thế giới thế kỷ XIX. Ngoài Chính thể đại diện ông còn có các tác phẩm kinh điển như Bàn về Tự Do (On Liberty) và Chủ nghĩa công lợi (Utili- tarianism). Chính thể đại diện được xuất bản năm 1861. Nhưng với những kiến giải sâu sắc của tác giả, giá trị của nó sẽ ảnh hướng tới việc nhìn nhận kinh tế xã hội của chúng hiện nay. Qua đây chúng ta sẽ có những căn nền cần thiết để nhìn nhận đúng đắn hơn về xã hội phương Tây hiện đại và cũng có thể đưa đến cho chúng ta những nhìn nhận sâu hơn và đưa ra những giải pháp cho những vướng mắc hiện tại.
(SH313/03-15)