Tạp chí Sông Hương - Số 313 (T.03-15)
Liễu rủ ở Huế, xưa và nay
10:26 | 03/04/2015

ĐỖ XUÂN CẨM

1. Đôi điều tản mạn về Liễu
Người Á Đông thường coi trọng luật phong thủy, ngũ hành âm dương, họ luôn chú trọng đến thiên nhiên, cảnh vật và xem đó là một phần của cuộc sống tinh thần.

Liễu rủ ở Huế, xưa và nay
Liễu rủ ở Cung An Định. Ảnh: Ngọc Bích

Từ ngàn xưa, người Á Đông đã thấy được rằng thiên nhiên là mái ấm của vạn vật, là nhựa sống của đời người. Họ xem cây cỏ là một thành tố quyết định chất lượng sống của cộng đồng. Vì vậy chẳng lạ gì, dù một công trình kiến trúc rất nhỏ, thậm chí chỉ là một mái tranh đủ che mưa nắng cho một đôi vợ chồng mới cưới, trên một vuông đất không lớn, với vài chục mét vuông đất trống quanh nhà thì họ cũng không quên tìm cho cái sân nho nhỏ, hay mảnh vườn bỏ túi của mình một cây xanh nào   đó. Nhiều người trong chúng ta đều biết, truyền thống chơi cây cảnh cũng luôn gắn liền với văn hóa phong thủy và những ước mơ chân thiện mĩ. Để cầu mong cho cuộc đời sung túc, thỏa mãn mọi điều, có địa vị trong xã hội và được mọi người quý trọng mà từ xưa nhiều người đã trưng trong sân vườn bộ bonsai tứ quý “Sung - Mãn - Quan - Quý” (cây Sung, cây Mãng cầu, cây Quan âm và cây Nguyệt quế). Để cầu được phúc đức, tài lộc và trường thọ, người ta lại chưng bộ tam hạp “Phúc - Lộc - Thọ” với ý nghĩa cây Sung biểu trưng cho Phúc, cây Mưng (Lộc vừng) biểu trưng cho Lộc và cây Tùng hoặc cây Tuế biểu trưng cho Thọ. Để biểu trưng cho bốn mùa xuân hạ thu đông, đã có bộ tứ “Mai - Lan - Cúc - Trúc”... Cứ thế, dần già tên cây cỏ trở thành điển tích văn học, thành đề tựa cho thơ văn... Chính vì vậy, khi điểm qua thơ văn Việt Nam và Trung Quốc chúng ta gặp khá nhiều tên cây cỏ, nhưng có lẽ, với khả năng có hạn của mình, tôi cảm nhận rằng không có loài cây nào lại được nhiều thơ văn thể hiện bằng cây Liễu rủ.

Nhiều thi nhân không chỉ lấy Liễu để tả cảnh mà lấy Liễu để tả người, lấy người để tả Liễu. Có điều khá chung là, các tác phẩm nổi tiếng từ thơ Đường của Trung Quốc đến thơ mới của Việt Nam đều lấy Liễu để nhân cách hóa khi cần tôn vinh vẻ đẹp hay để nói lên hình ảnh mảnh mai, yểu điệu của người thục nữ.

Liễu là loài cây gỗ nhỏ có cành nhánh mềm mại, mảnh mai, mọc buông thõng xuống tận gốc cây, đôi khi khiến cho lá Liễu phất phơ trước gió chạm cả mặt nước hồ gợn sóng lăn tăn tựa người con gái ngồi soi gương chải tóc, để những sợi tóc mềm vờn qua mặt gương soi tạo thành hình ảnh chập chờn lãng mạn.

Liễu thuộc loại cây rụng lá vào mùa khô, ở vùng á nhiệt đới Trung Quốc mùa khô là mùa thu và cứ vào thu, Liễu rụng lá trơ cành để rồi đâm chồi nảy lộc, khoe sắc lá mạ nõn nà vào đầu xuân. Chính Vương Xương Linh đã mượn hình ảnh này để lột tả tâm trạng của một thiếu phụ hối tiếc vì đã xúi chồng mình tòng quân kiếm phong tước, qua hai câu trong bài Khuê oán: “Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc/ Hối giao phu tế mịch phong hầu”. Nhiều văn nhân Việt Nam đã hiểu từ “dương liễu” trong bài thơ này là “Liễu” nên đã dịch “Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu/ Hối để chồng đi kiếm tước hầu” (Ngô Tất Tố) hoặc “Nhác trông vẻ liễu bên đường/ Phong hầu nghĩ dại xúi chàng kiếm chi” (Tản Đà).

2. Liễu ở Việt Nam

Ở Việt Nam, cây Liễu đã xuất hiện rất lâu ở các tỉnh miền Bắc mà đặc trưng là Hà Nội. Đó là điều dễ hiểu, bởi rằng các văn nhân, thi sĩ ngày xưa ở Thăng Long đã chịu ảnh hưởng nhiều từ thơ cổ Trung Quốc, đồng thời miền Bắc lại là khu vực có điều kiện sinh thái gần gũi với kiểu sinh thái á nhiệt đới Trung Hoa, rất thích hợp để trồng Liễu. Bởi thế, chúng ta cũng không lạ gì cây Liễu cũng xuất hiện trong thơ ca cổ Việt Nam với tần suất không kém so với thơ Trung Quốc. Từ ngày xưa, Đại thi hào Nguyễn Du là người đã dùng hình ảnh Liễu nhiều nhất trong tác phẩm của mình. Để minh chứng cho điều này, tôi đã tìm được ít nhất 20 câu có từ liễu (26, 179, 240, 269, 335, 521, 572, 582, 746, 999, 1136, 1211, 1261, 1352, 1428, 1502, 1750, 2234, 2422 và 3170) trong Truyện Kiều.

Chẳng hạn như:

26. Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh


...

179. Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha


Vũ Quốc Trân cũng nói đến Liễu trong nguyên tác “Bích Câu kỳ ngộ ký”, mà bản dịch có người cho là của Đặng Trần Côn, cũng có người cho là của Đoàn Thị Điểm (Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi & tgk - 1983), với hai câu:

Xanh xanh dãy liễu ngàn thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều


Sau này, phong trào thơ mới phát triển, các thi nhân cũng không quên mượn Liễu để nói lên cảm nhận của mình như các bậc tiền nhân vậy.

Thế Lữ cũng lấy hình ảnh Liễu để ca tụng tiếng địch của Tiên Tam Lang:

Tiếng địch trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút buồn như liễu,
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên!


Và tương tự thế, còn biết bao tác giả khác ôm ấp Liễu vào thơ, cũng khó bề trích hết. Chẳng hạn như trong thơ Sương Nguyệt Ánh:

Cỏ rạp thân mềm liễu rủ hoa
Chàng đi bao thuở lại quê nhà


Trong thơ Huy Cận:

Mắt hồ liễu rủ mi xanh,
Tóc vương gò má mỏng manh thoáng mày.


Trong thơ Xuân Diệu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng


Trong thơ Hàn Mặc Tử:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi


3. Liễu với đất Thần kinh ngày trước

Với trào lưu ấy, Liễu cũng đã xuất hiện rất sớm trong thơ ca của các vị vua triều Nguyễn và của thi nhân đất Thần kinh:

Mưa hè, nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân liễu đứng ngồi.

      (Vua Tự Đức - Khóc Thị Bằng Phi)

Mùa này muôn vật nở nang,
Gió hòe, sóng liễu du dương điều hòa.

              (Vua Thiệu Trị - Tiết lập Hạ)

Và chính những dòng thơ của nhiều thi sĩ đã chỉ cho chúng ta thấy Liễu đã được trồng bên bờ sông, con nước ở nhiều địa điểm của Kinh thành hằng trăm năm về trước, chẳng hạn như:

Cao Bá Quát nói về Liễu:

- Bên bờ Hộ thành hà qua bài “Tống Nguyễn Mã Trai niên ông đắc giá Bắc hồi”:

Đốc Sơ kiều Bắc tống tương quy,
Giang liễu hàng biên yến yến phi


Xin tạm dịch:

Tiễn người qua Bắc cầu Đốc Sơ
Hàng liễu bên sông, én lượn lờ


- Ở trước cửa Ngọ Môn qua bài “Ngũ nhật thù Phạm lang trung Nguyễn viên ngoại chiêu ẩm”:

Thiên trung giai tiết nhập phương triều
Ngũ phụng lâu tiền ngự liễu kiều


Xin tạm dịch:

Sáng sớm Thiên trung nhập triều chầu
Qua cầu ngự liễu, Ngũ phụng lâu


Vân Hạc cũng xác nhận Liễu ở bờ sông Hương qua bài “Vọng Cảnh thương tình liên hoàn khúc”:

Sông Hương liễu rủ ôm tình nước
Núi Ngự thông reo trải mộng đời


Thúc Tề qua bài “Đêm trăng trên dòng sông Hương” cũng nhắc đến Liễu:

Trăng tỉnh giấc mơ lười biếng dậy
Động lòng lệ liễu, giọt sương sa.


4. Liễu ở Huế ngày nay

Những câu thơ vừa dẫn đã cho thấy rằng cây Liễu chẳng lạ gì với người Huế ngày xưa. Sau nhiều đổi thay bởi những tác động nhiều mặt, cây Liễu đã một thời vắng bóng, làm cho nhiều người thời nay tỏ ra xa lạ với nó. Hằng chục năm vừa qua, để tìm một bóng Liễu bên bờ hồ, bờ sông hay đầu chân cầu nào đó ở Huế là một chuyện không dễ. Thay vào đó, người ta đã đưa cây Tràm liễu trồng khắp nơi, từ sân vườn, công viên đến bờ nước và không ít người đã từng gọi đó là Liễu rủ. Gọi thế cũng không mấy sai khi chưa có cây Liễu làm đối chứng, nhất là với những người không có chuyên môn về phân loại học thực vật lại chẳng bao giờ được ai đó xếp song song cây Tràm liễu với cây Liễu để họ so sánh, bởi lẽ cây này cũng có cành rủ gần như Liễu, tuy không được mềm mại, thướt tha và cũng không mang những lá mỏng, mềm, xanh mượt như Liễu mà thôi. Thật ra, nó hoàn toàn khác Liễu, là một cây thuộc họ Sim (Myrtaceae), có lá giống lá cây Tràm nhưng cành nhánh mọc rủ như Liễu nên được gọi là Tràm liễu. Tràm liễu có hoa mang nhiều nhụy tua tủa đỏ, mọc ở nách lá gần đầu cành san sát nhau tạo thành chùy đỏ trông rất bắt mắt nên được nhân nhanh làm cây cảnh quan khắp các khu đô thị, nhà vườn. Từ đặc điểm này, nó còn mang thêm tên Tràm bông đỏ. Loài cây này thích điều kiện đất hơi ẩm và khí hậu ấm áp, thích hợp với việc đưa trồng gần bờ nước, bãi đất bồi khu vực nhiệt đới ẩm, cũng chịu được điều kiện khô hạn, nên có thể bố trí ở những công viên xa sông, hồ hay trong các khuôn viên công sở, trường học. Huế là một trong những nơi có điều kiện như thế và ở Huế cũng có quá nhiều địa điểm thích hợp để phát triển loài này. Nhưng dù gì đi nữa thì nó vẫn là Tràm liễu chứ không phải Liễu. Biết bao công trình kiến trúc tầm cỡ ở Huế được xây dựng theo phép phong thủy đã không quên thiết kế trồng liễu ven hồ. Chỉ tiếc không phải là Liễu rủ theo mong muốn, mà là Tràm liễu. Gần đây, khi viếng khu đền Huyền Trân, đối diện với những cây Tràm liễu soi bóng mặt hồ Trường Xuân mà lòng tôi miên man niềm nuối tiếc, ước gì đó là những cây Liễu rủ để cho nhiều thi nhân mặc khách hoài cảm niềm đau, nỗi nhớ của Huyền Trân mà họa thơ lưu niệm... Theo cửa sau để vào Cung An Định, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều cây Tràm liễu được trồng ven bờ hai hồ tả hữu, trong đó có một số cây Liễu rủ, nhưng nó lại nằm ở bờ hồ sát tường thành, xa tầm nhìn của du khách và khuất bóng bởi sự che chắn của hàng Tràm liễu ven lối đi vào Cung, khiến cho ít người nhận ra. Và cứ thế, khi đến nhiều nơi trong thành phố, tôi đều được chủ nhân giới thiệu cây Liễu của mình, nhưng vẫn là Tràm liễu mà thôi.

Huế là một thành phố du lịch, một trong những trung tâm văn hóa của Việt Nam, là nơi đã có bề dày lịch sử về văn hiến, nơi hội tụ nhiều văn nhân, thi sĩ, nhà sử học và đang là điểm nóng về di sản văn hóa của thế giới. Với đặc thù đó, có lẽ chúng ta đừng để Huế phải đón nhận những phê phán về việc phục cổ các công trình lịch sử, văn hóa và tôn tạo cảnh quan đô thị, kể cả việc tái hiện một số loài cây mà tên tuổi chúng đã gắn liền với lịch sử, văn thơ. Với cách nghĩ chủ quan này, cây Liễu là một minh chứng mà bản thân người viết muốn đề cập.

Liễu, còn gọi là Liễu rủ là một loài cây gỗ hoàn toàn khác loài Tràm liễu nói trên. Trước hết, nó nằm trong chi thực vật Salix, là một chi tập hợp khoảng 400 loài, phân bố khắp nơi trên trái đất. Trong đó, loài quen thuộc nhất với người Á Đông nói chung, người Việt Nam và Trung Quốc nói riêng là Salix babylonica. Loài này có nguồn gốc ở vùng Trung Á, phân bố lan tỏa đến vùng Trung Đông, ở đó nó thường mọc hai bên bờ sông Tigris và Euphrates, thuộc địa phận của Babylon cũ. Chính nhà Tự nhiên học Thụy Điển C. V. Linnaeus đã phát hiện điều đó nên đã dùng tính từ Latin “babylonica” (có nghĩa là: ở Babylon) làm tính ngữ cho danh pháp loài, đăng tải ở cuốn Specierum Plantarum (Các loài thực vật) năm 1753. Cũng từ đó nó có tên tiếng Anh là Babylon weeping willow (Liễu rủ Babylon) hay được gọi gọn là Weeping willow (Liễu rủ). Người Pháp thì gọi nó là Saule de Babylone (Liễu Babylon) hay Saule pleureur (Liễu rủ), người Tây Ban Nha gọi là Sauce de Babilonia (Liễu Babylon) và người Trung Quốc gọi là Liễu...

Như vậy, xét về phân bố địa lí và thích nghi môi trường sống, Tràm liễu và Liễu rất khác nhau. Trong khi Liễu chỉ phân bố ở Trung Á và Trung Đông, thuộc Bắc Bán cầu, thì Tràm liễu lại phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Châu Úc, thuộc Nam Bán cầu.

Tất cả các loài Liễu đều có cơ thể chứa dịch nhiều nước, vỏ cây chứa axit salicylic, nhiều ít tùy loài và tùy điều kiện môi trường sống. Liễu là loài cây gỗ có cành mảnh mai, nhưng rất dẻo nên chịu gió tốt. Là cây rụng lá theo mùa, khi rụng lá trơ cành, cành buông thõng như những sợi tơ buông mành, phất phơ trước gió gây rung cảm các thi nhân mặc khách, nảy ý sinh thơ. Bộ rễ của Liễu lớn, dài, sống dai, chịu được ngập nước, thích hợp cho cây sống tựa bờ sông, con nước, đất ẩm, thậm chí chịu ngập nước một thời gian dài trong năm. Lá Liễu hình mũi mác, thuôn dài, mỏng, mọc cách, mép lá thường có khía răng cưa, cuống ngắn. Chồi ngọn thoái hóa sớm, các chồi bên có khả năng ngủ đông rất tốt nhờ lớp vảy bọc dày. Qua đông, các chồi ngủ phát triển thành cành, cành tiếp tục phát triển các chồi bên liên tục, khiến cho cây càng trưởng thành càng rũ. Liễu là loài mang hoa đơn tính khác gốc, tập hợp thành dạng bông đuôi sóc, xuất hiện vào đầu mùa xuân, khi cây bắt đầu ra lá. Hoa đực thuộc dạng hoa trần, với bộ nhị có số lượng biến động từ 2 tới 10. Các bao phấn dạng 2 ngăn mở dọc, màu hồng khi ở dạng chồi rồi chuyển qua màu vàng cam hay tía sau khi hoa nở. Các chỉ nhị mảnh như sợi chỉ, thường có màu vàng nhạt và nhiều lông tơ. Hoa cái cũng trần, 1 bầu nhụy một ngăn chứa nhiều noãn, vòi nhụy 2 thùy. Quả Liễu là dạng quả nang nhỏ, một ngăn, 2 mảnh vỏ, hình trụ, chứa nhiều hạt nhỏ có lông tơ thích nghi với kiểu phát tán nhờ gió.

Liễu là loài cây đa tác dụng, ngoài khả năng tôn tạo cảnh quan, nó còn là loài cho gỗ khá tốt với thớ mịn, dai, dẻo, ít nứt nẻ, thường được dùng làm vợt. Cây Liễu còn cho dược chất trị được nhiều bệnh khác nhau. Nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng các dược chất trích từ Liễu rủ có thể chống nhiễm trùng (Al-Rawi, Steinmetz), làm se (Woi.Syria); chống ung thư (Hartwell); trị mụn nhọt, chữa bệnh lậu, bệnh vàng da, cảm lạnh (Bliss); hạ sốt (Bliss, Woi.Syria); bệnh sốt rét (Al-Rawi); tê thấp (Al-Rawi, Bliss, Woi. Syria); hoặc làm trà (Bliss); làm rượu bổ (Steinmetz, Woi.Syria); làm thuốc xổ giun (Steinmetz)... [Duke, 2008].

Với những luận cứ khoa học vừa nêu ở trên, chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc các cơ quan hữu trách liên quan đến môi trường cảnh quan, đến bảo tồn di sản văn hóa Huế nên bắt tay vào việc lập quy hoạch và kế hoạch tái tạo hình ảnh cây Liễu rủ cho Cố đô Huế, nên ưu tiên tái hiện Liễu ở những địa điểm vốn có từ xưa, đã được các nhà thơ nói tới ở trên như Liễu ở Ngự liễu kiều, ở bờ sông Đào, ở đầu cầu Gia Hội (Cao Bá Quát), ở hồ Tịnh Tâm (Trần Tuấn Khải), ở bờ Hương giang (Thúc Tề, Vân Hạc...).

Vài năm trở lại đây, Liễu rủ được trồng điểm xuyết ở hai bờ sông An Cựu, ở mép hồ Tôn Đức Thắng và hồ Lê Hồng Phong. Xét về mặt cảnh quan, người trồng đã bố trí Liễu đúng không gian cho Liễu soi bóng, nhưng xét về mặt khoa học, về môi trường sinh thái thì có vấn đề cần trao đổi. Ở bờ sông An Cựu, Liễu được trồng trên vỉa hè ven bờ sông, môt bên là đường nhựa, một bên là bờ kè bê-tông, mặt vỉa hè cũng lát gạch, gốc Liễu nằm ở độ cao khoảng vài mét so với mực nước sông. Như vậy, rễ Liễu khó có đủ độ ẩm để hút nước thường xuyên và cũng khó có đủ độ thông thoáng để hô hấp nhằm đáp ứng đặc điểm sinh học cố hữu của cây. Ngay ở hồ cảnh góc đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, bờ hồ cũng được xây kè bằng bê-tông, khiến Liễu cũng khó sinh trưởng bình thường. Do vậy, Liễu phát triển chậm, cành nhánh không đủ dài để rủ lá tận mặt hồ được, vào mùa hè cây có vẻ xơ xác không đẹp. Nếu so sánh với Liễu ở bờ hồ Tôn Đức Thắng, chúng ta sẽ thấy khá khác biệt. Ở đây, bờ hồ không được xây kè, cây Liễu mọc sát mép nước, thậm chí vào những tháng mưa, nước hồ ngập cả gốc Liễu. Nhờ thế, Liễu có cành nhánh mềm mại hơn, rủ nhiều hơn, thậm chí rủ tận mặt nước hồ. Ngoài ra, khi trồng Liễu theo phương thức điểm xuyết hay xen, cũng cần lưu ý khả năng phát vòm tán của Liễu và các cây lân cận. Không chú ý đặc điểm này đã khiến bóng Liễu lu mờ bên những hàng cây cao, bóng lớn và như thế sẽ mất tác dụng mỹ thuật. Đó là chưa nói rằng Liễu bị cạnh tranh không gian dinh dưỡng một cách mãnh liệt bởi những cây gỗ lớn kế cận, cả không gian đất và không gian ánh sáng, trong khi Liễu là một loài ưa sáng toàn phần, khó phát triển vòm lá một cách tự nhiên được.

Theo tôi, ở hai bờ sông Hương còn rất nhiều chỗ để bố trí trồng Liễu. Ở bờ Bắc, ven công viên Thương Bạc và công viên Phú Xuân, những bãi bồi cỏ mọc xanh rì, rất thích hợp cho Liễu phát triển. Nếu chúng ta nghiên cứu quy cách, mật độ hợp lí để trồng thì sẽ có được những hàng Liễu rủ ven sông, soi bóng mặt dòng Hương tha thướt, sẽ hấp dẫn du khách xuôi ngược dòng Hương bằng thuyền hay lữ khách dừng chân trên bờ để thưởng lãm. Bờ Nam sông Hương cũng còn quá nhiều chỗ để trồng Liễu tương tự bờ Bắc. Hiện nay, đoạn bờ sông từ cầu Trường Tiền đến khách sạn Century, bên ngoài dãy lan can bê-tông là bãi cỏ mọc tự nhiên không mấy đẹp mắt. Một du khách hay bất kì người Huế nào muốn thư giãn hay đến đó để tập thể dục khi hoàng hôn chưa xuống, họ phải hứng chịu cái nắng ban chiều oi bức, chói chang. Giá như trên bãi cỏ này có một hàng Liễu rủ mọc lên, nhược điểm đó ắt được khắc phục, đồng thời nó tạo nên một bức rèm tự nhiên tô điểm cho bờ sông thêm thơ mộng. Lúc ấy khách ngồi dưới thuyền, trên nhà hàng nổi và khách trên bờ vẫn có được một cảm giác gần gũi nhưng không lộ liễu, xơ cứng như hiện nay. Nhiều thành phố Trung Quốc, đặc biệt là phố cổ Lệ Giang là mô hình Liễu rủ soi bóng mặt sông điển hình để ta suy ngẫm. Ngoài ra, nếu ngay Ngự Liễu kiều, một vài bóng Liễu phất phơ sẽ làm cho Ngọ Môn và lầu Ngũ Phụng thêm thơ mộng, cổ kính, và nếu ở bên những gốc Liễu đó bố trí một tảng đá rêu phong ghi lại bài thơ “Khóc Thị Bằng Phi” hay các bài thơ vịnh cảnh của vua Thiệu Trị thì hay biết mấy. Cứ thế, rồi chúng ta tái hiện dần hình ảnh cây Liễu cho cầu Gia Hội, cho Hộ thành hào... rồi lại phát triển cho các hồ cảnh ở Đại Nội, ở lăng Gia Long, Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị... ắt sẽ làm cho cảnh quan khu di tích thêm phần huyền ảo thú vị. Cũng như nhiều loài cây thân gỗ khác, Liễu cũng là loài dùng làm bonsai được, có thể tạo bonsai Liễu cho những hòn non bộ trong các vườn cảnh để tạo những đường nét mềm mại, xóa bớt những đường nét xơ cứng nhân tạo. Khi viết bài, tôi vẫn nghĩ rằng  một lúc nào đó hình ảnh Liễu xưa ở Huế như trong thơ sẽ được tái hiện đúng chỗ.

Đ.X.C. 
(SH313/03-15)





 

Các bài đã đăng
... 108, 108, ... (24/03/2015)