Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-15)
Ngày trở lại thành đô
09:17 | 26/03/2015

KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ

NGÔ KHA

LTS: Dưới đây là một ghi chép của cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha về những ngày đầu đoàn quân giải phóng về thành Huế dịp 26/3/1975. Rất ngắn gọn, song đoạn ghi chép đã gợi lại cho chúng ta không khí sôi nổi, nô nức những ngày đầu.

Ngày trở lại thành đô
Ảnh: internet

Chúng tôi đã sống, công tác, chiến đấu những năm tháng gian khổ, ác liệt với nhân dân, với đồng đội không chỉ bên bờ sông Hương, bên sông Bồ mà còn bên nhiều con sông khác như: sông Nông, sông Truồi, sông Đại Giang, sông Ô Lâu, sông Như Ý..., và cả bên ven biển, ven phá Tam Giang, Cầu Hai và đã có mặt trong đội hình “giành lại từng mảnh đất Thành đô” Xuân Sáu Tám, cho đến lúc đã có một ngày về với mảnh đất Thành đô hoàn toàn giải phóng, Huế - mùa xuân 1975.

Chiến trường Thừa Thiên Huế mở màn đợt I ngày 8/3/1975, quân dân ta tiến công, nổi dậy tiến công khắp nơi trong tỉnh, hiệp đồng chiến đấu với toàn chiến trường miền Nam. Địch bị thua đau ở Buôn Mê Thuột, lo sợ “lá chắn” phía Bắc của miền Nam bị phá vỡ nên tập trung phản kích dữ dội. Lực lượng ta có tổn thất, song quân dân tin tưởng vào thắng lợi của trận cuối, kết thúc chiến tranh.

Buôn Mê Thuột, rồi Quảng Trị giải phóng, cùng cổ vũ thúc đẩy chiến trường Thừa Thiên Huế tiến công, nổi dậy mãnh liệt, giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975, lá cờ Tổ quốc tung bay phất phới trên đỉnh Phu Văn Lâu.

Kỷ niệm những ngày đầu giải phóng Huế ghi dấu ấn không phai mờ trong lòng những người trở về giữa đô thành sạch bóng quân thù.

Ngày 24 tháng ba, cơ quan Tỉnh ủy, Thành ủy đã ra khỏi cửa rừng để vào thành phố. Chúng tôi rất đỗi vui mừng và khâm phục lòng dân, khi đến bến đò Đình Môn, đã nhìn thấy từng đoàn thuyền của dân cắm cờ xanh - đỏ, sao vàng từ Cư Chánh, Bằng Lãng lên Đình Môn chở cán bộ chiến sĩ qua sông. Lúc này, dân ở các làng thuộc xã Thủy Bằng di tản, chỉ còn một số rất ít ở lại. Các cơ quan về đóng ở lăng Tự Đức rồi Dương Xuân Hạ, đến cuối tháng 3 vào làm việc ở nội thành.

Lúc này phần lớn dân thành phố di tản chưa về. Nhiều người dân Quảng Trị và các tỉnh trở về đang ở lại ngổn ngang hai bên bờ sông Hương, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Bạch Hổ. Những dấu tích chế độ đang lưu lại trên đường phố và nhà dân. Chúng tôi đi khắp các ngả đường thành phố, về cửa Thuận, vào Phú Lộc để nắm tình hình chuẩn bị phản ánh lên báo Thừa Thiên Huế giải phóng. Khi đến đầu cầu Trường Tiền gặp nhà thơ Trần Phá Nhạc, tay mang băng đỏ, vai khoác súng như một chiến sĩ gác cầu. Nhạc vô cùng mừng rỡ: “Làm báo chừ sướng rồi các anh ơi, không thiếu tin tức nữa mô”. Có ngày chúng tôi đang đi trên đường phố lại nghe tiếng còi và ô tô dừng lại, té ra Trần Công Tấn và Trần Quốc Tiến lấy được xe Jeep ở Diên Sanh chạy vô Huế công tác; Trần Công Tấn lái xe cho tôi và Thanh Vệ đi khắp thành phố, biết thêm nhiều điều, nhiều chuyện, nhiều tình cảm của Huế mới giải phóng.

Ủy ban quân quản lo việc tiếp quản và ổn định thành phố. Lãnh đạo tỉnh thành phố, các huyện lo xây dựng chính quyền, tập hợp lực lượng nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Nhiều cuộc hội họp các tầng lớp nhân dân diễn ra liên tục ở các khu phố, và đông đảo nhất là các cuộc mitinh ra mắt chính quyền từ xã, phường đến huyện, thành phố... Mặc dầu bận trăm công nghìn việc phải lo toan khi mới giải phóng, nhưng lãnh đạo tỉnh đã kịp thời tập họp trí thức văn nghệ sĩ, như tổ chức cuộc họp tại 5 Lê Lợi để bàn về hoạt động văn hóa văn nghệ trong tình hình mới, quyết định tổ chức tờ báo “Thừa Thiên Huế giải phóng”. Tờ báo lúc này chỉ có mấy anh em, chia nhau về các huyện, nhất là không khí các cuộc ra mắt chính quyền cách mạng và khí thế nhân dân xây dựng lại quê hương. Chúng tôi đã liên hệ, hợp đồng với nhà in tư nhân Sao Mai của anh Huỳnh Đồng để in báo vì tỉnh chưa tổ chức được nhà in. Đầu tháng 4, báo “Thừa Thiên Huế giải phóng” ra mắt bạn đọc và chuẩn bị số báo đặc biệt về cuộc mittinh chào mừng Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.

Đang in báo tỉnh thì các anh Cục chính trị Quân khu nhờ giúp đỡ in báo “Quân Giải Phóng Trị Thiên Huế”. Các anh mang ma két, bản thảo và một thùng lương khô đến nhà in Sao Mai để “hợp đồng” in báo, lại phải giúp các huyện in tài liệu làm ăn tập thể của huyện Hương Thủy.

Nhà thơ Tố Hữu có lời mời khi quê hương giải phóng:

“Ai đi qua đó miền Trung
Xin mời ghé lại vui cùng Huế tôi”

Từng đoàn, từng đoàn khách đến Huế hàng ngày từ các ngành Trung ương, các địa phương miền Bắc đến chào mừng, cùng vui với Huế và phụ giúp Huế sớm ổn định mọi mặt. Chỉ riêng các nhà văn, nhà báo cũng đã đến Huế ngót trăm người, từ các báo Trung ương và các báo địa phương. Tôi nhớ quanh bàn trà số 3 - Trưng Trắc, các anh Phan Quang, Vũ Tú Nam, Trung Đông, chị Thanh Hương đã giúp nhiều ý kiến về hoạt động của báo “Thừa Thiên Huế giải phóng”.

Ngày 21/5/1975, 3 vạn dân thành phố và ngoại thành đã dự mit tinh chào mừng quê hương giải phóng trước Ngọ Môn, nơi trước đó 30 năm, nhân dân Huế dự lễ thoái vị vua Bảo Đại tháng 8/1945. Khi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ bước lên lễ đài, trong tiếng hoan hô vang trời, thì tôi đi loanh quanh gặp bác sĩ Bùi Viên Dinh (chồng nhà thơ Anh Thơ, trước đây tôi cùng công tác với anh ở Bệnh viện Hồng Thập Tự Liên Xô - Hà Nội). Chúng tôi mừng rỡ chào nhau, anh Dinh hỏi giọng Nam Bộ:

- Chú mới dzô hả?

- Em vô đây hơn 10 năm, ở rừng về.

Anh nắm chặt tay tôi và nói:

- Rất quý, rất quý.

N.K
(SDB16/03-15)






 

Các bài mới
Chiều Huế tím (23/04/2015)
Mười Cents (16/04/2015)
Bến xuân (16/04/2015)