Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-15)
Huế, những điểm nhấn nhân văn
09:50 | 26/03/2015

TRƯỜNG PHƯỚC  

Đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới phát triển đã 40 năm. Những thành tựu là có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, muốn phát triển, công cuộc đổi mới cần được thúc đẩy một cách mạnh mẽ có hiệu quả hơn nữa.

Huế, những điểm nhấn nhân văn
Ảnh: internet

Vùng đất Thừa Thiên Huế cũng đã có những thành tựu sau 40 năm hòa bình. Vị thế trung tâm văn hóa được tiếp tục khẳng định khi Huế đã được mệnh danh là thành phố Festival, thành phố văn hóa Asean, thành phố môi trường xanh sạch đẹp… Và dĩ nhiên, vùng đất này còn phải nỗ lực nhiều hơn mới có thể có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi nhìn lại thành quả một chặng đường, có những điểm nhấn thành công mà ai cũng đồng tình: gìn giữ phát huy giá trị văn hóa - môi trường Huế, phát triển trung tâm y tế chuyên sâu và hệ thống giao thông nối liền rừng - biển.

Huế - thành phố văn hóa Asean, thành phố Festival

Sau 40 năm xây dựng và phát triển, Huế trở thành một thành phố sinh thái - di sản - lịch sử. Việc các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế kiên quyết duy trì mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường đã khiến Huế luôn được chăm chút sửa sang, luôn xanh - sạch - đẹp. Huế trở thành thành phố gần gũi với thiên nhiên, đây chính là mơ ước của nhiều đô thị lớn trên thế giới trong thời đại ô nhiễm môi trường như bây giờ. Trong quá khứ, người dân đã từng kiến nghị không cho Công ty xi-măng Lukvaxi xây khách sạn chòi lấn sông Hương, người dân đấu tranh không cho nhà đầu tư nước ngoài xây khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh, người dân đề nghị Khách sạn Hoàng Đế không được xây cao quá 14 tầng vì lo ảnh hưởng đến sông Hương ...

Giữ cho sông Hương là giữ trái tim Huế.

Không thể kể hết những việc đã làm được cho một thành phố di sản văn hóa: định cư vạn đò; trùng tu, phục chế nhiều lăng tẩm triều Nguyễn, điện các trong Hoàng thành, trùng tu phục hồi hoạt động các nhà hát cũ như Duyệt Thị đường, Minh Khiêm đường; giải tỏa, xây kè hai bờ sông An Cựu; nạo vét, giải tỏa hai bờ sông Ngự Hà; giải tỏa Hộ Thành hào... Qua tám lần tổ chức thành công Festival, đã đưa Huế trở thành một Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Huế ngày càng được du khách tìm đến nhiều hơn.

Ghi tên trên bản đồ y khoa thế giới

Trong ký ức nhiều bác sĩ tham gia kháng chiến, chuẩn bị giải phóng Huế là thông tin bất ngờ đến với mọi người sau Tết 1975. Lúc đó cơ quan Ty Y tế Thừa Thiên (sau này là Sở Y tế Thừa Thiên Huế) đang đứng chân ở vùng rừng núi A Lưới bên cạnh bờ sông Asap trong xanh, hiền hòa.

Đoàn tiếp quản ngành y tế ngày đó gồm các bác sĩ, dược sĩ, cán bộ chính trị và bộ phận hậu cần, tất cả khoảng 15 người. Đoàn cùng với các ban ngành khác của tỉnh đã hành quân bằng ô tô về tập kết ở lăng Tự Đức trước ngày giải phóng khoảng một tuần.

Ngày đoàn xe ô tô khởi hành từ lăng Tự Đức về trung tâm thành Huế thật bồi hồi xúc động. Hai bên đường là những hàng người chào đón, nhà nhà đều treo cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng nửa đỏ nửa xanh, ngôi sao vàng ở giữa... Đoàn xe đi qua Nam Giao, chùa Từ Đàm, rồi xuôi dọc sông Hương qua trường Quốc Học, trường Đồng Khánh, Bệnh viện Huế rồi đến Ty Y tế cũ đều nằm trong trục đường Lê Lợi rợp bóng hàng cây hai bên đường.

Với tầm nhìn về sự phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, được sự đồng ý của GS.BS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, GS.BS Tôn Thất Tùng, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện T.Ư Huế đã cử một số bác sĩ theo học chuyên khoa sâu tại Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt - Đức như BS Bùi Đức Phú (phẫu thuật tim mạch), BS Lê Lộc (phẫu thuật tiêu hóa), BS Nguyễn Duy Thăng (mô phôi), BS Nguyễn Văn Bằng (giải phẫu bệnh học)... Ngoài GS.BS Hồ Đắc Di, GS.BS Tôn Thất Tùng, nhiều GS.BS khác quê hương ở Huế như GS.BS Tôn Đức Lang, GS.BS Bửu Triều, GS.BS Nguyễn Phúc Cương... hướng dẫn tận tình chu đáo cho các bác sĩ ở Bệnh viện T.Ư Huế theo học. Các “học trò” ngày ấy nay đều giữ các cương vị trọng trách của bệnh viện lớn có tầm cỡ trên cả nước và ngang tầm trong khu vực.

Bệnh viện T.Ư Huế được xếp hạng đặc biệt, là địa chỉ y tế đầu tiên của Việt Nam có tên trên bản đồ ghép tim thế giới.


Thời gian trôi nhanh, đã 40 năm kể từ sau giải phóng 3/1975, đến nay, Bệnh viện T.Ư Huế trưởng thành về nhiều mặt, trong đó đáng chú ý là các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, nội soi can thiệp, ghép tạng, hợp tác quốc tế... phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt, Bệnh viện đã được xếp hạng đặc biệt, là địa chỉ y tế đầu tiên của Việt Nam có tên trên bản đồ ghép tim thế giới, trở thành trung tâm ghép tim hàng đầu của Việt Nam. Tại đây, năm 2011, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tim từ người cho chết não.

Mới đây, tháng 6/2014, Bệnh viện tiếp tục thành công với ca phẫu thuật cấy Heartware cho bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối có tiên lượng nguy hiểm đến tính mạng. Ca phẫu thuật do GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện với sự trợ giúp của chuyên gia đến từ Bệnh viện St Vincent (Úc). Thành công này mang lại hướng đi mới trong việc điều trị cho các bệnh nhân suy tim, suy tim - phổi giai đoạn cuối bằng công nghệ hiện đại.

Nếu như trước đây nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim nặng thường phải chuyển đi nước ngoài điều trị, thì nay Bệnh viện T.Ư Huế cơ bản đã giải quyết được những trường hợp này. Đặc biệt, đã có 12 bệnh nhân nước ngoài được điều trị thành công tại Khoa Cấp cứu Tim mạch thuộc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện T.Ư Huế. Trong lĩnh vực ghép tạng, Bệnh viện T.Ư Huế cũng đã ghép thận với tỷ lệ thành công 100%. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn thực hiện được rất nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị phức tạp khác, góp phần đem lại cuộc sống cho những bệnh nhân nguy kịch.

Hiện nay, Bệnh viện T.Ư Huế đã xây dựng được một cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giỏi có thể đảm nhận tốt các kỹ thuật mới, ngang tầm với thế giới.

Những cây cầu qua phá Tam Giang

Ấn tượng thứ hai là hệ thống giao thông đã nối gần núi rừng và vùng biển ở Huế. Rộng gấp 7 lần Đà Nẵng, việc Thừa Thiên Huế nhựa hóa, bê tông hóa hệ thống đường liên thôn liên xã đã là một kỳ công. Cách đây nhiều năm, các bản làng miền núi Nam Đông, A Lưới, Tây Thừa Thiên, xe ô tô đã vào đến tận các ngõ xóm trên những con đường bê tông.

Trước đây, từ Huế đi A Lưới phải mất một ngày đường và chỉ có một con đường độc đạo: từ Huế ra Đông Hà rồi đi ngược lên, nay thì chỉ đi mất hơn một tiếng trên đường QL 49 được thảm nhựa láng o.

Ý tưởng xây cầu qua phá Tam Giang - Cầu Hai là một ý tưởng có tính đột phá, táo bạo chưa từng có trong lịch sử Huế khi từ thời Thuận Hóa hàng trăm năm trước đã có câu: “Thương anh em cũng muôn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.

Truyền thuyết dân gian kể rằng quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã từng làm phép trừ sóng dữ thủy quái. Kết quả là thủy quái không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang bình an vô sự. Tuy nhiên, vùng bên kia phá vẫn mãi là “ốc đảo”, đò giang cách trở. Vậy mà bây giờ, nhiều cây cầu vững chãi, hiện đại đã bắc qua phá Tam Giang - Cầu Hai, đánh thức tiềm năng kinh tế của vùng đất rộng lớn.

Năm 1989, lịch sử phá Tam Giang sang trang khi cầu Thuận An, cây cầu đầu tiên bắc qua phá Tam Giang được khởi công xây dựng, nối quốc lộ 49B qua phá Tam Giang nơi vùng “cửa ngõ” phía đông của tỉnh với TP Huế. Bây giờ, bên kia cầu Thuận An đã trở thành đô thị sầm uất.

Bốn năm sau, tháng 8/2003, cầu Trường Hà (chính xác phải gọi là Trừng Hà, tên ngôi làng có cầu bắc qua) được khai thông. Đây là cây cầu thứ hai bắc qua phá Tam Giang, kết nối huyết mạch giao thông từ Khu công nghiệp Phú Bài, quốc lộ 1A với quốc lộ 49B bên kia phá. Nhiều người vẫn không quên hình ảnh hôm khánh thành chiếc cầu bắc qua đầm Thủy Tú trên phá Tam Giang: rất nhiều cụ ông khăn đóng áo dài chỉnh tề đi lại bịn rịn trên những nhịp cầu. Không vui làm sao được, không cảm động đến dâng trào sao được khi mà đã bao đời nay, người dân vùng đầm phá đi về phía biển hay trong hành trình ngược lại phải đi đường vòng dài gấp đôi gấp ba hay phải vượt phá trên bao chuyến đò may rủi.

Chưa đầy 1 năm sau (tháng 7/2004), người dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lại có dịp vui mừng khi cầu Tư Hiền được khởi công. Cầu Tư Hiền cách cửa biển Tư Hiền 800m về phía đầm Cầu Hai, ngoài thông nối QL1A với QL49B nơi vùng “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh, cầu Tư Hiền còn kết nối giao thông cho các xã “ốc đảo” nằm giữa đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và biển Đông thuộc huyện Phú Lộc với đất liền, tạo thành tuyến huyết mạch giao thông ven biển của tỉnh - QL49B từ chân đèo Phước Tượng (huyện Phú Lộc) đến thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).

Cầu Ca Cút


Tháng 5/2008, cầu Tam Giang (dân gian gọi cầu Ca Cút) được xây dựng. Cầu Tam Giang cùng với cầu Thảo Long, cầu Thuận An, cầu Trường Hà, cầu Tư Hiền tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn của tuyến quốc lộ 49B chạy dọc ven biển từ Bắc vào Nam của tỉnh; rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển với thành phố Huế và với quốc lộ 1A. Đứng trên cầu Ca Cút nhìn xa về phía biển, chợt nhớ tiếng gọi đò năm xửa năm xưa.

Lại nhớ những năm 80 đi từ Huế qua bãi tắm Thuận An đã phải vất vả mấy lần đò, bây giờ thì qua phá Tam Giang - Cầu Hai xe chạy ào ào. Tam Giang không còn xa xôi ốc đảo huyền bí mà đã hội nhập kinh tế từ các hải sản đánh bắt xa bờ.

Phải nói vùng đất Thừa Thiên Huế hôm nay đã làm được cái việc ngàn đời không làm được là xây dựng một hệ thống cầu hiện đại qua phá Tam Giang - Cầu Hai, đó là cái đáng khâm phục nhất trong lịch sử vùng đất này.

Những cây cầu đó là chứng chỉ của một Thừa Thiên Huế sau 40 năm hòa bình, xây dựng và phát triển, là điểm nhấn hết sức nhân văn trong bức tranh toàn cảnh Thừa Thiên Huế thời đổi mới…

T.P  
(SDB16/03-15)







 

Các bài mới
Chiều Huế tím (23/04/2015)
Mười Cents (16/04/2015)
Bến xuân (16/04/2015)
Các bài đã đăng