Tạp chí Sông Hương - Số 314 (T.04-15)
Thông reo Ngàn Hống
07:38 | 27/04/2015

LGT: Nhà văn Nguyễn Thế Quang là giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, nghỉ hưu đã hơn 10 năm. Sau tiểu thuyết Nguyễn Du in năm 2010, ông vừa hoàn thành bản thảo tiểu thuyết lịch sử Thông reo Ngàn Hống viết về cụ Nguyễn Công Trứ. Theo tác giả, tiểu thuyết không chỉ tái hiện các sự thật, mà còn phơi mở các khả năng phong phú của thời đại đã bỏ phí. Nhà văn thể hiện cách hiểu, cách nhìn riêng của mình vào từng nhân vật lịch sử với thái độ phản biện.

Thông reo Ngàn Hống
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử nhận định: “Về nhân vật Nguyễn Công Trứ, tác giả không chỉ khẳng định công lao nhiều mặt của nhân vật lịch sử, mà còn tái hiện một nhân cách cao thượng, trong sáng, tài năng lỗi lạc. Dù trải qua nhiều cảnh ngộ khó khăn, oan trái, ông vẫn một lòng trung quân, ái quốc, an dân. Nguyễn không chỉ là một ông quan giỏi, một nhà thơ tài hoa, mà còn một tài tử có tầm văn hóa lớn. Tiểu thuyết kể theo lối truyền thống, thuận theo trật tự thời gian biên niên, nhưng có chọn lọc. Nhà văn không chỉ tái hiện sự kiện, mà chủ yếu khai thác tư tưởng, tâm trạng. Các nhân vật được soi chiếu dưới nhiều điểm nhìn. Đặc biệt có nhiều cảnh hát ca trù, nhiều cuộc tình, nhiều hình ảnh đào nương đa dạng, hấp dẫn. Thông reo ngàn Hống là một cách tiếp cận nghệ thuật mới mẻ, độc đáo, táo bạo của Nguyễn Thế Quang, một đóng góp đáng kể vào dòng chảy của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại”.
Sông Hương trích đăng Chương 6 của phần IV, viết về hai kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát trước khi rời Phú Xuân.



NGUYỄN THẾ QUANG

Thông reo Ngàn Hống
                                      Trích tiểu thuyết


Trống Hoàng thành điểm giờ chính ngọ, của ngày 1 tháng 10 năm Kỷ Dậu, Tự Đức năm thứ 2/1849, Phủ doãn phủ Thừa Thiên Nguyễn Công Trứ thong thả đi từ Điện Thái Hòa bước ra cửa Ngọ Môn.

- Ta đã được Hoàng thượng cho nghỉ hưu. Trước khi về, ta muốn lên lầu Ngũ Phụng ngắm lại Hoàng thành lần cuối.

Nhìn gương mặt dãi dầu sương gió và giọng nói đầy vẻ xúc động của ngài Nguyễn Công Trứ - người chỉ huy cũ của mình từ hồi ở An Giang nay về Thự phủ doãn Thừa Thiên, viên đội trưởng gác cửa Ngọ Môn vội vàng đưa Nguyễn bước qua những bậc đá lên lầu Ngũ Phụng. Đi qua những lính gác nghiêm chỉnh đứng im như tượng, quan sát xung quanh, viên đội trưởng đưa Nguyễn lên tầng 2, đến một khoảng trống phía tả dễ dàng ngắm toàn cảnh Hoàng cung, cúi đầu chào Nguyễn rồi lui gót. Nguyễn mỉm cười gật đầu, rồi ngước nhìn lên phía trên: đó là chỗ ngự toạ của nhà vua khi có tổ chức sự kiện gì ở sân rộng phía ngoài, thầm nghĩ: “Ở đâu, Hoàng thượng cũng trên đầu của mình”.

Nguyễn đưa mắt nhìn theo con đường qua cầu Trung đạo bắc trên hồ Thái Dịch dẫn đến sân chầu rộng. Nguyễn và bao người nỗ lực cả đời mình để được đến quỳ ở đó phụng sự thiên tử và rồi cũng từ đó ra đi. Có người ra đi lập công để rồi tên ghi vào bia đá như Lê Văn Đức, có người đi ra không về như Phạm Văn Điển, có người ra đi rồi chết tức tưởi đau đớn như Trương Minh Giảng, cũng có người vào đó có công lớn nhưng bị vu oan không được giãi chết trong đêm tối ngục tù như Nguyễn Văn Thành… Có người vào đó rồi cũng bỏ về như Phạm Đình Hổ, Nguyễn Quý Tân. Có người cũng hăng hái vào đó, biết khéo chiều nịnh hót quân vương, được trọng dụng nhưng bị đánh chết vất xác dưới đáy hồ, rời kinh thành bằng quan tài rỗng như Hà Tôn Quyền. Thế nhưng có người vào đó nhờ khôn khéo mà ngất nghểu chót vót đỉnh cao danh vọng như Trương Đăng Quế… Mỗi người mỗi vẻ, mỗi số phận, mỗi kết cục nhưng họ đều có cái chung là nói theo ý của đấng cửu trùng, nghĩ và làm và chịu kết cục theo ý của quân vương. Còn Nguyễn, Nguyễn cũng hăm hở vào đó, hăm hở thực hành ý của quân vương nhưng Nguyễn vẫn cố thực hiện được cả sở nguyện của mình, và điều thú vị nhất là Nguyễn vẫn vừa làm quan hết mình mà vẫn vừa chơi hết mình: trăng thanh gió mát hay giông bão cuồng phong, chót vót thượng thư hay cùng đáy lính thú, Nguyễn vẫn bầu rượu, túi thơ, cây đàn và mỹ nhân nghiêng ngả đất trời. Nguyễn vẫn là Nguyễn. Nguyễn ngoảnh nhìn về phía Bắc nơi cửa Đại Cung - cửa chính của Tử Cấm Thành như thấy lại mười bốn năm về trước, nơi đây lọng vàng rực sáng, vua Minh Mệnh tươi cười ra tận đó đón các tướng lĩnh đánh tan phản nghịch Nông Văn Vân trở về. Các đại tướng công đầu Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức được tặng ngựa vàng, hươu vàng, lạc đà vàng lộc nước treo vào cổ rồi gối quỳ, tay ôm gối vua như trẻ nhỏ cùng cha lớn, còn Nguyễn được nhận thưởng một bộ đồ chơi bằng ngọc trắng và may mắn không được nhận ân sủng ôm gối người. Giờ thì Phạm Văn Điển đã để lại xác mình ở Thất Sơn (An Giang), Lê Văn Đức dù mang bệnh vẫn cảm ân vua đi Kinh lý Nam Kỳ rồi chết ở dọc đường lúc vừa bốn chín tuổi, Tạ Quang Cự giờ đã ở tuổi 80 vẫn cung cúc quỳ tại sân chầu làm đẹp lòng ông vua trẻ Tự Đức. Còn Nguyễn 71 tuổi, sức vóc vẫn cường tráng, rũ sạch nợ quân thần, thoát vòng cương toả, thong dong trở về Ngàn Hống vui cùng nước biếc non xanh. Nguyễn mỉm cười tự bằng lòng với mình, ngoảnh lại nhìn điện Thái Hòa uy nghi trong nắng chiều đông, lặng nghĩ bao nhiêu năm cuộc đời ta đã gắn chặt nơi này với bao nỗi vui ít buồn nhiều. Sáng nay, bữa chầu cuối cùng… Vui vì nhận được chỉ dụ cho về hưu, mà lòng buồn ngao ngán vì được chứng kiến một buổi chầu mà từ trước đến nay chưa bao giờ gặp cảnh tượng đó. Lúc này đạo An-Tĩnh khuyết tổng đốc, Gia Định, Quảng Nam, Lạng Sơn thiếu án sát, Tự Đức giao cho đình thần chọn cử. Trương Đăng Quế cử Nguyễn Đăng Giai. Mọi người lấy làm lạ. Giai vừa được Tự Đức điều về triều, thăng Thự Hiệp biện Đại học sĩ làm Thượng thư bộ Hình kiêm Tổng tài Quốc sử quán. Giai vừa nhận chức, dâng 10 điều hay về xét việc hình, việc duyệt đinh, việc khẩn hoang, việc đúc tiền. Vua khen. Giờ nếu đi làm Tổng đốc An-Tĩnh, khác gì bị hạ cấp. Giai biết rõ Quế ghét mình và sợ mình nên đẩy mình đi, bèn không nhận. Nguyễn Tri Phương cùng hùa với Quế bảo rằng “Giai không được chối”. Hoàng Thụ người quý Giai ghét Quế, cử Lâm Duy Thiếp, cánh tay của Quế vì “Thiếp đánh bạc giỏi” hoặc Phan Thanh Giản vì “Không thích chơi gì có thể chuyên tâm việc dân.” Giản chối. Còn chỗ việc khuyết án sát, Quế cử Lang trung bộ lại Ngô Bá Hy (tú tài). Tri Phương cũng khen Bá Hi. Các bậc Á khanh trở xuống lại không muốn… cãi nhau om sòm. Vua Tự Đức ngồi trên ngai vàng hết nghe người này lại nhìn kẻ khác, chưa biết xử lý ra sao. Bực quá, ngài đập tay, nói:

- Năm ngoái, bọn Lâm Duy Thiếp, Nguyễn Đăng Giai đã xảy ra chuyện bất hòa, cãi nhau ở chốn triều đường, trẫm đã quở trách hai ba lần. Nay lại nhân việc chọn cử, này sinh ra bất hòa, bới móc, nói xấu lẫn nhau, thảo nào gần đây khí trời không hòa, nhân dân thường gặp thiên tai dịch tệ vậy.

Phó đô ngự sử viện Đô sát là Bùi Quỹ quỳ tâu, tố Trương Đăng Quế chuyên quyền, tư tình tự tiện làm càn, chuyện nhà công chúa An Mỹ (con dâu Quế - vợ Trương Đăng Trụ) mất trộm, phủ Thừa Thiên đã chỉ rõ kẻ gian, bộ Hình cho rằng chứng cớ chưa rõ, phái người bắt được kẻ gian mới tra xét. Thế mà Quế tự tâu đề nghị cách chức Nguyễn Tấn và Lê Huy Mậu, Đăng Giai nóng nảy lúc tranh cãi, Hoàng Thu ở giữa triều mà ăn nói đùa bỡn ngầm đả kích nhau… Bùi Quỹ tâu xong, Tự Đức khen thẳng thắn, không hề sợ kẻ quyền quý, rồi nói:

- Đăng Quế là Cố mệnh lương thần của hai triều, Nguyễn Đăng Giai là thế thần đời đời được ân sủng, thế mà vì việc công mà kẻ cử, kẻ chối, nói năng va chạm, quần thần nghe phải sợ hãi, đã không phải việc nước mà đồng lòng cùng nhau, lại dường như đi đến chỗ chia dựng phe cánh.

Ngài bèn giáng Trương Đăng Quế hai cấp, Nguyễn Đăng Giai ba cấp lưu lại làm việc, còn Hoàng Thụ ăn nói đùa giỡn, phạt cắt lương 9 tháng.

Nghĩ đến đây, lòng Nguyễn trĩu buồn. Cảnh triều đình bàn chuyện đại sự của quốc gia mà ồn ào, lộn xộn như buổi chợ. Các quan đại thần đứng trước mặt vua và quần thần thô lỗ như kẻ vô học, bàn định việc lớn cử người chăn dắt dân chúng các tỉnh mà coi như việc tư thù, chỉ lăm đạt ý riêng của mình, mặc cho muôn dân sống chết thế nào không cần hay biết. Cảnh bè phái này rồi sẽ dẫn đến đâu? Giang sơn Đại Nam sẽ tan nát đến đâu? Nguyễn thấy lòng xót xa, thất vọng! Nguyễn lại nhìn về điện Thái Hòa uy nghi, nơi tập trung quyền lực của triều đình, lặng lẽ lắc đầu nhớ đến ngày xưa… thời Thánh tổ Minh Mệnh không bao giờ có cảnh ấy. Ngày ấy, ngài ngồi ở đó mà thấy việc của muôn nơi, hiểu chuyện đã qua, thấu hết chuyện đời nay mà nghĩ đến cả chuyện mai sau, sắp đặt chuyện cai trị ở các tỉnh thành, lo việc nông tang cho dân đỡ khổ, nghiêm khắc với kẻ tham nhũng, ra sức xây dựng lực lượng quân sự nhất là hải quân. Những buổi thiết triều trăm quan không dám lộn xộn, ngài giải quyết công việc nhanh chóng mà quyết đoán. Còn nay, quan lại thì chia rẽ, thiết triều vua chỉ bàn chuyện học theo người xưa, lo khen thưởng tiết nghĩa mà không trừng trị được kẻ tham tàn, nắng hạn thì chỉ biết cầu trời mà không nghĩ đến việc đào sông mang nước cho ruộng đồng. Trương Đăng Quế cầm đầu quan lại mà độc đoán chuyên quyền, đẩy người tài giỏi ra khỏi triều đình, dựng lên một ông vua hiền lành mà không biết lo đại sự, trước sau chỉ lăm lăm đi tìm sự yên ổn… Nghĩ đến đây, Nguyễn chợt giật mình: Quế được vậy chính là từ… đức Minh Mệnh. Chính ngài, trước khi lâm chung đã giao cho Quế quyền lực lớn, dặn Thiệu Trị: Quế “nói gì phải nghe, bày mưu kế gì phải theo” cơ mà. Chao ôi! Chính người: đặt toàn bộ niềm tin vào một con người. Con người đó cũng chỉ biết trung thành theo vua trước, theo người xưa, tập trung quyền lực, không nghe một ai, không cho ai nói trái ý mình, luôn tự cho mình “bách vô nhất nhất” (không hề sai sót) bắt mọi việc, mọi người “bách y bách thuận” (phục tùng tuyệt đối). Nguyễn cay đắng: tất cả bắt nguồn từ lời dặn, từ sự ủy thác của vua Minh Mệnh. Ôi! vị hoàng đế sắc sảo, tài giỏi hơn cả, suốt đời lo cho nước Đại Nam, cho dòng họ Nguyễn Phúc lại chính là người bắt đầu tạo nên sự suy yếu của Đại Nam. Sự đời thật oái ăm và khó hiểu! Nhớ đến sự kém cỏi bất lực của vua Tự Đức, Nguyễn chợt nhận ra: đâu phải do ngài mà do người ta buộc vào cho ngài. Hiền lành, tốt bụng, chuộng đạo lý, đáng là một thi nhân nhàn nhã, người ta đã biến ngài thành một kẻ yếu đuối phải è cổ gánh những gánh nặng của giang sơn mà cha mình, ông mình để lại. Suy cho cùng thì Tự Đức cũng chỉ là nạn nhân mà thôi.

Nắng nhạt dần, trời se lanh, Nguyễn buông một tiếng thở dài rồi rời tay khỏi bậc đá của Ngọ Môn, phủi sạch bụi, phủi sạch mọi sự kiềm tỏa của danh vọng và quyền lực, ngậm ngùi đưa mắt nhìn khắp bốn phía Hoàng thành, thong thả quay người, bước xuống mặt đất, trở về phủ Thừa Thiên. Phải bàn giao công việc để trở về quê nhà với Ngàn Hống xanh tươi, hùng vĩ thôi.

*

Tân Phủ doãn Thừa Thiên Võ Trọng Bình đang chăm chú đọc các hồ sơ mà Thự Phủ doãn Nguyễn Công Trứ mới bàn giao bỗng dừng lại, nhìn ra cổng: một đoàn ngựa xe lại đến. Ba hôm nay ngày nào, buổi nào cũng có người đến chào, tiễn Nguyễn tiên sinh về nghỉ hưu. Bình vội ra cổng. Từ trên hai cỗ xe song mã: Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ ở viện cơ mật Hà Duy Phiên, Hữu Tham tri Bộ Binh Hoàng Tế Mỹ, Hữu Tham tri Bộ Lại Phạm Thế Trung, Tả tham tri Bộ Lại Nguyễn Đức Chính, Hữu Tham tri Bộ Lễ Đỗ Quang thong thả bước vào, sau lưng có hai người lính người tay bưng bình rượu, người hai tay bê hộp vuông sơn màu đỏ, có hoa văn đẹp. Mọi người vui vẻ bước tới, Bình chấp tay, cúi chào và mời mọi người vào công đường. Hà Duy Phiên nhìn Bình ngạc nhiên. Hiểu ý, Bình nói:

- Hạ quan làm việc ở phòng bên. Phòng này vẫn để dành cho Tiên sinh Hy Văn tiếp khách, hàn huyên vậy. Tướng công đi đâu từ chiều qua đến nay chưa thấy về.

Mọi người vào phòng. Trên tường treo nhiều đôi câu đối, thơ mừng Nguyễn Công Trứ về hưu, Thái tử Thiếu bảo Đại học sĩ Hà Duy Phiên chú ý đến đôi câu đối của triều thần đồng kính tiễn:

Lam Giang Hồng Lĩnh gia sinh Phật
Thiết khoán đan thư quốc trọng thần.


Phạm Thế Trung đọc bài thơ mừng của Võ Duy Tân:

Trịch bãi thiên kim mãi nhất nhàn,
Nụy trì trượng lí khẩu môn hoàn,
Giang Đình phong nguyệt thu như tẩy,
Hoạn hải ba đào mộng bất quan.
Vạn cổ từ bi sang kiếm hậu
Bách niên tâm sự cúc tùng gian,
Quy lai nhược kí tôn tiền thoại,
Bất nhật Tăng cuồng quá Cảm san


Dịch thơ:

Nghìn vàng quẳng hết để mua nhàn,
Khấp khểnh về nhà một lão quan.
Gió mát Giang Đình như tẩy sạch,
Sóng dồn bể hoạn vẫn bình an.
Cửa thiền sau lúc gươm dao giũa,
Khóm cúc mừng nay bạn hữu bàn.
Chén rượu không quên câu chuyện cũ,
Tăng cuồng rồi sẽ viếng Nài San

(Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch)

Thầm nghĩ: ý có chỗ khá nhưng có nhiều chỗ khuôn sáo quá. Đỗ Quang thì rất thích câu đối của Trương Quốc Dụng:

Lục địa thần tiên, danh trọng Hồng Sơn, Lam Thủy
Vạn gia sinh Phật, công cao Tiền Hải, Kim Sơn.


Chợt có tiếng ồn ào ở phía cổng, mọi người cùng nhìn ra. Họ không tin ở mắt mình: Nguyễn Công Trứ áo dài khăn đóng, đang ngất nghểu ngồi trên mình một con… bò, lông vàng khươm, đủng đỉnh bước vào. Theo sau là mấy chú bé, vài người đứng tuổi đi theo. Hà Duy Phiên dụi mắt, khi biết chắc là Nguyễn Công Trứ vội ra chào. Nguyễn xuống bò, nắm hai tay dơ lên chào mọi người:

- Xin chào các vị đại quan. Ta vừa vào triều nạp trả các bằng sắc cho triều đình nên về muộn. Mời vào.

Mọi người xúm lại quanh con bò.

Đỗ Quang hỏi ngay:

- Sao tiên sinh không đi ngựa mà lại đi bò.

- À. Ngựa xe là vua ban đi làm công vụ, nay nghỉ rồi thì cưỡi bò thôi.

Nhìn thấy sát sau thân bò có tấm mo cau treo vào đuôi, Tế Mỹ hỏi:

- Sao huynh lại che cái chỗ này lại?

Nguyễn hóm hỉnh:

- Để che miệng thế gian.

Hà Duy Phiên nhìn Nguyễn rồi nhìn Mỹ như thầm nói: “ông này ghê thật.” Nguyễn mời mọi người vào phòng.

Khi mọi người an toạ, Võ Trọng Bình sai lính rót rượu, bưng một chén đến trước mặt Nguyễn Công Trứ. Đại học sĩ Hà Duy Phiên đứng dậy nói:

- Kính thưa quan Kinh Doãn, mấy anh em chúng tôi, những người đã cùng Tiên sinh vào sinh ra tử nơi trận mạc, gánh vác công việc trong triều ngoài trấn, tuổi tác khác nhau, công việc khác nhau, nhưng cùng chung sự ngưỡng mộ cốt cách cứng cỏi, công đức lớn lao của Tiên sinh. Nhân dịp ngài được Hoàng thượng cho trí sĩ, chúng tôi có mấy lời nôm na cúi mừng, bái phục.

Nói rồi, Phiên mở hộp gỗ sơn đỏ, lấy ra một bức trướng lụa gấm đỏ, thêu chữ màu xanh, xung quanh là hình tám vị tiên ông. Phạm Thế Trung giọng tốt, thong thả đọc:

Quan Kinh Doãn hiệu Hy Văn về hưu là người khí tiết lỗi lạc, phong lưu hơn người. Gặp gỡ buổi thịnh triều, ngất nghểu trên đầu núi, rẽ sóng đuổi gió, ra vào trong hội Tôn Ngô, giỏi văn giỏi võ, tài tướng quân xuất tự thư sinh, ở quận ở triều, già trẻ đều hay tên tuổi. Chức tước ba triều từng trải, gió sương bảy chục đã thừa. Vàng càng luyện càng thêm bền, tùng về già càng thêm xanh, mong mỏi phúc nhàn trời ban tuổi thọ. Ước ao trí sĩ vua chuẩn lời xin. Đang bị đau được mừng khỏe mạnh, lúc cáo quan được tăng phẩm hàm. Làng xóm mừng ông lừng danh, quan thân khen ông dày phúc…(*)”.

Phạm Thế Trung càng đọc càng xúc động. Hoàng Tế Mỹ chú ý nhìn: gương mặt Nguyễn vẫn bình thản, chỉ trong đôi mắt ánh lên chút ánh sáng hóm hỉnh không biết bằng lòng hay chê trách. Phạm đọc xong, Hà Duy Phiên từ từ gấp bức trướng bỏ vào hộp rồi hai tay nâng tráp lên ngang mày Nguyễn dơ hai tay đỡ lấy, miệng nói:

- Đa tạ. Đa tạ. Các quan bác quá khen.

Khi Nguyễn đặt tráp xuống, Hà Duy Phiên và mọi người cùng nâng chén chúc mừng. Ngồi cạnh Nguyễn, Hoàng Tế Mỹ hỏi:

- Bao giờ huynh về quê?

- Cũng chưa định được. Có khi cũng phải ở lại mươi ngày, đi chơi một vài nơi, đưa chú bò này dạo khắp kinh thành trước khi đưa chú ấy về Xứ Nghệ.

Đúng vậy, Nguyễn Công Trứ thong dong cưỡi bò đi khắp kinh thành thăm bạn bè, ngắm cảnh. Mọi người từ thứ dân đến các người có học bàn tán. Người thì bảo: “Ngài Phủ Doãn khác người, không ngồi xe, không cưỡi ngựa mà lại cưỡi bò.” Người khác nói: “Ngựa là của vua ban đi làm công vụ, bò là tiền của mình. Ngài cưỡi bò, nghĩa là ngài chán chức tước, chán công danh rồi.” Người thì hỏi: “Hay là ngài không có tiền. Xưa Mã Viện về quê ngựa thồ hàng bì vàng bạc. Quan lại triều này quanh ta của cũng nứt đố đổ vách.” Có người nói: “Quan Trứ hai mươi năm trước làm Phủ Doãn cũng không lấy của kho, không lấy của dân đồng nào. Nay cũng thế. Cần ngựa làm gì.” Có người nhìn sang mấy nhà cao của quan lại nói với nhau: “Ông già người Nghệ thâm thúy thật. Cưỡi bò giữa kinh kỳ nhung nhúc quan lại giàu sang là để tát vào mặt quan tham: “Ta cóc cần thứ chúng mày cần. Ta không như lũ chúng mày.” Một người thợ kim hoàn rất phục quan Phủ Doãn, thức suốt đêm, làm xong chùm đục đạc (có nơi gọi lục lạc) đồng gồm ba chiếc kích cỡ khác nhau, dày mỏng khác nhau, đón đường quỳ tặng Nguyễn Công Trứ. Ngài mừng lắm “ta còn thiếu cái này đây,” bèn đeo vào cổ bò. Bò đi, âm thanh ở ba cái đục đạc vang lên đa dạng mà ríu rít, rộn rã. Nguyễn Công Trứ cười vui, lấy bầu rượu bên hông, uống một hớp, cùng cười với mọi người,

Thủng thẳng giục bò đi. Dân chúng vỗ tay nhìn theo thích chí, thán phục. Mấy khuôn mặt béo nhẫy của quan lại trên lầu cao, nghe tiếng lục lạc, tưởng ngựa ai đến, vội mở của sổ nhìn xuống. Khi thấy Nguyễn cưỡi bò thảnh thơi cười, họ cau có, đóng cửa lại. Dân chúng thấy vậy cùng nhìn nhau cười khoái trá. Gió đông phong hây hẩy thổi qua kinh thành. Lá vàng rụng rì rào cùng đuổi theo tiếng lục lạc bò vàng leng keng, loong coong rộn rã. Nguyễn cất tiếng đọc:

Xuống ngựa lên xe chẳng được nhàn
Lợm mùi giáng chức, với thăng quan.
Ta nay đủng đỉnh lưng bò cái,
Đem tấm mo, che miệng thế gian.


Nguyễn đi xa dần. Dân chúng hai bên đường xúm nhau lại hồ hởi bàn tán. Người thì cho rằng: Quan Nguyễn khác đời, người thì cho rằng, ngài coi thường cả thiên hạ. Có người bảo: “Thôi, chúng ta đừng nói chuyện ngài nữa, ngài chẳng đã muốn che miệng chúng ta là gì”! Một cụ già tóc bạc, có cặp mắt sáng, tủm tỉm nói:

- Bà con nói vậy, e không hiểu ý sâu xa của ngài.

Mọi người nhìn cụ, lắng nghe.

- Ở câu trên, nói chuyện “giáng chức, thăng quan.” Ai làm được chuyện đó? Chỉ có các quan nhất là các vị đại thần hoặc các ngài ở Cơ mật viện mới được nói, được bàn chuyện đó. Đời ngài phải lên voi, bị xuống chó nhiều lần oan ức, bất công, ngài mới chán ghét nên nói “lợm mùi”. Ngài “che miệng thế gian” là che những cái miệng…

Mọi người ớ ra. Một người trạc tuổi năm mươi, nhìn cụ già, nói nhỏ:

- Thế có nghĩa là: miệng các vị tai to mặt lớn, quyền cao chức trọng như… cái ấy của con bò.

Cụ già tóc bạc không trả lời. Một người khác nói:

- Xưa nay, chỉ nghe nói “miệng quan, trôn trẻ”, chẳng hay ho gì nhưng dẫu sao cũng còn được là người, chứ chưa ai ví “miệng quan” với “cái ấy” của bò cả. Chao ơi! Ngài Phủ Doãn của ta ghê gớm làm sao. Hay thiệt!

Có người lại nói thêm:

- Còn ngài thì lại ung dung cưỡi lên lưng bò, bỏ mặc sau lưng miệng thế khen, chê. Xưa nay, chưa có ai dám bày trò giễu đời như Cụ già Xứ Nghệ này cả.

Cứ thế, những lời bàn tán về cụ Trứ, về các vị tai to mặt lớn, về đạc ngựa, bò vàng và cái mo cau che đít bò, cứ râm ran nổi lên khắp kinh thành cùng những bước đi đủng đỉnh của Cụ, rồi lan cả ra những vùng mà Cụ chưa đến.

*

- Đệ bị tống khỏi Kinh thành rồi!

Vừa nâng chén rượu lên kề miệng, nghe Cao Bá Quát nói vậy, Nguyễn Công Trứ vội đặt xuống ván, cựa mình. Con thuyền nhỏ trên Hương Giang chòng chành.

- Thế đệ đi đâu? Làm gì?

- Đệ lùi về Quốc Oai làm đốc học!

À ra thế! Thảo nào mà trưa nay, đệ ấy đến tìm, bảo Nguyễn đi chơi. Thấy nét mặt Cao có chiều căng thẳng, Nguyễn nghĩ là có gì hệ trọng nên bỏ ý định rong chơi rồi cùng đi với Cao. Một con thuyền đã đợi sẵn. Ngoài ông già chống đò râu tóc bạc phơ, Nguyễn không thấy ai khác. Lạ thật!

Cao rót thêm một chén rượu, nâng chén kia lên đặt vào tay Trứ:

- Huynh cạn chén đi. Biết bao giờ gặp lại. Và biết có gặp lại.

Hai người cạn chén. Cao nhìn ra: mặt sông óng ánh nắng trời, giọng trầm xuống:

- Được cha mẹ sinh ra, được các thầy dạy dỗ, bụng đầy mấy bồ chữ, ôm hoài bão “tiên ưu hậu lạc”, nguyện làm một tôi trung phò quân vương, mười bảy năm dấn thân vào chốn kinh kỳ mong giành đại khoa mà làm nên đại nghiệp, nào ngờ lại trở thành đồ thừa, sống vô nghĩa, thành miếng giẻ rách, bị quẳng trở lại với đồng chua nước mặn. Chu Thần ơi là Chu Thần ôi!

Nói rồi, Cao quay lại nhìn Trứ:

- Huynh thế mà vẫn còn sướng, còn có những năm tháng được làm điều mình muốn…

Nguyễn trả lời:

- Đệ nói đúng. Đó chính là điều may mắn lớn của ta. Thời đó, đức Thánh tổ (Minh Mệnh) là vị Hoàng đế đầy tài năng, biết nhìn xa trông rộng, biết lo việc nay và cả việc mai sau, biết sở trường sở đoản của từng thuộc hạ mà dùng cho đại sự, rất nghiêm khắc mà cũng rất độ lượng, làm lòng ta phấn chấn mà lo hết sức cho việc của giang sơn.

- Còn hiện nay?

Nguyễn lắc đầu:

- Buồn lắm. Mọi sự mỗi ngày mỗi khác mà Hoàng thượng chỉ biết làm theo lời vua cha, dân chúng ngày càng nghèo đói, quan lại ngày càng thối nát, càng bất lực mà cứ tưởng ngày càng thịnh vượng… Còn dùng người…

Nguyễn lắc đầu, nhấp một chút rượu, buồn bã:

- Ai khéo nịnh, biết cúi đầu nghe, thì được dùng, được thăng, được giao quyền dù không làm được việc. Người có thực tài, nhưng nghĩ khác Quế, nghĩ khác Hoàng thượng, biết làm, dám làm điều tốt cho giang sơn, thì bị loại bỏ, thậm chí còn bị hại. Nhìn thấy dân tình khốn khổ, quan lại ngày càng thối nát lúc nào lòng ta cũng không an. Không làm sao mà an được!

Cao nói ngay:

- Nhưng giờ thì huynh thoát khỏi mọi vòng cương tỏa, đạc ngựa bò vàng ngất nghểu rồi.

- Đệ tưởng ta vui lắm đấy chăng. Ta làm thế là để tát vào mặt bọn quan tham bất tài, để cho chúng biết ta là ta chứ không phải chúng nó, ta không thèm sống như chúng nó.

Nguyễn dừng lại một lát, nhìn ra ngoài. Sông Hương lấp lánh nắng vàng, giọng Nguyễn như chùng xuống:

- Thế nhưng đó cũng là sự bất lực của ta. Đau và buồn lắm đệ ạ. Sáng nay, cưỡi bò qua Ngọ Môn, nhìn về điện Thái Hòa, lòng ta vừa ngao ngán, vừa xót xa.

- Thế huynh có biết sáng nay Hoàng thượng làm gì không?

- Hôm nay là ngày 12, Hoàng thượng đến điện Kinh Diên nghe giảng, còn giảng gì thì làm sao ta biết được.

- Sáng nay ngài nghe giảng “Binh thư yếu lược” của Hưng Đạo vương

- Thật thế ư?

- Đúng vậy. Hoàng Tế Mỹ nói với đệ mà. Đó là yêu cầu của Hoàng thượng. Ngày 08 nghe Trương Đăng Quế giảng Hội điển sự lệ của nhà Thanh, ngài bảo giảng quan Phan Thanh Giản “Trẫm xưa nay chỉ quen thơ phú mà ít hiểu về binh pháp. Nghe nói Binh thư yếu lược của Hưng Đạo vương hay lắm, các khanh giảng cho trẫm nghe”. Giản tuân chỉ, giao cho Hoàng Tế Mỹ việc này. Sáng qua, Hoàng vừa giảng cho ngài nghe xong, ngài thích lắm cứ khen ngợi mãi và truyền đem cho chỉ huy các vệ quân trong thành học.

Giọng nói của Cao càng lúc càng bộc lộ sự mai mỉa;

- Quân vương cao kiến thật. Thiên hạ có tàu hơi nước, có đại bác bắn xa hàng chục dặm mà mình quay lại học cách đánh gươm giáo. Thế này thì chỉ nay mai Đại Việt rơi vào bọn Tây dương mất thôi.

Uống sạch một chén rượu, Cao lại nói giọng vừa xót xa, cay đắng vừa bực dọc:

- Huynh nói đi. Đất trời Đại Nam mênh mông, văn hiến rực rỡ, hào kiệt tự ngàn xưa dồi dào, mà sao nay dân tình ngày càng khốn khổ, quan lại ngày càng dốt nát, tham tàn, những kẻ sĩ có tài muốn làm điều ích quốc lợi dân thì không chốn dung thân?

Nguyễn nhìn Cao đầy thông cảm. Tuy tuổi nhiều hơn Cao, làm quan đến Thượng thư bộ Binh còn Cao chỉ là chân Hành tẩu bộ Lễ nhưng Nguyễn rất quý Cao, nể Cao và phục sự hiểu biết của Cao. Từ sau khi đi Giang Lưu Gia Ba về, Nguyễn lại càng phục Cao, coi như bậc thầy. Nghĩ đến việc nước, Nguyễn vẫn ước ao: giá như Cao được làm phụ chính cho nhà vua thì phúc cho nước nhà biết bao. Thế nhưng, từ khi gặp nhau dưới chân đỉnh Vân Phong (Quảng Ngãi) biết lý do Cao bị đẩy đi, Nguyễn càng lo. Rõ ràng, Trương Đăng Quế rất không thích Cao, sợ sự hiểu biết cũng như tính cách bất phục tùng của Cao có thể làm rối loạn quan triều, nên chỉ giao cho Cao một công việc đọc, ghi chép sử sách tài liệu không đụng đến chính sự. Nguyễn đã vài lần nhắc Cao thu mình lại mà Cao vẫn không nghe. Gặp thời Tự Đức lên ngôi - một ông vua trẻ thích văn thơ, Cao được gọi vào. Khôn ngoan biết giấu mình như con rồng tạm ngủ yên dưới đáy sâu, nhưng Cao lại hiếu thắng muốn phô trương và coi thường cả thiên hạ, đến mức muốn trổ tài mình át cả quân vương. Cứ sống kiểu này, có ngày đệ ấy bị hại mất.

Đúng là hôm nay đệ ấy bị đẩy về Quốc Oai - có nghĩa là bị loại khỏi chốn triều đường. Con chim đại bàng giang đôi cánh rộng “tếch mái rừng Nhan Khổng” “toan vượt bể Trình Chu” “chí xông pha nào quản chông gai” “tài bay nhảy ngại chi gian khổ” giờ đã bị trói cánh quẳng về rừng già. Xót xa thay, qua bao tai hoạ hiểm nguy, con người ấy đã hiểu được bao điều mới, học được bao điều hay có lợi cho đất nước mà không được dùng. Oái oăm thay mà cũng nghiệt ngã thay! Thế nhưng, sao đệ ấy bị loại nhanh thế? Có điều gì nghiêm trọng khác ư? Nhớ lại những chuyện vừa qua, Nguyễn nói:

- Họ không chỉ coi đệ là người thừa mà còn coi đệ là cái gai nhọn cần phải nhổ. Thế nhưng gần đây, đệ có đi lại hoặc gặp gỡ ai không?

- Không. Đệ vẫn ngày ngày vào bộ làm việc. Thỉnh thoảng gặp Nguyễn Văn Siêu và huynh.

- Từ ngày Đào Trí Phú bị cách chức đến nay đệ có gặp không?

- Không! À - mà có. Cách đây năm hôm, Đào về Kinh, đệ cùng Đào đến vấn an sức khỏe Hồng Bảo.

Nguyễn đập tay xuống sạp gỗ, hai chén rượu nảy lên:

- Thôi! Chết rồi. Chính chuyện đó rồi!

Lúc này, Cao mới sững người ra. Hơn một năm nay từ ngày Hồng Nhậm lên ngôi, triều đình chia thành hai phe rõ rệt, phe ủng hộ Hồng Bảo vô cùng căm ghét phe ủng hộ Hồng Nhậm do Trương Đăng Quế đứng đầu. Vì vậy vào triều, luôn ngầm chống đối nhau. Thế nhưng, phe cầm quyền rất mạnh, Trương Đăng Quế nắm quyền lực cao nhất, tìm cách đẩy người thân của Hồng Bảo ra xa, không cho liên kết với nhau. Sau khi cùng Trí Phú đi Giang Lưu Ba về, Cao bị coi là có tư tưởng phản nghịch, chống lại triều đình, bị lưu đày Quảng Nam. Sau vụ chính biến, Cao càng bị theo dõi. Còn Đào Trí Phú đang làm Bố Chính Quảng Nam, bị vu tội, phải cách chức. Thế mà Cao lại dám đi cùng Phú đến gặp Hồng Bảo.

Nguyễn nhìn Cao:

- Đệ là người thông tuệ hơn người, thế mà lại không hiểu một điều hiển nhiên: dưới gầm trời Đại Nam này: nghĩ khác cái nghĩ của quân vương là phạm tội đại nghịch rồi. Thế là người cầm quyền không chỉ coi đệ là cái gai mà còn coi đệ là kẻ phản nghịch, là thùng thuốc nổ nguy hiểm phải loại khỏi chốn kinh thành.

Nguyễn dừng lại một lát rồi nói thêm với Cao:

- Đệ về quê cũng cần bảo trọng. Tai mắt của Trương có mặt khắp nơi.

Cao đã trở lại bình tĩnh, nghe Nguyễn nói vậy bèn trả lời:

- Thế là Đại Nam mênh mông mà Quát này không chốn dung thân. Nguyễn Quý Tân bỏ đây mà về. Huynh thì cố xin trí sĩ mà bò vàng đủng đỉnh… Chỉ còn Phương Đình (Nguyễn Văn Siêu) thì cúc cung tận tụy nơi lầu son gác tía chật chội. Những ngày tới sẽ thế nào đây?

Trời đã chiều, gió nam Lào lồng lộng, thuyền nhích từng thước một. Cao cúi đầu ra khỏi khoang rồi đứng lên phía mũi thuyền, ngước nhìn bầu trời bát ngát. Nguyễn ngồi yên, nhìn theo lòng băn khoăn tự hỏi: chàng trai có chí lớn rời Kinh thành Phú Xuân về Thăng Long cố đô, sẽ sống thế nào đây? Nơi ấy, Nguyễn biết có biết bao nhân tài. Nơi ấy có bao nhiêu bậc khí phách không chịu tuân theo sự trói buộc của nhà Nguyễn này. Nhớ lại giọng nói vừa có tính chế diễu vừa bực dọc xót xa của Cao khi nói về triều đình, Nguyễn chợt nhớ đến lời người xưa “Quân hữu đại quá tắc gián, phản phúc chi nhi bất thính, tắc dịch vị” - vua đối với ta thiếu lễ độ thì nên bỏ đi ngay, nhất định đệ ấy sẽ đi. Còn về đó có làm được gì và sẽ làm gì, Nguyễn thấy lo lo. Ở đó có bao người chống đối nhà Nguyễn này. Đệ ấy có tài nhưng cao ngạo mà cũng dễ tin người, liệu có chịu yên. Hai chữ Quân - Thần (vua - tôi) liệu đệ ấy có giữ được. Đang miên man nghĩ vậy, chợt Cao gọi:

- Nguyễn huynh, ra ngoài này.

Nguyễn bước ra, đứng lên: mặt trời xuống gần đỉnh núi, đỏ rực. Bầu trời thu mênh mang màu đỏ ối trùm lên những đỉnh núi xanh chập chùng. Dòng Hương Giang vừa chứa màu thẩm xanh của rừng, vừa rực lên màu đỏ của lửa, đẹp một cách hùng vĩ. Cao vừa chỉ về phía thượng nguồn, vừa nói:

- Sông Hương đẹp quá, như thanh kiếm dựng lên giữa trời vậy!

Nguyễn ngạc nhiên trước cách ví táo bạo ấy, miệng lẩm bẩm “đẹp thật!”. Còn Cao nhìn đắm đuối, trong mắt hình như có lửa: lửa từ bầu trời đỏ cháy hay từ sóng nước hắt lên hay lửa trong lòng bừng lên cũng không biết nữa. Nguyễn nghe giọng Cao âm vang: Trường Giang như kiếm lập thanh thiên - con sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh. Nguyễn rùng mình! Cái gì đã bùng lên trong lòng người bạn trẻ tài ba bị rẻ rúng này. Cao là con chim đại bàng bị vặt hết lông cánh bị ném vào rừng sâu hay con hổ lớn được trở về với đại ngàn, Nguyễn cũng không biết nữa. Nguyễn chợt nhớ lời nói của Mạnh Tử: “Quân thị thần như thổ giới/ Thần thị quân như khấu cừu” (vua coi tôi như cỏ rác, tôi coi vua như kẻ thù), đệ ấy định chống lại triều đình ư? Có lẽ nào! Đạo quân - thần lẽ nào đệ ấy dám đơn sai. Nguyễn ngoảnh sang phía trái ngoái nhìn phía Thành Nội đang sẫm đi trong bóng chiều, thấy mình bây giờ cũng là người thừa ở chốn kinh kỳ xám xịt này. Nguyễn thèm trở về với non Hồng xanh biếc mênh mông, gác đầu lên đá mà ngủ. Thế nhưng Nguyễn cũng hiểu Kinh thành Phú Xuân cùng với Thăng Long là nơi hội tụ bao nhiêu giá trị tinh hoa mà Nguyễn cũng lớn lên từ đó, Nguyễn đã ba mươi năm sống cùng nó, vì nó. Giờ ra đi, Nguyễn không muốn để lại chỉ một tiếng cười…

Nguyễn hỏi Cao:

- Bao giờ đệ rời khỏi đây?

- Ngày kia.

- Đệ có thể nán lại vài hôm được không?

- Để làm gì?

- Tối rằm này, ta muốn làm một đêm hát ca trù từ biệt kinh thành.

Cao nhìn Nguyễn: thật là một ý hay. Huynh ấy bao giờ cũng khác người, hơn người, bèn vui vẻ nói:

- Hay quá! Làm sao mà đệ có thể vắng mặt trong một đêm hát ca trù đầy ý vị như thế.

Trăng rằm vừa mới nhô lên sau rặng tre ngà thì ở sân dinh Phủ Doãn Thừa Thiên hàng chục đèn lồng màu đỏ đã được treo quanh sân, dọi ánh hồng xuống hàng chục chiếu hoa cạp đỏ đã trải khắp mặt sân. Hơn chục đào nương, nhạc công, tay phách, tay đàn, tay trống đã có mặt, vừa ăn trầu, vừa dùng trà, chuyện cười rôm rả. Ánh sáng từ những chiếc đèn lồng tỏa ra làm tăng thêm sắc hồng trên mặt mỹ nhân, làm lung linh thêm những bộ quần áo màu hồng, màu tía. Cả một góc sân như hoa, như ảnh. Dinh Phủ Doãn Thừa Thiên chưa có đêm nào rực rỡ như đêm nay. Trong phòng khách, ngài Nguyễn Công Trứ đang chuyện trò cùng các quan khách bầu bạn và văn nhân tài tử đất kinh kỳ. Thỉnh thoảng, Nguyễn lại nhìn ra ngoài trời như đợi ai đó. Chợt một bóng đèn lồng xuất hiện, một chiếc xe song mã của Hoàng tộc đi tới, Võ Trọng Bình vội ra đón: Tùng Quốc Công Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh vừa xuống xe. Cao Bá Quát cũng bước xuống sau cùng. Nguyễn Công Trứ cũng vội bước ra đón. Mọi người cùng đứng dậy chào. Khi mọi người đã an vị, Nguyễn áo dài đen, khăn đóng, quần trắng, guốc mộc đứng dậy chắp tay chào mọi người rồi nói:

- Thưa các vị: ba mươi năm trước khi tóc còn xanh Trứ đặt chân đến Phú Xuân. Nay đầu đã bạc, được hoàng thượng ban ân, Trứ được về với non Hồng. Ba chục năm qua, Trứ chịu nhiều ân sủng của triều đình và ân tình của dân chúng và bạn bè nơi đây. Giờ ra về không có gì để lại, Trứ chỉ có đêm hát ca trù, hát những bài Trứ làm từ lúc hàn vi cho đến hôm nay, xin gửi lại kinh thành cuộc đời của Nguyễn, tấm lòng của Nguyễn. Xin kính mời quý vị.

Mọi người đứng dậy, ra sân. Các đào nương và nhạc công đứng dậy cúi chào. Nguyễn mời Miên Thẩm và Miên Trinh ngồi vào chiếu giữa. Miên Thẩm đưa mắt nhìn quanh: dưới ánh đèn lồng mặt người và trang phục hồng lên mờ ảo chẳng khác gì trong Duyệt Thị Đường. Bỗng Nguyễn Công Trứ đứng dậy:

- Kính thưa các vị. Đêm nay, phủ đường có các tao nhân mặc khách, có đàn, có hát, có mỹ nhân, tưởng cũng là quý lắm rồi. Thế nhưng, thiếu vẻ đẹp của tự nhiên, niềm vui như mất đi một nửa. Ông trời cũng quý chúng ta, đêm nay ban cho chúng ta trăng vàng rười rượi, xin cho tắt những chiếc đèn lồng kia để chúng ta được hòa cùng non nước.

Những chiếc đèn lồng vụt tắt và mọi người như sững lại: ai cũng cảm thấy như trăng vàng bây giờ mới ùa xuống, sân dinh trở nên trong trẻo và khuôn mặt mọi người rạng rỡ thuần khiết. Họ ngẩng đầu lên: vòm trời cao rộng mênh mông, mở ra khoảng không gian vô tận. Muôn ngàn ngôi sao lấp lánh như cùng chứng giám, cùng vui với họ, vẫy gọi mọi người hướng tới sự khoáng đạt khôn cùng. Khí trời lành lạnh, Miên Thẩm hít căng lồng ngực, nhìn bầu trời lồng lộng, không hiểu sao mà mình chưa bao giờ có cảm giác sảng khoái như lúc này. Kìa! Trống đã vang lên ba tiếng, và tiếng đàn đáy cũng rành rõ vang lên. Tiếng phách trong tay một đào nương trẻ cũng ríu ran gõ nhịp. Từ đôi môi xinh những âm thanh trong trẻo vang lên:

Vòng… trời… đất i…i…i… dọc i i ngang ngang… dọc.

Thẩm như bị cuốn hút vào những lời thơ mạnh mẽ, hào hứng, nói lên chí làm trai của Nguyễn Công Trứ.

Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể


Nhìn Nguyễn Công Trứ đang ung dung ngồi nghe, dưới mái tóc bạc, khuôn mặt dãi dầu mưa nắng vẫn bình thản, Miên Thẩm lòng đầy cảm phục, thầm nghĩ: huynh ấy đã làm được điều huynh ấy muốn, thật là một đấng anh hào. Tiếng đàn, tiếng phách, tiếng hát hòa quyện vào nhau không dồn dập mà thong thả thấm vào lòng người, Miên Thẩm nhìn Miên Trinh gật gù. Hết bài chí “Chí Nam nhi” rồi chuyển sang bài “Có chí thì nên” mà hai anh em vẫn như cuốn theo tiếng hát tiếng đàn. Khi ca nương dừng hát, buông phách đứng dậy cúi chào, tiếng vỗ tay rào rào, Miên Thẩm như bừng tỉnh. Thấy nhiều người đặt tiền thưởng, vội sai gia nhân đặt một đồng tiền lớn xuống mặt chiếu.

Một phường hát khác bước ra chào. Thoáng nhìn Miên Thẩm nhận ra ngay ngài Bùi Đính - nhạc công cũ của hoàng cung và Hoàng Lan, con gái của ngài. Giáo phường này mà hát thì tuyệt vời. Giọng Hoàng Lan đã trong trẻo cất lên:

- Dạ kính thưa ngài Tùng quốc công và ngài Tuy Lý vương cùng các vị quan khách. Với Nguyễn tướng công, sống không chỉ lo làm nên công nghiệp mà còn phải biết nhiều thú ăn chơi, tiện nhi xin hát một bài “Chơi cho phỉ chí”.

Mọi người vỗ tay. Hoàng Lan ngồi xuống cầm phách. Bùi công thử tiếng đàn. Nguyễn Công Trứ vội đến cạnh người đánh trống chầu. Đã biết tài của ngài Phủ Doãn, anh ta vội trao roi chầu cho Nguyễn. Nguyễn ngồi xếp tròn, đĩnh đạc gõ vào trống ba tiếng, cây đàn trong tay Bùi công ngân lên. Bàn tay ngọc ngà của Hoàng Lan giơ lên hạ xuống, tiếng phách vang lên giòn giã:

Cầm… kỳ… thi… tửu khách
Đường… ăn chơi… mỗi… cách… mỗi hay


Giọng ngâm của Hoàng Lan trong trẻo hòa cùng tiếng đàn như hút lấy hồn người. Miên Thẩm nhìn Nguyễn: dưới ánh trăng, gương mặt như trẻ lại, tươi tỉnh hơn. Đôi tay thỉnh thoảng lại gõ vào mặt, vào tang trống, như khen ngợi, như giục giã, nhưng mắt Nguyễn lại luôn nhìn vào gương mặt thanh tú đượm buồn của Hoàng Lan một cách trìu mến. Trai anh hùng gái thuyền quyên này biết nhau từ lâu rồi chăng? Vừa chợt nghĩ đến điều đó thì Miên Thẩm vội gạt đi, tâm trí đuổi theo tiếng hát:

Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay.


Nhìn thấy Nguyễn vừa nghe, vừa ngắm, vừa gõ trống, vừa gật gù, Miên Thẩm chợt nhận ra: thú hát ả đào quả là lôi cuốn và hoàn hảo: có mỹ nhân, có muôn cung bậc âm thanh hòa điệu cùng trăng vàng và gió mát, nỗi lòng thi nhân như hòa điệu cùng vũ trụ thì có niềm sung sướng nào bằng. Quả thật, Nguyễn Công Trứ biết ăn chơi hơn người. Trăng đã đứng ở đỉnh đầu, phường hát của Bùi Công đã sang chiếu bên, nhường chỗ cho phường hát khác. Một đào nương mặc chiếc áo lụa nhung màu huyết dụ, đầu vấn vành khăn nhung đen tròn trịa, mái tóc mượt mà rẽ sang hai bên làm rạng ngời gương mặt hoa sen với đôi môi hồng xinh xắn, tay cầm phách ngồi vào chiếu. Nguyễn Công Trứ bước ra:

- Thưa quý vị. Trứ ngày nay được vua cho về nghỉ thỏa lòng mong ước bấy nay, có làm bài hát nói để tỏ lòng mình, xin được mời đào nương Bích Tiên hát hộ, mời Cao đệ cầm chầu, còn Trứ tôi xin được hòa đàn. Xin được coi bài hát này là lời chào tiễn biệt.

Nhận cây đàn từ tay nhạc công, Nguyễn ngồi xuống, dạo thử mấy cung, Cao Bá Quát gõ ba tiếng vào mặt trống, bàn tay ngọc ngà của Bích Tiên cầm đôi phách đen bóng khẽ đưa lên hạ xuống, âm thanh vang giòn giã cùng tiếng hát mượt mà vút lên:

Chen… chúc… lợi danh… đà… chán… ngắt
Cúc tùng… phong… nguyệt… mới vui… sao.


Giọng của người hát trong trẻo, thong thả mà tròn vành rõ chữ. Tiếng đàn trong tay Nguyễn cũng nhịp nhàng hòa theo, trống chầu thỉnh thoảng điểm. Miên Thẩm và mọi người lắng nghe, tiếng hát không kéo dài quá như Nam ai Nam bình mà vừa trầm vừa thong thả đỡ cho tiếng hát và ý tứ từ từ thấm vào lòng người, khiến cho người nghe vừa chiêm nghiệm vừa hòa cùng tâm trạng của người viết. Ca Trù quả là thú chơi hội đủ những điều cần thiết mà trọn vẹn cho cả tài tử và giai nhân.

…Mặc xa mã thị thành không dám biết
Thú yên hà trời đất để riêng ta…


Tai nghe giọng hát thanh thoát mà ngọt ngào, nhìn Công Trứ vừa thong thả vừa gật gù đắc ý, Miên Thẩm thầm phục cốt cách lão thực của con người độc đáo này. Khi đào nương ngân nga:

Nào ai… ai… biết… chăng là

Cũng là lúc tiếng đàn tiếng phách khoan thai đỡ cho tiếng hát liền mạch. Bỗng tiếng đàn đột nhiên dừng lại cũng là lúc Cao Bá Quát gõ chát vào tang trống kết thúc bài hát và kết thúc đêm diễn.

Trăng rằm đã xế đỉnh đầu, mà vẫn chưa ai muốn về. Họ muốn nán lại để chuyện trò thêm với ông quan xứ Nghệ đa tài, đa tình này. Miên Thẩm muốn lưu lại lúc nữa nhưng Miên Trinh lại muốn về vì không muốn mẹ mình buồn. Hai người bèn lại chào Nguyễn Công Trứ:

- Cảm ơn tôn huynh đã cho chúng tôi được nghe những bài hát mạnh mẽ mà đằm thắm, nghĩ được như thế mà cũng sống được như thế cổ kim khả dĩ mấy ai. Hát ca trù quả là một thứ văn chương nhất mực làm say đắm lòng người. Xin bái phục!

Nguyễn nói:

- Kẻ quê mùa này sống nơi thôn dã, quen lối phóng túng xưa nay, có gì sai xin được đại xá.

Tặng Nguyễn một chiếc quạt ngà, một bộ ấm trà quý, hai anh em Miên Thẩm, Miên Trinh cùng Cao Bá Quát ra về. Dọc đường, thấy hai anh em có vẻ lặng lẽ, Cao lo lắng không hiểu tại sao? Chả lẽ buổi hát này có gì sai, dở mà hai ông hoàng tử tài ba này lại lặng lẽ vậy? Mãi một lúc sau, Miên Trinh mới nói:

- Nguyễn tiên sinh thật là một đấng nam nhi!

Miên Thẩm không nói gì.

Đưa Miên Trinh về phủ đệ của mình, Miên Thẩm cùng Cao về phủ Ký Thượng viên. Trống điểm canh ba, hai người vẫn chưa ngủ. Cao ngạc nhiên thấy Miên Thẩm rót đầy hai chén rượu mà vẫn chưa nói gì, đầu óc vị hoàng tử này đang nghĩ chuyện gì hệ trọng chăng. Cao chờ đợi. Lát sau Miên Thẩm nói:

- Giá mà ta không phải là hoàng tử.

Trời ơi! Con vua mà lại không muốn làm con vua. Sao vậy? Có gì không bình thường chăng?

- Sao Quốc công lại nghĩ vậy?

- Nguyễn Công Trứ đã làm được bao chuyện dời non lấp bể cho đời. Còn ta, ba mươi ba tuổi rồi - mà dẫu có năm mươi ba, sáu, bảy mươi ba phỏng có làm được điều gì cho dân cho nước. Bao đêm rồi ta tự hỏi “Sao lại có cái luật lệ lạ lùng: các hoàng tử không được đi thi, không được tham gia chính sự”. Sao lại không cho chúng ta làm việc tốt cho nước, cho dân?

Điều cấm này thì Cao cũng đã biết từ lâu nhưng Cao cứ tưởng là các ông hoàng vui và bằng lòng với vị thế “con trời” của mình. Nào ngờ Tùng Quốc công, sau đêm nghe hát về lại nghĩ như vậy.

Miên Thẩm giơ tay như nhắc Cao uống rượu, rồi cầm chén lên uống liền một mạch. Đặt chén xuống, lại nói:

- Mà Nguyễn Công Trứ cũng ghê thật. Sống phóng khoáng, dù ở đâu, dù tình thế nào cũng vẫn làm được điều mình muốn, làm được điều mình thích. Còn ta, tất cả phải làm theo khuôn phép.

Lặng đi một lát, giọng Quốc công như trầm hẳn xuống:

- Buồn quá! Sống như Nguyễn mới thực là sống!

N.T.Q
(SH314/04-15)


------------------------
(*) Bài văn này do Cao Bá Quát soạn thảo, lời văn hùng hồn, tao nhã, được nhiều người truyền tụng.








 

Các bài mới
Ơ tề (05/05/2015)
Các bài đã đăng
Linh huyệt (23/04/2015)
Bóng hình xưa (21/04/2015)