Tạp chí Sông Hương - Số 314 (T.04-15)
Nguyễn Hiến Lê với văn học
09:11 | 27/04/2015

PHẠM PHÚ PHONG

Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), hiệu là Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội, là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, về nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân…

Nguyễn Hiến Lê với văn học
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê - Ảnh: internet

Chỉ tính riêng di sản văn chương của ông thôi, cũng đủ sức vẫy gọi nhiều thế hệ đời sau khám phá, nghiên cứu, kiếm tìm. Trong nhiều tư cách, thì tư cách nhà văn, nhà nghiên cứu văn học là nổi trội hơn cả, cần phải được tham chiếu trước tiên.

Nguyễn Hiến Lê sinh ra trong một gia đình Nho học, bác ruột từng tham gia phong trào Duy Tân, hoạt động ở trường Đông Kinh nghĩa thục bị thực dân truy nã, lánh vào Sài Gòn rồi ẩn cư và lập nghiệp luôn ở miền Tây Nam bộ. Đó là lý do để sau khi học xong tiểu học Yên Phụ, trung học Bảo hộ (trường Bưởi), rồi tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh Hà Nội (1934), Nguyễn Hiến Lê lần theo nắng ấm miền Nam, trở thành một viên chức thuộc Sở Thủy lợi Nam bộ và gắn bó suốt đời với đất rừng phương Nam.

Nhưng cơ duyên gì đã biến một viên chức mẫn cán, hằng ngày chuyên đi đo mực nước các sông rạch để tính đường nước chảy nhằm thiết kế các kênh mương thủy lợi, từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, xuống đến đất mũi Cà Mau; từ Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc qua đến Rạch Giá, Kiên Giang trở thành một tác gia, một chuyên gia về khoa học xã hội nhân văn, chủ nhân của một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm 120 cuốn sách, không dưới 40.000 trang, đó là chưa kể hàng nghìn bài báo về các lĩnh vực chuyên môn in rải rác trên các báo? Trong hồi ký Đời viết văn của tôi, ông có kể lại rằng, sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông được cha dạy chữ Hán từ nhỏ. Khi cha mất, mỗi mùa nghỉ hè, ông được mẹ gửi về quê ở Phương Khê học thêm chữ Hán với người bác để có thể đọc được gia phả bên nội, bên ngoại. Ông học được khoảng bốn nghìn từ trong hai mùa hè (1928, 1929) thì bác mất, nhưng chính đó là thời gian được đắm mình trong thiên nhiên, cuộc sống làng quê nghĩa tình và văn hiến, được bồi dưỡng một đời sống tinh thần lành mạnh, nhen một ngọn lửa ấm áp dẫn đường để sau này ông đến với văn chương: “Mẹ tôi có một quyết định khiến đời tôi sau này theo một hướng mà chính người và bác tôi không ai ngờ được. Ngày nay càng nghĩ lại, tôi càng thấy công lớn của người và không hiểu đã có cái gì khiến người nảy ra quyết định đó.” [1, tr.16].

Khi vào làm việc ở đồng bằng Nam bộ, ông lại tiếp tục chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn, lại được tiếp nhận thêm bao điều mới mẽ. Là người có tinh thần nhạy cảm, khát khao khám phá cái mới, yêu cầu của công việc lại phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, ông đọc được những điều sâu kín trong thế giới tâm hồn họ, tuôn trào thành cảm xúc, ông viết thành nhật ký, đó là những trang viết đầu tiên khai mở cho những tác phẩm du ký sau này. Mục đích của ông viết là để vơi đi nỗi buồn, viết xong không cần đọc lại và cũng chẳng cần giữ lại làm gì. Ngoài thời gian đi về nông thôn, những lúc làm việc tại Sài Gòn, mỗi ngày xong việc rảnh cả buổi tối, mỗi tuần rảnh cả một ngày, cá tính ông lại không thích ồn ào, không hợp với những nơi náo nhiệt, không thích âm nhạc, ca hát, đánh cờ… chỉ thích lặng lẽ một mình với sách vở, nên ông chuyên tâm vào việc tự học, nhất là học Hán văn và Pháp văn, đồng thời đọc nhiều sách để tiếp thu kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Đó là con đường hình thành một nhân cách và bản lĩnh văn hóa, một cá tính sáng tạo, với một quan niệm nghệ thuật sáng rõ, một tấm gương lao động sáng tạo cần mẫn, tạo nên một thành tựu đồ sộ đa lĩnh vực và góp phần to lớn trong tiến trình hiện đại hóa văn học nước ta xuyên suốt thế kỷ XX.

1. Mỗi tác giả đều có một quan niệm nghệ thuật, chi phối một cách nhất quán cả một cuộc đời sáng tạo. Trong công trình có tính chất hồi ký Đời viết văn của tôi, dày gần bốn trăm trang, Nguyễn Hiến Lê đã thể hiện về quan niệm nghệ thuật và thiên chức của người cầm bút. Ông cho rằng, mỗi người viết có một bút pháp riêng, không ai giống ai, không chỉ do thiên phú mà còn nhờ sự rèn luyện của bản thân, trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể: “Chính cá tính quyết định bút pháp. Mà cá tính thì do bẩm sinh, và tùy thể chất một phần lớn, một phần nữa chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, của sự tu luyện. Cho nên, tôi có thể nói rằng, bút pháp của ta đã định trước từ khi ta chưa tập viết, chưa biết viết: nó là vóc người, là dáng đi, là nhịp điệu của hơi thở, là sự tuần hoàn trong huyết quản, là sự tác động của các hạch nội tiết. Tất nhiên, càng sống thì tư tưởng có thể càng tiến, kỹ thuật có thể càng già, nhân sinh quan có thể thay đổi, nhưng giọng văn, lối viết thì không thay đổi mấy, vẫn nhận ra được” [tr.156]. Về phương diện khoa học, không có cá tính nào xấu hay tốt, cũng như về phương diện nghệ thuật, không có bút pháp nào mặc nhiên là hay hoặc dở, vấn đề là phải phù hợp với từng đối tượng. Ủy mỵ có vẻ đẹp của nó, hùng hồn có sức lôi cuốn của nó. Đẽo gọt, trau chuốt là một nghệ thuật mà tự nhiên cũng là một nghệ thuật. Cho nên, “ta nên can đảm nhận cá tính của ta, dùng bút pháp nó đã lựa, định cho ta, đừng ngại sẽ không bằng nhà này nhà khác, cần nhất phải dám là ta, phải thành thật với ta đã. Có thành thật mới cảm được người. Có thành thật mới đáng cầm cây viết” [tr.157]. Theo ông, thành thật có hai nghĩa, thứ nhất, không cảm xúc thì đừng viết; thứ hai, khi viết phải quên hết các danh sĩ cổ kim, quên hết mọi kỹ thuật làm văn mà chỉ theo cá tính của riêng mình. Không đến mức coi khinh tất cả từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim như trường hợp các tác giả hiện sinh “nổi loạn” cùng thời như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, nhưng Nguyễn Hiến Lê đề cao cá tính sáng tạo, coi nó là cốt tính của mỗi người khi thể hiện mình ra trang giấy.

Có nhiều người khi mới tập viết, hoặc khi đã nổ lực để đạt được những danh hiệu không phải bằng thực lực, thường hay khoa trương, ngôn từ rổn rảng, cố phô diễn cho mọi người thấy khả năng của mình, thậm chí, còn tầm chương trích cú, dẫn nhiều ý kiến của các danh nhân, các trường phái kim cổ đông tây để chứng tỏ sự hiểu biết của mình, dẫn cả những điều mà chính họ cũng không hiểu, thì Nguyễn Hiến Lê lại chủ trương tìm đến với một thứ văn chương bình dị: “Sự bình dị là điều khó đạt nhất trong văn chương. Muốn đạt được bình dị thì phải tiêu hóa nổi tư tưởng và óc cũng phải già dặn: khi chúng ta về già, tư tưởng chúng ta sáng sủa hơn, ta bỏ qua một bên những phương tiện không quan trọng mà có lẽ sai lầm của vấn đề, không băn khoăn về nó nữa, ý tưởng chúng ta hình thành một cách rõ ràng hơn và những chuỗi tư tưởng dần dần tự hiện lên thành những lời văn gọn gàng, giản dị. Ta không thấy phải cố gắng sức nữa mà sự thực hóa ra sáng sủa và do đó hóa ra bình dị. Theo tôi, văn bình dị khó nhất ở điểm phải có ý cao, tình đẹp, nếu không thì hóa ra nhạt nhẽo, vô vị” [tr.159]. Lấy bài học từ tiền nhân, ông luôn ý thức rằng: “Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác” [tr.330]. Đồng thời, người làm văn chương khi hành chức của mình, không nhất thiết phải lên gân, lên giọng cho thật hùng hồn, hoặc phải quan tâm đến những vấn đề lớn lao liên quan đến số phận của cả nhân loại/ thời đại, những việc cao cả, bức thiết, mà đôi khi, chỉ cần “Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi sầu của con người, khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh là nghệ sĩ rồi” [tr.330].

Không chỉ dừng lại ở quá trình nhận thức luận về văn học và thiên chức của người làm văn chương, mà Nguyễn Hiến Lê còn đề ra thao tác luận cho công việc nghiên cứu văn học, như “sau khi đọc và ghi chú tất cả các tài liệu kiếm được về một vấn đề, ta nên bỏ một khoảng thời gian để lập bố cục sơ qua cho tác phẩm” [tr.151], nhưng phải luôn ý thức rằng “điều quan trọng là phải có một hướng đi rõ rệt, một mục đích để nhắm và tập trung tất cả năng lực, thì giờ vào công trình của mình” [tr.137]. Là con người đa tài, ông không chỉ viết văn, mà còn nghiên cứu nhiều lĩnh vực văn hóa - lịch sử và cả dịch thuật, và ở bất kỳ lĩnh vực nào, ông đều có quan niệm riêng của mình. Đối với lịch sử, ông cho rằng: “Chép sử thì không ai có thể hoàn toàn khách quan được, chỉ có thể thành thực được thôi. Chỉ ghi lại những việc xảy ra, không tìm hiểu nguyên nhân, không khen, không chê, thì theo tôi, không phải là viết sử. Có những giá trị tinh thần mà chúng ta phải tôn trọng, phải binh vực, trái lại thì phải chê. Có như vậy mới thành thực với người đọc và với chính mình” [tr.232]; đối với dịch thuật, theo ông cần trung thành tối đa với nguyên bản về cả nội dung lẫn cách hành văn: “Dịch, phải dịch sát, xuôi và sáng sủa. Dịch sách văn học chẳng những phải sát ý mà còn phải giữ cả thể văn, có khi cả phép hành văn của tác giả nữa. Dịch tiểu thuyết phương Tây thì nên chọn một tác phẩm hay và bút pháp của tác giả không trái với bút pháp của người dịch” [tr.168]…

Quan trọng hơn, đối với Nguyễn Hiến Lê, thiên chức của người cầm bút là luôn hướng về người đọc, luôn đặt lợi ích của người đọc lên trên tất cả, kể cả những lợi ích về vật chất, điều đó đã trở thành mục tiêu nhất quán và bản lĩnh văn hóa trong suốt cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của ông: “Tôi biết có những đề tài viết ra, bán sẽ rất chạy, nhưng tôi nhất định không viết, vì tôi không thích (chẳng hạn đời của hạng người như Thành Cát Tư Hãn, Hitler) hoặc vì tôi thấy có hại cho độc giả (như tư tưởng của nhóm Hiện sinh ở châu Âu mà tôi cho rằng không phù hợp với dân tộc mình, xã hội mình lúc này). Trái lại, có những vấn đề tôi biết là rất ít người đọc, nhưng thấy có lợi cho kiến thức của độc giả thì tôi cũng viết như cuốn Một niềm tin” [tr.162]. Một quan điểm sáng rõ và một lập trường kiên định mang tính lịch sử - cụ thể như vậy thật đáng cho đời sau ngưỡng vọng, không chỉ về nhân cách văn hóa mà còn là bài học thiết thực cho nhiều người, nhất là trong thời buổi văn chương thời thượng hiện nay đang ngóng vọng về các trào lưu hiện đại, trong đó có không ít những thứ đã lỗi thời, đã bị chính nơi sản sinh ra nó đào thải. Đáng lưu ý hơn là thái độ minh bạch của ông đối với chính quyền, bởi vì hơn ai hết ông hiểu rằng những ai từ lĩnh vực chính trị đi sang văn hóa nghệ thuật có thể thành danh (Trương Vĩnh Ký, Đào Duy Anh, Phan Khôi…), nhưng cũng không ít người đi theo chiều người lại, dễ trở thành mai một, bị con đường hư danh che khuất tài năng, với ông, ông giữ một tư thế độc lập: “Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý đến lời nói của ta… Chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh cho được tự do ngôn luận… Muốn thành công, một mặt, chúng ta phải coi chừng những kẻ muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác, phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta khen, chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì chúng ta thẳng thắn nhận định với những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch. Chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình - chẳng phải của riêng ta mà của quốc dân - chẳng hạn với những kẻ bán nước, hút máu mủ của dân; lúc đó giọng ta có thể gay gắt nhưng lòng ta không có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách, chứ không đả một cá nhân” [2, tr.167-168].

2. Văn chương là một phần nhỏ trong sự nghiệp đồ sộ hàng trăm cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê, trong đó ông chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như lý thuyết văn chương, văn học sử và cả sáng tác tiểu thuyết.

Hương sắc trong vườn văn, là công trình có tính chất lý luận, phê bình và hướng dẫn kỹ năng làm văn, nhằm phân tích cái Đẹp và kỹ thuật tạo cái Đẹp trong văn chương, Nguyễn Hiến Lê quan niệm rằng, con người sống để đi tìm cái đẹp, thực hiện cái đẹp và hưởng thụ cái đẹp, kể cả một số người sống giản dị, không xa hoa như các bậc tu hành, các nhà hiền triết, cũng là nhằm để hưởng thụ cái đẹp của mây, gió, trăng, hoa, cỏ, cây, sông, nước; cái đẹp của tĩnh mịch, an nhàn. Cái đẹp, theo ông, thuộc về đời sống cảm tính của con người, luôn vận động, thay đổi theo dòng chảy của đời sống, phụ thuộc và chịu ảnh hưởng qua lại của từng dân tộc, từng thời đại, từng cá nhân: “Hồi xưa, ta chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, óc thẩm mỹ của ta được nhồi nặn theo quan điểm của Trung Hoa, ngày nay, ta học theo Âu Mỹ thì ta lại chuộng cái đẹp của Âu Mỹ” [3, tr.18]. Không những thế, cùng chịu ảnh hưởng Trung Hoa, nhưng người Việt trên con đường mở cõi về phương Nam đã xây dựng được bản lĩnh văn hóa riêng, biểu hiện thông qua giọng điệu văn chương mỗi thời mỗi khác: “Thời Trần thì thanh thoát, cao nhã, khoáng đạt, còn đời sau thì rực rỡ, ủy mị, oán sầu” [tr.18-19]. Đồng thời, đồng cảm với quan niệm phê bình tiểu sử học của Sainte-Beuve (mà chắc là ông có đọc Chân dung văn học, Bút ký phê bình của nhà thơ lãng mạn Pháp này), ông còn cho rằng, thị hiếu thẩm mỹ và cá tính sáng tạo của nhà văn ít nhiều chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xuất thân, của nền giáo dục gia đình, của khí hậu nơi ở: “Nguyễn Tuân, Nguyễn Triệu Luật sinh trưởng trong một gia đình Nho học nên hiểu được và thích cái đẹp của thời cổ hơn Nguyên Hồng, Tô Hoài sống trong một gia đình cần lao không có cựu học…” [tr.23]. Ông còn đi sâu hơn vào mối quan hệ giữa văn chương và hiện thực, giữa trải nghiệm và thể nghiệm, và hơn ai hết, nhà văn không phải là người “thồ” chữ, mà là người luôn mang vác nặng nhọc vốn sống, vốn tri thức văn hóa - lịch sử, và ông đã lý giải một cách hình tượng và chuẩn xác: “Văn chương là đời sống ghi trên giấy. Và dù có thông minh bậc nào, cũng phải sống mới hiểu được đời, mới hiểu được văn. Không lịch lãm nhiều thì làm sao có thể tưởng tượng được những cảnh tả trong sách mà thấy nó hay? Không đau khổ nhiều thì làm sao thấu rõ được những tình tiết kể trong truyện mà thấy nó khéo?” [tr.24]. Ông quan niệm rằng “văn viết có nghệ thuật, làm cho ta thích thú tức thị là đẹp”. Cái đẹp theo ông, không trần trụi, cứng nhắc mà luôn linh động, lý tưởng hóa, mang tính ước lệ, tượng trưng và vô cùng phong phú: “Có cái đẹp rực rỡ như cánh bướm, có cái đẹp thanh nhã như bông mai, mềm mại như cành liễu cũng đẹp mà cứng cỏi như cây tùng cũng đẹp, có lúc lơ thơ mà đẹp, có lúc rườm rà mà đẹp, có cái đẹp chạm trỗ tinh vi, có cái đẹp hồn nhiên phóng dật” [tr.32].

Về kỹ năng văn chương, Nguyễn Hiến Lê cho rằng những phẩm chất cơ bản để tạo nên một tài năng văn chương là lý trí sáng suốt, tưởng tượng dồi dào, cảm xúc mẫn nhuệ và nhất là phải tự ý thức, biết tìm ra từ bên trong con người mình một giọng điệu văn chương. Lý trí giúp ta nhận thức được sự vật, nhận thức được rồi mới có cảm xúc và muốn cho cảm xúc mạnh mẽ hoặc tế nhị hơn, ta phải biết tưởng tượng. Vậy, lý trí hay tưởng tượng đều để gợi cảm xúc thông qua sự mẫn cảm, nghĩa là có sự hài hòa giữa ba yếu tố mới có thể tạo ra một cảm thức sáng tạo tốt, được diễn ngôn bằng giọng điệu của chính tâm hồn. Bởi vì “ý mới mẻ, xác đáng, văn bóng bẩy, rực rỡ mà thiếu tình, thì vẫn lạnh lẽo, không cảm được người đọc”. Nhưng tạo vật vốn muôn hình vạn trạng, đẹp xấu lẫn lộn, vui buồn xen nhau, nếu ghi lại hết thì thành một cảnh hổn độn gần như vô nghĩa lý. Có thể, từ đâu đó ông đã suy ngẫm về luật tam duy nhất trong Poétique của nhà mỹ học cổ điển Pháp Boileau, coi sự chọn lựa là quy luật bản chất của nghệ thuật và hơn thế, còn nâng lên tầm cao của lý tưởng: “Vậy, ta có thể nói rằng, nhà văn không khi nào chép đúng tạo vật mà luôn luôn lý tưởng hóa nó, chữ lý tưởng ở đây không có nghĩa nhất định phải tốt mà chỉ có nghĩa là hợp với quan niệm của mỗi người” [tr.229]. Nghệ thuật phản ánh hiện thực nhưng không phản ánh tràn lan, mà có sự chọn lựa và hư cấu. Nguyễn Hiến Lê đề ra bốn con đường để thoát khỏi hiện thực, tạo nên giá trị chân thực cho nghệ thuật: Một là, phóng đại sự thật cho có vẻ trào phúng, như trong bài Chúc tết của Tú Xương, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, hay bài Một chuỗi cười của Đồ Phồn; hai là, giản dị hóa sự thật để làm nổi những nét chính lên mà đạt mục đích; ba là, dấu bớt một phần sự thật, không phải là những tiểu tiết, mà những cái quan trọng, dấu mà cũng như hé mở, để độc giả đoán được hoặc tưởng tượng được mà thêm phần hứng thú; bốn là, cho sự thật phản chiếu tư tưởng hoặc tâm sự của tác giả. Nguyễn Hiến Lê còn chỉ ra vai trò của từng yếu tố để tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật: “Kỹ thuật chỉ là phương tiện gây cảm thôi. Phép bố cục chỉ là để cho ý tưởng của ta rõ ràng, người đọc mau hiểu. Phép tu từ chỉ để người đọc tưởng tượng như thấy sự thực ở trước mắt. Niêm luật và vần chỉ để cho lời thêm du dương mà lòng người dễ động, do đó mà dễ cảm…” [tr,316].

Trong những công trình nghiên cứu của Nguyễn Hiến Lê, lịch sử văn học chiếm một phần quan trọng, trong đó nổi bật là hai bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc (1955) và Văn học Trung Quốc hiện đại (1969). Hai bộ sách này đã khái quát một cách đầy đủ diện mạo lịch sử và sự phát triển của văn học Trung Quốc từ khi hình thành cho đến thời hiện đại. Từ khi còn học trường Bưởi, ông đã tò mò muốn biết về văn học Trung Quốc, sau này ông tự học chữ Hán, trong đó có phần muốn đọc được sách văn học Trung Quốc từ nguyên bản. Ban đầu khi viết Đại cương văn học sử Trung Quốc là để tự học, nhưng sau thấy có ích cho người đọc, ông mới cho xuất bản. Sách được chia thành sáu phần, theo diễn biến lịch sử của từng triều đại: Phần một, Văn học đời trước Tần; phần hai, Văn học từ đời Tần đến đời Tùy; phần ba, Văn học đời Đường; phần bốn, Văn học các đời Ngũ Đại và Tống; phần năm, Văn học các đời Nguyên, Minh, Thanh; phần sáu, Văn học hiện đại. Ở mỗi giai đoạn, ông đều chỉ ra những đặc điểm lịch sử hình thành các trào lưu, các khuynh hướng, các phương pháp sáng tác và tập trung giới thiệu các tác giả, tác phẩm, các thể văn tiêu biểu… Công phu và có giá trị học thuật là bộ Văn học Trung quốc hiện đại, trong đó tác giả đã khái quát đầy đủ các phong trào văn hóa Trung Quốc từ cuộc “biến pháp” của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng, đưa đến “Ngũ tứ vận động”. Đồng thời, qua đó, phân tích cặn kẽ 5 trào lưu văn học, giới thiệu thành tựu hơn 100 tác phẩm và sự nghiệp của 50 tác giả trong hơn nửa thế kỷ (1898 - 1960) của cả Trung Hoa lục địa và Đài Loan. Sách gồm năm phần, dọc theo lịch sử: Phần một, thời kỳ quá độ 1898 - 1916; phần hai, cao trào cách mạng 1917 - 1927; phần ba, những năm phát triển 1928 - 1937; phần bốn, thời chống Nhật và thời nội chiến 1938 - 1949; phần năm, từ khi chia đôi đất nước 1949 - 1960. Điều đáng lưu ý là, đây không chỉ là sự tiếp nối và bổ sung cho tập sách trước, mà còn là sự phân tích chuyên sâu, có giá trị khách quan và khoa học đối với từng hiện tượng, từng tác giả, tác phẩm, vượt lên trên những thiên kiến của thể chế chính trị. Tất nhiên, do hạn chế mang tính lịch sử và tầm nhìn của tác giả, cũng có lúc rơi vào hữu khuynh hoặc chủ quan trong một vài luận điểm.

Văn học Trung Quốc có trên 3000 năm, số lượng tác phẩm đồ sộ và rực rỡ bậc nhất thế giới. Ý thức được điều đó, Nguyễn Hiến Lê đã bỏ nhiều công sức hoàn thành hai bộ sách được coi là đầy đủ, hoàn thiện và có giá trị nhất trên các đô thị miền Nam trước 1975. Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm nghiên cứu về triết học Trung Quốc như Nho giáo một triết lý chính trị (1958), Đại cương về triết học Trung Quốc (2 tập, 1966), Liệt Tử và Dương Tử (1972), Mạnh Tử (1973)…

Về sáng tác, ngoài những tập du ký đầu tay như Đế Thiên Đế Thích (1943), Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (1954), Nguyễn Hiến Lê còn có tiểu thuyết đặc sắc Con đường thiên lý (1972). Đây là cuốn tiểu thuyết ông dành nhiều tâm huyết, sưu tầm tài liệu bắt đầu từ năm 1930 đến năm 1972 mới hoàn thành, về một nhân vật có thật trong lịch sử, tên là Lê Kim - Trần Trọng Khiêm, người Việt đầu tiên sang Mỹ khai thác vàng, làm báo rồi trở về nước làm nông dân và tham gia phong trào chống Pháp cùng với Thiên Hộ Dương và trở thành anh hùng dân tộc. Với thể văn hồi ký, tiểu thuyết của Nguyễn Hiến Lê đã dẫn dắt người đọc hết sự kiện này đến sự kiện khác, trải dài trong một không gian địa lý từ Phú Thọ đến Đồng Tháp Mười, từ Hồng Kông đến San Francisco, California, nằm vắt ngang qua hai thế kỷ XIX và XX, mang vóc dáng của một tiểu thuyết sử thi, trong đó không chỉ có chân dung những nhân vật điển hình như Lê Kim, Lê Xuân Liêm, Thiên Hộ Dương mang tinh thần yêu nước, nhân nghĩa và khí phách anh hùng của người Việt, mà thông qua đó, tác giả còn phác thảo được diện mạo đời sống và con người Việt Nam xuyên suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có cả sự lên án, tố cáo chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm: “Chính sách của họ Ngô thời đó chỉ là dùng những tay sai cũ của Pháp và những người ở đảng Cần lao, những người di cư, còn hạng người không theo cộng cũng là cộng hết ráo. Những chiến sĩ đánh Pháp, theo họ đều là cộng hết” [4, tr.1449].

3. Trên tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nguyễn Hiến Lê là một trong những tác giả có nhiều đóng góp quan trọng về cả số lượng lẫn chất lượng tác phẩm, về sự đa dạng về đề tài và phong phú về thể loại, nhất là sự đa lĩnh vực có tính chất bách khoa toàn thư về đời sống tinh thần của con người. Đồng thời, thông qua sự nghiệp với những trước tác đồ sộ của ông, có thể nhận ra những đặc điểm mang dấu ấn cá nhân về tư duy, về đối tượng, về ngôn ngữ giọng điệu và phong cách nghiên cứu và sáng tạo của ông.

Là một người đa tài, tham gia nhiều lĩnh vực, cho nên trong ông có sự hài hòa giữa tư duy nghệ thuật và tư duy nghiên cứu, đồng thời phải rẽ nhiều hướng khác nhau, đan xen nhiều phương pháp. Đọc hồi ký, ta dễ nhận ra một tấm gương lao động miệt mài ít ai sánh kịp, thể hiện tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật mà ông tự đặt ra cho mình: mỗi ngày, ông dành thời gian để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ trước khi ngồi vào bàn viết. Ông có thói quen viết vào buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối dành để đọc sách, báo. Trung bình mỗi năm ông in khoảng ba cuốn sách, tổng cộng khoảng 900 trang. Có người hỏi: “Thời gian đâu mà ông viết được nhiều như vậy?”. Ông trả lời: “Có gì đâu mà nhiều, tính bình quân mỗi ngày chỉ viết ba trang chứ mấy!”. Viết văn, nhiều người cứ ngồi chờ cảm hứng đến. Với ông, muốn có cảm hứng, phải ngồi vào bàn, cầm bút, tụ khắc chữ sẽ rủ nhau về đứng chật trang giấy. Vì vậy, nhiều lần người ta mời ông đến giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông đều từ chối vì sợ mất thời gian. Với ông, để viết được một cuốn sách, phải đọc thật nhiều cuốn sách khác, viết cũng là một cách học tập, học tập để mà viết.

Nhìn một cách tổng thể mang tính hệ thống, những gì ông viết ra đều có ý nghĩa giáo dục, nói nôm na là tập trung vào một chủ điểm là sách học làm người. Những tác phẩm ông viết ra hay được chọn dịch đều hợp với sở thích và đúng với chủ tâm giáo dục của ông. Giáo dục của ông không chỉ nhắm vào tầng lớp trí thức như chủ trương của Phạm Quỳnh trước kia, mà là giáo hóa quần chúng, nhằm nâng cao dân trí, gần với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh và phong trào duy tân. Vì vậy, sách của ông phù hợp với nhiều tầng lớp, nhiều trình độ khác nhau, từ bình dân cho đến trí thức. Những tác phẩm giúp ích cho việc học tập, rèn luyện nhân cách đạo đức như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống… Hoặc chọn dịch các tác phẩm kinh điển như Chiến tranh và hòa bình, Kiếp người, hay sách cung cấp phương pháp dạy trẻ như 33 câu chuyện với các bà mẹ… Ông luôn đề cao giá trị nội dung giáo hóa đạo đức, chứ không chạy theo nhu cầu thị hiếu của người đọc mà dịch loại “tiểu thuyết ba xu”, xô đẩy thanh thiếu niên vào con đường mơ mộng ái tình ủy mỵ. Thế giới của ông là tình cảm cao thượng, lành mạnh như lòng thương người, đức khoan dung, bênh vực kẻ yếu, tính nhẫn nại, tình đoàn kết, yêu nước thương nòi, rèn luyện nhân cách, học tập, đọc sách, biết quý thời gian, mở mang tầm văn hóa tri thức… Trong một mục sách “học để làm người” hoặc “học và hiểu”, ông đã vạch cho thanh niên con đường sáng, biết phép tu thân, xử thế, rèn luyện cho họ đức tự tin và kỹ năng sống, giúp họ tự tạo ra những tình huống khắc phục hoàn cảnh để đi đến thành công.

Xuất thân là một người hoạt động kỹ thuật trong ngành thủy lợi, nên khi bước sang văn chương Nguyễn Hiến Lê đã trải qua một chặng đường dài đánh vật với từng con chữ, để tự tạo nên một giọng điệu văn chương. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Nhà văn là nhà sáng tạo ngôn từ. Nó được cá thể hóa đến mức trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng của từng nhà văn chứ không phải chỉ tuân theo ngữ pháp chung của từng ngôn ngữ. “Đối với văn chương, người đọc không phải chỉ để hiểu mà để cảm, nghĩa là cảm nhận thấy toàn bộ những gì nhà văn gửi gắm đằng sau những hàng chữ, vượt ra khỏi nghĩa của từng từ, từng chữ. Đối với văn chương, nếu chỉ bám vào những ký hiệu trực tiếp, chỉ là cuộc tìm kiếm vô bổ trong nghĩa địa của ngôn từ” [5, tr.183]. Do đó, giọng điệu văn chương, cũng xuất phát từ ngôn ngữ, song nó có nghĩa rộng hơn nhiều, nó bao hàm cả ngữ cảnh, thái độ, quan niệm, cách ứng xử… và cá thể hóa đến mức trở thành đặc trưng riêng biệt của từng người. Đặc điểm dễ nhận ra là, ở thể loại nào Nguyễn Hiến Lê cũng tạo được cho mình một giọng điệu văn chương tự nhiên, bình dị. Nhưng đối với thể loại chính luận, sự bình dị đó được thêm sức nặng của sự trung thực, thẳng thắn, đôi khi có cả sự phẫn nộ, gay gắt, đả thẳng vào những tệ hại của nhà cầm quyền đương thời, nên khi in thường bị đục bỏ nhiều chữ, nhiều đoạn do quy trình kiểm duyệt lúc bấy giờ. Đối với loại sách “học để làm người” giọng điệu bình dị ấy tỏ ra thành thật, thân mật, nhiệt tâm, như đứng về phía người đọc, muốn tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia kỹ năng sống, hun đúc bản lĩnh và hoài bảo… Vì vậy, tuy bình dị, tự nhiên, rõ ràng, minh bạch mà không đơn điệu: “Vừa hoạt bát, tự nhiên; vừa nghiêm trang cảm khái; vừa khí khái cao ngạo, vừa triết lý, duyên dáng, dí dỏm; vừa đẹp đẽ, tươi tắn, trẻ trung, nhí nhảnh nữa; vừa nhẹ nhàng lịch sự với một ít chua cay thật tế nhị, tài tình” [6, tr.299].

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, nên tâm hồn Nguyễn Hiến Lê thuộc về nền tảng đạo lý Nho gia, yêu nước và thiết tha với văn hóa dân tộc, biết giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp của cha ông. Khi bước chân vào trường học, ông tiếp xúc văn chương phương Tây, đọc nhiều sách báo nước ngoài, nên ông am hiểu và chịu ảnh hưởng cả Đông và Tây. Vì vậy, phong cách nghiên cứu và sáng tạo của có sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sự bình dị, tự nhiên, trong sáng, gần gủi với đời sống cần lao của một người trưởng thành từ sông nước miền Tây Nam bộ, nhưng vẫn còn lưu giữ chất thâm thúy, cao sang của văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Khát vọng chính đáng của ông là viết vì người đọc, nhằm hướng người đọc đến chân - thiện - mỹ. Ông viết với tất cả nhiệt tâm, kinh nghiệm và sự từng trải của mình, để tạo ra những khối vàng ròng, được hun đúc từ tâm hồn nhà văn.

Không những thế, ở Nguyễn Hiến Lê còn sừng sững một nhân cách, với bản lĩnh văn hóa đáng trân trọng. Ông sống và làm việc suốt mấy chục năm dưới chế độ cũ, mà vẫn cứng cỏi, ương ngạnh giữ sạch ngòi bút của mình trong tư thế “độc lập với chính quyền”. Chính vì thế, những năm trước 1975, ông là một trong vài người cầm bút được văn giới quý trọng, được độc giả rộng rãi, nhất là thanh niên, sinh viên học sinh yêu quý. Nhưng khi chính quyền Sài Gòn trao tặng Giải thưởng văn chương toàn quốc (1967) và giải thưởng Tuyên dương sự nghiệp văn hóa (1973), cùng với số ngân phiếu tương đương mấy chục lượng vàng, cả hai lần, ông đều công khai từ chối không nhận và khuyên nên “dùng tiền ấy để giúp đỡ nạn nhân chiến tranh”! Nhớ về ông, ta nhớ về một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, cao hơn, là sự ngưỡng vọng về một bản lĩnh văn hóa trí thức. Ông không chỉ là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tài danh mà còn là một nhân cách đáng ngưỡng vọng, có sức vẫy gọi cho đời sau tiếp tục nghiên cứu, khám phá và học tập.

Nhân ngày giỗ lần thứ 30 Nguyễn Hiến Lê (22/12/1984 - 22/12/2014)
P.P.P
(SH314/04-15)


...............................................  
[1] Nguyễn Hiến Lê (2006), Đời viết văn của tôi, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.  
[2] Nguyeãn Hieán Leâ (1967), Maáy vaán ñeà xaây döïng vaên hoùa, Nxb. Tao ñaøn, Saøi Goøn.  
[3,4] Nguyễn Q. Thắng (2006), Tuyển tập văn học Nguyễn Hiến Lê, Nxb. Văn học, Hà Nội.  
[5] Xin xem Phạm Phú Phong (1997), Thi pháp và thi pháp truyện ngắn, Nxb. Thuận Hóa, Huế.  
[6] Châu Hải Kỳ (1993), Nguyễn Hiến Lê - cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.   








 

Các bài mới
Ơ tề (05/05/2015)
Các bài đã đăng