Tạp chí Sông Hương - Số 35 (T.1&2-1989)
Truyện một con người
08:59 | 27/05/2015

Đônchô Sônchép - nhà văn Bungari (sinh năm 1933). Tốt nghiệp khoa địa chất trường ĐHTH Xôphia. Làm nghề địa chất hơn 10 năm.

Truyện một con người
Minh họa: Phạm Đại

Các tác phẩm: "Người đàn ông không đeo cravát" (truyện vừa) 1966, "Ngày Chủ nhật, sau bữa cơm trưa" (truyện ngắn) 1967, "Những chú voi màu đỏ" (truyện vừa) 1970, "Loại người nguy hiểm" (truyện ngắn) 1971, "Qui luật" (tiểu thuyết) 1972, "Tia sáng ngược" (truyện ngắn) 1973, "Những vị hoàng tử" (tiểu thuyết) 1977, "Những chiếc cầu" 1979, "Ngôi nhà màu vàng" (1982)... và nhiều sáng tác cho thanh thiếu niên.


Truyện một con người

ĐÔNCHÔ SÔNCHÉP

Anh làm nghề chăn cừu nhưng lại sống như ở chốn thiên đường. Mọi người thường nói đùa và chính anh cũng tự nhận như thế. Trên đầu là trời xanh khôn cùng, trước mắt là những cánh rừng bát ngát và dưới chân là đồng cỏ phì nhiêu. Cánh đồng ấy ngân nga tiếng nhạc chuông đeo ở cổ bầy cừu, ở đây anh có đủ sữa, phó mát, len, thịt cừu non, thịt sấy; còn bánh mì, trứng và các thứ khác anh kiếm ở dưới làng. Anh xuống đó, đổi những món hàng mình có, rồi lại về ngay.

Anh có tài thổi sáo chẳng ai địch nổi. Mỗi khi những ngón tay anh bấm nốt, âm thanh êm ái từ ống sáo cất lên thì đám thợ sơn tràng đều phải dừng tay rìu. Các cụ già ngồi xuống ngay nơi họ đứng để nguyên cả bó củi trên vai, trên khuôn mặt khô héo như lá rụng của họ, những con mắt lại ánh lên lấp lánh. Người có việc đi qua, hay lũ trẻ lang thang hái nấm đều nghển cổ lên, chăm chú lắng nghe...

Chỉ có loài chim và khe suối róc rách nơi vách đá mới dịu dàng đến vậy.

Người ấy, - anh chăn cừu của chúng ta -, đương nhiên không thể sống thiếu đồng loại, cho nên anh thường hay xuống làng. Anh thổi sáo trong những đám cưới, những bữa tiệc, và vì vốn tính anh vui vẻ, nói năng hoạt bát nên người ta mời anh tới luôn luôn.

Kịp có mặt ở khắp nơi đâu phải là dễ, thành ra đôi khi anh phải bỏ mặc đàn cừu ở nhà. Trên núi có chó sói, đêm đêm chúng thường tấn công bầy cừu. Thực ra lũ chó nhà lực lưỡng và trung thành đủ sức đương đầu với chó sói khi chúng xuất hiện lẻ tẻ một, hai con. Đánh hơi thấy mùi sói từ xa, chó nhà bèn sủa vang đuổi chúng đi. Nhưng có lần chó sói kéo cả đàn tới thì chẳng giữ nổi bầy cừu. Những con sói bị đói lâu ngày trở nên liều lĩnh bất chấp tất cả, tụ tập thành đàn chừng năm đến sáu con cắn xé một cách man dại. Dây xích sắt ở cổ chó nhà chẳng dọa nổi chúng. Cứ như những cái bóng, chúng xô tới từ mọi phía, những cái hàm khủng khiếp ngoác ra lột da ngoạm xương nhai rau ráu. Thế là cả đàn cừu chỉ còn biết be be thảm thiết và bị dìm trong máu.

Bầy chó nhà nếu đã một lần đụng độ với cả đàn sói rừng thì có gặp một con sói lẻ cũng không địch nổi nữa. Chúng giở chứng một cách kỳ lạ. Hễ đánh hơi thấy chó sói, chúng không cất tiếng nữa mà chỉ tru lên ai oán, rồi cụp đuôi nép sát vào với đàn cừu.

Anh chăn cừu phát hiện ra điều đó và thay những con chó mới. Anh tậu những con chó khỏe mạnh và dữ tợn hơn, cho chúng ăn rất ngon và rèn cho chúng những dây xích mới. Mọi việc tưởng như không có gì đáng phàn nàn cho đến khi xuất hiện một đàn sói khác. Chỉ qua một đêm kinh hoàng là bầy chó săn coi như vứt đi. Tóm lại, chỉ có con người mới thực là người bảo vệ đáng tin cậy nhất. Cây súng của cha anh để lại không hề run trước lũ sói. Chỉ cần một phát súng là đủ xua thú dữ đi ngay.

Đồ đạc của anh có hai thứ mang sức mạnh huyền bí, đó là cây súng và ống sáo. Nhưng chẳng lẽ anh tối nào cũng ngồi lỳ ở nhà? Trong khi bạn bè anh hát hò vui vẻ, các cô gái cười đùa rúc rích, còn anh ru rú một xó để canh giữ đàn cừu ư?

Nhiều khi anh cũng liều. Bởi vì không phải đêm nào chó sói cũng tấn công... Vả lại lũ chó của anh tệ mấy cũng biết sủa để dọa sói phần nào. Anh nuôi ba bốn con trong nhà, thỉnh thoảng phó mặc cho chúng để xuống núi một chuyến. Tất nhiên là khi đàn sói mới còn chưa xuất hiện.

Mỗi lần nhìn dấu máu vương vãi trong rừng bên xác nửa tá cừu bị giết và đàn chó bị cắn tơi tả là anh lại hét lên đến lạc giọng nguyền rủa trời đất, quỷ thần và cả chính mình. Rồi sau đó suốt hàng tháng trời anh không rời đàn gia súc nửa bước.

Anh không ngờ sự tình lại thay đổi một cách đột ngột, nhân bữa có người thợ săn mang mấy con sói nhỏ ghé qua căn lều của anh. Đó là hai con sói non mà người thợ săn đựng trong tay nải như kiểu đựng mèo con. Bác ta bắt được chúng bằng cách nào, ở đâu, bao giờ vậy? Người thợ săn này đã kể đầu đuôi cho anh hay. Chả là bác ta bắt gặp dấu sói trong rừng. Lần theo dấu vết đó bác ta tìm tới được hang sói. Sói mẹ lúc ấy đi vắng, chỉ có lũ sói con, bác bèn bắt lấy mang về.

- Hai con thú bé thế này thôi, nhưng có giá phải biết nhé, người thợ săn kết luận.

Người thợ săn còn ngồi chơi thêm cả tiếng đồng hồ. Hai người hút thuốc chuyện trò tâm đắc. Bác thợ săn kể rằng có người đã nuôi chó sói và dạy chúng canh giữ gia súc. Chuyện này bác nghe ông nội mình kể lại, và chính mắt ông nội đã từng nhìn thấy những con sói ấy tận mắt.

Anh chăn cừu buồn cười vì câu chuyện lạ. Họ lôi mấy con sói nhỏ ra khỏi tay nải để chúng chơi trên cỏ. Trông chúng mượt mà và ngộ nghĩnh giống như chó nhà lúc bé.

- Chuyện nghe cứ như thật ấy nhỉ,- anh chăn cừu trầm ngâm thốt lên.

- Sự thật hoàn toàn mà lại - vị khách trả lời - Tôi đã bảo với cậu là chính mắt ông nội tôi nhìn thấy cơ mà.

Anh chăn cừu đề nghị ông thợ săn để lại hai chú sói con cho anh. Ông ta đòi trả tiền mới được. Chủ nhà xin đổi bằng phó-mát, thịt khô và hai tấm da cừu. Hai người bắt tay nhau khi chia tay, anh chăn cừu còn nói vui:

- Nếu chúng nó mà sống được, thì đến lễ Thánh Gióoc xin biếu bác hẳn một con cừu đấy.

- Chờ đến lễ Thánh Gióoc thì cũng phải có cái mà sống chứ! - Người thợ săn khoác túi phó-mát lên vai và đưa mũi ngửi xâu thịt khô lần nữa - Hai con sói đổi lấy thịt và phó-mát. Có thế chứ lị!

Nói đoạn ông sửa lại khăn gói, giơ khẩu súng săn lên chào từ biệt, rồi bước đi.

Nửa ngày còn lại anh chăn cừu của chúng ta ngồi chơi với lũ sói con. Sau khi uống no sữa, chúng ngủ thiếp đi trên tay anh. Anh đã hâm sữa bằng cái xoong cho chó ăn. Sáng, trưa, chiều tối bữa nào cũng vậy. Ngày giờ cứ thế trôi đi trong những trò chơi và sự chờ đợi.

Liệu có thể dạy được chó sói hay không? Có khác gì nuôi ong tay áo!... Anh thật điên rồ, rồi sẽ phải trả giá cho việc làm này! Cứ để chúng lớn lên mà xem...

Người làng bảo anh như thế, đôi lúc anh cũng có ý nghĩ như họ. Trong khi đó, lũ sói con lớn lên, quấn quít bên anh, hết liếm tay anh lại lăn ra kêu ư ử. Anh thường xoa đầu chúng, có lúc còn túm tai chúng nhấc bổng lên và nhìn sâu vào mắt chúng. Anh nhìn thấy trong đó ánh chiếu những tình cảm đang diễn ra trong lòng mình. Anh đặt tên cho chúng là Panô và Gurô; cả hai đều là sói đực.

- Nhìn thẳng vào tao đây mày... - anh thường nhìn vào mắt lũ sói, ra lệnh như vậy.

Hai con thú nhỏ hết sức ngạc nhiên, chúng nghẹo đầu sang bên như kiểu con nít. Dường như chúng muốn thanh minh: "Sao thế ạ? Chúng em rất ngoan cơ mà".

Khi đã quen với đàn gia súc, Panô và Gurô không thích rời xa đàn. Chúng giống như những con chó nhà hiền lành, đợi chủ cho mới ăn, và đặc biệt chúng rất tài nhận ra chủ mình, dù chỉ nghe tiếng sáo của anh. Đối với khách lạ đến chơi chúng không tỏ thái độ gì cả.

Lần đầu tiên chúng xuất hiện trong làng thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ. Cao bằng chó nhà trưởng thành, chúng đi hai bên ông chủ với những bước đi nhẹ nhàng, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn xung quanh, dân làng tụ tập đông quá làm chúng ngơ ngác. Hơi người lạ làm chúng rùng mình, cảnh giác. Do đó nom chúng có vẻ nhút nhát hơn là dữ tợn. Chúng có vẻ dè dặt trước lũ chó nhà, bầy chó nhà đối với chúng cũng giữ thái độ như vậy. Chỉ có một chú cún con, chả hiểu mô tê thế nào lại dám liều lĩnh nhảy xô ra. Panô dừng lại nhìn nó, đầu hơi cúi xuống. Gurô thì lẹ làng xoay người, mép trên hơi nhếch lên một chút để lộ ra chiếc răng nanh. Mới tiến được dăm bước, chú cún con vội kêu thất thanh rồi quay đầu chạy biến, khiến cho dân làng có mặt ở đó được mẻ cười thoải mái.

Những ngày yên ổn đã trở lại với anh chăn cừu. Tối đến anh thường để hai con sói ở bên đàn gia súc, còn anh lánh xa một chỗ quan sát. Chúng vẫn nằm yên bên lũ cừu như mọi khi. Một hôm anh đi cả đêm, sáng ra thì thấy Panô và Gurô vui mừng chạy ra đón.

Từ đó anh có thể xuống làng bất kỳ lúc nào. Có thể yên tâm ngủ lại dưới đó và trở về không mảy may lo lắng. Hai con sói đã thực sự thay thế chủ. Có hôm, buổi sáng từ làng lên, mới đến khe suối, anh đã huýt sáo gọi chúng - ngay lập tức chúng chạy tới bên chủ, nhảy cẩng lên, thè lưỡi ra liếm tay anh hết sức mừng rỡ.

Thời gian cứ thế mà trôi đi. Ban ngày người và sói không rời nhau nửa bước. Ban đêm sói làm nhiệm vụ coi đàn gia súc, còn người cũng có việc của mình dưới làng. Đám cưới của anh sắp được cử hành đến nơi. Nhân ngày lễ Thánh Gioóc, bác thợ săn đã được biếu cả một cặp cừu béo mẫm.

- Vì đôi sói nên tôi biếu bác cả hai con cừu chứ không phải một như đã hứa, - anh chăn cừu vui vẻ nói.

- Thì tôi đã bảo anh mà lại, - bác thợ săn cười - Đúng y như chuyện ông tôi kể nhé.

Anh chăn cừu mời bác thợ săn tới dự lễ cưới của mình rồi từ biệt ra về.

Và buổi sáng đáng ghi nhớ ấy đã đến…

Cả chiều và tối hôm trước anh chăn cừu ở dưới làng để làm các công việc của chú rể trước ngày cưới, thành ra buổi sáng ngủ hơi quá giấc. Anh quay về với đàn gia súc có muộn hơn thường lệ.

Vừa về đến khe suối, anh huýt sáo gọi. Chẳng thấy Panô và Gurô chạy tới như mọi khi. Huýt sáo thêm lần nữa không có kết quả, mắt anh chợt tối lại vì giận dữ. Rồi anh hấp tấp đi về trại. Mãi khi đến cạnh chỗ nhốt gia súc anh mới thấy con sói mà anh đã thuần dưỡng. Thật khó mà nhận ra chúng nữa - cả hai mình bê bết máu, nom chúng như bé hẳn đi, ánh mắt chúng thật rầu rĩ, thảm hại.

Có lẽ chúng cũng muốn vồn vã với chủ như mọi khi, nhưng những cử chỉ âu yếm của chúng sáng nay mới gượng gạo làm sao. Chúng vấp ngã, loạng choạng như bị thọt vậy...

Anh chăn cừu vò đầu bứt tai bỏ đi, anh nhìn thấy dấu máu ở bãi cỏ, và ngay cạnh đó là xác hai con cừu bị xé tơi tả.

Thét lên một tiếng khủng khiếp, anh lao vào lều lôi ra khẩu súng săn. Vừa nạp đạn anh vừa chửi rủa.

- Chúng mày trông nhà thế hả? - tiếng anh vang động cả một vùng, - Chúng mày đối xử với tao như thế phải không?!

Panô ngồi cách đó mấy bước đưa mắt mệt mỏi nhìn chủ. Một tiếng súng vang lên đập vào vách núi, nó gục xuống chết ngay. Phát súng thứ hai vừa nổ. Gurô còn gượng nhảy chồm lên một lần cuối như trò chơi nó thích còn bé. Nhưng nó mới kịp nhổm người lên chút xíu thì cả thân hình cao lớn của nó đã vật ra đám cỏ.

Vẫn không ngớt càu nhàu chửi rủa, anh chăn cừu bỏ đi xem tổn thất của mình.

Thì ra chỉ có hai con cừu bị giết - hai con mà anh nhìn thấy lúc đầu. Nhưng dấu máu thì rất nhiều, kéo dài đến tận đám rừng chỗ khe suối.

Lần theo vết máu anh bắt gặp một xác chó sói ngay sau bụi cây đầu tiên. Cách đó dăm bước - lại một xác nữa. Và cách chục bước là cái xác thứ ba. Anh chạy xuống lòng khe, hết vấp ngã lại vùng đứng dậy. Xác chó sói có năm cái cả thảy - con nào cũng bị cắn đứt họng.

Người chăn cừu lê gót trở về. Đầu không mũ anh dừng lại bên chỗ nhốt gia súc. Mặt mũi anh bị sây sát, áo quần rách bươm. Anh đưa mắt nhìn Panô và Gurô. Bê bết những máu của chính mình, chúng nằm đó, răng nhe ra nhưng hoàn toàn câm lặng.

Chủ của chúng không òa lên khóc, cũng không lao tới ôm hôn chúng như điên dại. Anh ta chẳng hề thốt lên một tiếng. Chỉ có hai tay anh là túm lấy khẩu súng kê vào đầu gối bẻ làm đôi.

Quẳng cây súng gãy xuống đất, anh rút tiếp ra ống sáo. Cả ống sáo anh cũng bẻ nốt rồi ném sang bên.

Xong tất cả, anh bỏ xuống núi mà không thèm ngoảnh lại. Chỉ một lát sau anh đã tới bên khe suối rồi bóng anh cũng mất hút.

Không một ai còn gặp lại anh. Cả đàn gia súc của anh. Cả người con gái anh sắp lấy làm vợ. Cả bạn bè quen biết dưới làng, những người mong ngóng nhớ nhung tiếng sáo của anh...

Chỉ còn lại nơi đây bài ca về đàn gia súc, về người mục đồng và những con chó sói. Nhưng bài ca ấy buồn thảm lắm, người ta rất ít khi hát đến nó, họa hoằn chỉ nghe thấy trong dịp lễ giáng sinh hay vào lễ Thánh Gióoc mà thôi.

***

Ở xóm vùng xuôi nọ, có một người thợ làm bia đá. Ông ta đẽo đá làm bia mộ và lặng im suốt hai chục năm nay. Không ai biết tên ông ta là gì. Không ai rõ, ông ta từ đâu đến. Người thợ già nhất vùng mà lúc này cũng đã yên nghỉ dưới đất - có lần nói rằng hình như người này từ một vùng núi cao lưu lạc đến đây.

Ngay từ lúc ấy ông ta đã không nói năng gì. Căn cứ vào kiểu cách ăn mặc mà người ta đoán anh ta là người miền núi, trước làm nghề chăn gia súc. Họ cũng cho rằng người này vừa bị câm vừa bị ngớ ngẩn. Nhưng anh ta làm việc thì khéo chẳng ai bì. Người ta quen gọi tên anh ta là Cạch. Cây búa trong tay anh ta biết lách vào tận tim gan của đá, cứ vung lên thoăn thoắt và phát ra những tiếng "cạch- cạch- cạch..." Từ đó mà người ta gọi thành tên. Anh ta sống ở buồng xép cạnh nhà kho chứa dụng cụ, và cứ thế mỗi ngày một già đi, chậm chạp, đơn độc và âm thầm như một cái cây. Không ai còn nhớ thấy anh ta có một lần rời mắt khỏi tấm bia đá, hay một lần ngước nhìn người khác trong suốt hai chục năm ấy.

Việc đó chỉ xảy ra có mỗi một lần. Đó là lần một vị linh mục tới đặt làm hai tấm bia mộ. Bia cho hai anh em nhà nọ cùng qua đời một ngày. Mới đầu một người giết người kia rồi sau đó tự treo cổ chết.

- Lại có chuyện như thế sao, thưa cha - những người thợ bia hỏi - Nghe người ta đồn nhiều chuyện khủng khiếp lắm.

- Đúng như vậy đấy, - vị linh mục đáp.- Tôi đã kể với các bác rồi mà, chuyện xảy ra ngay chỗ hàng rào ấy chỉ vì cãi cọ thôi...

Những tiếng búa lặng đi. Những người thợ đá, trừ con người quanh năm lầm lì, đều nhất loạt hướng về phía vị linh mục chờ nghe những tình tiết rùng rợn.

- Điều gì phải xảy ra thì có tránh cũng không được - ngừng một lát, vị linh mục nói thêm. - Còn gì mà bàn cãi nữa. Khi con người sinh ra, từ buổi đầu tiên tất cả được định đoạt sẵn. Con người đã bị đuổi khỏi thiên đàng để mà chịu đau khổ. Để mà phải đổ mồ hôi nước mắt đổi lấy miếng ăn.

Đến lúc này, người thợ nửa ngây nửa dại suốt đời câm như hến ấy mới dừng tay ngẩng mặt lên. Miệng bác ta hé mở một cách khó nhọc. Bác ta đứng lặng hồi lâu trước linh mục. Mồ hôi chảy từng giọt, từng giọt trên khuôn mặt xồm xoàm lông lá. Dáng chừng bác ta định nói một điều gì đó. Nhưng không, bác ta lại cúi xuống cầm cây búa. "Cạch, cạch, cạch, cạch..."

Phải, làm sao có thể nói được điều gì, khi mà suốt hai mươi năm qua trái tim bác nhức nhối một câu hỏi mà thậm chí trong sách Cựu ước cũng chẳng có nổi câu trả lời.

Câu hỏi dữ dội ấy là: Con người bị đuổi khỏi thiên đàng hay chính con người tự mình từ bỏ nơi ấy?

Tôn Nữ Thu Châu dịch
(SH35/01&02-89)





 

Các bài mới
Đồng Hới (10/06/2015)
Các bài đã đăng
Ngày thứ sáu (13/05/2015)