Tạp chí Sông Hương - Số 315 (T.05-15)
Tác phẩm mới tháng 05/2015
08:30 | 15/05/2015

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở THỪA THIÊN HUẾ (nghiên cứu văn hóa), nhiều tác giả, Nxb. Thuận Hóa, 2014.

Tác phẩm mới tháng 05/2015

Văn hóa Huế luôn có sức mạnh mê hoặc kỳ lạ đối với những nhà nghiên cứu văn hóa nói riêng và những ai hoài cổ. Thật hiếm thấy có một vùng đất nào mà văn hóa trở thành một mảnh đất khó có thể khám phá hết được những nét đẹp tiềm ẩn như Huế. Văn hóa Huế có nhiều nét chung của nền văn hóa Việt Nam nhưng nó lại bao hàm những nét khác biệt đi ra từ những thăng trầm, từ những biến cố của lịch sử và của sự hun đúc, góp mặt của nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau. Công trình này là một bức tranh toàn cảnh nhưng có nhiều kiến giải sâu sắc về Di tích lịch sử Văn hóa ở Thừa Thiên Huế. Qua đây, chúng ta sẽ thêm một lần nữa khám phá nét đẹp của những di tích gắn liền với lịch sử như Địa đạo Bạch Mã, Mộ Nguyễn Lộ Trạch, Làng cổ Phước Tích, Đình Quy Lai...


MINH TRIẾT, GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐANG PHỤC HƯNG (chuyên luận), nhiều tác giả, Nxb. Tri thức, 2015. Đây có thể nói là công trình đem tới nhiều cách lý giải để đi đến thông hiểu khái niệm Minh triết. Minh triết, trong văn hóa phương Đông không phải là một khái niệm rắn chắc mà nội tại của nó luôn có sự lan tỏa và khó có thể xác định rõ biên giới của nội hàm khái niệm. Ở Việt Nam, Minh triết đã đi vào lối sống, lối hành xử của con người với tha nhân, của con người với đời sống từ xa xưa nhưng có thể nói việc nghiên cứu về Minh triết cho đến nay vẫn mới là sự bắt đầu. Với công trình này, bạn đọc có thể có được những câu trả lời cho những câu hỏi Minh triết thực sự là gì, sự ảnh hưởng của nó tới văn hóa, tới lối hành xử của con người cũng như sự lan tỏa tàng ẩn của nó như thế nào... Với sự có mặt của các học giả như Nguyễn Khắc Mai, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Nghĩa, Giáp Văn Dương, Nguyễn Hữu Sơn, Lê Thanh Hải, Lê Nguyên Cẩn... sẽ đem đến cho chúng ta nhiều kiến giải xác đáng.


MIMESIS, PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN THỰC TẠI TRONG VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY (chuyên luận). Tác giả: Erich Auerbach, Phùng Ngọc Kiến chuyển ngữ, Nxb. Tri thức, 2015. Theo Nxb. thì Erich Auerbach (1892 - 1957) là giáo sư ngữ văn danh tiếng roman ở Marbourg, rồi bị buộc phải rời Đức (1935) tránh nạn phát xít. Ông định cư ở Hoa Kỳ, làm việc lần lượt tại các trường đại học danh tiếng như Pennsylvania, Princeton rồi Yale với chức danh giáo sư văn học trung đại. Là chuyên gia về Dantes, ông đã viết một loạt tiểu luận văn học quan trọng như Mimésis, Phương thức thể hiện thực tại trong văn học phương Tây (Berne - 1946), Ngôn ngữ văn chương và công chúng thời hậu kỳ Cổ đại và Trung đại (1957), Các nghiên cứu về Dantes (1929 - 1954). Văn học so sánh là một bộ môn đưa đến làm sáng tỏ sự tương tác giữa văn học của nhiều nền văn hóa, nhiều bối cảnh và nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Công trình này được khởi từ các bài giảng trong thời gian ở Istanbul và xuất bản năm 1946 bằng tiếng Đức Mimesis: dargestellte Wirklichkeit in der abendlandischen Literatur (Berne, Francke). Năm 1953 văn bản được dịch sang tiếng Anh với tên Mimesis, The Representation of Reality in Western Literature (Princeton UP)


NỖI NHỚ KHÔNG MAY TÌM ĐẾN (thơ), tác giả Nguyễn Bảo Giang, Nxb. Văn học, 2014. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì “hiếm có một tác giả trẻ nào ở tập thơ đầu tay lại bộc lộ phẩm chất thi sĩ với những câu thơ khá tài hoa như Nguyễn Bảo Giang.” Với Nguyễn Bảo Giang thì thơ lục bát đã mở ra được những thuộc tính mới. Thơ anh, tài hòa trộn lẫn với những chất chứa nỗi lòng của thi sĩ trước cuộc sống. Nỗi nhớ không may tìm đến không ồn ào mà ngược lại, hơi thơ nhẹ nhàng, tĩnh tại, cũng chính vì sự tĩnh tại mà thơ đi sâu hơn vào tâm hồn người đọc, khơi mở và chạm tới những chiều sâu trong tâm hồn đa cảm của những ai yêu thơ, yêu cái đẹp không khoa trương xung quanh cuộc sống lắm thị phi.


HIỆN TƯỢNG CON NGƯỜI (chuyên luận), tác giả Pierre Teilhard de Chardin, Đặng Xuân Thảo dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb. Tri thức. 2014. Pierre Teilhard de Chardin sinh năm 1881 tại vùng Auvergne của Pháp, mất năm 1955. Ông là nhà cổ sinh vật học đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu triết học và thần học. Hiện tượng con người được xuất bản lần đầu năm 1955. Tác phẩm này đưa tới những cái nhìn thú vị về vũ trụ và con người. Cuốn sách trình bày một quan điểm độc đáo. Với những kiến giải tường minh, nó đã nới rộng thuyết tiến hóa, là những lý giải đưa đến sự hòa giải giữa những quan điểm dị biệt giữa tôn giáo với khoa học hiện đại. Thông qua những luận điểm lớn như: Sự xuất hiện của sự sống; Sự lan rộng của sự sống; Sự ra đời của tư duy; Sự triển khai của tuệ quyền… bạn đọc sẽ có được một tư duy khác biệt về sự sống qua lăng kính của một học giả với kiến văn sâu rộng.  

(SH315/05-15)
 

 

 

Các bài mới