LGT: Cuộc thi viết cảm nhận tác phẩm văn học Hàn Quốc (lần thứ IX - năm 2014) do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc tổ chức. Cô sinh viên năm thứ tư Hồ Tiểu Ngọc được khoa Ngữ văn, trường Đại học khoa học, Đại học Huế cử tham gia, đã vinh dự nhận giải Nhì qua bài phê bình tập truyện ngắn Điều gì xảy ra, ai biết… của nhà văn Hàn Quốc Kim Young Ha, dịch giả Hiền Nguyễn.
BBT Sông Hương vui mừng giới thiệu đến bạn đọc bài viết đạt giải cao này.
HỒ TIỂU NGỌC
Nhận được một cuốn sách, đập ngay vào mắt tôi chính là cái tên Điều gì xảy ra, ai biết… Nó khiến tôi nhớ đến một người phụ nữ kiên cường cùng với câu nói nổi tiếng của bà: “If life were predictable it would cease to be life, and be without flavor” (Nếu cuộc đời có thể đoán trước, nó sẽ không còn là cuộc đời, và cũng không còn hương vị nữa). Đó chính là Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt với cuộc đời đầy thăng trầm của bà bên cạnh chồng là Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Người phụ nữ ngồi ở vị trí cao đó đã từng đi ra các vùng chiến trận động viên binh sĩ, đã từng “là chân, là mắt của Tổng thống Mỹ”… Và bà đã từng chứng kiến chồng mình bị sát hại ngay bên cạnh với một trạng huống bi hùng và cao đẹp như thế nào! Bà đã nói về cuộc đời bằng một sự chấp nhận thản nhiên của một người từng trải và nắm được sự vô thường của tạo hóa và sự sống. Vì đó là đời, nên “điều gì xảy ra, ai biết” được; và vì là đời nên mọi chuyện diễn ra đều là một ẩn số, cứ để mặc cho nó xảy ra. Đó chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách này. Và ấn tượng đó càng sâu sắc hơn khi tôi được khám phá thế giới bên trong từ ngữ và hình tượng của từng truyện ngắn trong toàn tập.
Điều gì xảy ra, ai biết… (Nobody Knows What Happened) là tuyển tập truyện ngắn thứ hai của tác giả Kim Young Ha - một trong những nhà văn nổi tiếng của xứ sở kim chi - Hàn Quốc tươi đẹp. Tác phẩm gồm 13 truyện ngắn, được tác giả tập hợp và cho xuất bản vào năm 2010. Vào năm 2013, dưới sự hỗ trợ tài chính của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI Korea), tập truyện ngắn Điều gì xảy ra, ai biết… đã được chuyển thể sang Việt ngữ bởi dịch giả Hiền Nguyễn, và được xuất bản, phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Tác phẩm thể hiện cái tài chơi đùa cùng con chữ vô cùng tài hoa của Kim Young Ha - “một trong những tác giả trẻ dẫn dắt nền văn học Hàn Quốc thế kỷ 21” (theo tạp chí Moonji). Mặc dù là một cây bút tiểu thuyết nổi tiếng, nhưng khi viết truyện ngắn, Kim Young Ha cũng thể hiện được một phong cách riêng biệt, độc đáo và thu hút người đọc một cách thú vị và bất ngờ. Bên cạnh những tác phẩm đã đánh dấu tên tuổi của ông trên văn đàn hiện đại như Tôi có quyền hủy hoại bản thân (I have the Right to Destroy Myself), Hoa đen (Black Flower), Đế quốc ánh sáng (Empire of Light), Chơi Quiz Show (The Quiz Show)…; ta còn bắt gặp những trang văn rất đời thường mang tính chất như những dòng nhật ký vô cùng sống động. Tiếp nối sự thành công của tập truyện ngắn đầu tiên: Anh đã về, tập truyện ngắn thứ hai: Điều gì xảy ra, ai biết… của Kim Young Ha cũng để lại sự lắng đọng vô cùng sâu sắc, ý vị về cuộc sống hiện đại Hàn Quốc từng ngày diễn ra sôi động và trẻ trung như chính “cảm giác sảng khoái” mà tác giả muốn “truyền đến độc giả”.
Cuộc sống vốn dĩ khó lường vì nó thay đổi đến chóng mặt, khiến cho con người cũng không thể đứng yên được, họ bị cuốn vào cái dòng chảy tấp nập của những đối phó, toan tính và vụ lợi. Đến với tập truyện ngắn Điều gì xảy ra, ai biết…, chúng ta bắt gặp một cuộc sống đầy bất ngờ của xã hội Hàn Quốc thời hiện tại đang tiếp diễn với những va chạm, tác động và sinh thành theo chiều hướng khó lường trước được sự kiện và hành vi. Qua thông điệp của từng truyện ngắn, chúng ta biết rằng đây không phải là một Hàn Quốc “hào nhoáng dưới ánh đèn sân khấu” của làng giải trí, không phải là một Hàn Quốc với “sự phát triển kinh tế đến chóng mặt”, mà là một Hàn Quốc đang dần mất đi những “giá trị tinh thần”, bon chen, chật chội và lầm than. Trong cái xã hội hỗn tạp đó, những câu chuyện “phi hiện thực mà vẫn rất thực” về những số phận Hàn Quốc được tác giả Kim Young Ha chứng kiến, trải nghiệm và nhập vai để tái hiện một cách sinh động hiện thực đương đại của con người và xã hội đầy biến động, phức tạp và phức cảm. Trong từng quan hệ giữa con người với hoàn cảnh/ môi trường sống, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi đến khắp mọi nơi cùng những thân phận người trôi nổi, bất an thông qua ngôn ngữ và giọng điệu có khi trung tính, có khi lạnh lùng và có cả đối thoại, độc thoại một cách bất ngờ, thú vị. Chưa bao giờ chúng ta bắt gặp một Hàn Quốc cô đơn, lầm lỗi và ngột ngạt đến thế, một Hàn Quốc hoàn toàn khác trong những tập phim truyền hình lãng mạn. Ở đây là một Hàn Quốc rất thực được lồng ghép trong những mảnh đời cũng rất thực: “Có khi nào người ta quá cô đơn đến độ tìm thấy tình yêu đích thực với người máy (truyện Robot), hay tìm hiểu nhau qua bảng câu hỏi như trò giải đố trên truyền hình (truyện Quiz show), hay khi mà mọi thú vui trong cuộc sống gói gọn lại trong một hộp kem 24 viên, khiến một khủng hoảng nho nhỏ xảy ra khi tự dưng nó bốc mùi dầu hỏa (truyện Kem) …” (chapeau giới thiệu ở bìa 4 của tập sách).
Những truyện ngắn trong tác phẩm là “những lát cắt mỏng của xã hội Hàn Quốc hiện đại” về “cuộc sống, tình yêu, ngẫm nghĩ”. Những câu chuyện được tác giả kể lại bằng “tấm lòng” của một con người từng trải, thấu hiểu và khao khát được thông cảm, sẻ chia và cảnh báo. Hàng loạt các mảnh ghép cuộc đời của mỗi con người được đưa vào tác phẩm với những cảnh huống bất ngờ: có tình yêu lẫn sự thù hận, có tài năng lẫn sự tha hóa, có tội lỗi lẫn khát vọng, có sự ích kỷ lẫn cao thượng, có cái cao cả lẫn cái tầm thường… Tất cả được tác giả lồng ghép theo kiểu montage trong điện ảnh, tạo nên diện mạo của một cuộc sống xô bồ, bon chen và ngột ngạt, nơi con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu cánh khi thực hiện hành vi “lợi dụng” ở một con người khác. Số phận Hàn Quốc, số phận của những cá thể Hàn Quốc, chưa bao giờ lại trở nên đáng thương và âu lo đến như vậy. Có lẽ, cũng như “chiếc xuồng nhỏ lắc lư trên sóng gió” [3,tr.6], sự tồn tại của mỗi con người cũng mỏng manh và lênh đênh như vậy; họ sống bằng cách chống chọi lại với sóng gió - cuộc đời, đang cố bấu víu lấy cái “mặt nước” mỏng manh đó mà không biết khi nào sẽ lật và chực đổ nhào như chính số phận của “chiếc xuồng nhỏ lắc lư” kia!
Những bất ngờ, những va chạm, những diễn biến của từng câu chuyện đã cho ta thấy tác giả luôn quan tâm đến đời sống tình yêu đôi lứa, quan hệ gia đình và xã hội thời cơ chế thị trường của Hàn Quốc, mà ở đó, có cả mặt tốt, lẫn mặt xấu đồng thời hiện hữu. Như trong truyện ngắn Makoto, tình yêu của một cô gái Hàn Quốc với một du học sinh người Nhật được xoay tròn trong phức cảm của yêu, ghen, hận, rồi lại yêu, thương, quyến rũ… Trong tình yêu, con người bỗng chốc trở nên thay đổi đến lạ lùng, đó là khi một cô gái ngoan hiền quyết định lừa dối ba mẹ để được ở gần với người mình thầm thương trộm nhớ; đó là khi cảm xúc ghen ghét, đố kỵ lấn át cái phần dịu dàng, nữ tính vốn hiện hữu trong Ji Young-si. Có lẽ, chỉ có tình yêu mới làm con người ta thay đổi nhiều đến như vậy, nó là liều thuốc tinh thần, nhưng cũng là một loại ngải bùa khiến con người ta lầm lạc… Hay trong truyện ngắn Chuyện biển 1, chỉ gói gọn trong một trang sách, nhưng nội dung câu chuyện vẫn thể hiện được sự rối rắm của lòng người trong một xã hội phát triển đến chóng mặt, nơi mà con người không thể phân định được đúng - sai trong từng suy nghĩ và hành động của mình… Mỗi câu chuyện là một trải nghiệm và khám phá vô cùng sinh động của tác giả Kim Young Ha. Có những chi tiết nếu chúng ta đặt nó vào cuộc sống thực thì lại cực kỳ vô lý và phi hiện thực, nhưng nó được tác giả khéo léo lồng ghép vào từng chi tiết, hình ảnh để tạo nên một tầng nghĩa mới, một dự đoán cho một cuộc sống lạnh lùng, vô cảm mà con người đang và sẽ phải đối diện, phải chấp nhận. Và ở đó, điều gì xảy ra sẽ xảy ra, ai biết trước được, như nhan đề tác phẩm đã thông điệp.
Mười ba câu chuyện trong tác phẩm là mười ba câu chuyện riêng biệt của từng cá thể hiện sinh trong xã hội Hàn Quốc. Qua từng quan hệ và đối thoại với kiểu câu đơn trực tiếp và nửa trực tiếp, tác giả Kim Young Ha đã giúp người đọc thấy được một xã hội Hàn đang từng ngày từng giờ biến đổi, nhiều lúc con người không kịp nhận ra mình là ai? quan hệ xung quanh là gì? Trong 13 truyện ngắn của tác phẩm, có đến 6 truyện tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất, nhập vai vào nhân vật “tôi” để thuật lại câu chuyện. Vì vậy, 6 truyện ngắn: Mật hẹn, Makoto, Chuyện biển 1, Chuyện biển 2, Quiz show và Hứa hẹn mang đậm dấu ấn tự bạch vô cùng chân thật, là một sự hóa thân vô cùng “linh diệu và ngoạn mục” của tác giả vào từng con người, từng quan hệ trải nghiệm để qua đó đúc kết hiện thực của từng nhân vật và những ba động của cuộc đời. Những hiện thực cuộc sống và tâm trạng quả thực sống động và sảng khoái như lời tác giả Kim Young Ha đã nói ở phần Lời tác giả trong sách: “trong những trang giấy kia có cuộc đời của tôi trong đó” [3,tr.5], “quyển sách đó buộc chặt tâm hồn như chiếc xuồng nhỏ lắc lư trên sóng gió của tôi dưới mặt nước kia” [3,tr.6]. Vậy, có thể xem những lời tự bạch trên là tâm thế và tâm thức cuả Kim Young Ha khi tái hiện các lát cắt hiện thực trên trang viết của mình. “Chiếc xuồng nhỏ lắc lư trên sóng gió” của nhà văn trên mặt nước kia lại chính là hiện thực trên mặt đất mà con người phải đối diện, phải hạnh phúc và khổ đau. Hạnh phúc và khổ đau đó có khi do hoàn cảnh tác động, có khi do chính từng chủ thể hiện sinh vô tình hay cố ý gây ra. Điều đó nói lên một quan hệ sống của con người hiện đại: đa sự, đa đoan, vô thức - ý thức, tất yếu - ngẫu nhiên, vô lý - hữu lý, có cả những vết loang của vô thức, giấc mơ gây ra…
Bảy truyện còn lại của tác phẩm được Kim Young Ha thuật lại bằng ngôi kể thứ 3 “biết tuốt” - ngôi kể toàn tri nói theo lý thuyết Tự sự học, thể hiện một cách nhìn chủ quan, tự tin về sự hiểu biết của tác giả đối với hiện thực cuộc sống Hàn thời hiện đại và đương đại. Soi chiếu con người và cuộc đời qua cách nhìn của một nhà văn, Kim Young Ha đã đưa tất cả hiện thực đó lên trang viết bằng nhân sinh quan, xã hội quan và thế giới quan của mình và truyền vào nó một thông điệp tư tưởng riêng biệt về cuộc sống và con người. Cũng một bối cảnh Hàn Quốc đương đại, cũng những con người Hàn Quốc hiện đại với những công việc vẫn diễn ra hàng ngày của họ, nhưng được tác giả lồng ghép với những chi tiết phi hiện thực để đưa vào truyện ngắn của mình những chuyện tình dang dở, những cái kết bất ngờ, những triết lý sống và triết lý làm người sâu sắc. Như trong truyện ngắn mở đầu tác phẩm - Robot, từ một cô gái điển hình như Su Kyeong, tác giả vẽ nên một đời sống nội tâm vô cùng dữ dội và sự cô đơn đến kiệt cùng của một con người Hàn Quốc hiện đại. Hơn ai hết, Su Kyeong khao khát một tình yêu, một sự chia sẻ từ cuộc sống. Và tình yêu đó chỉ có thể tìm thấy ở một người máy - robot mà cô tình cờ gặp được. Có lẽ, chính chi tiết hoang đường (phi hiện thực) là biến một nhân vật trong tác phẩm của mình trở thành robot, đã tạo nên sự thú vị của độc giả khi đọc tác phẩm, nhưng cũng chính sự phi hiện thực này lại tạo nên một tầng nghĩa mới cho tác phẩm, đó chính là con người chỉ thực sự tìm thấy được tình yêu khi họ đến với nhau không vụ lợi, như một con robot hết mực trung thành với chủ của mình, sẵn sàng chịu nổ tung để giữ gìn những gì mình đã hứa (3 điều luật của robot). Tình yêu của Su Kyeong với anh chàng robot của mình bắt đầu bởi sự thú vị, phát triển từ những lời nói dối, và kết thúc bởi sự chân thực và hối hận. Có lẽ, con người thường chẳng bao giờ biết được giá trị của cái mà mình đang có, chỉ đến khi mất nó đi, thì lúc đó họ mới nhận ra và tiếc nuối. Có hay chăng, một ngày kia, nhân loại sẽ trở nên vô cảm và đối diện với nhau bằng những lời dối trá, chỉ có những con robot cứ ngày một bị nổ tung, và biến mất? Truyện ẩn dụ về một thực tế có thể diễn ra trong tương lai nếu con người không dự cảm và dự báo về một nguy kịch và nguy cơ của sự giả dối và lạnh lùng nhân tính.
Xu thế hiện đại, hậu hiện đại buộc con người ta phải đi lên, nhưng đi lên nhanh quá thì lại cô độc và rợn ngợp. Đó là khi họ cảm thấy mọi điều trong cuộc sống đều quá bất công với bản thân mình, và họ buông lơi, bỏ mặc cho số phận tự định đoạt; điều gì sẽ xảy ra, ai biết… Chẳng ai ngờ rằng mình sẽ có một chuyến du lịch trước ngày cưới với người yêu cũ (truyện Du lịch), hay những cái đẹp mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng ta bỗng một ngày tự dưng biến mất (truyện Cá sấu, Sát nhân vì danh dự), hay một ngày nào đó bỗng dưng ta trở thành một hồn ma lạc lõng, ngắm nhìn người tình đi dạo, hút thuốc trên bến cảng một đất nước xa lạ, và kinh hãi trước xác chết của chính bản thân mình đang vắt vẻo tại một gian phòng khách sạn đã cũ mèm (truyện Mật hẹn)… Trong cuộc sống, vốn dĩ không có chuyện gì không thể xảy ra, và nếu ta có thể biết trước được để tránh đi những hậu quả không ai muốn, thì đó đã không còn là cuộc đời, và con người đã không trở nên bất lực đến như vậy. Từ hành động và những chi tiết phi hiện thực trong tác phẩm, tác giả Kim Young Ha đi sâu vào để phân tích con người ở những góc độ tâm lý và bản năng trong một xã hội hiện đại ngột ngạt và bế tắc. Từ góc nhìn Phân tâm học, chúng ta có thể dễ dàng thấy sự phát triển tâm lý và hành động vô thức của từng nhân vật được diễn ra với những phức cảm đặc trưng: có dục tính, bản năng, có sự dâng hiến ngọt ngào, có cả sự hoài nghi vô tăm tích… Có thể nói, nhà văn đã chạm đến những điều có tính bất ổn trong nền văn minh kỹ trị và trong quan hệ “bất chợt đến bất chợt tan” của xã hội hiện đại, có khi là vô nghĩa lý mà con người nhiều khi không cắt nghĩa nổi, nhưng phải chấp nhận như một thực tế phải như thế. Đọc truyện ngắn của Kim Young Ha, chúng ta thấy phảng phất bóng dáng của thi pháp Kafka - ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh thế giới (theo sự suy tôn của các nhà hiện sinh thế kỷ XX). Chúng ta có thể bắt gặp một anh chàng K. (nhân vật trong tiểu thuyết Lâu đài của Kafka) suốt đời ám ảnh và đi tìm một lâu đài mà mãi mãi mình không thể đến được qua nhân vật Jo của truyện ngắn Jo; hay một Joseph K. (nhân vật trong tiểu thuyết Vụ án của Kafka) với một cái án treo vô hình mà chính bản thân anh ta cũng chẳng biết là mình mắc phải tội gì, để rồi bỗng một ngày phải chết một cách vô cớ, trong truyện ngắn Mật hẹn. Ta dễ dàng nhận thấy ở sáng tác của Kafka và cả Kim Young Ha một lối viết vô cùng độc đáo, những chi tiết kỳ ảo mới lạ, mà qua đó, các tác giả muốn đề cập tới “những vấn đề liên quan đến thân phận con người và nỗi nhọc nhằn họ phải gánh chịu, những giới hạn họ không thể vượt qua trong thời kĩ trị nói riêng và trên cả cõi nhân gian này” (Lê Huy Bắc) [2,tr.975].
Trong tuyển tập, có những truyện cực ngắn mà chúng tôi gọi là những truyện mini (văn học Trung Quốc gọi là đoản thiên tiểu thuyết) như: Sát nhân vì danh dự, Chuyện biển 1, Chuyện biển 2, Cà phê hôm nay, Hứa hẹn… cho thấy sự tài hoa của tác giả trong việc vận dụng và thể hiện ngôn ngữ tài tình (qua bản dịch Việt ngữ của dịch giả Hiền Nguyễn), có khả năng tạo sinh nghĩa ngoài câu chữ để tạo nên một thế giới hình tượng vô cùng phong phú, giàu ẩn dụ và gợi được những ý nghĩa và suy nghĩ miên man trong người tiếp nhận. Mặc dù chỉ gói gọn trong một vài trang giấy, nhưng nội dung của nó lại vô cùng thú vị và có giá trị nhắc nhở con người hiện đại về cuộc sống và những phạm trù đạo đức đang ngày một bị hao mòn. Ví như truyện ngắn Hứa hẹn, một anh thanh niên cho một người phụ nữ trẻ tuổi lạ mặt mượn tiền với điều kiện chị ta phải hứa là trả tiền lại, và phải cho anh chụp lại ảnh chị để làm tin. Một tình huống rất thú vị và lạ lùng mà tác giả có thể nghĩ ra để xây dựng thế giới nghệ thuật cho tác phẩm, tạo nên một tiếng cười cay đắng cho độc giả khi nghĩ về con người và niềm tin đồng loại trong cuộc sống. Có hay chăng, trong thời đại kĩ trị này, cái thời đại mà tác giả đã tự vấn trong tác phẩm của mình rằng: “Anh có tin Chúa Giêsu và lên thiên đường không? Hay sẽ mãi mãi đau khổ trong lửa địa ngục?” [3,tr.281], con người sẽ mãi mãi bị kìm hãm ở chính cái “địa ngục” mà mình tạo ra, vô cảm và vô vị. Đó là một dự cảm, có thể chưa hiện hữu trong thực tế, nhưng nó sẽ có thể xảy ra trong tương lai. Văn học làm tiền trạm tinh thần và đạo đức cho con người chính ở ý nghĩa tiềm ẩn này.
Trong số 13 truyện ngắn của tác phẩm, mỗi truyện đều có một giá trị nhận thức và nghệ thuật nhất định, nêu lên nhân sinh quan và triết lý chủ quan của tác giả; nhưng có lẽ, ấn tượng và được tác giả đầu tư nhiều nhất chính là truyện Quiz show. Vỏn vẹn trong 60 trang sách (qua tài năng dịch của Hiền Nguyễn), là truyện ngắn có độ dài lớn nhất trong số mười ba truyện, theo tôi, Quiz show chính là truyện “đinh” của tập sách để thấy sự hợp lý một cách vô lý mà tác giả hướng đến. Mở đầu là sự gặp gỡ trở lại của hai nhân vật chính - Jeong Dong-kuk và Un-i trong buổi ghi hình Quiz show. Từ niềm đam mê chung là trò chơi giải đố trên truyền hình, Dong-kuk và Un-i gặp lại nhau, cũng nhờ quiz show mà họ trao đổi qua lại, và cũng nhờ quiz show mà họ yêu nhau, đến gần nhau hơn để gợi mở ra một câu chuyện cuộc đời đầy trớ trêu và bất hạnh. Trong cái xã hội Hàn Quốc đương thời đó, một gia đình hạnh phúc với một người chồng, người bố hoàn hảo làm trụ cột, cuộc sống tưởng như êm đềm và mọi thứ đều theo ý muốn; thì một chuyện mà chẳng ai ngờ đến lại xảy ra khi mà tất cả đều bị hủy diệt chỉ trong vài phút; và mặc cho sự hoàn hảo của người bố có chu toàn đến bao nhiêu thì cũng không thể ngăn được cái thảm cảnh xảy ra với gia đình mình. Và cái kẻ đã gây nên nỗi đau lớn nhất đó đối với Un-i là một kẻ tìm thấy sự thỏa mãn ở việc giết người, xét về mặt Phân tâm học thì đây là một hiện tượng tâm thần, dẫn đến hành động trong vô thức dựa trên cơ sở ý thức. Một gia đình hoàn hảo bỗng chốc trở thành nỗi kinh hãi của cả một dãy phố, và nó ám ảnh suốt cuộc đời của Un-i, người may mắn thoát khỏi cái chết cùng gia đình, nhưng lại mang trong mình một chấn thương tinh thần quá lớn, không thể nào chữa lành được theo thời gian. Có lẽ, cuộc đời quá khắc nghiệt với con người, nó cho người ta quá nhiều rồi lại lấy lại một cách đột ngột và vội vã, khiến cho mỗi cá thể trong xã hội phải co mình lại trong cái vỏ bọc của riêng mình, chỉ có thể lặng lẽ chơi quiz như một sự giải thoát cuối cùng; qua đó, đủ can đảm để tương tác và đáp trả với xã hội. Một xã hội đảo điên làm cho con người hoặc cũng điên đảo theo, hoặc sẽ thu mình lẩn trốn. Trong một bộ phim Hàn Quốc có tên Ngôi nhà trống của đạo diễn Kim Ki-Duk, tôi cũng bắt gặp sự lẩn trốn của con người với xã hội, họ chọn cách tàng hình để được gần với tình yêu, với khát vọng và để được thỏa mãn những ẩn ức tinh thần. Ở một khía cạnh nào đó, lẩn trốn cũng là một cách để tồn tại, để đấu tranh cho những gì mình khao khát. Tuy nhiên, mọi sự hoàn hảo đều có cái giá của riêng nó, và cái giá đó như thế nào, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, ai mà biết được!
Bút pháp hiện đại thể hiện bàng bạc trong từng tác phẩm, có pha một chút yếu tố hậu hiện đại khi cắt nghĩa những bất ổn, những mảnh vỡ của tâm trạng, của hiện sinh đời người là điểm nhấn của tập truyện ngắn Điều gì xảy ra, ai biết… của tác giả Kim Young Ha. Tiếp cận tuyển tập truyện ngắn này, chúng ta có dịp phiêu lưu qua những thế giới vô cùng mới lạ, những yếu tố bất ngờ, những yếu tố phi hiện thực kỳ ảo, hoàn toàn khác với lối kể chuyện truyền thống, tuyến tính, đơn thuần trong các tác phẩm văn học khác. Điều này thể hiện tình cảm và tài năng sáng tạo của nhà văn. Qua tuyển tập, Kim Young Ha muốn truyền đạt một thông điệp đầy sức ám ảnh về một xã hội đương thời rối rắm, về những quan hệ người, quan hệ văn hóa đa phân và bất ổn thời hiện đại không chỉ của Hàn Quốc mà liên hệ theo lý thuyết toàn ảnh và lý thuyết toàn cảnh thì nó cũng chính là thực tế của các quốc gia khác trên thế giới. Trong thông điệp đó, cái xấu và cái ác có khả năng đánh thức điều thiện và hoàn thiện cái tốt - cái “tính bổn thiện” mang tính nguyên sơ, vĩnh cửu của con người và của toàn nhân loại. Vì vậy, ở một ý nghĩa triết mỹ mãnh liệt, nhà văn Kim Young Ha đã làm phục sinh những giá trị nhân đạo, nhân văn ở con người hiện đại, để giúp họ làm chủ được bản thân, luôn sáng suốt đạo đức để yêu thương, mơ mộng và hành động như những hiện sinh chân chính, như những khát vọng vĩnh hằng mà từ xưa đến nay nhân loại vẫn luôn hướng đến. Nhân tính con người cần phải được tôn trọng, phát huy và bảo vệ như cách nói của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Điều gì xảy ra, ai biết… là một tập truyện ngắn xuất sắc mà tác giả Kim Young Ha đã “hóa thân” một cách trọn vẹn vào những mảnh đời rất thực, rất bình dị nhưng lại mang nhiều khuyết lõm về tâm hồn và số phận. Có bao nhiêu những mảnh đời trong cuộc sống cũng bất hạnh như vậy, có bao nhiêu những câu chuyện cũng “phi hiện thực mà vẫn rất thực” như vậy trong xã hội hiện đại hôm nay? Vốn dĩ, cuộc đời là một bức tranh hỗn tạp chẳng bao giờ hoàn thiện; vì mỗi mảnh ghép trong bức tranh đó là một số phận của một con người hiện hữu. Những mảnh ghép cứ thay phiên nhau che phủ bức tranh cuộc đời, một mảnh biến mất, mảnh khác lại lấp đầy, cứ thế, những số phận nối tiếp số phận, những cuộc đời nối tiếp cuộc đời, và điều gì sẽ xảy ra? Ai biết được! Thành công của tác phẩm thuộc về nhà văn Kim Young Ha. Và có phần không nhỏ thuộc về dịch giả Hiền Nguyễn qua phần chuyển thể Việt ngữ. Xin cảm ơn những tâm hồn văn chương đồng điệu. Khép trang sách, chúng ta yên tâm và có phần được thanh lọc tâm hồn vì điều gì xảy ra, ai biết, trong ý nghĩa ẩn dụ của nó, đã cho chúng ta biết lựa chọn những hành vi và quan hệ tốt đẹp của mình cho tương lai - tương lai gần và cả tương lai xa.
H.T.N
(SH315/05-15)
.....................................
1. Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2004), Phân tâm học và Văn hóa nghệ thuật, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Lê Huy Bắc (chủ biên) (2009), Từ điển văn học nước ngoài, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Đà Nẵng.
3. Kim Young Ha (2013), Điều gì xảy ra, ai biết…, Hiền Nguyễn (dịch), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
4. Kim Young Ha: http://en.wikipedia.org/wiki/Kim_Young-ha
5. Sách hay mỗi ngày: Điều gì xảy ra ai biết:
http://www.youtube.com/watch?v=jhDj7GKvLF4