PHẠM HỮU THU
Đầu tháng tư năm nay, tôi mới có dịp trở lại Hải Vân, bởi từ khi có hầm đường bộ, xe cộ ít qua lại con đường đèo quanh co, đầy hiểm nguy nhưng có cảnh quan tuyệt mỹ này.
Ở phía Bắc Hải Vân bây giờ có con đường mới mở, giúp những khách bộ hành như tôi có dịp tiếp cận và ngắm nhìn thỏa thích khung cảnh sơn thủy hữu tình của non nước Hải Vân.
Đang là kỳ cuối Xuân đầu Hạ nên ở vùng núi non hiểm yếu này chưa thấy sương mù. Đứng ở trên cao nhìn xuống, Bãi Chuối như đáy hình chữ U được sườn núi hai bên che chắn. Trong một lần theo thuyền từ Lăng Cô, tôi đã đặt chân lên bãi cát hoang sơ này. Nó như tấm khăn voan kiều diễm vắt ngang đường chân trời được tô điểm bởi màu xanh của núi rừng và biển cả. Hai bên Bãi Chuối là những vỉa đá granite ngầm nhô đến tận bờ. Nó từa tựa Hàm Rồng ở vùng Tư Hiền nhưng “phong thái” có vẻ trầm mặc hơn vì có sườn núi che chắn.
Dân chài Lăng Cô cho biết, do có nhiều rong mơ nên vịnh biển này là nơi tụ cư của loài cá dò và từ lâu đã trở thành điểm hẹn của những người đam mê bơi lặn, kết hợp với câu cá.
Lang thang trên bãi, bất ngờ tôi nhận ra nguồn nước ngọt ẩn mình từ các cánh rừng ngày đêm miệt mài tìm về với biển. Và Bãi Chuối trở thành nơi quanh năm đón nhận nguồn nước mát lành. Đó là nét độc đáo mà không phải bãi biển nào cũng có được đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng.
Để có được thảm xanh của núi rừng như hôm nay, tôi nhớ hơn 20 năm về trước, lúc Võ Văn Dự còn làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Lộc, chính anh đã đưa tôi đến vùng hiểm yếu này. Từ một vùng còn nhan nhản cỏ tranh, một năm ít nhất có đến 60 vụ cháy rừng, vậy mà ngay trong những ngày đất nước còn đói khổ, Hạt kiểm lâm Phú Lộc đã biết huy động sức dân để tiến hành phủ xanh các đồi trọc bời bời cỏ tranh. Đợi 650 ha keo khép tán, năm 1993 Võ Văn Dự cùng cộng sự của mình mới tổ chức trồng thử nghiệm cây bản địa. Các loại như: dầu rái, chò chỉ, trâm, sến, gõ, lát hoa… bén rễ đâm chồi và theo thời gian đã góp phần tô điểm cho cảnh quan của vùng “thiên hạ đệ nhất hùng quan” trở nên xanh tươi tràn đầy sức sống.
*
Gắn bó với rừng khá sớm nên duyên nợ đã đưa đẩy tôi ghé thăm Trạm bảo vệ rừng 251 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân trong lần trở lại này. Trạm chỉ là ngôi nhà cấp bốn nằm cùng khuôn viên của ngôi nhà 2 tầng của Công ty cổ phần Thế Diệu. Tiếp chuyện chúng tôi là nhân viên tuổi đã quá ngũ tuần.
Dù đang chuẩn bị cho bữa ăn trưa nhưng anh vẫn nhiệt tình giải đáp những điều mà chúng tôi muốn biết, nhất là chuyện liên quan đến dự án ở mũi cửa Khẻm. Theo lời của vị nhân viên của Trạm bảo vệ rừng 251, từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho dừng dự án của Công ty cổ phần Thế Diệu thì tấm biển treo trước khu nhà điều hành cũng như tấm pa-nô đặt ở ngã ba giáp với Quốc lộ I (qua đèo Hải Vân) đã được tháo dỡ nên người đi qua không còn nhận ra.
Tò mò muốn đến khu vực cửa Khẻm nơi mà Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã cấp phép cho Công ty cổ phần Thế Diệu lập dự án khu nghỉ dưỡng World Shine nên tôi hỏi vị nhân viên Trạm bảo vệ rừng: “Từ đây đến cửa Khẻm bao xa?” “Chừng ba, bốn cây số.” “Anh đã đến đó chưa?” “Dạ chưa”.
Lý do mà vị nhân viên ấy giải thích: từ ngả đường Bãi Chuối xuống khu vực cửa Khẻm đến nay vẫn chưa có đường đi. Tất cả đều dựa vào bản đồ, không ảnh để mô tả về dự án. Muốn khảo sát thực địa đều phải băng rừng.
Để nắm chắc vấn đề, tôi cẩn thận hỏi vị nhân viên của Trạm bảo vệ rừng 251:
- Thưa anh, chắc anh ở đây đã lâu, vậy theo anh biết con đường du lịch Bãi Chuối ngoài kia được làm lúc nào?
- Tôi nhớ không chắc chắn lắm, hình như là từ năm 2010.
- Nghĩa là nó có từ trước khi Công ty cổ phần Thế Diệu xây dựng khu nhà điều hành này?
- Dạ đúng.
Vụ việc liên quan đến dự án khu nghỉ dưỡng ở mũi cửa Khẻm trên thực tế đã khép lại kể từ khi Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao ban hành quyết định dừng dự án hôm 26/11/2014.
Trước thái độ cầu thị của chính quyền địa phương, thay bằng cảm thông và chia sẻ, buồn thay đã có người nhân cơ hội này tự đánh bóng mình, khi lên lớp “nhà nghèo thì cho thuê mặt tiền, chứ không thể cho thuê bàn thờ”; số khác, do không nắm rõ thông tin đã vội vàng quy trách nhiệm, vì nghĩ nhà đầu tư đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để làm đường nên khi dự án dừng thì “số tiền đền bù có thể là rất lớn”; trong khi thực chất, từ khi được cấp giấy đầu tư, Công ty cổ phần Thế Diệu chỉ mới khảo sát thực địa, rà phá bom mìn và xây dựng nhà điều hành như đã đề cập ở trên!
Có thể cảm thông cho những ý kiến ấy vì họ không có điều kiện xâm nhập hiện trường; nhưng với người làm báo, một khi đã đặt chân đến đây thì khó mà chấp nhận lối viết mập mờ, ví như: “Để chuẩn bị cho việc triển khai dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư xong con đường thảm nhựa dài khoảng 5km đi vào khu vực dự án với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.”
Thực ra con đường thảm nhựa dài khoảng 5km được xây dựng không phải để phục vụ cho riêng dự án cửa Khẻm mà thực chất đây là con đường kinh tế kết hợp quốc phòng, phục vụ cho cả khu vực Bắc Hải Vân dài hơn 6 cây số.
Do lối viết sai thông tin như vậy nên người đọc đã ngộ nhận là để phục vụ dự án cửa Khẻm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư khoản 50 tỷ để làm đường, vì thế nên khi dừng dự án rõ ràng là gây tốn kém cho ngân sách địa phương!?
Chưa hết, tưởng có gì mới, không ngờ để “ăn theo” vụ cửa Khẻm, có nhà báo giật cái title gây choáng: “Lòi” thêm khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối ở đèo Hải Vân”.
Lòi - ở đây - theo cách hiểu thông thường là chính quyền Thừa Thiên Huế muốn giấu dự án Bãi Chuối nhưng nhờ nhà báo phanh phui nên mới lộ ra!?
Với lối hành văn như thế, không ngạc nhiên khi bạn đọc có cái nhìn thiếu thiện cảm về quê hương Thừa Thiên Huế.
Vì đã đến tận nơi, cặn kẽ tìm hiểu vấn đề, tôi thấy đã đến lúc nói lại, ít nhất giúp người “trong nhà” tường tận vấn đề.
1. Về con đường du lịch Bãi Chuối
Điều cần khẳng định là UBND Thừa Thiên Huế không hề bỏ khoảng 50 tỷ đồng làm con đường này để phục vụ cho dự án World Shine của Công ty cổ phần Thế Diệu mà nó được nâng cấp từ tuyến đường lâm nghiệp do Hạt kiểm lâm Phú Lộc khai thông và sau này được mở rộng, nâng cấp nhằm phục vụ cho kinh tế - quốc phòng, trong đó có dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối.
Do địa phương kẹt vốn, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã xin tạm ứng 1 triệu USD ký quỹ của nhà đầu tư để xây dựng; khi tuyến đường làm gần xong mới được Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp vốn cho công trình này.
2. Về dự án khu du lịch Bãi Chuối
Dự án này được cấp phép công khai chứ không hề dấm dúi; do vậy dùng từ “lòi” thêm là có dụng ý không tốt.
Nếu theo dõi thông tin, bạn đọc sẽ thấy trước đó, trên số báo ra ngày 26/6/2013, báo Người Lao động đã đưa tin về dự án này: “ Vào tháng 3/2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Cattigara One Limited (Singapore) xây dựng dự án khu du lịch Bãi Chuối. Dự án có diện tích 100ha, tổng số vốn đầu tư 102 triệu USD”.
Sau khi có con đường, nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, lập phối cảnh, thiết kế để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy trình.
*
Đi trên con đường mới mở, tôi miên man nhớ lại chuyện đã qua.
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế rất muốn đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình. Nhưng thực tế không phải muốn là được, vì lực bất tòng tâm, đấy là chưa kể những trở ngại khách quan. Như ở khu vực ven biển của vùng Bắc Hải Vân, do địa hình hiểm trở, đường bộ chưa có, muốn ra bán đảo Sơn Chà, đảo Ngọc hay Bãi Chuối… từ trước đến nay đều phải dựa vào đường thủy, xuất phát từ Lăng Cô. Mùa hè khá thuận chứ vào mùa mưa bão khó bề xoay xở. “Thiên không thời, địa không lợi” là tồn tại khách quan. Đấy chưa kể những toan tính hẹp hòi thường xuyên tác động. Nhìn các địa phương lân cận phát triển, là người Thừa Thiên Huế không ai không khỏi chạnh lòng.
Ngồi mà thở than, trách móc chẳng có ích gì nhưng hành động, nếu không tạo được sự đồng thuận, khi gặp sự cố sẽ thường bị động trong ứng phó.
Thiết nghĩ, khi sự việc liên quan đến cửa Khẻm, Bãi Chuối vừa chớm; lãnh đạo Thừa Thiên Huế nên chủ động thông qua Mặt trận hoặc Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mời các vị nhân sĩ, anh chị em văn nghệ sĩ, báo chí ở Huế về Hải Vân một chuyến để thực địa, nắm thông tin rõ ràng và đầy đủ hơn. Bởi tiền nhân đã đúc kết: trăm nghe không bằng một thấy.
Tôi tin, một khi lãnh đạo địa phương mở hội nghị “Diên Hồng” như thế, những người tâm huyết với quê hương sẽ có cơ sở bàn thảo, thậm chí họ còn hiến kế và tham gia tranh luận nhằm làm sáng tỏ những điều mà dư luận quan tâm, tránh tình trạng trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay.
Đó là kế sách để tạo Nhân hòa. Ý tưởng không mới nhưng chưa bao giờ muộn.
P.H.T
(SH315/05-15)