Tạp chí Sông Hương - Số 315 (T.05-15)
Điểm nhìn và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn của Haruki Murakami - từ góc nhìn tự sự học
08:55 | 22/05/2015


HÀ VĂN LƯỠNG

Điểm nhìn và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn của Haruki Murakami - từ góc nhìn tự sự học
Ba tập truyện ngắn của Haruki Murakami xuất bản tại Việt Nam - Ảnh: vietbao

Trong trần thuật, bên cạnh hình tượng người trần thuật được thể hiện qua các ngôi kể thì điểm nhìn trần thuật và giọng điệu trần thuật cũng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhân vật và tạo nên phong cách của nhà văn. Câu chuyện, sự việc… được kể trong một thời gian, không gian và dưới các góc nhìn khác nhau của người kể chuyện. Chính điều đó tạo ra điểm nhìn nghệ thuật trong truyện và “khoảng cách, góc độ của người kể đối với cốt truyện tạo thành cái nhìn… Bố cục của trần thuật hình thành với sự triển khai cái nhìn, đan cài, phối hợp, luân phiên các điểm nhìn. Có điểm nhìn gần gũi với sự kiện, lại có điểm nhìn cách xa trong không gian và thời gian. Có điểm nhìn ngoài hoặc nhìn xuyên qua nội tâm nhân vật…”(1)

Ở thể loại tiểu thuyết, H.Murakami đã tạo ra một phong cách đặc biệt thông qua nghệ thuật trần thuật, trong đó, điểm nhìn nghệ thuật ở các tác phẩm Kapka bên bờ biển, Biên niên ký chim vặn dây cót, Rừng Nauy, Người tình Sputnhik… thể hiện rất phong phú, đa dạng. Đó là điểm nhìn đa trị, điểm nhìn hướng nội, điểm nhìn hướng ngoại, sự di động, luân chuyển của điểm nhìn… Trong truyện ngắn, sự giới hạn hình thức tác phẩm đã hạn chế cách thể hiện các điểm nhìn nhân vật của tác giả. Tuy nhiên, sự đa dạng và thay đổi điểm nhìn cũng thể hiện khá rõ trong nhiều truyện. Người kể chuyện và nhân vật đôi khi bị xóa nhòa ranh giới, có sự chuyển hóa lẫn nhau.

1. Điểm nhìn trần thuật

1.1. Điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện


Trong truyện ngắn của H.Murakami, phần lớn điểm nhìn được trao cho nhân vật và cuộc sống con người luôn được nhìn dưới nhiều góc độ đồng thời gắn với những khoảng không gian, thời gian khác nhau. Đa số truyện ngắn của H.Murakami đều được kể ở ngôi thứ nhất, vì thế điểm nhìn trần thuật chủ yếu là nhân vật “tôi” - người kể chuyện. Truyện ngắn Thuyền hàng đi Trung Quốc, là những quan sát, ghi chép và cảm nghĩ của nhân vật - người kể chuyện về một chuyến đi Trung Quốc dài ngày. Ở đây, theo bước chân của thuyền hàng, những tiếp xúc, gặp gỡ, cảm nhận của nhân vật “tôi” thể hiện đậm nét thông qua cái nhìn tinh tế, sâu sắc và tỉ mỉ của mình về con người, cuộc sống của đất nước Trung Quốc. Điểm nhìn của nhân vật “tôi” mang tính bao quát từ con đường, ngôi nhà, con phố, trường học đến gặp gỡ các loại người khác nhau “Trái với sự tưởng tượng của tôi, trường tiểu học của người Trung Quốc có hình dáng bên ngoài không khác trường tiểu học của tôi bao nhiêu… Những hàng cây cao được trồng theo dọc các dãy lớp… Đối diện cửa chính là một mái hiên rộng… Các góc sân có tượng bán thân của vị nào đấy… Đâu 15 phút sau, người giám thị kẹp nách bài thi bước vào phòng. Ông ta trông chưa quá 40 tuổi.”(2)

Ở truyện Người lùn nhảy múa, dưới góc nhìn của ông già - người cùng làm việc trong công trường chế tạo voi với nhân vật “tôi”, người lùn cũng là một con người tài năng, hoạt bát, linh động trong mọi việc, chứ không phải đơn thuần là con người kỳ lạ: “Người lùn nhảy múa rất giỏi. Mà nói rất giỏi cũng chưa đúng. Phải nói người và vũ điệu nhập làm một mới đúng. Không ai có thể bắt chước được. Gió, ánh nắng, hương thơm, bóng người…, tất cả mọi thứ tập trung lại trong thân thể người lùn ấy mà tung hoành. Chỉ người lùn là làm được việc ấy thôi…, tài năng đến thế là tuyệt bích”(3). Là người chứng kiến người lùn nhảy múa ở quán rượu để mọi người thưởng thức, ông già đã kể lại những gì mình thấy cho nhân vật “tôi” nghe. Ở đây, chuyện được kể dưới cái nhìn của người trong cuộc, người “đã từng nhìn mê mẩn” người lùn, cho nên có giá trị thuyết phục người đọc rất cao. Sự kiện con voi biến mất, dưới cái nhìn của thị trưởng, cảnh sát và những người khác trong truyện Con voi biến mất không giống nhau. Tùy theo chức phận và trách nhiệm mà mỗi người lại có một cách nhìn riêng. Viên cảnh sát cho rằng “có khả năng là con voi đã bị trộm mất, hay giải thoát một cách có kế hoạch bằng phương pháp xảo quyệt nào đấy và tuyên bố dự đoán lạc quan rằng: giấu giếm con voi to lớn như thế là chuyện vô cùng khó khăn, do đó giải quyết vụ này chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”(4). Nếu viên Thị trưởng tổ chức họp báo và tuyên bố đây là một vụ việc lớn cần làm sáng tỏ, thì nhân vật “tôi’ lại cho đó là do “tôi thấy con voi đã rút nhỏ bớt” đi mà mọi người không nhìn thấy chứ không phải con voi biến mất. Rõ ràng, một sự việc mà với điểm nhìn của những người khác nhau thì có những kết luận không giống nhau.

1.2. Sự di động điểm nhìn

H.Murakami không chỉ trần thuật với điểm nhìn của một hoặc hai nhân vật, với nhiều giọng kể khác nhau mà nhà văn đã luôn chuyển điểm nhìn qua nhiều ngôi. Nhà văn đã biết kết hợp giữa cái nhìn bên ngoài với bên trong, từ xa đến gần, từ rộng đến hẹp… để tạo nên bức tranh tự sự phong phú, đa dạng. Ở các tập truyện ngắn, điểm nhìn trần thuật không cố định một nhân vật mà luôn thay đổi từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, đôi khi xen kẽ lẫn điểm nhìn của nhân vật và tác giả. Trong một số truyện, ranh giới các điểm nhìn dường như bị xóa mờ, khó phân biệt đâu là lời kể của ai. Lời kể trực tiếp đan xen lời gián tiếp thông qua những câu, những chuyện nhà văn để trong dấu ngoặc kép xóa nhòa ranh giới giữa các vai kể khiến chúng nhập vào nhau với dòng cảm xúc nội tâm nhân vật. Trong truyện Người thứ bảy, H.Murakami viết: “Lúc ngọn sóng ấy sắp chụp xuống tôi, là một buổi chiều tháng chín năm tôi 10 tuổi” - người thứ bảy bắt đầu kể với giọng trầm tĩnh. Ông là nhân vật cuối cùng kể chuyện trong đêm ấy. Trong phòng, mọi người ngồi thành vòng… Gió xao động lá cây ngoài vườn làm kính cửa sổ lay nhẹ… “Đó là một ngọn sóng khổng lồ” - người đàn ông kể tiếp… Người đàn ông thứ bảy trong khoảng độ giữa tuổi 50. Gầy, cao, ria mép tua tủa…”(5). Mở đầu là lời kể từ điểm nhìn nhân vật “tôi”, tiếp đến là lời khách quan của tác giả mô tả khung cảnh khuya mọi người tập trung ngồi nghe chuyện rồi đến lời nhân vật “tôi” và sau đó lại là lời tác giả. Từ nhân vật “tôi” -> tác giả -> “tôi” -> tác giả…, điểm nhìn được luân chuyển qua các lời kể khác nhau tạo nên câu chuyện hấp dẫn, có khung cảnh, người dẫn chuyện… Trong truyện Sân bóng chày, ban đầu là điểm nhìn của nhân vật “tôi”: “Thấm thoắt mà đã năm năm rồi, từ thuở tôi còn trọ bên cạnh sân bóng chày… Thế nhưng, tôi đã vào trọ ở đấy chẳng phải để xem bóng chày đâu. Có lý do hoàn toàn khác đấy”(6). Tiếp đến là điểm nhìn của tác giả “Người thanh niên ngưng câu chuyện, lấy từ trong túi áo vét ra điếu thuốc, châm lửa hút”(7).

Nếu ở truyện ngắn của Y.Kawabata, tác giả chủ yếu kể ở ngôi thứ ba thì ngược lại truyện H.Murakami ngôi thứ nhất chiếm số lượng nhiều hơn cả. Điều này ta có thể thấy rõ trong hầu hết các tập truyện của nhà văn, đặc biệt các truyện Quần cộc kiểu Đức, Đom đóm, Folklore của thời đại chúng ta, Xác ướp… Mỗi truyện ngắn của H.Murakami đều có điểm nhìn khác nhau. Với cái nhìn đa chiều, nhà văn có thể mô tả, phân tích, bộc lộ ngoại hình, nội tâm nhân vật một cách chân thực, sinh động. Sự lựa chọn và luân phiên điểm nhìn đã giúp nhà văn có cái nhìn bao quát cuộc sống, khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật.

2. Giọng điệu trần thuật

Giọng điệu (voice) là một hiện tượng nghệ thuật mang tính cá nhân cao độ, gắn với phong cách nhà văn, một phương diện cơ bản tạo nên hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Một mặt, giọng điệu có vai trò liên kết các yếu tố hình thức tác phẩm tạo thành một âm hưởng, một tiếng nói với nhiều cấp độ, mặt khác nó biểu thị thái độ, cảm xúc, tư thế và tình cảm của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật. Theo M.B.Khrapchencô, một nhà văn tài năng bao giờ cũng tạo ra cho mình một giọng điệu riêng, độc đáo và “đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường và giọng điệu nhất định đối với đối tượng sáng tác… Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh”(8). Khi trần thuật, tác giả tạo ra những sắc thái giọng điệu khác nhau, cái mà M.Bakhtin gọi là “tính đa thanh trong giọng điệu”. Nghiên cứu giọng điệu nói chung và giọng điệu trần thuật của thể loại tự sự nói riêng là nhằm tìm hiểu ngôn ngữ chủ thể, cách nói của chủ thể về vấn đề được nói đến và đối tượng mà lời văn muốn nhắm đến.

Trong truyện ngắn của H.Murakami, giọng điệu trần thuật thể hiện dưới nhiều “giọng” khác nhau tạo nên một sự phong phú, đa dạng của các giọng kể. Giọng của tác giả hòa lẫn với giọng nhân vật, hóa thân vào từng nhân vật thể hiện tinh thần dân chủ và nhu cầu đối thoại, tranh biện đối với những vấn đề và những giá trị của cuộc sống. Phối hợp nhiều giọng điệu, H.Murakami dường như trao ngòi bút cho nhân vật để tự nó nói lên giọng điệu riêng của mình. Nổi bật trong truyện ngắn của H.Murakami là ba giọng điệu trần thuật cơ bản: giọng hài hước, châm biếm; giọng thân mật, tâm tình và giọng triết lý, chiêm nghiệm. Tuy nhiên, sự biểu hiện của các giọng điệu chủ yếu trên cũng có sự đan cài, chuyển chỗ một cách khá linh hoạt.

2.1. Giọng hài hước, châm biếm

Trong truyện ngắn của mình, H.Murakami sử dụng khá thành công giọng hài hước, châm biếm khi phản ánh cuộc sống và con người Nhật Bản hiện đại. Vừa hài hước, châm biếm, giọng văn H.Murakami hướng đến việc phê phán những giá trị tinh thần bị đảo lộn, những mặt trái của cuộc sống hậu công nghiệp được phơi bày. Với cuộc sống hiện đại, con người chạy theo lối sống vật chất, thực dụng và không quan tâm đến đời sống tinh thần, giá trị đạo đức truyền thống. Nhiều khi con người dường như cô đơn giữa biển người, các mối quan hệ trở nên xa dần và lỏng lẻo, cuộc sống trở nên nhàm chán. Ở các tập truyện Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, Đom đóm, Bóng ma ở Lexingtơn…, xuất hiện khá nhiều giọng văn hài hước, châm biếm của tác giả về cuộc sống hiện tại. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cứ lặp lại và con người trở nên thừa thải, chán nản: “Tôi 32 nàng 18… Cứ nghĩ thế mà đâm ra nản. Tôi mới 32 còn nàng đã 18… Ừ, thế mới được… Tôi có vợ, còn nàng có đến 6 người bạn trai. Nàng hò hẹn với bạn trai mỗi tuần 6 ngày, còn với tôi thì chỉ một ngày chủ nhật mỗi tháng. Những ngày chủ nhật còn lại, nàng ở nhà xem tivi. Khi xem tivi, nàng trông dễ thương như con hải mã”(9). Các giá trị cuộc sống trở nên vô nghĩa, con người chỉ tìm đến những điều tầm thường và thời gian cứ trôi qua lặp lại. Ông già trong Chuyện quái đản trong thư viện, bên ngoài rất tử tế “Giờ đóng thư viện thì chẳng vấn đề gì. Tôi bảo được là được thôi”, nhưng bên trong là một con người rất ghê gớm “Câm mồm lại mà bước vào trong đi. Rồi đọc thuộc lòng cả ba cuốn sách. Đúng một tháng sau, chúng ta sẽ kiểm soát. Nếu thuộc lòng được ta sẽ thả ra”(10).

Đề cập đến vấn đề trinh tiết của con gái vào thời hiện đại, nhà văn giễu cợt: “Bây giờ nhìn lại, tôi có thể nói rằng phần lớn các cô gái trong thời chúng tôi, dù còn trinh hay không đều chia sẻ những xung đột nội tâm về tính dục. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tác. Họ bị kẹp giữa một bên là đám đông tương đối thầm lặng, có cách nghĩ thoáng, cho tình dục là một loại thể thao và một bên là những thủ cựu cho rằng con gái phải giữ gìn trinh tiết đến tận khi lập gia đình”(11). Rõ ràng không nên cấm đoán tình dục một cách quá khắt khe, nhưng cũng không nên ủng hộ nó thái quá và bừa bãi. Ở một phương diện nào đó, tình dục là một hình thức giải tỏa cô đơn, xả stress cho con người trước những áp lực của cuộc sống hiện đại đầy căng thẳng, lo âu và khủng hoảng niềm tin. Trong truyện Lưỡi dao săn, với giọng văn hài hước, nhà văn để nhân vật “tôi” phê phán các mối quan hệ trong gia đình khi chia ra “loại người khỏe mạnh và loại bệnh tật”, “loại người bình thường và khác thường”. Sự phân chia một cách quá “thô thiển” như thế tạo ra sự mâu thuẫn, khoảng cách giữa mọi người trong gia đình dẫn đến sự lạnh nhạt và xa lánh nhau.

2.2. Giọng thân mật, tâm tình

Có thể nói bao trùm truyện ngắn của H.Murakami là giọng điệu trữ tình sâu lắng, là lối kể tâm tình. Đây là một đặc điểm nổi bật của hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Với ngôi kể chuyện này, nhân vật - người kể chuyện có điều kiện bộc lộ đời sống nội tâm của mình và có những nhận xét về người khác một cách đầy đủ. Giọng kể mượt mà, sâu lắng như thỏ thẻ, tâm tình của nhà văn H.Murakami đan xen những yếu tố huyền thoại, siêu thực đưa người đọc bước vào thế giới đầy phong phú và sôi động. Việc đưa âm nhạc (đặc biệt là nhạc Jazz) vào trong những tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn) với những giai điệu du dương, trầm lắng làm lay động tâm hồn người đọc. Những lá thư chan chứa tình cảm, những mô tả cảnh vật thiên nhiên, những suy tư của con người và những lời tâm tình đã làm nên những âm hưởng trầm hùng, sâu lắng của tác phẩm. Ở truyện Vườn cỏ buổi chiều cuối cùng, cùng với bức tranh cảnh vật đẹp, thơ mộng “Căn nhà tôi hướng đến nằm ở lưng chừng ngọn đồi. Một ngọn đồi thoai thoải, trang nhã. Hai bên đường ngoằn ngoèo bò lên đồi trồng hai hàng cây sứ san sát nhau… Ngôi nhà xinh xắn, dễ thương… Khung cửa sổ màu xám buông rèm trắng”(12), là tiếng âm nhạc vang lên: “Khi nghe được ban nhạc Three dog night ca bản Mama told me, tôi ngừng tay vặn, nằm ngửa mà nhìn qua kính mát, đám lá cây và ánh nắng len qua đám lá cây ấy”(13). Sự kết hợp giữa bức tranh thiên nhiên trữ tình với âm nhạc đã làm cho tâm hồn nhân vật “tôi” trở nên thư thái và cảm thấy yêu con người và cuộc sống hơn. Nhịp điệu trầm bổng, hài hòa như một bản tình ca từ lời bài On a slow boat to China của Loesser là cảm hứng của truyện Thuyền hàng đi Trung Quốc và lời nhạc New York mining disaster 1941 của Ban nhạc Bee Gees là đề từ của truyện ngắn Bi kịch mỏ than New York. Lời tâm tình của bài hát đưa người đọc vào một khung cảnh đầy thơ mộng của tình yêu lứa đôi: “Anh muốn mang em lên chiếc thuyền hàng đi Trung Quốc dành riêng cho một mình anh thôi. Ôm em trong tay để giữ em mãi mãi, xa lánh tất cả các người tình của em đang khóc hận trên bến xa”(14). Ở những truyện Đom đóm, Người lùn nhảy múa, Chim vặn dây thiều và phụ nữ, Ngày thứ ba, Truyền thuyết dân gian của thời đại chúng tôi, Trú mưa…, giọng văn trữ tình xen lẫn những tiếng nhạc trầm hùng quyện vào nhau làm đắm say lòng người. Giọng nuối tiếc, trách móc, giận hờn kết hợp cùng giọng tâm tình, tự bạch tạo nên âm điệu đa thanh trong truyện Nàng Ipanema năm 1963/1982: “Thân hình thon gọn, da rám nắng tươi trẻ, xinh đẹp, nàng Ipanema bước đi trên bãi cát. Nàng bước theo nhịp Samba uốn éo thanh tú, uyển chuyển mềm mại. Tôi muốn nói yêu nàng. Tôi muốn dâng trái tim tôi. Nhưng nàng chẳng để ý đến tôi chỉ nhìn ra biển xa mà thôi”(15). Giọng điệu này còn được nhà văn thể hiện ở một số truyện ngắn khác.

2.3. Giọng triết lý, chiêm nghiệm

Trong văn chương H.Murakami, khát vọng khám phá chiều sâu cuộc sống đã đặt các nhân vật vào những suy tư, dằn vặt, những lý giải về những vấn đề cốt lõi mang tính nhân sinh. Giọng điệu triết lý thể hiện những góc nhìn khác nhau của nhân vật. Đứng trước vấn đề sinh tử, nhân vật “tôi” trong Đom đóm khẳng định: “Tử không phải là đối cực của Sinh mà tồn tại như một phần của Sinh… Tử đã tồn tại sẵn bên trong. Và mọi người giống như đã hấp thụ Tử như hút một hạt bụi li ti vào sẵn trong phổi mình mà tiếp tục sống. Từ trước tôi đã nhận thức Tử như một tồn tại độc lập, phân ly khỏi mọi thứ khác trên đời… Sinh hiện hữu ở phía bên này, còn Tử hiện hữu ở phía bên kia”(16). Nhận thức được vấn đề sinh tử là lẽ đời, là quy luật cuộc sống, nhân vật của H.Murakami tỏ ra bình thản, vững vàng trước những mất mát, đau buồn. Từ những cái xác chết trôi dạt vào bờ biển và cái chết của người bạn mình, nhân vật “tôi” trong Dãi bờ biển tháng năm suy ngẫm về cuộc đời: “Bao nhiêu năm nữa, bao nhiêu thập niên nữa, mấy trăm năm nữa thì tôi không biết. Nhưng, chắc chắn chúng sẽ băng hoại, mất đi. Khoét lở núi, lấp biển, lấp giếng; trên những linh hồn người chết, chúng bay đã xây dựng lên những gì nào? Xi măng, cỏ dại, ống khói lò thiêu xác, chỉ chừng ấy thôi chứ có gì đâu?”(17). Cái chết là lẽ thường tình trong cõi nhân sinh, nhưng ở đây qua nhân vật “tôi”, tác giả muốn nói đến trách nhiệm của xã hội, của những người lãnh đạo phải biết yêu thương con người, biết ngăn chặn để hạn chế những cái chết thương tâm. Đây đồng thời cũng là hồi chuông báo động về suy thoái đạo đức xã hội. Các nhân vật trong truyện ngắn H.Murakami cũng có những triết lý về cuộc sống như đúng - sai, tốt - xấu, trẻ - già… Nhìn cuộc sống trong chiều vận động không ngừng đến vô cùng với bao biến đổi, thăng trầm, những nhân vật trong tập Đom đóm luôn suy tư về cõi nhân sinh. Giọng triết lý chứa đầy sự trải nghiệm “Trên đời này có những người, khi quá một mức tuổi nào đó thì ngoại hình không còn thay đổi theo tuổi tác nữa” và “Người ta chỉ có cảm giác đích xác là đã mất đi vật gì ở ngay thời điểm đánh mất, mà chính ở thời điểm người ta để ý đến sự mất mát”(18). Những triết lý của các nhân vật trong truyện ngắn H.Murakami cho thấy họ là những con người có cá tính, sống luôn trăn trở về những điều cốt lõi của cuộc sống. Vì thế, truyện ngắn của nhà văn có chiều sâu, mang tính khái quát cao, thế giới nội tâm nhân vật được khai thác sâu sắc.

Các giọng điệu truyện ngắn H.Murakami tuy có “lạc điệu”, nhưng tất cả tạo nên như một dàn đồng ca với nhiều âm sắc khác nhau, góp phần tạo nên nét đặc sắc trong phong cách văn chương của ông. Thể hiện ở nhiều cấp độ, cung bậc khác nhau, các giọng điệu truyện ngắn H.Murakami phản ánh một phần bộ mặt xã hội Nhật Bản hiện đại với tất cả những phức tạp, phong phú, sự đan xen giữa thiện và ác, tốt và xấu.

Là một phương diện của hình thức tự sự, điểm nhìn nghệ thuật và giọng điệu trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng của tác phẩm văn chương. Cùng với các bình diện khác của nghệ thuật tự sự, nó góp phần tạo nên phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Haruki Murakami là một nhà văn đương đại Nhật Bản lớn, tài năng, đã có những thành công trong thể loại tiểu thuyết, đặc biệt ở phương thức trần thuật. Sự kết hợp các yếu tố trần thuật đó đã giúp nhà văn tái hiện một cách khá chân thực đời sống và con người Nhật Bản thời đại hậu công nghiệp. Qua những trang văn của H.Murakami, thế giới tâm hồn người Nhật với tất cả sự phong phú, đa dạng và phức tạp hiện lên rất rõ nét và tài năng văn chương của ông càng thêm được khẳng định.

H.V.L 
(SH315/05-15)


---------------------
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004, đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr364-365.
2. Haruki Murakami (2007), Bóng ma ở Lexingtơn, Nxb. Đà Nẵng, tr20-21.
3. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Nxb. Đà Nẵng, tr94.
4. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Sđd, tr197.
5. Haruki Murakami (2007), Bóng ma ở Lexingtơn, Sđd, tr288.
6. Haruki Murakami (2007), Người tivi, Sđd, tr258-259.
7. Haruki Murakami (2007), Người tivi, Sđd, tr258-259.
8. M.B.Khrapchencô (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Nxb. Tác phẩm mới (Lê Sơn, Nguyễn Minh dịch), Hà Nội, tr167-168.
9. H.Murakami (2006), Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, Sđd , tr121.
10. H.Murakami (2006), Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, Sđd , tr190.
11. H.Murakami (2006), Truyện ngắn Murakami, Nxb. Tổng hợp HCM, tr110.
12. Haruki Murakami (2007), Bóng ma ở Lexingtơn, Sđd, tr116.
13. Haruki Murakami (2007), Bóng ma ở Lexingtơn, Sđd, tr120.
14. Haruki Murakami (2007), Bóng ma ở Lexingtơn, Sđd, tr46.
15. Haruki Murakami (2007), Bóng ma ở Lexingtơn, Sđd, tr82.
16. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Sđd, tr37-38.
17. H.Murakami (2006), Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, Sđd , tr105-106.
18. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Sđd, tr292.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dan díu (21/05/2015)