Tạp chí Sông Hương - Số 315 (T.05-15)
Rải rác một góc nhân gian
10:10 | 27/05/2015

NGHIÊM LƯƠNG THÀNH

Đọc xong Những đứa con rải rác trên đường, cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hồ Anh Thái (Nxb. Trẻ 2014), thoạt đầu tôi có cảm giác trống vắng.

Rải rác một góc nhân gian
Ảnh: nxbtre.com.vn

Rồi nghĩ, có phải trong cuốn sách không có những tình tiết éo le, nỗi khổ đau, niềm bức bối... được khai thác và đẩy lên mức như văn học truyền thống? Nhưng rồi đã mấy ngày trôi qua mà nhiều nhân vật, nhiều sự việc cứ thoắt hiện thoắt biến, vấn vít trong đầu. Không nhẽ tác giả đã trộn một thứ cần sa nào đó vào trong chữ? Tại sao? Tôi không tự trả lời được và quyết định đọc lại. Đọc lại. Đọc cho ra nhẽ. Và tôi vỡ ra được nhiều điều, về cái mới trong thủ pháp, cái dân dã thời @ sơ khởi, cái căn thiện ngàn đời, cái giản đơn ý vị, cái cười khi vui nhộn lúc tái tê... Và trên hết, niềm tin đẹp đẽ vào con người được thể ra trong quá trình sáng tạo của nhà văn.

*

Trong Những đứa con rải rác trên đường, nếu ví von, có thể nói Anh Xe như một con đường lớn, xuyên suốt một giai đoạn lịch sử từ thời chiến tranh chống Mỹ cho tới những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt. Có đường lớn tất có đường nhánh. Các nhân vật khác là những khúc đường nhánh với những hoàn cảnh riêng và tự thân, chúng lại có những nhánh nhỏ hơn của mình. Một quan hệ nhân quả tương sinh tương tác tất yếu. Tác giả viết tổng phổ, còn Anh Xe/anh Công đoàn/ông Kễnh trong vai trò nhạc trưởng. Tác giả và nhạc trưởng là hai tầng sáng tạo phân định. Sự sáng tạo của nhạc trưởng vừa độc lập vừa có quan hệ của hạt giống với mảnh đất tư tưởng của tác giả. Có lẽ đấy chính là lời giải thích tại sao có hiện tượng chữ gọi chữ trong sáng tạo của nhà văn. Hồ Anh Thái tạo ra Anh Xe. Anh Xe, đến lượt mình, là nguồn cảm hứng để ông thả lòng trên bàn phím, sáng tạo tiếp ra toàn bộ tác phẩm.

Cuốn tiểu thuyết phản ảnh gần như đầy đủ các biến động xã hội trong thời kỳ này. Các biến động chiến tranh, tình trạng kinh tế đất nước đã kéo theo các biến động về văn hóa, tâm lý, sinh kế... và thái độ của người dân trước các nghĩa vụ và quyền lợi xã hội. Tương tác với chiến tranh, người dân chọn thái độ rắn, cái rắn của một dòng nước lớn; với môi sinh, họ chọn tương tác mềm, một tâm thế hiền hòa an nhịn. Vẫn là nước, nhưng gần như không chảy mà phó mặc, khuôn theo hình thế địa lý.

Cuốn tiểu thuyết được viết trên nền cái “gia đình lớn” của Anh Xe suốt chặng đường số mệnh đưa đẩy Anh Xe từ một chiến sĩ lái xe vô tư vui tươi thơm thảo, coi cái chết bằng vung đến anh Công đoàn vô thưởng vô phạt rồi lên vị thế ông Kễnh miệng thánh tâm chuột, một quý ông đạt tới trình độ “khôn ngoan và có giáo dục” với đầy đủ những toan tính tiểu thị dân đậm chất biến dịch thời thế. Gia đình của Anh Xe quả là lớn, rất lớn, lớn đến mức vô thực, thậm chí có vẻ tào lao, nhưng nếu xét trên thực tế, bằng cả cái nhìn duy lý và duy tâm thì lại không ảo chút nào, nó rất thực, thực không cần bàn cãi.

Ngày nào cũng đằng đẵng trên từng cây số đường chiến tranh khấp khểnh hố bom hũm đạn, phơi mình dưới chói chang pháo sáng, trong khói lửa pháo bầy bom chùm rốc két. Nghề nghiệp vất vả, sống chết may rủi khôn lường, các chiến sĩ lái xe thường được dân quý dân thương. Các cô gái là dân, cũng là quân, trai chưa vợ gái chưa chồng, họ đều là những con người, thử hỏi, các chàng lái xe dũng cảm và si tình có chống lại được trời?

Chiến tranh làm cho cuộc sống người dân trở nên sa sút và bấp bênh, vui ít buồn nhiều. Vậy mà chính trong cuộc chiến tàn khốc, sự sinh nở lại tăng lên rõ rệt. Điều này có vẻ như một nghịch lý, nhưng là sự thật. Trong suốt chiều dài lịch sử, bộ đôi chiến tranh - sinh nở đã tồn tại như một quy luật độc lập với ý chí con người. Giải thích điều này, các nhà sinh học cho rằng đó là bản năng tồn tại nòi giống của con người, nó trỗi dậy mãnh liệt mỗi khi phải đối mặt với những hoàn cảnh sinh tồn vô cùng khắc nghiệt. Các cụ ở quê, thiên về trực giác lương tri, thì bảo Giời xui khiến ra như thế/ Giàng muốn thế. Chiến tranh làm tổn thất về người, rất cần có lực lượng bổ sung chiến lược. Sau chiến tranh lại càng cần người cho công cuộc bảo vệ và tái thiết quốc gia. Thực tế, đến những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, trên đường làng ngõ xóm nước ta, hầu như đã vắng bóng nam thanh niên. Nam thanh niên quý hiếm đến độ người ta gọi họ là “mỳ chính cánh”.

Thế giới thật sặc sỡ. Có những quốc gia nhìn nhận sự nghèo đói là do lỗi ở thể chế và sự yếu kém của những người quản trị xã hội. Có học giả, sau khi nghiên cứu kỹ lịch sử loài người, đã khẳng định: trong những lúc khốn quẫn nhất, loài người bao giờ cũng tìm ra lối thoát. Thêm người thêm miệng ăn nhưng cũng thêm những bộ óc biết nghĩ, những đôi chân biết đi, những đôi tay biết lao động và cầm súng. Được mất, lẽ bù trừ muôn đời vẫn không đổi.

Vậy thì Anh Xe, một cá thể trong cái cộng đồng đang trải qua cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử ấy, đã hồn nhiên thực hiện cuộc quảng sinh như người mang trên vai một sứ mệnh cao cả, một sự ủy nhiệm tâm linh lớn lao nào đó. Chiến tranh là vậy, những người đàn ông còn sống phải đảm nhiệm tất cả phần việc của những người đã hy sinh. Thật vui khi đọc ở chương 24 phần Chuyến thu gom xuyên Việt, đoạn: Còn ông, một ông Kễnh, lâu nay ai cũng biết ông chỉ có một quý tử du học ở trời Âu, bây giờ lại hóa ra có ba mươi hai đứa con. Hai mươi lăm trai, bảy gái. Mười chín đứa đã và đang đi bộ đội, tham gia lực lượng vũ trang, công nhân quốc phòng. Năm đứa làm ăn tự do. Một ca sĩ. Số còn lại đang đi học. Khoảng non nửa có trình độ đại học cao đẳng. Khoảng một phần ba là công nhân viên chức. Những con số thống kê rất có thể sẽ chuyển hóa tội thành ra công. Công tội không rạch ròi có thể làm khó cho những người cầm cân nảy mực. Rõ ràng, những phân bổ tỷ lệ về tính chất nghề nghiệp, khu vực làm việc, trình độ học vấn... có vẻ khớp với những tỷ lệ phân bố nhân sự trong một xã hội bình thường. Điều thú vị: khó có thể nghĩ Anh Xe là kẻ phong lưu ong bướm trăng hoa, bừa phứa vô trách nhiệm; thậm chí, ngược lại, anh đã thực hiện xuất sắc ý của Giàng. Sự kỳ ảo ở đây được giấu kỹ phía sau những hoạt động quảng sinh thuận tình phối ngẫu rất thực của Anh Xe và những cô gái đây đó, không phải như có ai đó cho rằng, trong cuốn tiểu thuyết này, ngoài một chút xíu cái không khí lao xao ồn ã trêu chọc cãi vã đùa tếu của lũ con ông Kễnh trên cái xe bốn lăm chỗ khi trên xe mới chỉ có độc thằng Thoát Hồn đang nằm ngủ vùi ở hàng ghế cuối, ta không thấy cái chất kỳ ảo nó xuất hiện ở chỗ nào. Điều thú vị ở đây là tác giả đã tạo nên được một motif thực ảo bất phân trong cái bắt tay triết học xuề xòa vui tươi cùng thắng (win-win) giữa duy vật và duy tâm.

*

Thời chiến tranh, thường nghe câu: ra ngõ gặp anh hùng. Thực lòng, ngày ấy, tôi nghĩ đó chỉ là lời động viên mang tính tình thế và đượm màu khích lệ. Anh Xe chơi trò ú tim với máy bay Mỹ. Cô Giao liên thông minh lanh lợi phát hiện ra chân tướng của mấy thằng thám báo đóng giả bộ đội để lính ta kịp thời xử lý trước khi chúng kịp gọi pháo bầy hay máy bay ném bom. Bao lần cô đưa bộ đội tiếp cận an toàn vào trận địa phá đồn bốt địch, rồi khi những trận đánh thắng lợi, cô lặng lẽ trở về buôn, thản nhiên như mỗi lần cô lên nương tra hạt bắp, tra xong thì về nhà... Thời chiến, không ai tính đếm hết được những chiến công như vậy. Chỉ một chiến công như của cô giao liên thực ra có thể được phong anh hùng. Chiến công của chiến sĩ lái xe như anh (Xe) chỉ một đêm thôi cũng đáng được phong anh hùng. Nhưng tiêu chuẩn ấy mà phong thì phong cho tất thảy chiến sĩ lái xe ngày ấy. Phong tất thì cũng phải phong, đúng không nhỉ.

Anh Xe chơi trò ú tim với thần chết chỉ đơn giản để cứu hàng tiếp tế cho bộ đội đang thiếu thốn. Hình như tất cả các anh hùng đều đơn giản. Cái đơn giản trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy đã vô tình phô ra cái chất anh hùng lúc thường vẫn ẩn sâu trong ngực Anh Xe. Tác giả đánh giá: chỉ một đêm thôi cũng đáng được phong anh hùng. Nhưng Anh Xe đã lái xe cả nghìn đêm trên tuyến đường rừng Nam Bắc. Rồi còn biết bao chiến sĩ khác, biết bao người đã nằm rừng xuyên rừng cả hàng nghìn ngày. Và đến thời chúng ta đang sống, cứ lặng lẽ quan sát đi, đến lúc nào đó, ta sẽ chợt nhận ra anh hùng đất Việt là những con người mà chưa thế hệ nào có thể đếm xuể. Từ chiều sâu lịch sử, họ ở quanh ta, cạnh ta, hiền lành và bình dị, bình dị đến độ dường như tầm thường, đến nỗi khó mà cảm nhận được sự khác biệt giữa họ và ta. Và, từ đấy, hoàn toàn có thể giải thích được một niềm tin không gì lay chuyển được ở người Việt về sự trường tồn của dân tộc và đất nước mình.

*

Những người đàn bà của Anh Xe, giống như anh, dường như cũng nằm trong guồng quay của sứ mệnh quảng sinh lớn lao trong một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài. Có lẽ vì vậy, khi đọc Những đứa con rải rác trên đường, dù lâu nay vẫn quen nhìn nhận các loại quan hệ nam nữ theo cái nhìn văn hóa khắt khe truyền thống, khó ai thấy gợn lên một chút gì dung tục, đáng phê phán mà trái lại, họ đều là những cô gái đẹp, đáng yêu, đáng trọng. Họ làm điều ấy vì hồn nhiên khao khát tình yêu vì lòng thương xót trước những chàng trai khỏe mạnh, đẹp đẽ, dũng cảm, vô tư. Họ làm điều ấy vì cái xui khiến tâm linh vô hình vô ảnh mà bản thân họ và Anh Xe không hề ý thức được. Quảng sinh mà không loạn. Hãy đọc đoạn nói về cô Giao liên: Làng đang đói. Ngô khoai dự trữ đang kiệt dần trong ngày giáp hạt. Bắp non mới bắt đầu ra hoa trổ cờ chưa đóng hạt. Cô đeo súng đang đi bên đường thì một chiếc xe tải chở lương thực đi qua. Anh bộ đội ơi, cho em bao gạo. Gặp được anh lái xe rộng rãi không nguyên tắc. Cho luôn. Anh trèo lên thùng xe, ném xuống cho cô một bao. Rồi anh nhảy xuống đường. Khoan hãy đi em. Cho anh thơm em một cái. Cô che mặt, quay đi, chỉ chìa cho anh cái má. Hẹn gặp lại em nhé. Hẹn ngày chiến thắng. “Cho luôn” - câu hai chữ. Ở đây, xét về lý, chiến sĩ lái xe này quả là vô nguyên tắc. Nhưng sẽ không có ai phê phán mà ngược lại, còn nhận được sự đồng cảm, đồng cảm không bàn cãi, bởi họ rất biết và thừa hiểu một điều mà nghe có vẻ sáo: quân với dân như cá với nước. “Cho luôn”, câu nói có hai chữ của chàng lính khiến ta liên tưởng đến một cậu thiếu niên trong trẻo, rộng rãi, bất cẩn, bất cần mà ai cũng từng gặp nhiều lần ở bạn cùng chơi thuở thiếu thời. Cho anh thơm em một cái - Câu này, nếu nói trên đường phố văn minh, với một cô gái không quen biết, chàng bộ đội kia sẽ gặp tai họa. Nhưng, ở giữa nơi đồng rừng heo hút đói nghèo nhưng kiên cường này, cô giao liên đã lấy tay che mặt, quay đi, chỉ chìa cho anh cái má. Cô che mặt vì xấu hổ, vì không có tình với chàng lái xe chở gạo lạ lẫm. Cô chìa cho anh cái má bởi cô muốn cảm ơn bộ đội đã chia sẻ lương thực với đồng bào trong cơn giáp hạt, vì cô thương người chiến sĩ trẻ măng đó có lẽ đến lúc ấy vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Sex của sơn nữ “hoang dã” là thế.

Ai là người có thể bình thản khi đọc đến đoạn này: Cô sợi phíp (cô Xích Líp) nghe anh (Xe) huýt sáo thì cười khúc khích. Từ ngày hôm nay chỉ còn những tiếng ca. Chỉ có ca hát mà không được làm ăn thì biết sống sao đây anh ơi. Em ơi sao giọng bi thương vậy. Anh ơi, em không ăn cắp ăn trộm không làm điếm, em chỉ muốn làm ăn ngay thẳng, nhưng mà ngăn sông cấm chợ thế này em mang hàng đi đâu bán cũng bị bắt bị thộp em sống làm sao. Tiếng kêu xé ruột. Trời sinh ra người nữ da thịt mềm mại ấm áp dịu dàng là để tác thành, sinh nở, là để cho sự bú mớm, nuôi dưỡng, ấp ủ, chở che những mầm sống. Khi Anh Xe đưa cô về đến sân nhà, chỉ bằng vài câu, tác giả đã cho người đọc thấy sự thương yêu, tương kính của cặp vợ chồng cô Xích Líp này thế nào: Một người đàn ông ngồi trên xe lăn, tay vần bánh xe đi một đoạn ra đón cô. Anh ăn cơm chưa, anh chờ em làm chi, trời đất, đồ ăn cũ không nhai nổi phải không, em thì đi về làm chi có giờ giấc... cô nổi lửa nấu ăn. Chỉ một loáng đã xong. Trong cổ văn, nếu có Thúy Kiều bán mình cứu cha thì trong tân văn cũng có cô Xích Líp tần tảo nuôi chồng tàn tật. Trong những hoàn cảnh bị bức hiếp xô đẩy đến cụt đường sinh kế thì cũng sẵn sàng tay chống nạnh, thân này bà xẻ làm đôi đấy, nửa thí cho quan/nha nửa thờ chồng. Thân gái bồ liễu nghèo túng, bà mày ngán gì mà không “ba chìm bảy nổi với nước non” cho trọn nghĩa với chồng bà, trọn nghĩa cả với người đã vì bà mà xót lòng giúp rập. Ngồi trên ca bin, Anh Xe đưa tay sang sờ soạng nhưng chỗ nào cũng thấy những sắt với thép. Anh cà cuống lên vì sờ đến như thế mà không chạm được vào chỗ nào có thịt có da. Cô sợi phíp lại vẫn chỉ mỉm cười, cái cười thông cảm hơn là giễu cợt. Bồ tát đâu xa. Không nói, chứ không phải không biết.

Không mê gái thì làm sao quảng sinh. Đến đây, lại nhận ra một điều, Giàng đã cân nhắc chán chê trước khi tích hợp thêm file mê gái vào phần mềm thiên tính của Anh Xe khỏe mạnh đẹp trai tốt bụng. Giàng cũng dun dủi cho những cô gái hồn nhiên phác thực lành mạnh đến với anh. Những cuộc “thâm giao”, thậm chí chớp nhoáng, của Anh Xe với các cô gái đều là thứ thâm giao thuận tình. Rất dễ nhận ra cô Xích Líp “ba chìm bảy nổi với nước non” chỉ muốn có con với anh, bằng chứng là thằng Xích Líp. Mấy thằng thuế núp trong bụi rậm bên đường, mấy gã hải quan không từ cả việc lột đến cái xi líp cuối cùng của con gái nhà người ta đã là quá thừa thãi cho một xã hội, sẽ là tội ác nếu đẻ thêm cho chúng những đứa con. Cô Xuất khẩu cũng chỉ muốn có con với anh. Sang bên ấy cô sẽ đẻ cô sẽ nuôi. Cô kéo dài thời gian bên nhau suốt một đêm cho chắc. Chuyến đi này cô đi không chỉ mang theo quần bò áo phông kính râm giọt lệ. Cô sẽ mang theo giọt máu của anh.

Thì ra, trong cách nhìn về mối quan hệ giữa sex và tình yêu, giữa hai nhà văn phương đông Hồ Anh Thái và Haruki Murakami, ở một mức độ nào đó, dường như đã xảy ra một sự giao thoa. Hai nguồn phát đồng pha và cùng bước sóng. Các cô Aomame (tiểu thuyết 1Q84), Xích Líp và Xuất Khẩu có vẻ giống những cô gái đang đi trên những con đường khác nhau mà không hề biết, sớm muộn mặc lòng, họ sẽ kết chị em với nhau ở “thành Roma” cổ kính và huy hoàng.

*

Nhìn nhận về con người trong cuốn tiểu thuyết, ngoài ông Cốp chót vót mờ ảo và bà vợ ông Kễnh, người mắc một thứ bệnh thế kỷ không có khả năng lây nhiễm từ người sang vật, có thể nói họ đều là những người tốt. Người Việt tốt, người Úc tốt, người Hàn Quốc cũng tốt, tốt có căn có rễ, dù vị giáo sư người Úc từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam, cô y tá người Hàn Quốc đã hết lòng chăm bẵm vị giáo sư trong thời gian dưỡng thương, bởi, nghĩ cho cùng, thì họ cũng chỉ là nạn nhân bởi những trò chơi đồ hàng tư tưởng của người đời. Những con người Việt bình thường chưa bao giờ nói những lời cao cả mặc dù họ xứng đáng được nói như vậy. Việc này khiến họ càng trở nên lung linh trong ý nghĩ người đọc.

Thằng Quý tử lười học, chuyên chơi bời lêu lổng, chỉ biết dối dá để nã tiền bố nhưng, một cách tự nhiên, nó đã không bỏ mặc thầy giáo của mình trong hoạn nạn. Nó biết giá trị đích thực của con người Trăn (người giúp việc, một hiện thân mờ ảo của gã Thoát hồn) và đã cư xử với Trăn như người anh của mình. Đồng tiền không có mùi vị mồ hôi là đồng tiền vô hồn. Phải chăng những đồng tiền mà nó nã không thương tiếc từ ông Kễnh là những đồng tiền không có hồn? Vị giáo sư nó không thể bỏ mặc bởi, đơn giản, nó nghĩ nó không thể hành động như vậy. Nó kính trọng anh Trăn vì con người như anh phải được đối xử như thế. Nhưng tại sao “không thể”, tại sao lại “phải” thì nó không tự giải thích được. Không thể vì không thể. Phải, vì nhất định không khác được. Vậy thôi.

Gã Thoát hồn lấy cắp tiền của người khác, một hành vi không thể coi là đẹp. Nhưng khi vừa bán được mảnh đất, có tiền, nó liền lang thang tìm kiếm bằng được những nạn nhân của mình để trả lại tiền. Điều gì khiến gã Thoát hồn và thằng Quý tử làm được như vậy? Không còn cách trả lời nào khác: cái căn thiện vẫn bền bỉ tồn tại trong bản ngã của chúng. Trong một hoàn cảnh nhất định, chúng sẽ lại như nhiên phơi lộ.

Có phần đáng tiếc, cô Giao Liên và cô Xuất khẩu, sau bốn mươi năm, đã không còn giữ được tính trong trẻo như thời còn con gái. Cô Giao liên, đã đưa vào gia đình nhỏ của mình cái không khí của một thứ trại lính, con cái chỉ có một việc là tuân lệnh mà không được hồn nhiên tỏ rõ, hành động đúng những gì như chúng nghĩ, chúng muốn. Một câu Giàng muốn thế cũng đã quá đủ để khiến cho những quan niệm vị kỷ, lệch lạc, a dua nhất cũng phải giật mình tự xét, rồi sinh lòng yêu thương. Yêu người, thương mình. Cô đã tự đẩy chính mình và gia đình mình đến chỗ phải chịu hậu quả cho một đường lối tự cấp tự túc, cách ly với văn minh. Còn cô Xuất khẩu thì trở nên nhạy cảm thảng thốt một cách “chiều sâu văn hóa” chỉ vì những điều nhỏ nhặt bình thường. Khi mấy cô giúp việc sơ ý, quên chưa mặc áo cho con manơcanh khiến vú vê phô ra trắng nhợt, cô nhìn ra cửa và tru tréo gọi cô giúp việc. Con này hay nhỉ, mày để thế kia mà trông được à. Buồn. Bốn mươi năm, thời gian đủ dài, môi trường đủ hoạt hóa để những giáo lý đông tây cũ mới hỗn hợp lại, ngấm vào tận từng tế bào thần kinh của họ và đóng rắn.

Rốt cục sang hèn, lớn bé gì thì cũng không thoát được cái vòng kiếm ăn. Nếu chỉ đơn thuần như vậy thì cũng là điều tự nhiên. Giai đoạn sau của ông Kễnh, trách là trách ở cái sự điêu ngoa dối dá, mê làm Bồ Tát nhưng cũng vô cùng yêu quý bộ môn RTC mộc tồn ẩm thực.

*

Có nhiều thứ gây nghiện. Sách là một. Sách lịch sử cho biết về những biến cố, những sự kiện xã hội lớn. Nhưng muốn biết cụ thể về tính, trạng và lượng của những diễn biến văn hóa, tư tưởng, lối sống, thái độ yêu ghét, lý tưởng xã hội, trình độ quản trị nhà nước, sự đa dạng sinh kế của người dân... trong từng thời kỳ lịch sử, chỉ có một con đường: đọc sách văn học.

Sách văn học được giới văn bút coi là nên đọc thường lại khó được bình dân đón nhận. Vậy là giới này viết và tự đọc của nhau. Điều này được coi là có giá trị về học thuật, còn giá trị nhân sinh mặc nhiên là không được chở về miền đất sống đích thực của nó. Không biết có phải thuật ngữ tháp ngà là để dùng trong trường hợp này hay không, nhưng một điều có thể thấy rõ: với định niệm này, tính nhân văn tốt đẹp khó có thể lan truyền, thấm sâu vào nhân gian để góp phần tạo nên và bồi đắp cho những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cuộc sống của khối cộng đồng to lớn luôn mang trong mình cả ánh sáng lẫn bóng tối. Ngoại trừ mảng triết học, lý luận... sách văn nếu chỉ được lưu hành trong tháp ngà thì uổng quá. Tại sao? Bởi nó chỉ diễn ra với tư cách trao đổi giữa những người viết vốn cùng có năng lực tư duy. Chở củi về rừng không thể nói là việc không tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu củi được đưa về nơi đồng bằng lúa nước. Còn nhân gian? Nhân gian bận kiếm sống, bận tỏa sáng, bận sự nghiệp, bận thực hiện các nghĩa vụ với người thân và nhà nước... Nhân gian không có thì giờ để ngẫm suy theo bề sâu hoặc để cố hiểu một điều giản dị được nâng lên tầm “ý tại ngôn ngoại” ở dạng mức phải chế biến phức tạp trước khi tiêu hóa và hấp thụ. Mất thì giờ. Mệt. Nhân gian thuần phác nhìn cái áo đẹp thì lấy làm vui thích. Bảo cái áo đẹp làm nên đẳng cấp của người nghĩ ra kiểu dáng thì nhân gian hiểu, nhưng bảo cái áo làm nên đẳng cấp của người mặc thì không hiểu và cũng không bỏ công ra để hiểu. Đây là một mâu thuẫn lớn đã từng gây nên nhiều tranh luận trong lịch sử văn học. Văn học chở những điều tốt đẹp đến nhân gian và tác dụng nhân văn của điều này thì rõ như ánh trời. Bác học viết văn, nhân gian cũng làm văn. Văn của nhân gian và văn của bác học làm theo lối nhân gian thì nhân gian hiểu, thích và nhớ, hiệu ứng nhân văn phát huy hiệu quả, xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển.

Tiểu thuyết Những đứa con rải rác trên đường của Hồ Anh Thái là một cuốn sách làm theo lối nhân gian, có phổ độc giả tương đối rộng. Trong tháp ngà người ta mỉm cười, ngoài nhân gian người ta tìm đọc. Những thế hệ kế tiếp sẽ biết và hiểu được nhiều giá trị về thế hệ chúng ta sau khi đọc cuốn sách này. Họ sẽ chắt lọc những cái hay và tránh được những điều không đáng có từ cha anh để tiến về phía trước, như một vận động viên điền kinh được xuất phát trên một đường đua tiêu chuẩn (standard). Tất nhiên, tiêu chuẩn là chuỗi những giá trị phổ quát, chưa bao giờ là một quan niệm đóng và cứng.

N.L.T  
(SH315/05-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dan díu (21/05/2015)