Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-15)
Những cuốn lịch sử thơ Mỹ, phục hưng Harlem và hip hop như là Tân hình thức
15:12 | 06/07/2015

WILLIAM B NOSEWORTHY 

"Những cuốn Lịch Sử Thơ Mỹ” chỉ có bốn ấn bản chính đáng kể, được viết theo chủ đề trên.

Những cuốn lịch sử thơ Mỹ, phục hưng Harlem và hip hop như là Tân hình thức
Ảnh: internet

Kreymborg (1934) là người đầu tiên viết và cuốn Lịch Sử Thơ Mỹ được ấn hành rộng rãi, “Sức mạnh hát” (Our Singing Strength), dùng tựa đề một bài thơ của Robert Frost, [tuyển tập này] chú trọng chủ yếu đến thơ được viết tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Gregory & Zaturneska (1969) viết rằng họ chú tâm vào Lịch Sử Thơ Mỹ, nhưng trong văn bản chỉ nhắc đến [những tác phẩm vào] 1900 - 1940, một lần nữa, cũng lại đề cập tới những bài thơ được viết trong vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, với một phần riêng, “Những Nhà Thơ Mỹ Da Đen” (trang 387 - 398), dành cho thơ Phục Hưng Harlem, đặc biệt nhấn mạnh đến những tác phẩm nổi tiếng của Paul Lawrence Dunbar từ Ohio, một nhà thơ được biết đến rộng rãi như “Nhà Thơ Mỹ Gốc Phi Nổi Tiếng Đầu Tiên Trong Anh Ngữ.” Thơ của Dunbar đầy những vần nghiêng (slant rhyme: hơi vần), vần trong dòng thơ (internal rhyme) và cấu trúc thể luật chính thức. Ông là đồng nghiệp sớm nhất của James Weldon Johnson và Qilliam Stanley Brainwaithe, những nhà thơ Harlem Phục sinh đầu tiên (Gregory & Zatruneska 1969: 392). Một khuôn mặt khác cũng được Kreyborg đề cao, Claude McKay từ Jamaica, và kế đến là Langston Hughes, Countee Cullen, Sterling A. Brown và Margaret Walker. Tất cả những nhà thơ lãnh đạo Phục Hưng Harlem đều được công nhận trong tập [này], tuy nhiên thời kỳ lịch sử Phục Hưng Harlem lại không được nhắc đến.

Tuy Hồi giáo đã bắt rễ sâu xa sâu nơi những tác giả Mỹ gốc Phi, Stauffer (1974) có thể coi là đại diện đầu tiên viết cuốn Lịch Sử Thơ Mỹ, xử lý những tác phẩm của nhà thơ Mỹ gốc Phi [bằng cách] chọn lại một cái tên có ảnh hưởng Hồi giáo. Cuốn lịch sử của ông đã dành một mục cho LeRoi, hoặc Imamu Amiri Baraka. Đó cũng là cuốn “Lịch Sử Thơ Mỹ” sớm nhất đề cập đến Phục Hưng Harlem với đúng nghĩa của nó. Giới học giả Hoa Kỳ đã phải tốn 50 năm mới nhận ra tầm quan trọng của phong trào sáng tạo này. Stauffer (1974) vẫn dành một mục cho nhà thơ Mỹ gốc Phi đầu tiên, Paul Laurence Dunbar như là “Nhà thơ Thời Thoái Trào” (194 - 221), một mục cho John, McKay, và Hughes như những “Nhà thơ Mới” nhấn mạnh tới “khuynh hướng địa phương và ngôn ngữ” (221 - 256). Nhưng sau đó, Stauffer làm nổi bật những nhà thơ đồng thời với Baraka, “Những Nhà Thơ Da Đen”, như Conrad Kent Rivers, Dudley Randal,  Raymond  Patterson, James Emanuel, Sonia Sanchez, Nikki Giovanni, và Keorapetse Kgositsile, hầu hết trưởng thành vào những năm đầu phong trào dân quyền, thế kỷ 20, và đặc biệt, họ cố gắng tích cực phục hồi lại xã hội Hoa Kỳ, bằng cách nói lên sự thật một cách mạnh mẽ qua thơ, mặc dù sự thịnh hành của “thơ tự do” vào giữa thế kỷ 20 đã hạ thấp vị thế của thể thơ và vần.

Qua việc ấn hành cuốn Lịch Sử Thơ Mỹ Columbia (Parini & Miller 1993), những tác phẩm đầu tiên của những nhà thơ Mỹ - Phi nổi danh dần dần được công nhận một cách rộng rãi. Bây giờ, thơ “Phục Hưng Harlem” đã có những tiêu đề riêng (pp. 477-506), như “Nhà Thơ Da Đen” (pp. 707 - 728) và “Thơ Người Mỹ Bản Địa” (pp. 728 - 750). Theo tập này thì ý tưởng “Phục Hưng Harlem” là một thực trạng lịch sử xã hội, rõ ràng vẫn còn trong vòng thắc mắc vào thời điểm 1993, và cho dù Hip Hop và nhạc Rap đã phổ biến trong dòng chính, thơ diễn đọc (spoken-word poetry) đương đại đã không được đề cập trong tập này. [Tập sách] dành nhiều sự quan tâm cho Amiri Baraka, cũng như cho bất cứ ai trong những nhà thơ Mỹ ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, sự liên đới giữa xu hướng Nghệ Thuật Đen (Black Arts) của những năm 1960 và 1970 và phong trào Hip Hop mới khởi nguồn tại Bronx, thành phố New York vào những năm 1970, đã hầu như hoàn toàn vắng bóng. Nói một cách khác, tập sách này đã bỏ qua loại thơ diễn đọc phổ biến nhất vào thời gian nó được ấn hành.

Qua tác phẩm của nhạc sĩ chơi nhạc cho khán giả nhảy, nhà hoạt động, và những nghệ sĩ Hip Hop, Afrika Bambatta nêu bật sự quan trọng mang tính xã hội ban đầu của những nghệ sĩ Hip Hop, như những thành viên băng nhóm hoàn lương, đã đem thanh thiếu niên đến nơi trình diễn nghệ thuật trong các khu phố nội thành. Nhưng những ca từ của ông (Afrika Bambatta) cũng nêu bật xu hướng quan trọng: sự trở lại của thể thơ bán chính thức và tầm quan trọng của vần. Những tổ chức xã hội “Nước Đạo Hồi của Người Gốc Phi” (Afro-centric Nation of Islam) và “Nước của những Cha và Mẹ” (Nation of Gods and Earths (còn gọi tắt là 5% Nation) đã phổ biến trong những khu phố nội thành Hoa Kỳ, nhất là vào những năm 1950 và 1960 trở lại. Vì thế, chỉ là vấn đề thời gian trước khi thơ trình diễn phổ biến đính hôn với tiếng nói của Hồi giáo, Hip Hop, và sự nhận thức xã hội. Tiêu biểu là những nghệ sĩ, những nhà hoạt động, và những nhà thơ như Ali Shaheed Mohammed, Q-Tip, Ice Cube, Phife Dawg, Busta Rhymes, Talib Kweli và Mos Def (giờ là: Yasiin Bey), trong lập luận của họ, sự tái thức tỉnh của nhận thức xã hội là đặc tính của Phục Hưng Harlem và phong trào Nghệ Thuật Đen trong thể loại thơ mới, nói lên tiếng nói của sự thật với mọi con người trên thế giới. Trong khi sự kỳ thị của đạo Cơ Đốc Mỹ gốc Anh đã chủ động dẫm nát sự ảnh hưởng khởi nguồn từ phong tục Hồi giáo và Ả Rập, qua những thể thơ và hình thức thơ, suốt thế kỷ 20, cho đến thập niên 1990 và 2000 [sự kỳ thị] này mới không còn tồn tại.

Khế Iêm nhắc nhở chúng ta rằng tiếng Việt và tiếng Anh vốn là ngôn ngữ đơn âm, và mãi sau này tiếng Anh mới trở thành ngôn ngữ đa âm, khi ảnh hưởng từ vựng từ Hy Lạp và La Mã, được giới thiệu và chọn lọc qua những ngôn ngữ gốc La Tinh. Tương tự như vậy, bản chất vần mà thơ Tân hình thức tuân giữ, đã đến, không phải từ các ngôn ngữ gốc La Tinh [vốn] coi trọng thơ vần, mà từ tiếng Ả Rập, lần đầu tiên giới thiệu vần và thơ thể luật qua kinh Koran. Mos Def nhấn mạnh bản chất thơ thể luật và vần của kinh Koran trong một cuộc phỏng vấn với học giả H. Samy Alim, và ở San Francisco, nghệ sĩ rap Bigga Figga cũng nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa những cấu trúc ca từ của Hip Hop và “chủ ý sư phạm” của kinh Koran, trong đó vai trò của thơ thể luật và vần được sử dụng để “tiếp cận trái tim và khối óc nhân loại” (Samy Alim 2005: 264 - 268). Vì vậy, Hip Hop có phải là Tân hình thức không? Là thơ Tự do? Hay đều không phải cả hai? Có phải những nhà thơ Tân hình thức tự xác định, nhận Hip Hop như người thừa kế thực sự của những truyền thống thơ Mỹ?

Các câu hỏi đặt ra ở trên phải thừa nhận là khiêu khích. Viết lách với một động lực để tìm ra sự thật thường là thế. Ý tưởng rõ ràng mời gọi phê bình. Ví dụ, Khế Iêm cho rằng [thơ] Tân hình thức là phương tiện “bác cầu” xu thế xuất bản của Việt Nam và Hoa Kỳ, trong khi Linh Đinh chỉ trích Khế Iêm quá chú trọng [một cách] “nguy hiểm” vào Tân hình thức. Tôi không cho là như thế, chúng ta phải hiểu rằng có một số lượng đáng kể các tác giả Việt - Mỹ, Hao Phan, Đinh Linh và nhiều người khác, hết lòng chấp nhận “Thế Hệ Beat” - như sự nhấn mạnh vào “Thơ tự do”. Tôi cũng lập luận rằng, trong nhiều cuộc thảo luận học thuật về thơ Tân hình thức như một thể loại thơ, đã có sự thiếu hiểu biết chung về tính phức tạp về lịch sử xã hội trong truyền thống thơ Mỹ, nhiều điều ấy đã được các học giả văn học Việt - Mỹ đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, đó không đúng với Tân hình thức vì cấu trúc vần của thơ Tân hình thức không chỉ mắc nợ từ nguồn thơ Ả Rập mà còn từ các nguồn khác. Chúng ta nhớ rằng có đến một phần ba của những người nô lệ châu Phi, trong đó có một số sheikh (lãnh tụ tôn giáo), những trí thức Hồi giáo đã được đưa sang Hoa Kỳ thông qua việc buôn bán nô lệ. Hai chất lượng thẩm mỹ chủ yếu từ những bài hát bè (một người hát và toán đồng ca lập lại), và những bài thánh ca, được phổ biến trong văn hóa người Mỹ gốc Phi thế kỷ 19, là phương tiện dùng để tái tỉnh thức của Hồi giáo tại Hoa Kỳ, bởi vì họ muốn bảo tồn chất lượng âm nhạc chính thức trong thơ. Mặc dù hầu hết các nô lệ người Mỹ gốc Phi đã buộc phải theo Cơ Đốc giáo và phải chọn những tên Thánh bằng tiếng Tây vào thế kỷ 19, những điều kiện lịch sử xã hội này là nền tảng cho sự tái thức tỉnh của người Hồi giáo Mỹ gốc Phi vào thế kỷ 20.

Mặc dù ảnh hưởng của văn hóa Hip Hop trên thi pháp đương đại Việt ít, nhưng vẫn có. Nhà thơ tự do Việt - Mỹ Bảo Phi được mời tham gia trong chương trình “Poetry Slam” vào những năm 2000, và chúng ta thấy [tác phẩm] Hip Hop đầu tiên được sản xuất bằng tiếng Việt và tại Việt Nam. Ở Wisconsin, các tác phẩm của cố thi sĩ Việt - Mỹ Johnny “Việt Nam” Nguyễn đang dần bị lãng quên một cách buồn bã chỉ trong một vài năm ngắn ngủi sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khả năng của các thế hệ nối tiếp của các nhà thơ Mỹ, ở bất kỳ truyền thống nào, sẽ không có những hạt giống từ ảnh hưởng của các nhà thơ Việt - Mỹ, các nhà thơ Ả Rập, và các nhà thơ người Mỹ gốc Phi đã gieo trong họ.

Trần Vũ Liên Tâm dịch
(Nguyên tác: Histories of American Poetry, the Harlem Renaissance and Hip Hop as New Formalism, by William B Noseworthy).
(SDB17/06-15)






 

Các bài mới
Hỏa tâm (24/07/2015)
Đời tóc (10/07/2015)
Các bài đã đăng
Dài cho mãi sau (02/07/2015)