Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-15)
Thái Ngọc San, chàng thi sĩ của sự khước từ
08:11 | 22/07/2015

NGUYỄN MIÊN THẢO  

Mới đó mà tròn mười năm ngày mất của Thái Ngọc San, bạn bè vẫn nghĩ anh làm một chuyến đi đâu đó, rồi về. Riêng tôi mỗi chuyến về Huế, vẫn mường tượng anh loanh quanh đâu đó trên các con đường đã trở thành máu thịt với anh, dáng lêu khêu, lêu khêu...

Thái Ngọc San, chàng thi sĩ của sự khước từ
Nhà thơ Thái Ngọc San - Ảnh tư liệu

Mười năm, vâng mới đó mà đã mười năm. Một đoạn đường không dài mà cũng không ngắn lắm, đủ để cho ta có thời gian, đủ tỉnh táo và khách quan để nhìn lại một con người mà khi anh nằm xuống có biết bao bài báo, bạn bè đã viết về anh với những mỹ từ sang trọng nhất như nhân văn và cương trực, cái tên của lòng nhân hậu và khí phách. Có bạn bè nói về anh dễ hiểu hơn, Thái Ngọc San một con người tốt nhất, dễ thương nhất, quyết liệt nhất và cũng vô hại nhất của Huế. Một thế hệ vàng nhân cách, tài năng của Huế cứ thưa dần... Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ...

Khi Thái Ngọc San ra đi, lượng bài và báo chí viết về anh khá nhiều, khắp cả nước, nhiều bạn bè ở nước ngoài viết về anh với nỗi tiếc thương vì bao năm chưa gặp lại. Mỗi người một kiểu nhưng tất cả là thương tiếc nhân cách và tài năng của anh. Và cả mười năm sau, đến bây giờ tôi theo dõi, vẫn không có một bài báo, một lời khinh bạc đối với anh.

Năm 2005, mấy tháng sau anh mất, tôi nghe trên đài nước ngoài trong chuyên mục văn chương Việt Nam một chương trình văn nghệ với chủ đề mùa thu Hà Nội, phát bản nhac Mùa thu Hà Nội của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bài thơ viết về Hà Nội của Thái Ngọc San. Tôi thấy có một niềm vui len vào tâm hồn mình và cảm thấy nhẹ lòng, thì ra giá trị của thi ca nói riêng và văn học nói chung đã vượt qua mọi thành kiến, khuôn mẫu.

Nhắc tới thi sĩ Thái Ngọc San tôi muốn nói tới hai điều, một là tình bằng hữu, hai là diện mạo văn học của anh dần định hình sau mười năm nhìn lại. Nhà văn Trần Thùy Mai đã viết: “Sự nghiệp thật sự của anh là làm một Người Tốt. Là luôn sống, để cho đi, sống vì người khác, sống với tất cả năng lượng của dũng khí và lòng thương yêu con người.” Và thật sự tình bằng hữu là một phần đời sống của anh. Anh luôn trải lòng mình ra, là chiếc cầu nối cho bạn bè tìm đến với nhau. Và với anh, trên đời này, cái quý nhất là tình bè bạn.

Tôi vẫn nhớ bạn bè tôi/ Dù mỗi thằng đi mỗi hướng/ Và tôi vẫn tin rằng/ Không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm. (Về những con đường khô cây).

Với bề dày sáng tác của anh, thoạt nhìn Thái Ngọc San là thi sĩ của khát vọng và tình ca, nhưng nếu nhìn rộng hơn một chút về cuộc sống phong trần, lang bạc kỳ hồ của anh cộng hưởng những sáng tác sau mỗi chặng đường chúng ta có một chân dung rõ nét hơn: Đó là chàng thi sĩ của sự khước từ!

Ít ai biết, thuở nhỏ Thái Ngọc San ở trong một dòng tu gần hết tuổi thiếu thời. Anh bỏ tu ra đời như một Goldmund của Herman Hersse; sống lang thang và làm thơ. Bài thơ Sông và tôi đăng trên Văn Học năm 1965, anh băn khoăn tự hỏi mình:

sông trôi về đâu hỡi sông
sao sông không là ta sao ta không là sông
có phải cuối đường sông trôi về biển
có phải cuối đời ta trôi về hư không


Cũng vào giữa thập niên 1960, anh bị động viên, anh đi qua nhiều sắc lính và nhiều lần đào ngũ, bị đày đến những chiến trường ác liệt. Có lần anh về phép với nửa khuôn mặt bị nám đen vì thuốc nổ, anh đến tận tòa soạn báo Văn gửi một một chùm thơ, anh Trần Phong Giao gửi liền cho San một số tiền nhuận bút, đây là nhuận bút trả cho thơ đầu tiên mà tôi biết. Khoảng cuối năm 1970 đang làm thư ký tòa soạn cho tạp chí Ý Thức ở Sài Gòn, anh bỏ về Huế tham gia phong trào SVHS đấu tranh đô thị miền Nam, rồi nhảy núi và rồi bỏ lại nửa chừng...

Tôi sẽ trở về, tôi sẽ trở về/ Như một ngôi sao không tên lặng lẽ...
Tôi sẽ trở về như đứa con trở về với mẹ/ Sự chuyển lưu trong tôi là sữa của dòng sông xanh/ Là những lớp rêu trên thành quách cũ chồng chất theo thời gian/ Những bông hoa đến mùa hẹn nở/ Đến kỳ suy tàn/ Và tái sinh/ Cùng với những gì đã sinh ra với nó.
(Tôi sẽ trở về).

Nghịch lý chăng, khước từ để trở về. Trở về với đôi cánh và bầu trời rộng hơn, khát khao với tự do và sự khoáng đạt hơn, về với chính mình. Đó là bản chất của người nghệ sĩ.

Trong thập niên 1980, anh dán bài thơ trên bàn làm việc để tự dặn mình:

Hãy bước đi thẳng đầu gối/ Sòng phẳng với mọi người/ Việc gì phải sợ hãi!
 

Và hãy nghe anh tâm sự với con:

Khi con ra đời/ Cha nhìn thấy một thế giới khác mở cửa
Thế hệ ba mẹ rồi sẽ qua đi/ Như những vách tường cũ/ Con sẽ làm lại căn nhà mới/ Từ nền móng ba mẹ đã xây/ Có thể là một căn nhà kiểu khác/ Con sẽ bắt đầu lại từ đầu/ Với tất cả tình yêu bốc cháy.
(Bài thơ tặng con).

Thi sĩ Thái Ngọc San, con người của sự khước từ, vẫn nhìn cuộc đời hết sức tỉnh táo:

Có gì tan tác tựa phù vân.

N.M.T  
(SDB17/06-15)





 

Các bài mới
Hỏa tâm (24/07/2015)
Các bài đã đăng
Đời tóc (10/07/2015)