Tạp chí Sông Hương - Số 317 (T.07-15)
Từ ngày Thất thủ Kinh đô...
08:44 | 10/07/2015

KỶ NIỆM 130 CHÍNH BIẾN THẤT THỦ KINH ĐÔ (23/5 ẤT DẬU 1885 - 23/5 ẤT MÙI 2015)

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Huế, trong lịch sử từng là vùng đất đóng vai trò một trung tâm chính trị - văn hóa, từng gánh chịu nhiều vết thương của nạn binh đao. Chính biến Thất thủ Kinh đô 23/5, vết thương lịch sử ấy ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ người dân Cố đô.

Từ ngày Thất thủ Kinh đô...
Ảnh: Lê Vũ Trường Giang

Nhiều năm sau, biến cố kinh hoàng đó vẫn được nhắc lại, truyền tụng, lan tỏa trong dân gian, trong các tác phẩm văn học giàu lòng trắc ẩn. Vè Thất thủ Kinh đô - sản phẩm truyền miệng đến nay, tồn tại dưới nhiều dị bản nhưng thống nhất ở thái độ kháng Pháp của quan quân nhà Nguyễn và nỗi đau thương của dân chúng. Nhà nghiên cứu Huế Võ Hương An trong bài viết Mấy lần thất thủ kinh đô (2005) đã nhớ đến ngày Thất thủ Kinh đô qua bài vè được một người phụ nữ nghèo khổ tên là mụ Mì ngày ngày lang thang khắp chốn kinh thành để kiếm vài xu sống qua ngày, kể lại: “Mệ ngoại tôi và mạ tôi thuộc lòng nhiều đoạn của bài vè, vậy mà mỗi lần nghe mụ Mì gõ cặp sanh cầm nhịp và cất tiếng khàn khàn kể chuyện kinh đô khói lửa, vẫn không cầm được nước mắt”.

Vè Thất thủ Kinh đô miêu tả cuộc tấn công của quân Pháp:    

“Súng Tây nó nổ đì đùng
Hai bên phường điếm hãi hùng kêu la
Người chui bụi, kẻ vọt ao
Người lòn xuống cống, lao xao canh chầy”


Dân chúng khiếp đảm trước hỏa lực của giặc, tìm đường thoát thân để khỏi dính nạn binh đao. Bài vè dùng nhiều từ “chui”, “vọt”, “lòn” để diễn tả muôn cách thoát thân của dân chúng khỏi vạ vào binh đao.

Tất cả ở trong kinh thành và chỉ có thể thoát ra được bằng các cửa thành, lúc này đang bị quân Pháp dần chiếm, tình cảnh đó giống như:

“Lao xao như cá trong đìa
Tránh sao cho khỏi súng lia vào mình…”


Vào được thành, quân Pháp đốt nhà cửa, phố xá để vây khốn quân, dân ta:

Đốt từ chợ nội đốt đi
Hai bên thiên hạ vậy thì than van
Hãy còn của cải bạc vàng
Nửa thời mất mát nửa tàn ra tro


Cảnh tượng dân chúng già trẻ lớn bé hốt hoảng chạy loạn giữa khói lửa mịt mù, tên bay đạn lạc, sự sống trở nên mong manh.

“Lô nhô trẻ dìu già, ông nách cháu, chân còn đi, đầu chốc lìa vai!
Lao nhao con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt, xương đà chất đống!
Oan uổng quá mấy ông trên võng, thình lình sét đánh, sống chẳng trọn đời.
Tội tình thay lũ bé trong nôi, cắc cớ sao sa, chết đà trắng bụng.”

             (Văn tế cô hồn ngày 23/5 ở kinh thành Huế của cụ Phan Bội Châu).

Quân Pháp đã gây ra tội ác tày trời, tàn sát nhiều dân lành trong cuộc chiến. Cụ Phan đã nói đến những cái chết đầy tai ương: “đầu chốc lìa vai”, “xương đà chất đống”, “sống chẳng trọn đời”, “chết đà trắng bụng”... Bất kể, già hay bé, quan hay dân đều chết thê thảm. Sau này, khi đào mộ cải táng những nạn nhân trong cuộc thảm sát để mang lên Ba Đồn, người ta thấy có mũ mão, bài ngà của quan lại, và cả xác ngựa chết nạn. Cụ Phan tế rằng: “Thương mấy cụ khiên sơn nón dấy, nặng nợ cơm vua áo chúa, được da ngựa bọc thây mới sướng, trách vì sao tử bất thành danh”. Cái sự “tử bất thành danh” ấy âu cũng là số phận chung của hàng ngàn người chết nạn trong ngày Thất thủ Kinh đô.

Có thể nhắc đến tác phẩm Huế 1885 của nhà văn Thái Vũ, tường thuật lại cảnh tang thương của Huế vào ngày ấy. Trước hết là cuộc bắn giết không thương tiếc: “Chúng bắn xối xả, bắn vào những người đang chạy về phía chúng, quần nhau với chúng. Bắn vào những người đang chạy tỏa khắp nơi. Bắn vào đám đàn bà con trẻ đang hoảng hốt kêu khóc. Bắn vào những người đã chết. Nhà cháy. Cây cối sụp đổ…(Trang 318). Cuộc thảm sát đã dẫn đến hậu quả: “Xác người chết rải khắp đường khắp ngõ. Xác gục bên hồ, ngổn ngang bên bãi cỏ. Hầu như không nhà nào không có người chết. Cả Thành Nội đúng là một chiến địa… (Trang 328 & 335)”.

*

Từ ngày Thất thủ Kinh đô,
Bốn phương xiêu vẹo Hán Hồ khổ thay…


Người dân Huế đã tổ chức lễ tế Âm hồn, cô hồn, tưởng niệm chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong trong chính biến Thất thủ Kinh đô. Trong cuộc phản công phủ đầu quân đội Pháp tại kinh thành Huế, quan quân nhà Nguyễn dưới sự lãnh đạo của phe chủ chiến, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, đã chiến đấu rất ngoan cường, gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp. Khi địch quân tràn vào thành, các đội quân Đoàn Kiệt, Phấn Nghĩa, lực lượng cấm quân, hộ thành đã ra sức chống trả, bảo vệ triều đình và dân chúng. Sự thua thiệt về vũ khí và chiến thuật đã khiến các đội binh hy sinh rất nhiều. Nhiều tấm gương tướng sĩ nhà Nguyễn chiến đấu dũng cảm, cầm chân quân xâm lược ở các cửa thành; nhiều người bỏ mạng để đoàn xa giá xuất cung được an toàn ra Quảng Trị. Dân chúng nửa đêm nghe hỏa pháo nổ tứ tung, khói lửa ngập trời, hết thảy đều khiếp sợ dìu dắt nhau chạy loạn, dẫn đến kết cục đau thương cho hàng ngàn người.

Việc lập đàn tế các âm hồn tử nạn trong biến cố này là một nét văn hóa đặc trưng của người Huế. Lễ vật cúng ngày Thất thủ kinh đô bày biện tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình, làng xóm nhưng tối thiểu phải có những lễ vật như hoa quả, cau trầu rượu chè, cháo thánh, cơm nắm, khoai, sắn, ngô, gạo muối, nhang trầm, hột nổ, áo binh, giấy tiền vàng bạc. Đặc biệt trong lễ cúng này, từ gia đình cho đến tập thể, phải nhớ có một thau lớn nước hoặc một thùng nước chè đầy và đốt một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ cúng. Người cúng tin rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm, vì nhiều người trong biến cố đã chết khát, chết thiêu và chết đuối lạnh lẽo dưới sông, hồ trong kinh thành.

Bài Văn tế Âm hồn Thất thủ kinh đô (23/5, Ất Dậu) của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, có đoạn về các lễ vật rất cụ thể như sau:

“Bát cháo thánh hầu ấm thân cô độc, trên đường xa mù mịt bốn phương,
Tấm áo binh đỡ lạnh gót lạc loài, giữa lối thẳm âm u chín suối.
Nước chè nhạt cũng tình quyến luyến, khát vơi dần miệng kẻ thác oan,
Củ khoai cằn ấy nghĩa thân quen, no đôi chút bụng người chết mới.
Bông chuối cau trầu đủ thứ, lỡ khi cùng không thiếu vật tùy thân, Giấy tiền vàng bạc sót chi, gặp lúc ngặt có thừa đồ trao đổi.
Tội sớm tha, công thưởng lớn, nguyện cầu vía yên hàn vượt thoát, đêm âm ty ám ám lưới sương giăng,
Oan thì giải, nghiệp trả dần, cầu khấn hồn thanh thản ra đi, chiều dương thế mù mù luồng khói nổi.
Đốt nén nhang ngan ngát, mặc ngậm ngùi xin chớ ngó lui, Vẫy chén rượu thơm tho, dù ấm ức hãy mau bước tới.
Tâm thành lễ bạc, bàn phẩm vật trên dưới sơ sài,
Ngôn thiểu ý đa, câu ai điếu ngắn dài vụng dại”.


Trên bước đường tha phương, những âm hồn không nơi nương tựa được dân chúng dâng cúng lễ vật, với tấm lòng thành chia ngọt sẻ bùi, chua xót trước cơn can qua. Lễ vật giản dị, mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Bát cháo thánh: “ấm thân cô độc”, tấm áo binh: “đỡ lạnh gót lạc loài”, nước chè nhạt: “khát vơi dần miệng kẻ thác oan”, củ khoai: “no đôi chút bụng”… Tất cả mang lại sự gần gũi, tình thương của người sống cho những âm hồn thác oan nơi chín suối. Cụ Phan Bội Châu trong Văn tế cô hồn ngày 23/5 ở kinh thành Huế cũng nói lên tinh thần đó:

“Sơ khác gì thân
Này hương, hoa, vàng, giấy, xôi, rượu
Gọi chút rằng:
Xin nếm lấy hơi
Xin nếm lấy lòng
Nghĩa đồng chủng đồng bào Thác xem như sống
Hỡi sinh linh các đấng Phù trợ cho Tổ quốc trường tồn. Ai tai, thượng hưởng!”


Người cúng quan niệm: “Sơ khác gì thân”, đây tấm lòng thành kính, biết ơn người dân Huế đối với các chiến sĩ bỏ thân vì Tổ quốc, xót thương đến đồng bào nạn vong trong chính biến Thất thủ Kinh đô, là “nghĩa đồng chủng đồng bào”. Tất cả dành lễ vật một lòng hướng đến vong hồn được thượng hưởng, bù đắp những mất mát tai ương và dành tất cả lời nguyện cầu siêu thoát.

Thế nên từ những tư gia trong nội thành cho đến những vùng quê xa xôi như Hương Trà, Phong Điền, Phú Lộc... đều có mâm cúng ngày 23/5. Mỗi xóm, mỗi khu phố cũng có lễ cúng chung, từ ngày xưa nhiều xóm, làng ngoại thành và nội thành của Huế còn lập miếu Âm hồn, tiêu biểu như miếu Âm hồn ở ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tông còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhiều địa phương còn hình thành những tập thể gọi là “Phổ Hăm ba tháng Năm”, hàng năm đóng góp tiên bạc để tổ chức lễ cúng cô hồn một cách trọng thể. Hình thức “phổ” này không đâu trên đất nước Việt Nam tồn tại được như Huế, chỉ để dành cho việc làm lễ kỵ tập thể rất long trọng, thành kính. Từ mồng Mười cho đến hết tháng 5, khắp Huế đâu đâu cũng có những bàn lễ bày biện, nhang khói xông thơm, vàng mã cúng đốt âm hồn.

Ngoài tư gia, xóm làng, triều đình cũng tham gia vào việc tưởng niệm các nạn nhân thất thủ. 9 năm sau biến cố, vua Thành Thái, một vị vua có tinh thần yêu nước và kháng Pháp, triều đình Huế mới chính thức lập Đàn Âm Hồn vào năm 1894, tọa lạc tại phường Huệ An gần cửa Nhà Đồ để tế lễ hằng năm. Việc tế lễ do Ty Lý Thiện phụ trách và quan Đề đốc Hộ thành đứng làm chủ lễ. Từ đó, lễ cúng âm hồn được nâng lên gọi là lễ tế Âm hồn Thất thủ Kinh đô, bữa quảy cơm chung hay còn gọi là Lễ Truy niệm Chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong năm Ất Dậu. Nhiều tư gia sau khi cúng có hình thức phóng sinh các loài chim, cá... để hồi hướng cho các nạn nhân xấu số. Một số làng xóm còn mời sư về làm đàn chẩn tế, trì tụng trang nghiêm.

Đàn Âm Hồn nay đã được quy hoạch, khoanh vùng và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày xưa, sau kỳ lễ tế, vào ngày 12 tháng 6 âm lịch có tục đi chạp mộ tập thể những người tử nạn trong ngày Thất thủ Kinh đô ở cồn mồ Ba Đồn. Đến nay, gần như tục đi chạp này không còn duy trì thường xuyên nữa.

Thất thủ Kinh đô năm 1885 là một minh chứng rõ nhất về đau thương, mất mát của Huế, minh chứng cho số phận một kinh đô trong lịch sử. Không đâu trên đất nước Việt Nam có ngày cúng 23/5, để nhang khói phủ khắp kinh thành. Huế cổ kính mà u buồn vì những kí ức khó thể xóa nhòa. Xin mượn câu văn tế của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vĩnh Ba để thắp nén tâm hương trước những vong linh của đại nạn đã qua 130 năm của Huế:

“Hơn thế kỷ trôi qua trước mắt, anh linh thiên cổ còn đây,
Mấy bi thương chất kín trong lòng, hương hỏa tứ thời ngát mãi”.


T.G  
(SH317/07-15)


 

 

Các bài mới
Nhớ Huế (26/07/2015)