Tạp chí Sông Hương - Số 317 (T.07-15)
Thầy Tư Lữ, huyền sử đất Phương Nam
08:49 | 21/07/2015

LGT: Trần Bảo Định là một “tác giả mới”, từng là cựu sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, năm 2014, tròn 70 tuổi, mới công bố tập truyện ngắn đầu tay Kiếp Ba Khía (Nxb. Văn hóa văn nghệ) với giọng điệu Nam Bộ khá độc đáo, nên sách vừa in ra đã bán hết.

Thầy Tư Lữ, huyền sử đất Phương Nam
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Truyện “Thầy Tư Lữ…” lại độc đáo ở một khía cạnh khác. Tôi đọc truyện, có cảm tưởng như được sống ở một thế giới khác lạ, dù nhân vật chính là Nguyễn Lữ, một tên tuổi có trong sử sách, gắn với thời Nguyễn Huệ - Quang Trung, nên cứ nửa tin nửa ngờ. Thì ra tác giả dựa vào sự kiện “chính sử” một phần, còn đa phần dựa vào dân gian, lời kể của những cụ ông lớn tuổi. Chính vậy truyện có nhiều chi tiết “rất lạ” và hấp dẫn.
Nguyễn Khắc Phê (giới thiệu)



TRẦN BẢO ĐỊNH

1.

Mưa cầm chĩnh cầm đổ che khuất lưng núi Cấm. Thầy Lá Cỏ cùng đệ tử, cầm que củi khều than cho lửa bùng lên hong ấm cái am. Cả hai im lặng. Ngoài trời, mưa vẫn mưa cầm chĩnh cầm đổ.

- Thưa thầy! Đêm nay, lòng con sao buồn quá!

Ánh lửa nhảy nhót, xô bóng thầy trò chập chờn ôm nhau trên vách am.

- Mô Phật! Tâm con còn vọng động, chưa buông được quá khứ.

*

- Nầy, chú nhỏ! Sắp tối, sao không về nhà, đứng đây khóc?

Rồi thầy Tư Lữ hiểu ra mọi lẽ, thằng nhỏ người Sê-Đăng nầy còn nhà đâu mà về? Quan quân họ Trương đã đốt và bắt cha mẹ đi biệt dạng. Rừng chiều đỏ ối. Đâu đó, tiếng cọp bụng đói gầm gừ, chực chờ ngoạm mồi đêm.

- Chú nhỏ, theo ta!

Thầy Tư nói tiếng Sê-Đăng, thằng nhỏ ôm chằm lấy thầy và mừng chảy nước mắt.

Từ buổi chiều định mệnh đó, thằng nhỏ Sê-Đăng theo thầy suốt chặng đường quang vinh và đau khổ, cân đai áo mão và mai danh ẩn tích.

Từng bước, thầy truyền giáo lí Minh giáo đạo Bani và dạy Miên quyền lẫn kiếm thuật cho thằng nhỏ hộ thân. Cả vùng Tây Sơn thượng kéo dài đến miền viễn biên Komtum bí hiểm, các dân tộc thiểu số Sê-Đăng, Ra Đê, Gia Rai... không ai không biết thầy trò thầy Tư, không ai không chịu ơn thầy trò chữa bệnh hoặc nghe truyền đạo. Thần Lửa giúp thầy trừ tà, yêu nghiệt. Lá cây thuốc rừng, giúp thầy chữa bệnh. Miên quyền và kiếm thuật, giúp thầy khuất phục tráng sĩ và thảo khấu sơn lâm. Tộc trưởng Bốc - Kiơm mến mộ, tôn thầy như vị thần linh cái thế. Tiếng lành đồn vang khắp vùng núi rừng Tây Nguyên.

Thời buổi sưu cao thuế nặng, quan quân triều đình mạnh ai nấy vơ, mạnh ai nấy vét và đẩy cái ác lên ngôi. Thời cuộc chánh tà bất phân, nhiễu loạn tràn lan thôn cùng ngõ vắng. Dân ngóng chờ đấng minh quân như nắng hạn đợi mưa rào. Thời điểm chín mùi, mượn cớ ủng hộ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, cháu đích tôn Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, diệt loạn thần Quốc phó Trương Phúc Loan; Nguyễn Nhạc dựng cờ nghĩa và Tây Sơn khởi nghiệp cứu lê dân.

Nhận được mật lịnh của anh, thầy trò Tư Lữ tức tốc khăn gói lên ngựa sải vó, kéo theo một đoàn trai tráng và sơn nữ thuộc các sắc tộc thiểu số cùng về xuôi, chuyển động đại ngàn.

*

Cuộc họp bàn về quân lương tại nơi bí mật ở Hầm Hô. Giáo Hiến chỉ ra điều tối hệ trọng: “Không thể công thành Quy Nhơn với cái bụng đói, nhất là nghĩa binh thuộc dân tộc thiểu số”. Các hào kiệt, dũng tướng, mưu sĩ, ngồi lặng im. Giáo Hiến nói tiếp:

- Đối với dân chúng, có thực mới vực được đạo. Đối với ba quân tướng sĩ, thực túc binh cường.

Rồi Giáo Hiến kết thúc:

- Dù thực hiện được kế quỷ, quân lương chưa sẵn sàng thì, ta tạm dừng đánh thành Quy Nhơn.

Và, Giáo Hiến khuyên Nguyễn Nhạc:

- Tình thế bây giờ, tìm người lo chuyện hậu cần.

Nguyễn Thung một phú hào ở thôn Thuận Nghĩa, một tráng sĩ nổi tiếng môn Trường tiên khắp miền Tây Sơn hạ đến đất kinh kỳ Quy Nhơn, cũng là chỗ giao tình với thầy Tư. Rất tâm đắc lời Giáo Hiến, Nguyễn Thung nguyện đem tất cả sản nghiệp ủng hộ Chủ soái Nguyễn Nhạc và nghĩa quân Tây Sơn.

Chủ Soái Nguyễn Nhạc vui như mở cờ trong bụng:

- Việc nầy, ta giao bào đệ Tư Lữ và bằng hữu Nguyễn Thung lo giúp.

Giáo Hiến chúc mừng Chủ Soái vì việc tìm được người:

- Giao việc quân lương cho hai người nầy, thầy yên tâm!

Gần năm sau, thầy Tư bẩm Chủ Soái rằng, lương thực đã sẵn sàng ở Hốc Yến, núi Đồng Phong thuộc thôn Trinh Tường. Nguyễn Nhạc bấm đốt tay tính thời gian, thấy thời cơ thực hiện kế quỷ cận kề.

- Trời đã giúp ta! Mưu sự ắt thành!

2.

Đêm tịch mịch. Tiếng trống canh thành Gia Định rời rạc vọng về. Chủ và tướng vẫn còn thức. Đông Định Vương Nguyễn Lữ tóc bạc sớm hơn cái tuổi, ngồi trầm ngâm trong thơ phòng, nét mặt căng dãn theo từng cơn gió từ sông Bến Nghé thổi về qua cửa sổ.

- Sê-Đăng! Khuya rồi, ngươi khỏi hầu ta!

- Bẫm Chủ tướng, xin cho thần làm tròn phận sự.

Thằng nhỏ người Sê-Đăng hồi nào, giờ đã là dũng sĩ hộ vệ Đông Định Vương. Trải qua những chặng đường chinh chiến, dũng sĩ Sê-Đăng đi theo Chủ tướng từ quê nhà Tây Sơn thượng đến đất địa Gia Định - Đồng Nai, không đổi hai lòng. Chủ tướng đơn thân, không gia quyến, coi dũng sĩ Sê-Đăng như ruột rà, tâm phúc.

Ngoài trời, tiếng Vạc kêu sương buồn bã. Đông Định Vương chợt nhói lòng: Ruộng đồng Gia Định cò bay thẳng cánh. Vậy mà, Vạc phải lén lút ăn đêm! Tây Sơn năm lần vào Gia Định và, ta phụng mệnh trấn giữ đất phương Nam nầy, làm gì để Vạc khỏi lén lút ăn đêm?

Ông đứng dậy, rời khỏi thơ phòng, tản bộ dọc hành lang đầy bóng tối, đến từng điếm canh động viên binh sĩ. Bởi, họ nào khác chi ông, những mong thiên hạ thái bình!

Dũng sĩ Sê-Đăng một li không rời Chủ tướng. Ngần ấy năm chinh chiến, dù ở cương vị Thiếu phó, Tiết chế hay Đông Định Vương... ông không thể tẩy xóa cốt cách, tâm hồn thầy Tư Lữ: Sửa mình làm trọng, yêu người làm gốc. Quyền lực và giàu sang, được và mất... Tất cả thuộc về ngoại thân và phù du. Ngay buổi đầu khởi nghiệp, vì lương dân đồ thán, huynh đệ như thủ túc... nên ông tạm cởi bỏ áo tu, khoác áo chiến binh xông vào trận mạc. Ông coi danh vọng như áng mây, nên không lấy núi sông đề khắc tên mình như: Núi ông Nhạc, núi Hoàng Đế; núi ông Bình.

Dũng sĩ Sê-Đăng chẳng hiểu vì sao: Đã ba đêm rồi, Chủ tướng thao thức, không ngủ? Cũng như mười năm trước (1776), dũng sĩ Sê-Đăng từng ấm ức và khó hiểu, rằng: Lúc Chủ tướng thống lĩnh đại quân Tây Sơn vào cửa Cần Giờ đánh Gia Định lần thứ nhất. Vì sao, Chủ tướng dừng cuộc truy sát Chúa Nguyễn Phúc Thuần khi biết chắc, Chúa Nguyễn đương trốn ở nhà giáo sĩ người Tây Ban Nha?

Gà gáy sáng rộ mé miệt Hòa Hưng. Chủ tướng quay gót trở lại thư phòng, dũng sĩ Sê- Đăng dâng trà buổi sớm.

*

Mưa nắng Sài Côn hai mùa rõ rệt. Lòng người Sài Côn thương ghét rõ ràng. Linh khí Gia Định hun đúc và tạo nên bản chất con người sở tại: Hồn hậu và chất phác. Làm thì làm trối chết, chơi thì chơi bạt mạng. Trượng nghĩa khinh tài. Trong Tây Sơn tam kiệt, có lẽ Đông Định Vương là người am hiểu đặc tính và tâm tình dân Gia Định sâu sắc nhất. Họ mang ơn nghĩa và không thể quay lưng khi nhà Nguyễn lâm nguy. Nhà Nguyễn giúp họ một dải châu thổ bình nguyên phương Nam bạt ngàn, rộng lớn; áo cơm no ấm. Còn ta, từ đâu tới họ nào biết? Vì sao tới, họ chẳng tường. Họ chỉ thấy, có ta là có vó ngựa và gươm giáo; có ta là, có chiến trận và chém giết. Họ hết lòng với nhà Nguyễn là thuận lẽ trời, là hợp tình lý thứ nho giáo điền dã.

Ta cố chiếm giữ cái không của ta, họ cố lấy lại cái của họ. Máu xương dân lành sẽ ngập Bến Nghé, Cửu Long. Xương tàn cốt rụi của ba quân tướng sĩ hai phía sẽ vùi lấp hào sâu, chiến lũy.

Thái Bảo Phạm Văn Tham lắng nghe từng lời tâm sự của Đông Định Vương.

- Nghĩ thẹn mình! Ta không có cái tâm cái chí của bậc đế vương như Lý Công Uẩn: Đêm nằm chẳng dám ngay chân thẳng/ Sợ nỗi Sơn hà Xã tắc nghiêng! Ta chỉ là tên phàm phu tục tử, thuở nhỏ lòng những muốn chữa bệnh và tu hành, lớn lên những mong được chánh pháp giải thoát. Nhưng rồi...

Đông Định Vương bỏ lửng lời nói, thở dài và đứng dậy cầm tay Thái Bảo:

- Cổ nhân, bảo: Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Ta tu hành nào có bạn cùng chăng?

Rồi, Đông Định Vương ngậm ngùi:

- Ta không trả tước vị Đông Định Vương cho hoàng huynh của ta mà, xin gửi lại dân chúng Gia Định như một lời từ biệt.

Nói xong, Đông Định Vương ôm Thái Bảo dặn dò, mong Thái Bảo chu toàn việc lớn và bảo trọng.

Thái Bảo chia sẻ và cảm thông tấm lòng đại nhân của Đông Định Vương; người dám vứt bỏ quyền lực, danh vọng khi ngộ ra. Và, dứt khoát đi theo con đường tu hành mà người đã chọn từ buổi áo vải cơ bần, dẫu đời sau có thể có lắm điều tiếng thị phi.

*

Thầy Tư Lữ không mặc triều phục, chỉ mặc chiếc áo tu xưa, dập đầu trước Thái Đức Hoàng Đế nhận tội bỏ ngũ, không tiếp tục theo Tây Sơn chinh chiến. Thái Đức Hoàng Đế vốn con người điềm tĩnh, vui buồn không lộ sắc diện, đa nghi; cũng phải quát, hỏi:

- Tại sao?

Thầy Tư Lữ đem chuyện đã từng diện kiến Gia Định Xử Sĩ Võ Trường Toản, mà sĩ phu và dân Gia Định tôn vinh Thái Sơn Bắc Đẩu, thuật lại cho Thái Đức nghe. Thái Đức giựt mình, bán tín bán nghi:

- Đất Gia Định dân mở cõi, lại có người đức trọng, đạo cao, thuật nghiệp thông đạt đến vậy sao?

Thái Đức rời bệ rồng, bước xuống sân chầu đỡ bào đệ đứng dậy. Như thể so sánh:

- Thầy Võ Trường Toản đó, so với lục kỳ sĩ dưới trướng ta, đệ thấy thế nào?

- Có người đáng học trò, có kẻ chưa thể.

Thầy Tư Lữ nói thực để Thái Đức lo liệu.

Thái Đức chấp tay sau đít, đi tới đi lui. Chợt hỏi:

- Tại sao, đệ và Thái Bảo không thuyết phục Võ Trường Toản về với ta?

- Muôn tâu bệ hạ, thần và Thái Bảo Phạm Văn Tham đã làm hết sức mình, nhưng không lay động nổi lòng thầy. Có một lần - một lần duy nhứt - Thầy giữ thần nán lại cơm chiều. Ngồi trong khu vườn thoang thoảng hương hoa sứ, ngó cánh đồng làng Hòa Hưng mờ xa theo con đường thiên lý, thầy bảo rằng: Thầy đứng ngoài vòng cương tỏa, ngoài sự tranh đoạt thế trần. Thầy dạy học trò, cốt cứu người giúp đời; còn phò ai thầy không can dự.

Thái Đức có vẻ bực tức, xòe bàn tay chặt vào gió:

- Lấy không được, khuấy cho hôi! Không để Nguyễn Ánh hưởng lợi. Thu phục không được, dẹp trường, bắt Võ Trường Toản?

- Sự an nhiên, tự tại của thầy; khiến những ai mang cái ác tâm đều run sợ một khi chạm mặt.

Thầy Tư Lữ kể thêm điều thầy Võ Trường Toản mách bảo:

- Chim bay xa, vì chim biết lượn. Chim bay cao, vì có đôi cánh khỏe và nhịp nhàng. Tam kiệt muốn bay xa, phải biết lượn. Biết lượn đó, chính là biết lúc cao lúc thấp, biết quy kết lòng người thuận về một mối. Tam kiệt muốn bay cao, ngoài binh hùng tướng mạnh, còn phải đoàn kết yêu thương, cấm kị đồng sàng dị mộng.

Bữa cơm chiều hôm đó, Thầy Võ Trường Toản đã khai quang điểm nhãn Đông Định Vương. Khi tiễn khách ra ngõ, thầy Võ Trường Toản nói:

- Trong lòng chất chứa thù hận thì, nhìn ai cũng thấy người ta thù hận mình. Đi trên lối mòn mà, cứ ngỡ đang đi trên quang lộ. Lịch sử từ những tình cờ, bất ngờ và bi kịch của lịch sử cũng chính từ đó; Đông Định Vương nhớ cho.

Như thể lưu lại chút tình, Thái Sơn Bắc Đẩu dặn: Nếu ngày sau cần chốn dung thân, Đông Định Vương nên đến Thất Sơn thực hiện cứu dân độ thế, phá trấn phù giúp giữ yên bờ cõi. Nghiệp chướng bản thân và dòng tộc chắc được trời đất giảm khinh.

Nói tới đây, Thầy Tư Lữ đi bằng đầu gối tới trước mặt anh mình, vòng tay lạy một lạy rồi khóc rống lên:

- Ta chiếm giữ thành Gia Định. Nguyễn Ánh chiếm giữ lòng người Gia Định. Ta đang mang cái họa diệt vong cận kề tận cổ.

Thái Đức nổi trận lôi đình:

- Đừng tưởng ta lưu tình mà nói càn gở. Bắc Bình Vương giết Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, đuổi giặc cỏ Nguyễn Ánh chạy trốn tận Xiêm-La. Thế lực nào ở Gia Định chống nổi Tây Sơn, đệ nói thử coi? Một tay Hương giáo làng cũng có thể hù dọa và lung lạc Đông Định Vương của trẫm sao? Đệ chẳng nghĩ đó là kế của Nguyễn Ánh?

Thầy Tư Lữ biết: Lời thật, có thể thầy mất mạng bởi cơn thịnh nộ của bào huynh; nhưng vì sinh mệnh trăm họ và sự nghiệp nhà Tây Sơn, thúc bách thầy trút cạn lòng:

- Khi ta mạnh, dân Gia Định giả bộ ngả theo để chở che Nguyễn Ánh. Lúc ta yếu, dân Gia Định thực lòng giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại giang sơn nhà Nguyễn.

- Vậy, tại sao họ hợp sức cùng ta đánh tan quân Xiêm-La ở Rạch Gầm- Xoài Mút?

- Tâu hoàng huynh, vì chống quân xâm lược nên họ hợp sức cùng ta. Xong cuộc, họ bỏ ta theo Nguyễn Ánh.

Thái Đức nhíu mày, quắc mắt:

- Họ quên Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm-La, cõng rắn cắn gà nhà sao?

Thầy Tư Lữ điềm nhiên, tâu tiếp:

- Họ nghĩ đất Đàng trong là đất thuộc nhà Nguyễn, vùng đất mới khai mở Gia Định cũng là đất thuộc nhà Nguyễn. Một khi mất đất, nhà Nguyễn có thể dùng mọi phương tiện để giành lấy lại đất. Họ nghĩ nôm na như vậy, nên dễ bỏ qua và xuê xoa tha thứ sai lầm của Nguyễn Ánh.

Bởi, họ rời quê cha đất tổ đi về phương Nam mở đất, không vì cái quyền tư hữu đất đai thì, cái quyền gì? Ai đụng đến, họ không để yên, tìm mọi cách để giành lấy lại. Đời nầy mần không được thì đời sau, đời sau mần không được thì đời sau nữa... Dân nhà quê có câu: Điền thổ, vạn cổ chi thù là vậy!

Thái Đức tuy nghe lời khó nghe của đứa em; nhưng xét cho cùng, đó là lời tâm huyết thốt ra từ trái tim đạt đạo lý làm người. Thái Đức bỏ giận làm vui, tha tội chết tướng bỏ thành; đồng thời, khuyên em trở về Kiên Mỹ, thay các anh chị lo từ đường và phần mộ họ Hồ, họ Nguyễn. Thầy Tư Lữ thoái thác lời huynh trưởng, nói rằng: Em như cánh chim trời bạt gió giữa biển rộng sông dài; ở đâu, về đâu, thân còn chưa biết... Biết chi cái không biết ngày mai.

Gió bến Trường Thi thổi tạt về Hoàng thành. Thầy Tư Lữ lạy tạ và từ biệt huynh trưởng.

Thái Đức không tiễn, đứng trên Vọng Nguyệt lầu nhìn bóng em lẫn khuất bóng chiều. Người thẫn thờ, như chưa bao giờ thẫn thờ kể từ ngày chinh chiến. Người biết mình vĩnh viễn mất một đứa em mà Người, rất mực nuông chìu từ lúc nó còn nhỏ; rất mực thương yêu và tin tưởng khi nó trưởng thành. Thuở cơ hàn của kẻ nhà quê, huynh đệ sum vầy và đầy ắp tiếng cười. Giờ đoạt bá tánh, dựng nghiệp vương nghiệp đế, sao cái tình thủ túc rách bươm? Khóe mắt của Người, những giọt nước ứa ra lăn dài trên đôi má.

Như nhớ điều gì hệ trọng và bứt rứt, Thái Đức vịn lan can lầu Vọng Nguyệt, tai nghe mơ hồ và văng vẳng câu nói của Tán Tương Quân Vụ Nguyễn Lữ khi mới đoạt thành Quy Nhơn: Chủ Soái đừng đặt Tây Sơn lên trăm họ, đừng buộc thiên hạ phải phủ phục dòng tộc mình. Làm vậy, khác gì ta tự hủy diệt ta. Có lần Lữ trách anh, không giữ mạng sống Nguyễn Thung, Huyền Kê... những trang hào kiệt hết lòng với Tây Sơn ở buổi đầu khởi nghiệp gian truân.

Thái Đức chép miệng buồn bã. Màn đêm buông xuống kinh thành.

3.

Vào đêm mưa gió tối trời, tối đất. Một trung niên cùng người phụ nữ, dắt hai đứa trẻ lẩn trốn đến chân núi Cấm, mình mẩy ướt như chuột lội, chui vô hang đá đỡ lạnh qua đêm. Tiếng cọp vồ mồi, dội rừng nghe rờn rợn.

Mấy đêm nay, thầy Lá Cỏ lòng bồn chồn, trằn trọc, mất ngủ. Linh tính mách bảo sắp có niềm vui và nỗi buồn. Thầy gieo quẻ nhìn sao thì, sao khuất mưa. Thầy bấm độn nhìn đất thì, đất tràn nước. Thầy lẩm nhẩm một mình: Đúng là cơ trời!

Trời rạng đông, mưa tạnh.

Từ hậu am, đệ tử hỏi:

- Thưa thầy, hôm nay thăng thiên hay độn thổ?

Thầy vừa cột lại miệng gùi cho chắc, vừa tủm tỉm cười cái thằng đệ tử Sê- Đăng dốt hay nói chữ. Lên núi hái lá thuốc thì, nó nói thăng thiên. Xuống núi chữa bệnh bá tính thì, nó bảo độn thổ. Sự chân chất và tếu táo của nó, làm ấm rừng núi Thất Sơn.

- Bữa nay, thầy trò mình độn thổ.

Nó khoái chí tử, cười rung mái am ở phía sau.

Một thầy, một trò, chống gậy xuống núi.

- Mình có ghé xóm Trà Sư không, thầy?

- Chi con? Xóm đó, bá tính giờ hết bệnh.

Thầy nói tiếp:

- Mình qua ngã Tịnh Biên. Ở đó, đang có dịch bệnh đậu mùa. Bá tính đang ngóng trông ta!

Ngoài miệng thầy nói vậy, chớ trong lòng thầy hiểu tận ruột gan của Sê- Đăng. Ý nó muốn qua xóm Trà Sư cốt để gặp út Lùn, con bà Năm Chìa Vôi. Thầy mừng khi nó biết yêu, biết muốn vợ. Thầy lo nó giữ không nổi tông tích, đại họa sẽ đến. Trong rủi có may, nhưng may đến rủi rất hiếm khi, nên người xưa bảo: Tiền hung hậu kiết thế gian vô!

Đi Tịnh Biên không đi Trà Sư, mắt nó buồn rười rượi; lần đầu thầy chợt nhận ra đôi mắt người Sê-Đăng man dại và sâu thẳm, có một cái gì đó rất thiêng của con sông Côn chảy qua miền Tây Sơn Thượng; có một cái gì đó nửa oán trách, nửa tiếc thương người chủ cũ... Thầy rùng mình, không biết rùng mình vì cái thoáng nghĩ hay vì gió núi sớm mai.

*

Trò quay lại, sắc mặt nghiêm trọng:

- Thưa thầy, phía trước có dấu chân người lạ.

Thầy điềm nhiên, kề tai căn dặn. Thầy trò tiếp tục đi.

Những dấu chân để lại trên lối mòn trơn trợt, lộ ra một gia đình. Ai? Trốn quan quân, trốn cha mẹ hay tha phương cầu thực...?

- Con theo dấu chân coi thể nào? Cẩn thận và không được manh động.

Một canh giờ sau, trò dắt nhóm người lết thếch rời hang, gặp thầy.

Hai đứa nhỏ nóng sốt li bì. Người đàn bà bèo nhèo đuối sức nhưng không giấu được dáng dấp đài các, ánh mắt tinh anh. Người đàn ông sức vóc. Thầy im lặng. Rừng xanh thẳm, núi tinh khôi, khí trời trong trẻo... khiến lòng người hy vọng.

- Con đưa gấp những người nầy đi đường tắt về am, tránh gặp tiều phu và người bản địa.

Trong suốt thời gian những người lạ lưu trú và trị bệnh, thầy trò không đả động đến tên tuổi, gia thế, bản quán. Bởi, có đả động đến cũng bằng không. Thời cuộc đổi thay, lòng người bất định. Từ sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi, can qua tạm yên nhưng không ổn. Cơi nới hận thù và trả thù, chẳng những đối với nhà Tây Sơn mà, ngay cả bề tôi có biểu kiến khác hoặc can gián. Cho nên, nếu có hỏi thì, người được hỏi cũng phải nói dối. Biết sao mà nói thiệt lòng?

Thầy dùng cây Nha Đam, cây Đinh Lăng trị nóng sốt hai đứa trẻ, dùng cỏ Mắc Cỡ và Lá Lốp trị đau nhức cho người đàn bà. Thầy nấu cháo nấm Tràm, nấm Mối cho ba mẹ con ăn lợi sức.

Trong lúc cận kề trị bệnh cho hai trẻ. Thầy run khan và chết điếng khi, vô tình nhìn thấy cái kiềng chân của đứa trẻ trai mang ở cổ chân trái. Tâm thức thầy chấn động chẳng khác nào cơn địa chấn: Trời còn xót thương dòng tộc Nguyễn gốc Hồ chăng?

Thầy bồi hồi nhớ lại: Mẹ thầy, bà Nguyễn Thị Đồng - một thôn nữ đẹp người đẹp nết, nổi tiếng liền trầu khắp vùng Kiên Mỹ - mỗi lần đẻ con gái, mẹ chấm bớt son bờ vai; đẻ con trai, mẹ mang kiềng dưới cẳng. Hỏi mẹ vì sao? Mẹ cười không nói. Lớn lên, khi thọ giáo Định Công, thầy mới hiểu ý tứ của mẹ. Thời loạn, bớt son, cái kiềng, mẹ làm dấu con mẹ. Thất lạc, mẹ còn có cái mà tầm. Bớt son, người chân quê hiểu rằng, con gái chỉ một thời như cái bớt son. Cái kiềng sắt đeo chân trái, để Ma da ở bến sông không dám rớ, quỷ yêu sông nước không dám rờ. Quê thầy, nhỏ lớn không ai không tắm sông hoặc qua lại trên dòng sông Côn hùng vĩ.

Mỗi vòng kiềng, mẹ đều khắc Nguyễn gia chi lạc. Thằng nhỏ nầy là ai mà, có cái vòng kiềng để đeo? Thầy tạo cớ đêm canh thức, trị bệnh cho thằng nhỏ, lén lấy cái vòng kiềng của mình so với cái vòng kiềng của nó. Y chang, chẳng khác. Thầy nhớ rồi, Thần Lửa ơi! Cái vòng của anh bảy: Anh Bảy Thơm, Bảy Huệ! Thầy mừng khôn tả, thằng nhỏ chắc chắn có huyết thống với mình.

Tuy chưa từng quen biết, chưa từng gặp Công Chúa Ngọc Hân, nhưng với cung cách ứng xử và qua lời ăn tiếng nói, thầy biết chắc đây là cốt cách thuộc hàng vương phi hoặc bậc mẫu nghi thiên hạ.

Thầy giả lơ, lấy cái mộc mạc che sự tinh tường. Cũng là, cách bảo vệ an toàn mình và người thân.

*

Mỗi sớm, khi sương còn viền trắng núi, thầy Lá Cỏ ôn luyện Kê quyền ở phía trái am. Tiền cấm vệ Nguyễn Liễu nhìn trộm và nhận ra ngay thầy múa quyền chính là Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Bởi, Nguyễn Lữ sáng tạo bài Kê quyền, không lẫn vào ai được. Tiền cấm vệ vui khôn tả, mừng trào nước mắt. Vậy là, công ta không phải công dã tràng. Trời Phật độ người lương thiện, dòng dõi Tây Sơn còn có người kế nghiệp sau nầy. Tiền cấm vệ giữ kín.

Tiền cấm vệ Nguyễn Liễu, nghĩ: Cái cần tầm giờ đã tầm được. Trùng phùng thì, cứ để cánh cửa thời gian tự nhiên khép mở. Còn ta... Tiền cấm vệ thấy sự sống của mình khồng cần thiết nữa!

Một sớm tinh khôi, Tiền cấm vệ Nguyễn Liễu mặt quay về hướng Bắc, tự kết liễu mình trên đỉnh Ma Thiên Lãnh.

Người đàn bà ôm xác trung niên, hai đứa trẻ lặng lẽ quỳ bên mẹ. Bà âm thầm nhỏ từng giọt lệ và hiểu rằng, Tướng quân Tiền cấm vệ đã đền xong nợ quân thần và muốn giữ kín điều muốn giữ bằng cái chết.

Cảm kích tấm gương trung liệt, thầy Lá Cỏ và đệ tử xây miếu Trung Liệt thờ đấng trung thần.

Núi Cấm về chiều trời nhiều mây, am mau tối. Bà tức cảnh sinh tủi phận, định trải lòng đề mấy vần thơ nhưng kịp kềm lòng. Bà cần giấu thân phận để giữ giọt máu anh hùng từng phạt Nam chinh Bắc, từng hai lần cùng thần dân đánh đuổi quân xâm lược. Bà không thể vì cảm tính nhất thời mà, thổn thức như từng thổn thức trong Ai Tư Vãn.

Nhiều đêm thức giấc nhìn con, bà khóc! Không phải bà tiếc cung vàng điện ngọc. Bởi, tự thân bà đã sinh từ cung vàng điện ngọc, bà nếm trải mặt trái cái cung vàng điện ngọc kia như vở kịch bi hài thì, bà tiếc chi? Bà chỉ tiếc đức lang quân về cõi khác, khi mộng bình thiên hạ chưa thành. Con bà và bà phải giả chết xây mộ, bôn tẩu từ Phù Ninh đền miền Thất Sơn kỳ bí nầy. Thầy trò Lá Cỏ đối đãi tử tế, trân quý bà và con bà bao nhiêu thì, bà càng dè dặt và sợ bấy nhiêu. Tại sao họ tốt với mình? Nhất là, thầy Lá Cỏ nuông chìu, thương yêu Quang Mục quá mức?

Bà thầm trách Tiền cấm vệ - người tâm phúc và người thân duy nhất - sao vội giữ tiết tháo bỏ bà? Có chắc gì, con bà và bà đã yên?

Thầy Lá Cỏ mở thêm trại ruộng, di dân nghèo tứ xứ đến sản xuất và sinh sống. Từng lo việc quân lương, thầy có thừa kinh nghiệm sản xuất và tích trữ lương thực cho trại ruộng. Dân tứ xứ ngày càng kéo đến đông, phức tạp cũng không phải ít.

Thời gian cho bà thêm nghị lực và nhiều tín nhiệm đối với thầy. Lạ là, Quang Mục quấn quýt bên thầy, đi đâu nó cũng đòi theo; kể cả những lúc đi lặt lá thuốc trên núi. Nhờ vậy, nó mau biết nhiều mặt lá thuốc. Đêm thầy dạy võ, ngày dạy bốc thuốc chữa bệnh; một số việc Quang Mục thành thạo nhờ tố chất thông minh. Những hoài nghi buổi đầu dần dần tan biến, chỉ còn lại sự tin tưởng và thương yêu nơi bà đối với thầy trò Lá Cỏ. Rồi bà quen dần công việc đồng áng, một nắng hai sương chung đụng cùng nông dân tay lấm chân bùn.

Một hôm, thầy mời bà lên chánh am. Trên bàn thờ Tổ treo tấm vải điều, tượng trưng tinh thần trầm mặc vô vi. Thầy bảo:

- Trại ruộng phía sau núi ngày một đông dân đến, họ sẽ cất nhà cửa, lập ấp lập làng rồi lập nghiệp. Việc mẹ con bà nay tạm yên, để yên hóa lành, bà phải rời am tránh miệng đời thị phi và tránh lũ chồn cáo dòm ngó, rình rập.

Nhìn Tổ, ánh mắt bà biết ơn.

- Thưa thầy, từ rất lâu tôi hiểu điều đó. Ngặt nỗi, mẹ con tôi biết về đâu?

Thầy Lá Cỏ nói vừa đủ nghe.

- Tôi sẽ gởi bà và cháu gái ở nhờ nhà chị đạo hữu tốt bụng. Nơi đó, bà yên lòng và thoải mái; đồng thời, bà có điều kiện cho cháu học hành tử tế và dạy dỗ cháu nên người.

Không đợi người đàn bà thắc mắc, thầy nói luôn:

- Tôi nhận phần chăm sóc, dạy dỗ cháu trai thành người hữu dụng cho đời, cho bá tánh.

- Nơi tôi và con gái đến là, nơi nào hả thầy? Bao giờ tôi đi và bao giờ tôi gặp lại con trai?

- Nơi an toàn nhất, bà sống bình thường như bao người phụ nữ bình thường khác tại bờ sông Cái Nai. Người đời sẽ gọi bà là, bà Cái Nai. Thỉnh thoảng sẽ có đạo hữu đưa cháu trai đến thăm bà.

Bất ngờ bà lạy một lạy như tỏ lòng biết ơn và gửi con ở lại với thầy. Thất kinh, thầy dợm muốn bước tới đỡ bà đứng dậy, nhưng thầy không dám đụng vào cành vàng lá ngọc, chạm vào da thịt chị dâu.

Ngoài am, tiếng con Tắc Kè núi kêu vang trên cây Bằng Lăng nở hoa màu tím ngắt.

4.

Sau ngày lễ rước dâu, vợ chồng con út Lùn về phản bái. Trời ngả màu chiều, bà Năm Chìa Vôi hối con gái theo chồng về trại ruộng sớm vì, dạo nầy ông ba mươi thường ra bìa rừng đón người. Út Lùn dùng dằng không chịu về, nó chảy nước mắt và nhỏ to với bà. Bà nằm võng nửa trên nửa dưới, miệng cười cười, kêu tía con Lùn nói cái gì đó.

Tía con Lùn cầm cái búa, cặp cổ chồng con Lùn ra sau hè nhà. Áng chừng tàn nửa điếu thuốc rê, ông già vợ và thằng rể trở vô nhà. Tía con Lùn kêu con Lùn, nói:

- Thôi về đi con, được rồi đó.

Đệ tử lấy vợ ra riêng, thầy giao cho sở ruộng miệt Cần Đăng cấy lúa, đào đìa. Thầy vui khi thấy đệ tử có mái gia đình, nó không thể sống như thầy được. Am bây giờ trống vắng. Thầy đặt cho con trai bà Cái Nai một cái tên thiếu họ. Đó là, Minh Huyên! Dân cư đến đâu, người Tàu đến đó buôn bán chạp phô và thuốc cao đơn hườn tán đến đó. Bọn tề, mật thám triều đình Gia Long bủa vây, truy tìm dư đảng, đồng đảng Tây Sơn. Cả vùng rừng núi Thất Sơn không còn bình yên như trước.

Thằng nhỏ Sê-Đăng của những tháng năm dũng sĩ, tự biết xóa dấu vết để làm chồng, làm cha, làm chủ mái ấm gia đình.

5.

Thầy bấm độn biết rằng, thời giờ chẳng còn bao lâu nữa, chú cháu sẽ xa nhau. Nếu, thiên cơ bất khả lậu thì, thân thế bất khả tri.

Nhân tiết thu phân, thầy cỡi gió đưa Minh Huyên qua Ngũ Hồ Sơn, uống từng ngụm nước của từng giếng trời treo núi. Đến lúc nắng xỏ lỗ tai, thầy dắt Minh Huyên nương nắng chiều lên năm non - người bấy giờ gọi Vồ - qua từng non: Ong Bướm, Bồ Hông, Thiên Tuế, Bà... Và, khi đến non cuối là non Đầu thầy dừng lại thật lâu, ngồi trên phiếm đá xanh hơn da trời, mắt nhắm nghiền. Thầy truyền tâm huyết:

- Minh Huyên con, không phải tự nhiên mà có năm non, bảy núi; không phải tự nhiên mà có năm giếng nước trời treo theo núi và chín miệng rồng chắn sóng biển Đông. Cả một vùng châu thổ mênh mông từ biển tạo thành. Mùi hương nào chẳng quyến rũ bướm ong. Long mạch cát tường, thế đất vững là, mồi ngon thôi thúc những kẻ tham lam, chiếm đoạt.

Tiếng thầy nhẹ như mây, sắc cạnh như lá lúa. Thầy ngó núi Ngọa Long, nói tiếp:

- Non có nước, núi có sông. Năm non có năm giếng nước. Bảy núi có hai sông Tiền sông Hậu với chín cái miệng rồng trấn giữ bình yên. Cho nên, hiểu lẽ trời để tránh nghịch ý trời. Miền địa linh, tất sinh hào kiệt; miền huyền bí tất cần tâm linh. Con phải đối xử với nó bằng tất cả tấm chơn tình xuất phát bởi tâm linh. Tâm thành thì việc mới linh là vậy!

Minh Huyên uống từng lời, khắc từng câu thầy dạy. Tiếng lá rụng chiều, âm thanh như bản nhạc đồng quê êm ả!

- Từ ngàn năm, Thiên tử phương Bắc nào cũng đứng trên cung Càn, dòm ngó về cung Ly ở phương Nam. Thầy địa lý Tàu đội lớp người xấu xí trà trộn khắp nơi để tìm long mạch trù yểm. Trong đó, không thể quên Thái thú Cao Biền. Từ dạo Mạc Cửu đến Hà Tiên, rồi nhóm Thiên Địa Hội gọi là phản Thanh phục Minh chạy sang... Tất tất đều tính kế lâu dài. Tất tất đều tìm cách trấn yểm làm cho ánh sáng cung Ly phương Nam không thể tỏa sáng, để mãi mãi phải thần phục Phương Bắc.

Thầy kéo Minh Huyên đứng trên cụm mây, chỉ tay từ Lạng Sơn tới Thất Sơn như đường sống mũi. Và, Thất Sơn là lỗ mũi có nhiệm vụ điều hòa sinh khí, đảm bảo hơi thở cho sự sống. Nếu bịt được lỗ mũi Thất Sơn thì, linh khí đất Việt không còn, hiền tài thôi xuất hiện. Bảy trấn phù bia ứng với Thất Sơn, thầy đã gỡ bỏ xong. Còn một trấn phù thứ tám, chúng giấu trấn phù phía dưới Thủy Đài Sơn rất độc, rất nguy hiểm. Đó là, cái miệng Thất Sơn. Mở bảy trấn phù để thở, không biết và không mở được trấn phù miệng Thất Sơn thì, nhịn đói cũng chết! Thầy không còn kịp thời gian để mở, thầy giao lại cho con.

Xoay lưng, thầy bí mật chỉ chân núi Cấm:

- Minh Huyên! Con ngó kỹ: Chu vi chân núi Cấm chẳng khác gì cái hình tam giác có ba cạnh bằng nhau. Nếu, ngày sau con có đủ tài trí thì, dùng phù cơ thạch trấn hình tam giác đặt chồng lên và chéo nhau thành ngũ giác. Một khi trời đất dịch chuyển, cái ngũ giác đó sẽ tương ứng với ngũ hành của trời đất. Khi ngũ hành dịch chuyển thì, nơi đâu cũng sinh ra sự sống. Còn ngũ giác dịch chuyển thì dù phải lăn hướng nào đi chăng nữa, ngũ giác vẫn có một góc chĩa thẳng lên trời và hai góc làm chân đứng vững trên mặt đất. Đó là nguyên lý sáng tạo của Thượng Đế con ạ! Đất Việt ngàn đời vẫn là đất Việt, dù trải qua biến động can qua.

- Nhưng, thưa thầy, đất nầy của triều Nguyễn, của Gia Long, ta cần gì gìn giữ?

- Con ghét triều Nguyễn và Gia Long đến vậy sao?

Thầy hỏi, không ngó Minh Huyên. Rồi thầy nắm tay Minh Huyên, trìu mến:

- Đất nầy, giang sơn gấm vóc nầy... nào của Gia Long, nào của triều Nguyễn, nào của riêng ai. Nó là xương máu của muôn dân, con có bổn phận giữ nó như giữ mạng mình.

Thầy trầm giọng, như thể đè nén và cố giấu xúc động:

- Cái mình không làm được, người ta làm được. Điều mình đã đối xử với người thì, người cũng sẽ đối xử với mình. Con nuôi thù hận với người thì, ai nuôi thù hận với con? Bao giờ hết thù hận? Liệng nó vào mây ngàn bay đi con, cho lòng con trống không, nhẹ hững.

Thầy nói nhỏ nhẹ bên tai Minh Huyên:

- Người tu đạo Chúa, cái tâm hướng của họ tượng trưng qua cây Thập Tự Giá. Nếu, dùng hai đầu chữ thập gấp lại, mình có chữ Vạn. Chữ Vạn đặt nơi giữa ngực, có nghĩa Vạn pháp quy tâm. Ta truyền cho con là truyền cái tâm quên thù hận, thương người - thương cả kẻ thù cũ - Bởi, họ cũng chỉ là nạn nhân của cuộc tranh bá đồ vương, mà một khi tranh bá đồ vương thì, hẳn sinh linh đồ thán. Con phải hiểu: Thù họ, chính thù mình!

Như để lòng Minh Huyên lắng đọng, thầy ngưng nói.

- Tâm con còn vọng động, xin thầy tha lỗi.

- Thì phải thôi, nếu không vọng động con đạt đạo rồi.

Sự bộc phát thù hận trong lòng Minh Huyên, giúp thầy nhìn rõ con quỷ dữ sân hận núp ở tim đứa cháu ruột của mình. Phải tận diệt con quỷ nầy trước lúc đi xa; kẻo không lâu, đại họa sẽ ập đến mẹ con cháu. Dòng họ nhà Tây Sơn tuyệt tự!

- Minh Huyên, con nhớ Vạn pháp quy tâm... Khi tâm rỗng rang tự tại thì, thế gian nầy không còn kẻ thù. Khi tâm vướng mắc hoài niệm thì, dù hoa lá hoặc con chim cũng là kẻ thù chẳng đội trời chung.

Lời khai thị của thầy, Minh Huyên hoát nhiên tỉnh ngộ và quỳ đảnh lễ sư phụ. Lúc đó, ánh mặt trời chiều bừng lên trước lúc chìm khuất chân dãy núi Thất Sơn u tịch!

*

Từ lúc Minh Huyên ngộ ra lý tánh Vạn pháp quy tâm, thầy gửi cho người bổn đạo thân tín họ Đoàn trú quán Tòng Sơn. Đó là, cách tốt nhất giúp Minh Huyên hòa nhập đời thường, có cha có mẹ, có chòm xóm, họ hàng, có tên có tuổi. Đồng thời, cũng là thực hiện kế ve sầu thoát xác, tránh sự trả thù khốc liệt của Gia Long.

Mọi chuẩn bị chuyến đi xa của thầy, Minh Huyên không hay biết. Đêm cuối cùng, thầy ân cần căn dặn:

- Mai con về núi Két lập cơ nghiệp, mở và phát triển trại ruộng, cưu mang dân di cư khai hoang lập ấp. Không màng thế sự, chú tâm truyền đạo sửa người, chữa bệnh cứu nạn.

Thầy ôm Minh Huyên, kề miệng vào tai dặn dò:

- Giờ đó, ngày đó, tháng đó, năm đó... con sẽ gặp khổ nạn, mạng khó giữ, tông tích khó toàn. Con phải, mần vầy... mần vầy... thì, có thể giữ thân, nhưng phải nương tại Tây An cổ tự dưới chân núi Sam một thời gian.

Trước khi Minh Huyên trở gót về phòng nghỉ, thầy nhắc:

- Con đừng quên phá gỡ cái trấn phù bia nằm ẩn dưới Thủy Sơn Đài!

*

Buổi sớm mai, bầy chim hót líu lo trên những cành cây dầu cổ thụ trước am.

Minh Huyên vừa đi xong bài Kê quyền do thầy khổ luyện và truyền thụ. Ngó qua phía trái am không thấy thầy luyện quyền, Minh Huyên vội chạy vào phòng gọi thầy. Không gian vắng lặng, chỉ nghe tiếng gió lòn hang đá, tiếng Tắc Kè gọi bầy chào ngày mới. Minh Huyên vụt chạy ra trước ngõ am:

- Thầy ơi! Th...â...y...ơ...i..

Âm thanh dội lại vang động núi rừng, bầy chim líu lo trên cành bay tán loạn, bầy Tắc Kè im hơi lặng tiếng.

Minh Huyên chạy trở lại am, bước vào phòng thầy.

Khăn Tổ màu điều quấn cuốn Sấm Kinh và cái kiềng chân Nguyễn gia chi lạc nằm thẳng thớm trên cái gối gỗ đầu giường.

Toàn thân run rẩy, Minh Huyên quỳ xuống, hét lớn:

- Chú Lữ!...

T.B.Đ  
(SH317/07-15)





 

Các bài mới
Nhớ Huế (26/07/2015)
Các bài đã đăng