Tạp chí Sông Hương - Số 317 (T.07-15)
Một thời đã qua
08:41 | 26/07/2015

KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1949 - 2015)

PHẠM HỮU THU 

Trước khi ông Lê Sáu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế qua đời, tôi may mắn được ông kể cho nghe nhiều chuyện, phần lớn là những ân tình mà đồng bào, đồng chí đã dành cho cách mạng trong những năm ác liệt của chiến tranh, nhất là những tấm gương lặng lẽ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Một thời đã qua
Ảnh: internet

Quyên sinh

Giữa năm 1969, ông Lê Sáu được điều lên làm Phó trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Khu ủy Trị Thiên. Từ vùng biên giới Việt - Lào, tháng 9/1969 ông được Bí thư Khu ủy Trần Văn Quang (Bảy Tiến) ký quyết định quay trở lại tiếp tục giữ chức Bí thư Phong Điền, phụ trách Quảng Điền (thay đồng chí Vũ Thắng được rút lên làm Bí thư Đảng ủy Đoàn 6).

Theo lịch sử đảng bộ Thừa Thiên Huế, sau khi giải thể Tỉnh ủy (8/1967 - 6/1971), Thừa Thuế Huế được chia thành 3 mặt trận trực thuộc Khu ủy Trị Thiên. Theo đó Mặt trận Phú Lộc (còn gọi là Đoàn 4), Mặt trận Huế (Đoàn 5) bao gồm 3 Quận nội thành và các huyện vùng ven: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang; Mặt trận Phong-Quảng (Đoàn 6) gồm hai huyện Phong Điền, Quảng Điền. Theo hồi ức của ông Lê Sáu “Cuối năm 1969, tuy được giao phụ trách chỉ đạo Quảng Điền nhưng trên thực tế tôi ít có điều kiện về hoạt động ở đây, mãi đến mùa mưa năm 1970 mới đặt chân đến được vùng đất này”.

Sau chiến dịch “Bình định cấp tốc” cũng như nhiều huyện đồng bằng của Thừa Thiên, Quảng Điền đang gặp khó vì bộ đội chủ lực và phần lớn lực lượng chính trị và vũ trang của ta sau Xuân 1968 đều bị đánh bật lên rừng, số bám trụ đồng bằng còn lại rất ít, có nơi chỉ còn đôi ba người. Cùng với cày ủi ruộng vườn, dồn dân vào các khu tập trung, lập ấp tân sinh, địch liên tục mở các cuộc hành quân càn quét. Nhiều nơi đã biến thành “vùng trắng” vì cán bộ không bắt được liên lạc với dân. Quảng Điền vào thời điểm đó do ông Trần Nam, quê ở xã Phong Hiền (Phong Điền) làm Bí thư Huyện ủy. Ban Thường vụ huyện ủy có ông Văn Quảng, Chuân Trang… Nhiệm vụ của họ là giúp ông lọt về vùng sâu nghiên cứu tình hình, khôi phục phong trào cách mạng, trong bối cảnh địch ráo riết triển khai chiến dịch Phượng Hoàng nhằm vô hiệu hóa hạ tầng cơ sở Việt Cộng. Và ông đã đứng chân ở Niêm Phò, xã Quảng Thọ để mở lớp. “Gọi là lớp tập huấn nhưng trên thực tế, đó chỉ là cuộc gặp để trao đổi nhằm tìm biện pháp xoay chuyển tình thế”, ông Hoàng Ngọc Vĩnh, cựu Bí thư xã Quảng Thọ, một trong những học viên của lớp bồi dưỡng ấy nhớ lại.

Ngoài 5 cán bộ của Quảng Thọ, gồm: Hoàng Ngọc Vĩnh, Trần Mới, Trần Bin, Cao Văn Siêng và Nguyễn Văn Trân đang bám trụ địa bàn, cán bộ Quảng Điền có thêm ông Trần Cạnh và ông Tạo, ông Vân tham dự. Do cán bộ tập trung về Niêm Phò khá đông, mùa mưa hầm bí mật phần lớn bị ngập nước nên cán bộ ta phải “rúc bụi ngủ bờ” hoặc “trốn trên các tra lúa” của cơ sở, đợi đêm xuống mới bí mật tổ chức hội họp.

Chính vào thời điểm này ông Lê Sáu mới có dịp ghé thăm gia đình bố mẹ ông Hoàng Ngọc Vĩnh. Ông Lê Sáu nhớ lại: “Hôm ấy vào nhà, tôi mới biết mẹ anh Hoàng Ngọc Vĩnh là bà Lê Thị Vin (tức bà Sâm, gọi theo tên chồng) đang bị địch khống chế. Hàng ngày chúng bắt bà lên quận Quảng Điền, đóng ở Sịa. Nữ cảnh sát trong đội quân “Thiên Nga” tiến hành dụ dỗ, mua chuộc, khuyên bà tìm lời ngon ngọt gọi con trai là anh Hoàng Ngọc Vĩnh “chiêu hồi”. Bà Sâm không nghe lời, chúng bịt mắt, bắt úp mặt vào tường rồi đánh đập buộc bà phải khai báo chỉ cho được căn hầm bí mật của anh Vĩnh và của tôi ở đâu? Sau khi biết được tình hình, anh em Quảng Thọ bố trí cho tôi ở một căn hầm khác. Hầm này cũng do mẹ anh Vĩnh bới cơm và sửa, đậy nắp hầm.”

Cùng với truy bức, đánh đập cán bộ cơ sở, có lẽ do “đánh hơi” được Việt cộng đang tập trung ở Quảng Thọ nên bọn chúng liên tục mở các cuộc hành quân cảnh sát. Hình của Hoàng Ngọc Vĩnh, kèm theo nội dung “ai phát hiện nơi ẩn nấp của tên V.C này sẽ được trọng thưởng” được in và đem rải, dán khắp làng. Nghĩa quân, địa phương quân và cảnh sát thay nhau đóng quân ở nhà bà Sâm và nhiều nhà vốn là cơ sở của ta. Bọn chúng dùng thủ đoạn tách riêng từng người để khống chế, mua chuộc. Tình thế này nhiều người lo không sớm thì muộn Bí thư của Quảng Thọ sẽ bị bắt, nhất là sau khi Cao Văn Siêng “chiêu hồi”. “Đêm ấy, tôi và Siêng cùng đào căn hầm mới ở Mộng Dưỡng nằm ở phía đông cầu Niêm Phò. Tôi đào, còn Siêng mang lớp đất mới đào ấy đi đổ thật xa, tránh để lộ dấu vết. Nào ngờ, Siêng không quay trở lại. Hóa ra, vì chịu không nổi gian khổ, ác liệt, Siêng đã đầu hàng. Dưới sự chỉ dẫn của Siêng, mấy hôm sau, địch tiến hành quật hầm. Nhưng đó là căn hầm cũ, chúng tôi đã không sử dụng. Sau đó, Siêng vào lính Sư I Bộ binh, hành quân sang Lào thì tử trận.” - Ông Hoàng Ngọc Vĩnh cho biết.

Bám trụ ở Niêm Phò chừng nửa tháng, chăm chú theo dõi, ông Lê Sáu được cơ sở báo lại, liên tục trong nhiều ngày, chúng bắt bà Sâm, sáng từ Niêm Phò đi bộ lên Sịa để tra khảo, chiều thả về nhà. Trên đường về, chúng buộc bà đeo trước ngực tấm bảng “Tôi là mẹ của Hoàng Văn Vĩnh. Con ở đâu hãy quay về với chính nghĩa quốc gia”. Thế rồi, thời hạn cuối cùng mà chúng buộc bà kêu gọi Hoàng Ngọc Vĩnh chiêu hồi đã hết. Sáng đó trong ngôi nhà tranh ở ven sông Bồ, bà Sâm lẳng lặng lấy chai Volfatox uống tự sát. Bà thà chịu chết chứ nhất định không phụ con và phản lại cách mạng. “Lúc ấy, tôi ẩn nấp ở Mộng Dưỡng nên không hay biết. Mãi mươi ngày sau, khi quay trở lại thôn Tân Xuân Lai (Niêm Phò) mới rõ mẹ mình đã quyên sinh” - ông Hoàng Ngọc Vĩnh bùi ngùi nhớ lại. “Mẹ tôi chết một mình, vì sáng ấy cha tôi bị chúng bắt ra trình diện ở xã. Còn anh trai và em gái tôi đều ở xa.”

5 cán bộ, du kích của Quảng Thọ bám trụ, ngoài Cao Văn Siêng đầu hàng, số còn lại: Nguyễn Văn Trân, Trần Mới, Trần Bin lần lượt hy sinh.

“Tôi may mắn sống sót, ngoài may mắn, chắc là nhờ có anh linh của mẹ phù hộ”. Từ một du kích, sau này Hoàng Ngọc Vĩnh trở thành Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền. Về hưu, từ Tứ Hạ, Hương Trà, thỉnh thoảng Hoàng Ngọc Vĩnh phóng xe về Niêm Phò thăm lại vùng đất mà trong những năm kháng chiến ông đã gắn bó. Di ảnh không có và ngôi nhà năm xưa không còn nhưng mỗi khi ngắm nhìn con nước sông Bồ đầy vơi, lòng ông Hoàng Ngọc Vĩnh vẫn không nguôi nhớ mẹ!

Vì nước quên thân

“Mùa mưa năm 1961, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Lén (Hà) có bàn với tôi (lúc đó là Bí thư huyện ủy Phú Lộc): Anh có cách nào tìm cho được trong số cơ sở của mình có ai quan hệ với Phú Vang?

Tôi hỏi: để làm gì? Anh Ngô Lén bảo: để lo lót vào học trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường phải tìm cách để về cho được Phú Vang phục vụ cách mạng.

Điểm lại, trong số cơ sở hoạt động hợp pháp, tôi nhắm chỉ có Văn Hồng Quân vì trước hết anh ta có bằng tú tài, quê lại ở Hà Trung, Vinh Hà (Phú Vang) là có thể đáp ứng yêu cầu này nên đã giới thiệu cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy”.
(Trích từ hồi ký của ông Lê Sáu).

Đến với cách mạng
 

Liệt sĩ Văn Hồng Quân

Theo ông Lê Sáu, năm 1954, do chống lệnh hành quân nên Văn Hồng Quân bị đẩy lên đồn Động Năng ở Nam Phổ Cần (xã Lộc An bây giờ). Tại đây, anh chủ động bắt liên lạc với cách mạng và vận động cả đồn án binh bất động.

Hiệp định Genève 1954 ký kết, Văn Hồng Quân vận động cả đồn mang vũ khí về với đội quân kháng chiến. Phần lớn số binh sĩ ấy đều được tập kết ra Bắc, riêng Văn Hồng Quân, vì có vợ chưa cưới là bà Nguyễn Thị Thanh Liên nên xin ở lại. Cả hai vợ chồng là cơ sở hoạt động hợp pháp ở Cầu Hai.

Cơ sở để ông Lê Sáu, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Lộc năm ấy lựa chọn là vì trước đó, vào một buổi sáng của tháng 12/1960, khi về công tác ở Dinh Lộc (nay là xã Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc) ông được Chi ủy viên Dinh Lộc là ông Lê Chắt (tức Lợi) bố trí vào ở nhà của người thím ở thôn Đông Lưu. Nhờ vô tình hỏi cháu nhỏ “Mệ cháu đi đâu?”. Cháu ấy trả lời “Lên Quận báo lính về bắt ông”. Nhìn ra đường, quả thật lính Địa phương quân rầm rập kéo về. Biết là bị phản nên ông Lê Sáu tìm cách trốn thoát. Ông vào chợ Cầu Hai và định men theo đường lên Bạch Mã nhưng bỗng phát hiện từ xa một toán nghĩa quân từ thôn Cao Đội đi về. Bí đường, ông rẽ vào con kiệt và không ngờ lại gặp bà Nguyễn Thị Thanh Liên (bây giờ là vợ của ông Văn Hồng Quân) - cơ sở hoạt động bí mật đang ngồi giặt quần áo. Ở tình thế buộc phải xử lý thật nhanh, bà Liên vội vàng lôi tất cả quần áo trong tủ ra giặt để chừa chỗ cho ông Lê Sáu vào đó núp. Tốp lính vào nhà, hỏi “có thấy tên V.C chạy qua đây không?” Bà Liên bình tĩnh chỉ tay ra hồ rau muống và trả lời: “có thấy người chạy về hướng ấy”. Ông Văn Hồng Quân nghe tin lính vào nhà đã vội vàng quay trở về tìm cách đưa ông Lê Sáu trốn nơi khác. Nhờ đã được thử thách về lòng trung thành nên ông Lê Sáu khẳng định với Bí thư Tỉnh ủy Ngô Lén: Chỉ có Văn Hồng Quân mới đủ độ tin cậy để giao phó việc này. Nghe chuyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất mừng và trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi phải thuyết phục cho được cả hai vợ chồng, vì lợi ích của cách mạng, dù khó cũng phải lo cho bằng được.

Quay trở lại Cầu Hai, ông Lê Sáu nói rõ nhiệm vụ đặc biệt vừa được giao với ông Đặng Luyện (Thành), lúc đó là Bí thư xã Dinh Lộc và sau đó họ bí mật

gặp ông Văn Hồng Quân và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Liên.

“Khi đưa vấn đề này ra bàn thì cả vợ lẫn chồng anh Quân đều từ chối. Họ sợ mang tiếng. Chị Liên còn hỏi đi hỏi lại: nếu không may các anh hy sinh thì còn ai biết để làm chứng cho chồng tôi? Sau khi nghe chúng tôi đảm bảo hồ sơ của anh Văn Hồng Quân sẽ được lưu trữ tại cơ quan bảo mật của Đảng và tại Ban An ninh của tỉnh, họ nhận lời và hứa sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch mà chúng tôi đã trao đổi.” - ông Lê Sáu nhớ lại.

Sau 9 tháng theo học ở Liên trường võ khoa Thủ Đức, chuẩn úy Văn Hồng Quân chính thức nhận nhiệm sở tại quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ở đây một thời gian, nại cớ vợ mới sinh, con còn nhỏ dại, Văn Hồng Quân (lúc này là thiếu úy) một mặt lấy lòng thượng cấp, mặt khác tiến hành “lo lót” để được điều về Tiểu khu Thừa Thiên. Thời điểm ấy, chiến trận chưa căng thẳng nên đề xuất của chàng thiếu úy trẻ được chấp thuận. Về Tiểu khu Thừa Thiên, bà Nguyễn Thị Thanh Liên dồn tiền để chồng “lo lót”, mượn cớ muốn về bản quán để tiện chăm sóc cha mẹ già! Và nguyện vọng đã được chấp thuận. Giữa năm 1965, trung úy Văn Hồng Quân nhận Sự vụ lệnh về Chi khu quân sự Phú Thứ (KBC 6085) và được biệt phái làm Phó Quận trưởng quận này.

Quận Phú Thứ ra đời năm 1965 nhằm thay thế cho phái viên hành chánh được thành lập dưới thời Ngô Đình Diệm và quận lỵ được dời từ Vinh Thái lên Hòa Đa Tây thuộc thị trấn Phú Đa hiện nay. Quận Phú Thứ gồm 7 xã phía Nam của Phú Vang: Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Đa, Phú Lương, Vinh Phú, Vinh Thái và Vinh Hà được xem là vùng mất an ninh vì phần lớn các xã như: Vinh Thái, Vinh Phú, Phú Lương, Phú Xuân đã được giải phóng, sau cuộc đồng khởi cuối năm 1964. Năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến. Ngoài các đơn vị độc lập, binh sĩ Mỹ còn tham gia làm cố vấn quân sự cho quân đội VNCH. Lúc này, để hỗ trợ nhân dân đấu tranh chính trị, đánh địch và chống càn, Tỉnh đội Thừa Thiên đã điều Tiểu đoàn 4 và 10 (thường gọi là K4, K10) thay nhau về chiến đấu ở Phú Thứ - Phú Vang. Nhiều trận đánh lớn đã xảy ra, trong đó có trận Dưỡng Mong A (5/1966) nổi tiếng, khi K10 cùng du kích Vinh Thái diệt 137 lính thủy quân lục chiến Mỹ và trận K4 phối hợp với địa phương san bằng Chi khu quân sự Phú Thứ vào đêm 10/3/1967.

Trước khi trận chiến xảy ra, nội tuyến Văn Hồng Quân đề nghị Tỉnh đội trưởng Thừa Thiên Nguyễn Chi cho đơn vị mình dã ngoại, nhưng đề xuất ấy đã không được chấp nhận và chuyển sang phương án khác: làm nội ứng từ bên trong. Để làm chủ tình hình, Trung úy Quận phó Văn Hồng Quân biết đại úy Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng Nguyễn Cáo là người thích đánh bạc nên gợi ý “lương vừa lĩnh, Đại úy nên thư giãn”. Thế là đại úy Nguyễn Cáo rời đơn vị. Trung sĩ Tiểu đội trưởng địa phương quân Mai Xuân Tự nhờ ngồi cùng chiếu bạc với Đại úy Quận trưởng đêm ấy nên thoát chết. Chi khu quân sự Phú Thứ lúc này thuộc quyền chỉ huy của Trung úy Văn Hồng Quân. Để giảm tổn thất cho bộ đội khi tấn công, đêm ấy, Trung úy Văn Hồng Quân mật lệnh cho một số binh sĩ - cơ sở nội tuyến bí mật đem cát bỏ vào nòng súng. Đúng hẹn, khuya hôm đó đặc công ta đột nhập. Trong đánh ra, ngoài đánh vào. Theo cố Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Nguyễn Vạn, trận đánh này do ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Chỉ huy trưởng BCHQS Thừa Thiên Huế đã qua đời) chỉ huy. Chỉ trong thời gian ngắn, C2 của K4; C117 (Bộ đội địa phương Phú Vang) và du kích Phú Đa diệt gọn cứ điểm này.

Để bảo toàn tính mạng cho bộ đội ta khi rút, trung úy Văn Hồng Quân đã cho cắt thông tin liên lạc vì e ngại cố vấn Mỹ sẽ dùng nó để gọi cho căn cứ Phú Bài dùng máy bay và bắn pháo truy kích. Không ngờ việc làm ấy bị một cố vấn Mỹ (bị thương, giả chết) phát hiện và hắn đã bắn chết trung úy Văn Hồng Quân. Sau đó chính viên cố vấn Mỹ này đã đưa vụ việc Trung úy Phó Quận trưởng Phú Thứ Văn Hồng Quân “nối giáo cho giặc” ra Tòa án binh. Từ Cầu Hai, bà Nguyễn Thị Thanh Liên biết chuyện nên lòng đầy âu lo. Bà đã báo cáo sự tình cho cách mạng để ứng phó. Do bà đang sinh đứa con trai út nên mọi việc đều do cơ sở ta đứng ra lo liệu nhằm “chạy tội” cho chồng bà mà số tiền “chung chi” lúc đó đủ để mua một ngôi nhà kha khá ở Huế. Chính nhờ có sự can thiệp của Trung tá Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Thừa Thiên Phan Văn Khoa nên những cáo buộc của viên cố vấn Mỹ đã không được chấp nhận “vì thiếu nhân chứng”. Nhờ thế, bà “quả phụ” Nguyễn Thị Thanh Liên vẫn được hưởng tiền tuất hàng tháng của chồng, cộng thêm làm nghề y tá nên đủ điều kiện vừa nuôi con ăn học vừa tiếp tục làm nhiệm vụ của một cơ sở hợp pháp cho cách mạng.

Trong lịch sử “Đảng bộ huyện Phú Vang” (Nxb. Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1999), tại trang 156 - 157 có ghi: “Tháng 2/1967, bộ đội địa phương và du kích Phú Vang tiến công chi khu quân sự Phú Thứ, diệt 48 tên địch, tiêu diệt bọn chỉ huy trong đó có tên Phó quận trưởng và 3 cố vấn Mỹ, san bằng chi khu quân sự này.” Về thời gian, đề nghị khi tái bản nên chỉnh lại, đó là ngày 10/3/1967, nhằm ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Mùi. Còn về thiệt hại, theo ông Mai Bá Chủ, quê ở Lương Viện, Phú Đa kể lại: “Rạng sáng, ông nội tôi vào chi khu quân sự Phú Thứ tìm con là trung sĩ Mai Xuân Tự. Biết con ông vô sự (vì theo Quận trưởng đi đánh bạc như đã thuật) nên ông Phan Văn Dắc (tức Bảy, hy sinh giữa năm 1967), Bí thư Phú Đa mới hỏi tình hình. Ông nội tôi báo lại: Con ông cho biết có 64 binh sĩ bị chết. Trong 3 cố vấn Mỹ, chỉ có 1 chết, 2 bị thương.” Ngoài ra, trận này, theo ông Mai Bá Chủ: ta còn bắt 11 tù binh.

Trở lại với câu chuyện của trung úy, Phó Quận trưởng Văn Hồng Quân: sau khi được ông Nguyễn Đình Bảy và Lê Sáu ký xác nhận, huyện Phú Lộc đã làm thủ tục và năm 1980 ông Văn Hồng Quân được Nhà nước công nhận Liệt sĩ.

P.H.T  
(SH317/07-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ Huế (26/07/2015)
Gió miền Trung (21/07/2015)