Tạp chí Sông Hương - Số 36 (T.3&4-1989)
Kết quả tốt đẹp của cuộc thi EM HỌC VĂN lần thứ nhất
10:35 | 23/07/2015

Đây là một hoạt động xã hội thường kỳ đầu tiên mà Sông Hương quyết tâm thực hiện, nhằm góp phần động viên một cách học và dạy Văn sinh động, hấp dẫn trong trường học.

Kết quả tốt đẹp của cuộc thi EM HỌC VĂN lần thứ nhất
Các thí sinh trúng giải và Ban tổ chức cuộc thi

Cuộc thi được sự quan tâm và hỗ trợ nhiệt thành của các cấp lãnh đạo, của các văn nghệ sĩ và ngành Giáo dục, của đông đảo phụ huynh, giáo viên và các em học sinh 5 trường PTTH của thành phố Huế (cuộc thi lần này còn mang tính chất thí điểm để rút kinh nghiệm cho các lần sau nên khoanh gọn chỉ trong 5 trường PTTH Huế). Cuộc thi được sự đóng góp tài trợ hết sức tích cực và hiệu quả của Hội Người Yêu Huế tại Pháp, đặc biệt của bà Thân Thị Ngọc Quế và giáo sư tiến sĩ Cao Huy Thuần.

Đông đảo học sinh PTTH Huế đã ghi tên và dự thi với một thái độ rất trân trọng nhưng đầy tự tin và sảng khoái.

Để có đề thi có chất lượng, 15 văn nghệ sĩ và giáo viên (không dạy ở 5 trường PTTH Huế) đã được mời tham gia "cuộc thi nhỏ" ra đề. 16 đề thi đã được gởi tới và Ban tổ chức đã chọn ra 4 đề thi khá nhất (bỏ phiếu kín sau khi trao đổi trong Ban tổ chức, trừ vị trưởng ban, không thành viên nào biết 16 đề thi kia là của ai). 4 đề thi này được niêm phong kỹ (đăng toàn văn dưới đây) để đại diện thí sinh (trước sự chứng kiến của toàn thể thí sinh) bắt lấy 2 đề và đó là 2 đề chính thức để thí sinh làm bài.(chọn 1 trong những 2 đề). Thời gian làm bài là 150 phút (không kể thời gian chép đề).

Cuộc thi đã được tổ chức tại trường PTCS Nguyễn Chí Diểu, với sự giúp đỡ nhiệt tâm về tổ chức, coi thi của Hội đồng giáo viên, với việc bảo vệ trật tự chu đáo của Công an phường Vĩnh Lợi. Sau khi lễ khai mạc gọn trong 15 phút (với sự có mặt của PTS Nguyễn Đình Ngộ, Phó chủ tịch UBND tỉnh BTT, lãnh đạo sở giáo dục và Hội Văn nghệ BTT, toàn bộ Ban biên tập Tạp chí Sông Hương và đông đảo phóng viên của các cơ quan truyền thông đại chúng) các thí sinh đã nhanh chóng vào phòng thi và ngồi vào bàn viết...

Hội đồng chấm thi đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đã bỏ phiếu kín quyết định cho các giải thưởng. Vì thí sinh chọn ở cả 2 đề thi (đề 2 và 4) đều có những bài có chất lượng cao nên Hội đồng chấm thi, sau khi trao đổi với Ban tổ chức, đã quyết định tăng thêm 1 giải nhì và một giải khuyến khích.

Lễ trao thưởng đã được tổ chức trọng thể tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương trước Tết Kỷ Tỵ. Cũng trong dịp này, Tạp chí Sông Hương đã tặng quà lưu niệm cho các giáo viên dạy văn của các em được trúng giải.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu danh sách các thí sinh trúng giải, bài phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Tổng biên tập Sông Hương, Chủ tịch Hội đồng thi, nội dung 4 đề thi và 2 bài văn đạt giải Nhì.
(SH)




DANH SÁCH CÁC THÍ SINH TRÚNG THƯỞNG

* Giải nhất: Tạm thời chưa có.
* Giải nhì: (50.000 đồng cho mỗi thí sinh)
- Em Nguyễn Thị Minh Hiếu, học sinh lớp 10 chuyên Văn Trường PTTH Quốc Học.
- Em Lê Thanh Hà, học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường PTTH Quốc Học.
* Giải ba:(40.000 đồng)
- Em Lê Văn Quảng, học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường PTTH Quốc Học.
* Giải khuyến khích: (20.000 đồng cho mỗi thí sinh)
- Em Nguyễn Vũ Thủy Tiên, học sinh lớp 10 chuyên Anh Trường PTTH Hai Bà Trưng.
- Em Cao Thị Thanh Yên, học sinh lớp 11 chuyên Toán Trường PTTH Quốc Học.
- Em Nguyễn Thị Hoàng Anh, học sinh lớp 12/1 Trường PTTH Nguyễn Huệ.
- Em Nguyễn Thị Diễm Thúy, học sinh lớp 12/1 Trường PTTH Nguyễn Huệ.



Phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ trong lễ trao thưởng


Cho phép tôi thay mặt Ban biên tập Tạp chí SH, Ban tổ chức và Hội đồng chấm thi được nói đôi lời về cuộc thi này.

Điều trước hết cần nói là chúng tôi đã đón nhận một sự hưởng ứng hết sức nhiệt thành, có thể nói là hồ hởi, ở tất cả các thành phần, các tổ chức liên quan: ngành giáo dục, các giáo viên, phụ huynh học sinh, giới báo chí, các đồng chí lãnh đạo, đại diện của nhóm trí thức tài trợ ở Pháp, anh chị em văn nghệ sĩ và quan trọng nhất - dĩ nhiên - của các em học sinh 5 trường PTTH ở Huế. Chúng tôi muốn cuộc thi là một sinh hoạt ngoại khóa hữu ích đối với các em nên mục đích đặt ra cũng giản dị: mong các em viết ra những điều thực sự là của chính mình nghĩ, chính mình xúc cảm trong cuộc đời trong cuộc sống của các em. Mục đích ấy là giản dị nhưng thực ra nó không nhỏ bé. Bởi nó là cái nhân lớn để làm nên một tính cách con người. Lẽ nào lại có thể có một con người chân chính, một tâm hồn lớn lại xa lạ với điều chân thành, xa lạ với sự chân thật? Tiếc thay, không ít các em của chúng ta đã phải chống đỡ với sự sáo mòn, sự cứng nhắc bằng chỉ trái tim phập phồng đầy cảm xúc và nỗi lo âu bé bỏng của mình, không phải trong một tiết giảng, không phải trong một mùa thu, mà triền miên, không ít nơi không ít chốn để riết rồi ra chính không ít các em đã không còn là chính các em nữa. Vâng, điều chúng tôi hy vọng, mong muốn lớn nhất thực ra là như vậy:

Các em hãy thực sự là các em!

Với cuộc thi này chúng tôi có thể báo cáo với quý vị rằng, hy vọng đó đã là hiện thực.

Các em tha thiết yêu thương thành phố mà các em đang sống, nó như chính tâm hồn đầy nhạy cảm của các em, nên các em phát hiện ra cả những điều đáng buồn mà chưa chắc người lớn đã có thể nhận ra. Từ con bò gặm cỏ tự do đến lạ lùng trước một trường đại học, trục giao thông chính lại xẻ toe thành phố làm hai đến vô lý, bức họa cổ ở Điện Thái Hòa sau đợt trùng tu bỗng trở thành một bức họa rất thanh xuân... cho đến cái thành phố mang tiếng văn hóa mà đi đâu cũng đầy rẫy quán nhậu của người lớn còn không hề có một chỗ giải trí cho trẻ con ngoại trừ Nhà văn hóa thiếu nhi bé xíu, điều nghịch lý ấy khiến em phải thốt lên: các bác các chú quên rằng có rất nhiều người bé nhỏ như chúng em ở thành phố này rồi sao? Cho đến cả lo âu, như một lời cảnh cáo: đi đường thì sụp hố, đi đò thì bị lật đò, qua cầu thì cầu gãy... thì làm sao người nước ngoài dám tới du lịch ở quê mình vì toàn chuyện "dễ sợ như rứa". Và em kiến nghị: muốn họ tới thăm mình thì ở đây phải bảo đảm cho họ khỏi chết đã! Nhưng ở đề thi này, không phải các em chỉ nói lên xúc cảm rất tinh tế của mình qua những nhận xét lạ lùng nhưng chính xác trên đây mà đã có cả những tư duy khái quát, sắc sảo có tầm rộng lớn hơn về mặt quy hoạch như ở bài của em Lê Thanh Hà, giải nhì.

Ở đề thi khác, đề thi viết về kỷ niệm, nó thực sự thử thách tính chân thực và trình độ cảm xúc sâu xa của các em. Các em của chúng ta thật giàu lòng nhơn nghĩa. Các em viết về lòng biết ơn. Các em biết ơn mẹ cha sinh thành và vất vả suốt đời vì con, biết ơn cô giáo có mặt bên em trong suốt tất cả bước ngoặt đau đớn của cuộc đời trong lúc chính cô đang gánh chịu một số phận thật nặng nề, biết ơn những người rất nghèo, rất khổ sở (nhiều em viết về những con người như vậy) nhưng có tấm lòng thật rộng lớn, bao dung; biết ơn người chiến sĩ quân đội đánh cướp bảo vệ đồng bào, biết ơn những trang sách đã đưa đến cho các em hình ảnh người thầy giáo đầu tiên nhưng là suốt đời, hoặc một người bạn tận Bắc cực thật tuyệt vời...

Nhưng không phải các em chỉ viết về những con người đã làm ơn đối với các em để khiến các em ghi nhớ suốt đời mình, mặc dù đó là những tình cảm thật đáng trân trọng vì với tính cách con người Việt Nam chúng ta, một trong những lời nguyền rủa khủng khiếp nhất chính là "đồ vong ân bội nghĩa" cho dù như vậy, nhiều em đã không dừng lại ở đó. Em Thủy Tiên viết về người bạn gái đã từ chối đến một nơi chốn sung sướng cho dù sự từ chối ấy lại chính với người mẹ của mình, nhưng không phải vấn đề đáng nói là ở chỗ người bạn gái ấy có đi hay không đi, mà chính ở một thái độ chân chính nhất của con người đã có ở người bạn gái bé nhỏ ấy: người cha cô đang gặp một chuyện không may, cô phải có trách nhiệm với một số phận bi đát, cô không thể chạy trốn trách nhiệm của một người con, của một con người. Vấn đề thật lớn lao, đó là cái nhìn mà chính Granhin đã phân tích đến như kêu lên một cách đau đớn: phải có lòng nhân từ, phải biết thương những con người ngã xuống, và đó là cái tâm để nhân loại không bị hủy diệt, không tự đánh đồng với loài thú vật. Cũng trên một cách nhìn và cái tâm như vậy nhưng xúc động hơn, em Nguyễn Thị Minh Hiếu viết về một số phận bi đát khác, một con người chưa từng chuyện trò với em một lần, chưa từng nói với em một câu, tất nhiên chưa hề đem đến cho em một ân nghĩa nào, một con người vùng quẫy để có được một chút hạnh phúc nhưng suốt đời không có được, cuộc đời của một người câm ở làng quê em. Và em xúc động trước cuộc đời câm lặng ấy, cao hơn, em muốn thay người đó nói với cuộc đời đôi lời mà người đó không sao nói được. Cảm ơn sự xúc cảm sâu xa và nhân bản vô cùng của em, em Nguyễn Thị Minh Hiếu!

Chính vì tất cả những điều ấy, chúng tôi có thể nói rằng, cuộc thi đã thành công lớn, cho dù chúng ta chưa muốn nhận một lúc 2 giải nhất như chính người Huế Bình Trị Thiên chúng ta luôn luôn khiêm nhường và sâu sắc, cái đã qua là rất tốt nhưng cái tốt hơn nữa đang còn là ở phía trước. Như Mơbâu đã nói: "Huế luôn luôn mới"! Chúc các em luôn luôn mới!



Bốn đề thi

ĐỀ THỨ NHẤT:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
"Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con".


Qua bài ca dao trên, em hãy thuật lại hoàn cảnh kiếm sống nuôi con của con cò, tai biến xảy đến với nó, cuộc đối thoại đau đớn của nó với người bắt chim và hãy tưởng tượng theo ý em số phận may rủi sau cùng đã đến với con cò như thế nào?

ĐỀ THỨ HAI(1): Có những con người hiện ra từ trang sách, từ lời kể của bà, lời ru của mẹ hoặc em đã gặp trong đời, đi qua rồi ở lại trong tâm hồn em, sống mãi và lớn lên cùng em theo năm tháng. Em hãy kể về đời sống riêng của một trong những con người đó trong em.

ĐỀ THỨ BA: Mỗi chúng ta đều có một quê hương nặng tình nặng nghĩa. Với tâm trạng da diết ấy, Đỗ Trung Quân đã viết:

... Quê hương là chùm khế ngọt
Cho ta trèo hái mỗi ngày
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che

...Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi làm người.


Từ gợi cảm của những câu thơ trên, em hãy nói lên hình ảnh và cảm xúc về quê hương thân yêu của riêng mình.

ĐỀ THỨ TƯ(1): Với tình yêu thành phố của mình, em hãy đề xuất ý kiến những gì cần thay đổi hoặc hủy bỏ và những gì cần xây dựng, tô điểm thêm để quang cảnh Huế xứng đáng là một thành phố đẹp và thơ?


------------
(1) Đề 2 và 4 là 2 đề được bốc trúng.




Hai bài văn đoạt giải nhì

NGUYỄN THỊ MINH HIẾU

(Giải Nhì)

Bà ngoại tôi giờ cũng đã già lắm rồi! Chín tư mùa thu đi qua trên đời bà và để lại những đường nhăn nheo trên mặt, và mỗi năm cứ như hằn sâu thêm. Tôi yêu quý bà lắm, xem bà là một bà già trong chuyện cổ tích và đến lúc lớn bà là nơi tựa cho tôi, chỉ bảo cho tôi những cái hay, cái đẹp. Bà thường dẫn tôi về làng ăn "kỵ".

Làng Ngọc Anh lần đầu tiên tôi thấy cũng là lúc tôi chứng kiến một cảnh đời mà tôi không quên, cho dù khi đó tôi còn bé lắm và đến giờ hình ảnh con người ấy, cuộc đời con người ấy chỉ gói gọn trong đôi mắt u buồn nhìn tôi với cái nhìn không tài nào giải thích được.

Cứ mỗi lần đến ngày kỵ, bà ngoại tôi lại sửa soạn tất bật dắt tôi đi. Ríu rít bên bà, tôi chỉ thấy tôi vui sướng lắm. Hết nhìn cái này rồi đến cái nọ bằng đôi mắt nhỏ, miệng tíu tít hỏi liến thoắng.

- Mệ ơi! Răng mà trâu đi tới đi lui chi rứa mệ?

- Ờ!.. Ờ... thì hắn cày chớ răng!

Hình như mệ tôi mãi bận nghĩ gì đó mới trả lời chủng chẳng. Chắc người đang nghĩ đến cảnh gặp bà con ở làng, rồi cảnh cúng bái nghiêm trang... Thế mà mệ không giận tôi đâu, lại còn nói "Kệ, cho hắn đi cho vui, cho biết bà biết con". Tôi có thấy gì đâu ngoài những người là người, nghe tiếng gà vịt kêu quang quác. Qua khỏi cái cầu dừa nhỏ, mệ tôi gặp một O đi ngược chiều, vai quảy đôi quang gánh đựng đầy gạo đỏ, hạt gạo đỏ ở làng tôi. O chạy đến mệ tôi, cười cười ra dấu. Mệ tôi thấy O thì mừng rỡ lắm, hỏi tíu tít, O cứ ra dấu còn mệ thì gật đầu cười. Vì còn nhỏ, tôi tưởng O giỡn chơi. Khi O đã đi xa, tôi mới hỏi:

- Mệ ơi! O nớ răng rứa?

- O tội lắm con ơi! O bị câm khi còn bé, bé như con ri.

Tôi chưa thấy người câm, và trong nhà cũng chưa lần nào nói nhiều đến người câm. Tôi cứ tưởng những người như thế này chắc là sợ lắm. Nhưng O trông hiền thế, lại dễ thương nữa. Tôi cứ miên man nghĩ về O, nhưng đúng là tuổi con nít, khi gặp các ông bà ở làng, thì tôi quên mất, chỉ còn mờ nhạt trong tôi.

Bẵng đi vài năm, tôi lại theo mệ về kỵ. Lần này tôi nghe nói kỵ to lắm. Tôi háo hức trong bộ đồ mới chạy lon ton bên mệ. Mệ tôi vẫn như mọi năm, vẫn cái quần trắng xatanh, vẫn cái áo dài gấm, vẫn cái khăn lau miệng màu đỏ, vẫn cái giỏ con mà tôi biết trong đó thế nào cũng có vài miếng cau, dăm lá trầu hương. Bên cạnh đó còn cả một giỏ trà to, một bó hương và có cả những chiếc bánh cúng đủ màu sắc. Khuôn mặt mệ trở nên thành kính với một niềm kính thương đối với người quá cố. Còn tôi, có lớn lên chút ít nên không quấy rầy mệ nữa...

Khi bước qua chiếc cầu dừa giờ đã có xanh rêu, không biết tại sao tôi lại nhớ đến cái O câm xinh đẹp ngày xưa. Cái ngày xưa ấy, O mặc áo cánh nâu với quần nái đen, vai quẩy dẻo dai đôi quang gánh đầy ắp gạo đỏ. Tôi muốn hỏi mệ, nhưng nghĩ sao lại thôi.

Trong ngày kỵ, tự nhiên tôi thấy buồn buồn, một nỗi buồn vớ vẩn không đâu. Tôi không ưa la cà chơi với bọn trẻ chăn trâu nữa, ngồi im bên mệ nghe chuyện trò rôm rả. Mọi người kể cho mệ nghe cái O câm ở cạnh cầu dừa bỏ đi đâu mất. Nghe nhắc đến O, tôi càng chăm chú nghe hơn. Từ cái ngày tôi về làng đến nay đã là hai năm. Thế mà trong hai năm ấy đã chứng kiến một đời người, một cuộc đời câm lặng, một cuộc đời mà sóng gió chỉ gào thét trong lòng chứ không khi nào và cho đến cuối đời thốt ra khỏi miệng, O đã có con với một người mà làng không hề biết mặt. Chỉ biết rằng khi ngày chào đời của đứa bé, dân làng thấy đó là một đứa bé xinh đẹp mà ai cũng thích. Họ cảm thông cho nỗi khổ của O câm, và O đã tìm thấy một niềm hạnh phúc con con trong cuộc sống. Người giúp bát gạo, kẻ giúp miếng cháo nuôi nấng chăm sóc O. Khi đã hồi phục, từ đôi mắt u buồn của O đã sáng lên tia trìu mến.

Nhưng rồi một hôm, O bỗng ra dấu cho mọi người biết là O đi tìm cha đứa bé, vì người ấy O có biết sống ở một nơi mà O dấu kín không cho mọi người biết. Ai ai cũng khuyên ngăn, níu kéo O ở lại, có xóm có giềng sớm tối đùm bọc nhau. Nhưng, những con người ấy, những con người tàn tật họ có ý chí của họ. Vì mỗi khi tình cảm của họ không được nói ra, không được giải bày thì nó càng như ngọn lửa cháy âm ĩ trong lòng, và đến một lúc nào đó, nó cũng sẽ bùng lên mà thôi.

Ra đi, âm thầm và lặng lẽ. Sáng mai, không thấy O trên con đường đất đỏ nữa cũng không còn O gánh gạo dẻo dai. Theo như mọi người đêm hôm đó là đêm ba mươi nên trời tối lắm. Với thêm mưa gió não nùng lắm. Có ai nghĩ rằng, dưới trời mưa gió ấy, dưới sấm chớp nhì nhằng ấy có người mẹ ôm con xiêu xiêu trong làn gió mưa, để trả giá cho niềm hạnh phúc mà mình đạt được...

Kể từ đêm hôm đó, năm ấy, O câm ra đi mãi và cũng gần như đi vào sự lãng quên của mọi người ở làng Ngọc Anh. Căn nhà O ở năm xưa giờ là quán nước của bà cụ già. Mọi người đi làm đồng về ghé vào quán bà uống vài ly nước, ăn củ khoai, củ sắn. Đôi khi cũng còn có vài người nhắc chuyện năm xưa bắt bà cụ kể. Với giọng đều đều, bà cụ như nhớ lại cái năm nào còn O câm ở... Nước chè đã hết, câu chuyện cũng chấm dứt, mọi người lại lục tục kéo nhau đi. Bước chân ra khỏi quán, kể như là bước qua khỏi giai đoạn xa xưa. Mọi người lại thôi nghĩ về dĩ vãng, vì cuộc sống, hôm nay, ngày mai có nhiều cái đáng lo lắm...

Tôi lớn dần lên theo năm tháng, nhưng O câm ấy không hiểu vì sao tôi nhớ dai thế. Phải chăng hình ảnh và con người O đã là "ấn tượng" trong lòng tôi rồi chăng? Hay là cái ngày đầu tiên về làng ấy? Tôi không giải thích được và đành hỏi ý kiến những người đã từng trải trong đời, đã có một lần bước qua quãng thời niên thiếu của mình thử sao. Những lần sau này, tôi không về quê ngoại được nữa. Mệ tôi đã già yếu lắm rồi, mắt mờ và chân yếu. Có lúc ghé qua làng Ngọc Anh tôi đều đi xe đạp chứ không còn cái thú đi bộ như lúc nhỏ để tận hưởng hương thơm của đồng nội quê tôi.

Rồi một hôm, tôi thong thả đạp xe về làng. Tôi không còn đi cầu dừa nữa mà đi cầu ông Thượng. Như mọi lần, tôi lại chầm chậm để nhìn cảnh đổi thay của quê ngoại. Không hiểu sao, tôi lại nhớ và như thấy O câm vẫn quẩy gạo như mọi khi. Tôi ghé vào quán nước bà cụ để uống nước chè và cốt yếu là được lặng yên trầm mình trong giọng kể đều đều của cụ bà. Quán vẫn còn đây, nhưng cụ bà chẳng thấy, chỉ thấy một người đàn bà ngồi bán, đang lui cui dọn dẹp. Tôi ngạc nhiên xuýt kêu lên. Người đàn bà đó chính là O câm. Nét mặt O vẫn thế, đôi mắt vẫn thế, nhưng tuổi già xồng xộc đến cướp đi vẻ trẻ trung của O, cọng thêm những nỗi khổ đau gian truân (chắc là có) đè lên những nếp nhăn của tuổi già tạo thành những vết chân chim hằn sâu nơi khóe mắt, tôi chỉ chào O thôi, chứ không gợi một cái gì xa xưa cả dù tôi rất muốn hỏi, muốn nói. Vì tôi sợ, tôi sợ mình chạm vào vết thương sâu kín trong O, dù nó có lành rồi đi chăng nữa…

Khi tôi kể lại câu chuyện hôm nay thì O không còn nữa. Nỗi đau khổ đã cướp O đi mất chứ không phải Thần Chết, O sinh ra, lớn lên, và cho đến lúc chết là cả một chuỗi tháng ngày câm lặng, O ra đi, ôm theo cả nỗi khổ đau mà O không dứt ra được. Chẳng một ai biết đứa con O ra sao, và cả người đã đem đến cho O nỗi vui cùng với sự đau khổ, ra sao. Họ chỉ biết có mình O, một cái bóng câm, nín với đời...

Đề thi hôm nay đã gợi mở cho tôi cái kỷ niệm thời thơ ấu ấy. Tôi không định kể vì tôi có sống gần O mấy đâu, có hiểu thấu O lắm đâu? Nhưng tôi đã kể và phải kể vì tôi muốn mình làm một cái gì đó, viết một cái gì đó thay mặt cho một con người không có khả năng kể cũng như viết về cuộc đời mình, cuộc đời mà cái phũ phàng lấn át cái hạnh phúc, cái bất hạnh đè nặng cuộc đời mà của một con người nhỏ trong biển người mênh mông. Hạnh phúc chỉ đến với O một lần ra đi như con tim đi, đi hết máu không về. Thật tội nghiệp cho O. Sống với người mà không nói được câu nào với người, thì ra ông trời bất công lắm thay!!!...

N.T.M.H



LÊ THANH HÀ

(Giải Nhì)

Có một lần, giữa sân trường đầy nắng, bọn tôi xúm quanh một bác Việt kiều từ Mỹ về háo hức nghe kể chuyện. Và tất cả chúng tôi đều lặng đi sau khi vừa nghe xong câu nói đầu tiên của bác ấy - một giáo sư của trường Đại học xa xôi nào đó ở tận Tây bán cầu: "Bác đi đã gần hăm bốn năm rồi!"; câu nói vang lên bằng một giọng đặc chất Huế! Thế là sau một phút dè dặt, chúng tôi đã cùng bác chuyện trò thoải mái, y như đã quen nhau tự lâu lắm rồi.

Bằng giọng Huế nhỏ nhẹ, bác kể về thành phố cách đây mấy chục năm và ngắm nhìn ngôi trường, hàng phượng, nhìn chúng tôi âu yếm. Không hiểu sao, khi lắng nghe bác nói, ý định muốn được nghe kể về những thành phố tráng lệ ở bên kia Đại dương đã có trong tôi trong những giờ phút đầu tiên khi gặp bác đã tan biến đi từ lúc nào chẳng rõ. Càng nghe, tôi càng nhận thấy mình hiểu biết về nơi mình sinh ra và lớn lên quá ư ít ỏi và sơ sài. Ngắm nhìn thành phố, tự nhiên trong tôi buồn vui lẫn lộn, càng nhìn, trong tôi càng thấy thôi thúc muốn được viết ra những gì tâm huyết nhất của mình về những dãy phố, ngôi nhà, con đường và con người, những lăng tẩm, đền đài... những mong như thế mỗi ngày, nhìn thành phố, mình càng thấy đẹp hơn, thơ mộng hơn và tự hào hơn.

Đi dọc những dãy phố dài ngắn trong trung tâm thành phố, rẽ sang những công viên dọc hai bờ sông, tôi mới thấy những gì trước đây mình cảm thấy cân đối và hài hòa giờ đây thật là mất thăng bằng nếu không nói là lộn xộn. Đường Trần Hưng Đạo, con đường của những cửa hiệu, cửa hàng chạy từ cầu Bạch Hổ đến cầu Gia Hội. Có lẽ là nơi thu hút sự chú ý của mọi người nhất, ấy thế mà bến xe, bãi đỗ, cửa hàng giải khát ồn ào nằm chen vào nhau, gây nên một sự mất cân đối quá rõ nét và... nhức mắt. Theo tôi những dịch vụ ăn uống giải khát, vui chơi ấy lẽ ra phải nằm đúng chỗ của nó: những công viên hai bên bờ sông.

Song đấy chỉ là một ví dụ nhỏ về một điều có thể coi là nhỏ nhặt trong thành phố. Cái tôi muốn nói đến là những quần thể kiến trúc lăng tẩm đền đài rải đều trong thành phố chúng ta. Những mái nhà cong lợp ngói âm dương lấp lánh nắng hè, hay trầm mặc giữa mưa phùn của trời Huế đã chinh phục chúng ta ngay từ buổi đầu đặt chân đến thăm. Và cũng chính những cái đó đã dội lên trong tim ta những nỗi niềm nhức nhối về một sự hoang tàn đổ nát đang được phục hồi một cách cầm chừng. Tôi nhớ hai câu thơ trong bài "Mộng đắc thái liên" của đại thi hào Nguyễn Du:

Hái sen chớ đụng ngó
Năm sau hoa chẳng sinh.


Người hiền triết, nhà thơ Việt Nam ngày xưa nói như thế! Còn chúng ta hôm nay, không việc gì phải giấu giếm rằng: đã quá nhiều lần chúng ta can thiệp một cách thô bạo vào vốn di sản văn hóa kiến trúc của dân tộc và nói riêng là thành phố Huế này. Những lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định... và lớn nhất là Hoàng cung đang đứng dưới gió mưa, sự khắc nghiệt của thời gian và sự vô tình đến độc ác của con người. Chúng ta cũng đã sửa sang, phục chế, song sự quan tâm cần thiết phải có ấy đã chưa đến nơi đến chốn. Những bức bích họa ở dưới mái ngói Điện Thái Hòa sau khi đã sửa sang lại, trở thành những bức họa hiện đại với đủ màu sắc đa dạng nếu như ta không dám nói đến chữ sặc sỡ, và rõ nhất là những con rồng, những con rồng hôm nay đã hoàn toàn mất đi dáng vẻ mềm mại và thanh thoát của ngày xưa. Sự phục chế còn đang ở mức thấp, hay đúng hơn là như lời nói của bạn tôi, một anh chàng nổi tiếng liều mạng: Thà ngắc ngoải còn hơn chết hẳn.

Ngay trong công việc phục chế cũng như xây dựng không thể nào không chú ý đến yếu tố đất đai, ánh sáng, màu sắc của xứ Huế mình. Những móng đá bền vững, những mái và tường nhà phải có sự hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Đối với những công trình kiến trúc cha ông ta để lại, theo tôi nghĩ, cần phải giữ lại màu sắc cổ vốn có của nó. Nếu không, có lẽ khi đứng trước một mái đình, mái chùa hay trước Ngọ Môn, chúng ta sẽ không tài nào biết được ngày xưa cha ông ta đã nghĩ gì và làm gì trước khoảng trời, trước cơn mưa mùa hè và mùa đông của Huế. Sự lựa chọn của người xưa thật tuyệt diệu. Sự tuyệt diệu đó thể hiện ở chỗ thành phố chúng ta đứng một cách hài hòa hai bên con sông Hương, chúng ta cần phải nhận rõ diễm phúc ấy và giữ lấy làm của riêng cho chính mình. Có một kiến trúc sư đã nói với bạn bè: "Khi tôi thiết kế, có nghĩa là tôi đang tìm kiếm tâm hồn ngôi nhà"; còn người Nga lại nói: "Thành phố ra sao thì tính cách như vậy". Con người Huế chúng ta là những người có tính cách, thành phố cũng đã từ lâu như thế và hôm nay, ta phải cố mà giữ lấy tất cả điều ấy. Những nhà máy, xí nghiệp ở Huế chưa nhiều, song dù ít, dù nhỏ hay thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải chú ý đến con người và thiên nhiên. Việc quy định vị trí xây dựng không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tiện lợi về giao thông, về nguyên vật liệu hay sự rải đều về phạm vi không gian như những điều ghi trong các kế hoạch.

Trong Đại hội Olempic tại Xơun, tất cả những người đến dự đều trầm trồ khen ngợi về sự sạch sẽ của những đường phố, như những lối đi trong các khuôn viên, công viên. Còn chúng ta, con đường sạch đẹp, khu phố sạch đẹp, công viên sạch đẹp, tất cả những điều ấy vẫn đang còn trong mơ ước. Ấy là chưa nói đến hệ thống đường giao thông trong thành phố chúng ta đang xuống cấp một cách toàn diện. Những đoạn đường ổ gà, lượn sóng và lún dần do nội lực không phải là một hiện tượng cá biệt. Và cho đến bây giờ, đường quốc lộ vẫn đi xuyên qua trung tâm thành phố ta. Gọi là đường quốc lộ, nhưng thực ra là sự kết hợp của các con đường trong thành phố: đường Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hùng Vương. Chúng ta làm cái điều mà tất cả các thành phố trên thế giới đều cấm kị coi như một nguyên tắc. Không nói đâu xa, Đà Nẵng - thành phố sát vách ta cũng đã giải quyết xong việc vi phạm nguyên tắc đó.

"Nói ngày hôm nay tồi hơn ngày hôm qua, đó không phải là việc của các nhà thông thái". Điều cốt yếu của chúng ta hôm nay là tìm ra được một phương pháp tối ưu trong việc giải quyết những vướng mắc trong ngày hôm nay. Tôi nhớ khi tôi hỏi nhà báo Mỹ Pi tơ về thành phố Oasinhtơn, ông xua tay lia lịa và nói: "Thành phố Oasinhtơn,- tuổi của nó cũng xấp xỉ bằng thành phố của các bạn mà thôi". Như thế để chúng ta thấy được rằng: nơi chúng ta đang sống đã có một lịch sử lâu đời đến mức nào và cố gắng đừng làm cho bề dày của truyền thống trở thành sự già cỗi. Ông nhà báo ấy còn nói tiếp: "Trong lịch làm việc của tôi, nơi đầu tiên phải đến là những ngôi trường trong thành phố này". Họ quan tâm đến nền văn hóa ngày xưa và hôm nay của chúng ta như thế nào và để làm gì, có lẽ ta không cần biết. Song đối với chúng ta, điều đó là một trách nhiệm, nói rõ hơn: là một nguyên tắc có tính xác định. Chẳng ai thích đi giữa một thành phố đầy những kỳ quan mà không có lấy một con người lịch sự và có văn hóa. Chúng ta không phải tìm đâu xa, ở một nơi nào trên thế giới, những tính cách con người và thành phố hiển hiện lên trong mỗi tà áo dài trắng, một chiếc nón bài thơ, một điệu hò và ngay cả trong một câu nói mời chào. Không thể gọi là một thành phố đẹp và thơ nếu như nơi ấy không có lấy một chút gì sâu sắc về tính cách. Những quần thể kiến trúc về văn hóa, nhà ở, những nếp sống phong tục tập quán cần phải được nhân lên, đồng thời không thể tách xa những gì có tính riêng biệt, bản sắc của Huế. Xây dựng một thành phố có tính cách với đúng nghĩa của nó không phải là một việc dễ dàng. Song theo tôi nghĩ, thành phố ta đã có những tính cách riêng mà không một nơi nào trên trái đất này có được. Có điều, giữ được và phát huy những vốn văn hóa vô giá ấy hay không mới là điều đáng quan tâm. Nhà trường, gia đình cũng như những bài báo, cuốn sách phải là những điều thúc đẩy những chủ nhân thành phố tương lai biết nhìn về quá khứ và nhìn rộng ra tương lai. Những cuộc hội thảo về thành phố Huế tương lai không thể nào chỉ ít ỏi như hiện nay, và hơn thế nữa những ý kiến hay, phương án hay cần phải được thực hiện. Mỹ quan thành phố cần phải được tạo dựng bằng sự xúc cảm chân thành, tỉnh táo và khoa học. Làm sao đó cho tất cả những người đến Huế và ra đi với một sự lắng sâu về một thành phố hài hòa giữa con người đầy văn hóa và văn hóa tràn trề chất con người.

"Huế nằm giữa núi và biển, vì thế cần phải vút cao lên", không biết một người nào đã nói như thế. Không thể bỏ qua những chuyện bếp núc của ngày thường, song không phải vì thế mà chúng ta không mong muốn, không suy nghĩ làm thế nào để cho thành phố - nơi ta đang sống trở thành một chốn đẹp đẽ! Ít ra là như thế, dù chỉ là trong mơ ước. Và tất cả những điều ta làm ta nghĩ đều là những ước muốn cho con người được sống tốt hơn. Có thể nhắc lại lời của nhà thơ Anđrây Vôlơnhê Xenxkep: "Tất cả mọi sự tiến bộ đều trở thành phản động nếu con người bị hủy diệt".

L.T.H
(SH36/03&04-89)




 

Các bài mới
Thi sĩ (10/08/2015)
Tòa án (06/08/2015)
Các bài đã đăng
Thím Lan (14/07/2015)