Tạp chí Sông Hương - Số 36 (T.3&4-1989)
Có hay không "khuynh hướng phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta"
09:20 | 11/08/2015

HOÀNG DŨNG

Có hay không "khuynh hướng phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta"
Ảnh: internet

Người đầu tiên khẳng định gần đây có một "khuynh hướng phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta" là Phan Cự Đệ trong bài "Mấy ý kiến về đổi mới tư duy trong lý luận, phê bình văn học" (Văn nghệ quân đội số 12-1987). Ba tháng sau, tai hội nghị bàn tròn do tạp chí Cộng sản tổ chức, Hà Xuân Trường lên tiếng phê phán "khuynh hướng một chiều, gây ấn tượng phủ định không đúng và không công bằng đối với những việc làm trước đây, (tạp chí Cộng sản số 4-1983, tr. 64). Tại hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 9-1988, Nguyễn Xuân Sanh đọc tham luận, xác nhận "có những cây bút cực đoan, quá trớn phủ nhận quá khứ và truyền thống" (Tác phẩm văn học số 9-1988, tr.172). Sau hội nghị trên, dồn dập nhiều ý kiến báo động: có "quan niệm vội vàng của một số người" là "xóa sạch, phủ nhận những thành tựu đã đạt được"(Tế Hanh, "Thơ hôm qua và thơ hôm nay", (trả lời phỏng vấn), VNQĐ số 10-1988, tr. 118), có "cái tâm lý muốn phủ nhận tất cả" và "cần phải lo lắng" đến "cái tâm lý phủ nhận" (Mai ngữ, "Cảm nghĩ văn nghệ 88", TCCS số 10-1988, tr. 65 và phát biểu tại hội nghị bàn tròn do tạp chí Tác phẩm văn học tổ chức, tháng 10-1988, (TPVH số 9-1988, tr. 182) (1), có "những người phủ nhận" (Nguyễn Văn Lưu, TPVH số 9-1988, tr. 187), "ý kiến phủ nhận là có đấy tuy không phải của một số đông nhà văn", "trong một số lời phát biểu trên báo, có lời lẽ phủ nhận quá khứ" (Nguyễn Đình Thi, TPVH số 9-1988, tr. 178 và Văn Nghệ số 50, 10-12-1988), có "xu hướng phủ nhận", có "những lời đánh giá ngày càng thiên về hướng phủ nhận toàn bộ"(Lê Xuân Vũ, TPVH số 9- 1988 tr. 179 và TCCS số 11-1988 tr. 6), "những người phủ nhận văn học nói họ không phủ nhận nhưng đọc là người ta biết ngay, văn chương giàu làm sao được!" (Hoàng Trung Thông, TPVH số 9-1988, tr. 182),...

Tóm lại, suốt một năm qua, trên nhiều diễn đàn, nhiều người đã lên tiếng phê phán việc phủ nhận thành tựu quá khứ của văn học ta.

Nhưng không phải không có ý kiến khác. Trên báo Văn nghệ quân đội (số 5-1988), Lại Nguyên Ân bác bỏ ý kiến của Phan Cự Đệ, cho đó chỉ là "lối sính quy chụp", "thậm xưng ngôn từ" (tr.119). Tại hội nghị bàn tròn do tạp chí Cộng sản tổ chức, Thiếu Mai khẳng định không có khuynh hướng phủ nhận (TCCS số 4-1988, tr. 62-63), Từ Sơn cũng cho rằng "có ai dám phủ nhận thành tựu quá khứ đâu" (TCCS số 5-1988, tr.71). Còn tại hội nghị bàn tròn do tạp chí Tác phẩm văn học tổ chức, Nguyễn Văn Hạnh cho rằng nói có khuynh hướng phủ nhận là "cường điệu vấn đề", Nguyễn Đăng Mạnh cũng bảo đấy chỉ là lối "bơm to" chuyện (TPVH số 9, tr.117 và 180). Gần đây nhất, Trần Độ xác nhận "không ai phủ nhận thành tựu quá khứ cả" ("Văn nghệ cần tiếp tục đổi mới", VN số 46, 12-11-1988).

Kẻ bảo có, người nói không, vậy sự thực thế nào? Đúng như ý kiến của Hồng Diệu (TPVH số 9-1988, tr.186): "Đã bao giờ chúng ta tập trung bàn thật kỹ vấn đề này trên báo chí? Có thể ta chưa có thì giờ, có thể chưa có báo nào chủ trương cho bàn kỹ. Hãy đưa những dẫn chứng cụ thể, hãy thừa nhận hay bác bỏ từng luận điểm cụ thể". Những người khẳng định có việc phủ nhận đều chỉ dừng lại ở sự khẳng định chung chung, trừ Phan Cự Đệ và Lê Xuân Vũ là có đưa ra địa chỉ cụ thể. Phan Cự Đệ tuy không nêu đích danh bài nào của tác giả nào là phủ nhận thành tựu, nhưng căn cứ vào những câu được trích dẫn và xuất xứ được chú thích, người ta dễ dàng xác định đó là:

1)Lại Nguyên Ân với bài "Mấy ý kiến về phê bình văn học", Quân đội nhân dân ngày 11-7-1987;

2) Nguyễn Đăng Mạnh với bài "Phê bình văn học trong tình hình mới", VN số 35, 29-7-1987; và

3) Trần Văn Giàu với bức thư "Mấy đề nghị", VN số 38,19-9-1988.

Lê Xuân Vũ (TPVH số 9-1988, tr.179) ngoài bài Nguyễn Đăng Mạnh ở danh sách trên, còn nêu thêm:

4) Nguyễn Minh Châu với bài "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa", VN số 49-50, 5-12-1987;

5) Xuân Cang với trả lời phỏng vấn trong bài "Đại hội nhà văn lần này cần theo đúng tinh thần nhìn thẳng vào sự thật", VN số 8, 20-2-1988; và

6) Trần Dần với trả lời phỏng vấn trong bài "Với Trần Dần - đối thoại mất ngủ" - tạp chí Sông Hương số 31, 5-1988(2).

Như thế, cho đến nay, nói có hay không có phủ nhận là phải xuất phát từ sự khảo sát văn bản 6 bài viết trên đây. Các văn bản còn đó, mọi người đều có thể kiểm tra. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, những người nói không có phủ nhận chưa làm đầy đủ yêu cầu đó. Bài này là một cố gắng đi theo hướng khảo sát văn bản như thế. Vì tầm quan trọng của vấn đề và vì cần phải cụ thể, người viết phải dài dòng để dựng bức tranh toàn cảnh như trên của cuộc tranh luận, trước khi thực sự bắt tay vào công việc khảo sát và luận giải.

Cho dù quan niệm: "Trước kia, mỗi lần nói đến khuyết điểm trong nội bộ của ta, người viết thường phải rào đón dài dòng. Tôi cho rằng thứ "văn phong rào đón" ấy nay nên thôi đi"(Nguyễn Đăng Mạnh), nhưng nói chung các tác giả bị buộc tội phủ nhận cũng phải rào đón cẩn thận lắm (vậy mà rốt cuộc vẫn không thoát khỏi búa rìu!). Nguyễn Minh Châu viết: "Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu thị để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc lẫn nhau trong một thời gian hơi quá dài, Nguyễn Đăng Mạnh minh định: "Nói đến khuyết điểm là chính, đúng là như vậy, nhưng không phải vì bối rối, hoang mang, cũng không phải để phủ định thành tích của ai", Xuân Cang nhấn mạnh: "Nói văngtê cho thỏa giận thì cũng ngang tự mình diệt mình, đâu phải là tự cứu mình",... Nhìn ở một khía cạnh khác, nói chung, các tác giả không những có ý thức mà còn nói một cách tường minh (explicit) rằng họ không làm cái công việc phủ nhận.

Nhưng điều quan trọng không phải là ý chủ quan của họ, mà là về khách quan, các bài viết của họ có cho phép hiểu theo hướng phủ nhận thành tựu quá khứ hay không?

Soát xét lại, ta thấy ngay rằng phạm vi để các tác giả trên đánh giá thành tựu quá khứ, đa số trường hợp, là rất hẹp. Trả lời phỏng vấn, Xuân Cang quả có phủ nhận nhưng chỉ là phủ nhận chính mình xuất phát từ "nhu cầu nhận thức lại sáng tác của tôi (tức Xuân Cang - HDchú) suốt thời gian qua"; kể ra, có thể vin vào câu nói "Nhận xét văn học ta là văn học tiên phong chống đế quốc, tất nhiên gây lòng tự hào cho đội ngũ ta, nhưng hình như khó rút điều gì để tác động chuyển biến văn học đi lên" để bảo Xuân Cang phủ nhận, nhưng rõ ràng đây chỉ là ví dụ đưa ra để dẫn chứng cho ý kiến nêu ra trước đó: "Thông thường, ta quen dựa vào các nhận định của Đại hội Đảng. Nhưng các nhận xét đó thường quá khái quát, cho nên khi vận dụng thì hình như suy diễn thế nào cũng được"(3). Các bài của Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đăng Mạnh và Trần Văn Giàu chỉ giới hạn sự phê phán trong lĩnh vực phê bình văn học, chứ không phải bàn đến nền văn học xã hội chủ nghĩa của chúng ta nói chung, ngay nhan đề các bài báo cũng cho thấy như vậy; "Mấy ý kiến về phê bình văn học, "Phê bình văn học trong tình hình mới". Không thể tìm thấy đâu trong bài viết của Nguyễn Đăng Mạnh đánh giá một cách toàn bộ rằng "Văn nghệ ta là văn nghệ tuyên truyền, không có bao nhiêu giá trị nghệ thuật" như lời kết án của Lê Xuân Vũ; còn về Lại Nguyên Ân và Trần Văn Giàu thì ngay cả những câu của các tác giả này được Phan Cự Đệ dẫn ra để phê phán, cũng chỉ nói về phê bình văn học thôi, (ở đây, tưởng nên nói thêm rằng bên cạnh lỗi thổi to lên để tiện phê phán người khác như trường hợp Lê Xuân Vũ đối với Nguyễn Đăng Mạnh ở trên, người ta còn dùng thủ thuật cắt xén nữa. Chẳng hạn, Trần Văn Giàu viết: "Tôi đi lạc trong làng văn chớ đâu phải là người làng đâu! Có phê bình mà để cổ vũ anh em chớ thật ra đã có bài phê bình văn học nào đáng gọi là phê bình văn học nghĩa là theo sát những nguyên lý phê bình cơ bản, tiếp cận với nghệ thuật phê bình đâu?"; Phan Cự Đệ chỉ trích dẫn đoạn "thật ra... phê bình đâu?" để biến câu văn tự phê bình cá nhân mình đến chỗ phủ nhận triệt để toàn bộ nền phê bình văn học). Như thế, giả dụ các tác giả trên có phủ nhận đi nữa, thì cũng không thể quy đến mức phủ nhận cả nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Huống nữa, các tác giả trên, bên cạnh cái chưa được, vẫn ghi nhận cái được của văn học ta. Về sáng tác, Trần Văn Giàu viết: "42 năm nay, nhất là 30 năm kháng chiến ta làm nhiều, nhiều lắm, và có lắm cái hay". Về phê bình, Lại Nguyên Ân cho rằng đóng góp của phê bình văn học là "cả một sự kiện văn học sử không thể bị phủ nhận" nhưng "cần nhấn mạnh một cái nhìn phê phán, nhìn thẳng vào những điểm yếu nhất, như thời điểm hiện nay đòi hỏi"; Nguyễn Đăng Mạnh vẫn xác nhận có một "khuynh hướng phê bình trung thực, khoa học, chú ý đến đặc trưng của đối tượng và bám sát đời sống văn học", khuynh hướng đó "khởi sắc dần lên và ngày càng tạo ra được những bài viết có giá trị" cho dù nó "chưa bao giờ chiếm được ưu thế trong đời sống văn học". Nhận xét chung về nền văn học, Nguyễn Minh Châu nói rõ: "Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng - nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn - không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực".

Một mặt minh định như trên, mặt khác lại cho rằng mấy chục năm qua văn nghệ ta "chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng", Nguyễn Minh Châu có tự mâu thuẫn không? Nói minh họa tức là xét mối quan hệ giữa người sáng tác với người quản lý văn nghệ, với chính sách, đường lối, chứ không phải hoàn toàn phủ nhận thành tựu, dù vấn đề trên có liên quan mật thiết đến thành tựu văn nghệ. Theo Nguyễn Minh Châu, trong khoảng không gian hạn hẹp mà đường hướng minh họa chấp nhận được, nhà văn vẫn có thể "vùng vẫy, sáng tạo và phát huy tài năng", vẫn có thể có thành tựu. Để dẫn chứng, Nguyễn Minh Châu nêu thí dụ: "Trong nghệ thuật hội họa châu Âu chẳng đã từng để lại những tác phẩm danh họa về lịch sử tôn giáo và đời các thánh, thực sự những tác phẩm hội họa cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm minh họa". Tất nhiên, nếu vòng vây trói buộc của đường hướng minh họa được cởi bỏ, chân trời sáng tạo sẽ rộng mở hơn đối với nhà văn, do đó thành tựu có thể to lớn hơn rất nhiều. Có lẽ vì ý thức rạch ròi như thế, nên Nguyễn Minh Châu mạnh dạn nhận định có một "giai đoạn văn nghệ minh họa" mà vẫn cho mình "viết trong tỉnh táo hoàn toàn" (Nguyên Ngọc, "Khóc Nguyễn Minh Châu", Tuổi trẻ chủ nhật, số 5-1989, 29-1-1989), chứ không phải "sơ hở do xúc động" như lời biện hộ của Trần Độ ("Văn nghệ cần tiếp tục đổi mới" - bài đã dẫn).

Trong chiều hướng đó câu nói của Trần Dần: "Thế hệ trẻ à? Tôi cứ đợi mãi. Nó bị trong vòng vây của văn chương cung đình. Tôi sốt ruột đợi lớp trẻ đủ sức lớn lên để chôn bọn tôi, như chúng tôi đã chôn tiền chiến" phải chăng cũng có thể lý giải tương tự, hoặc nếu không, chỉ là một "sơ hở do xúc động"? Phải đặt ở dạng câu hỏi vì câu vừa dẫn là toàn bộ những gì Trần Dần nói về "văn chương cung đình", mà không luận giải thêm để người đọc có thể chắc chắn hiểu đúng ý tác giả, như trường hợp Nguyễn Minh Châu. Với một câu nói quá vắn tắt như thế, khó mà vội vàng kết luận tác giả phủ nhận hay không phủ nhận thành tựu quá khứ.

Nói tóm lại, căn cứ vào 6 văn bản trên, tuyệt nhiên không thể kết luận đã có một "khuynh hướng phủ nhận" hiểu theo nghĩa muốn xóa sạch toàn bộ những thành tựu văn học trước đây. Ngay cả người nào không chấp nhận lý giải "văn chương cung đình" như cách đã lý giải "văn nghệ minh họa" thậm chí như một một "sơ hở do xúc động" chăng nữa, thì cũng không thể từ một câu nói của một người để cường điệu lên rằng đã có hẳn một khuynh hướng phủ nhận.

Nếu hiểu phủ nhận là những cố gắng nhằm vạch ra chỗ này chỗ khác còn non yếu trong văn học giai đoạn vừa qua, vì quả đã có một khuynh hướng phủ nhận như thế. Đó là sự trăn trở, phản tỉnh để trưởng thành, đáng mừng chứ không phải đáng sợ. Không có một cái nhìn phê phán nghiêm ngặt đối với quá khứ, không thể đẩy tình hình tiến lên về chất. Nói như Engels: "Tất cả mọi cái đều phải ra trước tòa án của lý tính và chứng minh lý do tồn tại hoặc không tồn tại của mình" (Chống Duy rinh, nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 26) hay như Marx: Cách mạng xã hội không thể bắt đầu, chừng nào chưa hoàn toàn tẩy trừ được hết mọi mê tín đối với quá khứ" (Ngày 18 tháng Sương mù của Luy Bônapactơ, nxb. Sự thật, Hà Nội. 1961, tr.17).

Tất nhiên đánh giá quá khứ là một việc làm không dễ gì chính xác và càng không dễ được mọi người chấp nhận, đặc biệt là cái "quá khứ" đang còn gắn chặt với hiện tại qua các con người cụ thể. Có thể không tán đồng, có thể tranh luận với các nhận định và lý giải của 6 tác giả trên, đó là sinh hoạt học thuật bình thường và đáng trân trọng. (Người viết bài này chỉ chứng minh "khuynh hướng phủ nhận thành tựu quá khứ" là sự quy chụp vội vã, chứ không phải chứng minh các nhận định và lý giải của các tác giả trên là đúng đắn hay không). Nhưng không nên báo động giả! Việc làm đó có lợi cho ai? Gạt qua một bên các động cơ có thể có (chẳng hạn lo cho mình bị phủ nhận), việc báo động giả như thể về khách quan đã làm chỗ dựa cho một số người run sợ trước công cuộc đổi mới, muốn đóng chặt cánh cửa dân chủ vừa hé mở.

15-2-1989
H.D
(SH36/03&04-89)


--------------
(1) Tưởng nên ghi nhận Mai Ngữ trong bài "Về một thời kỳ đã qua" (VNQĐ số 7-1988) gay gắt lên án các nhà phê bình "lính gác" đã làm cho "văn học không còn là văn học nữa". Sau đó, tác giả bị Nguyễn Văn Lưu (VNQĐ số 11-1988) phê phán là có thái độ "xóa sạch tất cả, gạt bỏ tất cả". Ngoài ra, Mai Ngữ còn bị nhiều người khác phản đối (Phong Lê và Lê Thành Nghị, TPVH số 9-1988, Trần Khoa, TCCS số 11-1988). Ba tháng sau bài viết của mình chính Mai Ngữ lên tiếng báo động về "tâm lý phủ nhận". Và để dẫn chứng cho sự tồn tại của "khuynh hướng phủ nhận", không ai nêu lên bài "Về một thời kỳ đã qua" của Mai Ngữ (xem sau). Chuyện như đùa!

(2) Lê Xuân Vũ nói: "Bài anh Hoàng Phủ Ngọc Tường phỏng vấn anh Trần Dần trên tạp chí Sông Hương đã coi văn học ta là "văn chương cung đình". Chính xác hơn, "văn chương cung đình" là của Trần Dần trả lời phỏng vấn, mà Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi lại.

(3) Lê Xuân Vũ chỉ nêu bài của Xuân Cang mà không chỉ ra cụ thể chỗ nào Xuân Cang phủ nhận thành tựu quá khứ, do đó người viết phải tự làm công việc đoán định.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thi sĩ (10/08/2015)
Tòa án (06/08/2015)
Thím Lan (14/07/2015)