Tạp chí Sông Hương - Số 37 (T.5&6-1989)
Phỏng vấn Hoàng Ngọc Hiến
15:54 | 08/09/2015

Nhân hội thảo quốc gia về Stendhal tổ chức tại Huế, kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp (1789 - 1989) phóng viên Tạp chí Sông Hương có dịp gặp anh Hoàng Ngọc Hiến phỏng vấn "chớp nhoáng" trước thềm Đại hội Nhà văn những điều Sông Hương muốn biết cũng là điều anh Hiến đã bày tỏ với một tạp chí bạn. Nay giới thiệu cùng bạn đọc Sông Hương.

Phỏng vấn Hoàng Ngọc Hiến
GS Hoàng Ngọc Hiến - Ảnh: internet

PV: Ý kiến của anh về tình hình văn nghệ hiện nay?

- Hiện nay có nhiều người tỏ ý lo ngại về những sự lệch lạc trong văn nghệ. Có đồng chí đưa ra như một định đề: "Lệch thì sẽ lạc". Định đề này chỉ đúng một nửa. Trong văn nghệ cũng như trong những lĩnh vực khác của đời sống tinh thần, có khi "lệch mà không lạc". Chẳng hạn, "Thơ không vần", "Cửa mở"... là "lệch mà không lạc", trong văn học xã hội chủ nghĩa ở nước ta và những nước khác có vô số hiện tượng như vậy. Không có những sự "lệch mà không lạc" thì không thể có sự phát triển, sự tiến bộ. Sở dĩ có sự trì trệ là vì quá sợ "lệch lạc", không dám đi tìm lối thoát ở những sự "lệch mà không lạc". Người viết không được lạc nhưng có quyền lệch. Không có quyền này không có sáng tạo.

PV: Trong Đại hội tới, anh muốn nêu những vấn đề gì về lý luận phê bình?

- Điều bấy lâu nay tôi băn khoăn là Ban lý luận phê bình của hội. Hội nhà văn, theo ý tôi, chỉ nên có Ban phê bình. Phê bình xứng đáng là văn học phải có văn cũng như người viết phê bình xứng đáng là nhà văn trước hết viết phải có văn. Với cơ cấu "lý luận phê bình" thì có những người giỏi lý luận, có trình độ nghiên cứu nhưng không có văn vẫn trở thành hội viên. Trong 36 nhà văn lý luận phê bình, không biết bao nhiêu người có văn? Tôi đề nghị thành lập Hội lý luận phê bình và chỉ những người nào thực sự có văn mới ở trong Hội nhà văn. Bộ phận không có văn cũng giống như những người không biết hát đứng trong dàn đồng ca. Rất tiếc là trong dàn đồng ca hội ta, số người không biết hát hơi nhiều, đây là một sự đau khổ mà chắc chắn Đại hội này không thể giải quyết được.

Viết phê bình rất khó. Bản thân tôi viết lý luận hoặc văn học sử tương đối thoải mái nhưng thò bút viết phê bình bao giờ cũng cảm thấy đuối sức. Trong giới phê bình của ta có nhiều người giỏi, nhưng phần lớn - theo ý tôi - học vấn chỉ đủ để viết luận văn, luận án hoặc làm giáo sư I, giáo sư II. Phê bình đòi hỏi năng khiếu và vốn kiến văn đặc biệt. Chúng tôi đề nghị Hội quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo những người viết phê bình, có thể giao công việc này cho Trường viết văn Nguyễn Du.

Trước đây, một thời gian dài, có những người - viết gì cũng vậy - quan tâm quá nhiều đến sự thông báo, sự bày tỏ lòng trung thành của mình với hệ tư tưởng của nhà cầm quyền, thành ra mất hết cảm hứng tìm tòi chân lý, phát hiện cái đẹp. Điều này có khi lại được xem là "tính đảng". Hoàn toàn không phải như vậy. Tính đảng là khách quan, là khoa học, bao giờ cũng sáng tạo không hề biết đến những dụng ý vớ vẩn, nhỏ mọn.

(SH37/05&06-89)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tình vờ (04/09/2015)
Cún (12/08/2015)