Tạp chí Sông Hương - Số 318 (T.08-15)
Tác phẩm mới tháng 08/2015
08:43 | 21/08/2015

CUỘC SỐNG Ở TRONG NGÔN NGỮ (chuyên luận), tác giả Hoàng Tuệ, Nxb Trẻ. 2014.

Tác phẩm mới tháng 08/2015

Ngày nay, ngôn ngữ dường như không dừng là ở chức năng là chất liệu cho sáng tạo văn học, mà hơn thế ngôn ngữ giờ đây được xem như là “Ngôi nhà của hữu thể.” Có thể nói, tất cả đều tồn tại trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ đã trở thành đối tượng của nhiều triết thuyết hiện đại. Là một nhà ngôn ngữ học tầm cỡ Việt Nam bởi những đóng góp của ông vào chuyên ngành ngôn ngữ học là không nhỏ. Những khai mở của ông cho Ngôn ngữ học xã hội và Ngôn ngữ học nghệ thuật đã ảnh hướng tới nhiều nhà ngôn ngữ học về sau. Theo GS.TS Nguyễn Đức Dân thì: Cuộc sống ở trong ngôn ngữ là một công trình có những phát hiện sâu sắc nhiều đặc điểm tiếng Việt và đặc điểm nghệ thuật ngôn từ.



SIÊU HÌNH TÌNH YÊU - SIÊU HÌNH SỰ CHẾT (chuyên luận triết học), tác giả Arthur Schopenhauer, Hoàng Thiên Nguyễn dịch, Nhã Nam & Nxb Văn học. 2014. Arthur Schopenhauer (1788 - 1860) là nhà triết học người Đức, đứng lên vị trí danh giá trong lịch sử triết học với tác phẩm kinh điển “The World as Will and Representation” (Thế giới như là ý chí và biểu tượng). Được xem là nhà triết học uyên bác với kiến thức khổng lồ, Schopenhauer đã ảnh hướng tới tư tưởng của nhiều cây đại thụ trong lịch sử triết học thế giới như Friedrich Nietzsche, Freud, Thomas Mann... Siêu hình tình yêu - siêu hình sự chết là một số chương trích từ Thế giới như là ý chí và biểu tượng. Với tác phẩm này, chúng ta thấy được những suy tư sâu xa và có tính chất gợi mở cho nhận thức con người về tình yêu, sự chết, điều gì khiến chúng ta đau khổ trong hiện sinh, cuồng nhiệt trong tình yêu và vô vọng trước cuộc sống.




BÔNG HỒNG DÂNG CHA MẸ (thơ & văn), tác giả Bảo Cường, Nxb Hội nhà văn. 2015. Bảo Cường là người đi nhiều và viết nhiều. Thơ văn của anh thường đi ra từ trực cảm. Tình vẫn là yếu tố chủ đạo trong tư duy nghệ thuật của Bảo Cường. Lấy Tình làm căn nền cho sự viết nên văn chương của Bảo Cường luôn chất chứa sự lãng mạn nhưng đôi khi cũng có những truy vấn về thận phận và cuộc đời. Bông hồng dâng cha mẹ cũng dựa trên lối viết trực cảm và lấy tình làm căn cốt nhưng ở đây là tình yêu dành cho cha mẹ, nơi khởi đi cho mọi đam mê, mọi mộng mơ của nghệ sỹ. Trong mắt Thích nữ Trí Hải thì thơ văn Bảo Cường đầy những tiếng lòng trung hậu, ca ngợi lòng mẹ, tình quê hương, bạn bè và nói lên những cảnh đời khốn khổ.




TRONG TIẾNG REO CỦA LỬA (truyện ngắn), tác giả Lê Minh Phong, Nxb Trẻ, 2014. Đây là tập sách thứ hai của Lê Minh Phong, sau tác phẩm Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc, Phương Nam và Nxb văn học ấn hành năm 2014. Lối viết của Lê Minh Phong là lối viết của sự thể nghiệm. Sự thể nghiệm trên các yếu tố cấu nên tác phẩm văn học như diễn ngôn, hình tượng, cấu trúc, tư tưởng và đặc biệt là thể nghiệm về một loại hình văn chương mới, văn chương ý niệm. Tất nhiên, sự thể nghiệm này sẽ đứng trước những quan niệm dị biệt và điều quan trọng nhất là tác giả này có đủ sức mạnh để vượt qua những quan điểm dị biệt đó để tới đích hay không. Có lẽ mọi sự thử nghiệm đều trình ra được những cái gì đó khác biệt, nhưng liệu cái khác biệt có tồn tại được lâu dài hay không là điều rất khó nói. Vì thế mọi sự thể nghiệm đều đòi hỏi ở nhà văn lòng kiên trì đối với những dự phóng của mình.

(SH318/08-15)  






 

Các bài mới
Tiểu đội D (24/08/2015)
Các bài đã đăng
Ngũ Điền Xanh (18/08/2015)
Ký ức sóng (18/08/2015)
T&P (17/08/2015)