Tạp chí Sông Hương - Số 319 (T.09-15)
70 năm, một dòng chảy văn học nghệ thuật nối tiếp văn mạch của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế
15:43 | 14/09/2015

NGUYỄN XUÂN HOA

Năm 1776, trong sáu tháng làm quan ở Huế, có điều kiện ghi chép những điều mắt thấy tai nghe, đọc kỹ văn thơ ở vùng đất Thuận Hóa để viết tập bút ký Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã đưa ra một nhận định mang tính tổng kết: Đây là vùng đất “văn mạch một phương, dằng dặc không dứt, thực đáng khen lắm!”.

70 năm, một dòng chảy văn học nghệ thuật nối tiếp văn mạch của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế
Ảnh: huefestival.com

Văn mạch của vùng đất Thuận Hóa lại có điều kiện phát triển rực rỡ khi Huế trở thành vùng đất kinh đô, hội tụ văn tài và nghệ nhân của cả nước, tạo ra được một thời kỳ tỏa sáng của văn học Hán Nôm, của mỹ thuật, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, vũ khúc… thời Nguyễn.

Khi nền văn học nghệ thuật mới đang ở thời kỳ định hình, với sự phát triển của các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đa dạng ở vùng đất kinh đô, Huế lại góp phần không nhỏ trong trào lưu sáng tạo nền văn học chữ Quốc ngữ, trong phong trào Thơ Mới, trong hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, trong hoạt động báo chí, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, kiến trúc…; trở thành một trong những trung tâm sáng tạo văn học nghệ thuật đương đại của đất nước.

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cùng với những chuyển biến về chính trị xã hội phát sinh từ cuộc vận động của Mặt trận Dân chủ, hoạt động văn học nghệ thuật ở Huế đã có những chuyển động mới, với sự xuất hiện của tuần báo Sông Hương do Phan Khôi chủ trương; với cuộc tranh luận giữa “văn học vị dân sinh” của Hải Triều và “văn chương là văn chương” của Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư; với xu hướng văn học cách mạng xuất hiện liên tục trên các tờ báo Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Dân trong nửa cuối thập kỷ 1930 và xu hướng hưởng ứng độc lập dân tộc của Thái Can, Thanh Tịnh trên Việt Nam Tân Báo thời Chính phủ Trần Trọng Kim.

Những quan điểm chính trị và văn học tưởng chừng đối lập như nước và lửa giữa Hải Triều và Hoài Thanh, giữa xu hướng cách mạng và các nhà văn ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim như Thanh Tịnh, Từ Ngọc Nguyễn Lân (Đốc lý Thuận Hóa thời Trần Trọng Kim, tương đương Thị trưởng Huế) ngỡ như khó lòng hàn gắn, thì cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, cuốn phăng những bất đồng dị biệt một thời, cuốn hút mọi người cùng hướng theo một lý tưởng mới: lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc.

Bằng một thái độ cởi mở, chân thành, ngày 15/9/1945, bộ ba Hải Triều - Hoài Thanh - Thanh Tịnh, những nhà văn đã một thời tưởng như đối kháng nhau, lại cùng ký chung một văn bản, lấy tư cách “Ban Tổ chức” kêu gọi các nhà văn, nhà báo, kịch sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà nhiếp ảnh tham gia thành lập Liên đoàn Văn hóa Trung bộ. Tối 18/9/1945, hơn 50 văn nghệ sĩ đã thống nhất thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên với Ủy ban Chấp hành Lâm thời do Hoài Thanh làm Chủ tịch, Thanh Tịnh, Hà Thế Hạnh làm Thư ký; bao gồm 4 ban: Văn học, Hội họa, Điêu khắc và Kiến Trúc, Âm nhạc, Ca kịch. Tối ngày 22/9/1945, Đại hội nghị của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên đã duyệt y điều lệ, chương trình hành động và bầu Ủy ban Chấp hành chính thức với Hoài Thanh làm Chủ tịch, Hoàng Hữu Xứng, Thanh Tịnh làm Thư ký (cuối tháng 12/1945, khi Hoài Thanh chuyển ra Hà Nội, Hải Triều được cử làm Chủ tịch, Dương Kỵ làm Thư ký). Ngày 22/11/1945, Đại hội nghị Văn hóa Cứu quốc Trung bộ họp tại Huế đã quyết định thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung bộ do Nguyễn Lân (Từ Ngọc) làm Chủ tịch.

Sự ra đời của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, tổ chức tiền thân của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay, hoạt động gắn kết với Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung bộ đặt tại Huế đã mở đầu một thời kỳ mới, mở ra một dòng chảy văn học nghệ thuật, liên tục luân lưu tròn 70 năm trên vùng đất văn hóa Huế.

Ngay sau khi Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc vừa ra đời, hoạt động văn học nghệ thuật ở Huế đã diễn ra sôi động: chiều ngày 23/9/1945, cuộc triển lãm “tranh tuyên truyền” của giới họa sĩ Huế đã khai mạc tại trụ sở Viện Dân biểu Trung kỳ (nay là trụ sở Đại học Huế); tháng 11/1945 tờ báo văn hóa nghệ thuật Đại Chúng ra số đầu tiên; các hoạt động trình diễn văn nghệ, chiếu phim liên tục được tổ chức, đoàn nghệ thuật Xây Dựng được thành lập... Từ tháng 8/1945 đến tháng 5/1946, Huế là nơi báo chí nở rộ, có trên 15 tờ báo với nhiều loại hình báo chí đa dạng nhất của Việt Nam vào thời điểm đó: từ nhật báo chính trị xã hội (Quyết Chiến), tuần san chính trị, văn chương, xã hội, kinh tế (Quyết Thắng), nguyệt san văn hóa văn nghệ (Đại Chúng), tạp chí văn chương trào phúng (Reo), tạp chí nghị luận văn chương (Lòng Dân), bán nguyệt san lý luận chính trị kinh tế (Xã Hội Mới, Ánh Sáng, Quê Hương), tuần báo quân sự (Chiến Sĩ), tạp chí công nhân (Tay Thợ), tạp chí kinh tế (Kinh Tế, Kinh Tế Huế), đến báo Phật giáo (Giải Thoát), báo Công giáo (Tổ Quốc), báo tiếng Pháp (Le Jeune Việt Nam)… quy tụ đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng tham gia vào sinh hoạt văn hóa nghệ thuật.

Cuối năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Tháng 2/1947, mặt trận Huế bị vỡ, phần lớn văn nghệ sĩ Huế đã rời thành phố tham gia kháng chiến ở khắp các chiến trường Bình Trị Thiên, Liên khu 4…; hình thành các tờ báo ở chiến khu Thừa Thiên (Giết Giặc, Đánh Thắng, Chiến Đấu, Công Đoàn, Chuyển Mạnh, Thông Tin, Cầu Tiến, Đoàn Kết…); tham gia các hoạt động văn hóa kháng chiến ở Liên khu 4; xây dựng phong trào văn nghệ ở các vùng chiến khu, vùng “địch hậu”. Một lực lượng văn nghệ sĩ trẻ của Huế đã xuất hiện trong quá trình kháng chiến chống Pháp. Trong khói lửa của những ngày kháng chiến ác liệt, giữa năm 1949, đoàn văn nghệ sĩ của Chi hội Văn nghệ Kháng chiến Liên khu 4 trên 20 người, do nhà văn Bùi Hiển làm Trưởng đoàn, đã từ “vùng tự do” Thanh Nghệ Tĩnh vào tận chiến trường Thừa Thiên, tổ chức hội nghị văn nghệ toàn tỉnh tại Mỹ Lợi (huyện Phú Lộc), quy tụ trên 50 văn nghệ sĩ Thừa Thiên, thành lập Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên, do nhà văn Trịnh Xuân An làm Phân hội trưởng, thúc đẩy các hoạt động văn nghệ kháng chiến không ngừng phát triển.

Ở nội thành Huế, dưới sự kiểm soát khắc nghiệt của Pháp và chính quyền sở tại, các nhà trí thức và văn nghệ sĩ ủng hộ kháng chiến vẫn tìm cách công bố các sáng tác đề cao tình tự dân tộc, khéo léo hướng dẫn người đọc hướng về ngọn cờ kháng chiến chống Pháp trên các tờ báo công khai (Công Lý, Tin Tức, Tiến Hóa, Hồn Trẻ) hoặc bí mật (Tin Tưởng)… Những bài thơ kháng chiến, bài ca, bài vè cách mạng từ vùng kháng chiến gởi về đã đi vào lòng người dân trong vùng còn bị chiếm đóng. Một số văn nghệ sĩ sống ở nội thành Huế vẫn tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật theo chiều hướng gắn bó với dân tộc, bảo vệ văn hóa dân tộc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Hiệp định Genève được ký kết, nhưng đất nước tạm thời còn chia làm hai miền Nam - Bắc, sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất. Từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó có Thừa Thiên Huế còn nằm dưới quyền quản lý của chính quyền miền Nam. Ngay khi Hiệp định Genève vừa ký kết, một nhóm văn nghệ sĩ và trí thức (trong đó có vai trò quan trọng của nhà văn Tôn Thất Dương Kỵ, nguyên là Thư ký Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên), đã tập hợp lực lượng, quy tụ “những văn thi sĩ lão thành”, “những nhà văn, thi sĩ quen biết”, “các nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh”, hình thành ấn phẩm “tập văn” mang tên Ngày Mai, thực chất là một tập san đăng tải các sáng tác đề cao thắng lợi của công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi thực hiện tự do dân chủ. Tập văn Ngày Mai số 1 ra ngày 14/8/1945, chỉ 18 ngày sau khi Hiệp định được ký, 4 ngày sau khi Hiệp định có hiệu lực. Ấn phẩm phát hành được 4 số. Số 5 dự kiến phát hành mùa hè 1955 bị tịch thu, các nhà văn Tôn Thất Dương Kỵ, Võ Đình Cường, Cao Xuân Lữ bị bắt, bị trục xuất khỏi Huế.

Dù bị đàn áp, khống chế, nhưng tiếng nói của những văn nghệ sĩ nặng lòng với độc lập dân tộc, với khát vọng tự do, dân chủ vẫn không bị dập tắt. Trong từng thời điểm, những sáng tác văn học nghệ thuật chân chính vẫn xuất hiện trên các tờ báo Công Lý của Phạm Bá Nguyên và Nguyễn Quí Hương, tạp chí Lành Mạnh của Lê khắc Quyến, Liên Hoa của Thượng tọa Thích Đôn Hậu… Một số tác phẩm có giá trị của các hội viên Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên còn ở lại nội thành, tiếp tục hoạt động cách mạng như tranh của các họa sĩ Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Đào, nhạc của Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc), biên khảo của Tôn Thất Dương Kỵ… vẫn xuất hiện được trong đời sống văn học nghệ thuật xứ Huế. Một số văn nghệ sĩ trẻ trưởng thành từ các phong trào đấu tranh đô thị ở Huế đã rời thành phố, tham gia kháng chiến, bổ sung vào đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật ở vùng giải phóng.

Khi cuộc kháng chiến chống sự can thiệp của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm khởi phát, từ chiến khu Thừa Thiên Huế đã có mặt một số văn nghệ sĩ, tham gia hoạt động văn nghệ trong vùng giải phóng, trên các tờ báo Thống Nhất, Giải Phóng vào thời kỳ đầu và tiếp tục xuất hiện liên tục trên các tờ Cờ Giải Phóng, Vùng Lên, Việt Nam Trẻ, Cứu Lấy Quê Hương, Quyết Thắng… với các khuôn mặt văn nghệ tiêu biểu (văn học có Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Văn Hảo, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha, Tống Hoàng Nguyên, Đặng Đình Loan, Trần Nguyên Vấn, Võ Mạnh Lập, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Võ Quê, Lê Gành…; âm nhạc có Hồ Thuận An (Trần Hoàn), Thuận Yến, Nguyễn Hữu Vấn…; mỹ thuật có Lê Khánh Thông, Lê Minh Trường, Nguyễn Trung Bảy…; sân khấu có Thanh Huyền, Nguyễn Tuyến Trung, Thu Lưỡng, Phương Lai…; nhiếp ảnh có Trọng Thanh, Văn Thái…). Trước sự phát triển của của phong trào văn nghệ, năm 1969 tại chiến khu Thừa Thiên Huế, Đại hội Văn nghệ Trị Thiên Huế đã quyết định thành lập Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế do nhạc sĩ Hồ Thuận An (Trần Hoàn) làm Chi hội trưởng, nhà thơ Thanh Hải làm Chi hội phó kiêm Tổng Thư ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đạo diễn Thanh Huyền, làm Chi hội phó. Năm 1970, cũng tại chiến khu, Thành ủy Huế đã thành lập Hội Văn nghệ thành phố Huế. Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế đã phát hành tạp chí Sinh Hoạt Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Trị - Thiên - Huế, tổ chức các trại sáng tác, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, xuất bản một số tác phẩm văn học, làm nòng cốt cho báo chí cách mạng ở vùng giải phóng…

Tác động của công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam đã thúc đẩy phong trào tranh đấu ở đô thị Huế phát triển mạnh trong các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, văn nghệ sĩ và trí thức, liên tục diễn ra từ năm 1963 đến tháng 3/1975, làm xuất hiện trên 40 tờ báo tranh đấu, phát hành công khai, bán công khai, bí mật; với các phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc, sáng tác thơ văn yêu nước, nhạc phản chiến, nhạc tranh đấu, vẽ tranh chống cường quyền áp bức, “hát cho đồng bào tôi nghe”…; từng bước hình thành một đội ngũ những người hoạt động văn hóa nghệ thuật trẻ trung, giàu nhiệt huyết, đối lập với các thế lực cầm quyền ở miền Nam, ủng hộ công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đòi dân chủ tự do, đòi hòa bình, thống nhất đất nước, với các khuôn mặt tiêu biểu như Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Tiêu Dao Bảo Cự, Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Phụng, Nhất Huy, Võ Quê, Bửu Chỉ, Nguyễn Phú Yên, Trần Phá Nhạc, Lê Nhược Thủy, Trần Đình Sơn Cước, Lê Gành, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Hữu Châu Phan, Trần Viết Ngạc, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh, Trương Văn Hoàng, Bửu Nam, Nguyễn Công Thắng, Trần Văn Hội, Võ Văn Ngọc…; tạo nên một xu hướng văn nghệ đấu tranh ngay trong lòng thành phố Huế.

Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế được giải phóng, một thời kỳ mới xuất hiện, Hội Văn học Nghệ thuật Giải phóng Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, do nhà thơ Thanh Hải điều hành. Từ cuộc họp mặt của giới văn nghệ sĩ Huế tối 14/4/1975, một Ban điều hành công tác văn nghệ thành phố Huế được thông qua, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Trưởng ban. Lực lượng văn nghệ sĩ từ chiến khu vừa về thành phố, kết hợp với văn nghệ sĩ tại chỗ, với văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào, hình thành một đội ngũ những người hoạt động văn nghệ đông đảo và đa dạng tại Huế, tập trung mọi nỗ lực để tổ chức, thúc đẩy các hoạt động văn học nghệ thuật bắt nhịp với những chuyển biến của thời cuộc. Từ tháng 3/1976, tạp chí Văn Nghệ Thừa Thiên - Huế được phát hành.

Tháng 5/1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, nhạc sĩ Trần Hoàn được cử làm Trưởng ban Chỉ đạo hợp nhất lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên. Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên do nhà thơ Thanh Hải làm Trưởng ban, các nhà thơ Xuân Hoàng, Lương An làm Phó Trưởng ban. Đại hội văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ nhất diễn ra từ các ngày 3/5 đến 5/5/1976, đã bầu Ban Thường trực Hội do nhạc sĩ Trần Hoàn làm Chủ tịch, các nhà thơ Thanh Hải, Xuân Hoàng, Lương An làm Phó Chủ tịch, mở ra một thời kỳ hoạt động văn nghệ trải dài từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, với hai vùng phía bắc, phía nam có những đặc điểm khác biệt về kinh tế xã hội, đặc trưng văn hóa cũng đa dạng, mà trung tâm hoạt động tại thành phố Huế phải đáp ứng. Lần lượt các Phân hội Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Chi hội Nhà văn, Chi hội Kiến trúc, Hội Văn nghệ thành phố Huế được hình thành. Từ tháng 6/1983, tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, thay thế cho tạp chí Văn Nghệ Bình Trị Thiên đã có từ tháng 7/1976, mở ra một sắc thái báo chí văn nghệ có “những dấu hiệu riêng” và “không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước”.

Sau 13 năm hoạt động (1976 - 1989), qua ba kỳ đại hội, với các Chủ tịch Hội: Trần Hoàn (1978 - 1983), Nguyễn Khoa Điềm (1983 - 1986), Quyền Chủ tịch Hội Xuân Hoàng (1986 - 1988), Tổng Thư ký Hội (thay chức danh Chủ tịch) Tô Nhuận Vỹ (1988 - 1989), Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên đã để lại những dấu ấn khó phai của một thời đầy cam go, để từng bước chuyển mình đổi mới của văn học nghệ thuật trên vùng đất Bình Trị Thiên, đặc biệt là ở xứ Huế. Đây cũng là thời kỳ đã vun đắp cho quá trình hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ ở Huế, với Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh, Vĩnh Nguyên, Mai Văn Hoan, Phạm Tấn Hầu, Bửu Chỉ, Dương Đình Sang, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, La Cẩm Vân, Hà Sâm, Minh Phương, Trần Hữu Pháp, Lê Anh… Có những khuôn mặt văn nghệ sĩ thời Bình Trị Thiên đã chuyển đến nơi khác hoạt động, như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Xuân Hoàng, Mai Văn Tấn, Lương An, Xuân Đàm, Kim Quý, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Hoàng Vũ Thuật, Sĩ Sô, Văn Lợi, Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân…, có người mất, người còn, nhưng ấn tượng của họ để lại ở Huế vẫn rất sâu đậm.

Từ 15/7/1989, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế được thành lập trở lại, trên cơ sở số hội viên văn nghệ sĩ sau khi chia tỉnh Bình Trị Thiên còn công tác, sống ở Thừa Thiên Huế, sáp nhập với Hội Văn nghệ thành phố Huế, do nhà văn Tô Nhuận Vỹ tiếp tục làm Tổng Thư ký. Qua 6 kỳ đại hội từ 1990 đến 2010, tổ chức Hội đã chuyển đổi từ Hội Văn học Nghệ thuật (1990 - 2005) thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (2005 - 2010), Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (2010 - 2015), với Tổng Thư ký Hội là nhà văn Tô Nhuận Vỹ (1989 - 2000), Chủ tịch Hội là nhà thơ Võ Quê (2000 - 2005), nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (2005 - 2007), họa sĩ Đặng Mậu Tựu (2007 - 2013), nhạc sĩ Lê Phùng (2013 - 2015). Các Phân hội đã chuyển đổi thành các Hội Nhà văn, Hội Văn nghệ Dân gian, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Kiến trúc, Hội Nghệ sĩ Múa. Tạp chí Sông Hương qua 7 đời Tổng Biên tập Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Thạch, Hồ Đăng Thanh Ngọc đã băng qua những bước gập ghềnh để liên tục phát triển, luôn được đánh giá là một tạp chí văn nghệ có chất lượng tốt, nổi bật trong hệ thống các tạp chí văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh và thành phố, có khả năng vươn tới một tầm vóc rộng lớn hơn, phát hành rộng rãi đến các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Trang mạng Sông Hương online (tapchisonghuong.com.vn) đã thu hút hàng triệu người đọc từ 117 quốc gia.

Đời sống văn học nghệ thuật trên vùng đất Thừa Thiên Huế ngày càng sôi động. Một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo đang ngày càng phát triển, với những khuôn mặt mới như: Văn Cầm Hải, Phạm Nguyên Tường, Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Hải Trung, Thiền Nghi, Lê Ngã Lễ, Nhụy Nguyên, Trần Huyền Sâm, Đông Hà, Châu Thu Hà, Lưu Ly, Lê Vũ Trường Giang, Phan Tuấn Anh, Lê Vĩnh Thái, Lê Minh Phong, Lê Tấn Quỳnh,... (Văn học), Phạm Bá Thịnh, Phạm Văn Tý, Võ Đông Bảy, Trương Vững, Hồ Ngọc Sơn, Cảnh Tăng, Nguyễn Đức Trí... (Nhiếp ảnh), Hà Văn Chước, Lê Văn Nhường, Ngô Tâm, Phan Thanh Bình, Nguyễn Thiện Đức, Đặng Mậu Triết, Tô Trần Bích Thúy, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Bá Cang... (Mỹ thuật), Khắc Yên, Dương Bích Hà, Lê Phùng, Việt Đức, Vĩnh Phúc, Nguyễn Việt, Trần Đại Dũng, Trầm Tích, Quốc Anh... (Âm nhạc), Ngọc Bình, Kiều Oanh, Bạch Hạc, Thu Hằng, Phong Thủy... (Sân khấu), Cao Chí Hải, Mai Trung, Diệu Hy... (Múa), Triều Nguyên, Nguyễn Thị Như Huy, Huỳnh Đình Kết, Trần Nguyễn Khánh Phong... (Văn nghệ dân gian), Nguyễn Nguyến, Ngô Châu Thanh, Trần Ngọc Tuệ, Lê Toàn Thắng...(Kiến trúc)… đã cho ra đời những tác phẩm có chất lượng tốt, với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng, từ văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, đến kiến trúc, sân khấu, múa, văn nghệ dân gian, được công chúng đón nhận và yêu thích, đạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, của các Hội chuyên ngành đã gắn kết khá tốt với đời sống xã hội của vùng đất văn hóa Huế, của Cố đô Huế - thành phố Festival và bằng hữu văn nghệ trong và ngoài nước.

Tuy vậy, chưa mấy ai bằng lòng với những gì đã làm được, bởi yêu cầu của cuộc sống, khát vọng vươn tới cái đẹp, cái tốt lành của văn học nghệ thuật còn ở phía trước, còn đòi hỏi văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế phải không ngừng nỗ lực mới đạt được. So với nguồn “văn mạch dằng dặc không dứt” của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, 70 năm vừa qua chỉ là một khoảnh khắc nhỏ để nhắc nhở chúng ta biết hướng tới một hành trình mới, với chất lượng nghệ thuật và tính tư tưởng cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

N.X.H
(SH319/09-15)







 

Các bài mới
Lời ru của Mẹ (01/10/2015)
Vệt chàm (30/09/2015)
Giác ngộ (29/09/2015)
Các bài đã đăng