NGUYỄN THỊ TUYẾT
A work of art was a form expressive of human feeling,
Created for our aesthetic perception through sense or imagination.
- S. Langer(1)
I paint objects as I think them, not as I see them.
- Pablo Picasso(2)
Hằng ngày chúng ta vẫn thường nghe và nói: cảm quan đời sống, cảm quan đô thị, cảm quan tôn giáo, cảm quan nghệ thuật, cảm quan hậu hiện đại,... nghĩa là từ cảm quan trở thành cụm từ cửa miệng nhưng để hiểu rõ nội hàm thuật ngữ thì không đơn giản.
Về phương diện ngôn ngữ học, nhiều nhà nghiên cứu thông thạo Hán học như Phương Lựu, Trần Đình Sử, Phạm Tú Châu cho chúng tôi biết trong ngôn ngữ Trung Quốc không có từ “Cảm quan”, nhưng từ ấy lại không xa lạ với tiếng Việt, và nội hàm của nó biến đổi nghĩa cùng với thời gian. Theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê viết rất ngắn gọn, “Cảm quan: giác quan”(3); “Giác quan: bộ phận của cơ thể chuyên tiếp nhận những kích thích từ bên ngoài (cơ quan để cảm giác)”(4). Theo cách diễn đạt này, nghĩa của từ “Cảm quan” thiên về vai trò của yếu tố khách quan, lý trí, nhấn mạnh sự tác động của bên ngoài đến quá trình nhận thức. Nhưng bản ngã giữ vai trò gì trong việc kinh qua những kinh nghiệm ấy? Dường như ký ức của chủng loại, của cá nhân không tham dự vào sự vận động, trưởng thành của vũ trụ nội tại?
“Cảm quan” có những từ tương đương trong tiếng Pháp (Sens), tiếng Anh (Sense, Feeling); ở đây, chúng tôi nghiêng về dùng từ Feeling cho nhất quán. Theo Bách khoa toàn thư Britannica (Encyclopedia Britannica): “Feeling: trong tâm lý học là sự thu nhận các sự kiện bên trong cơ thể, liên quan gần gũi với cảm xúc…”(5). Đến đây thì định nghĩa Feeling không khác với định nghĩa Cảm quan trong Từ điển tiếng Việt đã nói trên kia. Nhưng Bách khoa toàn thư Britan- nica còn viết tiếp: “Thuật ngữ ấy (Feeling) nhanh chóng mang nghĩa, khái quát hơn, là thu nhận qua những giác quan chẳng quy chiếu vào bất cứ giác quan đặc biệt nào…”. Từ “Cảm quan” trong tiếng Việt cũng đã trải qua chặng đường biến đổi nội hàm như vậy. Có thể nói nó (cảm quan) là tổng hợp giác, là cầu nối giữa ý thức với tiềm thức và vô thức, giữa bản năng và lý trí.
Trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, từ “Cảm quan” cũng đã được dùng khá phổ biến theo nghĩa tương tự, đó là loại nhận thức đặc biệt, nhận thức không phải bằng suy lý, lôgic, bằng khái niệm mà bằng cảm giác, cảm tính hiểu theo nghĩa rất rộng, có tính trực cảm, trực giác, được phát tiết từ vô thức. Như Phạm Vĩnh Cư chuyển ngữ cụm từ tiếng Pháp “sens esthétique” thành “cảm quan thẩm mỹ” trong bài nghiên cứu dài về biểu tượng của Jean Chevalier mở đầu công trình đồ sộ Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới(6); Nguyễn Thị Lệ Hà cách đây hai mươi năm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Cảm quan tương ứng trong Những bông hoa ác của Baudelaire” (1995); Phan Thị Thu Hiền viết bài “Cảm quan Phật giáo trong thế giới nghệ thuật của Cánh đồng bất tận”; Nhà văn Chu Lai có bài “Viết bằng cảm quan người lính”; “Nguyễn Du và Thăng Long xem xét từ cảm quan thẩm mỹ” là bài nghiên cứu của Nguyễn Huệ Chi v.v.
Từ “Cảm quan” (Feeling) cũng được sử dụng khá nhiều ở các lĩnh vực triết học, tâm lý học, lý thuyết thẩm mỹ... A. Einstein (1879 - 1955) cho rằng: “Cảm quan tôn giáo mênh mông là lý lẽ bền vững nhất và cao quý nhất cho việc ng- hiên cứu khoa học(7)”. Danh ngôn ấy không chỉ cho ta thấy nguyên lý cuộc sống của vĩ nhân ở mối quan hệ giữa tín ngưỡng và khoa học mà còn nhấn mạnh cảm quan tôn giáo là bí ẩn nhưng có thật, cảm quan thuộc về cái vũ trụ tổng thể. Cách hiểu về cảm quan như vậy của Einstein đồng thuận với quan điểm của nhà giáo dục học Mỹ, Grant H. Palmer (sinh năm 1940), tác giả công trình Cảm quan tôn giáo và Chân lý (Religious Feeling and Truth). Đấy cũng là nội hàm của từ “Cảm quan” ở nhan đề công trình Tôn giáo như là Cảm quan (bản tiếng Anh dịch là “Religion as Feeling”) của nhà thần học Đức, F. Schleiermachen (1768 - 1834).
Như vậy, cảm quan là cách nhìn nhận, đánh giá mang tính chất tổng quan, toàn cục, nó tiên báo suy nghĩ hay lý luận về một vấn đề đang được nói tới, mà vấn đề đó thiên về lĩnh vực tinh thần (phi vật chất), phi hình thức. Đồng thời, bản thân thuật ngữ mang nội hàm nhạy bén, năng động, luôn dịch chuyển theo thời gian, theo tôn giáo, theo khu vực, theo bản sắc riêng của từng chủ thể nhận thức.
Về phương diện triết học, cảm quan như là chỉ dẫn cho câu đố triết học tự thời cổ đại. Xa xưa, người Hy Lạp đã tự vấn: thế giới được tạo bởi cái gì, bằng cách nào và làm sao để biết được điều đó? Thông qua suy xét và thực nghiệm, họ đã đạt tới một nền tảng hiểu biết, mà trên đó toàn bộ hiện thực được khám phá. Hai đường ray xe lửa dẫn đoàn tàu triết học của nhân loại là chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm. Nếu chủ nghĩa duy lý xem “tiêu chuẩn về chân lý không có tính giác quan mà có tính trí tuệ và suy diễn lôgic” và cực đoan rằng, “lý tính là con đường duy nhất tới tri thức”, thì ngược lại, chủ nghĩa kinh nghiệm tuyệt đối vai trò của sự trải nghiệm. Theo họ, bản chất sự vật là do trực giác mang lại, vì vậy triết gia cổ đại Hy Lạp, Socrate (469 - 399 tr.CN), khuyên “hãy tự biết mình”, còn nhà thần học Augustine (345 - 430) cho rằng, chân lý nằm trong nội tâm con người, nhà triết học Ireland, G. Berkeley (1685 - 1753), và D. Hume (1711 - 1776), triết gia xứ Scotland, xem “cảm giác là nguồn gốc tuyệt đối của mọi nhận thức”(8), còn nhà văn Pháp, Luc de Vauvenargues (1715 - 1747), tuyên xưng “cảm xúc dạy cho nhân loại biết lý luận”. Khi chủ nghĩa lãng mạn lên ngôi, coi trọng đời sống tinh thần cá nhân, Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) đã khẳng định: “Tồn tại đối với chúng ta, đó là cảm nhận; sự cảm nhận của chúng ta rõ ràng là có trước sự hiểu biết và chúng ta có cảm xúc trước khi có ý tưởng”(9)... Như một hành động tổng kết lại lịch sử con đường nhận thức của nhân loại, với quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, xem nhận thức là quá trình con người phản ánh thế giới, V.I. Lenin (1870 - 1924) khẳng định “hoạt động nhận thức của con người đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên này, nhận thức không chỉ là phản ánh mà còn sáng tạo thế giới.
Từ giác độ tâm lý học, cảm quan là một cách để xem xét sự nhạy cảm chung của cơ thể. Nó cũng có một trường độ nghĩa: a/ thể hiện một sự kiện tinh thần về tư tưởng (nhận thức), b/ cảm giác (ý thức đặc trưng về một sự kiện) và c/ ý chí (có thể có ý thức hoặc vô thức). Như vậy, cảm quan trực tiếp tham gia vào quá trình tiếp nhận/sáng tạo kiến thức và sự hiểu biết bằng nhiều cách khác nhau: ý thức và vô thức, duy lý và duy cảm, khách quan và chủ quan... Luận điểm này cũng được các nhà tâm lý học Gestalt thừa nhận.
Trong công trình Các loại hình tâm lý (Psychologische types), nhà tâm lý học Thụy Sỹ, Carl Jung (1875 - 1961) sắp xếp và phân loại các hoạt động “có lý trí” của ý nghĩ thành hai dạng: tư duy (Thinking) và cảm quan (Feeling). Theo các nhà triết học duy lý, cảm quan là thiếu chặt chẽ và rõ ràng, nhưng với Jung, đó là một trong những hoạt động có lý trí nghiêm chỉnh của trí óc. Cảm quan, theo Jung, giúp chúng ta đánh giá giá trị vốn có của sự vật. Cảm quan giúp ta nhìn nhận thế giới một cách tổng thể, trọn vẹn thay vì trừu xuất, phân tách thành những bộ phận riêng lẻ. Nếu tư duy không cân bằng được với cảm quan thì nó sẽ phiến diện và giáo điều, ngược lại cảm xúc mà không được kiểm soát bởi tư duy thì sẽ là mộng tưởng.
*
Leonard Shlain(10) trong công trình nổi tiếng Nghệ thuật và Vật lý đã cho thấy mối tương quan đáng kinh ngạc: Những cái nhìn tương đồng về không gian, thời gian và ánh sáng giữa các lĩnh vực tưởng như chẳng bao giờ gặp gỡ, Nghệ thuật thể hiện thế giới nhìn thấy được còn, Vật lý giải thích sự vận hành không nhìn thấy được của thế giới đó. Cho đến nay, con người đã có thể nghiên cứu hạt nguyên tử và không gian liên hành tinh, nhưng nghệ thuật vẫn là một bí ẩn, chúng ta biết rất ít về bản chất của nghệ thuật, về chức năng của nó và nguyên nhân tâm lý thúc đẩy sự sáng tạo, sự sáng tạo diễn ra như thế nào… như than thở của Ayn Rand(11). Trong bài viết này, chúng tôi muốn nêu lên một quan niệm về cách Nghệ thuật thể hiện thế giới được nhìn thấy.
Khám phá mỗi tác phẩm nghệ thuật, hẳn ai trong chúng ta cũng muốn biết cách quan niệm về cấu trúc của tác phẩm ấy và nó đã được hình thành ra sao, như ý kiến nhà văn Pháp, A. Gide(12) trong tiểu thuyết Bọn làm bạc giả (Les Faux-monnayeurs, 1926) khi ông cho rằng, “giá mà chúng ta biết được lịch sử của tác phẩm, của sự thai nghén tác phẩm như thế nào thì thú vị biết bao… hay hơn bản thân tác phẩm nhiều”(13). Song không phải chúng ta luôn biết công việc bếp núc của nhà văn, biết lịch sử sáng tạo tác phẩm, và vì vậy, chỉ còn cách duy nhất là đi thẳng vào văn bản và xem xét tác phẩm đã tác động tới chúng ta như thế nào, bằng cách nào.
Từ phương diện nghệ thuật, “Cảm quan” như một thuật ngữ mỹ học được hình thành trên các cơ sở ngôn ngữ học, triết học và tâm lý học trên đây. Trong Từ điển các thuật ngữ văn học (The Routledge Dictionary of Literary Terms), “Feeling được hiểu là bằng cách nào một tác phẩm nghệ thuật (văn học) được tạo ra và nó ảnh hưởng đến người đọc như thế nào, bằng cách nào”(14). Nghệ thuật là lĩnh vực hoạt động sáng tạo trong đó cảm quan hữu cơ đóng vai kiểm soát mạnh, hay nói cách khác, mỗi tác phẩm nghệ thuật như một kiểu biểu tượng hóa ý tưởng về cảm quan. Khi Eliseo Vivas (1901 - 1993), triết gia, nhà phê bình văn học người Mỹ gốc Venezuela, trong Sáng tạo và khám phá (Creation and Discovery) cho rằng văn học là giai đoạn trước trong trật tự lôgic để có tất cả các kiến thức, cấu thành văn hóa là ông khẳng định tuyệt đối vai trò của cảm quan trong hoạt động nhận thức, sáng tạo của con người. Phê bình gia Anh, I.A. Richards (1893 - 1979) trong công trình Các nguyên tắc Phê bình Văn học (Principles of Literary Criticism), nhận định cảm quan có vai trò rất lớn trong việc hiểu tác phẩm, và người đọc tốt là người có khả năng đọc đặc biệt tốt các dấu hiệu mà người nghệ sĩ đã ấn dấu. Trong lý thuyết thẩm mỹ, cảm quan cũng được được nữ triết gia Mỹ, S. Langer (1895 - 1985) đặc biệt quan tâm trong các tác phẩm: Chìa khóa mới để giải mã Triết học (Philosophy in a New Key), Cảm quan và Hình thức (Feeling and Form), Tâm trí: một nghiên cứu về cảm quan con người (Mind: An Essay on Human Feeling).
Trong công trình Feeling and Form: A Theory of Art, Langer đã trả lời câu hỏi cơ bản về nghệ thuật: Sáng tạo là cái gì? (What is created?), là hình thức có ý nghĩa (significant form), và bà đi đến định nghĩa, nghệ thuật như là sự sáng tạo ra những hình thức mang tính biểu tượng cho cảm quan của con người (the creation of forms symbolic of human feeling), nó tạo ra cho chúng ta nhận thức thẩm mỹ, thông qua ý thức hoặc tưởng tượng. Bà xem chủ nghĩa tượng trưng (Symbolism) là “chìa khóa mới” để hiểu biết cơ chế tâm trí con người thể hiện nhu cầu nguyên sơ (primal need) trong việc thể hiện bản thân. Một tác phẩm nghệ thuật là một biểu tượng có tính thể hiện (presentational symbol) cảm quan của con người. “Cảm quan” (Feeling) được sử dụng, ở đây, theo nghĩa rất rộng, như gần đồng nghĩa với “kinh nghiệm” (experience) hoặc “nhận thức” (awareness).
Mind: An Essay on Human Feeling là đỉnh cao nỗ lực của Langer trong việc thiết lập một nền tảng triết học và khoa học của kinh nghiệm thẩm mỹ. Nếu Aristotle (384 - 322 tr. CN) cho rằng, con người là động vật duy nhất có lý trí (rational animal), thì Langer nói thêm rằng: động vật có những chức năng tâm thần (mental functions) nhưng con người còn có tâm trí (mind), nhờ cảm quan mà con người khác động vật, có thể sáng tạo nghệ thuật. Các loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng vật liệu cơ bản đầu tiên là cảm quan; nghệ thuật là hoạt động tạo ra các hình thức biểu tượng của cảm quan con người, nghệ thuật đồng dạng với các hình thức năng động, trực tiếp của đời sống tình cảm, tinh thần; tác phẩm nghệ thuật là sự dự báo tương lai từ cảm quan về cuộc sống hiện tại.
Nếu trong cuộc sống thường nhật, cảm quan in dấu ấn cá nhân trong cách nhìn nhận, cách nhận thức sự vật, hiện tượng thì trong nghệ thuật, cảm quan như là thuộc tính đặc trưng của hình ảnh nội dung được ẩn giấu (và vén mở) trong ẩn dụ, biểu tượng, huyền thoại. Trong toàn bộ cấu trúc tác phẩm nghệ thuật - trường nguyên mẫu ấy tồn tại như một trật tự ẩn, chỉ có một số khía cạnh nhất định của trật tự ấy lộ diện hoặc mỗi khía cạnh lại lộ diện ở mỗi thời điểm nhất định như mỗi chúng ta cảm nhận khác nhau trước nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa, hay như W. Iser (1926 - 2007) quan niệm về thái độ của độc giả đứng trước một văn bản nghệ thuật cũng như khi đứng trước một bầu trời đêm: tùy theo sự liên tưởng của người quan sát mà cùng một số những ngôi sao, nhưng người này thì hình dung đó là con gấu, người nọ hình dung đó là cái thìa… Như vậy, tùy vào khả năng, trình độ, giới tính,… của người tiếp nhận và đặc biệt là đặc điểm thời đại, nền văn hóa mà ý nghĩa tác phẩm luôn là nhân tố bí ẩn vẫy gọi chúng ta khám phá. Và khám phá cũng là kiến tạo, kiến tạo cả những điều các nhà văn đã sáng tạo một cách không tự giác, một cách vô thức!
Tác phẩm Biến dạng, Lâu đài, Vụ án của F. Kafka(15) như là những biểu tượng về sự tha hóa của thân phận con người và những mê cung thiết chế, mà mỗi độc giả sẽ vẫy vùng thoát thân trong ác mộng, phi lý. Truyện kể về làng Macondo của G. Márquez(16) không chỉ là câu chuyện về đất nước Colombia, hay khu vực châu Mỹ Latin mà là huyền thoại Trăm năm cô đơn của loài người đã được Thánh Kinh ghi lại từ hàng ngàn năm trước. Hành trình đi tìm Linh sơn của Cao Hành Kiện(17) là hành hương về với suối nguồn an lạc, tự do tuyệt đối của cõi nội giới vô biên mà cuộc hành hương ấy, hẳn ở mỗi người đọc không ai giống ai, nên Núi thần là vô hình mà hiện hữu…
Câu chuyện ngụ ngôn xa xưa được lưu truyền ở cả phương Đông lẫn phương Tây Thầy bói xem voi như một ẩn dụ về giới hạn nhận thức của con người, và cũng từ đó dấy lên hoài vọng muôn đời: làm thế nào để nhận thức được cái toàn thể, để biết được bí mật của vũ trụ và sự sống. Với tư tưởng nhất nguyên, chúng tôi xem cảm quan trong sự thống nhất giữa các mặt chủ quan và khách quan, lý tính và cảm tính, ý thức và vô thức... để có thể có được một nhãn lực tổng hợp. Có lẽ ngôn ngữ bất toàn và bất định (thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý) nên con người dùng đến phép tượng trưng (biểu tượng) hoặc phép ngụ ngôn (ẩn dụ, huyền thoại) để biểu thị những điều chỉ có thể cảm được mà không thể nói ra. Tác phẩm nghệ thuật thông qua biểu tượng, huyền thoại cho ta thấy một sự hiểu biết sâu sắc. Đó là cái hiểu biết nhờ bên ngoài khêu gợi (khách quan) mà bên trong hưởng ứng (chủ quan), một sự cộng thông đạt đạo “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (Kinh Dịch). Lắm lúc sự khêu gợi không được chủ thể ý thức nhưng sự cộng hưởng vẫn hiển lộ trong tâm tưởng của khách thể. Đó cũng là mặt bên kia của biểu tượng, tồn tại trong một trật tự ẩn.
Những thành tựu rực rỡ của vật lý hiện đại đã chỉ ra rằng: thế giới vật chất trong vật lý lượng tử chỉ là những khả năng, và ý thức là nền tảng của thực tại, chính nhờ có ý thức, thông qua sự chuyển đổi từ khả năng thành hiện thực, nó tạo ra những gì chúng ta thấy được biểu lộ. Điều này hiện thực hóa một danh ngôn của Piasso, rằng ông vẽ như ông nghĩ, và qua đó, tạo tác, biểu lộ thực tại.
Khởi đi từ dự cảm mẫn tiệp của người nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật đến với người đọc bằng cảm quan tiếp nhận của (thời đại) độc giả, hành trình của nghệ trở thành sự giao thoa của những dòng cảm xúc và tư tưởng. Những nghệ sĩ vĩ đại là những người tiên tri của thời đại, như A. Einstein đã thừa nhận F. Dostoievski(18) là người đầu tiên nói đến chiều thứ tư không-thời gian, hay với tiểu thuyết viễn tưởng kinh điển Hai vạn dặm dưới đáy biển, Jules Verne(19) đã đưa ra những phác thảo đầu tiên về đại dương mênh mông và bí ẩn, hoặc gần đây nhất, giới khoa học đã chỉ ra, có thể, Leonardo Da Vinci(20) đã “âm thầm tiết lộ bí mật lịch sử về người ngoài hành tinh” trong bức họa huyền thoại Mona Lisa… Nhưng không chỉ tiên tri về khoa học mà trước hết là về hiện tồn đời sống con người. Đáp lại sự nhạy bén của nhà văn là sự tinh tế của độc giả đã nuôi dưỡng những mầm phôi sáng tạo trở thành tác phẩm nghệ thuật trong sinh quyển hiện đại.
N.T.T
(SH319/09-15)
---------------
1. Tác phẩm nghệ thuật là hình thức biểu hiện của cảm quan con người được tạo ra cho nhận thức thẩm mỹ của chúng ta thông qua cảm quan hoặc trí tưởng tượng. Susanne Langer Katherina (1895 - 1985), một trong những nữ triết gia, người Mỹ, đầu tiên. Triết học của Langer nghiên cứu về nghệ thuật và sự sáng tạo nghệ thuật, về nhận thức và nhận thức thẩm mỹ của con người, với những tác phẩm chính: Philosophy in a New Key: A Study in the Symbolism of Reason, Rite, and Art (1942), Feeling and Form: A Theory of Art (1953), Mind: An Essay on Human Feeling (1967 - 1982),…
2. Tôi vẽ như tôi nghĩ, không như tôi thấy, Pablo Picasso (1881 - 1973), minh chủ của hội họa lập thể.
3. Hoàng Phê (1988), Từ điển tiếngViệt (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.194.
4. Hoàng Phê, Sđd, tr.408.
5. Encyclopedia Britanica, http://www.britannica.com.
6. Chevalier J., Gheerbrant A. (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, dịch, 2002) Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr. XXXV.
7. Albert Einstein, Religion and Science, in the New York Times Magazine on November 9, 1930 pp 1-4.
8. Nguyễn Hữu Vui (đồng chủ biên, 1998), Lịch sử triết học (tập 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.114.
9. Dẫn theo Hoàng Tố Mai, Di sản văn học lãng mạn, Tạp chí Nghiên cứu văn học 11/2014.
10. Leonard Shlain (1937 - 2009), bác sĩ phẫu thuật nội soi người Mỹ, và là một học giả, nhà phát minh. Với nhiều công trình, nổi tiếng nhất là Art & Physics: Parallel Visions in Space, Time, and Light (1991).
11. Ayn Rand (1905 - 1982) nữ tiểu thuyết gia, lý luận & triết gia, mang quốc tịch Mỹ, sinh tại Nga, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Suối nguồn (The Fountainhead, 1943).
12. A. Gide (1869 - 1951) nhà văn Pháp, đạt giải Nobel Văn học năm 1947.
13. Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại, những tìm tòi đổi mới, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.154.
14. Peter Childs, Roger Fowler (2006), The Routledge Dictionary of Literary Terms, Routledge, London & NewYork, tr.85.
15. Franz Kafka (1883 - 1924), nhà văn Áo, gốc Do Thái, viết văn bằng tiếng Đức. Ông được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX.
16. Gabriel García Márquez (1927 - 2014) nhà văn nổi tiếng người Colombia, đạt giải Nobel Văn học năm 1982.
17. Cao Hành Kiện (1940) nhà văn Pháp, gốc Hoa, đạt giải Nobel văn học năm 2000.
18. F. Dostoievski (1821 - 1881) nhà văn nổi tiếng người Nga, trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov, xuất bản năm 1880, nhà văn đã nói đến chiều thứ tư không thời gian và hình học phi Euclid.
19. Jules Verne (1828 - 1905) nhà văn lớn, người Pháp.
20. Leonardo Da Vinci (1452 - 1519), thiên tài toàn năng người Ý.