Tạp chí Sông Hương - Số 319 (T.09-15)
Những hé lộ kì lạ về sói trong Tôtem sói
15:20 | 28/09/2015

DƯƠNG HOÀNG HẠNH NGUYÊN

Nhà văn Khương Nhung tên thật là Lu Jiamin. Cùng với sự ra đời của Tôtem sói, tên tuổi ông đã được cả văn đàn thế giới chú ý.

Những hé lộ kì lạ về sói trong Tôtem sói
Ảnh: internet

Người ta biết đến Khương Nhung với sự trải nghiệm 11 năm trên thảo nguyên Mông Cổ để thai nghén (trong 20 năm) và hoàn thành Tôtem sói với một sự “đáng tin cậy” về thông tin, kiến thức đồ sộ; đồng thời Tôtem sói còn làm chấn động văn đàn Trung Quốc (dù có khen có chê); và bản thảo được tập đoàn Pengui mua với giá một triệu bảng Anh - một mức giá chưa từng có cho một tác phẩm văn học Trung Quốc. Không những vậy, thành công vang dội của Khương Nhung còn được chứng minh khi Tôtem sói được xuất bản với một triệu bản chính thức và sáu triệu bản ở chợ đen. Năm 2008, Tôtem sói được vinh danh trong lễ trao giải Man Asian - giải thưởng khá danh giá của châu Á. Tiếp cận với Tôtem sói, độc giả lập tức bị cuốn vào thiên tiểu thuyết với những hiện thực lẫn kỳ bí lần đầu tiên được hé lộ.  


Sói được biết đến xưa nay trong tâm thức cộng đồng với sự độc ác. Câu chuyện Chó sói và cừu non, Cô bé quàng khăn đỏ… được kể cho trẻ em nghe cũng hình thành từ chính tâm thức ấy, quan niệm ấy. Và con trẻ, cũng từ đó mà cảm thấy sói đáng ghét dù chưa một lần được nhìn thấy con sói bao giờ. Như một tiếng vang kì lạ trên văn đàn thế giới, Khương Nhung khiến độc giả sửng sốt bởi lần đầu tiên, loài sói được nhìn nhận với tư cách là vật tổ của một dân tộc từng lừng lẫy địa cầu - dân tộc Mông Cổ trong tiểu thuyết Tôtem sói. Những đức tính của sói được nhìn nhận qua thuyết cổ mẫu của C. G. Jung, được hình thành bởi không gian sinh sống của giống loài này, được đề cao với thuyết sinh thái…

1. Sói - tô tem của người Mông Cổ với thuyết Cổ mẫu của C. G. Jung

Tôtem là một hình thức của “siêu mẫu” (archétype - cổ mẫu, nguyên mẫu, nguyên tượng) được C. G. Jung đưa ra khi bàn về vô thức tập thể. Có thể dễ dàng tìm thấy các siêu mẫu trong văn chương như nước, lửa, đất… (siêu mẫu tự nhiên) và thiên đường, cái bóng, đàn bà… (siêu mẫu xã hội). Và tôtem giáo (thờ vật tổ) thuộc nhóm siêu mẫu về tín ngưỡng, phong tục tập quán dân gian theo quan điểm của Jung.

Trong quá trình sinh sống, người Mông Cổ chiến đấu một mất một còn với sói hàng ngày. Họ nhận thấy được ở sói có những điều đáng để học hỏi, họ ra sức học hỏi và xem sói là thầy. Đầu tiên, họ xem sói là bậc thầy về quân sự. Trong Tôtem sói, mượn lời của những người Mông Cổ, Khương Nhung đã rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại chân lý “sói tài giỏi hơn con người”, “binh pháp con người có được là học từ sói”… Bởi “Sói biết thời tiết, biết đánh gần, biết chọn thời cơ, biết địch biết ta, biết chiến lược chiến thuật, biết đánh đêm, biết đánh du kích, biết đánh cơ động, biết đánh lén, biết tập trung ưu thế binh lực đánh tiêu diệt, lại còn xây dựng kế hoạch tác chiến... Binh pháp này có thể đưa vào sách giáo khoa quân sự... Sói rất giỏi binh pháp.”1 Và người già Mông Cổ đã khẳng định rằng, muốn hiểu Thành Cát Tư Hãn thì phải hiểu sói. Cũng nhờ những trận huyết chiến hàng ngày cùng sói mà người Mông Cổ đã trở thành những chiến binh tài ba kiệt xuất với những chiến công oanh liệt chấn động địa cầu, mở rộng bờ cõi ra đến gần hết châu Á châu Âu.

Sói tài giỏi là vậy. Nên sói được xem là “con cưng” của trời, là “thiên sứ” với thiên mệnh bảo vệ sự cân bằng trên đồng cỏ, là sợi dây nối kết người Mông Cổ với Tăngcơli (Trời). Trong tiểu thuyết của mình, Khương Nhung đã rất tài tình để mỗi một con sói là một biểu tượng linh thiêng đáng ngưỡng vọng của người thảo nguyên; mỗi tấm da sói cũng trở thành lá cờ cho lòng tôn kính và niềm tin bất diệt của họ vào đấng tối cao. Vì thế người Mông Cổ tự hào với tục thiên táng - chết để xác cho sói ăn thịt là được đến với Tăngcơli. Giọng điệu thành kính khi nhắc đến sói, tư thế ngước nhìn kính cẩn trời xanh của người thảo nguyên đã khiến cho mỗi độc giả cảm nhận được không khí linh thiêng trong đời sống cộng đồng và tục thờ tôtem sói của họ. Từ ngàn đời, họ theo sự “di truyền văn hóa” này để tôn sùng sói, ngưỡng vọng sói; đến mức Trần Trận đã khách quan nhận định rằng “tôtem sói ngự trong lòng ông già (vị già làng của thảo nguyên) vững hơn kị sĩ Mông Cổ ngồi trên lưng ngựa”. Và mãi mãi, con người cũng không thể hiểu nổi sói khi sói có những “nghi thức”, những cách “hành lễ” lạ kì lúc chuẩn bị ăn con mồi mà cả trí thức Bắc Kinh lẫn người thảo nguyên đều gọi những dấu vết đó là “vòng tròn ma quái”: “Mỗi khi được thưởng, sói vui sướng chạy quanh phần thưởng nhiều vòng, trông như mặt trời mặt trăng. Vòng tròn này là hồi âm của sói, giống như thư cảm ơn… Cái vòng tròn đúng là một tín hiệu ma quái.” Vì lẽ đó nên người Mông Cổ càng tôn sùng sói, ngưỡng vọng sói với tư cách là một vật tổ, một đối tượng có khả năng “thông thiên” bằng tất cả niềm tin tôn giáo của mình. Những điều này ăn sâu trong tâm thức cộng đồng người thảo nguyên và chiếm địa vị tối thượng, đến mức một trí thức duy vật như Trần Trận, trong quá trình sinh sống cùng họ và tiếp xúc với sói, “đã tin rằng cậu đã gặp tôtem sói thật sự trong lòng cậu.”

Người Mông Cổ đã có một cách nhìn nhận về sói khác hẳn chúng ta, đã “thuyết phục” được cả những trí thức Bắc Kinh tin vào vật tổ của họ. Điều này phải chăng khiến chúng ta nên bỏ bớt cái nhìn định kiến về giống loài này!?

2. Những nhà kiến trúc, nhà địa lý kì tài với không gian hang sói

“Không gian như một quan niệm nghệ thuật “về thế giới và con người như một phương thức chiếm lĩnh thực tại và một hình thức thể hiện cảm xúc và khái quát tư tưởng - thẩm mỹ”.”2 Việc xây dựng không gian trong tác phẩm tất nhiên luôn mang dụng ý của tác giả. Đó hoặc là một không gian được hư cấu hoàn toàn; hoặc là một không gian mang bóng dáng của một nơi gắn với đời sống và luôn ẩn chứa trong tâm thức của người viết, hoặc là một không gian tồn tại hiển hiện được nhắc đến đích xác trong văn bản. Dù thuộc loại nào thì không gian nghệ thuật trong một thiên tiểu thuyết đều là nơi mà trong đó “sự thống nhất giữa con người, không gian sinh tồn và hành vi của con người (trong đó có ngôn ngữ) là điều không phải bàn cãi trong triết học và trong văn chương nghệ thuật.”3

Bên cạnh không gian chiến trận tôn vinh sự dũng mãnh thiện chiến của sói, không gian tâm linh tôn vinh vị trí của sói trong đời sồng cộng đồng Mông Cổ, Khương Nhung còn gây chú ý cho độc giả với không gian hang sói - loại không gian tôn vinh sự thông minh, tinh khôn và lo xa của loài sói.

“Càng vào trong hang sói càng hẹp, chỉ trẻ con mới chui vào được... Để bảo vệ lũ con, sói mẹ lấp quá nửa chiều cao của hang, con mẹ ở phía ngoài. Khi hun khói, nhờ mấy lỗ thông hơi nên khói tản đi nơi khác.”

Sói hung dữ. Người lớn trước mặt sói còn phải cẩn thận, còn phải tỉnh táo mười phần, và nhất là phải có vũ khí trong tay. Vậy mà hang sói, nó hẹp để chỉ trẻ con mới chui lọt, mà trẻ con thì có mấy đứa dám bắt sói tận hang! Và sói còn tính cả đến khoản mưu mẹo của con người - không cho con người được đắc thắng hả hê bằng thủ thuật đối với các loài khác: hun khói. Việc hun khói của người đối với hang sói là vô hiệu.

Và đó còn là một công trình kiến trúc tuyệt hảo với nhiều đường thoát hiểm, vô cùng chắc chắn, và ở địa thế khó ngờ bởi “binh vô thường pháp, sói thảo nguyên rất giỏi tùy cơ ứng biến, sử dụng rất nhiều đấu pháp” mà những cái hang là một trong những đấu pháp đó.

“Hang hình bầu dục, rộng khoảng tám mươi phân... Trần Trận ngó vào, cái hang dốc khoảng 35 độ, sâu hai mét thì rẽ, không hiểu bên trong còn sâu bao nhiêu... Thỏ khôn có tới ba cái hang. Sói lại càng ranh ma, chắc không chỉ có một.

... Cái hang này có tính toán hẳn hoi... miệng hang liền kề cái dốc chạy thẳng xuống bãi sậy, con sói chui ra chỉ vài bước là an toàn.”

Chiều rộng, chiều sâu, độ dốc, số lượng và vị trí cửa hang để có đường thoát lúc nguy... đó là tất cả những điều đã nằm trong tính toán của sói khi “xây nhà”. Những điều này thuộc về bản năng - thiên tính mà tạo hóa ban tặng.

“Cái hang quay mặt về hướng nam, miệng rộng chừng sáu mươi phân... khuất sau một nếp gãy nhỏ trong khe, phía trên là những bụi gai rậm, phía dưới lởm chởm đá tai mèo, không đến gần khó mà nhận ra.”

Việc khắc họa thật rõ ràng, chính xác cái hang sói đã được Khương Nhung dụng công. Nó không chỉ là một tuyệt tác của vị kiến trúc sư tài hoa, mà còn là sản phẩm rất an toàn về “phong thủy” của một nhà địa lý tinh thông quy luật tạo hóa. Điều này khiến những trí thức Bắc Kinh, những người đã tận mắt thấy những công trình kiến trúc nguy nga tuyệt mỹ; hoặc là am tường về những nền kiến trúc lừng danh của những quốc gia danh tiếng nhất thế giới không khỏi trầm trồ:

“Mẹ cha con sói! Tao phục mày sát đất!...”

Và Trần Trận được “sát đất” một lần nữa với cái hang chống nóng của sói con:

“Nhìn con sói, cậu ngẩn người. Nó đang chổng mông đào hang... Trong hang vừa lạnh vừa tối, cửa hang hướng bắc, ruột hang hướng nam, nắng không chiếu vào hang... Phương và hướng chuẩn xác, khoảng cách cũng rất vừa.”

Đào hang trú ẩn là một trong những thiên tính mà sói được trời ưu ái ban cho. Điều này khiến loài người ngỡ ngàng, bởi nếu muốn trở thành một kiến trúc sự tài hoa, thì ngoài năng khiếu, con người phải học hành rất tử tế. Sói con, không một lần được mẹ dạy đào hang, đã có thể tự đào một cái hang “chuẩn xác” về phương hướng và có giá trị sử dụng tuyệt hảo. Điều này một lần nữa chứng minh một cách hiển nhiên không chút khiên cưỡng sự thông minh trời phú của sói, và lý giải rõ hơn vì sao nó là vật tổ của các bộ tộc thảo nguyên.

Hang sói không chỉ hợp với “phong thủy”, với mục đích trú ẩn và thoát thân, mà nó còn là cái hang trăm tuổi vững chãi thể hiện sự trường tồn bất diệt của loài sói:

“Trần Trận bật đèn pin, trượt dốc 40 độ chui xuống... Cái hang tương đối nhẵn... Cách miệng chừng hai mét, cái hang rẽ ngang... Qua khúc rẽ, lòng hang không dốc nữa nhưng thót hẳn lại... Trần Trận vừa bò vừa quan sát mặt và vách hang ở đây bóng hơn nhiều so với miệng hang, nhẵn nhụi tưởng như đẽo bằng rìu. Vách hang rất ít đá cục. Chọc bằng choòng cũng chỉ rơi vài mẩu... Những tảng đá hai bên sườn cạnh nhẵn thín, có tảng hình trứng. Căn cứ vào độ mài mòn, cái hang có tuổi hàng trăm năm...

Như hang quỷ, không biết đâu là tận cùng.”

Không gian hang sói là loại không gian đặc biệt có lẽ lần đầu tiên xuất hiện trong một tác phẩm văn chương với đầy đủ và chính xác những đặc điểm của những chủ nhân thông minh bậc nhất thảo nguyên. Người kể chuyện ngôi thứ ba lần theo điểm nhìn Trần Trận vào tận trong hang, quan sát trong thán phục chỗ ở của loài sói. Cái hang trăm năm còn mở ra trước mắt chúng ta một cuộc sống cộng đồng cố kết, những gia đình sói có sự truyền nối lâu đời - không khác gì cuộc sống của con người văn minh.

3. Sói - những thiên sứ bảo vệ đồng cỏ với thuyết sinh thái

Càng văn minh, con người càng rời xa tự nhiên và tàn phá tự nhiên. Luôn coi mình là trung tâm của vạn vật, loài người cho mình cái quyền được “khai thác triệt để” những gì thiên nhiên ưu ái ban tặng với tâm thức “lấy được mới cho là bảo bối” (lời của nhân vật Bao Thuận Quý). Trong Tôtem sói, Khương Nhung đã trao điểm nhìn và lượt lời cho các nhân vật là đại diện của người thảo nguyên và người Hoa Hạ lên Nội Mông định cư để thấy được thái độ trái ngược của họ về tự nhiên, về sói.

Dù luôn được người Mông Cổ cảnh báo “sói là do trời sai xuống để bảo vệ đồng cỏ, sói không còn thì thảo nguyên cũng không còn…”, người Hoa Hạ vẫn giữ nguyên cái nhìn hạn hẹp kém hiểu biết của mình về tự nhiên để rồi ra sức tìm diệt sói. Họ đem văn minh là súng và xe gip lên thảo nguyên để lùng bắt sói, đem thuốc độc không mùi lên đánh lừa khứu giác tinh nhạy của sói, đem quan niệm nông dân sói đáng ghét đáng chết vào cuộc sống của đồng cỏ… Trước vấn nạn thảo nguyên bị đe dọa nghiêm trọng, người Mông Cổ chỉ biết đau xót để nước mắt chảy dài, còn người Bắc Kinh am hiểu thảo nguyên đã dự báo được tương lai xám xịt: “Đàn sói bị tuyệt diệt là điềm báo trước thảo nguyên sẽ tàn lụi, sự lụi tàn của cái đẹp trong con mắt nhân loại.”

Suy nghĩ ấy của Dương Khắc, hai mươi năm sau trở lại thảo nguyên cùng Trần Trận, anh đã tận mắt chứng thực vì “đàn sói Ơ Lôn (đã thật sự) biến mất”:

“Trời hanh khô tới mức không một gợn mây, bầu trời của thảo nguyên gần như biến thành bầu trời của vùng cát..., không nhìn thấy cỏ xanh tốt... Cát khô lấp nửa đường quốc lộ... đàn cừu thì vừa gầy vừa đen, lông rối như tổ quạ, so với cừu thải loại của thảo nguyên Ơlôn cũng không bằng... Khi rời thảo nguyên, con sông này nước chảy cuồn cuộn, vậy mà giờ đây chỉ còn sỏi đá lởm chởm.”

Còn đâu nữa thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn, cỏ bạt ngàn vào mùa xu- ân, cỏ trĩu bông hạt vào mùa thu, cỏ đội tuyết mà lên vào mùa đông... Còn đâu nữa lối sống hòa hợp giữa con người và tự nhiên mà sói giữ vai trò điều phối sự cân bằng sinh thái của đồng cỏ! Nên tất yếu cũng không còn nữa những đàn cừu mập mạp lông trắng đẹp, cũng không còn những đàn ngựa to khỏe chạy nhanh bậc nhất thế giới. Sói bị tiêu diệt hết, đối tượng đâu nữa để các loài vật khác buộc phải rèn luyện thể chất và trí tuệ! Khương Nhung đau đớn để cho nhân vật của mình thở dài chua chát và đầy mỉa mai: “Vậy là ta đã nhìn thấy “thắng lợi vĩ đại” của dân tộc nông canh đối với dân tộc du mục.” Nông dân, với tư tưởng nông canh “văn minh” hơn, đã luôn cho giống loài mình là cao quý nhất, có quyền sinh sát với bất cứ sinh vật nào khác trong tự nhiên. Chính điều này đã làm mẹ thiên nhiên chảy máu. Có lẽ Khương Nhung muốn nói, những con người văn minh, hãy đôi lúc sống hồn nhiên như người du mục, để “bánh xe văn minh” không càn quét, cán nát mọi sinh vật khác của tự nhiên. Bởi sự tàn lụi của thảo nguyên dưới sự “văn minh” của người nông canh đã khiến người ta “đã chuẩn bị tinh thần rất kĩ mà vẫn không tưởng tượng được cát lấn đến như thế này.”

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng nói, vì con người hiện đại sống trong những căn phòng máy lạnh nên tâm hồn họ cũng ngày càng lạnh giá. Văn minh máy lạnh là văn minh của những con người chỉ biết đến lợi ích mà quên đi đồng loại, quên đi cả mẹ tự nhiên. Vậy nên càng ngày con người càng phải đối mặt với nhiều đại họa từ việc tàn hoại tự nhiên, và Tôtem sói càng như một minh chứng nữa cho sự sai lầm của thuyết nhân loại trung tâm tưởng như vĩnh hằng bất biến. Khương Nhung đã khẳng định một cách chắc chắn vai trò không thể thay thế được của sói đối với thảo nguyên. Một giống loài người ta chỉ biết đến xưa nay với sự hung ác, nay trở thành người điều phối sự cân bằng sinh thái của đồng cỏ mà không cần bàn cãi gì thêm. Sự biến mất của sói kéo theo sự biến mất của thảo nguyên Ơ Lôn. Con người chả phải là tinh túy của đất trời, cũng chưa hẳn là “con cưng” của mẹ tự nhiên. Con người chỉ là một giống loài trong vô số những giống loài khác trong hệ sinh thái. Sự tổn hại của hệ sinh thái do con người gây ra sẽ trực tiếp làm tổn thương con người. Đó hẳn là tư tưởng mà Khương Nhung muốn gửi gắm trong Tôtem sói.

Trên dưới mười năm sống và trải nghiệm trên thảo nguyên Ơ Lôn, Khương Nhung đã có một sự am hiểu khá đầy đủ về loài sói để thai nghén trong hai mươi năm và cho ra đời Tôtem sói khiến độc giả khắp thế giới phải kinh ngạc. Người ta kinh ngạc bởi lần đầu tiên có một tác phẩm hé lộ nhiều điều kì bí về loài sói - giống loài bị ghét bỏ xưa nay; cũng lần đầu tiên vai trò vị thế của sói được nâng cao như vậy mà không cần bút pháp khoa trương, lại theo những thuyết khoa học đã được chứng thực như thuyết Cổ mẫu của Jung, Tự sự học, thuyết Sinh thái… Có thể nói, Tôtem sói của Khương Nhung đã gây một tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới bởi nhiều chứng cứ thuyết phục về sự kì lạ của sói - những sự thật trái ngược với những quan niệm của nhân loại xưa nay.

D.H.H.N
(SH319/09-15)


------------------
(1) Khương Nhung (2008), Tôtem sói, Nxb. Công an Nhân dân. Những câu trong ngoặc kép tiếp theo trong bài viết cũng đều được trích dẫn từ cuốn sách này.
(2) Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb. Giáo dục, tr. 88
(3) Nguyễn Thái Hòa, sdd, tr 88  






 

Các bài mới
Lời ru của Mẹ (01/10/2015)
Vệt chàm (30/09/2015)
Giác ngộ (29/09/2015)
Các bài đã đăng
Lối trong rừng (17/09/2015)