Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Chuyện về bác sĩ Lê Khắc Quyến
15:24 | 12/10/2015

LÊ VĂN LÂN

Trong phong trào đô thị Huế, từ phong trào hòa bình 1954 - 1955, phong trào Phật giáo ở Huế những năm 1963 - 1964 đến phong trào li khai ở Huế 1966, có một nhân vật khi nhắc đến hầu như ai cũng biết - đó là bác sĩ Lê Khắc Quyến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nguyên Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế.

Chuyện về bác sĩ Lê Khắc Quyến
Bác sĩ Lê Khắc Quyến

Ông là một bác sĩ tài năng và đức độ, là một yếu nhân trong sáng lập và là người có những tác động mang tính quyết định việc ra đời Đại học Y khoa Huế; là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cứu quốc và là thành viên Thượng Hội đồng Quốc gia thời tam đầu chế “Minh-Khiêm- Khánh”. Có nhiều cái nhìn khác nhau từ hai phía về bác sĩ Lê Khắc Quyến, kể cả những người trong họ tộc. Nhưng, có một cái nhìn chung nhất: Ông là một người yêu nước chân chính, yêu nước quyết liệt và dữ dội.

Bác sĩ Lê Khắc Quyến là ai?

Những người hoạt động cùng thời với ông đều đã mất nên việc tìm hiểu về bác sĩ Lê Khắc Quyến là rất khó khăn, tài liệu về ông lại rất hạn hẹp, trong họ tộc hiểu về ông cũng mơ hồ, đồng nghiệp hiểu về ông cũng có mức độ. Trong tình hình chính trị phức tạp thời đó cũng như mối quan hệ rộng rãi của ông khó có cái nhìn đầy đủ. Qua những điều thu thập được, chúng tôi thử phát thảo chân dung ông và mong muốn những góp ý bổ sung để có một chân dung nhân vật lịch sử này một cách hoàn chỉnh.

Bác sĩ Lê Khắc Quyến sinh năm 1915 và mất năm 1978. Ông quê gốc làng Văn Xá, Hương Trà, Thừa Thiên Huế nhưng sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, bố ông là ông Lê Khắc Tuệ, là “ông phán đầu tòa” dinh phó sứ Quảng Bình. Gia đình ông lập đồn điền Văn Lương 45 mẫu (Trung Bộ). Từ nhỏ ông học hành nổi tiếng ở Đồng Hới. Có một chuyện vui, lần thi tốt nghiệp tiểu học ông đã làm cho cả nhà “hết hồn”. Buổi sáng treo bảng, ông bỏ trường chạy về nhà, khóc như mưa như gió, gia đình an ủi ông. Cũng vừa lúc ấy chú Trợ Mân (Lê Khắc Mân) cũng dạy trường ấy hớt hải chạy về tìm, bế xốc ông lên xe kéo vù vù về trường. Thì ra ông đỗ thủ khoa! Xướng tên thủ khoa, không thấy học trò bước lên lĩnh thưởng, bà đầm chánh chủ khảo bắt chú Trợ Mân về tận nhà đưa ông tới. Rồi chính bà đầm chánh chủ khảo bế xốc ông lên cho thầy trò cả trường tung hô. Từ ấy cho tới năm tốt nghiệp y khoa ông luôn được cấp học bổng.

Trung học ông học tại Albert Sarrault (Hà Nội) và tốt nghiệp trung học ở đây, sau đó học trường y và tốt nghiệp bác sĩ y khoa 1943. Cùng thời với ông học trường y Hà Nội có các bác sĩ Tô Đình Cự, Phạm Biểu Tâm, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung,… thế hệ vàng của ngành y Việt Nam. Ra trường ông lần lượt đảm nhận những chức vụ quan trọng trong ngành y: Giám đốc Bệnh viện Nha Trang, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, giám đốc y tế trung phần, khoa trưởng Đại học Y khoa Huế, Tổng Biên tập nguyệt san y khoa lấy tên Lành Mạnh. Trong cách mạng tháng 8 thời kỳ 1945 - 1947 ông cùng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phụ trách Quân y viện Mang Cá cứu chữa thương bệnh binh khu vực Trung - Trung Bộ. Và từ năm 1970 đến lúc mất ông là Giám đốc Bệnh viện Sùng Chính (TP. HCM).

Người dân Huế những năm 1950 - 1970 không ai là không biết ông. Ông có phòng mạch ở 7 Thượng Tứ, đối diện phòng mạch, ông mở “nhà thương thí”. Người khá giả muốn tới đây hưởng thuốc hay thầy giỏi thì phải thanh toán đầy đủ để gánh vác phần chi phí cho người kém may mắn kể cả tiền nuôi y tá, điều dưỡng viên. Người nghèo khổ cô đơn được miễn cả tiền thuốc, tiền phòng, tiền ăn (rõ ràng đây là một mô hình ưu việt của ngành y cùng lúc chăm sóc sức khỏe cho người giàu lẫn người nghèo). Ông không hưởng một chút lợi nhuận thù lao nào từ “nhà thương thí”. Người nghèo bệnh nặng qua đời ông còn cho tiền mua vải liệm, tiền thuê xe chở thi hài về quê…

Là người ở cạnh nhà bác sĩ Quyến, Quế chi Hồ Đăng Định trong Thượng Tứ ngày xưa nhớ nhớ… quên quên đã viết: “Ôn Đốc nổi tiếng là một bác sĩ giỏi khắp thành phố Huế và các miền phụ cận cũng như tiếng tăm lan ra đến cả vùng quê xa xôi hẻo lánh. Nhiều khi người ta dùng đò để chở bệnh nhân từ dưới biển, từ các quận, huyện hay dùng xe chở bệnh nhân nặng từ Quảng Trị nhờ quan Đốc cứu chữa và không chỉ là “May thầy phước chủ”. Mà chính là nhờ tài năng và tấm lòng lương y nên ôn Đốc đã cứu sống nhiều mạng người mà trong nhiều trường hợp tưởng chừng đã tuyệt vọng.

Một bằng chứng mà tôi được biết, Ôn Đốc Quyến là người có xe hơi đầu tiên trong xóm Thượng Tứ nhờ chính tài ba của Ôn. Tôi nhớ rất rõ chiếc xe Peugeot 202 màu nâu trông như con bọ hung là quà tặng của ông bà chủ lò bánh mì Lí Lâm Tinh tặng ông vì ông đã chữa trị cho bà mẹ ông bà Lí Lâm Tinh qua cơn nguy kịch”.

Theo bác sĩ Đoàn Văn Quýnh, học trò ông kể lại: Ông là người có cuộc sống giản dị, mặc dù có ô tô nhưng từ nhà đến trường Y, từ trường Y đến bệnh viện ông đều đi xe đạp là chính. Những năm 60, Huế có trận dịch tả lớn, khu truyền nhiễm Trần Hưng Đạo thuộc Bệnh viện Trung ương Huế rất đông bệnh nhân và mất vệ sinh (thậm chí bệnh nhân đi ngoài ở trong phòng phải dùng vòi nước để xịt) y bác sĩ ai cũng ngại vào thăm khám. Ông buộc cán bộ y tế vào phòng bệnh phải đi guốc mứt, mặc quần “cháo lòng”… Rất an toàn. Tâm lý e ngại không còn nữa. Trong sự kiện Phật giáo tại Đài Phát thanh Huế ông là người trực tiếp đến thăm khám các thánh tử đạo.

Bác sĩ Lê Khắc Quyến có quan hệ mật thiết với gia đình Ngô Đình Diệm ở Huế, thậm chí là người có ơn với gia đình họ Ngô. Hễ mẹ đau yếu là Ngô Đình Cẩn mời ông đến khám chữa. Gia đình họ Ngô đã biếu ông một chiếc Mezcedes choáng lộn “Để bác sĩ có phương tiện tới giúp mẹ tôi cấp thời…”. Những năm 1955 - 1956, loại xe này được quy định là xa xỉ phẩm. Thuộc chế độ ưu tiên nhập cảng dành riêng cho các quan chức cao cấp chính phủ, người dân không được sử dụng, trị giá của chiếc xe đó khoảng 200.000đ, trong lúc đó lương của công chức khoảng 1800đ đủ để nuôi vợ con. Sau sự kiện Đài Phát thanh Huế năm 1963, ông Diệm đã mời ông vào Sài Gòn để nói về vấn đề Phật giáo…

Công lao của bác sĩ Lê Khắc Quyến đối với Đại học Y khoa Huế rất lớn. Khi xây dựng trường có nhiều trở lực lớn, không chỉ ở trong ngành mà ngay cả các quan chức của chính phủ. Ông và linh mục Cao Văn Luận bằng uy tín, năng lực và nỗ lực của mình vận động thuyết phục cả trong và ngoài nước, và là một trong những thành viên sáng lập, điều hành Đại học Y khoa Huế trong một thời gian dài; ông đã góp phần đào tạo những lớp bác sĩ đầu tiên cho Huế và cả miền Trung. Những học trò cưng của ông đều trở thành những bác sĩ giỏi có tiếng khắp nước như Đặng Ngọc Hồ, Hoàng Quỳnh, Trần Tiễn Sum,…

Bác sĩ Lê Khắc Quyến là một Phật tử thuần thành. Ông có 10 người con. Người con trai út của ông là Lê Khắc Nhàn, pháp danh Hằng Trường, là một đại đức nổi danh đang thực hành Bồ tát hạnh ở California, Mỹ. Ông có quan hệ mật thiết với các cao tăng ở Huế. Trong cuốn tự truyện của Hòa thượng Thích Trí Quang, viết về ông khá đậm nét: “Bác sĩ Lê Khắc Quyến, pháp danh Nhật Thắng, đệ tử tổ đình Quốc Ân, người Huế. Tôi là bệnh nhân đến khám bệnh tại phòng mạch tư của ông ở cửa Thượng Tứ. Bấy giờ ông là Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó được biết bà cụ thân sinh ông là em ruột cụ bà Lê Văn Định. Mối liên hệ Phật giáo của ông là như vậy, chưa kể thân sinh của ông cũng là đệ tử tổ đình Quốc Ân, bổn sư là ngài Đắc Quang, tăng cang quốc tự Linh Mụ,… Ông có nhà mới, lớn và đẹp ở phía Nam thành phố, nhưng chưa kịp ở. Ông tham gia cuộc vận động 1963 của Phật giáo, mất hết chức và nhà, bị bắt bị tù. Khi tham gia, ông tự biết sẽ phải như vậy.

Sau Phật Đản dăm ba ngày, một buổi sáng gặp tôi, ông cho biết ông Diệm mời ông vào Sài Gòn để nói về vấn đề Phật giáo. Ông hỏi tôi muốn nói gì, tôi nói, xin nói rất thật tâm của tôi. Tôi không mưu đồ gì cả, chỉ phản ứng vì hết mức chịu đựng sự xúc phạm quá đáng đến Đức Phật và Phật giáo của tôi mà thôi. Vấn đề như vậy quá dễ giải quyết cho tổng thống chứ không thương tổn gì.

Hôm sau bác sĩ Quyến về Huế nói, ông mời ông vào để nghe ông nói, chứ không phải để nói cho ông nghe! Bác sĩ Quyến tham gia hết lòng vào 1963, sau đó, đến nỗi mất sạch, bị bắt bị tù, vẫn không chán bỏ đạo pháp, không mưu đồ gì, cho đến hết đời.

Bác sĩ Lê Khắc Quyến và tướng Dương Văn Minh - Ảnh: TL


Bác sĩ Lê Khắc Quyến trong phong trào đô thị

Những năm 1950 ở Huế có Chi bộ trí thức, nhiều người nói vui “Chi bộ bơ sữa” và nói như đồng chí Trần Hân, nguyên Bí thư Thị ủy Huế thời đó: “Người dân làm gì có bơ sữa để ăn”. Những người trong Chi bộ trí thức phần lớn là những người “Tây học”, có uy tín lớn trong xã hội, hiểu rõ nền dân chủ phương Tây. Ông là một trong những đảng viên chủ chốt trong chi bộ (Nguyễn Hữu Đính, Tôn Thất Dương Kị, Thân Trọng Phước, Tôn Thất Dương Tiềm, Nguyễn Ngọc Bang…) chủ lực trong Phong trào hòa bình sau hiệp định Genève. Phong trào hòa bình và tập văn Ngày Mai đã tập hợp đông đảo các nhân sĩ trí thức lớn ở Huế đấu tranh đòi hòa bình, đòi thi hành hiệp định Genève, đòi thống nhất Tổ quốc, đòi dân sinh dân chủ… Với nhiều yêu sách và những cuộc xuống đường thu hút hàng vạn người.

Bác sĩ Lê Khắc Quyến là một người sống hòa nhã gần gũi với mọi người; nhưng khi xuất hiện trong phong trào đô thị ông như một mãnh tướng và rất lẫm liệt. Thời bảo hộ, cụ Nguyễn Hữu Đính kể lại: Có lần trong một dịp lễ, chính quyền động viên nhân dân treo cờ, gia đình ông không treo bị hối thúc và nhắc nhở mãi ông mới treo, nhưng cờ là chiếc quần đùi của ông. Khi tập văn Ngày Mai ra đời, ông là cây bút tiên phong trong việc vạch trần chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Tham gia phong trào đô thị, ông đã tạo nên những sự kiện vang dội tác động sâu sắc đến phong trào ở Huế cũng như dư luận rộng rãi trên thế giới. Trong phong trào Phật giáo năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cách chức Viện trưởng Viện Đại học Huế - linh mục Cao Văn Luận và bổ nhiệm giáo sư Trần Hữu Thế, nguyên đại sứ tại Philippines, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục làm Viện trưởng. Tại buổi lễ bàn giao Viện trưởng Viện Đại học Huế trước đông đủ các khoa trưởng trường đại học, và các giáo sư Viện Đại học Huế, ông đã đứng dậy tuyên bố kể từ hôm nay các giáo sư thuộc viện Đại học Huế từ chức để phản đối quyết định cách chức linh mục Cao Văn Luận. Thái độ quyết liệt này đã làm ngỡ ngàng những người dự họp. (Trước gia đình họ Ngô ít ai dám phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt như vậy, ông lại là người có quan hệ mật thiết với gia đình này). Và như một phản ứng dây chuyền, sinh viên các trường đại học xuống đường bãi khóa để phản đối. Tất nhiên, thái độ quyết liệt này ông đã trả một giá rất đắt. Gia đình họ Ngô bắt giam hành hạ ở địa ngục Chín Hầm, ông ở đó cho đến ngày đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm 1/11/1963, sinh viên Huế lên đón ông trở lại mái trường Đại học Y khoa Huế.

Sau chính biến 1/11/1963, phong trào đô thị ở Huế lên cao, mà đỉnh điểm là sự ra đời của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc mà ông là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng Nhân dân Cứu quốc tập hợp hầu hết các nhân sĩ trí thức lớn ở Huế, đặc biệt là trong giới đại học đấu tranh mạnh mẽ chính quyền độc tài Nguyễn Khánh, đòi nghiêm trị dư đảng Cần Lao, kêu gọi nhân dân chống quân phiệt... Cơ quan ngôn luận của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc là báo Tranh Đấu ra hằng ngày. Báo Tranh Đấu cùng báo Lập Trường đã trở thành diễn đàn của người dân Huế đấu tranh cho một nền dân chủ thật sự, chống độc tài, chống dư đảng Cần Lao, chống quân phiệt. Cũng ở thời điểm này Hội đồng Nhân dân Cứu quốc đã ra một mệnh lệnh chấn động thời bấy giờ: Ra lệnh tập đoàn Cần Lao phải đến trình diện và tự thú trước Hội đồng trong vòng một tuần lễ từ 14/9 đến 21/9 năm 1964, quá thời hạn trên sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn. Tàn dư bộ máy cai trị của gia đình họ Ngô bị phá rã tan hoang trước thái độ quyết liệt này. Uy tín ông ngày càng lên cao, buộc chính quyền Sài Gòn phải mời ông cùng giáo sư Tôn Thất Hanh, khoa trưởng Đại học Khoa học Huế tham gia vào cơ quan tối cao “Thượng Hội đồng Quốc gia”. Đây cũng là thời điểm phong trào đô thị Huế phát triển mạnh mẽ, thành phố rầm rập những cuộc xuống đường mittinh, biểu tình, đình công bãi thị, đốt phòng Thông tin văn hóa Hoa Kỳ, đốt Tòa lãnh sự Mỹ, hình thành đoàn sinh viên quyết tử, chiến đoàn binh biến Nguyễn Đại Thức, các trường trung học đều hình thành tổ chức học sinh chiến đấu. Khi đề cập đến những biến động dữ dội tại miền Trung, thiếu tướng Đỗ Mâu trong hồi kí Việt Nam máu lửa quê hương tôi đã nhận xét về ông: “Trong hàng ngũ đấu tranh Phật giáo, trước hết có ông Lê Khắc Quyến, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cứu quốc là một phần tử thân kháng chiến mà nhiều người ở Huế biết rõ”.

*

Hiểu về bác sĩ Lê Khắc Quyến đến nay nhiều người vẫn còn mù mờ. ngay trong gia tộc người ta cũng hiểu về ông không đúng. Những đồng nghiệp của ông cũng có người cho rằng ông không phải là con người của chính trị. Có nhiều ý kiến khác nhau về ông ở nhiều phía. Nhưng có điều, là kẻ sĩ thì không thể “trùm chăn” và phải có trách nhiệm với đất nước. Cuộc dấn thân bao giờ cũng đặt ra cho người trí thức một sự lựa chọn nghiệt ngã và cái giá phải trả không nhỏ. Ông phải trải qua những ngày tháng đen tối ở địa ngục trần gian Chín Hầm trong phong trào Phật giáo 1963. Ông phải rời trường Đại học Y khoa Huế sau sự kiện li khai 1966, ngôi trường mà ông đã dành bao công sức, tâm huyết, tình cảm của mình để xây dựng, (ông bị chỉ định cư trú tại Sài Gòn). Nhưng đất nước, nhân dân ghi công ông, người dân Huế tự hào về ông: Huế đã có con đường mang tên đường Lê Khắc Quyến.

L.V.L  
(SDB18/09-15)





 

Các bài mới
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Cái hôn (19/10/2015)
Các bài đã đăng