Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Qua đò Tam Giang
08:52 | 14/10/2015

PHI TÂN
     Bút ký

Phá Tam Giang trải dài theo hướng từ Bắc vào Nam, song song với bờ biển từ huyện Phong Điền cho đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), được chảy vào bởi ba con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương.

Qua đò Tam Giang
Minh họa: Nhím

Xuôi đò trên phá Tam Giang sẽ cảm nhận mây nước mênh mông hữu tình, thỉnh thoảng bắt gặp từng đàn cá quẫy, một cánh chim vút lên từ mặt phá sải dài đôi cánh kiêu hãnh, hay cảnh một gia đình vạn chài quây quần bên bữa cơm chiều trên chiếc đò nhỏ ấm cúng… Tam Giang tự lâu rồi hiện hữu trong tôi như một phần quê hương thân thương, đầy những giấc mơ xanh.

Xóm nhà chồ Điền Hải bên bờ phá có một tên gọi dân dã: xóm Sáo. Sáo ở đây chính là nò sáo - một ngư cụ cố định trên phá Tam Giang. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi người làm ruộng phải chạy gạo từng bữa vì thiếu lương thực thì đời sống của ngư dân xóm Sáo là mơ ước của những người dân nông thôn. Người dân xóm Sáo sống nhờ “lộc” của phá Tam Giang. Mỗi lần xóm đổ nò cá tôm phải tính từ đơn vị tạ trở lên mà là cá to, cá ngon đặc sản của phá; hay mỗi mùa lụt từng đàn con chình, con lệch, con lươn trôi về dày đặc cả trộ sáo, cứ thế đổ đầy đò mang về chợ. Nghe mấy bác ngư dân kể về chuyện con chình của phá Tam Giang mới thú vị. Loài chình sống ở những con suối đầu nguồn, đến mùa mưa nó trôi về phá theo con nước. Điều lạ là con chình bắt ở suối thịt không ngon, phải đến khi nó trôi về phá thấm vị của con nước lợ mới béo. Anh bạn học của tôi quê ở làng Thế Chí Đông, một làng nông nghiệp gần phá Tam Giang kể: “Con gái làng tau hồi đó lấy được chồng xóm Sáo cứ như giờ lấy Việt kiều, được cha mạ nhà trai cho vợ chồng nửa trộ sáo mần ăn, là cả một gia sản lớn. Ngư dân phá Tam Giang có một tục kiêng kỵ, đàn bà không được đi làm nghề vì sợ xui, nên được làm dâu xóm Sáo vô cùng sướng, chỉ việc ở nhà phục vụ chồng con và mỗi ngày gánh cá tôm ra chợ bán…”. Tôi đã nhiều lần ghé xóm Sáo chơi và ngạc nhiên trước những ngôi nhà chồ bằng gỗ rộng rãi thoáng mát. Ngồi xếp bằng nhậu trên nhà chồ nghe ngọn gió hào phóng mang theo cả mùi nước lợ từ phá Tam Giang thổi về, ngỡ mình đang ngồi trên một chiếc đò lớn neo trên sóng nước mênh mông. Nhà chồ được xây dựng kiên cố, vững chãi bằng gỗ giống như những ngôi nhà sàn ở Tây Nguyên. Dưới sàn nhà, chủ nhà để các ngư cụ đánh cá và chiếc ghe nhỏ. Nhìn kiến trúc của những ngôi nhà chồ bên chân phá mới hiểu rằng: nếu như nông dân có người mẹ lớn là Đất thì ngư dân có người mẹ lớn là Nước. Kiến trúc của những ngôi nhà chồ chính là hình bóng của những chiếc đò trên cạn. Tôi càng hiểu thêm triết lý sống của ngư dân Tam Giang khi đọc hai câu thơ của một người bạn sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà chồ xóm Sáo: “Vạn đò giỗ tổ trên sông/ Khom lưng mà lạy ròng ròng nước trôi”.

Cách đây không lâu tôi lại về Điền Hải, vừa vô sân ủy ban xã gặp ngay anh Tế, công an xã đang chắp tay sau lưng đi lui đi tới có vẻ căng thẳng lắm. Thấy tôi, anh mừng ra mặt: “Chà có mấy nhà báo về đây rồi, nhờ mấy chú ra phá Tam Giang mần cấy phóng sự “thủy tặc” trên phá giúp tụi tui…”. Nói xong anh móc điện thoại gọi cho bà con ngoài xóm Sáo chuẩn bị đò giang. Tôi đi cùng anh Tế và chú Công Chủ tịch xã Điền Hải ra xóm Sáo. Ở đó đã có mấy người quen là anh Chiến, anh Chính đang đứng đợi ở bến đò. Đò nổ máy bành bạch lao ra phá. Nhưng đò lạng lui lạng tới trên con phá mấy vòng mà chẳng thấy “thủy tặc” xuất hiện. Anh Tế đốt thuốc phì phà liên tục tỏ vẻ căng thẳng lắm. Đò chạy hồi lâu, chú Công mới đề nghị anh Chiến giở một trộ nò coi thử, chỉ thấy một con cá bống bằng ngón tay cái, còn lại là mấy con tôm con cá liu tiu. Anh Tế mặt hằm hằm: “Đó mấy chú thấy không, hồi trước giở một nò là đầy một rổ cá, chừ cái bọn “thủy tặc” càn quét môi sinh nên cá mú đi mô hết”. Chờ thêm một hồi nữa vẫn không thấy “thủy tặc”. Anh Chiến nói “Thôi mình lái đò vô Cồn Cát chơi”. Cồn Cát là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá có cắm biển cấm không được đánh bắt. Cách đó mấy tháng, mấy trăm con cá dìa giống được thả xuống khu vực này. Đến Cồn Cát, chú Công nói: “Đây giống như là khoa sản của bệnh viện rứa nghe. Cá đẻ ra chỗ ni an toàn, còn kêu là tái tạo nguồn lợi thủy sản cho phá Tam Giang đang cạn kiệt…”. Đang chong mắt nhìn xuống đáy phá xem mấy con cá dìa đã lớn được chừng mô thì anh Chính la lên: “Có đò “thủy tặc”! Thế là chiếc đò của mấy anh em tăng tốc lao ra đoạn giữa phá. Nhưng do công suất máy chiếc đò chúng tôi hơi yếu nên chỉ thấy được đò của “thủy tặc” mà không bắt được. “Thủy tặc” là một đôi vợ chồng còn khá trẻ, nước da đen sạm, mặt mũi cũng hiền lành, chất phác. Tôi hỏi anh Chiến: “Mấy anh có biết họ không?” “Mấy đứa ở trên xóm vạn chài gần cửa Lát đó. Mấy đứa ni không có ý thức cứ dùng giã cào khai thác hến, quậy nước cáu hết làm cá không to nổi luôn”. Tôi cười nói: “Gọi họ là “thủy tặc” nghe nặng nề quá!” Anh Tế ấp a ấp úng: “Thì tui nghe báo chí của mấy chú nói “thủy tặc” tụi tui cũng kêu theo thôi; chứ mấy đứa ni “côi răng đưới đái” có chi mà tặc với tè”… Buổi trưa hôm đó, mấy anh em ngồi nhà chồ nhậu, mồi là đĩa rạm bè phá Tam Giang rang muối. Anh Chính có vẻ áy náy lắm: “Làm nghề bữa ni “hèn” quá không có cá tôm đãi mấy anh em”. Nhai rào rạo miếng rạm bè mình nghĩ bụng, người ta cũng là vì mưu sinh bức bách mà nhắm mắt dùng xung điện, giã cào khai thác hủy diệt như đôi vợ chồng mình bắt gặp buổi sáng trên phá… Thiệt buồn là “lộc” phá Tam Giang đã không còn phong phú như năm nào.

Hồi học cấp 3, tôi có mấy đứa bạn là cư dân xóm sáo Vĩnh Tu, cũng là một xóm sáo trù phú nằm ven phá Tam Giang thuộc xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền. Nhớ mùa thi tốt nghiệp cấp III, cả hai lớp 12 năm đó của trường Tam Giang tập trung về nhà Dũng “đầy” để ba nó đưa đò qua bên kia phá vô Sịa dự thi. Dũng giờ là hiệu phó trường tiểu học ở quê, vợ chồng đã xây nhà riêng ở gần trường học nhưng hằng đêm vẫn đi cột nghề đánh cá trên phá… Nhắc Vĩnh Tu là phải nói cái bến đò ngang qua phá Tam Giang. Biết bến Cồn Tộc - Vĩnh Tu mới biết thế nào là sóng nước Tam Giang. Tôi là khách quen của bến đò này phải chừng 10 năm với bao nhiêu là chuyến đò đi đò về. Những ngày đẹp trời, đi đò ngang là một cái thú để ngắm mây, ngắm nước; là những phút thư giãn trên đoạn đường dài mấy chục cây số từ Huế về nhà. Nhưng những ngày mưa gió, ngồi lên đò là thấy bất an. Chiếc đò nhỏ nổ máy lao ra giữa mịt mùng mưa gió, sóng nước, bập bềnh lên xuống giữa bạt ngàn gió, còn nước thì vô tư tạt ướt nhẻm cả áo quần hành khách. Những lúc như thế chỉ có cách nhìn vào gương mặt tỉnh rụi của mấy bác lái đò để tự trấn an mình. Có lần tôi về thăm quê vào một buổi trưa gió Lào. Trưa vắng, khách chỉ có tôi và anh Minh chủ đò và là người lái đò. Thấy Minh đội cái nón, miệng phì phèo điếu thuốc mà run. Gương mặt Minh còn ngái ngủ, hắn nổ máy ra đoạn giữa phá, chiếc đò cứ xoay tròn, xoay tròn, nước tràn vô đến nửa lòng đò vì gió Lào quá mạnh. Hắn giục mình tát nước còn hắn thì tìm cách lái đò vượt sóng. Sau phút hú vía hắn mới giải thích: “Khi hôm tui xem bóng đá khuya nên lái đò mất tập trung; tổ cha cái thằng tây bán nhà (Tây Ban Nha) đá thì hay mà để thua”. Khi đó cũng chỉ biết thở phào mà cười với hắn: “Tây bán nhà mô chẳng biết chút nữa thì ông bán mạng tui cho Hà bá rồi!”

Những người có nhiều kỷ niệm nhất với bến đò Vĩnh Tu - Cồn Tộc có lẽ là những thầy cô giáo đến từ Huế và những vùng bên kia phá sang dạy học ở các trường học bên này. Mới đây ngồi trò chuyện với anh Hài, trước là chủ tịch xã Quảng Ngạn, anh nói một trong những việc mà anh làm được khi còn làm chủ tịch là ký quyết định miễn phí cho tất cả thầy cô giáo đi đò ngang qua bến đò Vĩnh Tu, vì thầy cô phần lớn là nghèo mà có cái tâm vượt phá để dạy học đã là một sự cống hiến lớn rồi! Lại nhớ cái năm đổi tên Trường PTTH số 3 Hương Điền (ngôi trường cấp 3 duy nhất của những làng quê bên kia phá hồi đó) thành Trường PTTH Tam Giang, thầy giáo dạy Toán của lớp tôi là thầy Phùng Đăng Khánh đã nói là thầy không đồng ý tên trường Tam Giang bởi nó gợi lên sự xa xôi, cách trở, khó khăn khiến không ít sinh viên sư phạm phải lắc đầu khi phân công về đây dạy học… Thầy Khánh người Hà Tĩnh, vừa học xong khoa Toán - Đại học Sư phạm 1 Hà Nội đã đăng ký vô luôn Bình Trị Thiên dạy học. Thầy kể: “Bước xuống đò từ bến Đông Ba, chạy một đoạn thấy mù mịt mây nước mình không tưởng tượng nổi sẽ đến một vùng quê như thế nào...”. Vùng quê đó là Ngũ Điền nơi thầy trở thành một kẻ ngụ cư danh tiếng được học trò và người dân thương mến. Nhưng cuối cùng trường đã lấy tên là Tam Giang cho đến nay và có cầu rồi, trường xa xôi cũng đã hóa gần…

Đã là dân miệt phá Tam Giang không ai không đi đò dọc. Đó là một khoảng không gian, thời gian đầy ắp kỷ niệm. Từ Huế về quê hay ngược lại phải mất nửa ngày sông nước nên ngồi trên đò có thể làm một cuộc nhậu, một sòng bài và nếu ai may mắn có thể làm quen với một cô gái nào đó tình cờ cùng chung chuyến đò dài. Tôi chắc rằng có những mối tình đã được chớm nở trên những chuyến đò dọc như thế. Có những đôi mãi bên nhau, mà cũng có những đôi phải tình duyên nửa gánh để lòng mãi dở dang một chuyến đò đời... Những chuyến đò mang những âm sắc của phố thị về với những làng quê hẻo lánh, những chuyến đò chở những ước mơ của những đứa học trò nghèo khăn gói lên thành phố trọ học.

Từ Huế về quê theo đường cầu Ca Cút, những khi đẹp trời tôi lại dừng chân nơi con đập Thảo Long để ngắm sông. Sông Hương và sông Bồ mãi mê chảy qua làng mạc và phố thị để rồi hợp lưu tại ngã ba Sình. Từ đây Hương Bồ là một dòng chảy lớn chảy qua đập Thảo Long đổ ra phá mẹ Tam Giang. Cái tên Thảo Long nghe hay lắm mà cũng chưa thấy ai giải thích xuất xứ của cái tên này. Hồi trước mỗi lần từ quê đi đò lên về Huế đều qua cửa đập Thảo Long. Những ngày hè, khi nước mặn từ biển dâng lên, đập Thảo Long đóng van cửa đập và khách đi đò phải chịu cảnh tăng bo. Tôi đã nhiều lần đi tăng bo như thế. Nhớ nhất là có lần ngồi đò từ quê đi lên Huế thấy chiếc đò bên tê từ Huế xuôi về phá có một đứa quen cùng trọ ký túc xá. Anh chàng này người Quảng Nam theo người yêu là sinh viên sư phạm về quê nàng chơi. Hai anh chị đang say ngắm cảnh mây nước, bất ngờ một cơn gió mạnh thổi bay chiếc mũ của cô nàng. Ngay lập tức, anh chàng lao ùm xuống sông vươn những sải tay dài chụp lấy chiếc mũ cho người yêu trong cái nhìn trầm trồ của tất cả những người ở cả hai chiếc đò. Về sau, hai người không nên duyên làm tôi cứ bâng khuâng mãi… Những chuyến đò tăng bo nhiều kỷ niệm đã thành xa vắng. Đò dọc cũng dần thưa lắm khách đi. Qua đập Thảo Long nhìn dòng sông, nhìn những cánh đồng cỏ xanh um tùm tôi cố tìm ra một nét gì đó liên quan đến cái tên Thảo Long nhưng đành chịu. Ngày đẹp trời, dòng Hương Bồ bình lặng điểm xuyến mấy chiếc ghe câu đẹp như một bức tranh thủy mặc. Không biết anh chàng người Quảng Nam đó có lần nào trở lại nơi này không?

Không thể nhớ hết là mình đã ngược xuôi bao nhiêu chuyến đò như thế. Hấp dẫn nhất vẫn là đoạn qua cửa Thuận An. Đứa bé hiếu kỳ là tôi chỉ cần nghe tiếng ông chủ đò nói với người lái đò: “Tới cửa Thuận rồi coi lái đò cho cẩn thận!”, là ngay lập tức mình nhoài đầu ra mạn đò để xem những con sóng bạc đầu từ cửa biển mặc cho người lớn can ngăn, la mắng. Đó là những khi trời yên biển lặng; ngày mưa gió, đò đi qua cửa Thuận có khi sóng đập nước tràn vào khoang. Khách trên đò ngồi im thin thít cùng chung sự âu lo… Không còn theo những chuyến đò dọc nữa, tôi mới chợt nhận ra rằng con đường từ bến đò làng qua sông, qua phá đến bến Đông Ba để làm quen với đời sống phố thị là con đường quan trọng nhất của đời mình và rất nhiều bè bạn ở những vùng quê ven phá Tam Giang. Tôi nhớ mãi mùi xăng dầu, mùi khói, mùi cá mùi tôm và ngọn gió nồm mát rượi mùa hè, hơi giá lạnh những chiều đông bao trùm cả khoang đò. Nhớ cảnh thường thấy những cô cậu sinh viên mỗi lần về thăm nhà theo đò lên lại Huế trọ học có thêm một bao gạo nhỏ, chai nước mắm, mấy bó rau của gia đình tiếp viện. Với tôi, chuyến đò vui nhất trong cuộc đời là ngày hai vợ chồng đưa bé gái đầu lòng vừa chào đời được 5 ngày từ bệnh viện Trung ương Huế lên đò về quê ngoại.

Bây chừ từ Huế về quê tôi, một vùng quê cuối dòng Ô Lâu nơi mà con sông kết thúc dòng chảy của mình để đổ vào phá mẹ Tam Giang, cách Huế tới chừng 50 cây số bên bờ phá nay đã có đến cả mấy ngã đường. Từ đường Ca Cút, đường An Lỗ, đường Sịa hay xa chút là đường Phò Trạch chỉ cần có hơn nửa tiếng đồng hồ phóng xe máy là có mặt ở quê. Mỗi lần đi ngang cầu Ca Cút, tôi đều mang mang cái cảm giác “trời đất bao la, chìm đắm trong ta” cho dù buổi sáng, buổi chiều hay đêm buông. Có lẽ cái cảm giác bao la, bàng bạc với trời đất, mây nước đó đến từ những câu chuyện trên con phá và cả câu ca xưa: Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Cây cầu đã được mang tên là Tam Giang từ khi mới khánh thành, chấm dứt những chuyến đò ngang qua phá một thời, nhưng cái địa danh bến đò xưa Ca Cút gợi cảnh quá, miên viễn quá thành ra cầu vẫn cứ là Ca Cút trong lòng người. Có cầu, những chuyến đò dọc từ các bến đò sông quê theo phá Tam Giang rồi theo sông Hương đến bến đò Đông Ba lên Huế hay ngược lại đang thưa vắng dần. Hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn: “Bến Đông Ba đã không còn đò về quê mình nữa...”. Con sóng Tam Giang chợt dậy lên trong tôi những bến bờ xa vắng, lẻ loi. Một thoáng buồn quạnh quẽ về những ngày theo sông theo phá trên bao chuyến đò lênh đênh.

P.T
(SDB18/09-15)





 

Các bài mới
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Cái hôn (19/10/2015)
Các bài đã đăng