Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Thoáng Mỹ…
08:21 | 03/11/2015

QUẾ HƯƠNG

Tôi đến Mỹ 4 tháng, thăm con trai từng là nha sĩ, qua học lại, 41 tuổi mới chính thức vào trường đại học Mỹ, sống lần nửa đời sinh viên ở một đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới.

Thoáng Mỹ…
Tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ - Ảnh: internet

Đó không phải là chuyến du lịch, thăm thú ít vì con không có điều kiện nên những gì tôi cảm nhận về đất nước này chỉ là một thoáng Mỹ qua con mắt đàn bà đầy cảm tính của tôi.

1. Xe ơi là xe!

Choáng ngợp đầu tiên là dòng xe hơi bất tận lướt trên hệ thống xa lộ chằng chịt nhiều làn xe. Trên đất nước mênh mông này xe hơi thành đôi chân vạn dặm để di chuyển. Nước Mỹ ngày đêm chuyển động bởi những dòng xe bất tận như thế. Vận hành quy củ, êm ru. Theo làn, không vượt, không lạng lách, không bóp còi inh ỏi. Con tôi bảo ở đây hồ sơ lái xe cực kỳ quan trọng cho một con người. Cứ theo luật mà phạt. Phạt là bị chấm điểm ở hồ sơ lái xe. Đến số điểm quy định bị thu bằng lái, đồng nghĩa với cắt cụt chân. Hồ sơ lái xe nào bị tì vết, tiền mua bảo hiểm cũng cao hơn hẳn. Thế nên không tuân thủ sao được?

Nhưng cái tôi ấn tượng chính là thái độ của xe trước người. Người đi bộ từ walk side băng qua đường luôn được xe nhường. Tôi đứng bên lề chờ xe qua theo thói quen Việt Nam, nhưng xe tự động dừng vẫy tay mời bước còn kèm nụ cười. Lần nào cũng thế, dù đường vắng hay đường đông. Quen giành, quen chờ, quen nghe chửi, thấy thế cứ ngẩn ngơ…

2. Thành phố của gió

Biết Chicago qua phim, hang ổ của những băng đảng gangster. Đến rồi mới biết Chicago còn nhiều thứ khác. Nicknam thật lãng mạn - Windy city, thành phố của gió. Nằm bên bờ hồ Michigan hun hút gió, siêu đô thị vốn là trung tâm quốc tế về tài chính, thương nghiệp, kỹ nghệ, truyền thông với rừng nhà chọc trời như “mềm mại” hơn trong sương mù và gió lộng.

Vượt lên rừng nhà chọc trời là tháp Willis 108 tầng, từng là tòa nhà cao nhất thế giới. Vào thang máy cao tốc chưa tới một phút, du khách bước ra tầng thứ 103, nhìn qua ban công kính trong suốt có thể thấy bao quát toàn cảnh Chicago. Từ độ cao 412m, thành phố lớn thứ ba nước Mỹ như thành phố đồ chơi. Nhà chọc trời lô nhô trong mây. Thuyền buồm bé tẹo như thuyền giấy trong hồ lặng. Cõi ta bà xôn xao ngủ trong mù sương.

Xuống mặt đất, vào giờ tan việc lại thấy một Chicago khác. Từ các tòa nhà hành chính người đi làm túa ra tràn ngập các đại lộ. Họ đi bộ, có lẽ vì khó tìm chỗ đậu xe trong thành phố đông dân thứ ba nước Mỹ, áo khoác, cặp xách, lặng lẽ về nhà trong chiều lộng gió. Đủ màu tóc, màu da, sắc tộc đan xen những mảng màu khác biệt. Tất cả gõ bước thong thả trên đường phố, giữa hai rừng nhà cao ngất. Đối với tôi siêu độ thị giờ tan tầm mới thật ấn tượng, náo nhiệt một cách yên ả. Rộn ràng, nhộn nhịp theo cách Chicago!

3. Nắng lạnh

San Francisco có mật độ dân đông thứ hai của Mỹ, mang vẻ đẹp độc đáo của thành phố du lịch nổi tiếng.

Hợp tấu giữa gió biển, sương mù và nắng lạnh đem đến cho du khách một cảm giác mùa hè rất lạ. Mùa hè áo khoác, khăn quàng đi qua những phố mù sương trên sườn đồi cảm giác lòng mình cũng nghiêng ngả theo độ vênh, độ nghiêng, độ dốc của xứ sở 50 ngọn đồi. Dốc nối dốc, nhà tựa nhà, miên man hoa. Ngước lên thấy xe chầm chậm uốn lượn zig zag theo đường hoa Lombard dốc nhất thế giới xuống đồi với tốc độ 5km/ giờ. Nhìn xuống thấy xe nối xe bò lên dốc thẳng đứng. Bộ hành lên xuống đồi bằng lối đi có bậc cấp và lan can. Bên lên, bên xuống. Nhìn những cặp già có trẻ có tay trong tay đi trong nắng lạnh mới hiểu vì sao đây còn gọi là thành phố của tình yêu. San Francisco từng là thánh địa của phong trào Hippie cuối thập niên 60. 50 ngàn dân hippie đến đây với hoa cài tóc dự sự kiện văn hóa vô tiền khoáng hậu “Mùa hè tình yêu” với khát khao phá bỏ giới hạn, định kiến, quy ước xã hội… Phong trào Hippie tàn còn lại dấu tích ở phố Haight Asbury.

Quá khứ giao hòa hiện tại khi vọng tiếng leng keng của những chiếc tàu điện sản xuất năm 1873 chạy bằng hơi nước phục vụ đi lại trong thành phố hiện đại; ngắm những ngôi nhà cổ nhiều màu sắc mang phong cách kiến trúc Victoria xây dựng cuối thế kỷ 19 có tên “Painted Ladies”; khu phố Chinatown lâu đời nhất bắc Mỹ, còn được gọi “City within a city” (phố trong phố) vì hơn 100.000 Hoa kiều ở đó vẫn lưu giữ những nét đặc trưng của văn hóa Tàu trong phố xứ người.

Mua vé lên tàu du lịch tham quan vịnh SF du khách sẽ chiêm ngưỡng cầu Cổng Vàng nổi tiếng, uy nghi, tráng lệ trong sương mù, ngắm nhà tù Alcatraz kiên cố lạnh lẽo, nơi giam giữ những tội phạm nguy hiểm nhất nước Mỹ từ 1934 - 1963. Nhà tù đóng cửa trở thành điểm du lịch hút khách và làm bối cảnh mạo hiểm vượt ngục cho những phim hành động.

4. Rest area, Restroom - Number one!

Đàn bà mang theo nữ tính của mình vào cách nhìn và cảm nhận. Ấn tượng để lại trong tôi không phải ở tầm vóc vĩ đại, giàu đẹp của Mỹ mà từ những cái bình thường làm nên sức mạnh của một nước văn minh. Chẳng hạn Rest Area, Restroom. Chạy xe đường trường cứ khoảng hai tiếng là có một Rest Area bên đường, trạm dừng để thư giãn, ăn uống, vệ sinh - một vùng cây cỏ xanh ngắt đẹp đẽ, có cả sân chơi nhỏ cho trẻ em thư giãn, chỗ thay tã lót cho em bé, bàn ghế đá ngoài trời nghỉ ngơi ăn uống.

Dưới chân bàn đá tôi ngồi có xác một chim con. Nhìn lên cây thấy một tổ chim, bầy chim con chiêm chiếp đòi ăn, gọi mẹ. Tôi xé nhỏ bánh mì rải xuống gốc cây, lập tức chim đói từ đâu sà tới cả bầy, ríu rít gọi nhau. Đang hạnh phúc cho chúng ăn, con tôi bảo: “Mẹ đừng làm thế người ta cho xả rác. Bên ni không phải giống bên mình. Có camera hết.” Nói xong con túm thức ăn thừa cho vào thùng rác gần đó, hối lên xe. Tôi đi, ngoái nhìn bầy chim đói và gói thức ăn thừa bỏ thùng rác lòng chùng lại. Sạch quá, nguyên tắc quá đôi khi hóa tàn nhẫn. Người đàn bà làm việc nhà tủn mủn như tôi ngộ ra rằng chút rơi vãi có thể thành quà tặng. Hạt cơm rơi, quà cho thằn lằn, đàn kiến. Mẩu bánh mì, quà cho chim. Mua bán dễ dãi, dại hơn người một tí quà cho người bán hàng rong cơ cực… Chút chút, tẹo tẹo mà vui từ hai phía.

Mua bán ở Rest Area tự động. Cứ bỏ tiền vào là có kẹo bánh, cà phê, nước ngọt theo yêu cầu. Restroom cả dãy riêng biệt cho nam, nữ, sạch, đầy đủ xà phòng, phong phú giấy vệ sinh, giấy lau tay, máy hơ tay khô sau khi rửa. Chẳng ngạc nhiên khi Mỹ hiếm có dịch. Nếu là restroom ở nhà hàng thức ăn nhanh đông đúc thì tự động xếp hàng. Người vào trước giữ cánh của cho người kế tiếp không cần yêu cầu và người kế tiếp luôn “thank you”. Chạnh nhớ tới những toilets công cộng vào là hãi ở bên mình. Những hành khách bất đắc dĩ phải chìa mông ở lùm cây, bụi chuối. Chính điều tưởng là vụn vặt ấy làm nên giá trị khác biệt giữa một nước văn minh và lạc hậu.

5. Những ngôi nhà trên cỏ

Về Saint Louis có lịch sử 250 năm, nơi con đang sống tôi có dịp đi loanh quanh ngắm những ngôi nhà trên cỏ. Không hàng rào giới hạn, cỏ liền cỏ ngút mắt. Cỏ làm nên vẻ đẹp Mỹ nên được nâng niu, cắt xén. Những ngôi nhà không tầng màu trắng, màu gạch nằm thảnh thơi trên cỏ. Trong nhà người ở. Bên ngoài sóc, thỏ, chim chóc an nhiên chơi đùa. Chúng không bị xua đuổi, bẫy, bắn, sống bình an cạnh người tạo nên một thế giới giao hòa tuyệt đẹp giữa người, thiên nhiên, loài vật. Chim bụng đỏ sà xuống từng bầy như lá rụng. Sóc hồn nhiên trèo cây, băng qua đường. Thỏ ngác ngơ trong cỏ. Hoa dại khoe vẻ đẹp hoang dã, khỏe khoắn bên vệ đường…

Mê thật nhưng ở mãi thấy buồn. Những ngôi nhà đóng cửa suốt ngày vì máy điều hòa mặc ngoài kia thênh thang gió nắng. Ra đường chỉ thấy những dòng xe lướt qua, khuôn mặt người ẩn trong đó. Những ngôi nhà cửa đóng chẳng biết bên trong êm đềm hay bão tố. Cõi nhân gian ở đây khép, lặng và lạnh chứ không mở toang, xô bồ huyên náo như bên quê nhà.

5. Người và rác

Rác là chuyện nhỏ nhưng xử lý thế nào để không ảnh hưởng môi trường, sức khỏe, bộ mặt quốc gia lại là vấn đề lớn. Rác được phân loại từ nguồn - Rác tái chế. Rác làm phân vi sinh. Rác đem chôn vệ sinh. Ý thức môi trường và tiết kiệm thành quy củ, vừa không vắt kiệt thiên nhiên vừa tạo việc làm cho nửa triệu người, thu đến 90 tỉ, thế thì sao mà chuyện nhỏ được? Ngày nào cũng vậy, khoảng 7 giờ sáng là xe rác đến. Tài xế ngồi yên trong xe, hai cánh tay máy vươn ra nhấc mấy thùng rác công cộng lên đổ vào xe gọn băng rồi đi. Hiếm khi thấy rác ngoài đường. Chẳng ai xả rác dù chẳng ai bắt bớ. Như vừa mới biết đi là đã được dạy thái độ đối với công cộng. Tôi đã chứng kiến một hành động đáng ngắm trên đường. Một cánh tay sắt thò qua rào gắp một miếng giấy nhỏ. Thì ra ngoài xe lấy rác còn có người nhặt rác, nhặt từng mẩu giấy, cành cây gãy, tưới cây, cắt cỏ và người đó được dân trong khu vực đóng góp trả lương.

6. Lost and Found!

Tôi biết cụm từ này vào buổi chiều con dâu dắt đi Mall. Sau khi mua giùm lọ nước hoa Chanel nổi tiếng cho người bên nhà, hai mẹ con sa vào trận đồ thử áo quần. Mê mải đến độ về nhà kiểm lại đồ đạc mới biết thiếu túi đựng hộp nước hoa giá 100USD. Người bán giao tận tay rồi mà! Chuyến này bỏ tiền mua lại là cái chắc! Thấy tôi thẫn thờ, con dâu trấn an: Lo ăn uống đã mẹ rồi đến “Lost and Found” hỏi.

1 giờ sau, con dâu lái xe quay lại Mall. Lát sau nó về với túi đựng hộp nước hoa trong đôi mắt ngỡ ngàng của tôi.

“Làm sao con tìm thấy nó?” - tôi hỏi.

“Con quay lại và trình bày. Người ta bảo con đến “Lost and found” nhận lại.”

“Quên ở phòng thử đồ mà nhân viên thu dọn không lấy à?”

“Không. Họ chuyển đến “Lost and found”.

Nó coi như chuyện thường tình còn tôi há hốc miệng. Ai đó nói “Nước Mỹ là thiên đường mua sắm” thật đúng. Hàng hóa đẹp rẻ, phong phú, nhiều cơ hội giảm giá. Vào mua thoải mái, tha hồ chọn, tha hồ thử, chẳng ai dòm ngó, kiểm tra túi xách. Mua về không đồng ý trong vòng 90 ngày nếu còn nhãn mác và hóa đơn có thể đem trả chẳng ai than phiền. Và có bỏ quên đồ thì cứ đến “Lost and found”! Người Mỹ trọng trung thực. Trung thực đã thấm sâu thành nếp nên bạn đừng ngạc nhiên khi mở cửa thấy một thùng bưu phẩm trước nhà. Chẳng ký nhận. Chẳng ai lấy. Con tôi mua qua mạng một máy tính. Không vừa ý nó gọi điện đòi trả. Nơi bán bảo cứ để trước cửa sẽ có người đến nhận. Thế là nó để trước cửa rồi đi học. Khi tôi hỏi tại sao ở đây người ta tin nhau đến thế? Con tôi trả lời: Niềm tin về sự trung thực lớn lắm đến nỗi người ta không dại đổi nó bằng chút gian dối, ăn cắp.

7. Hạnh phúc là mình

Người Mỹ rất thân thiện và lịch sự. Quen hoặc không quen, đối mặt là mỉm cười chào, chúc tốt lành. Nhưng chỉ dừng ngang đó, không tò mò, tọc mạch những gì thuộc phạm vi riêng tư, không thở than, tâm sự. “Thank”, “sorry”, “please” đầu môi, nhẹ hóa mọi điều trong ứng xử nên hiếm cãi lộn, chửi nhau nơi công cộng. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là vẻ tự tin của họ. Dù đẹp hay xấu, mập như thùng phi hay đen như bồ hóng, ăn mặc thế nào, ở họ vẫn toát lên phong thái tự tại, an nhiên, không mặc cảm. Cứ là mình như hoa nào tỏa hương đó. Khi không quá yêu mình hay săm soi người khác để xoi mói, so sánh, tôi thấy họ không những mạnh mẽ mà còn hạnh phúc vì có thể phóng chiếu cái nhìn vào chung quanh để khám phá vẻ đẹp ẩn mật của thiên nhiên và cuộc sống. Người Việt hay quan tâm đến dáng vẻ bên ngoài, ngắm mình để tự ti, tự tôn, ngắm người để phê bình. Người mình không toát ra vẻ tự tại an nhiên bởi quá trói buộc trong hình thức.

Thế mà ở qua tháng thứ tư, tôi mất ngủ. Thao thức nhớ tiếng mưa gõ mái tôn, chiếc áo thơm mùi nắng. Nhớ tiếng đời ồn ã, lao xao ngoài cửa. Dòng sông xe máy lô nhô “nồi cơm điện”… Nhớ ổ mì xíu 10 ngàn, gói xôi trong lá… Mới hay dù có sung sướng, văn minh, sạch đẹp đây vẫn là xứ người. Tôi nhớ nơi còn ngổn ngang phức tạp, thiếu thốn, gọi là xứ mình. Tôi nhớ… NHÀ!

11/ 2014
Q.H
(SDB18/09-15)





 

Các bài mới
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Các bài đã đăng
Cái hôn (19/10/2015)
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)