Tạp chí Sông Hương - Số 320 (T.10-15)
Lí thuyết và phê bình nữ quyền (từ 1990 đến nay)
15:55 | 15/10/2015

CHRIS WEEDON

Sự vận động của lí thuyết và phê bình nữ quyền đương đại có thể được khái quát trên một số khuynh hướng chính như sau:

Lí thuyết và phê bình nữ quyền (từ 1990 đến nay)
Giáo sư Chris Weedon - Ảnh: internet

Các nhà nữ quyền hậu thuộc địa và các nhà nữ quyền Thế giới thứ ba nỗ lực chỉ ra những áp chế ngầm đối với phụ nữ tiềm ẩn trong những chiến lược chính trị của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và các mưu đồ toàn cầu hóa; các nhà hoạt động nữ quyền da màu nêu lên vấn đề về chủng tộc và sắc tộc ngay trong bối cảnh xã hội các nước Thế giới thứ nhất; các nhà nữ quyền có khuynh hướng tính dục đồng giới lại xem xét các vấn đề về bản năng tính dục và khám phá cơ chế của sự thể hiện giới. Và, trước một loạt các khuynh hướng nghiên cứu khác nhau trên, nhiều tác giả cho rằng, chúng ta đã bước sang giai đoạn hậu-nữ quyền (post-feminist phase).

Trong nghiên cứu văn học và nghiên cứu văn hóa nữ quyền đương đại, rất nhiều hướng lí thuyết ở phương Tây hiện nay vẫn tiếp tục tập trung vào lợi ích chính trị và sức mạnh diễn giải của cái được định danh là “Nữ quyền hậu hiện đại”. Lí thuyết hậu cấu trúc được tiếp tục ứng dụng theo những cách khác nhau, dưới ảnh hưởng của J.Derrida, J.Lacan, M.Foucault, G.Deleuze và các nhà lí thuyết phân tâm học nữ quyền như J.Kristeva, L.Irigaray, H.Cixous. Ở giai đoạn này, lí thuyết hậu cấu trúc đã dẫn đến sự phát triển của những mô hình giải cấu trúc mới trong việc đọc cùng với các phương pháp phân tích văn bản văn học trong ý nghĩa như là một bộ phận diễn ngôn mà qua đó, quyền lực vừa được tái tạo, lại vừa bị thách thức.

Tuy nhiên, lí thuyết hậu hiện đại không chỉ tạo ảnh hưởng sâu sắc đến lí thuyết nữ quyền, mà còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Đối với rất nhiều nhà phê bình hậu hiện đại, việc phê phán những thành kiến cố định về chân lí và những “đại lí thuyết” phổ quát đã đồng thời đem đến sự mất mát đáng kể những cơ sở cần thiết có thể làm nền tảng cho các hoạt động chính trị. Ví dụ như, Nancy Hartsock đã xác định những khuynh hướng lí thuyết hậu cấu trúc về chủ thể, thái độ hoài nghi đối với một lí thuyết phổ quát, và từ đó, đề xuất một quan điểm mới, nhìn tiến trình lịch sử như là một cái gì đó hết sức mơ hồ.

Lí thuyết hậu cấu trúc, không những thế, còn bị phê phán nhiều hơn dưới cái nhìn của các nhà nữ quyền hậu thuộc địa - những người cho rằng phê bình hậu hiện đại về bản chất thường dẫn đến sự bỏ qua “các vấn đề bản địa về trải nghiệm, bản sắc, văn hóa và lịch sử” (Alexander & Mohanty).

Ngay từ đầu thế kỉ XIX, những cuộc đấu tranh chính trị giải phóng phụ nữ ở phương Tây đã thường xuyên lấy nền tảng là những siêu tự sự thời Khai sáng, xây dựng tư tưởng nữ quyền tự do dựa trên quy định về các quyền lợi phổ quát của phụ nữ cũng như quyền con người nói chung. Trong lĩnh vực văn học, điều này dẫn đến một đòi hỏi phải cho phép các nhà văn nữ được tham gia vào các tổ chức văn học mà trước đó vốn chỉ được coi là đặc quyền của riêng các nhà văn nam giới; hơn thế, nó mang lại một cách tiếp cận mới khi đánh giá giá trị một tác phẩm mà không cần tham chiếu đến vấn đề giới tính của tác giả. Các nhà phê bình lập luận rằng, để có thể đứng ngoài sự ảnh hưởng của cái bẫy tương đối luận, phê bình nữ quyền cần một cách phân loại “nữ giới” thống nhất và một lí thuyết chung về sự áp bức cũng như sự giải phóng. Quan điểm này đã làm nền tảng cho nhiều công trình phê bình văn học nữ quyền và nghiên cứu lịch sử văn học. Trước hết, có thể thấy ở sự phân tích hình tượng người phụ nữ cùng với những sự áp bức mà nhân vật nữ phải chịu được thể hiện trong các văn bản văn học của các tác giả nam giới; từ đó, cố gắng khái quát một cách chung nhất những cách viết truyền thống về phụ nữ. Sự chuyển dịch về tư tưởng này cũng được phản ánh rất rõ nét trong nghiên cứu văn học và nghiên cứu văn hóa. Các nhà nữ quyền chuyển sang tập trung vào hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm được viết bởi chính những nhà văn nữ, gắn với địa vị của mỗi người viết trong các nhóm khác nhau ấy. Bản sắc cá nhân cũng như bản sắc nhóm được đề cao và được coi như là nền tảng của cả hoạt động chính trị lẫn hoạt động sản xuất văn hóa.

Nhưng, đến những phê bình hậu cấu trúc về bản sắc, các nhà nữ quyền lại đặt ra câu hỏi tra vấn về chủ quyền của chính cái chủ thể lí tính và trung tâm ấy. Họ cho rằng tính chủ thể thực chất là một cấu trúc diễn ngôn không ổn định và đa nguyên. Còn văn học, giống như các dạng thực hành văn hóa khác, được xem như là địa hạt đặc biệt dành cho việc tạo dựng diễn ngôn về chủ thể. Tuy nhiên, vị thế này của văn học đã bị rất nhiều nhà văn nữ quyền khước từ bởi họ cho rằng phương pháp tiếp cận giải cấu trúc đối với tính chủ thể sẽ không chấp nhận sự tồn tại của bất cứ một chủ thể nào.

Phụ nữ da màu nói riêng đã đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của trải nghiệm cũng như tầm quan trọng của bản sắc, coi đó như là “các nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Tuy nhiên, thường xuyên hơn, chủ thể được xem như là kết quả của một quá trình kiến tạo diễn ngôn trong sự tương tác xã hội giữa các chủ thể mâu thuẫn với nhau nhưng cùng cấu thành nên một tổng thể văn hóa. Cũng giống như giới (gender), chủ thể tính (subjectivity) được cho là không tồn tại trước khi có sự cấu thành nên chúng trong các thực hành diễn ngôn mà trong đó, mỗi cá nhân đều được giả định là mang tính chủ thể.

Đối với các nhà nữ quyền theo quan điểm của Foucault, thực hành diễn ngôn luôn có tính vật chất, và sự định dạng thân thể tương đương với việc trao cho thế giới vật chất những ý nghĩa khác nhau. Bàn tới những lí thuyết hậu hiện đại về tính chủ thể trong một bối cảnh khi vấn đề phân biệt chủng tộc đang nổi lên, Bell Hooks cho rằng: cho dù mơ hồ, “lối phê bình bản chất luận được tư tưởng hậu hiện đại ủng hộ có giá trị hữu ích đối với các tác giả Mĩ gốc Phi quan tâm đến sự định nghĩa lại các ý niệm lỗi thời về bản sắc…[và] nó cũng có thể mở ra những khả năng mới cho việc kiến tạo lại về bản thể cũng như xác nhận lại về sự tồn tại của chủ thể”. Có thể thấy, việc tạo dựng những quan điểm về bản thể và chủ thể đã trở thành mối quan tâm then chốt của phê bình văn học nữ quyền hậu hiện đại.

Bị cáo buộc rằng chỉ đưa ra được một quan điểm tương đối luận khá bất lực về mặt chính trị, câu trả lời của nữ quyền hậu cấu trúc có thể được tìm thấy trong hệ thống lí thuyết cũng như ở các thực hành phân tích văn hóa, từ đó, mở rộng tới các thực hành phê bình văn học. Nhìn từ quan điểm này, chủ nghĩa đa nguyên, hay nói cách khác, chủ nghĩa hậu hiện đại, không phải hoàn toàn bất lực. Bởi nó cho phép sự biểu hiện của rất nhiều tiếng nói, rất nhiều lịch sử, rất nhiều lợi ích khác nhau, và đôi khi mâu thuẫn với nhau cùng tồn tại và trở thành một khía cạnh quan trọng của phân tích văn học. Tuy nhiên, trong những xã hội chịu sự chi phối nặng nề của các mối quan hệ giai cấp, của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kì thị giới tính, lấy tình dục dị giới làm chuẩn hay vẫn còn phải gánh chịu những di chứng của chủ nghĩa hậu thực dân, thuyết đa nguyên luôn luôn được cấu thành từ những mối quan hệ quyền lực; và bởi vậy, bất cứ một phong trào nữ quyền đích thực nào cũng phải thừa nhận và đề cập đến vấn đề ấy. Việc định vị một tác phẩm bên trong những mối quan hệ quyền lực là điều kiện tiên quyết đối với các thực hành phê bình nữ quyền thực sự lưu tâm đến sự bất bình đẳng như là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt.

Nhìn một cách tổng quan nhất, trước hết, có thể thấy những tranh luận nữ quyền trong những năm 90 của thế kỉ XX cho đến nay tập trung đặc biệt vào tính vật chất của thân thể, coi bản sắc giới chỉ như là một sự trình diễn, đồng thời có một sự chuyển dần từ nghiên cứu phụ nữ đến sự mở rộng sang lí thuyết đồng tính và nghiên cứu giới.

Thập niên 90 đã chứng kiến một bước ngoặt sâu sắc trong cái nhìn về thân thể: thân thể được xem như là một cấu trúc văn hóa. Các nhà nữ quyền hậu cấu trúc, chịu ảnh hưởng ít hay nhiều từ Foucault, Deleuze, Lacan, Kristeva, Irigaray và Cixious, đã đưa ra hệ thống lí thuyết về thân thể cũng như về quan hệ của nó với sự khác biệt và với chủ thể tính được xác định về bản sắc giới. Thân thể cũng đã trở thành một vấn đề trung tâm của phê bình văn học nữ quyền, đặc biệt là trong những công trình nghiên cứu chịu ảnh hưởng trực tiếp của Foucault và các nhà phân tâm học nữ quyền Pháp. Có thể kể ra một số ví dụ điển hình cho thấy bước ngoặt quan trọng của lí thuyết sang mối quan tâm đến thân thể như các nghiên cứu của Jane Gallop (Thinking through the body), của Elizabeth Grosz (Volatile Bodies Space, Time and Perversion), hay của Judith Butler (Gender Trouble Bodies that Matter). Grosz đã phê phán xu hướng phân tích những sự biểu đạt của thân thể mà lại bỏ qua tính vật chất của chúng. Bà cho rằng, điều này đã tạo điều kiện cho sự thống trị độc đoán của lí tính. Bà cố gắng phá vỡ những thế đối lập nhị nguyên đã được kiến tạo để định nghĩa cơ thể như: bên trong/ bên ngoài, chủ thể/ khách thể, chủ động/ bị động, ý thức/ thực tại, bề mặt/ bề sâu. Những cặp đối lập này đã kiến tạo nên hình ảnh về thân thể giống như một bản lề hay một ngưỡng giới hạn, nằm giữa thế giới tinh thần với vẻ ngoài mang tính chính trị xã hội. Cuối cùng, Grosz kết luận rằng: “những khác biệt về giới tính, khác với những khác biệt về giai cấp hay chủng tộc, là những khác biệt mang tính thân thể”, và rằng: “cơ thể cần phải được nhận thức lại, không phải là như một cái gì đối lập hoàn toàn với văn hóa, mà như là một sản phẩm ưu việt của chính văn hóa”.

Trong nghiên cứu văn học và văn hóa, thân thể đã trở thành một đối tượng quan trọng của thực hành phân tích phê bình. Butler cũng có một bài viết tổng quan về tính vật chất của thân thể, trong đó, bà phát triển lí thuyết về biểu hành giới. Những công trình của bà chủ yếu dựa trên hệ thống quan điểm của Foucault, phân tâm học và lí thuyết hành ngôn. Những thực hành của Butler cũng thường chủ yếu xoay quanh việc phê phán cái mà bà gọi là “ma trận dị giới” (heterosexual matrix) hay chính là tiền giả định cho rằng xu hướng tình dục dị giới là chuẩn mực. Butler đã sử dụng lí thuyết này để phân tích các văn bản văn hóa, trong đó có các văn bản văn học. Cả lí thuyết nữ quyền hậu cấu trúc cũng như lí thuyết đồng tính đều tra vấn về tính tự nhiên của tình dục dị giới; từ đó chỉ ra rằng: những mối liên hệ được ấn định giữa giới tính - giới - ham muốn đều mang tính chính trị chứ không hề là tự nhiên hay do một quan hệ nhân quả nào. Và, trên thực tế, tất cả các chuẩn mực đều chỉ là những kiến tạo xã hội.

Trong lí thuyết của Butler về tính trình diễn, chủ thể mang giới tính sẽ được hình thành thông qua sự trình diễn lặp đi lặp lại của mỗi cá nhân theo các diễn ngôn quy định giới. Dựa trên quan điểm của Foucault, Butler cho rằng: thân thể là một sản phẩm của quá trình quyền lực; nó chính là hiện thân của tính chủ thể được kiến tạo dựa trên hệ thống diễn ngôn; và vì vậy mà không thể có một giới tính nào tồn tại bên ngoài văn hóa. Cách ứng dụng của riêng Butler đối với lí thuyết Foucault, do đó, gắn với một quan điểm giải trung tâm về chủ thể. Theo bà, không có bất cứ một khả năng nào cho sự tồn tại của chủ thể tự trị tuyệt đối, và cũng không có một không gian nào nằm bên ngoài phạm vi quyền lực. Tuy nhiên, chủ thể có thể làm thay đổi phần nào những thực hành diễn ngôn cụ thể và những mối quan hệ quyền lực ẩn chứa bên trong chúng. Nhìn từ quan điểm này, phê bình văn học và phê bình văn hóa nữ quyền đã tiến hành việc đọc các văn bản bằng cách xem chúng như là một bộ phận thuộc các trường diễn ngôn cụ thể, góp phần vào quá trình sản xuất các mối quan hệ quyền lực đang tồn tại, bao gộp cả các diễn ngôn thống trị về những mô hình giới và bản năng tính dục. Tuy nhiên, ngược lại, các văn bản văn học cũng có thể lật đổ hệ thống diễn ngôn hiện tồn về giới, giới tính cũng như về các mối quan hệ xã hội mà một ví dụ điển hình phải kể đến ở đây là ngòi bút của các nhà văn nữ quyền hậu hiện đại.

Một số lời chỉ trích gay gắt và thù địch nhất về cách tiếp cận này của nữ quyền hậu cấu trúc đến từ các nhà nữ quyền cấp tiến như Bell và Klein. Ở đây, cũng có thể kể đến ý kiến của nhà nữ quyền đồng tính nữ Sheila Jeffreys. Bà đã đưa ra rất nhiều diễn giải về nữ quyền hậu hiện đại, cho nó là một phần của cái mà bà gọi là “sự quay trở về giới” (return to gender) mà ví dụ điển hình là những công trình của Judith Butler và Diana Fuss. Jeffreys cho rằng cách tiếp cận này đánh dấu một thái độ giải chính trị của phong trào nữ quyền; bởi trong đó, giới trở thành một câu hỏi về tính trò diễn chứ không còn là về chính trị. Giới bị “giải chính trị hóa, trở thành một vấn đề nhẹ nhõm hơn, và cũng bởi vậy mà kết hợp lỏng lẻo hơn với những tra vấn về bạo lực tình dục, tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và việc càng ngày càng có nhiều phụ nữ đang chết dần vì phá thai bất hợp pháp”. Thay vì đưa ra một thách thức chính trị đối với chế độ gia trưởng mang bản chất tình dục khác giới; lí thuyết biểu hành giới (được ủng hộ bởi các nhà hậu cấu trúc theo khuynh hướng nữ quyền) được Jeffreys xem như những hình thức của chủ nghĩa cá nhân tự do. Nó thậm chí còn làm ảnh hưởng đến việc xây dựng một nền chính trị đồng tính nữ đúng nghĩa, khi quay trở lại khôi phục và củng cố cái hình dung về “vẻ ngoài nữ giới”. Trong khi, một quan điểm nữ quyền mang khuynh hướng đồng tính nữ thực sự, bà khẳng định, phải là một sự quyết liệt đấu tranh chống lại chế độ gia trưởng và sự thống trị của thuyết tình dục khác giới; đồng thời, phải tôn vinh sự sáng tạo văn học đồng tính nữ như là một sự dấn thân và sự khẳng định về chủ thể tính, về bản sắc và về lịch sử đồng tính nữ. Tuy nhiên, điều mà Jeffreys đã không lưu tâm đúng mức đó là nếu nhìn một cách sâu sắc hơn, ngay cả tính trình diễn và tính trò chơi đều mang trong nó ý nghĩa chính trị và hoàn toàn có khả năng tra vấn lại quyền lực gia trưởng cũng như tính chuẩn mực của tình dục dị giới.

Cách đọc này của nữ quyền hậu hiện đại và lí thuyết đồng tính đã cho thấy sự bất ổn của các phương pháp tiếp cận hậu hiện đại, khi nó chỉ hướng sự chú ý tập trung vào những khác biệt mà không hề có một sự lưu tâm thích đáng đến những mối quan hệ quyền lực thứ bậc như là nguyên nhân đã sản sinh ra những khác biệt ấy. Những tranh luận tương tự cũng thường hướng đến sự chuyển đổi từ nghiên cứu nữ giới đơn thuần sang nghiên cứu giới nói chung. Sự chuyển hướng ấy đôi khi bị xem là đã đánh mất đi sức mạnh đầy đủ của phê bình nữ quyền trong sự đối đầu với chế độ gia trưởng và bởi vậy báo hiệu một thái độ giải chính trị trong nghiên cứu nữ giới. Với riêng nghiên cứu văn học, nó chính là bước chuyển từ việc quan tâm đến các cơ chế của chế độ gia trưởng sang những phân tích về giới nhưng lại đánh mất đi cái nhìn về sự áp bức.

Trong những bối cảnh rất khác nhau, các vấn đề tương tự cũng đã cùng được đặt ra. Song song với những cuộc tranh luận ở phương Tây về nữ quyền, lí thuyết đồng tính và lí thuyết hậu hiện đại cũng đã được nêu lên bởi các nhà nữ quyền trong các xã hội hậu thuộc địa hay ở những nước Thế giới thứ ba. Mặc dù có nhiều đặc điểm chung với các vấn đề đã được đặt ra bởi các nhà lí thuyết nữ quyền phương Tây, họ có những đặc trưng trong cách tiếp cận của riêng mình, gắn với những quan điểm riêng về chính trị và xã hội, và bởi vậy mà không thể đơn giản coi nó là đồng nhất với những mối quan tâm của các nhà nữ quyền phương Tây.

Vấn đề then chốt mà các nhà nữ quyền này đặt ra là việc tìm kiếm một lí thuyết giải thực dân hóa và con đường thực hành chính trị. Trọng tâm của cuộc tranh luận là đề cập đến những khuynh hướng thực dân hóa nằm trong chính hệ thống lí thuyết nữ quyền phương Tây, đặt ra câu hỏi tra vấn lại tính phổ quát mà các lí thuyết phương Tây mặc nhiên sử dụng để phớt lờ đi tất cả những “kẻ Khác”, đặc biệt là khi nó bàn đến quyền phụ nữ hay quyền con người nói chung. Thực ra, đây không phải là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Nó đã được đặt ra cách đây nhiều thập kỉ ngay trong sự phê phán hướng tiếp cận lấy châu Âu làm trung tâm. Rất nhiều ý kiến chỉ trích của các nhà nữ quyền Thế giới thứ ba đối với nữ quyền phương Tây đều tập trung vào xu hướng dĩ Âu vi trung, và từ đó, dẫn đến kết luận rằng: mọi bộ chuẩn tắc được dùng để đánh giá cũng như mọi cách xác định về những quyền lợi mà phụ nữ trong các xã hội phi - phương Tây đòi hỏi đều đã bị đồng nhất một cách đơn giản với những tiêu chí phương Tây. Kết luận này hàm chứa một xu hướng giải trung tâm hệ tiêu chuẩn phương Tây về các giá trị văn hóa, hay chính là giải trung tâm bộ chuẩn tắc văn hóa phương Tây.

Trong thực tế, sự phê bình của các nhà nữ quyền thế giới thứ ba đối với nữ quyền phương Tây (mà điển hình là một tiểu luận rất có ảnh hưởng của Chandra Mohanty - Under Western Eye) đều có chung một lập luận cho rằng: các nhà nữ quyền phương Tây thường có xu hướng dựa trên những chuẩn mực văn hóa lí tính và Khai sáng để nhìn phụ nữ Thế giới thứ ba như là nạn nhân của chế độ gia trưởng. Mohanty chỉ ra rằng một trong những mục đích của chiến lược nhìn ấy là nhằm kiến tạo nên một chủ thể nữ giới thuộc Thế giới thứ ba không hề được nhìn như một “kẻ Khác”, không mang những khác biệt, đơn thuần chỉ là nạn nhân của chế độ gia trưởng và của truyền thống, bị tước bỏ hoàn toàn tính lịch sử và bị đặt bên ngoài những tác động của môi trường sống. Văn học phương Tây, kể cả những tác phẩm được viết bởi các nhà văn nữ, cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên cái nhìn ấy. Và một trong những mục tiêu chính của nghiên cứu văn hóa và văn học theo khuynh hướng nữ quyền hậu thuộc địa là hướng sự tập trung vào quá trình phi lịch sử hóa này của lí thuyết phương Tây cũng như vào cách mà nó ban đặc quyền cho các diễn ngôn da trắng. Đối với phê bình văn học nữ quyền, điều này ngụ ý rằng cần phải có một hiểu biết chi tiết về điều kiện xã hội cũng như về hoàn cảnh lịch sử, để tránh áp đặt những cách hiểu hay sự phán xét của cái nhìn bên ngoài khi xem xét văn học phi - phương Tây; ngược lại, cần lưu tâm nhiều hơn đến tiếng nói của các nhà văn, các nhà phê bình ở Thế giới thứ ba.

Nữ quyền hậu thuộc địa đã coi việc xóa bỏ những di chứng của chủ nghĩa thực dân là một nhiệm vụ trung tâm phải làm của nữ quyền đương đại. Nó nhắc nhở các nhà nữ quyền phương Tây rằng, sự phân biệt, hay chính là sự bất bình đẳng, đã được sản sinh ra bởi kinh tế, chính trị, xã hội và các nhân tố cấu thành văn hóa - những gì mà, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, lại được sinh ra từ sự phân chia của thế giới thành những khu vực kinh tế hoàn toàn khác nhau, gắn với những thái cực của sự giàu có hay nghèo đói. Nhưng, sự phân biệt, khi đã trở thành đồng nhất với sự áp bức, thì các nhân tố sản sinh ra nó còn vượt ra bên ngoài những giới hạn ấy. Nó bao gồm những thực tiễn về sự phân biệt đẳng cấp, giai cấp, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cả thuyết tình dục dị giới. Phê bình văn học nữ quyền ở những vùng như Thế giới thứ ba, chính vì thế, cần phân tích cả chiến lược tự nhiên hóa cũng như sự hiện diện của các hình thức áp chế nằm bên trong các văn bản văn học.

Một trong những di chứng của chủ nghĩa thực dân mà cả các nhà nữ quyền Thế giới thứ ba lẫn các nhà nữ quyền phương Tây tập trung hướng đến là sự thống trị của thuyết dĩ Âu vi trung. Thái độ này được thể hiện qua sự phê phán của các nhà phê bình với cái mà họ gọi là “cái nhìn thực dân” (colonial gaze) cũng như qua việc họ đặt ra câu hỏi: “ai là người đang nói và lời nói đang hướng đến ai?” khi tiếp xúc với bất kì một văn bản nào. Uma Narayan đã chỉ ra điểm cốt yếu trong các văn bản phương Tây về Thế giới thứ ba, đó là sự vắng mặt của Lịch sử và cách biểu hiện về Thế giới thứ ba như là một cái gì có tính bất biến, hoàn toàn không chịu tác động của thời gian. Nó khiến cho những bối cảnh về thời đại và xã hội trở nên vô hình, đưa lại rất ít, hay gần như không có được một mô tả nào về những khác biệt về tầng lớp, giai cấp, tôn giáo và ngay cả vị trí địa lí. Narayan khẳng định, thường có một tiêu chuẩn kép trong mỗi nghiên cứu của nhiều nhà nữ quyền phương Tây: họ biểu đạt các xã hội phương Tây như là một thế giới phức tạp, đa dạng, liên tục thay đổi; và Thế giới thứ ba lại thường được nhìn như là một thể thống nhất, tĩnh tại, nằm bên ngoài mọi sự vận động của lịch sử. Xu hướng này hoàn toàn đồng nhất với lối đọc truyền thống về các văn bản văn học hậu thuộc địa.

Các nhà nữ quyền hậu thuộc địa chỉ ra rằng: điều quan trọng không phải là cất lên tiếng nói nhân danh những “cái Khác” nhưng lại theo những cách khiến cho nó buộc phải im lặng hay cố tình che mờ đi những khác biệt thực tế. Việc có khả năng phát ngôn thay cho tiếng nói của những kẻ khác một cách phi - bạo lực đối với chúng hay không đã được các nhà văn hậu thuộc địa đặt ra.

Tuy nhiên, một vấn đề cũng rất quan trọng là không thể phủ nhận được rằng thực chất, chính các nhà văn và các nhà phê bình Thế giới thứ ba cũng đang tiếp cận một cách khá dễ dãi với hệ thống đại tự sự phương Tây về sự giải phóng, mà không gì khác, chính hệ huyền thoại ấy đã từng được sử dụng trong quá khứ để biện minh cho chủ nghĩa thực dân. Một minh chứng khá tiêu biểu có thể kể đến ở đây là chiến lược tái sử dụng các diễn ngôn về quyền con người của những nhóm bị áp bức. Ở nhiều ngữ cảnh khác nhau, các diễn ngôn như vậy sẽ bị xóa mờ đi những khác biệt mang tính địa phương và được tái sử dụng để phục vụ cho những mục đích chính trị nằm bên dưới những điều kiện vật chất và điều kiện ý hệ khác nhau.

Như các nhà phê bình nữ quyền hậu thực dân đã chỉ ra, bất cứ một tự sự nào cũng được kiến tạo dựa trên sự lựa chọn và sự loại trừ. Chẳng hạn, Gayatri Chakravorty Spivak lập luận rằng: “chúng ta không thể làm được gì ngoài việc kiến tạo nên các tự sự”, nhưng “khi một tự sự được tạo dựng, chắc chắn sẽ phải có một số thứ bị cố tình lãng quên hay xóa bỏ. Và khi một kết thúc được ấn định, những cái kết khác sẽ bị từ chối, và người ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết được những cái kết ấy là như thế nào”. Do đó, việc viện dẫn các lí thuyết nữ quyền phương Tây (ví dụ như lí thuyết nữ quyền giải phóng tự do hay nữ quyền Marxist) như là những lí thuyết phổ quát của tiến trình lịch sử nói chung, tất yếu sẽ dẫn đến một sự phớt lờ đi tính đặc thù trong những vấn đề đối với riêng phụ nữ da đen hay phụ nữ ở Thế giới thứ ba.

Những người ủng hộ phong trào nữ quyền hậu thuộc địa theo lí thuyết hậu cấu trúc cho rằng: những tra vấn về chân lí phổ quát, về tính khách quan được mặc định cũng như về sự chú trọng vào các tiêu chuẩn riêng mà bằng cách đó tuyên bố cái hệ thống tri thức được hợp thức hóa đã khiến cho lí thuyết hậu nữ quyền có thể né tránh được sự khái quát hóa từ những trải nghiệm của riêng một bộ phận phụ nữ phương Tây - da trắng - có xu hướng quan hệ tình dục khác giới - thuộc tầng lớp trung lưu. Đây có lẽ cũng chính là luận điểm mà họ đã mang đến cho nghiên cứu văn học và nghiên cứu văn hóa. Theo đó, lí thuyết hậu hiện đại có thể được ứng dụng để tạo ra một không gian dành cho tiếng nói của những quan điểm chính trị và những quyền lợi chính trị mà từ trước đến nay vẫn bị gạt ra vị trí bên lề. Đồng thời, chính nó cũng chống lại việc tạo ra những hệ lí thuyết chung phổ quát khác để thay thế. Sự nhấn mạnh đến tính khác biệt cũng đã trở thành một yếu tố cốt yếu trong phê bình văn học và văn hóa theo khuynh hướng nữ quyền.

Câu hỏi về sự khác biệt tiếp tục được coi là một trong những vấn đề trọng tâm của lí luận nữ quyền đương đại. Ngay từ rất sớm (đầu những năm 70), các nhà nữ quyền da đen đã nỗ lực xây dựng một sự phê phán mạnh mẽ việc gạt ra bên lề những câu hỏi về chủng tộc trong các phong trào nữ quyền da trắng. Thái độ phê phán này được thể hiện rõ nét trong phê bình văn học và lịch sử văn học. Lối phê bình mà Audre Lorde sử dụng trong những tiểu luận có ảnh hưởng khá lớn viết năm 1984 đã đưa ra lời chất vấn, rằng: phụ nữ da trắng không thể cứ cố tình bỏ qua những câu hỏi vẫn chưa hề được giải quyết về sự phân biệt chủng tộc đối với phụ nữ da đen. Lorde cũng cho rằng, “sự phớt lờ những khác biệt về chủng tộc giữa những người phụ nữ, phớt lờ ý nghĩa của sự khác biệt, tất yếu sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất dẫn đến sự thất bại trong khả năng huy động một sức mạnh kết nối chung của giới nữ”. Tuy nhiên, việc lối viết của cộng đồng phụ nữ da màu bị đẩy xuống vị trí bên lề trong nghiên cứu học thuật cũng vẫn còn là một vấn đề nan giải.

Gần đây hơn, phụ nữ da trắng đã bắt đầu đưa ra lí thuyết về đặc tính trắng (whiteness) và vai trò của nó trong sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa vị chủng. Một trong những di chứng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cổ điển là xu hướng giả định một chuẩn mực da trắng, và không nhìn tính trắng chỉ đơn thuần như là một sự đánh dấu về chủng tộc. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cổ điển đặt người da trắng vào vị trí cao nhất trong hệ thống phân cấp chủng tộc. Phân tích những kiến tạo về tính trắng trong các văn bản văn học đã trở thành một hướng phê bình càng ngày càng được chú ý nhiều hơn.

Phải chăng nếu như phụ nữ da trắng thực sự nghiêm túc khi đề cập đến tính trắng và vai trò của nó đối với sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thì tất yếu, hệ quả là họ sẽ không chỉ phải thừa nhận mà còn buộc phải tự từ bỏ đặc quyền của chính họ? Thế nhưng, Barbara Smith lại cho rằng: phụ nữ da trắng cần phải vượt lên trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và cần phải nhìn đó như là vì lợi ích của riêng họ, chứ không phải như là một sự trao lại đặc quyền của mình cho bộ phận phụ nữ da đen và phụ nữ ở những nước Thế giới thứ ba: “bạn phải nhận thức được rằng thực chất, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã, bằng mọi cách, làm sai lệch và hạn chế cuộc sống của chính bạn khi quy định bạn như là một phụ nữ da trắng - rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến những cơ hội cho sự tồn tại của chính bạn, và đó chắc chắn là những vấn đề mà chính bạn phải giải quyết. Nếu như bạn không nhận thức được những điều ấy, thì cũng có nghĩa là bạn không thể đạt đến một sự thay đổi nào về cơ bản”. Tư duy lại về sự khác biệt có thể được coi là một trọng tâm của phong trào nữ quyền phương Tây cũng như của phong trào nữ quyền ở các nước đang phát triển. Nó có mối quan hệ mật thiết với những dự án chính trị nhằm kiến tạo một thế giới mới mà trong đó, sự khác biệt được dùng để khẳng định tính phong phú của tồn tại và sự đa dạng của các hệ giá trị; chứ không phải được dùng như một cái cớ để từ đó thiết lập nên những cặp đối lập nhị phân phân cấp về thứ bậc. Nhiều tác phẩm gần đây được viết bởi các nhà văn nữ da đen và cả các nhà văn nữ Thế giới thứ ba đang sinh sống trong bối cảnh xã hội phương Tây đã khẳng định rằng: kinh nghiệm lưu vong có thể mang đến những điều kiện cần thiết cho sự phá vỡ hệ phân cấp nhị phân truyền thống và cởi bỏ sự khác biệt. Các văn bản của phụ nữ da màu và phụ nữ thế giới thứ ba được xem như là một không gian bản lề để qua đó, thể hiện và phân tích sự khác biệt.

Có thể thấy, một trong những ưu điểm của lí thuyết nữ quyền gần đây là việc nó có thể mang đến những khả năng mới trong cách suy nghĩ về sự khác biệt theo những hướng khác nhau. Sự thay đổi này phần lớn chịu ơn cộng đồng những người phụ nữ da màu không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở chính các nước phương Tây. Nó cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự ảnh hưởng mang tính chính trị của thuyết hậu cấu trúc. Mặc dù những cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng vẫn đang là một vấn đề quan trọng của chính trị nữ quyền, điều đó không hề có nghĩa là phải quy tất cả tới một sự đồng nhất về quyền lợi. Thay vào đó, các nhà nữ quyền cho rằng, hoàn toàn có thể hình dung ra một thế giới mới mà trong đó, sự khác biệt được hoan nghênh và được hoàn toàn tự do, thoát khỏi những cấu trúc thứ bậc phân cấp về quyền lực giai cấp, chủng tộc, giới tính và giới. Nghiên cứu văn học và văn hóa là một lĩnh vực quan trọng bởi nó cho phép sự tái - hình dung này trở nên có thể. Tuy nhiên, để tiến tới một thế giới như thế, đòi hỏi lớn nhất là phải có được sự cất tiếng của những tiếng nói bị gạt ra bên lề cũng như sự tự khẳng định của những tiếng nói bị đàn áp, và song song với nó là sự tự chất vấn của cộng đồng phụ nữ da trắng - phương Tây - dị giới - trung lưu đối với những đặc quyền vốn đã được tạo dựng chỉ để dành riêng cho họ. Tập trung vào sự khác biệt có một ý nghĩa sâu sắc đối với tương lai nghiên cứu văn học và nghiên cứu văn hóa. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn trước những gì được đọc, được phân tích, được ca tụng một cách rộng rãi.

Đi từ sự im lặng đến một đòi hỏi được cất tiếng nói chính là bước thay đổi quan trọng của những người bị áp bức, bị thuộc địa hóa, bị bóc lột; khi họ tự ý thức để đứng lên cùng đấu tranh bên nhau, hướng đến một cuộc sống mới với những khả năng phát triển mới. Nó bắt đầu từ một hành động ngôn luận mang tính “cãi lại” (talking back) - đó hoàn toàn không phải là những tiếng nói vô nghĩa và trống rỗng, mà ngược lại, là biểu hiện cho sự vận động từ bị động đến chủ động, hay chính là tiếng nói giải phóng.

Thái Hà dịch
(Nguồn: Chris Weedon: “Feminist Theory and Criticism: 5. 1990 and after”, in John Hopkin Guide to Literary Theory and Criticism, Ed. by Michael Groden, Martin Kreiswirth, and Imre Szeman. Baltimore: John Hopkin University Press, 2004, copyright 2005 - 2012).

(SH320/10-15)






 

Các bài mới
Huế và tôi (27/10/2015)
Xưng tội (20/10/2015)
Các bài đã đăng