Tạp chí Sông Hương - Số 321 (T.11-15)
Tình trạng Khủng bố trong văn chương
14:30 | 16/11/2015

MAURICE BLANCHOT

Cuốn sách mà Jean Paulhan vừa dành cho văn chương và ngôn ngữ được đọc với một tâm thế khác thường.

Tình trạng Khủng bố trong văn chương
Chân dung Maurice Blanchot

Chúng ta thâm nhập vào nó không hề cảnh giác với những phân tích mà tác giả tạo dựng, cũng không hề nhận thấy việc tác giả hướng đến sự lâm nguy nào để thúc giục những câu chữ thú vị và riêng biệt, bởi chính mối liên kết chặt chẽ đã bảo đảm cho sự an toàn và cho trật tự trong đó. Tất cả đều rõ ràng, tinh tế, không diễn đạt một cách quanh co. Ngôn từ được liên kết một cách minh bạch, cũng như được cấu thành sau đó bởi một lý lẽ vững chắc mà dường như trước tất cả những định mệnh, nó đã làm tiêu tan những điều mập mờ và bảo đảm cho phương pháp của người viết. Chúng ta tham dự một cách bình thản, tách ra khỏi sự tranh luận của nhiều quan niệm phê bình, điều có thể làm cho chúng ta tiếc nuối về sự thất bại, chính vì khuynh hướng [của Jean Paulhan - người dịch (ND)] đã đưa ra những lời lẽ có tính chất đối kháng với những thói quen và những khuôn mẫu. Tuy nhiên, một cảm giác lo âu đầu tiên đã xuất hiện. Sự vận động của tư tưởng mà chúng ta muốn theo dõi, tất cả dừng lại một cách viên mãn ở trong giới hạn và một cách đều đặn, kéo theo những khoảng cách, những ẩn dụ mà ý nghĩa của nó bị đe dọa. Tác giả, người đã tỏ vẻ lấp đầy [khoảng cách - ND] bằng một nghệ thuật tuyệt diệu, với sự khéo léo của kẻ thống trị, sẽ đi về đâu? Có phải anh ta không nói những thứ ngoài những điều mà anh ta đã có ý định đề cập đến? Có phải anh ta đã giấu kín dưới hình thức của một quả bom trong những chứng cứ và những lý lẽ, cái mà không thể thấy trong hiện tại, sẽ bùng nổ một ngày nào đó làm đảo lộn văn chương và chỉ ra sự bất khả hữu của nó? Tựa như một nỗi khiếp sợ mà Jean Paulhan đã gợi lên. Chúng ta không hề dè dặt khi đọc cuốn sách này, nhưng ngay khi chúng ta đi đến đoạn cuối, đột nhiên chúng ta thấy tác giả đặt ra không chỉ nhiều quan niệm phê bình, không chỉ bất cứ gì liên quan đến văn chương, mà còn là linh hồn, quyền năng của văn học và những phương tiện của nó. Và chúng ta trở lại với nó với nỗi khiếp sợ đứng trước vực thẳm mà chúng ta vừa đi qua - nhưng có phải là chúng ta đã vượt qua nó một cách thực sự? - và rằng trong khi vượt qua, những tấm màn đã khéo léo che mắt chúng ta. Jean Paulhan đã đặt hai cái tựa cho công trình của mình: Những bông hoa của xứ Tarbes hay là Tình trạng Khủng bố trong văn chương (Nxb. Gallimard); và tính chất nước đôi này lý giải những lối diễn đạt nào đó mà nó phục vụ cho sự vận động của những tinh thần.

Với câu hỏi “văn học là gì?”, kiểu phê bình mà Jean Paulhan gọi là kẻ khủng bố [terroriste] đã làm nên câu trả lời này: văn học chỉ khả hữu khi ở đó không có những sự sáo rỗng, khi thơ ca và tiểu thuyết không bị bao vây bởi những quy ước, những kỹ xảo, những dạng thức thông thường. Những phán quyết của tình trạng Khủng bố [Terreur] này chi phối văn chương từ một trăm năm mươi năm nay, cho thấy sự cần thiết về tính thuần túy, mối bận tâm về sự đoạn tuyệt, cái mà sẽ đi đến bờ cõi của sự quên lãng về những quy ước thông thường của ngôn ngữ. Với Victor Hugo, nó [tình trạng Khủng bố - ND] loại bỏ “tu từ học”, với Verlaine là “thuật hùng biện”, với Rimbaud là “thi pháp của sự quên lãng”; nhưng với những nhà văn gần đây hơn, bị kìm hãm trong sự chán ghét của sáo ngữ và bị tra tấn bởi mối lo sợ của sự nổi loạn, thì nó lại là sự tham vọng làm đoạn tuyệt với tất cả những diễn ngôn và ngay cả với bất cứ điều gì liên quan đến ngôn ngữ, trong lúc nó đi tìm kiếm trong cội nguồn của sự trú ẩn tạm thời một thái độ chống đối mà kết cục chỉ là sự cạn kiệt không ngưng nghỉ. Thiếu thốn về ngôn từ, nghèo nàn về thuật ngữ, nhưng lại ngờ vực một cách triệt để đối với kỹ thuật, đối với những thể loại đã được xác định, đối với những khuôn mẫu chung, đó là những kết quả của tình trạng Khủng bố từ Sainte - Beuve đến Taine, từ chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện thực, đã siết chặt văn chương trong lãnh địa của sự phòng vệ, nơi mà nó triển nở. Chúng ta thấy, Jean Paulhan phát biểu, ở lối vào của khu vườn công cộng xứ Tarbes có biển báo này: “Cấm đi vào khu vườn với những bông hoa trên tay”. Chúng ta cũng thấy điều đó trong thời nay ở lối vào của văn chương. Những nhà văn trẻ chỉ có thể chỉ ra những bàn tay thuần túy, những trang sức riêng tư mà nghệ thuật tô điểm một cách tự nhiên trước đây, trong tất cả những vỡ vụn và hỗn độn của sự tự do, cái đã tạo ra nguồn cảm hứng hão huyền trong bối cảnh của sự hoang dã.

Tại sao lại có nỗi sợ hãi về những sự sáo rỗng? Là vì, phê bình khủng bố cho rằng, những sáo ngữ là nơi chốn của sự lười biếng và trơ ì. Nhà văn là người đã ngã lòng để làm ngưng lại ở trong đó một sự lãnh đạm, là người đã bắt nó [sự lãnh đạm - ND] phải phục tùng những hình thức sẵn có. Anh ta vẫn tin vào những suy nghĩ của chính mình; điều sai lầm ở đây là, anh ta chấp nhận sự liên kết giữa các từ ngữ, điều mà áp đặt anh ta bằng một trật tự ổn định và ăn sâu trong tư tưởng của anh ta. Vậy nên, việc sử dụng những lời sáo rỗng dẫn tới một sự lạm dụng tai hại, đó là lối nói suông. Tác giả, nạn nhân của những câu chữ có tính chất ước lệ, không còn là bậc thầy ngôn từ, và những từ ngữ vượt lên trên nghĩa chính xác của chính nó phải đưa ra câu trả lời; sự không tuân thủ trước mệnh lệnh của tinh thần, điều đã đề xuất dẫn dắt chúng, đặt lên vai anh ta một uy lực tàn nhẫn và làm cho anh ta cảm nhận được tất cả sự hãnh tiến của nó. Chúng ta suy ngẫm điều gì về những từ như tự do, dân chủ, trật tự; một cách phóng túng, chúng ta có thể dễ dàng bàn luận về cách dùng của chúng, và chúng ta sẽ biết điều đó khi thấy rằng nhà văn sinh ra là để thử thách với sự cảnh giác của anh ta với mục đích ngăn cản những sự gò bó dễ dãi. Theo vẻ bề ngoài thì, nếu phó mặc cho sự phóng túng và hỗn loạn, thực sự chúng sẽ giành quyền thúc đẩy sự tình cờ, sự tăm tối, sự lộn xộn, làm sụp đổ những thần tượng và kìm hãm những điều vĩ đại.

Tóm lại, tình trạng Khủng bố, kẻ thù của những sự sáo rỗng và những khuôn mẫu, đấu tranh chống lại sự nhu nhược của ngôn ngữ và trong sự lo âu rằng khi từ ngữ rời bỏ chính bản thân nó, thì nó không còn tác động được đến tinh thần và trái tim con người, ngoài những ý nghĩa của nó, một quyền năng đáng sợ, nó [tình trạng Khủng bố - ND] tìm cách hoàn trả cho nguồn cảm hứng và sức mạnh của sáng tạo một vương quốc không giới hạn. Jean Paulhan nhận ra rằng quan niệm này được tìm thấy trong triết học của Bergson, một luận thuyết ưu việt đã làm cho ông ta ý thức về chính quan niệm đó. Rằng, theo những luận điểm của Bergson, thì luận thuyết này mời gọi nhà văn lao động không ngưng nghỉ để chống lại ngôn ngữ của đời sống thường ngày và để tìm lại những hình thức huyền bí từ sâu thẳm của đời sống. Ở phía bên kia vẻ bề ngoài của lôgic, được cố định bởi những từ ngữ hằng ngày, nó [tình trạng Khủng bố - ND] sẽ đi tìm kiếm một sự thật hiển nhiên; nó nỗ lực phá vỡ lãnh địa của các quy ước để đạt đến một thế giới nguyên sơ; nó tham vọng đạt đến một sự tiếp xúc thuần túy, trên những ý nghĩa mới, nó bắt gặp trong sự tham vọng thuần khiết cực độ đó lí lẽ của những phán quyết khẩn thiết, điều làm cho nó có thể đứng vững để nghi ngờ về tất cả những gì liên quan đến việc dùng đến kỹ năng [savoir-faire] và kỹ thuật có tính chất riêng biệt.

Tình trạng Khủng bố là như thế, những tham vọng, sự thù địch, những bí mật. Chúng ta nghĩ gì về nó? Nếu chúng ta xem xét nó bằng cách áp đặt những lời phê phán, thì trước hết chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng [những lời phê phán - ND] sẽ không mang lại những câu trả lời ở những quan sát ban đầu; và sau đó lại thấy chúng tồn tại một cách có lý trên những ảo tưởng có tính chất riêng biệt. Bởi, thật là mạo hiểm khi tin rằng việc sử dụng những sự sáo rỗng luôn là cơ hội cho sự lười biếng hoặc khích động lối nói suông. Trong trường hợp nhà văn bịa ra những sáo ngữ, nó [những sáo ngữ] được tìm thấy bởi một nỗ lực cá nhân và được sử dụng như những phương tiện để biểu hiện tính chất tươi mới của cảm giác hoặc sự ngây thơ của trí tưởng tượng. Trong trường hợp nhà văn ý thức rằng việc anh ta sử dụng những sự sáo rỗng, nhưng phát huy nó một cách có ý thức, thì đúng, là bởi vì chúng chỉ biểu thị cho anh ta những hình thức của ngôn từ khá thông thường hay đối với bất kỳ từ ngữ nào khác, rất thích hợp ở ý nghĩa và [chúng] không đủ sức làm nên hình thức cho anh ta. Những sáo ngữ được dùng để biểu thị [nội dung - ND] một cách khó nắm bắt và làm cho nó xa lạ với câu chữ, sự xa lạ này thu nhận nó với vẻ bề ngoài một sự dư thừa trong lời nói, chúng được xem như là một tác dụng thì đúng hơn, dựa vào tính chất tầm thường, sự hoàn trả của các yếu tố tường minh và vô hình.

Sự thực là, tất cả những sự buộc tội mà tình trạng Khủng bố mang lại dựa trên một ảo tưởng về cách nhìn nhận. Nó chú ý đến tác giả, người mà nó không thừa nhận về việc anh ta nhường chỗ cho từ ngữ, trong lúc chính người đọc, khi bấu víu vào những sự sáo rỗng, họ đã rất bận tâm đến từ ngữ, họ bị gò bó bởi một ngôn ngữ bấp bênh mà chủ đích của ngôn ngữ đó đã bảo toàn cho họ. Khi nhà văn sử dụng một sáo ngữ, người tiếp nhận nó có thể đặt ra ít nhất hai câu hỏi: đó có phải là một sự diễn đạt hoa mỹ và trống rỗng được diễn giải một cách nổi bật với một tư tưởng quan trọng, hay là ngược lại, đó có phải là một từ có tính chất phổ quát mà với nó không gì có thể lý giải nổi? Đó là tính chất nước đôi làm rối rắm việc sử dụng những từ ngữ đã được quy ước và mang lại sự mạo hiểm cho nó. Người đọc, lúng túng và lo lắng, tự hỏi rằng những từ ngữ của sự tự do, của trật tự, của dân chủ này biểu đạt điều gì khi anh ta đối diện với chúng, để rồi anh ta kết thúc bởi việc đổ lỗi cho tác giả của lối nói suông, y như chính anh ta là nạn nhân của sự cẩu thả; không quá tò mò về những kết hợp của ngôn ngữ nhưng cũng không chú ý một cách đầy đủ về những vấn đề về hình thức mà nhà văn đã nhượng bộ một giải pháp cho người đọc, từ nay người đọc bị thâu tóm bởi những từ ngữ và bị mê hoặc bởi chúng.

Khiếm khuyết của sự sáo rỗng, của sáo ngữ, của sự liên kết các hình ảnh quen thuộc là đã loại trừ người đọc khi tiếp nhận [văn bản - ND] trong tính chất nước đôi về nghĩa và làm cho anh ta rời xa tư tưởng mà đáng lẽ anh ta phải thâm nhập. Dưới viễn cảnh này, chúng ta nhận thấy quan niệm đề cao tu từ học đã có lý như thế nào khi nó bảo đảm cho nhà văn tìm kiếm một lối diễn đạt trung thực, tại sao nó [tu từ học - ND] được tạo nên để tố giác những tai tiếng của sự sáo rỗng, thay vì lấp đầy một cách xuất sắc phận sự biểu đạt hoàn hảo thì ngược lại nó lại nuôi dưỡng cho sự tăm tối và bất hòa. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng, quan niệm này chứa đầy những nhược điểm. Tình trạng Khủng bố đã phá vỡ những hình thái thật dễ dàng và mau lẹ, thực tế đó là một mối lo ngại khác thường. Nó thật hài lòng để hành động sau những khiếm khuyết, nó theo đuổi những sáo ngữ khi mà chúng [những sáo ngữ] đã thực hiện những công trình dang dở và tác động đến những may mắn nhỏ nhoi không một chút bận tâm đến những nguyên cớ, điều khích lệ sự chính trực của nó. Vậy nên, cần phải hoán cải tình trạng Khủng bố, và đó là phương cách hữu hiệu nhất làm ra một phương pháp đề phòng, có nghĩa là làm tiêu tan đi hình thức này bằng cách nhân đôi hình dạng của sự sáo rỗng, gỡ bỏ quyền năng của những thủ đoạn mà nó có, mang lại cho nó một vẻ hào nhoáng có tính chất hiển nhiên, tóm lại là hoàn trả cho sự sáo rỗng một cách thông thường [commun] mà khiếm khuyết chính yếu sau những lời chỉ trích từng tồn tại trong tình trạng của một lối diễn đạt không rõ ràng, không cố định, không chắc chắn. Và cũng thực thi như thế đối với những quy ước, những khuôn mẫu, những luật lệ, những dạng thức khác. Với nhà văn, người đã xử trí theo cách như anh ta cho điều đó là thích hợp, sẵn sàng làm những việc đó, bằng hiệu lực của một kỹ thuật thường trực, và không phải là một sự ép buộc, [hiệu lực đó] được mang lại bởi ân huệ của một kiểu văn chương thuần túy và của một ngôn ngữ rất gần với đời sống. Đó là tu từ học hay là tình trạng Khủng bố hoàn hảo, như Jean Paulhan nhận định.

Thật tiếc khi đọc Những bông hoa của xứ Tarbes mà không thấy được những ý nghĩa phong phú của tư tưởng, những yếu tố được kiến giải trong đó ẩn chứa những lời thì thầm, những sự trở về nhanh như tia chớp hoặc ngược lại, một vài sự ám chỉ chậm rãi đánh dấu một sự hiện hữu bí ẩn. Đừng tin rằng cuốn sách này chính là như những gì nó biểu hiện ra: sự xem xét, được dẫn dắt bởi một tinh thần tinh tế nhất, hiếm hoi nhất và thích đáng nhất, của một quan niệm phê bình bất kỳ và đề xuất một giải pháp tài tình cho một vấn đề có tính chất đặc thù. Thực chất, đây là một vấn đề cốt lõi đặt ra nguyên do của bản chất của tinh thần, sự phân chia sâu sắc của nó, cùng với cuộc chiến này là một cuộc chiến khác tương tự đã trở thành phương tiện cho sức mạnh, cho nỗi day dứt và cho sự tôn sùng. Những ai muốn tìm kiếm cuốn sách đích thực [le vrai livre] mà Jean Paulhan đã viết để đọc mà phần ẩn sâu của nó được báo trước, họ nhận ra rằng, dưới một sự áp đặt trớ trêu là sự tài tình của tác giả, bởi một phương pháp nghiêm túc, nó hoài nghi và cảm nghiệm trong khi ngờ vực, nó đã đặt ra vấn đề, dưới một hình thức mà hình thức này làm nhớ đến cuộc cách mạng nổi tiếng của triết học Kant, là: làm sao văn học khả hữu? Nhưng cũng như nhiều vấn đề khác, bằng sự tranh biện, nơi quyến rũ ngôn ngữ và tinh thần, kéo theo một giả thuyết về bản chất trong thái cực của bóng tối, chúng ta có thể thoáng thấy một vài con đường mà tác giả đi theo để đến với bờ cõi của tư tưởng đích thực và thưởng ngoạn trong đó khởi thủy của tính thuần túy, nhưng lại tạo ra cho vấn đề đó một sự lặp lại máy móc, những sự sáo rỗng và những quy ước. Những tư tưởng này không thể diễn đạt trong một vài từ. Chúng ta mong muốn có cơ hội để làm rõ hơn trong một nghiên cứu khác về những lý tính, điều đã làm cuốn sách này trở nên một trong những công trình quan trọng nhất của phê bình văn học đương thời.

NGUYỄN QUỐC THẮNG dịch
Nguồn: Maurice Blanchot, “La Terreur dans les lettres”, Chronique de la vie intellectuelle, Journal des débats, 21 Octobre 1941, tr. 3.
(SH321/11-15)





 

Các bài mới