Tạp chí Sông Hương - Số 321 (T.11-15)
Quả tim của Modigliani
14:14 | 17/11/2015

HẠO NGUYÊN

1.
Năm thứ hai đại học, tôi chuyển từ ký túc xá ra thuê phòng trọ. Tôi và Y thuê một phòng nhỏ trong hẻm trên đường Nguyễn Sinh Cung. Từ phòng trọ có thể nhìn ra sông Hương đoạn qua Đập Đá. Mỗi tối thuyền chài về neo bến, neo cả những giấc mơ người buồn bã trên mặt sông lặng tờ.

Quả tim của Modigliani
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Hồi đó, Y đang nuôi mối tình tuyệt vọng với những người con gái trong tranh của Modigliani.

- Đêm nào tao cũng mơ làm tình với mấy nường ấy.

Y thú nhận với tôi như thế. Nghe giọng của Y, tôi biết Y không hề đùa chút nào. Tôi tò mò lên internet xem tranh của Modigliani. Cuối cùng chỉ thấy những cô nàng dài ngoẵng, hình dung như những con sếu dị dạng.

- Mày mà xem tạp chí Playboy thì đáng hơn.

Tôi giễu. Y bĩu môi:

- Khiếu thẩm mỹ của mày chỉ có vậy thôi à?

Hai thằng vẫn hay khắc khẩu với nhau như thế. Nhưng mỗi khi vẽ xong, Y luôn cho tôi xem trước. Và ngược lại, khi viết được gì hay ho, tôi đều đọc cho Y nghe.

Hồi đó tôi chưa hề biết đến con gái. Có lẽ nhờ vậy mà tâm hồn còn chút thanh thản. Còn Y, tôi biết, trái tim của hắn chẳng còn chỗ cho những em gái người trần mắt thịt. Tâm hồn Y có thanh thản hay không, điều này tôi chịu.

Mỗi tối, hai thằng thường ra gốc vả ven bờ sông ngồi hóng mát, nghe tiếng thuyền rẽ nước về trên mặt sông Hương lặng tờ.

2.

Chủ nhà của chúng tôi là ông Tâm. Y gọi ông Tâm là Modi. Y nói ông có cái cổ giống như trong tranh Modigliani.

Ông Tâm là người khép kín, luôn cau có. Ông chừng ngoài sáu mươi, trên mặt có nhiều vết sẹo do bỏng nên trông càng u ám. Từ khi về trọ ở đây, chúng tôi chưa có dịp nào để nói chuyện với ông nên không hiểu vì sao ông chỉ sống một mình, không vợ con hàng họ. Cũng chẳng khi nào thấy bạn bè người quen đến thăm ông. Mỗi tháng ông chỉ xuống phòng của chúng tôi một lần để thu tiền trọ. Thời gian còn lại, ông ru rú trong căn nhà chính, cửa đóng then cài, bất kể trời nóng hay lạnh. Trừ phi đi chợ hay đi những việc linh tinh, cũng chẳng thấy ông đi đâu lâu.

- Ông này giống phù thủy quá.

Mới lần đầu gặp ông Tâm, tôi đã nói thế.

- Mày đừng đùa.

- Thật chứ, nhìn sợ sợ.

Y trầm ngâm nhìn ra cửa sổ:

- Điều đáng sợ nhất ở một con người là hắn rỗng không. Tồn tại như thế là phỉ báng hai chữ con người.

Tôi không hiểu lắm thâm ý của Y. Nhưng tôi cũng không cần gắng sức để hiểu. Ý tứ của Y cũng như tranh của Modigliani. Đành kính nhi viễn chi.

3.

Y vẽ không đều, nhưng vẽ nhiều. Mỗi khi cảm hứng đến, mà tôi thường gọi là bị lên đồng, Y vẽ như phát rồ, quên ăn quên ngủ, hết bức này đến bức khác. Ngược lại, có khi suốt cả tháng Y không động đến cây cọ, lên lớp về, đọc vơ vẩn, rồi đi lang thang, hoặc rượu đâu đó về ngủ mớ sảng.

- Nhìn mày chả nghiêm túc chút nào.

Có hôm Y tỉnh dậy sau cơn say, tôi trách.

- Là sao?

- Tao thấy họa sĩ chuyên nghiệp làm việc rất kỷ luật, mà trong giáo trình gọi là lao động nghệ thuật ấy. Mày cứ sinh hoạt bừa bãi như thế thì phí hết tài năng.

Lúc nói xong, tôi ngớ người vì điều mình vừa nói. Nghe giống hệt mấy nhà phê bình nửa mùa trên báo chí hoặc trên giảng đường.

Có lẽ Y cũng thấy mặt tôi ngố ra nên chỉ cười, vẻ bao dung. Nhìn Y cười, tôi chỉ muốn độn thổ.

- Tao vẽ cũng giống như đi vệ sinh. Nghĩa là chỉ khi nào có nhu cầu. Mà mày đừng có nhiễm mấy cái lý luận vớ vẩn ở trên trường. Hại cả óc.

Im lặng một lát như để tôi có thời gian suy nghĩ, Y nói tiếp:

- Tranh của tao là phế thải của tâm hồn tao. Khi nào tâm trí tao sạch sẽ thì tao chơi. Khi nào trí óc lại ních đủ thứ rồi thì tao vẽ để đào thải ra thành một thứ vật chất là tranh. Mày đừng thần thánh hóa chuyện vẽ vời hay viết lách, như thế là báng bổ thần linh đấy.

Tôi không hiểu vì sao với thứ triết lý ấy mà Y lại có thể đậu vào đại học nghệ thuật. Và càng khó hiểu hơn vì sao với triết lý ấy mà Y lại có thể vẽ những bức tranh nhìn được như thế. Tôi nói được là vì nhìn tranh của Y rất thích (dù tôi không hiểu).

Cuối cùng, để tránh một cuộc khẩu chiến nổ ra, Y chủ động làm hòa:

- Tối nay đi chơi. Có đứa em gái họ mới nhập học bên Sư phạm. Yên tâm. Về lý luận mày có thể chuẩn hơn tao, nhưng về thẩm mỹ thì tao ngon hơn mày. Mà mày nên đi vào thực tiễn chút, chứ tao thấy mày xám quá.

4.

Y chỉ đi cùng tôi hai lần qua chỗ cô em gái họ của Y. Đến lần thứ ba trở đi thì chỉ một mình tôi qua.

Tôi yêu.

Sau này mất em, rồi ra trường, rồi có những mối tình khác, nhưng bằng cách này hay cách khác, em vẫn trở lại trong tâm trí tôi. Như một muộn phiền thiên thu.

Tên của em là S. Cái tên như cơ thể. Cong huyễn hoặc.

5.

Tối hôm đó, tôi ở phòng trọ một mình. Y đi đâu không rõ. Trăng sáng vành vạnh ngoài sông. Tôi nằm trên giường đọc sách. Tâm trí rỗng không, đọc mà như không đọc. Muốn bật dậy đạp xe đến với S, nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi lười, đành nằm khểnh, ngó chữ trong mấy trang sách nửa nghiêm trang nửa đểu giả nhìn tôi.

- Mày chỉ là một ký hiệu, như chúng tao. Nhưng chúng tao có ý nghĩa, còn mày thì rỗng. Rỗng. Rỗng.

Chữ nghĩa như đồng thanh hô to. Tôi bực dọc ném cuốn sách qua một bên, nằm thừ nghe tiếng sóng ì oạp vào bờ. Nằm chán, tôi lọ dọ ra bờ sông.

Lúc đó đã khoảng mười một giờ đêm. Tôi đang đi thì khựng lại vì thấy có bóng người đang quỳ bên bờ sông. Tôi nhìn kỹ. Là ông Tâm. Có lẽ rằm? Tôi thắc mắc. Chắc ông Tâm cúng rằm. Nhưng cúng rằm thì việc gì phải ra bờ sông?

Tôi dừng lại bên gốc cây vả, lén quan sát ông Tâm. Cạnh ông có một cái bàn nhỏ, nhưng không thấy hương khói gì. Chỉ có một chiếc hộp để trên bàn. Ông Tâm lạy xong, mà tôi không biết ông lạy cái gì, rồi mở hộp. Ông lấy từ cái hộp ra một vật nhỏ chừng nắm tay, sáng long lanh. Tôi thần người. Kim cương hay đá quý? Ông Tâm kính cẩn nâng vật nhỏ bé ấy trên hai tay, rồi đưa lên quá đầu, ngẩng lên nhìn trăng, lầm rầm gì không rõ. Vật nhỏ bé sáng lóa dưới trăng. Cái cảnh ma mị ấy làm tôi sởn gai ốc. Ông Tâm cứ quỳ bất động như thế hồi lâu, rồi cất cái vật nhỏ bé vào hộp, đứng lên. Tôi vội vã đi thụt lùi, thật khẽ. Biết đâu, ông đang làm trò phù thủy gì đấy, nhỡ phát hiện ra bị người khác nhìn lén, thì nguy cho tôi.

Về đến phòng, tôi lên giường nằm. Lát sau thì nghe tiếng chân ông Tâm đi về. Ông ho hung hắng như dò thử còn ai trong dãy nhà trọ thức không, rồi có tiếng mở cửa. Tôi thở phào. Vậy là ông ấy không biết mình đã nhìn lén ông ấy.

6.

Câu chuyện ông Tâm và lễ nghi kỳ bí như cái gai trong lòng, làm tôi mấy ngày ăn ngủ không yên. Y cứ nhìn tôi dò hỏi. Một buổi, khi Y vừa vẽ xong, tôi lên tiếng:

- Mày ạ, ông Tâm ấy…

- Lão Modi à? Sao? Đòi tiền phòng à?

- Không. Tối hôm kia, cái hôm mày đi uống rượu trên Vọng Cảnh ấy…

- Sao?

- Tao ra bờ sông, thì thấy ông ấy đang cúng gì đấy.

- Bình thường mà. Hôm ấy gần rằm.

- Không. Tôi cáu kỉnh. Mày cứ im để tao kể.

Y nghe xong câu chuyện, trái với dự đoán của tôi, mặt tỉnh bơ.

- Thì ai mà chả có một bí mật. Có những bí mật rất thiêng liêng. Và cũng có những bí mật rất đáng tởm. Cái chuyện mày kể về Modi, tao thấy chẳng có gì ghê gớm. Chắc ông ta theo tín ngưỡng thờ đá.

- Thờ đá?

Y thuyết cho tôi một hồi dài về tục thờ đá của người cổ đại. Từ người Ấn thờ những tảng đá hình linga đến dạng tượng đài đá ở miền Bretagne, từ việc người Chăm thờ nữ thần Pô Yang Jri với biểu tượng là một khối đá dựng đứng có vẽ một vạch ngang bằng vôi đến tục thờ đá của người Raglai.

- Nói thì nhiều vậy, nhưng rốt cục thờ đá chính là thờ cái ấy của đàn bà. Chẳng có gì kinh khủng cả. Thánh nhân hay kẻ cướp cũng từ cái ấy mà ra. Nên tao cho rằng Modi thật sự là người đáng kể đấy. Đặc biệt tao thích cái hình ảnh mà mày kể, hình ảnh Modi đưa vật ấy lên quá đầu. Tao thề với mày, tao sẽ vẽ một bức tranh về cái này.

Tôi chưng hửng. Cái điều mà tôi cho là bí mật, đầy màu sắc phù thủy, qua suy nghĩ của Y, lại thành một chuyện khác hẳn.

- Phải là bậc minh triết mới đưa cái ấy lên quá đầu mình, tức là ngang tầm vũ trụ đấy, Z ạ. Tất cả lũ người chúng ta đều ở dưới cái ấy. Chà, tao thích Modi rồi.

Y kết thúc câu chuyện bằng giọng vừa phấn khích, vừa dửng dưng như thế.

7.

Không phải một mình tôi e dè ông Tâm. Cả hàng xóm cũng không gần gũi ông là mấy. Nghe nói ông mất cha mẹ từ nhỏ. Sống vậy một mình. Đám tang cha, rồi đám tang mẹ, thằng bé Tâm ngày ấy không hề rơi một giọt nước mắt. Hàng xóm ai cũng bảo nó bản lĩnh. Nhưng rồi có vẻ như không phải vậy. Thằng Tâm lớn lên, không gần gũi thân thiết với bất kỳ ai. Không cười không nói. Cứ câm lặng lạnh lẽo như tảng băng. Có người bảo bị bệnh tự kỷ. Có người bảo bị đứt dây thần kinh cảm xúc. Bây giờ, họ kết luận về Modi của Y, mặc dù phi khoa học, nhưng nghe có lý hết sức:

- Không có tim.

8.

S và tôi thường hẹn nhau ở hồ Tịnh Tâm. Đêm mùa hạ. Đêm trăng. Hương sen.

Em thích nghịch lửa. Không, nói vậy chưa đầy đủ. Em thích tạo ra lửa và nghịch với nó, trong đôi tay nhỏ nhắn của mình.

Một tối, ở hồ Tịnh Tâm, đang tựa vai vào tôi, bỗng em cười:

- Em có cái này. Nhưng anh đừng sợ.

Tôi vuốt tóc em. Điều duy nhất trên đời này khiến tôi sợ là mất em (còn ông Tâm chỉ khiến tôi sờ sợ thôi, không phải là nỗi sợ hãi gì to tát).

Em úp hai bàn tay lại, bảo tôi nhắm mắt, rồi đố:

- Trong tay em có gì?

Tôi mở mắt ra. Có gì? Làm sao tôi biết? Một cánh sen hồng? Một món quà nho nhỏ của con gái? Tôi lắc đầu. Anh chịu.

Em mở hai bàn tay ra, như búp sen khoe nhụy. Bên trong là một đốm lửa nhỏ bé sáng ngời.

Ồ. Tôi kêu lên kinh ngạc. Làm sao em học được trò ảo thuật này?

- Không phải ảo thuật đâu anh. Là lửa thật đấy. Là tự em tạo ra lửa thật đấy.

Trước vẻ mặt bán tín bán nghi của tôi, em thổi đốm lửa bay lên. Như cánh bướm nhỏ. Chập chờn rời khỏi những ngón tay dài. Lơ lửng giữa đêm.

- Từ nhỏ em đã biết làm ra lửa. Giữa hai bàn tay này. Không ai biết bí mật đó. Cả ba mẹ em. Cả bạn bè em. Cả anh Y. Không ai cả. Cho đến giờ.

Tôi vẫn không tin vào mắt mình. Em bé bỏng, hiền như trăng. Bỗng dưng bây giờ em tiết lộ bí mật kinh khủng ấy. Nếu là thật, em có thể đốt cháy những gì? Có bao giờ em đốt cháy chúng tôi không?

- Chỉ có anh biết bí mật này. Chỉ mình anh thôi.

Chỉ mình anh thôi. Nhớ không? Chỉ mình anh thôi. Em vẫn thì thầm như thế khi ngồi sau lưng tôi, trên chiếc xe đạp cà tàng, để tôi đèo em về nhà trọ.

Chỉ mình anh thôi. Và không còn ai khác. Giữa cõi đời này.

9.

Ông Tâm vẫn vậy. Nghĩa là không thể nào gần gũi được, dù chúng tôi thuê nhà ông đã nửa năm. Và tháng nào cũng vậy, đúng đêm mười bốn âm lịch, khi có trăng, là ông lại ra ven sông, tiến hành thứ nghi lễ kỳ bí. Một điều mà mấy tháng sau tôi mới phát hiện được, khi lén quan sát ông kỹ hơn, là mỗi lần sau khi xong nghi lễ, trên đường về lại căn nhà chính, trên đầu ông tỏa sáng kỳ lạ, như vầng hào quang mà các bức tranh nhà thờ hoặc nhà chùa hay vẽ.

- Không nghi ngờ gì nữa. Ông Tâm là một đạo sư.

Tôi kể về vầng ánh sáng kỳ lạ trên đầu ông Tâm. Y bảo tôi hoa mắt. Nhưng trước vẻ mặt như đinh đóng cột của tôi, hắn ngần ngừ:

- Đạo hay không thì tao không biết. Nhưng vụ này lạ. Tao sẽ điều tra.

Nói vậy, nhưng những cơn say cuốn Y đi mãi. Tranh không vẽ, trường lớp không lên, nhiều khi đi biệt cả tuần mới về phòng trọ. Cuộc điều tra vĩ đại ấy không biết khi nào mới bắt đầu.

10.

Những lúc rỗi, không đọc không viết không Y không S, tôi lọ mọ mở tranh của Y ra xem. Hàng đống tranh xếp chật cả góc phòng trọ. Y không treo khung hay dán lên tường. Hắn vứt tranh như người ta vứt rác, à mà không, như vứt phế thải, theo cách nói của hắn. Tranh của hắn đủ thể loại, tả thực có, trừu tượng có, siêu thực có, chì có, màu nước có, sơn dầu cũng có nốt (nhưng thể loại này ít lắm, có lẽ vì không có nhiều tiền). Đại để là xem vậy thôi, chứ không hiểu chi nhiều. Thích nhất là mấy bức vẽ chân dung thiếu nữ. Tôi đoan chắc Y không vẽ từ nguyên mẫu nào: hắn không bạn gái, không thuê người mẫu (tiền đâu?), cũng không nhờ bạn bè chi hết. Có vẻ như hắn lấy từ trong sâu thẳm tâm hồn hắn, trong những giấc mơ phi thực của hắn. Điều này cũng dễ hiểu.

Nhưng có một bức của Y làm tôi thắc mắc. Nó không hẳn là tranh. Phía trên là một mớ lộn xộn màu sắc, có vẻ không tuân theo ý tưởng nào, chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên. Ở giữa là một khoảng trống buốt mắt của giấy trắng. Phía dưới là một đoạn văn, viết theo lối thư pháp:

Màu của những giấc mơ: trường đoạn đau đớn và huy hoàng khi hiến tế trái tim cho con quỷ sáng tạo. Họa sĩ là kẻ mù màu vĩ đại và thiết kế bi kịch của mình bằng cách đối thoại với những trái tim đã chết.

Khi Modigliani ngừng vẽ, những nàng thơ sống dậy và đi lang thang khắp mặt đất, đôi khi lạc xuống địa ngục hoặc lên thiên đàng.

Tôi đã gặp Em ở đó. Cho tôi màu của Em. Cho tôi ân sủng của sự tàn ác trong nhan sắc em. Em là Đấng Sáng tạo của tôi, là Vishnu của tôi, cũng là Satan của tôi.

Tôi hằng sống vì Em. Và nguyện hằng chết vì Em.


Thể loại tranh này tôi không rành lắm. Đại khái na ná tranh thủy mặc thời xưa có đề thơ. Nhưng đây đâu phải là thơ. Tôi không biết Y nói gì trong đoạn văn đó, nhưng một là rất phi thường, hai là rất nhảm. Tôi thiên về khả năng thứ hai hơn.

Đọc xong, tôi nằm thừ ra nghĩ ngợi, nhưng càng nghĩ đầu óc càng tăm tối. Thế là vùng dậy, dắt xe đạp ra. Tôi đến với S.

11.

- Người ta đâu cần phải hiểu hết mọi thứ để sống đâu anh?

Khi đem đoạn văn đó kể với S, em đã nói thế.

- Như em đâu cần phải hiểu hết về lửa mới có thể làm ra lửa.

Có thật vậy không? Như lời em nói? Con người không cần phải lao tâm khổ tứ để hiểu hết cuộc sống mà vẫn có thể sống được? Kẻ sáng tạo không cần phải trải nghiệm hết mọi nguyên lý của sự sáng tạo mà vẫn có thể sáng tạo?

- Cũng như trái cây rơi đâu cần biết, đâu cần hiểu về trọng lực.

Nói xong, em nghịch với ngọn lửa trong tay mình.

- Em có thể làm gì với nó? Có thể tạo hình cho nó được không?

Tôi chăm chú nhìn ngọn lửa sáng dịu dàng trong đôi tay nhỏ nhắn của em. Những ngón tay dài đẩy ngọn lửa lên cao, rồi hạ xuống thấp, như biểu đồ âm thanh của một cái amplifier.

- Lửa không có hình tướng, anh ạ.

- Nhưng anh có thể thấy nó bằng mắt thường mà.

- Đó là hình tướng do anh tạo ra. Bản thân lửa là vô hình vô tướng.

- Vậy là em phải hiểu về lửa mới tạo ra được lửa chứ.

Tôi quay lại đề tài lúc nãy. Thú thật, đoạn văn trong tranh của Y làm tôi quá rối trí.

- Em chỉ cảm nhận vậy thôi. Em không cố tìm hiểu. Em cảm nhận được như thế. Em biết được như thế. Còn nếu anh hỏi em lửa từ đâu ra, vì sao nó nóng, vì sao lúc màu xanh lúc màu đỏ lúc màu vàng thì em không thể trả lời được. Em không biết, không hiểu những điều phức tạp đó.

Tôi lại nhìn ngọn lửa. Trông như một đóa sen vàng trên mặt hồ bình yên là đôi lòng bàn tay em.

- Em cũng không biết sau khi rời bàn tay em, nó sẽ đi đâu. Nó sẽ tắt, hay sẽ cháy mãi, hay sẽ biến thành ánh sáng, hay bị bóng tối nuốt chửng. Em hoàn toàn không dự đoán được. Em chỉ biết ngay phút giây này, nó đang tỏa sáng trong tay, như một trái tim đang đập.

Tự dưng tôi lại liên tưởng đến ông Tâm. Liệu ông có một trái tim đang đập, như một ngọn lửa trong đó. Hay ông là người không tim như lời đồn thổi, một cái bếp vĩnh viễn tro tàn?

Em thổi ngọn lửa lên rồi nhìn nó bay ra khung cửa sổ, như một linh hồn thăng thiên. Tôi cũng nhìn theo. Bất giác lòng trống hoác.

- Lại đây với em.

Em dịu dàng cầm tay tôi. Bàn tay em lạnh giá như vừa mất đi sự sống. Em ấp đôi tay nhỏ bé trong tay tôi, thì thầm:

- Anh hát đi. Hát đi anh. Em mệt.

Tôi để em nằm xuống, và ngồi bên em, nắm đôi tay giá lạnh, hát khe khẽ.

Ngoài kia là mùa đông. Ngọn lửa của em sẽ đi đâu giữa mùa đông?

12.

Hôm đó là chiều thứ bảy. Huế mưa dầm. Y rủ hai người bạn, một học cùng trường với Y, một học bên Đại học Y đến phòng trọ chơi. Rồi bày rượu ra uống. Bốn thằng ngồi trong căn phòng chật hẹp tăm tối, nghe mưa rả rích trên mái nhà, nhìn mưa trắng mờ sông Hương.

Rượu vào lời ra. Câu chuyện đang hồi rôm rả thì một người mặc áo mưa đi ngang qua. Chúng tôi nhìn ra. Là ông Tâm. Có lẽ ông phơi phóng thứ gì nhưng quên mang vào. Im lặng một lát, rồi lại tiếp tục câu chuyện. Y đang nói rất nhiều về Krishnamurti. Tôi vừa nghe vừa để ý ông Tâm. Đã qua mười lăm phút mà chưa thấy ông quay lại. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Bất giác tôi đi ra ngoài hiên, nhìn về phía bờ sông thì thấy ông Tâm nằm sóng soài ngoài đó.

- Ông Tâm ngã ngoài kia.

Tôi la lên. Cả bốn thằng ào ra.

Ông Tâm nhẹ như một đứa bé. Bốn thằng khiêng ông vào phòng mà tốn chẳng mấy sức lực. Tôi dọn dẹp cái giường bừa bộn để ông nằm lên đó. Thằng bạn Đại học Y bảo:

- Để tao xem.

Hắn bắt mạch, sờ trán, vạch mí mắt ông Tâm ra xem, rồi bảo:

- Không sao. Chỉ trúng gió thôi.

Rồi hắn lấy dầu xoa cho ông, day day mấy huyệt đạo.

- Để ông ấy nằm ấm độ nửa tiếng là tỉnh ngay. Nấu chút cháo nóng để tí ông ấy dậy ăn cho ấm ruột.

Tôi kéo chăn lên đắp cho ông Tâm. Bất chợt tôi đặt tay lên ngực trái của ông. Không hề có nhịp tim. Tôi thảng thốt nhìn Y. Y hiểu ngay lập tức. Hắn đứng dậy, làm hệt như tôi. Mặt Y đơ ra. Tôi định bảo thằng bạn Đại học Y, nhưng Y lắc đầu ra hiệu, chỉ vào ngực ông Tâm. Tôi nhìn. Lồng ngực vẫn phập phồng lên xuống. Nghĩa là ông Tâm vẫn thở. Mà vẫn thở nghĩa là vẫn còn sống. Nhưng tim thì không hề đập. Hai thằng không thể nhầm. Tuyệt đối không hề có tín hiệu gì của một trái tim đang đập bên trong lồng ngực ấy.

Tôi vỗ nhẹ lên ngực trái ông Tâm, âm thanh nghe như gõ vào một cái bình rỗng.

13.

Y lại đi biệt gần mười ngày. Không rõ đi đâu. Đã qua mùa mưa. Huế cuối năm đầy sương. Nhiều buổi sớm đạp xe lang thang, những ánh đèn đường mờ đục trong sương như những cái nhìn dò hỏi đầy ác cảm. Mi là ai? Mi làm gì ở đây? Mi đi về đâu? Mi có ý nghĩa gì trong mê cung sương này?

Đã xong đợt thi cử, tôi năng đến với em hơn. Em không bao giờ hỏi gì về Y, trừ phi tôi chủ động kể. Ngọn lửa của em ngày càng đầy năng lượng hơn, và sau mỗi lần tạo lửa, tay em càng lạnh giá hơn.

Một tối gần cuối năm âm lịch, tôi chở em qua hồ Tịnh Tâm. Ngày mai chúng tôi sẽ về quê ăn Tết Nguyên đán. Nghĩa là không gặp nhau gần nửa tháng trời.

Đó là một hẹn hò lịch sử. Lần đầu tiên tôi hôn em. Như kẻ sa mạc lần đầu tiên tắm sông. Khắp châu thân phủ đầy sự dịu dàng khôn tả.

Về đến phòng trọ của em, em nắm tay tôi, hỏi một câu mà mãi đến giờ phút này tôi không thể nào trả lời được:

- Em muốn tặng anh một chút lửa. Nhưng làm sao anh giữ được?

14.

Sau Tết, tôi ra lại Huế. Tay xách nách mang đủ thứ quà quê. Vừa đón xe ôm về đến phòng trọ đã thấy Y ngồi hút thuốc trước hiên.

Happy New Year! Tôi cười vồn vã. Y chỉ nhếch mép, rồi tiếp tục hút thuốc. Không lấy đó làm điều, tôi khệ nệ mang đủ thứ túi xách vào phòng. Xong ra ngồi đốt thuốc với hắn:

- Ăn Tết vui không?

Y phà khói.

- Bình thường thôi.

Biết hắn đang có chuyện không vui, tôi làm thinh. Một lúc, Y hỏi:

- Có thứ gì để uống rượu không?

- Có, nhiều lắm. Mẹ tao chuẩn bị rất nhiều đồ nhắm.

Thực ra không phải. Mẹ chỉ chuẩn bị các thức ăn khô để tôi ăn dần. Nhưng để uống rượu cũng tốt.

Vậy là vỡ kế hoạch lên phòng trọ của S. Không biết em đã vào Huế chưa. Tôi nhớ em. Và cả ngọn lửa của em. Nhớ đến đần người.

Chỉ hai thằng với nhau. Tôi định mang chút quà biếu ông Tâm, nhưng nhìn lên thấy cửa đóng then cài, đành thôi.

Hôm đó Y nói rất nhiều về hội họa, về Modigliani, về Krishnamurti, cả về ông Tâm và S. Quá nhiều chủ đề và quá nhiều rượu nên tôi hầu như không thể nhớ mạch lạc mọi chuyện. Chỉ nhớ mang máng rằng hôm đó Y ôm tôi khóc, như thể hết sức tiếc thương một điều gì, như thể tiễn biệt một điều gì.

15.

Tỉnh dậy lúc xế chiều. Không gian tuyệt đối im vắng, có thể nghe tiếng thuyền rẽ nước về trên mặt sông Hương lặng tờ. Con thằn lằn trong góc tường chắc lưỡi buồn rã rượi..

Tôi gượng dậy ra sân, không thấy xe đạp của Y đâu. Lúc quay lại vào phòng thì tôi sững người: trong góc phòng, một cây cọc nhọn đóng xuyên qua đống tranh của Y, như những tội đồ bị tử hình.

Chỉ thiếu máu.

16.

Em hẹn tôi qua hồ Tịnh Tâm. Đêm đó không trăng.

- Hôm rồi em có gửi cho anh chút lửa, anh nhận được không?

Tôi khựng người. Hôm nào? Không phải là đêm trước khi về nghỉ Tết. Vậy thì hôm nào? Tôi vắt óc mãi không nghĩ ra, đành lắc đầu.

Bàn tay buốt giá của em vuốt cánh tay tôi. Em im lặng. Tôi cũng im lặng. Một cánh chim đêm bay qua, kêu thảng thốt giữa trời lạnh.

- Tiếc quá. Anh. Em tiếc quá.

- Tiếc? Tiếc gì? Tôi xiết chặt tay em, nhưng em vội vã buông tay tôi.

- Thôi, anh đừng gắng nữa. Đành vậy.

Tôi hoàn toàn không hiểu em đang nói gì, nhưng cảm giác hoang mang kinh khủng. Em nhìn tôi. Cái nhìn ám ảnh suốt cả cuộc đời:

- Em chỉ còn chút lửa cuối cùng này. Anh gắng giữ cho em.

Em xòe đôi tay. Ngọn lửa viên mãn bay ra. Tôi đón lấy. Nhưng không thể bắt được. Ngọn lửa chập chờn như ma trơi. Còn em thì trắng toát, hơi lạnh tỏa rợn người. Cơ thể em mờ dần, mờ dần. Rồi em biến mất. Biến mất thực sự. Như làn hơi nước. Tan biến giữa đêm hồ Tịnh Tâm. Chỉ còn vẳng lại lời xa xăm:

- Gắng giữ cho em. Nghe anh. Cho em. Vì em.

Tôi ngồi hóa đá. Khóc không thành tiếng.

Em đi đâu? Vì sao bỏ tôi đi? Làm sao tôi có thể giữ ngọn lửa này?

Làm sao tôi có thể sống cái sống của mình khi mất em?

17.

Đúng mười bảy năm sau, tôi trở lại Huế. Tìm đến chỗ trọ cũ thì nghe người ta nói ông Tâm đã mất. Tôi dọ hỏi quanh thì biết được hàng xóm đã gửi linh vị ông vào một ngôi chùa nhỏ ở huyện vùng ven, vì ông không có ai thân thích để thờ tự.

Khó khăn lắm mới tìm ra ngôi chùa ấy. Ngôi chùa chỉ có một sư thầy. Thầy Lâm. Tôi xin vào thắp hương chư Phật và thắp cho ông Tâm một nén nhang. Thầy A Di Đà Phật rồi gật đầu.

Ông Tâm không có ảnh thờ. Chỉ có một bài vị, và một cái hộp nhỏ đặt trên bàn thờ. Tôi tò mò mở ra xem. Chính là nó, cái vật sáng long lanh ông Tâm (hay Modi của Y) đem ra sông Hương mỗi đêm mười bốn âm lịch.

Tôi e dè cầm cái vật nhỏ bé đó. Nó nặng hơn tôi tưởng. Và khi đã nắm trọn trong lòng bàn tay, tôi cảm nhận rõ nó phập phồng trong tay mình.

Như một trái tim không bao giờ ngừng đập.

Đúng vậy, như một trái tim thật sự, không bao giờ ngừng đập, không bao giờ ngừng tỏa ra thứ ánh sáng huyễn hoặc giữa cõi thế mênh mang buồn.

H.N
(SH321/11-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng