HẠ NGUYÊN
Trong cuộc đời, cái đánh thức ký ức của ta đến tận cùng sâu thẳm nhất, đó chỉ có thể là mưa.
Với xứ sở mưa nhiều như Huế, những ký ức xa xôi nhiều khi ập về ướt đẫm giữa cơn mưa bất chợt như thác lũ mưa nguồn; và nhiều khi ký ức đông đúc đến mức trở nên chật chội như trong một toa tàu sầm sập lao vào đáy tim... Vậy có lúc nào bạn nghĩ mình lại được ai đó dắt mình đi chơi cùng với cơn mưa không?
Phòng tranh “...& Mưa”, (triển lãm ở Huế từ 25/9 đến 5/10/2015) là tất cả những gì cũng có thể có, với mưa. Vì vậy con số 20 bức hay nhiều hơn ít hơn đều không quan trọng, tất cả các bức tranh đều đang đi chơi với Lê Văn Nhường. Như thể, Lê Văn Nhường đang dắt những cơn mưa đi chơi. Mỗi cuộc chơi là một câu chuyện, những câu chuyện tinh khôi và đa đoan, những câu chuyện tinh nghịch và nghiêm túc, những câu chuyện hài hước và u buồn... Tất cả đều kể bằng những sắc màu không quá sa đà, những nét cọ tối giản, những câu chuyện có thể bày đặt nhưng lối vẽ không bày đặt, không ba hoa mà kiệm nét, như những bài thơ tứ tuyệt, như những bài thơ tân hình thức, như những lục bát, và nhiều khi như những bài thơ hai-kư hay waka (Nhật bản)... Trong series tranh này, họa sỹ Lê Văn Nhường dùng kỹ thuật giản đơn, hết sức tối giản, không cần nhiều phụ kiện, chỉ là những chấm mưa, những đường kẻ, thẳng, những hình khối vuông và tròn; màu cũng tối giản, lấy cái động để diễn tả cái tĩnh tại, song tất cả lại là khởi thủy cho những chiêm nghiệm rất mới, thoát thai từ tư duy mắt nhìn thấp thoáng yếu tố comique (hài hước)...
Và đây là những câu chuyện của Lê Văn Nhường trong lúc dắt cơn mưa đi, như tôi thấy:
Đầu tiên là cuộc dạo chơi bung phá qua những miền ký ức.
Mưa 1 - Những hạt vỡ trên khung trời, gợi những giấc mơ xa xôi, gợi những ý niệm, những ký ức đan chéo, vừa kết nối lại vừa bung vỡ… Đó chính là lúc những hạt mầm sự sống đang trỗi dậy.
Mưa 2 - Mưa vỡ trên mặt sông, những ký ức đầy và dày, bàng bạc, ngập, khối. Nền xanh rêu thăm thẳm. Những hạt mầm đang bung ra.
Mưa 3 |
Mưa 3 - Mưa mù, những ký ức đậm nét chồng lên nhau thành một lâu đài. Những mái ngói xô nghiêng. Những cánh cửa sổ, cửa lớn gợi những không gian xưa cũ. Những triền ký ức xuôi theo dòng và phóng ngược vào cõi không.
Mưa 4 |
Mưa 4 - Mưa huyền thoại trên con nghê huyền thoại. Con nghê vàng của chốn cung đình Huế ai nghịch ngợm đem ra đặt trên bệ đá dưới mưa. Con nghê cũ xưa mà mưa thì quá tươi mới. Mưa trên nghê đá là thứ mưa không gột rửa điều chi, mà lại gợi rất nhiều điều.
Mưa 5 |
Mưa 5 - Mưa sương mù về trên một không gian đồng quê, song là cõi không gian lưng chừng. Ở đó hiện lên một gã bù nhìn đội cái nón, mặc cái áo rách song lại không hề làm con chim sợ sệt. Thậm chí, con chim còn hồn nhiên bay đến đậu trên đỉnh nón của con bù nhìn. Ta đang chứng kiến sự hồn nhiên tinh nghịch hót vang. Ở đây không hề thấy thể hiện sự thắng thua, nó vượt lên tất cả chính vì sự hồn nhiên cao vút.
Mưa 6 - Ký ức như một tán cọ, mưa chảy thành dòng như thể bào mòn ký ức. Nhưng không, mưa làm xanh thêm lá cọ của ký ức. Những tán lá cọ sáng lên trong bóng đêm, không phải chỉ đơn thuần là ánh sáng của ngọn đèn rọi sáng, đó còn là ánh sáng của hoài niệm, hoặc của tri ngộ…
Mưa 7 - Dưới tán cọ ký ức, một dáng người đang ngồi chò hỏ. Dáng ngồi tượng nhà mồ Tây Nguyên với một cú ngồi thủy chung chờ đợi người yêu đã ngủ yên trong đất. Mưa vỡ trên tượng gỗ. Mưa chảy thành dòng từ tán cọ xuống mà vỡ trên tượng. Có cái gì đó vừa kêu thét lên. Như hồ ai đó vừa cất tiếng hát xa xăm bên ngoài…
Mưa 8 |
Mưa 8 - Mưa rơi trên cánh đồng khô lửa cháy. Sự reo vui của nước. Những ký ức xanh trên đầu như những cọng rong của một con sông mơ hồ.
Và từ đây, mưa bắt đầu kể những câu chuyện ngụ ngôn ý niệm theo cách của nó, nghĩa là đem lại nhiều cảm xúc song rất khó diễn tả thành những câu chuyện rõ ràng.
Mưa 9 |
Mưa 9 - Mưa hội tụ thành một khối bông nước hình tháp trụ. Trên đỉnh là khối mưa xanh non của mầm ý niệm. Không gian bao quanh xanh lơ sương khói trắng như trong “áo em trắng quá nhìn không ra” của bài thơ thôn Vỹ thi sỹ họ Hàn.
Mưa 10 - Có thể là trái đất nhìn từ cõi không bao la được bao bọc bởi mưa. Nhưng có thể là một khối xanh rêu, một mặt trăng xanh trong đêm khải huyền mơ hồ. Màu phỉ thúy đã tròn cho một giấc mơ mưa.
Mưa 11 - Quả cầu tròn sặc sỡ sắc màu, treo trên cao, giữa những vụn vỡ mưa. Khối ý niệm tròn trong một không gian mưa xanh đen thả dài theo khung tranh. Khối của màu sắc vui đùa, mà cũng có thể là hỗn mang những ý niệm đủ màu sắc trong cuộc thế.
Mưa 12 - Một cái lỗ tròn trong một hình vuông. Hội tụ và giải thoát này là gì? Mưa đang rơi trên phiến đá vuông hay mưa đang rơi trên biểu tượng đất vuông trong cõi trời tròn? Nhưng có thể đó chỉ là một cái lỗ thoát tròn nghịch ngợm của triết học về quy luật, cũng có thể là không. Ô hay, hay đó lại là dân gian: mưa rơi cứ mưa rơi, trăng sáng cứ sáng…
Mưa 13 - Bầu trời đen kịch và cánh đồng thật vàng. Một dãi hội tụ mưa treo trên không trung khô khốc, không chịu rớt xuống bên dưới là một cánh đồng cỏ cháy vàng lửa. Một hội tụ trên hạn khát. Không gian u ám, xám và tối, như những báo hiệu một cơn mưa giông sắp diễn ra thật cuồng nộ.
Mưa 14 |
Mưa 14 - Bố cục tranh chia làm ba phần thành ba thế giới khác nhau. Không là bố cục hàn lâm, có thể cắt tranh ra nhiều phần, nhưng thực tế nó liên quan với nhau, như là nhiều câu chuyện, nhiều diễn giải. Phía trên cùng, mưa xanh rêu dày hạt, chen chúc chật chội đổ trên nền một tầng đất/đá màu hổ phách. Nền đất/ đá tách làm hai thành một khe nứt và nước chảy xuống từ khe đó, rơi xuống thế giới thứ ba. Ba tầng đất trong chín tầng trời là đây chăng? Mưa thoáng hạt, nước chảy thành dòng rơi xuống thành vũng xanh rêu. Đây là một trong những bức bố cục được tổ chức nhiều lớp lang nhất, song lại càng rất ít hình khối, cái sự kiệm hình và màu nhưng lại giàu ngữ nghĩa.
Mưa 15 - Con chim bói cá đậu trên một cái cọc và mưa nhẹ rơi trong không gian bàng bạc xám như màu lông xanh xám của nó, trên mặt nước màu rêu đầy mưa. Chim chỉ đứng thế thôi, cho một câu chuyện tương lai tưởng tượng.
Mưa 16 - Gần như cơn mưa vừa tạnh, ký ức sáng rỡ như những cây cầu. Và trên cao không phải là chiếc cầu vồng mà là quả cầu sáng rực màu vàng chanh.
Mưa 17 - Những cơn mưa xanh, những ký ức hình khối (như Mưa 3), màu xanh rêu, trắng, vàng, cam, đen, nâu đậm, nâu nhạt, gạch. Tất cả tạo nên một không gian lạ.
Mưa 18 - Mưa ngưng tụ trên hình khối như đống rơm bốc lửa, có đôi cánh cửa màu hỏa hoàng, mọc lên trên một nền đất trũng. Hình khối soi bóng vũng nước thành một cái bóng dài và trên chóp đỉnh bổng tan ra thành một cơn mưa. Như thể cơn mưa đang cố gắng kể lại một truyện ngắn hậu hiện đại nào đó.
Mưa 19 - Mưa hai mặt với hai phương án mưa. Một, bên trong căn nhà mưa nhẹ bức tường sáng màu, hai cánh cửa mở vào trong, nhìn ra bên ngoài là khung trời rất tối. Hai, có thể bên trong tối thui mưa dày, cửa sổ mở ra ngoài, khung trời sáng và mưa nhạt. Cái gì lạ vậy? Cái gì đang diễn ra? Câu trả lời tất tần tật đều tùy theo người ngắm tranh, mỗi lần một khác…
Cuối cùng, những cơn mưa kể những câu chuyện về hội tụ.
Hội tụ 1: Đó là khi mưa không rơi mà tụ lại thành khối tròn xanh non lăn trên khối vuông lớn hơn màu hỏa hoàng. Trong khối mưa vàng màu hỏa hoàng lại có khối vuông như một thỏi vàng ròng. Phía trên là bày chấm sáng như những ngôi sao ước nguyện, như là những vì sao đêm dàn hàng ngang, mà có thể đó chính là những đôi mắt nhìn xuống, ai biết được?
Hội tụ 2 |
Hội tụ 2 - Bấy giờ mưa từ Hội tụ 1 đã có sự nứt vỡ hình khối. Khối vuông nứt vỡ làm đôi, khối tròn đã bay lên khỏi khối vuông một chút và nứt một nửa dưới. Lúc này phía trên không còn là bảy ngôi sao, bảy đốm sáng nữa mà là một khối cầu xanh như Mưa 16, mưa 19.
Hội tụ 3 |
Hội tụ 3 - Hai khối vuông hoàng thổ nằm cạnh nhau tạo thành một vết nứt ở giữa. Khối thứ nhất có nhân vuông màu cam (bên trong có nhân tròn màu cam vàng). Khối thứ hai có nhân vuông màu xanh bên trong lại có nhân tròn màu xanh vàng. Gợi lại những cơn Mưa 16, Mưa 9, những Hội tụ 1 và Hội tụ 2. Những bức tranh kể những câu chuyện liên văn bản như một chuỗi sao trên dải ngân hà.
Hội tụ 4 |
Hội tụ 4 - Bấy giờ nó không còn liên văn bản nữa. Nó đơn độc bởi nó chỉ là một quả cầu xanh đã nứt làm đôi bằng một đường cong. Thế thôi.
Hội tụ 5 - nó như Hội tụ 4, nhưng lần này vết nứt thẳng như một vết chém, và quả cầu trôi trong không gian lửa nâu.
Triển lãm này khiến người ta liên tưởng tới cuộc triển lãm cá nhân “& tôi” của Lê Văn Nhường (tháng 11/2009 tại phòng tranh Phương Mai, TP.HCM). Ở đó anh suy tư về sự tồn tại thông qua nét bố cục diễn ý. Hình họa mang tính biểu tượng giải bày những ý niệm về sự cô đơn, về cái tôi nhỏ bé trong cuộc hiện sinh thăm thẳm, trong một không gian mênh mông, vô hạn, chênh vênh trên những khối địa cầu không cân bằng. Tất cả như đang nhìn thấy số phận con người luôn phải chịu những thách thức quá lớn và phi lý. Triển lãm “& mưa” anh lại mang một tinh thần khác, hướng đến cái đẹp bên ngoài, chi phối đến sự tĩnh tại bên trong. Những tồn tại muôn mặt trong một không gian ẩm ướt.
Họa sỹ Lê Văn Nhường đã dắt những cơn mưa đi chơi kiểu như thế. Cuộc chơi mà anh cuốn chúng ta theo bằng tất cả thính giác, thị giác, và ngập tràn cảm xúc phơi bày trong một không gian mà ở đó, thấp thoáng niềm vui nỗi buồn nhân thế trong cái đã hiện hữu và cái đang chờ đợi. Những cơn mưa tầm tả và bất chợt òa xuống rồi tạnh ngắt, hoặc những cơn mưa tức trời không rơi nổi; những cơn mưa kể chuyện rành mạch và những cơn mưa không thèm kể chuyện, cứ mưa cho vui; những cơn mưa dân gian cổ xưa và những cơn mưa hậu hiện đại… Và chúng ta sau khi đi chơi cùng với những cơn mưa ý niệm, những cơn mưa trừu tượng, những cơn mưa siêu thực của Lê Văn Nhường. Chợt nhận ra mưa Huế một ngàn lẻ một gương mặt, một ngàn lẻ một chiêm nghiệm, vì thế tranh Mưa của Lê Văn Nhường đủ lý do góp cái cá tính riêng của mình vào trong cái phong phú sự mưa vốn đã rất ôm đồm và nhiêu khê của xứ mưa nhiều Huế.
H.N
(SH321/11-15)