Tạp chí Sông Hương - Số 322 (T.12-15)
Sau những vụn vặt
15:09 | 28/12/2015

THU LOAN  

Lúc nào bánh xe chạm ngưỡng cửa cũng là lúc công việc chen chúc hiện trong đầu. Nàng mau chóng sắp xếp sao cho thật hợp lý để hoàn thành chúng ít mất thời gian, công sức nhất.

Sau những vụn vặt
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Dựng xe. Vào bếp. Vo gạo nấu cơm. Ướp đồ ăn. Đặt ấm nước. Trong lúc chờ nước sôi nàng quay vào phòng ngủ thay bộ đồ công sở, mặc quần áo ở nhà. Tiếp tục xuống bếp nhặt rau, chế biến thức ăn. Tiếp tục bày mâm chén. Chồng chỉ việc ngồi xuống ghế cầm đũa. Trong lúc chồng ăn nàng tranh thủ rửa chén đĩa còn tồn từ đêm qua hoặc bữa sáng. Tiếp tục pha trà, cắt trái cây, lấy tăm để sẵn. Xong xuôi, nàng ăn ào một chén thật nhanh, vừa kịp kết thúc bữa ăn cùng chồng hoặc muộn hơn một chút. Trong lúc chồng ăn tráng miệng, uống nước, nghỉ trưa nàng tiếp tục dọn rửa chén bát, tranh thủ may một đống áo quần đồ chợ - việc làm phụ nhưng đem lại thu nhập chính. Chẳng kịp nghỉ ngơi, đọc sách, xem phim, nghe nhạc đã tới giờ đi làm. Chiều về lại tiếp tục những công việc gần gần như vậy. Cả núi việc chờ. Đấy là chưa kể những buổi đi chợ, mua sắm đồ dùng, quần áo, tiếp bạn bè, con cháu. Thứ bảy, chủ nhật với nàng thường là ngày mệt mỏi nhất. Chồng ra khỏi nhà từ sáng uống cà phê, chơi bi da ở đâu đó hoặc nhậu bù khú tới chiều. Còn nàng phải làm một đống việc khó chịu nhưng cần thiết: lau nhà, dọn dẹp đồ đạc, giặt chăn màn, đi gom những chỗ may lẻ, thanh toán tiền công với bà chủ… Nàng tự thán phục mình khỏe như trâu. Việc nọ, việc kia, việc cơ quan, việc nhà, việc chính, việc phụ… Có lúc nàng cảm tưởng chỉ mình nàng lao động quần quật phục vụ chính mình và bốn con người nhởn nhơ: Mẹ nàng nằm thượt trên giường, ngó mây bay qua cửa sổ chờ tới bữa ăn (cũng phải. Vì bà đã già, mỗi bước đi phải có thêm cây gậy chống). Chồng nàng về tới nhà là hút thuốc, uống trà, đọc báo, xem tivi kéo theo đồ đạc bày bừa (cũng phải. Đàn ông mấy ai có tính gọn gàng). Con nàng càng không giúp được gì (cũng phải. Bận học trên trường, học nhóm, học thêm. Chỉ lo học cũng đủ bã người). Chỉ còn nàng. Không nàng thì còn ai vào đây gấp mền, xếp gối, đổ tàn thuốc, nhặt mẩu giấy, đổ rác, giặt áo quần… Mỗi thứ một tí. Một ngày có trăm cái nàng không nhớ tên. Chỉ biết lúc nào cũng bận. Mệt thì để việc đó, giờ nghỉ làm bù, tối thức khuya hơn, sáng dậy sớm hơn. Cũng có dạo nhà nàng thuê người giúp việc. Dĩ nhiên cũng chỉ đỡ một phần ở những việc lao động phổ thông. Khó khăn lắm mới dạy được một người biết việc nhà mình. Khi ra chợ biết mua gì, mua bao nhiêu. Thức ăn biết ướp gia vị gì, độ mặn nhạt thế nào cho hợp khẩu vị chồng con. Có khi vừa thạo việc họ lại nghỉ. Mất bao công sức tìm người dạy dỗ, kèm cặp. Thuê người phải chấp nhận thế. Tốn kém, thất thường, mất thời gian… Thế là khi có khi không. Thà là nhà giàu hẳn, tiền bạc dư dả, đặt hẳn các món ở nhà hàng, thuê người làm nhà sạch hàng ngày nó đi một nhẽ, (là nghĩ thế chứ thực tế chưa chắc đã phù hợp). Hoặc là khổ hẳn, đầu tắt mặt tối, vợ chồng cùng chung tay làm, chẳng phân biệt đàn ông, đàn bà, việc lớn việc vụn vặt, nó đi một nhẽ, (là tưởng thế chứ thực tế chắc gì được vậy). Đằng này vợ chồng nàng đều là công chức thường thường, hưởng lương theo ngạch, bậc. Không đủ tự tin thoát nhà nước, thoát khoản tiền lương lèng tèng nhưng chắc chắn hàng tháng đều có. Vậy phải làm thêm. Nhưng làm thêm cũng có năm bảy kiểu. Chồng nàng thì chịu. Nghề của chồng xã hội không có nhu cầu. Hết tám giờ nhà nước quy định, chồng còn biết làm gì hơn là về nhà. Là đàn ông, đụng tay làm việc vụn vặt có vẻ sao sao ấy. Nhìn người đàn ông rửa chén, quét nhà không phải hèn kém nhưng rõ là không tư thế. Nghĩ riết thế thành quen, thành tính. Nhiều lúc nàng đang ở cách hai cây số, chồng gọi về bằng được để ủi bộ quần áo đi đám cưới. Ly nước cam chồng uống xong đặt ở đầu giường, nếu nàng không dọn thì ba tháng sau chồng vẫn chỉ nhắc: “Còn cái ly kia kìa”. Nàng không thích nói xấu chồng nhưng thi thoảng người bạn thân chứng kiến việc gia đình nàng phải gào lên: “Tức chết đi được! Tăm ở trước mặt còn sai vợ lấy. Phải tay tao thì tao ném bốp hộp tăm vào tường nhá! Ha ha ha! Khắp nhà đầy tăm. Nói cho gã biết, ai cũng có tay có chân, ai cũng phải đi làm tám tiếng nhà nước. Nhá! Cớ gì gã được nghỉ ngơi còn mày thì không?”. Nghe vậy, nàng chỉ cười buồn. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính. Làm sao nàng có thể đốp chát như bạn. Còn chung giường, chung mâm. Chửi bới, cạnh khóe nhau nghĩa là không còn tôn trọng. Không còn tôn trọng, ở với nhau khác gì địa ngục. “Cần thiết thì phăng - teo! Thiếu gì cách”. Đầu nàng càng lắc nguây nguẩy. Dễ gì cắt. Lắm thứ ràng buộc lắm. Hơn nữa chồng rất yêu nàng. Chuyện vụn vặt là chuyện nhỏ, là khiếm khuyết trong tính chồng. Nín nhịn là điều tốt nhất. Bạn nàng nhăn mặt. Cứ vậy mày khổ suốt đời.

Thực ra cũng có dạo nàng phản kháng. Ấy là thời hai người mới chung sống cùng nhau. Nàng không chịu được cảnh vừa bế con vừa pha cà phê, tráng trứng cho chồng. Chồng không chịu cảnh đàn ông phải làm việc vặt. Đã mấy lần cáu kỉnh, cãi vã. Chén bát rơi loảng xoảng, cơm canh lênh láng mặt sàn. Chung quy chỉ vì người sao như vua, người sao như nô lệ. Chồng nàng mặt nặng như đá, cầm phin cà phê đi đổ, súc ấm trà, sắp ngay ngắn ghế quanh bàn, vắt lại khăn tắm cho thẳng… nhưng chỉ một hai ngày sau, mọi việc lại như cũ. Bản tính con người khó đổi. Vả lại, nghĩ cho cùng ai không có khiếm khuyết? Nàng có bao giờ nghe hàng xóm, bạn bè, người thân chê trách chồng điều gì đâu. Còn quá tải lời khen hào phóng, tốt bụng, hiền lành. Với người ngoài lúc nào anh cũng ân cần hỏi han, giúp đỡ hết mình. Không ít người coi anh như thần tượng. Thôi, nàng chấp nhận đảm đương mọi việc cho yên cửa nhà. Coi như làm ráng. Riết rồi quen. Nàng xem vô số việc vụn vặt không tên cũng như việc làm thêm là trách nhiệm của mình, là lẽ đương nhiên.

Bánh xe lại chạm ngưỡng cửa. Nhưng lần này khác mọi lần, khác những tháng năm đã sống. Giữa vô vàn công việc hiện trong đầu nàng hình ảnh một gương mặt cười, một mái tóc dày rậm bồng bềnh sóng. Đó là Định, học cùng trường, trên nàng hai lớp. Cũng như nhiều người bạn khác, họ từng chạm trán, cười với nhau, từng sinh hoạt liên chi đoàn, cùng có mặt trong những buổi cổ vũ thi thể thao, văn nghệ. Chẳng có gì đặc biệt. Một lần trong quán cà phê, chính lúc nàng đứng dậy ra về thì anh bước tới.

- Liên! Có nhận ra tôi không?

Nàng nhíu mày rồi nhận ra ngay anh là người bạn cùng trường khi xưa.

- A! Anh là Định, lớp 12 D3, đúng không?

Anh cười vui vẻ:

- Đúng. Hơn hai mươi năm rồi nhỉ. Liên mặc váy, trông lạ quá. Khác xa thời Liên gầy nhẳng trong bộ đồng phục màu xanh da trời của trường.

Họ bắt tay tạm biệt và lưu lại số điện thoại của nhau, hẹn thi thoảng cà phê. Đến buổi cà phê thứ hai thì nàng đã biết khái quát cuộc sống của anh. Định lấy vợ sớm, có hai con đã yên bề gia thất, không như nàng ngày ngày còn tất tả xuôi ngược chở con học thêm hết chỗ này đến chỗ khác. Đến buổi cà phê thứ bảy thì nàng thấy mình bị hút vào sự chân tình, cái nhìn nồng ấm. Nàng thú nhận từ ngày có những giây phút cà phê với anh, nàng mới có dịp ngắm trời xanh, mây trắng, mới thấy bầu trời hôm nay đầy nắng hay sắp mưa, mới biết cái thú của người ngồi dưới gốc cây nhâm nhi từng giọt cà phê beo béo, ngòn ngọt, đắng đắng nhìn dòng người ngược xuôi tất bật. Anh cầm chiếc kính nàng đặt trên bàn, rút tờ giấy mỏng trong túi ra lau những hạt bụi li ti trên mắt kính, gọng kính.

- Em phải lau thường xuyên cho kính sáng ra. Nhìn mới rõ.

Nàng giơ kính lên đeo thử. Mọi vật rõ hơn thật. Nàng bật cười:

- Nói thật, em chưa khi nào lau kính. Lúc nào cũng quay như chong chóng. Lúc nhớ thì không rảnh. Lúc rảnh thì không nhớ. Còn nhiều việc cấp thiết hơn.

- Đến bao giờ em mới hết làm quần quật hả Liên?

- Em không biết. Còn khỏe ngày nào biết ngày ấy.

- Cũng phải nghĩ một chút cho mình chứ.

- Sao được? Phải lo kiếm tiền. Không tiền đôi khi không đãi được bạn bữa nhậu cũng nhục anh ạ.

- Thì cũng vừa vừa thôi. Có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều. Vượt qua cái ngưỡng không phải chạy ăn từng bữa là được rồi. Chứ biết bao giờ cho đủ? Mình cho đủ là đủ. Như ly nước này này. Em rót mãi rót mãi, nước sẽ tràn.

Anh khuyên nhủ nhẹ nhàng mà con người sắt thép trong nàng lại xiêu. Nàng không cố may thêm số đồ chợ để có thêm chút tiền khi đã quá bận hoặc quá mệt. Anh trêu nàng cười bằng những chuyện tiếu lâm ngộ nghĩnh. Anh tặng nàng những món quà nho nhỏ làm nàng vui. Cho em cái đèn pin, thức dậy sớm em không phải bật điện làm người khác mất ngủ. Cho em cái xâu kim để luồn chỉ cho nhanh. Cho em cái bấm móng tay. Nhìn tay em kìa. Móng dài dễ sợ. Nàng bật mí: em có thời gian đâu mà săm soi làm đẹp. Nếu đến tiệm cắt tóc phải chờ mười phút là em bỏ đi. Nếu trang điểm mất nửa tiếng thà em để mặt mộc. Sau này Định thổ lộ càng gần nàng, anh càng thương nàng. Trước đây cứ nghĩ nàng thanh nhàn. Thì cứ thấy nàng lúc nào cũng váy đầm, giày cao gót, cũng quần nọ áo kia chảnh chọe. Đâu biết ngoài phố nàng như bà hoàng, về nhà như ôsin. Thì ra anh chú ý nàng từ nhiều năm trước, khi bắt gặp đôi ba lần nàng trả tiền nhậu, cà phê cho cả tốp bạn gái bạn trai, trả luôn cho những người quen biết sơ sơ ngồi khác bàn. Con gái đâu mà hào phóng. Con gái đâu mà có tính bảo bọc như đàn ông.

Còn nàng, từ ngày có anh cuộc sống khác hẳn. Nàng thấy xung quanh mọi vật như có hồn: Những hoa cỏ lấm tấm ven đường sao dễ thương, cây muồng muồng nở hoa vàng rực sáng bừng góc phố, một cơn gió đổi mùa cũng làm nàng bần thần, xao xuyến. Nàng hay nghiêng tai lắng nghe những thanh âm đất trời lặng lẽ, nghe tiếng người xe như dòng nước chảy rì rầm. Cuộc sống bỗng có nhiều ấm áp, tươi vui. Bộ đồ nàng mặc ít nhất có một người để tâm ngắm nhìn. Khi bực hay buồn, phẫn nộ hay cáu kỉnh… chỉ cần vài tin nhắn với anh là nàng lại như cánh diều liệng bay trong gió. Nàng như trở lại khoảng thời gian mười năm, hai mươi năm trước: trẻ trung, tươi thắm. Trong sâu thẳm tâm hồn nàng thường xuyên ngự trị bóng hình một mái tóc dày rậm, bồng bềnh sóng và gương mặt cười.

*

Có một người cũng nhận ra sự thay đổi ở nàng. Dạo này nàng có gì khác khác. Nàng hát nho nhỏ lúc rửa chén, giặt quần áo, lau nhà. Lâu lắm rồi nàng không hát. Giọng nàng không hay nhưng truyền cảm. Nàng toàn hát những bài tình yêu đầy mong nhớ, nghe da diết. Nàng hay cười mỉm một mình. Thỉnh thoảng lại nhắn tin tí tách. Lúc đầu chồng nàng không để ý. Để ý làm gì khi chồng biết vợ chồng mình như cặp trời sinh. Nhà chồng can đừng lấy con gái ngang tuổi, sau này vợ già hơn chồng. Nhà vợ can đừng lấy con nhà nghèo, sau này sẽ khổ. Vậy mà hai người vẫn lao vào nhau như thiêu thân, bất chấp lá số tử vi cảnh báo hai tuổi gắn kết sẽ vô cùng vất vả, vẫn quyện chặt như khẳng định hai người sẽ là một cặp đôi hoàn hảo suốt đời. Để ý làm gì khi chồng biết vợ rất mực ngoan hiền. Nàng thức khuya dậy sớm làm việc lớn, việc nhỏ, chưa bao giờ ỷ thế mình là người kiếm tiền chính trong nhà mà nhăn nhó, to tiếng. Để ý làm gì khi chồng biết vợ mình đoan trang. Nàng tự may quần áo, luôn biết sử dụng những phụ kiện đúng nơi đúng lúc làm nổi bật vòng eo thon thả, bầu ngực tròn căng. Mặc các bạn đua nhau đổi xe đời mới, nàng vẫn đi xe số bình dị. Để ý làm gì khi chồng biết giờ giấc, việc làm của vợ như nằm trong lòng tay. Thời gian biểu của nàng là một vòng tròn khép kín. Từ nhà tới cơ quan, cơ quan về nhà. Gọi điện đến phòng làm việc nếu không nhấc máy thì chỉ là do nàng tranh thủ đi chợ, đóng tiền điện, mua sữa cho con hoặc uống nước với khách hàng. Bạn bè nam nữ của nàng, chỉ cần nhắc tên, chồng biết ngay dáng hình, công việc, cuộc sống từng người.

Nhưng giờ đây vẻ mặn mà của nàng khiến chồng giật mình. Mắt nàng lay láy. Má nàng hồng hồng. Môi nàng mòng mọng. Nàng đi qua hương thơm phảng phất. Nàng đi lại phảng phất hương thơm. Bông hoa ngời ngời thế kia ai không muốn hái? Chồng cũng giật mình không nhớ vợ chồng nói chuyện với nhau lần cuối vào hôm nào, chuyện gì. Hình như đã lâu không còn chuyện gì để nói. Nàng thoáng qua trước mắt chồng như cánh bướm, chẳng nhớ nổi hôm nay, hôm qua, hôm kia nàng mặc quần áo kiểu gì. Lửng hay dài, xanh đỏ tím vàng hay có hoa. Hình như từ lâu không nhìn nhau. Chẳng biết nàng có vui gì, buồn gì. Có lẽ chỉ còn chuyện chăn gối là sự gắn kết đôi bên. Nhưng nàng quá bận. Có khi nàng làm xong việc nhà lúc chồng đã say ngủ. Có khi nàng mệt quá đã ngủ trước chồng.

Chồng nhớ lại ít giờ trước đây trong bữa cơm chiều, khi nhìn mâm cơm thiếu ớt, chồng cau mày khó chịu: “Có mỗi việc nhỏ đó cũng quên”, (chồng nhấn mạnh từ nhỏ). Đã có điều gì đó xảy ra trong nàng. Hơn mười năm nay nàng không phản ứng, chỉ lẳng lặng làm, mặc chồng nói gì thì nói. Nhưng lần này nàng dừng tay lau tủ, ngẩng lên, mắt lóe sáng, giọng nằng nặng:

- Em bận trăm công nghìn việc, không quên mới lạ. Anh đi làm, về nhà, nghỉ ngơi, đọc báo, xem ti vi… có mỗi việc đóng đinh treo quyển lịch lên mà còn quên, để cả tuần kia kìa.

- Có quên thì nhận là quên. Sao phải biện hộ? Có thời gian đi uống cà phê mà bảo nhiều việc?

- Nếu không cà phê chắc em chết. Em thành máy chứ không phải người.

Nàng quay ngoắt. Tóc lõa xõa bờ vai. Hẳn chồng không biết nước mắt nàng ngân ngấn trên mi. Có gì đó như nỗi tủi thân, chua xót xuyên qua thân thể nàng. Thời gian này nàng hay nghĩ về cuộc đời mình, về cái thời nàng chưa có gia đình, thường mơ mộng mình được nâng niu chiều chuộng, được như dải lụa mỏng manh, như cành liễu yếu mềm được nương tựa vào người đàn ông nào đó. Nhưng lúc này chồng biết chắc mình muốn biết lâu nay nàng nghĩ gì, có chuyện gì xảy ra không. Làm thế nào bây giờ, biết hỏi ai? Chiếc điện thoại rung rung trong túi chồng như bày mưu kế. Chiếc điện thoại là vật thông tin liên lạc thiết thực. Nó như hộp đen mách bảo mọi mối quan hệ của chủ nhân.

Chồng chăm chăm nhìn chiếc điện thoại của nàng.

Nó nằm hớ hênh trên bàn. Nàng quên nó cũng như hay quên rau thơm, hành tỏi… những thứ vụn vặt. Nàng chẳng ham gì điện thoại vì nàng chẳng phải con người của xã hội, ít gặp việc nóng bỏng, cần làm ngay. Chỉ vì chồng muốn cần là được nghe ngay giọng nói của nàng và càng ngày điện thoại càng rẻ, tiện lợi, nàng mới chịu mua chiếc điện thoại đơn giản nhất, chỉ cần ba chức năng: nghe, gọi, nhắn. Chồng cũng dị ứng việc cầm điện thoại của người khác. Như thế là xâm phạm nhân quyền. Nhưng chẳng lẽ vợ chồng sống với nhau, chung nhà chung cửa, có mấy mặt con lại còn những góc riêng tối tăm bí mật? Có vụng trộm, làm điều gì sai trái mới sợ chứ. Hơn nữa xưa nay nàng không giấu chồng chuyện gì. Chỉ vì sự tò mò đang lấn lướt. Chồng nhanh tay quờ cục sắt lành lạnh, bấm nhoay nhoáy các nút bấm, mở, các mục cuộc gọi đã nhận, các số đã gọi. Tên chồng, con và những người thân quen lần lượt hiện ra. Không có gì phải chú ý. Tay chồng lướt đến mục tin nhắn. Hộp thư đến vừa mở ra, chồng choáng váng. Có một chữ A đứng đầu ba tin nhắn. Ai mà phải giấu tên? An hay Anh hay Ánh hay Ảnh… Những cái tên không gợi lên một gương mặt, hình dáng thân quen nào. Chồng mở nội dung thư, sửng sốt. Người này là ai mà nhắn tin cho nàng liên tục, hàng ngày, hỏi thăm em làm gì? Hẳn là người thân thiết lắm mới biết đêm khuya nàng vẫn còn may, mới gửi triệu bông hồng đỏ thắm (lời một bài hát) nhân ngày sinh nhật nàng (mà chồng quên). Chỉ và chỉ tình yêu mới có thư qua thư lại, kể nhiều chuyện vụn vặt trong gia đình đến vậy. Lòng ghen tuông vò xé, bốc lửa khiến chồng không chịu nổi thêm phút giây nào nữa. Chồng muốn xé toạc bức màn đen bí mật, mau mau lôi toẹt sự thật ra ánh sáng. Chồng quẳng điện thoại trước mặt nàng, quát vang như sấm:

- A là thằng chó dái nào hả? Hả?

Nàng giật bắn mình, mặt tái nhợt:

- Anh biết làm gì?

- Tôi có quyền biết tất cả những gì thuộc về vợ tôi. Vợ tôi là của tôi. Bà yêu hắn, đúng không?

- Không.

- Không yêu mà nhắn thế? Bà có dám khẳng định không yêu hắn không? Đưa điện thoại đây, tôi gọi hắn. Ba mặt một lời. - Chồng lao về nàng giằng điện thoại. Chồng nhận ra giận dữ quá hóa sai lầm, chưa kịp làm sáng tỏ đã vội trả tang chứng, vật chứng. Nhưng nàng đã nắm khư khư điện thoại trong tay, giấu sau lưng.

- Đừng có khùng. Anh muốn phá nát gia đình người ta à?

- Muốn! Muốn! Gia đình này cũng đang nát đây. Đi đi! Cuốn xéo đi với người bà yêu.

Mắt nàng mở trừng. Giọng nàng lạnh băng:

- Không đi đâu hết.

- Vậy sao bà nhắn cho hắn, tâm sự hết mọi điều với hắn? Bà chán, bà thù, bà ghét cái nhà này hả?

- Không chán, không thù, không ghét. Chỉ buồn.

Nàng nói lạnh tanh, không hề giống chút nào người đàn bà nằm kề chồng hàng đêm, ở bên chồng hàng bữa. Chồng cố tìm sau vẻ ngoài kia con người thân quen, gần gũi của hai mươi mấy năm đã chung sống nhưng không thể. Có một người nào đó vừa bướng bỉnh vừa xa lạ đã chen giữa nàng và chồng. Chồng gào to:

- Nói cho bà biết! Từ nay tôi sẽ theo dõi bà 24/24. Tôi kiểm soát điện thoại từng giờ, từng ngày.

- Anh thích làm gì thì làm, kể cả thuê thám tử tư, kể cả cầm luôn điện thoại cũng được. - Nàng thản nhiên đặt chiếc điện thoại lên bàn, mặt không biểu lộ cảm xúc. (Nàng cũng có chút tinh khôn đã xóa ngay tên A khỏi máy mà khắc sâu trong trí nhớ).

Chồng nhìn nàng như một người lạ, một người ở thuê. Có một chút gì bí ẩn trên gương mặt nàng mà chồng chưa bao giờ thấy, không nắm bắt được. Chồng yêu nàng lắm. Mắt chẳng liếc dọc liếc ngang em nào bao giờ. Gái đẹp kè kè bên cạnh cũng không mảy may thèm muốn. Chồng chẳng thấy người đàn bà nào hơn vợ. Nàng cũng yêu chồng. Nếu không nàng đã chẳng chăm chút gia đình từng ly từng tí. Trứng gà, thịt bò, sữa tươi luôn sẵn trong tủ. Sâm, mật ong, thuốc bổ luôn sẵn đầu giường. Vì sao gia đình ra thế này. Nàng có còn là chiếc xương sườn, là một nửa trong chồng không, (nói ví von chứ thực tế phải là tất cả). Chồng muốn ôm chầm nàng, riết chặt nàng vào ngực để nàng lại là con người khi xưa, giống như mười năm, hai mươi năm về trước. Nhưng không thể. Nỗi buồn, nỗi đau nổ tung trong lồng ngực chồng buốt nhói. Chồng gục đầu vào lòng bàn tay.

*

Ngồi trong quán cà phê, trước mặt nàng vẫn là mái tóc dày rậm, bồng bềnh sóng nhưng gương mặt không cười. Anh cầm bàn tay thô tháp, hơi to như đàn ông của nàng, muốn nâng lên hôn ngàn ngàn nụ hôn yêu thương và nhung nhớ. Nhưng không thể. Cần phải che giấu mọi mắt nhìn. Anh chỉ dám siết nhẹ. Nàng buồn rầu bảo:

- Chúng mình không được gặp nhau nữa. Chồng em căng thẳng lắm.

- Căng thẳng quá thì hai bên cùng ly dị. Chúng mình sống với nhau. Anh muốn chúng mình ở bên nhau mãi Liên à.

- Muộn rồi.- Nàng khẽ lắc đầu. Đằng sau nàng và anh đều có một nền tảng gia đình vững chắc. Vợ chồng đôi bên đã được pháp luật, xã hội công nhận, họ hàng biết mặt. Nàng đâu còn độc thân như hai mươi mấy năm về trước để muốn làm gì thì làm. Thời ấy, để chứng tỏ chẳng thua kém đàn ông, nàng cũng cầm rìu bổ củi, đá banh, trèo cây, leo núi. Nàng sẵn sàng ngồi sau lưng người yêu, trên chiếc xe máy cũ kỹ đi khắp đó đây, bất chấp hiểm nguy. Nhưng bây giờ thì khác. Nàng là con dâu hiền, là vợ của một người tử tế, là mẹ của hai đứa con…

Nàng ngẩng lên nhìn vẻ mặt đau khổ của anh. Mỗi giờ khắc trôi qua như mỗi tháng năm sống đè nặng khiến khuôn mặt anh không phải ở tuổi năm mươi mà như sáu mươi, bảy mươi. Giọng anh trầm xuống, buồn rầu, nhợt nhạt:

- Em là người phụ nữ anh đã kiếm tìm bấy lâu. Người phụ nữ của đời mình, không phải ai cũng tìm được. Em đã mang đến cho anh niềm vui sống. Không có em, anh sống như chết.

Chết! Phải rồi! Ai cũng phải chết. Nàng đã thấy kết thúc của mọi con người đều là nằm thon lỏn trong chiếc hòm gỗ 6 miếng kín mít chôn dưới đất. Tấm bia mộ ghi vài dòng ngắn gọn mở đầu và kết thúc một cuộc đời. Mỗi người sẽ chỉ khác nhau trên lộ trình dẫn đến cái chết. Sẽ có bóng cây xanh mát bên đường cho ta nghỉ ngơi, có tiếng chim hót lảnh lót mỗi bình minh, có tiếng nhạc du dương đưa ta đến những điểm dừng, chỗ rẽ bất ngờ hoặc chỉ là một con đường thẳng băng nàng đã nhìn thấu điểm cuối cùng. Ngày này, ngày mai, ngày sau cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay… đều chỉ là một ngày được phô tô, nhân bản. Nàng đã thấy đời mình, một chuỗi ngày đầy vòng bánh xe quay vội vã, đầy tiếng máy may rè rè, đầy tiếng chén đĩa, xoong nồi loảng xoảng, đầy sự hối thúc sắp xếp thời gian biểu làm việc, làm việc, làm việc, đầy vẻ nhăn nhó cáu kỉnh của chồng mỗi khi không vừa ý… Có phải những điều vụn vặt, buồn tẻ, nhạt nhẽo này ăn mòn tình yêu buổi đầu? Hay chồng, hay nàng không biết nuôi dưỡng tình yêu vững bền từ những điều vụn vặt? Hay nàng đã nhiễm chất hiện đại, thích sự mới lạ... Nàng không có ý định phân tích, điều tra, xếp hạng mình. Nàng chỉ biết nhờ anh, những ngày tháng không còn buồn tẻ, nàng yêu hơn những làn mây trên khoảng trời mênh mông và cả mùi cơm khét bất chợt bay lên từ bếp nhà hàng xóm.

Nàng tưởng tượng cuộc sống không còn anh bên cạnh, không còn tiếng điện thoại tít tít mỗi sáng ngầm mách anh đang nhớ nàng qua tin nhắn em làm gì, không còn đâu đó dưới bóng cây, quán cà phê, góc phố có một người đang đợi chờ nàng… cuộc sống khác gì giá băng? Nàng nghĩ đến chồng. Chồng yêu cầu chấm dứt ngay. Chồng sẵn sàng dùng biện pháp mạnh. Kể cả phương án chuyển gia đình đến vùng đất khác, cách xa muôn trùng. Chồng quyết liệt, gay gắt thế cũng phải. Có người vợ, người chồng nào chấp nhận mình một bên, người tình một bên? Chỉ có nàng là khác. Nàng sẽ không bao giờ cầm điện thoại của chồng, không tò mò tìm hiểu chồng có người bạn gái nào không, thậm chí nàng có thể ngó lơ nếu bắt gặp hai người đang dạo phố. Miễn chồng đừng ngang nhiên khoác tay cô ta diễu qua, diễu lại trước mắt thiên hạ, để thiên hạ cười nàng bị xỏ mũi. Nàng xử sự thế có phải vì nàng không còn yêu chồng không hay nàng coi chuyện người khác lấp vào điều chồng còn thiếu mà nàng không thể đem lại là lẽ đương nhiên? Lúc này, nàng không có ý định phân tích, mổ xẻ tâm trạng mình. Nàng chỉ biết mình đang đau đớn. Nỗi đau của hai mươi mấy năm trước khi chồng và nàng đã nghĩ có thể không lấy được nhau. Nhưng bây giờ lòng nàng còn vò xé, trống hoác hơn bởi giữa nàng và anh chắc chắn là không thể.

Nàng thờ thẫn nhìn theo bóng người đàn ông cao to, mái tóc dày rậm bồng bềnh sóng đang lùi lũi bước. Mỗi bước đi như mỗi tháng năm đè nặng làm gương mặt người phụ nữ độ tuổi bốn mươi già thêm cả chục tuổi, hút cạn sức lực đến mức nàng không đủ sức cúi nhặt cái muỗng đã rơi. Khi anh khuất bóng ở cuối con đường nắng nhạt thì nàng như kiệt sức hoàn toàn. Nàng gục xuống ôm mặt, bật khóc.  

T. L  
(SH322/12-15)





 

Các bài mới
Sắp đặt lửa (29/12/2015)
Huế mưa (29/12/2015)
Các bài đã đăng