Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-15)
Một chút sương mù trên tay
09:34 | 29/12/2015

HOÀNG DIỆP LẠC

Khi nhắc đến sự nghiệp văn chương của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, mọi người nghĩ ngay đến bút ký, tùy bút, nhàn đàm. Một trong những bút ký hay nhất của ông là bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông”; chỉ riêng bút ký này đã khiến cho những tên tuổi lớn trong văn đàn Việt Nam phải công nhận văn tài của tác giả.
 

Một chút sương mù trên tay
Tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ chân dung Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh Hồ Vĩnh

Nhưng thật ra ngoài viết văn, ông còn làm thơ, thơ ông mang âm hưởng xưa, tứ sâu sắc và rất thật. Nếu văn xuôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường gây cảm giác ngây ngất ở người đọc sau lần đọc đầu tiên rồi sẽ nhanh chóng tỉnh cơn say của giọng văn mang phong thái hào hoa đó, thì thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể gây nên cảm xúc trăn trở nơi người đọc, phải đọc đi đọc lại nhiều lần rồi bất chợt ngộ ra cái ẩn ý lấp lánh sau mỗi chữ, mỗi câu. Không chỉ trong văn xuôi người đọc mới thấy được sự uyên thâm của tác giả mà ngay chính trong thơ cũng thể hiện điều đó.

Thơ của một thời khói lửa

Trong khi thế giới luôn hướng đến điều thiện mỹ, đi vào con đường tiến bộ chung của loài người bằng nhiều chương trình hành động như: bảo vệ sinh thái môi trường, bảo vệ thiên nhiên động vật hoang dã, kêu gọi hòa bình, thì đâu đó trên các nẻo phố vẫn còn những lực lượng tối đã làm bất ổn thế giới, để gây ra chiến tranh, điều này cũng phát sinh do từ cái “nửa mê muội của thời hoang sơ”; nhưng có những hoàn cảnh mà nhà thơ, người thầy giáo cũng phải dấn thân trước sự bất công, đi vào giữa trận địa cái ác để góp phần nhỏ cho sự hòa bình cao quý của dân tộc, đó là những thời điểm mà chất hiệp sĩ trong mỗi con người sẽ được trỗi dậy để đứng về phía kẻ yếu:

Không thể mặc cho loài bán nước
Vung bàn tay cướp đoạt những thiêng liêng
Không thể mặc cho quân xâm lược
Dẫm gót giày lên thành phố yêu thương

Lời đất nước giương trùng trùng biểu ngữ
Người đi lên, tóc lộng nắng như cờ
Đường áo trắng hôm nay thành sông lửa
Nổi đuốc thiêng nhìn rõ mặt quân thù

                                    (Đường phố ấy)

“Đường phố ấy” là một trong số rất ít bài thơ của tác giả gợi nhắc về phong trào sinh viên, học sinh của một giai đoạn khói lửa. Trong thời tao loạn đó, thân phận mỗi con người đồng hành cùng thân phận của dân tộc, bị phân li ở hai miền chiến tuyến, mỗi người đều có một lý do để đứng về phía này, phía kia mà nguyên do chính là khoảng cách địa lý dẫn đưa và sự khác biệt về ý thức hệ chính trị.

Hoa, sự cuồng nhiệt của lửa và cơn lãng mạn sầu muộn

Lãng mạn là thuộc tính tất yếu trong mỗi sinh vật, nhưng với nghệ sĩ sự lãng mạn như con sóng bềnh bồng được nâng cao hơn trong tâm hồn để đem lại sự thăng hoa, phúc lạc và cuối cùng được diễn đạt bằng ngôn ngữ trong các tác phẩm của họ. Chỉ cần một chiếc lá rơi, nhưng với người thơ thì sẽ cảm nhận trong chiếc lá như có nỗi buồn nhắn gửi cho mình:

Em có nhắn điều gì theo lá rụng
Ký ức nào khẽ động vai tôi
            (Cỏ, chim sẻ và châu chấu)

Có thể nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tri ân hoa, tri ân vẻ đẹp của cuộc sống, nên trong thơ ông hoa như một ẩn dụ để gửi đến mọi người về vẻ đẹp mà thượng đế đã ban tặng cho con người, ngoài những bài thơ có nhan đề là tên một loài hoa, phần lớn trong thơ ông đều có hình bóng của hoa:

Đọc trên môi em
Sức nóng của màu hoa phượng đốt cháy thành phố, ôi, thành phố
mộng mơ ta đã lơ đãng đi qua hết thời trẻ trai không có em
Vâng, trên môi em ta đọc lại ngọn lửa của nhân loại đã tắt ngấm


Khi đi trên những con đường quanh co trong thành phố thơ mộng vào những ngày hè, chúng ta sẽ nhìn thấy màu đỏ của hoa phượng, sắc đỏ thắm đó đã tác động vào tâm trí của mọi người cùng với cái nắng của mùa hạ để gây ra hiệu ứng mà nhà thơ gọi là “đốt cháy thành phố”. Hoa với mọi người có thể chỉ là vẻ đẹp để trang trí, nhưng với tác giả khi nhìn đôi môi của con gái như thấy được sức nóng cuồng nhiệt của sự sống, mà nơi đó với nhà thơ có thể chính là ngọn lửa hơ ấm cho những linh hồn run rẩy, cô độc.

Từ xưa đến nay, người con gái thường được ví như hoa, được trân trọng vì vẻ đẹp và thiên tính cao cả, do vậy cái đẹp ở đây ngoài dáng vẻ bên ngoài còn có nét đẹp của tâm hồn. Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không ngoại lệ khi gọi phái nữ là bông hoa, ông đã cảm nghiệm được tự tánh vô thường của sự vật và sự hạn chế của ngôn ngữ khi diễn đạt vẻ đẹp thật sự của các loài hoa, trong bài thơ lục bát có tên “Gửi cho người” là thể cách biểu đạt của tác giả:

Thôi xem em là bông hoa,
Một ngày qua - một ngày qua - một ngày
Thôi xem anh là đám mây
Một đường bay - một đường bay - một đời
Tài hoa cũng chuyện đùa chơi
Làm sao thưa hết một lời yêu thương
Anh đi tìm khắp thiên đường
Chỉ còn một đóa vô thường gởi em


Tình yêu của tác giả với hoa được thể hiện qua một loạt bài có nhan đề: Hoa cúc xanh, Hoa hồng ở làng Cáclôpherơ, Hoa thủy tiên, Kỷ niệm dành cho hoa Violet,... Mỗi bài thơ về hoa là một giai điệu tụng ca vẻ đẹp sầu muộn, ẩn kín nét kiêu hãnh nhiệt cuồng. “Bói hoa” là bài thơ ca ngợi sắc vàng quý phái của hoa mai, chỉ với những câu thơ về hoa mai tác giả đã cho người đọc thấy được tài dùng chữ để nói lên sự khác biệt của những nụ hoa mai từ bốn cánh đến tám cánh:

Hoa mai/ Năm cánh vàng mơ/ Ngón tay thiếu nữ thêu thùa trên cây
Hoa mai/ Sáu cánh hoa gầy/Tương tư là bệnh của ngày nhắn nhe
Hoa mai/ Bảy cánh tròn xoe/ Hỏi trăng mượn mảnh gương thề thử soi
Hoa mai/ Bốn cánh tròn môi/Nhớ ai đứng hát trên đồi gió đông
Hoa mai tám cánh đầu sân/ Nửa đêm xiêm áo đứng gần mé hiên


Bàn bạc chất triết lý, chất thiền

Con người chỉ vì cái ngã quá lớn nên thường cho rằng mình là nhân vật trung tâm, thấu hiểu mọi sự. Nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông đã tự vẽ chân dung mình qua thơ, chân dung của một nhà văn như vậy, nhưng tác giả lại nhận mình mê muội:

Vẽ tôi một nửa mặt người
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ


Nửa mê muội đó chính là nửa phần con trong “con người” tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, cái bản năng con hoang sơ đó thường trực dưới bề mặt ý thức, chỉ một xúc tác nhỏ cũng đủ thức dậy cái bản năng đã gây đau khổ liên tục cho thế giới này. Điều mà người thơ khác với người bình thường ở chỗ là họ thi hóa cuộc đời trong mọi hoàn cảnh và chiêm ngắm nỗi đau trườn qua thế xác và linh hồn như một đóa hoa:

Vẽ tôi một đóa bông hồng
Tàn phai từ bữa em cầm trên tay


Và trí tưởng của nhà thơ sẽ khiến người ngoài cuộc đi từ ngạc nhiên đến thức tỉnh:

Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chỗ vĩnh hằng nhìn tôi

                                    (Địa chỉ buồn)

Mọi người ai cũng có thể ngắm trăng, nhìn trăng và nhiều lúc cũng ngủ dưới ánh trăng, nhưng điều khác biệt là với người thơ là còn có ánh mắt của sự vĩnh hằng, ánh mắt đó chính là suy tưởng của tác giả về vũ trụ, về những điều tiếp diễn vượt thoát khỏi óc duy lý của con người.

Hay khi Hoàng Phủ Ngọc Tường tiên cảm về sự chia xa đầy triết lý lãng mạn của một vẻ đẹp bi đát:

Mai kia rồi cũng xa người
Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa
Có nàng xõa tóc tiên nga
Quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa


Trong bài thơ “Thiền định” như một cuộc trở về với tự tâm sau những cuộc hành trình, tác giả mong muốn trở về với sự lặng im khi nhận ra sự ảo tưởng của vạn vật, để trong cảnh giới “huyền chi hựu huyền” ông chỉ thấy mình đối diện cùng chiếc bóng, đó cũng chỉ là một ảo tưởng khác được thay thế cho “chuyện núi đồi”:

Em kể tôi nghe chuyện núi đồi
Chỉ là ảo tưởng đấy mà thôi
Tôi nhìn trong khoảng mông lung ấy
Chỉ có tôi ngồi với bóng tôi


Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường ở trạng thái hư ảo khói sương, những hình ảnh trong thơ ông như gợi nhắc về những hoài niệm của thế kỷ trước như: tiếng guốc, tà áo trắng... nhiều bài thơ của tác giả có nhạc tính rất hiện đại đã được phổ thành nhạc.

Một đời văn hào hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường qua bút pháp tả cảnh nhiều vùng đất bằng cả tấm lòng với nội lực văn hóa uyên thâm, cũng như một họa sĩ vẽ phong cảnh tài tình, khi ông viết những bút ký Hoa trái quanh tôi, Sử thi buồn, Ai đã đặt tên cho dòng sông,... tác giả như đã trút hết nỗi lòng và tài nghệ để vẽ những bức tranh phong cảnh lãng mạn, sâu sắc về quê xứ mà ông rất yêu mến và gắn bó. Để rồi trong bi kịch chung của dân tộc, mỗi cá nhân không thể thoát khỏi cái lưới trời cộng nghiệp đó nên đã gánh chịu cho chính mình một bi kịch riêng.

Cả một đời văn tài hoa như vậy nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường “tài hoa cũng chuyện đùa chơi”, như ông cảm nghiệm: “Tưởng cho ta cả thiên thu/ Hóa ra một chút sương mù trên tay”. Ôi một đời người đã trút cạn linh hồn như vậy cho văn chương thi phú, thì còn gì để đàm tiếu.

Huế, 11/2015
L.H.L  
(SDB19/12-15)



 

Các bài mới
Thi ca căn bản (18/01/2016)
Như là... (15/01/2016)
Các bài đã đăng