Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-15)
Chuyện ở Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế
14:55 | 18/01/2016

PHẠM HỮU THU

Những ai đã từng qua lại con đường Ngô Quyền, hẳn sẽ mừng vui khi thấy nơi này vừa xuất hiện một công trình mà nhiều người quen gọi là Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế. Đây là mô hình xã hội hóa được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Y tế và Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên của cả nước (trong số 18 bệnh viện) được Chính phủ cấp tín dụng ưu đãi nhằm hiện thực hóa chủ trương này.

Chuyện ở Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế
Trung tâm Điều trị theo Yêu cầu và Quốc tế của Bệnh viện Trung ương Huế

Đó là 3 Block được liên kết theo hình chữ U cao 6 tầng, tọa lạc trên khu đất rộng gần 1 vạn mét vuông tại số 9 Ngô Quyền - Huế. Nhiều người khen Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế của Bệnh viện Trung ương Huế không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn hài hòa với cảnh quan.

Để có được không gian tuyệt vời như thế, không thể không nhắc đến “sự kiện di dời nhà lao Thừa Phủ” nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa trong ngành y tế ở vùng đất Cố đô, nơi đã từng có Thái y viện triều Nguyễn nổi tiếng.

Lao Thừa Phủ như lịch sử ghi lại được người người Pháp xây dựng từ năm 1899 để làm nơi giam giữ chính của Phủ Thừa Thiên. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều nhà ái quốc như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… đều bị Pháp bắt và giam giữ tại đây. Sau 111 năm tồn tại, cuối tháng 10/2010, lao Thừa Phủ đã bị “xóa sổ”, chỉ giữ lại một phần để làm chứng tích lịch sử. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn cho biết: sau khi Hà Nội cho di dời nhà tù Hỏa Lò để xây dựng Hanoi Tower, thấy ý tưởng này hay nên Thừa Thiên Huế học tập. Khi đưa vấn đề di dời lao Thừa Phủ ra bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kiến nghị Bộ Công an cho Thừa Thiên Huế được chuyển mục đích sử dụng đất ở trại tạm giam này và Bộ Công an đã đồng thuận.

GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nói:

- Khi biết ý định của lãnh đạo Thừa Thiên Huế, tôi mừng quá. Từ lâu chúng tôi đã nung nấu phải xây cho được một bệnh viện đạt chuẩn quốc tế tách biệt khỏi khuôn viên của Bệnh viện Trung ương Huế nhưng rà soát lại, trên thực tế quỹ đất còn lại không nhiều và phải tìm nguồn để tiếp tục đầu tư, xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế nhằm góp phần hoàn thiện thiết chế của một Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời phát triển thành Trung tâm y học cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế. Tôi mang tâm tư, nguyện vọng trình bày với lãnh đạo địa phương. Thấy phù hợp với chủ trương và xu thế phát triển của đất nước nên lãnh đạo Thừa Thiên Huế không chỉ nhiệt tình ủng hộ mà còn khuyến khích, tạo điều kiện, thôi thúc chúng tôi xúc tiến lập dự án xây dựng cơ sở mới này.

Chỉ sau hơn 2 năm thi công và lắp đặt thiết bị, tháng 7 năm 2014 Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế (có tổng diện tích xây dựng lên tới 18.700 m2) chính thức đi vào hoạt động. Trước, sau và hai bên, nhờ có độ lùi phù hợp nên Trung tâm này không chỉ biệt lập với khuôn viên của Bệnh viện Trung ương Huế mà còn tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh đến đây khám và điều trị.

Nguyễn Minh Thanh (55 tuổi), quê ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, hiện làm việc tại Đà Nẵng cho biết: sau khi bị đột quỵ, anh được đưa đến Bệnh viện C cấp cứu nhưng “vì không yên tâm, lại được người ở quê từng vào đây điều trị tai biến tư vấn nên đã xin chuyển ra đây”. Từ bị liệt nửa người, nói năng khó khăn, sau hơn nửa tháng điều trị tích cực, Nguyễn Minh Thanh đã hồi phục nên anh và gia đình cảm thấy thoải mái khi mỗi ngày phải trả thêm hơn 500.000 đồng dịch vụ tiền phòng. Đó là phòng 2 giường ở tầng 5. Trong phòng có toilet, máy điều hòa nhiệt độ, chuông bấm gọi điều dưỡng, đường kết nối internet, máy thu truyền hình cáp cùng tủ và bàn, ghế. Drap trải giường ngày nào cũng thay mới, không khác gì ở các khách sạn.

Qua cử chỉ và lời nói, tôi cảm nhận được sự hài lòng của người bệnh. Cần biết thêm, bệnh nhân có bảo hiểm y tế khi điều trị ở đây vẫn được thanh toán như tại Bệnh viện Trung ương Huế. Họ chỉ trả thêm phần chênh lệch tiền phòng và các thủ thuật, phẫu thuật. Do chênh lệch không quá lớn so với yêu cầu được thụ hưởng nên nhiều người khá giả đã tìm đến đây.

Trò chuyện với Philip Raindll Sloucom, 66 tuổi, một bệnh nhân người Mỹ đã có 9 năm sinh sống tại Hội An, mới biết ông trở lại Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế là chỉ để kiểm tra, theo hẹn. Ông cho biết:

- Khi bị vỡ gối, tôi được bạn bè tư vấn là nên ra Huế điều trị vì ở Hội An bệnh viện không được tốt lắm và tôi đã nghe lời.

- Và ông hài lòng?

- Of course! (Dĩ nhiên).

Có lẽ do phù hợp với khả năng thanh toán 100 USD/ngày (người Việt 1,6 triệu đồng) trước đây cũng như lần này, P.Sloucom chọn phòng VIP để tĩnh dưỡng.

Không chỉ bệnh nhân người Mỹ mà nhiều bệnh nhân khác đã dành cho Trung tâm những lời tốt đẹp sau khi điều trị ở đây.

Bà Erika Stumm tại phòng khám của GS.TS Bernd Füchtmeier


Nữ bệnh nhân Erika Stumm bị ngã trong khi tham quan ở Lăng Tự Đức - Huế. Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế chẩn đoán bị gãy xương đùi và chỉ định điều trị phẫu thuật. Không yên tâm, chồng của nữ bệnh nhân là ông Hans-juergen - một cựu sĩ quan NATO đã gọi điện thoại xin tư vấn. Các công ty bảo hiểm nước ngoài đề nghị hoặc phẫu thuật tại Việt Nam hoặc chuyển vợ ông về nước.

- Biết chuyện, tôi đã trực tiếp giải thích rõ cho họ mục đích của việc phẫu thuật và các biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời; đồng thời giúp họ hiểu thêm những tiện lợi khi được phẫu thuật tại đây - PGS.TS Nguyễn Văn Hỷ, người đã trực tiếp phẫu thuật cho bà Erika Stumm kể lại.

Sau 10 ngày điều trị và chăm sóc tại Huế, bà Erika Stumm cùng chồng trở về Đức. Theo tư vấn của PGS.TS Nguyễn Văn Hỷ, về Đức, ông Hans- juergen đã đưa bà Erika Stumm đến Bệnh viện chuyên khoa ở Neutraubling thăm khám.

Trong thư gửi GS.TS Bùi Đức Phú, ông Hans- juergen cho biết: “Các bác sĩ ở bệnh viện này đã kiểm tra kết quả phẫu thuật được làm bởi bác sĩ Hỷ và nói họ đã làm không gì tốt hơn. Không có lí do gì để lưu lại bệnh viện Neutraubling nên chúng tôi mua 1 xe đẩy và trở về nhà.

Chúng tôi cảm ơn về sự chăm sóc y tế và điều trị của các bạn. Tôi đánh giá tốt về sự chăm sóc của các y tá và bác sĩ Hỷ thường hậu thuẫn chúng tôi về mọi phương diện.

Chúng tôi cũng không quên cảm ơn ông Hải (bộ phận chăm sóc khách hàng) đã giúp gia hạn Visa cho chúng tôi để trở về Đức.

Chúng tôi có ấn tượng tuyệt vời trong thời gian điều trị và về quốc gia xinh đep của các bạn.”


Còn trong thư gửi cho PGS.TS Nguyễn Văn Hỷ, GS.TS. Bernd Füchtmeier cho biết: - Bạn có thể xem phim chụp của bệnh nhân Erikas Stumm. Cô đang ở Phòng khám của chúng tôi và rất tốt. Thực sự có thể đi bộ với tỳ chân hoàn toàn ở nhà, đi một đoạn dài cô ta thích sử dụng nạng. Phim X quang rất tốt, can xương đang hình thành. Chúc Mừng”.

Không như bà Erika Stumm, bệnh nhân người Anh (gốc Ý) Brenno mới 19 tuổi một mình đến Việt Nam du lịch. Anh bị tại nạn và được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đông Hà - Quảng Trị và sau đó được chuyển vào Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế. Do bị “gãy hở 2 xương cẳng chân T phức tạp, gãy kín xương đùi P và tụ máu lớn vùng cánh chậu bên P” nên Brenno bị choáng rất nặng. ThS. Hồ Mẫn Trường Phú tiến hành phẫu thuật cho Brenno.

Chú Stefano của Brenno và PGS.TS Nguyễn Văn Hỷ trước khi xuất viện


Trước khi xuất viện, ông Stefano - chú của bệnh nhân Brenno chỉ biết: “Cảm ơn rất nhiều vì đã cứu sống cháu tôi”.

Ngày 7/11/2015 Brenno đã gửi thư cho ThS. Hồ Mẫn Trường Phú: “Ngày mai tôi sẽ đến Bệnh viện để kiểm tra nhưng tôi chắc chắn rằng các bạn đã chăm sóc tôi rất xuất sắc. Bạn là người thật sự đáng trân trọng và toàn thể gia đình tôi cảm ơn những gì bạn đã làm cho tôi”.

Không chỉ người nước ngoài mà những bệnh nhân trong nước, sau khi điều trị đã nhận xét về chất lượng điều trị và chăm sóc của Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế.

Nhà giáo ưu tú 93 tuổi Thân Trọng Ninh, trú ở đường Hai Bà Trưng - Huế sau 20 ngày điều trị căn bệnh viêm phế quản và phổi cấp đã thuật lại: “Ngày thứ bảy và chủ nhật là hai ngày nghỉ, nhưng họ làm việc như ngày thường trong tuần. Bác sĩ trực đến khám, điều dưỡng đến đo huyết áp, truyền dịch, phát thuốc, nhân viên vẫn đem quần áo, drap, áo gối, khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng đến thay như mọi ngày. Ai cũng hỏi han tử tế, không còn thái độ lạnh lùng đối với người bệnh mà báo chí đã từng phê phán trước đây. Nhân dịp chủ nhật tôi tranh thủ đi thang máy xuống tầng I, ở đó gặp mấy người nước ngoài đến khám bệnh. Tôi bắt chuyện hỏi họ có nhận xét gì về bệnh viện này thì họ đều nói rằng “văn minh, không khác gì mấy so với ở phương Tây”.

Khi đến thăm, không muốn ra ngoài ăn uống, khách có thể ghé căn-tin của Trung tâm ở tầng I. Tại đây, khách có thể sử dụng các dịch vụ internet miễn phí, xem T.V hay đọc báo, tạp chí bày sẵn. Giá cả ở đây không đắt đỏ như nhiều người lầm tưởng.

Tôi đã gặp tại Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế những gương mặt thân quen, đó là những thầy thuốc giỏi, có tiếng của Bệnh viện Trung ương Huế như Phan Hiền (Ngoại); Dương Văn Sinh, Hoàng Khắc Chung, Trần Ngọc Tâm (Hồi sức cấp cứu); Đào Trọng Nhân (Gây mê hồi sức); Võ Lâm Phước (Tai mũi họng); Lâm Thị Vinh, Trần Trung Thông (Nội); Phan Trọng An (Chẩn đoán hình ảnh); Phan Thị Tuyết (Ghép tạng); Nguyễn Thị Hoài Thanh (Phụ sản); Đinh Quang Tuấn, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đức Việt (Khám bệnh)… Sau khi nghỉ hưu, họ đã được Bệnh viện Trung ương Huế tuyển chọn và mời ở lại làm việc, bởi quan niệm của GS.TS - AHLĐ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế rất rõ ràng:

- Đào tạo được bác sĩ có chuyên môn giỏi đòi hỏi quá trình lâu dài. Nhưng có rất nhiều bác sĩ tài năng, kinh nghiệm đến độ chín muồi, y đức trong sáng, có năng lực truyền đạt kinh nghiệm cho các bác sĩ trẻ, thì phải nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước. Đó là điều thiệt thòi cho bệnh nhân nên chúng tôi mời họ ở lại làm việc. Không chỉ nhắm vào đối tượng ấy, hiện chúng tôi đang triển khai thu hút các chuyên gia nước ngoài thường xuyên đến khám và làm việc tại Trung tâm này.

Đó là hành xử nhân văn, xuất phát từ lợi ích của người bệnh.

GS.TS Hoàng Khánh là một trong số hơn 100 cán bộ, nhân viên hiện đang làm việc tại Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế của Bệnh viện Trung ương Huế. Ông hiện là Phó khoa Nội tiết - Thần kinh được Bệnh viện Trung ương Huế cử làm Trưởng khoa Nội - Đột quỵ Trung tâm theo chế độ luân phiên. Là người từng tu nghiệp tại Pháp và thực tập sau tiến sĩ tại Canada, GS Khánh cảm thấy vinh dự khi được cử sang đây làm việc: “Mọi việc làm ở đây đều hướng tới mục tiêu: điều trị người bệnh chứ không chỉ điều trị bệnh. Trước đòi hỏi này, bản thân tôi cũng chịu không ít áp lực - áp lực của cạnh tranh chất lượng cao”.

Bệnh nhân tìm đến Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế không chỉ vì ở đây có phòng ốc rộng rãi, sang trọng mà chính danh tiếng của Bệnh viện Trung ương Huế đã lôi cuốn họ. Nếu ở bệnh viện công, nếu không nhờ vả hoặc may mắn thì khó tìm được bác sĩ ưng ý nhưng ở Trung tâm điều trị này, bệnh nhân được quyền lựa chọn, yêu cầu các chuyên gia hàng đầu thăm khám, điều trị và phẫu thuật cho mình.

Vì sự hài lòng của người bệnh nên những bác sĩ giỏi, phẫu thuật viên tài năng và có đức độ sẽ được Bệnh viện Trung ương Huế chọn lựa biệt phái sang đây. Chính sự khắt khe này, cộng với nhu cầu đa dạng của người bệnh vô tình đã tạo nên áp lực, buộc đội ngũ thầy thuốc ở đây phải tự điều chỉnh để thích nghi với môi trường làm việc mới của mình. Họ không chỉ giỏi, thành thạo về chuyên môn mà còn phải biết chia sẻ, động viên và giải tỏa nỗi lo của người bệnh.

Tiếng lành đồn xa, người bệnh từ nhiều nơi đã tìm đến Trung tâm này xin khám và điều trị. Chỉ vào những dãy ô tô đỗ kín ở bãi phía trước, một anh bảo vệ của Trung tâm cho biết họ đến đây sớm là để tranh thủ xin làm xét nghiệm máu. Lướt một vòng, phần lớn ô tô đến từ ngoại tỉnh,vì mang biển số 73,74, 43, 77… và cả của Lào.

Vào khu đón tiếp của Trung tâm, dù người đến khám khá đông nhưng không diễn ra cảnh nhốn nháo như thường thấy ở bệnh viện công hay ở các phòng khám tư. Không gian ở đây rộng rãi và thoáng mát. Người đến khám có nơi ngồi đợi và được những cô gái trẻ trung tiếp đón. Nhờ thuần thục công việc nên đội ngũ này sẽ nắm bắt nhu cầu và sau đó chính họ trực tiếp hướng dẫn trong suốt quá trình người bệnh thăm khám. Không những thế, Trung tâm còn bố trí nơi thích hợp và cử chuyên gia tư vấn (miễn phí) cho người bệnh lựa chọn các gói khám phù hợp theo chuyên khoa; kiểm tra sức khỏe định kỳ, lựa chọn bác sĩ điều trị, phẫu thuật và đặc biệt là tư vấn chi phí liên quan đến xét nghiệm, điều trị hay phẫu thuật nhằm giúp người bệnh biết để lo liệu.

Ngoài các phòng khám Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Tim mạch, Ung bướu, Da liễu, Tai mũi họng, Răng hàm mặt… được bố trí liên hoàn, Trung tâm còn mua sắm nhiều loại trang bị y tế mới, hiện đại và đồng bộ phục vụ cho chẩn đoán hình ảnh hay thăm dò chức năng như MRI, ST.Scan, CT.Cone Beam, Siêu âm màu 4D, Nội soi; đặc biệt là máy chẩn đoán và tầm soát ung thư gan Wako hiện đại được trang bị đầu tiên tại Việt Nam và hệ thống máy chụp DSA sử dụng trong chẩn đoán và can thiệp bệnh lí tim mạch, đột quỵ; cùng Labo xét nghiệm cho kết quả chính xác, nhanh chóng nên người khám tiết kiệm được công sức và ít phải di chuyển, chờ đợi.

Có lẽ vì chờ đợi quá lâu ở bệnh viện công hay e ngại chất lượng xét nghiệm ở các phòng khám tư nên từ khi Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế đi vào hoạt động, nhiều người đã tìm đến, dù có đắt hơn một chút nhưng bù lại họ cảm thấy thoải mái và yên tâm khi được khám và điều trị tại đây, nhất là không phải chịu cảnh chen chúc và chờ đợi lâu.

Tôi hỏi PGS.TS Nguyễn Văn Hỷ:

- Hiện Trung tâm mình có mấy chuyên khoa?

- Có 9 khoa tất cả, gồm: Ngoại khoa; Thận nhân tạo - ghép tạng; Tim mạch - Can thiệp; Ung bướu; Nội - Đột quỵ; Hồi sức - Cấp cứu; Chăm sóc, phục hồi chức năng; Sản phụ khoa và Vô sinh. Ở những khoa này, ngoài bác sĩ được tuyển chọn theo tiêu chí còn được các chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực của Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ để những kỹ thuật cao như phẫu thuật tim mạch, ghép tạng, nông mạch vành, đặt stent; điều trị đột quỵ; điều trị vô sinh…

Với quy mô 300 giường bệnh, sau một năm đi vào hoạt động, Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế đã khám cho hơn 91.000 bệnh nhân; đồng thời điều trị nội trú cho 7.252 người, trong đó có gần 1.000 bệnh nhân là người nước ngoài. Do thí điểm thực hiện giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí và có tích lũy theo cơ chế thị trường nên Trung tâm đã thu được 259 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản (thu nhập bình quân một người 12 triệu/ tháng), Trung tâm kết dư 53 tỷ đồng. Số tiền này, theo GS.TS Bùi Đức Phú sẽ dành cho Trung tâm tiếp tục đầu tư và trích nộp cho đơn vị chủ quản là Bệnh viện Trung ương Huế chi bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ viên chức.

Là đơn vị hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm toàn bộ kinh phí (kể cả đầu tư phát triển) nên Bệnh viện Trung ương Huế đã phải vay vốn để đầu tư. Ông Lê Quang Toàn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế cho biết: - Ngân hàng trực tiếp cho Bệnh viện Trung ương Huế vay gần 197 tỷ theo tín dụng ưu đãi của Chính phủ (lãi suất từ 6,9% đến 11% /năm theo từng thời kỳ) để xây dựng phần vỏ Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Huế, còn trang thiết bị y tế bên trong, Bệnh viện Trung ương Huế tự tìm kiếm. Dù được vay vốn dài hạn (11 năm) nhưng nhờ đảm bảo uy tín, chất lượng và chi phí hợp lý nên đến nay (tháng 11/2015) Trung tâm đã tranh thủ trả cả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng gần 81 tỷ đồng, không phát sinh nợ quá hạn và lãi treo.

GS.TS Bùi Đức Phú hồ hởi:

- Chúng tôi hiện đang tích cực chuẩn bị tiến hành giai đoạn II - mở rộng Trung tâm tại khu vực đối diện (khoa Lao hiện nay), tại đó sẽ hình thành thêm các khoa lâm sàng, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Trung ương Huế.

Năm ngoái tôi có dịp tham quan Bệnh viện Liverrpool ở phía Tây Sydney-Australia. Có “mục sở thị” cơ sở điều trị ở một quốc gia tiên tiến và đối chiếu với cơ sở điều trị mới hình thành ở Huế, tôi không hề ngại ngùng khi nói với người thân ở phương xa rằng, về quê, nếu bị ốm đau thì nên tìm đến Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế của Bệnh viện Trung ương Huế.

P.H.T  
(SDB19/12-15)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thi ca căn bản (18/01/2016)
Như là... (15/01/2016)
Quên (08/01/2016)