Tạp chí Sông Hương - Số 323 (T.01-16)
Tác phẩm mới tháng 01/2016
09:51 | 22/01/2016

LỤC BÁT ĐỒNG DAO (thơ), tác giả Trần Lan Vinh, Nxb. Hội Nhà văn, 2015.

Tác phẩm mới tháng 01/2016

Tập thơ này có những cách tân nhưng đó là những cách tân bén rễ từ truyền thống. Lấy âm hưởng đồng giao làm nền tảng, Trần Lan Vinh đưa bạn đọc đi vào những vùng cảm xúc rất khó gọi thành tên hay diễn giải một cách cụ thể những cảm xúc đó. Đôi khi những hình ảnh, cấu tứ thơ đến một cách tự nhiên từ sự xui khiến của trực cảm nhà thơ vì thế sự lan tỏa của hình ảnh thơ, âm hưởng thơ lớn hơn, ít bị bó buộc bởi cái nhìn duy lý của lý tính. Lục bát đồng dao đến từ những vang vọng của khởi nguyên, nó là âm vang từ vô thức, tiềm thức nên chúng ta khó mà nói lên sự hiểu của mình. Tập thơ này dành cho sự cảm hơn là sự hiểu.


LAO XAO HỒN PHỐ (thơ), tác giả Bùi Phan Thảo, Nxb. Hội Nhà văn, 2015. Theo Nhật Chiêu: “Thơ đã thôi thúc Bùi Phan Thảo như một con ong thôi thúc những bông hoa, những phù dung đời.” Đọc thơ của Bùi Phan Thảo ta như có sự cảm nhận đây là nhà thơ nặng lòng với cuộc đời và là nhà thơ từng đi qua nhiều biến động. Thơ ông có cái nặng của sự suy tư nhưng có cái nhẹ nhàng của sự buông xả, của sự tha thứ bao dung cho những nỗi niềm thi phi ở đời. Đã bao lâu rồi/ những thói quen đã bỏ đi/ thói quen bưng mặt khóc và bỏ đi/ thì thôi thả hết những di ảnh bay trong gió... Đây có lẽ là những nốt trầm, những khoảng lặng trong cuộc sống ồn ào hôm nay. Lao xao hồn phố đôi khi như những hơi thở dài trút ra những phiền muộn, rồi nhà thơ lặng lẽ gom những phiền muộn ấy để làm thơ, để suy nghiệm nhiều hơn về lẽ sinh tồn, về con người, về tình yêu và về những giới hạn.


CHÚT TÌNH VỀ ĐÀ LẠT SỬ QUÁN (thơ), tác giả Bảo Cường, Nxb. Hội Nhà văn, 2015. Bảo Cường là người viết nhiều và xuất bản nhiều. Những ấn phẩm của anh luôn chan chứa tình người, tình quê. Đó là thứ tình đằm thắm và dào dạt. Mỗi vùng đất, mỗi nền văn hóa, anh đã đi qua, và những con người anh gặp gỡ luôn trở thành nguồn thơ bất tận trong anh. Tập thơ này là tình yêu của anh dành cho Đà Lạt, một vùng đất nhiều mộng mơ và giàu huyền thoại. Ta về Đà Lạt buồn thêm/ Nhà ai cỏ úa nhuộm thềm rêu phong/ Hoa păn-sê tím não lòng/ Nhớ người sương khói se lòng cõi xa... Với Bảo Cường thì về với cỏ cây Đà Lạt Sử Quán như về với ngôi nhà của mình, về với tình người, về với sông núi ảo huyền, với cỏ cây đơm hoa kết trái yên bình...


SCHOPENHAUER NHÀ GIÁO DỤC (chuyên luận), tác giả Nietzsche; Mạnh Tường, Tố Liên dịch, Nhã Nam & Nxb. Văn học, 2014. Đây là cuốn sách bao tóm những luận điểm tư tưởng triết học của nhà triết học lừng danh Schopenhauer được viết nên bởi người học trò vĩ đại của ông, kẻ đã từng khiến cho Thượng đế phải rón rén và rụt rè - Nietzsche. Schopenhauer (1788 - 1860) là triết gia luôn hoài nghị, phủ định và có cái nhìn bi quan về đời sống, về tình yêu và mọi giá trị. Chính Nietzsche viết rằng: “... Ai cảm được điều mà ở thời đại loài người hỗn tạp ngày nay ta đã bắt gặp một cá nhân toàn diện, thông suốt từ trong ra ngoài, được trang bị bằng những kết cấu đặc biệt, không ngại ngùng, không vấp váp, kẻ đó sẽ hiểu hạnh phúc và nỗi bàng hoàng của tôi khi khám phá ra Schopenhauer. Tôi có cảm giác mình đã tìm thấy nhà triết học, nhà giáo dục hằng bao lâu đã mỏi mòn con mắt đợi. Tôi gắng hết sức mình để lãnh hội những gì ở bên kia sách vở, để hình dung con người sinh động còn lưu lại cho tôi bản chúc thư vĩ đại, kẻ chỉ chọn lựa người thừa kế ở những ai muốn và có thể làm hơn một người đọc: là con và là học trò.”

(SH323/01-16)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng