Tạp chí Sông Hương - Số 324 (T.02-16)
Cung đình đón tết
14:56 | 01/02/2016

NGUYỄN VĂN ĐĂNG

Triều đình nhà Nguyễn xem lễ tiết Nguyên đán là một trong ba tiết lớn ở ngự tiền (cùng với lễ Đoan dương và lễ Vạn thọ); tổ chức đại triều ở điện Thái Hòa và thượng triều ở điện Cần Chánh, nhằm tỏ rõ mong muốn về sự phồn thịnh của quốc gia, sự vững tồn của dòng tộc, sự ngơi nghỉ trong chốc lát việc cộng đồng để thưởng thức tiết xuân ấm áp cùng thiên nhiên...

Cung đình đón tết
Lễ dựng nêu trong Đại Nội. Ảnh Phạm Bá Thịnh

Chính vì vậy mà mọi công việc chuẩn bị phải kéo dài trước một tháng. Triều đình ngưng giải quyết công việc từ hạ tuần tháng Chạp đến hết thượng tuần tháng Giêng(1).

Thời Nguyễn, triều đình ban hành nhiều quy định, thói lệ về lễ tiết, tế tự và du xuân. Các lễ Ban sóc, Phất thức, Tiến xuân, Nghênh xuân đều đưa vào điển chế. Lễ Ban sóc: (Sóc là ngày mồng một tháng âm lịch), tức là lễ ban lịch nhằm ngày mồng một tháng Chạp, là ngày bắt đầu chuẩn bị cho năm mới. Lễ Phất thức: (Phất thức là quét phủi bụi bặm), là lễ lau chùi các ấn vàng, ấn ngọc, kim sách và nhiều đồ vật quốc bảo khác được tổ chức vào hạ tuần tháng Chạp. Lễ Tiến xuân, Nghênh xuân: Được tiến hành vào ngày lập xuân, bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 9 (1828). Lễ này tượng trưng cho việc chăm sóc nghề nông của triều đình, biểu thị bằng việc thờ cúng thần lúa, con trâu, cái cày...

Đặc biệt các lễ mừng nhà vua, mừng Hoàng thái hậu, Lễ Tế hưởng và cuộc du xuân là những lễ lượt rất trang trọng của nhà Nguyễn.

Lễ mừng nhà vua(2): Đây là lễ tiết lớn nhất trong dịp Tết Nguyên đán, được thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thượng triều ở điện Cần Chánh.

Tại điện Thái Hòa, có bày 2 hoàng án để hạ biểu của các quan lục bộ, các ty, các viện, và của các quan địa phương. Gian giữa trải chiếu bái của các hoàng thân, hoàng tử. Hai bên thềm là chỗ bái của các tôn tước, dưới thềm là chỗ bái của các quan văn võ. Đội lính hộ vệ, cảnh tất chia đứng 8 hàng dàn hầu. Hai bên sân rồng đặt nhạc huyền (dàn nhạc), dưới thềm đặt đại-nhạc. Ca sinh đứng hai bên.

Sau hồi trống thứ nhất, viên Quản vệ dàn bày nghi trượng; lính nhạc sắp hàng ở điện Thái Hòa, voi ngựa đứng hầu ngoài cầu Kim Thủy. Hồi trống thứ hai, các vị đại thần, tôn tước, văn võ bá quan sắp hàng mặc phẩm phục đại triều. Tờ mờ sáng, sau hồi trống thứ ba, trên Kỳ Đài kéo cờ đại và các cờ khánh hỷ. Quan Khâm Thiên Giám báo giờ, vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, cầm hốt trấn khuê ngự ra điện Cần Chánh. Tại đây, tất cả các gian đều được trải chiếu. Viên Quản vệ quỳ tâu “Xin thánh thượng ngự giá”, vua lên kiệu, nhạc trỗi lên, quân túc vệ ngự lâm cầm cờ quạt, nghi trượng rước vua sang điện Thái Hòa. Trên lầu Ngọ Môn nổi chiêng trống và 9 phát súng lệnh. Vua ngự tọa - nhạc trỗi - các quan lạy mừng 5 lạy rồi quỳ nghe “Tấu hạ biểu”. Đọc xong - nhạc trỗi - các quan lạy 5 lạy nữa rồi đứng vào hàng. Quan Tham tri bộ Lễ tâu “Lễ Nguyên đán cáo thành” thì đại nhạc nổi, ca sinh tấu khúc Hòa Bình(3). Vua lên kiệu trở về điện Cần Chánh.

Tại đây, vua ngự tọa để các hoàng thân, hoàng tử cùng các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên phàn ban đứng hầu. Thái giám dẫn các hoàng đệ, hoàng tử nhỏ tuổi đến trước thềm lạy mừng 5 lạy, quan bộ Lễ dẫn các công tử đến lạy mồng 5 lạy. Lễ xong, vua truyền chỉ ban yến và ban tiền thưởng xuân. Các hoàng thân, hoàng tử mỗi người được ban 20 lạng bạc; quan văn võ chánh nhất phẩm 12 lạng bạc, tòng nhất phẩm 10 lạng, chánh nhị phẩm 8 lạng... Sau đó các quan viên được về nhà không phải vào kinh chầu, để chuẩn bị đón xuân.

Cũng trong ngày mồng một, hoàng cung ban yến cho hoàng thân, hoàng tử, tôn tước, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên ở điện Cần Chánh và nhà Tả Vu, Hữu Vu. Ngày mồng hai, vua cùng hoàng thân, các quan đại thần mặc thường phục lạy ở điện Phụng Tiên.

Lễ mừng Hoàng thái hậu(4): Thấm nhuần đạo lý trung - hiếu - tiết - nghĩa, chữ “hiếu” dưới thời Nguyễn rất được coi trọng. Chính vì thế mà bên cạnh lễ mừng thọ nhà vua, thì lễ mừng Hoàng thái hậu cũng diễn ra với quy mô lớn dưới sự điều hành của bộ Lễ và các quan thái giám trong nội cung. Cũng trong ngày mồng một, đích thân vua đội mũ cửu long, mặc long bào, cầm ngọc khuê, từ Đại Nội tiến cung Diên Thọ, tuyên triệu hoàng thân, hoàng tử và bách quan văn võ làm lễ Khánh hạ. Nghi lễ có châm chước hơn so với lễ mừng nhà vua. Vua đứng ở gian thứ nhất bên tả, không lạy mà quỳ nhận hộp tờ mừng nâng lên ngang trán rồi trao lại cho một vị hoàng thân đặt lên hoàng án: Tờ mừng từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832) về sau miễn phải đọc. Nhã nhạc có bày nhưng không tấu. Lễ Khánh hạ kết thúc, các thái giám phục vụ trong cung dẫn các hoàng đệ nhỏ tuổi, quan bộ Lễ hướng dẫn các công tử, tất cả nghiêm hàng bước đến trước điện làm lễ lạy mừng. Sau đó, đến lượt bà con thân quyến nội ngoại của Hoàng thái hậu ra làm lễ. Khi hoạn quan buông mành và màn che xuống trước bảo tọa (nơi Hoàng thái hậu đang ngự), thì các cung tần, mệnh phụ tiến ra bên phải làm lễ Túc bái (ngồi sụp lạy theo kiểu làm lễ của phụ nữ). Làm lễ xong, nhà vua ngự về điện Cần Chánh, trả lại cho hậu cung của Hoàng thái hậu sự thâm nghiêm cố hữu.

Ngoài hai lễ mừng trên, còn có lễ mừng Vương hậu (ở điện Khôn Đức) và Hoàng thái tử (ở Thanh cung). Lệ định từ năm Gia Long thứ hai (1803) rằng: “Bách quan văn võ trong kinh ngoài tinh và các trang ở huyện Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ trầu cau, đến ngày tiết dâng đủ bản kê, đồ lễ, tờ mừng, làm lễ Khánh hạ”(5). Riêng lễ mừng Hoàng thái tử không quy định các trang ở huyện Tống Sơn dâng lễ.

Lễ Tế hưởng (Lễ cúng tế tổ tiên): Trong hệ thống tế lễ gồm 3 bậc (đại tự, trung tự, quần tự) của triều Nguyễn thì lễ Tế hưởng là một trong ba đại tự, chỉ sau đại tự tế đàn Nam Giao(6). Lễ Tế hưởng theo nhật kỳ tế tự mỗi năm tổ chức 5 lần thì 2 lần đầu năm, cuối năm là quan trọng hơn cả. Lệ định từ đầu triều Nguyễn: đầu năm lấy ngày 8 tháng Giêng và cuối năm lấy ngày chạp (tức ngày 30) tháng Chạp. Từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) quy định lễ Tế hưởng cuối năm là ngày 22 tháng Chạp. Về ý nghĩa của lễ này, vua Thiệu Trị giải thích: “Bản triều lấy ngày cuối năm về tháng Chạp làm lễ Cáp hưởng. Vả lại ngày 28 tháng ấy lại gặp ngày lễ đại kỵ Hoàng Khảo Thánh Tổ Nhân hoàng đế ta... thực là tình lễ đôi đường đều khó xứ... vả lại lễ do nghĩa mà đặt ra. Nay chuẩn lấy trước 8 ngày hết năm tháng ấy tức ngày 22, kính làm lễ Cáp hưởng ở các miếu, cũng như hàng năm sau Nguyên đán làm lễ Xuân hưởng, đầu năm cầu phúc, cuối năm bán bảo, các quan thừa sự có thể hợp cá tình văn. Nay chuẩn định lấy năm nay bắt đầu...”(7).

Lệ triều Nguyễn còn quy định “Về lễ Cáp hưởng, hàng năm làm lễ vào ngày 22 tháng 12; Những năm Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Hợi thì Hoàng đế thân đến Thái Miếu, những năm Tý, Dần, Ngọ, Thân, Tuất thì đến Thế Miếu làm lễ”(8).

Ta có thể biết được triều đình đã tổ chức lễ đón và đưa ông bà, tổ tiên về “cùng ăn tết” trong 2 ngày lễ trên. Còn trong ngày cuối cùng của năm cũ thì cho người đem phẩm vật cúng tại các lăng và các miếu. Vua chỉ định hoàng tử, tôn tước đến làm lễ tại các chùa. Kỳ Đài phát lệnh suốt ngày. Các chùa và dinh thự vẫn làm lễ lên nêu. Thường thì ngày mồng 3, vua và đình thần đi tết các sư trưởng, thầy dạy mình; mồng 5 Ổi lễ các chùa, viếng xuân... Đến ngày mồng 7 thì làm lễ Hạ nêu (hay Khai hạp) với 9 phát súng lệnh(9). Các quan viên mở hộp đựng ấn triện, tượng trưng cho việc hành chính của một năm mới bắt đầu.

Những lễ tiết trên đây mang nặng tính chất hành chính của vương quyền, Với những nghi lễ phiền tạp, nghiêm cẩn, đầy dấu ấn của Nho giáo; khác với các cuộc du xuân kỳ thú của nhà vua và các sinh hoạt Tết phong phú hấp dẫn của dân chúng và quý tộc ở chốn kinh đô.

Cuộc du xuân thường niên của triều đình: Du xuân là một hoạt động văn hóa mỗi độ xuân về của nhiều dân tộc phương Đông, đặc biệt là giới quý tộc, thượng lưu, trí thức. Từ thời nhà Lê đã có lệ du xuân trong ngày đầu năm của vua và đình thần. Sử sách nhà Nguyễn không thấy nói đến lễ hội du xuân vào ngày mồng một Tết của các vị vua đầu nhà Nguyễn; nhưng chắc chắn đã có diễn ra vào các ngày sau đó. Với cuộc sống quanh năm trong cung cấm thì cuộc du xuân hàng năm để thưởng thức phong cảnh mùa xuân ở chốn kinh kỳ, để thăm viếng lăng tẩm, đền chùa hoặc tiêu khiển xướng họa thơ ca... luôn có sức lôi cuốn vua và hoàng tộc tham gia. Đối với dân chúng, đây là một trong những dịp hiếm hoi được chứng kiến cảnh sinh hoạt của cung đình, được chiêm bái long nhan. Chúng ta có thể hình dung phần nào quang cảnh một buổi du xuân náo nhiệt của vua Gia Long qua ghi chép của Michel Đức Chaigneau trong Souvenir de Hué khi theo cha mình tháp tùng cùng nhà vua du xuân: “Thuyền ngự của vua giống như một tòa lâu đài nổi trên sông do 6 chiếc thuyền kéo đi. Mỗi thuyền có từ 50 đến 60 lính chèo. Theo sau thuyền vua (có các gian riêng dành cho vương hậu, cung tần, mỹ nữ) là thuyền của các quan lại tháp tùng. Dân chúng tụ tập hai bên bờ sông Hương xem cả chòm cung điện ấy trôi trên sông. Đâu đâu cũng nghe tiếng ca hát, đánh nhịp, tung hô...”(10)

Từ khi vương quyền nhà Nguyễn mất vị trí độc tôn thì cuộc du xuân dưới các triều vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân lại thường diễn ra vào ngày mồng một Tết, nhưng không còn giữ được tính văn hóa truyền thống nữa mà đã mang màu sắc chính trị, do có sự sắp đặt của Khâm sứ Pháp ở Huế.

Các triều nghi diễn ra trong hoàng cung, sự hiện diện của hoàng gia với cuộc du xuân trên sông, trên các đường phố lớn ở kinh đô; bên cạnh đó ở dinh của các ông hoàng, bà chúa, quan lại, còn diễn ra những hình thức tao nhã của giới quý tộc, thượng lưu như: khai bút, viết câu đối, bình văn, hát xướng, diễn tuồng, chơi bài thai, bài vụ, đầu hồ, đá gà, thả diều, và đi chợ Gia Lạc trong ba ngày Tết... Tất cả các sinh hoạt đó cùng với các hội hè khác đã tạo nên diện mạo sinh hoạt Tết truyền thống mang đậm sắc thái văn hoá dân tộc của một cố đô huy hoàng ngày xưa.

N.V.Đ
(SH324/02-16)

.........................................
(1) Hocquard. Une Campagne au Tonkin, 1892. Dẫn theo “Tết Việt Nam cách nay hơn 100 năm” do Lê Nguyễn lược dịch, Kiến thức Ngày nay, số xuân Giáp Tuất, tr. 53-56.
(2) Nội các triều Nguyễn, Sđd., q.69, tr. 25-27; q.72, tr. 85-88. Tôn Thất Bình. Đời sống cung đình Nguyễn. Thuận Hóa, Huế, 1991, tr. 73-75.
(3) Tôn Thất Bình. “Nhạc lễ cung đình Huế”, Tạp chí Sông Hương, số 1,1993, tr. 96-99. Theo tác giả, lễ Tết Nguyên đán thời Nguyễn, ca sinh theo thứ tự tấu các khúc sau: 1. Lý Bình, 2. Túc Bình. 3. Khánh Bình, 4. Di Bình, 5. Hòa Bình. Những khúc này có ý nghĩa mong muốn một năm mới thái bình, thịnh trị; an vui.
(4) Nội các triều Nguyễn, Sđd., q. 72, tr. 95-97
(5) Nội các triều Nguyễn, Sđd., q. 70, tr. 64-65
(6) Mỗi năm một lần kéo dài trong 3 ngày, vào tháng Hai ở ngày 19 trở về trước. Đến năm Thành Thái thứ hai (1890), định 3 năm 1 lần.
(7) Nội các triều Nguyễn, Sđd., q.85, tr.350.
(8) Nội các triều Nguyễn, Sđd., q. 69, tr. 16
(9) Tôn Thất Bình. Đời sống cung đình Nguyễn, Sđd:, tr.76.
(10) Tôn Thất Bình, Sđd., tr.104-105.




 

Các bài mới
Cơn giông (24/02/2016)
Huế ngủ (19/02/2016)
Các bài đã đăng
Tết quê xưa (31/01/2016)
Nhớ Huế (29/01/2016)