Tạp chí Sông Hương - Số 325 (T.03-16)
Bích Khê trong trường thơ loạn
15:20 | 25/03/2016

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY MẤT CỦA NHÀ THƠ BÍCH KHÊ (1946 - 2016)    

PHẠM PHÚ PHONG

Bích Khê trong trường thơ loạn
Nhà thơ Bích Khê - Ảnh: internet

Sự ra đời của thơ mới làm thay đổi toàn bộ diện mạo của đời sống văn học. Đó là sự đổi mới về câu từ, giọng điệu, cấu trúc, thể thơ... mà cái chính là ở cảm xúc và tư duy. Từ những thay đổi về cảm xúc đưa đến những thay đổi tư duy, mở ra một thời đại mới trong thi ca, với những tên tuổi rạng rỡ như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương v.v; trong đó không thể không kể đến một nhóm, một trường phái, một dòng thơ, mà ở đó cái gì cũng dữ dội, cũng tha thiết, cũng đắm say, cũng muốn đi đến tận cùng, cái tận cùng đầy tuyệt vọng, đã xuất hiện trên thi đàn như một “niềm kinh dị” đó là trường thơ Loạn, nơi quy tụ những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Quách Tấn, Yến Lan, Hoàng Diệp. Mỗi người đều thống nhất với nhau một nguồn chung, nhưng đều có một thi pháp biểu hiện riêng và đã đạt được những thành tựu khác nhau, còn sống mãi trong thi đàn dân tộc. Đã có nhiều công trình đánh giá tương đối đầy đủ về những đóng góp của từng người, trong bài viết ngắn này tôi chỉ xin rẽ bóng thời gian nhìn lại vị trí của Bích Khê trong trường thơ Loạn.

1.

Trong hồi ký Miền Nam Trung bộ, đất thơ trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã tự hào về những tổ chức văn học có tính chất tự phát, tập hợp những người làm thơ có cùng quan niệm trước Cách mạng tháng Tám như “văn đoàn Thái Dương ở Bình Định, văn đoàn Tương Lai ở Kon Tum, nhóm thơ Cẩm Thành ở Quảng Ngãi” và đặc biệt là trường thơ Loạn do Hàn Mặc Tử sáng lập năm 1936. Có người chia thơ mới thành ba dòng: dòng ảnh hưởng thơ Đường, dòng ảnh hưởng thơ Pháp và dòng thơ thuần Việt. Có người chia thành nhiều nhánh thơ nhỏ hơn, dựa vào những người sáng tác có cùng quan niệm: nhánh của Thế Lữ, nhánh của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, nhánh của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, nhánh Xuân Thu nhã tập và trường thơ Loạn. Thật ra đây chưa hẳn là một trường phái, có tổ chức, có cương lĩnh có điều lệ với sự tham gia của nhiều người, mà chỉ là một nhóm người có cùng quan niệm, cùng sở thích, cùng tập hợp nhau lại, ra một tuyên ngôn... Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ lẫm, kì dị khiến cho nhiều người phải giật mình sửng sốt. Tòa thơ của họ vụt cao chót vót nối tầng cao nhất của thiên đường với tận cùng địa phủ, từ đó tạo ra thứ ánh sáng huyền hoặc buộc người ta phải ngước nhìn vừa trầm trồ chiêm ngưỡng, vừa hốt hoảng hoang mang. Nếu Hàn thi sĩ chỉ dừng lại ở Gái quê (1936), thì chưa có gì đặc biệt so với thơ ca lãng mạn thời đó, phải đến Đau thương (Thơ điên) mới sừng sững một Hàn Mặc Tử như ta có hiện nay. Thật ra, đây chỉ là bước nối tiếp của chủ nghĩa lãng mạn trong thơ mới, nó đã đặt bàn chân của mình vào chủ nghĩa tượng trưng và đưa vào thơ những nét chấm phá đầu tiên của chủ nghĩa siêu thực. Chủ nghĩa tượng trưng nằm trong phạm trù mỹ học tư sản, thực chất là chủ nghĩa duy tâm trong văn học. Ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa tượng trưng Pháp thế kỷ XIX, mà người đề xướng là Baudelaire, họ cho rằng “giữa vũ trụ và con người có mối quan hệ siêu việt. Thế giới được cảm nhận chỉ là sự phản ánh một vũ trụ tinh thần. Thơ phải nắm bắt được “tương giao bí ẩn” đó giữa con người và vũ trụ”. Trong Tựa cho tập Điêu tàn, được coi là tuyên ngôn của trường thơ Loạn, Chế Lan Viên không chỉ trình bày ý kiến của mình mà còn dẫn cả ý tưởng của người đồng điệu với mình rằng: “Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại. Nó xáo trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai”. Tiến sâu hơn, Hàn Mạc Tử còn bước sang miền mộng ảo, đến với xứ sở của siêu thực: “Trí Người đã dâng cao và thơ Người cao hơn nữa. Thì ra người đang say sưa đi trong Mơ Ước, trong Huyền Diệu, trong Sáng Láng và vượt hẳn ra khỏi ngoài Hư Linh... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”. Với Bích Khê hầu như không có một tuyên ngôn, tuyên bố gì, mà cách lập ngôn đầy đủ nhất của ông là thông qua thực tiễn sáng tạo. Ngay cả trong Tinh huyết (1939), tập thơ duy nhất được in lúc sinh thời của tác giả, cũng do Hàn Mặc Tử viết lời Tựa thay cho ông.

Điều đáng lưu ý là tuy nói Loạn mà không loạn, Điên mà không điên. Không bừa bãi, cẩu thả, mà được trau chuốt cẩn trọng từng câu, từng từ, nhằm thể hiện cảm xúc luôn khao khát được sống hết mình, được cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống hết mình, đòi hỏi người thi sĩ phải sống bằng trái tim, bằng tâm hồn cháy bỏng từng giọt lửa yêu thương, phải mở lòng rộng rinh, lắng nghe tiếng nói thầm thì ở nơi tĩnh lặng nhất của cõi lòng mình, phải thét, phải gào cho thỏa những khát khao, ước mong về thế giới đau thương, về cái đẹp, về tình yêu và cuộc sống. Điều ấy thể hiện rõ rệt thông qua sáng tác của những tác giả chủ chốt của nhóm như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê. Những người còn lại, tuy có tham gia, có sự tương đồng về quan điểm, nhưng chưa có sự bứt phá trong sáng tác, một Quách Tấn mực thước với thể thơ Đường luật và chưa dám chuyển mùa, chỉ dừng lại ở Mùa cổ điển, một Yến Lan (đến với trường thơ Loạn với bút danh Xuân Khai) vẫn còn loanh quanh bên Bến My Lăng...

2.

Trường thơ Loạn mang âm hưởng chung là nỗi đau đớn, tiếc thương cuộc sống đã hoặc đang lụi tàn, khát khao ôm cả đất trời vào trái tim nhỏ bé của con người, ước vọng điên cuồng chiếm lĩnh cả không gian, thời gian, năm tháng của cuộc đời. Cũng trong khát vọng muốn biến cái hữu hạn thành cái vô hạn ấy, nhưng Bích Khê không có những Đau thương, Điêu tàn như ở Hàn và Chế. Không có sự đau đớn, bi thương đến hốt hoảng cố bám riết vào đời sống với nỗi đau tuyệt vọng như Hàn Mặc Tử; không có những không gian hoang lạnh, một thế giới bị lãng quên, bên những hồn ma vất vưởng như Chế Lan Viên. Bích Khê không bị ám ảnh bởi cái chết, mà có thể từ cái chết làm nẩy sinh một thế giới khác, nó rực rỡ, sáng láng một cách kỳ lạ. Chiếc đầu lâu là biểu tượng của sự chết chóc. Cái sọ người của Chế Lan Viên là cả khối xương khô, gợi nhớ đến pháp trường ghê rợn, đến những đóm lửa ma trơi, đến cõi chết; nhưng vào thơ Bích Khê, Sọ người là bình vàng, chén ngọc, là hương thơm, là ánh sáng... Cũng với cách nhìn vừa ảo vừa thực ấy, thế giới hiện thực đi vào thơ ông được khúc xạ bởi một thứ ánh sáng khác, tạo ra thế giới âm thanh, màu sắc rực rỡ đến chói chang. Dường như nó được chưng cất từ những gì thanh khiết và cao quý nhất của đất trời. Nó không còn là cõi phàm trần nữa, mà là cõi tiên, cõi mộng, cõi siêu thăng chỉ có linh hồn thoát tục mới vươn tới được:

Đêm ôm hồn tôi chơi phiêu diêu
Bắt gặp nàng thơ diện yêu kiều
Man mác cho nên nhớ chị Hằng
Hai tôi nhịp nhàng lên cung trăng

                        (Nghê thường)

Cũng như các nhà thơ mới và những người đồng điệu trong trường thơ Loạn, Bích Khê cũng nói nhiều đến trăng. Nhưng trăng của ông không phải là thứ “trăng nằm sóng soãi trên cành liễu”, không phải là “trăng tan thành bọt nước” như Hàn Mặc Tử; cũng không phải “vừa dâm tục ôm trăng vờ vật ngủ” như Chế Lan Viên... Trăng của Bích Khê không còn là trăng của đất trời, của không gian bao la mang ý nghĩa vật chất, mà là vàng trăng, ngọc trăng, chén trăng, sữa trăng có thể tiếp nhận bằng vị giác:

Chén trăng vừa tầm với
Chàng ơi, vàng ròng đây
Kề môi say ân ái..

                        (Ngũ Hành Sơn)

3.

Với Bích Khê, thơ không chỉ là nghệ thuật cao quý, thanh khiết của tâm hồn, là những gì tinh túy được đấng tối cao ban phát, mà còn là một đặc chủng nghệ thuật tổng hợp, có thể dung nạp nhuần nhuyễn các yếu tố của các loại hình như âm nhạc, hội họa, lại có cả tính tạo hình của điêu khắc, nhiếp ảnh, thậm chí có cả kiến trúc tham dự vào, tuy chỉ là yếu tố hình thức của hình thức: “Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới” (Duy tân)... Có thể nói, trong tâm hồn chật chội của ông luôn chứa đựng một không gian rộng rinh trong đó đầy ăm ắp những âm thanh, màu sắc, đường nét, hình khối, vừa cụ thể vừa trừu trượng có những bài thơ như Nghê thường, Tì bà khi đọc lên, thật khó mà phân biệt đâu là yếu tố của hình tượng ngôn từ, đâu là yếu tố của hình tượng âm thanh. Đỗ Lai Thúy đã phân tích một cách xác đáng, khi dẫn hai câu thơ vần bằng độc đáo của Xuân Diệu để so sánh với Bích Khê: “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (Nhị hồ). Nhưng với Bích Khê không chỉ một câu, một bài mà còn nhiều bài toàn vần bằng như Mộng Cầm ca, Nhạc, Thi vị, Cơn mê, Hoàng hoa, Nghê thường, Tiếng đàn mưa... Ở góc độ này thể hiện tài năng của ông, không chỉ là nhà ảo thuật về ngôn từ mà là con người biết sử dụng các biến tấu, biết trêu đùa các giai điệu để phổ vào tâm hồn, bắt nó phải ngân lên. Chịu ảnh hưởng của các nhà tượng trưng, ông cho rằng thế giới là sự giao hòa kỳ diệu giữa âm thanh, màu sắc, hình khối và hương thơm:

Nhạc khiêu vũ đâu đây lan sóng múa
Tôi tưởng chừng... da thịt biến ra thơm

                                    (Châu)

Sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, màu sắc, hương vị và đường nét, tạo nên tính tạo hình cho ngôn ngữ thơ ca một cách sắc nét. Có bài theo cái vỏ ngữ âm được miêu tả, có thể vẽ ra những bức tranh đẹp như Tranh lõa thể, Ảnh ấy, Đề ảnh, Trên núi Ấn ngắm sông Trà... Đã có bao tranh vẽ về Truyện Kiều của Nguyễn Du: Tô Ngọc Vân vẽ Tú Bà, Nguyễn Đỗ Cung vẽ Từ Hải, Nguyễn Tường Lân vẽ Kiều ngủ, Lê Lam vẽ Kiều tắm... Bích Khê yêu thương con người, yêu cái đẹp của người phụ nữ và ca ngợi vẻ đẹp thân xác có tính chất trần tục của nó. Ông không chỉ yêu và miêu tả nó như một đối tượng mà còn biến nó thành phương tiện để biểu hiện khát vọng của mình. Chính vì thế ông trở thành người ca tụng thân xác, ca tụng những phẩm chất kỳ diệu mà tạo hóa ban cho họ. Không chỉ ở tấm thân vật chất với những đường cong tuyệt mỹ mà còn cả mùi vị thanh sạch, hương thơm tinh khiết, buộc người ta không chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, tiếp cảm bằng da thịt mà còn có thể nhận ra mùi vị bằng khứu giác, vị giác:

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Và chút trăng say đọng ở làn môi
Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi

                        (Tranh lõa thể)

Không có cái gì có thể khuất phục được cả thời gian như cái đẹp, như nghệ thuật, như người phụ nữ, nó có thể bắt “Bóng thời gian phải quỳ dưới chân nàng”. Ca tụng thân xác đến mức ấy thật là hiếm thấy.

Người ta hay phê phán tính nhục dục, chất chứa hơi thở xác thịt có tính chất dục vọng, thậm chí có người còn đẩy đến mức dâm cuồng thác loạn, trong thơ Bích Khê. Song do nhiều yếu tố chi phối, trong đó có một phần do quan niệm nghệ thuật của chủ nghĩa tượng trưng, một phần là do hoàn cảnh bệnh tật, những năm cuối đời ông như quả bóng đã được bơm căng hơi thở đời sống, khi chạm đến tận cùng của nhục dục để rồi nó bật tung lên vời vợi của sự thanh khiết, đến lúc ấy, những gì là tội lỗi, ghê rợn đều trở nên thanh sạch, trong lành, cao quý biết bao nhiêu. Ở điều này, Bích Khê cũng khác với chất trần trụi của Chế Lan Viên (Ngủ trong sao, Tắm trăng), hoặc mơ màng của Hàn Mặc Tử (Bẽn lẽn, Cô gái đồng trinh, Mùa xuân chín)... Bích Khê đã tái tạo lại những gì mà thượng đế đã sáng tạo ra và đem cho nó sức sống mãnh liệt, hơn cả tấm thân vật chất của người nghệ sĩ tài hoa đoản mệnh, vì chính đấng tối cao dường như cũng đem lòng ghen tị.

4.

Người đoản mệnh chưa chắc đã tài hoa, nhưng không ít những người tài hoa đã rơi vào tình trạng đoản mệnh trong một hoàn cảnh nào đó. Những người không cùng thế hệ với Bích Khê, có Nam Cao cuộc đời chỉ dừng lại ở tuổi 36, Thâm Tâm 33, Thạch Lam 32, Hàn Mặc Tử 28, Vũ Trọng Phụng 27, Phạm Hầu và Nguyễn Nhược Pháp 24... Đó là những người mà tác phẩm của họ có sức sống lâu bền hơn tấm thân vật chất của người sinh ra nó. Bích Khê cũng không thoát ra khỏi mệnh số đa đoan của con người tài hoa bạc mệnh. Cũng như Bích Khê, những người mà tôi chưa thể thống kê đầy đủ trên đây, nếu tạo hóa còn cho họ có thêm cơ hội, chắc chắn rằng họ còn có khả năng đóng góp nhiều hơn. Ngay cả những người chưa đến với lý tưởng và nền văn học cách mạng, Nguyễn Viết Lãm cũng tin tưởng rằng họ sẽ chào đón cuộc đời mới một cách nhiệt thành, hồ hởi: “Tôi có biết anh Bích Khê, gặp anh năm 1941 tại Sông Cầu... Ngày khởi nghĩa tháng Tám, anh đang bị bệnh phổi nặng nhờ người nhà khiêng cả giường nhỏ anh nằm ra trước cổng để tự mình trực tiếp nhìn thấy nhân dân xuống đường, trực tiếp sống cái giây phút giải phóng đất nước, giải phóng tâm hồn người làm thơ. Tôi hiểu sâu sắc nỗi niềm của anh, cũng như từng hiểu ít nhiều tấm lòng anh Hàn Mặc Tử ngày anh còn sống. Trong không khí hào sảng của cuộc khởi nghĩa cả nước, tôi cứ nghĩ rằng, cũng như Bích Khê, nếu Hàn Mặc Tử còn đến hôm nay, anh sẽ cùng chúng tôi, xuống đường biểu tình cùng với quần chúng cách mạng”. Nhưng biết làm sao được. Nguyễn Du đã từng nói về tài mệnh tương đố. Trên thế giới không thiếu những tài năng sớm ra đi, nhưng những gì họ để lại khiến cho hậu thế vừa ganh tỵ vừa phải kính cẩn nghiêng mình: Nhạc sĩ tài hoa người Áo F.P. Schubert ra đi lúc 31 tuổi, thiên tài âm nhạc Ba Lan F.F Chopin 39 tuổi, nhà phê bình văn học người Nga nổi tiếng V.G Belinski 37 tuổi, nhà thơ Nga danh tiếng M.Y Lermontov 23 tuổi, nhà toán học Pháp E.Galois 21 tuổi...

Cùng chống chọi với bệnh tật như những tác giả cùng thời, những Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Phạm Hầu, Nguyễn Nhược Pháp; hoặc cũng giống như người trong cùng trường thơ Loạn là Hàn Mặc Tử, nhưng Bích Khê có thái độ chấp nhận, đón chờ cái chết đến trong tư thế của một người biết rằng mình không thể cưỡng lại số phận. Về mặt thi pháp hình thức, cách đặt nhan đề của tác phẩm cũng thể hiện rõ điều đó. Hàn Mặc Tử đi từ Gái quê đến Đau thương (Thơ điên), Bích Khê có Tinh huyết, Tinh hoa, rồi Đẹp. Trong hồi ký Trong bóng nguyệt soi của chị ruột Lê Thị Ngọc Sương kể về những ngày cuối đời của Bích khê, càng chứng tỏ được rằng, ông đã chuẩn bị cái chết rất chu đáo: “Chàng mời người chị thứ sáu lên, đọc lời di chúc, nhờ chị chép lại và xin mẹ, căn dặn mẹ làm đúng theo lời tuyệt mệnh: 1. Khi chết không được khóc. 2. Chết xong niệm]liền, chôn liền. 3. Niệm giản dị, một tấm vải trắng đắp thi hài, một cái hòm thường và đám tang không cần kèn trống. 4. Bà con đến phúng điếu, không nhận tiền bạc. 5. Ngày giỗ chỉ thắp hương trầm và cắm hoa, không được đặt đồ ăn trên bàn thờ...”. Hãy hình dung, những dặn dò này là của một người sắp chết, nói với mẹ mình, cách đây đã tròn sáu mươi năm! Chính vì thế, cũng chừng ấy thời gian đã qua đi, thơ ông vẫn còn là nỗi kinh hoàng, là “niềm kinh dị”, vẫn có sức lay động trái tim nhiều thế hệ độc giả, vẫn đồng hành cùng với đời sống thơ ca hiện đại, và sự tiên cảm của ông:

Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh
Về chốn thôn gia viếng mả tôi
Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ
Trên mồ con quạ đứng im nơi

                        (Nấm mộ)

Tôi đã từng về thăm mộ ông ở Thu Xà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi quê ông. Trong khói nhang nghi ngút, không hiểu sao, tôi vẫn hình dung ra hình tượng “con quạ đứng im hơi” trên nấm mộ nhỏ, nằm lẫn khuất giữa bao nhiêu mộ của chúng sinh. Cuộc đời sinh để mà tử và tử để mà sinh. Thân xác ông nay chắc chẳng còn gì. Nhưng con quạ đứng trên mộ ông - trong thơ ông vẫn còn đó, như chiếc bóng của thời gian.

P.P.P
(TCSH325/03-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nét Xuân... (25/03/2016)
Hồi Quang (21/03/2016)
Giếng cát (21/03/2016)