Tạp chí Sông Hương - Số 325 (T.03-16)
Những ngày ngậm ngải tìm trầm
15:38 | 29/03/2016

PHÙNG SƠN

     Truyện ký

Những ngày ngậm ngải tìm trầm
Minh họa: Nhím

1. Khởi sự folklo

Tôi rời Huế vào đầu tháng 3/1984.

Cầm tờ Quyết định phân công của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế lên vùng Tây Nguyên, nơi “thâm sơn cùng cốc” thật buồn! Lẽ đương nhiên buồn vì phải xa Cố đô thơ mộng, nơi gắn bó tuổi thơ của mình vào những điệu hò trên dòng sông Hương và những kỷ niệm buồn vui tuổi học trò. Nhưng buồn cũng không bằng sợ. Thuở ấy, nghe đến Tây Nguyên, mọi người bảo đó là “Xứ thượng”! Mà Xứ thượng… chẳng phải để chỉ xứ sở của người dân sống ở vùng cao thì là gì? Không phải thế, hồi ấy, hình ảnh của người Tây Nguyên đã bị bóp méo đến ghê rợn! “Xứ thượng” hay “Xứ mọi” là từ miệt thị của Thực dân đối với người miền cao từ thời đất nước còn trong cảnh nô lệ. Tuy vậy những thông tin về Tây Nguyên qua sách vở, báo Tây Nguyên lúc bấy giờ đối với tôi cũng còn mơ hồ lắm.

Chuyến xe thời bao cấp chật chội, chen lấn. Rời Huế đến Đà Nẵng. Từ bến xe Đà Nẵng đến ngã ba Diêu Trì đã biến tôi thành loài động vật lông vũ chỉ đứng được một chân, chân còn lại không tài nào nêm vào được trong rừng chân của những người đông nghịt trên xe. Từ ngã ba Diêu Trì, chiếc xe than ì à ì ạch theo hướng Tây, tiến về phía rừng chiều. Lòng tôi vừa nôn nao vừa rã rượi. Xe dừng, một đoàn người lên xe, họ ăn mặc hời hợt và nhếch nhác, nói bằng một thứ ngôn ngữ mà từ nhỏ đến lúc đó tôi mới nghe thấy. Tôi có cảm giác hơi ớn lạnh, khiến đôi mắt tò mò dõi theo họ, nhìn vào ánh mắt ngây dại nhưng quả thật hiền lành của họ, tôi có phần an tâm, có người bảo với tôi họ là người Bahnar dân tộc bản địa. Một ngày trời ròng rã đầy những vất vả, cuối cùng thì chuyến xe khổ ải cũng đã dừng lại. Bước xuống xe, lúc đó là chín giờ tối, người ta bảo tôi đây là thị xã PleiKu, tôi ngỡ ngàng nhìn quanh phố sá, thầm hỏi PleiKu đây ư? Tây Nguyên đây ư? Tôi ngước nhìn những ánh đèn của ngọn cao áp nhấp nhô trên triền dốc, một lớp ánh sáng vàng lờ nhờ đang tưới lên những mái nhà cao thấp làm tôi chợt liên tưởng đến góc phố cổ trên Đàn Nam Giao Huế. Dừng chân bên một quán nước vỉa hè, nhìn dòng người qua lại trong tiếng nhạc “Sao đành bỏ quê hương? Sao đành bỏ phố phường?...” Rồi “Thành phố nào nhớ không em?...” Những bản nhạc cất lên từ giọng hát Duy Khánh, Chế Linh nghe sên sến nhưng đúng với tâm trạng, làm tôi miên man.

Thế là mọi chuyện đến với tôi một cách thuận lợi, tôi được đích thân Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm thử việc và được tuyển chọn về đoàn ca múa nhạc Đam San làm họa sĩ thiết kế mỹ thuật. Bạn bè văn nghệ đến với tôi cũng chóng vánh nhờ trước đó họ đã biết tôi qua các tác phẩm in ở Tạp chí Sông Hương và tuyển tập Khúc hát mười năm. Cùng với Quyết định tuyển dụng vào Đoàn ca múa nhạc là một quyết định trưng tập của Sở Văn hóa Thông tin, tháp tùng với Đoàn nghiên cứu của viện Văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa) đi sưu tầm văn hóa dân gian tại huyện ĐăkGlei, tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Tự dưng tôi hào hứng đến tột cùng. Lần đầu tiên trong đời được ngồi lên chiếc xe Zeep lùn (chiến lợi phẩm sau ngày Gia Lai - Kon Tum giải phóng). Cùng với bác tài xế già, xe tiến về phía Bắc của thị xã, qua những phố huyện. Suốt dọc đường, bác tài xế biết tôi là dân ở miền xuôi mới lên Tây Nguyên nên tranh thủ trấn an tôi bằng những câu chuyện của bác về công tác dân vận, trong thời gian bác còn ở chiến trường B3. Xe từ huyện Đăk Tô tiến về con đường đất đỏ mịt mù bụi. Những ổ trâu to đùng làm bắn người lên mỗi lúc xe qua. Bỗng xe đỗ xịch, phì khói đằng trước mui. Bác lái xe lắc đầu ngao ngán “Con ngựa già trở chứng! Mới tuần trước thầy trò giáo sư Tô Ngọc Thanh của Viện Văn hóa khum lưng dỗ dành mãi nó mới chịu đi đấy!” Hì hục hơn ba tiếng đồng hồ, cộng với hàng lít mồ hôi của bác tài xế già, con ngựa sắt bắt đầu cựa quậy, nó húng hắng mấy tiếng rồi rống lên.

Chiều tối thì hai bác cháu chúng tôi đến nơi. Dưới một thung lũng rộng, mấy nóc nhà tranh bao quanh một ngôi nhà cao sừng sững. Bác lái xe bảo đó là nhà rông của đồng bào Yẻh-Striêng. Đón tôi là một vị giáo sư - trưởng đoàn khả kính và các thành viên đi theo làm nhiệm vụ sưu tầm nghiên cứu từng mảng: văn học, âm nhạc, múa. Riêng tôi được giáo sư phân công làm mảng mỹ thuật dân gian.

Sau bữa cơm qua quýt tôi bắt tay ngay vào công việc. Trưởng đoàn Tô Ngọc Thanh đã chuẩn bị sẵn cho tôi một đống đồ thổ cẩm, giáo sư bảo phải chịu khó chép hết trong đêm nay vì ngày mai phải chuyển địa điểm. Đêm hôm đó, lần đầu tiên tôi làm việc theo mệnh lệnh bên ánh đèn dầu leo lét. Đến sáng thì công việc hoàn tất theo ý muốn. Giáo sư nhìn tôi đầy mãn nguyện, trong lòng tôi cũng cảm thấy lâng lâng. Chúng tôi được xe đưa đến xã Dục Nhầy thuộc huyện ĐăkGlei. Buổi cơm đầu tiên được đồng bào Yẻh-Striêng chiêu đãi. Mùi thum thủm của gạo ngâm làm tôi lợm giọng, thêm vào đó là những món ăn truyền thống bốc mùi thôi thối, tôi không tài nào nuốt được. Hơn hai tuần lễ ròng rã khiến tôi gầy rộc. Tối hôm chia tay với dân làng, Đoàn trích một phần kinh phí giao cho ông Các Gia Nga - ông già lém lỉnh nhất làng (từng là học sinh miền Nam ra Bắc học trong thời chiến, sau đó đi theo đoàn văn công làm diễn viên múa, đã đi biểu diễn nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới) - mua heo làm thịt đãi dân làng. Một tay ông làm con heo ba gang tay, thịt thái ra mỗi miếng bằng bàn tay. Ông Các Gia Nga làm chủ lễ cúng bái cho buổi chia tay tối hôm đó. Ông lâm râm đọc lời cúng cầu mong cho Đoàn sáng mai lên đường được bình an. Sau lời cúng, nhạc chiêng được gióng lên. Vị giáo sư loay hoay với chiếc máy casetter đã cũ mèm để thu tiếng nhạc cồng chiêng, lâu lâu ông lại rê ống kính của chiếc máy ảnh đời cổ lỗ hiệu Rolleicord để ghi hình. Ánh sáng bập bùng của ngọn lửa trên sàn nhà rông soi rọi vào chiếc nồi đồng to bằng vòng tay của ba người nối lại, nước trong nồi vừa mới búng tăm. Nguyên một mẹt thịt tươi rói được bà Y Blêu đổ vào, một vốc muối cũng được ông Các Gia Nga vãi vào đó. Ông cầm một thanh tre lớn quậy qua quýt mấy vòng rồi gắp ra từng tảng thịt bỏ trên từng tấm lá chuối. Mọi người xúm tay bốc thịt, máu trong những tảng thịt chảy dài xuống những cánh tay. Các Gia Nga lấn lướt vai trò của già làng mời chúng tôi nhập cuộc. Ông vít cần rượu dí vào miệng trưởng đoàn Tô Ngọc Thanh. Đến lượt ông Phạm Hùng Thoan, một con người hộ pháp, có vẻ rành rõi về các nghi thức phong tục bản địa và các món ẩm thực ở đây, ông tu một thôi dài, nước trong ghè rượu nhanh chóng rút xuống, dứt ra khỏi cọng tre đặt phía trên miệng ghè làm thước đo mà họ gọi là cang. Ông được Các Gia Nga khen ngợi và tặng cho một vốc thịt còn đỏ ói nhét vào miệng. Tôi bỗng rùng mình khi thấy máu tươi chảy ra khóe miệng ông Thoan. Có sự đồng điệu nào đó ông Hoàng Quốc Thắng - sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa mới ra trường - nhìn tôi nháy mắt; ông Thắng đứng dậy đi ra phía cửa nhà rông, trong vô thức tôi bật dậy đi theo. Hai chúng tôi chui xuống gầm nhà rông mò mẫm mãi mới tìm được một chỗ bằng phẳng để đặt lưng. Vừa mới chớm nằm, bỗng có tiếng quát tháo từ trên sàn nhà. Tiếng của ông Các Gia Nga giận dữ: “Hai người kia đi đâu rồi?” Khinh người đồng bào à? Thằng A Brít cùng hai người nữa cầm đuốc bước xuống nhà Rông, nó tiến sát chúng tôi quát lớn: “Khinh người dân tộc hả?” Tôi ú ớ: “Không, không phải! Mình bị sốt quá! Không tin sờ vào người mình xem!” Thằng Brít bảo: “Thôi được, hả mồm ăn miếng này mày sẽ được ngủ”. Tôi nhắm nghiền mắt há mồm làm theo. Thằng Brít nhét một vốc thịt to vào mồm tôi. Rồi nó cũng làm y như vậy với ông Thắng. Đoàn người vẫn đứng đó chờ tôi và ông Thắng làm xong trách nhiệm của mình, nghĩa là phải trệu trạo cho xong cái mớ bầy nhầy tanh ói mới chịu bỏ đi.

Sáng sớm hôm sau, trước khi lên đường, giáo sư Tô Ngọc Thanh triệu tập cuộc trao đổi ngắn:

Ngoài việc đánh giá công việc đã làm trong thời gian qua, giáo sư nhìn tôi và ông Thắng nghiêm khắc: “Chúng ta đang đi làm công việc giữ gìn giá trị cho đời sau, những giá trị văn hóa của chính con người ở đây… Mà văn hóa là gì nhỉ? Văn hóa chính là con người! Chúng ta muốn tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc, trước hết chúng ta phải hóa thân thành đồng bào dân tộc”. Rồi giáo sư cười với nụ cười đầy cảm thông và dịu giọng: “Phải chịu khó thôi các bạn! Lúc trước mới làm công tác này ở rừng núi phía Bắc, mình cũng như các bạn thôi! Dần dần quen tất”.

Sau gần một tháng điền dã, những thu thập tư liệu mỹ thuật của tôi được giáo sư đánh giá cao. Có một buổi chiều, tôi đang ngồi vẽ chi tiết ngôi nhà rông của dân tộc Striêng, bất thình lình đứng sau lưng tôi giáo sư hỏi: “Cậu có mê công việc này không?” Tôi lễ phép: “Dạ thưa, cháu mê lắm! Cháu được nhận vào làm thiết kế mỹ thuật cho một Đoàn văn công của địa phương mà vốn liếng Tây nguyên thì chưa có, công việc này sẽ giúp cho cháu sau này rất nhiều”. Giáo sư nhìn tôi cười: “Không những thế, nếu tiếp tục cậu sẽ trở thành nhà Folklo ở lĩnh vực mỹ thuật dân gian Tây Nguyên đấy!” Folklo nghĩa là gì? Lúc đó quả tình tôi chưa biết, nhưng tôi có thể mơ hồ hiểu đó là một công việc quan trọng nhưng ít người làm.

2. Folklo vui và buồn

Sau chuyến điền dã đầu tiên, trong lưng tôi có được ít vốn liếng về mỹ thuật dân gian, đủ để bắt tay vào thiết kế trang phục, đạo cụ sân khấu, cho Đoàn Đam San tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Hải Phòng vào đầu năm 1985. Năm đó Đoàn Đam San thắng lớn, chương trình đoạt huy chương vàng, nghệ sĩ nhân dân Y Brơm bảo trong đó có một phần công lao của tôi, bạn bè văn nghệ thì cho rằng tôi mát tay. Riêng tôi, tôi thầm cám ơn chuyến điền dã, cám ơn những ấn tượng đầu đời tốt đẹp và ý vị.

Thấm thoát, một năm trôi qua, tháng Ba “Mùa con ong đi lấy mật” đã về với Tây Nguyên, những dự cảm về một cuộc sống mới trên đất Tây Nguyên bắt đầu hình thành trong tôi. Những bữa ăn rau cháo thời bao cấp thế mà vẫn vui, vẫn hy vọng tràn trề. Bạn bè ngày càng đông, đêm nào cũng bù khú bên chiếu rượu. Thuở ấy, gặp nhau, gom góp dăm ba quả ổi, quả xoài là cũng đủ để đàm đạo nhì nhằng các loại thơ ca hò vè. Hôm đó, đầu tháng, Chữ Anh Đào, bạn tôi cao hứng rủ tôi đi cải thiện bữa nhậu bằng thịt chó ở đường Nguyễn Du. Trong buổi đại tiệc ồn ào, bỗng có một người dáng to bè bè, đứng ngay trước mặt tôi. Nhìn nước da trắng hồng, tôi đoán không phải là người tôi quen ở cái thị xã nhỏ bé này. Bạn bè của tôi toàn trong ngành Văn hóa và Giáo dục, mà những ngành đó thời bao cấp cực kỳ đói, nước da người nào cũng xanh xao như ma xó. Thoáng, tôi chợt nhận ra, đứng vụt dậy tôi la lớn: “Anh Thoan! Vào đây từ bao giờ?” Ông Thoan trề chiếc môi dày đỏ mọng: “Gớm! Tìm họa sĩ khó thật! Mới vào sáng nay”. Ông kéo ghế ngồi, chìa tay bắt với bạn tôi. Qua một đôi chum, tôi biết ông Thoan vào Tây Nguyên tiếp tục với công việc sưu tầm nghiên cứu. Nhưng đợt này không có giáo sư Tô Ngọc Thanh, ông ấy bận sang Bungari làm luận án Tiến sĩ khoa học. Trong lúc đưa ly lên cụng, ông Thoan bảo: “Cậu về chuẩn bị tư trang, sáng mai lên đường tiếp tục công việc”. Khuôn mặt ông chẳng có chút vẻ nào đùa cả. Tôi nghĩ cuộc đời chỉ có một lần may mắn thế, làm gì có diễm phúc lần thứ hai! Ấy thế mà có, ông Thoan bảo đó là mệnh lệnh của giáo sư Tô Ngọc Thanh. Giáo sư đã gửi thư vào ông Trịnh Kim Sung, Giám đốc sở Văn hóa Thông tin và Nghệ sĩ nhân dân Y Brơm, đề nghị các ông ấy tạo điều kiện để tôi làm hết phần việc của mình.

Chiếc xe Zeep lùn được thay thế bởi chiếc CaBô cao gầm, bởi trên xe có những năm thành viên. Ba vị thuộc Viện Văn hóa, tôi và ông RơMaDel thuộc Sở Văn hóa cử đi. Qua khỏi huyện Chư Pảh, xe lao như băng vào những lô cao su. Trời Tây Nguyên vào mùa khô, gió tung bụi mù mịt, mới qua một đoạn chừng dăm bảy cây số, mà nhìn lại nhau chỉ thấy những khối hình màu đỏ. Trông thật buồn cười! Cô gái ngồi đằng trước xe là nhạc sĩ Lều Kim Thanh, mới vào Tây Nguyên lần đầu, dáng người mảnh khảnh, ngồi ngửa người ra sau ghế há mồm thở dốc. Liệu cô ấy có chịu nổi đoạn đường sóng trâu dài gần 30km này không? Tôi thầm nghĩ.

Hơn ba tiếng đồng hồ vượt qua bao khe suối, chúng tôi mới đến được nơi cần đến. Trời chiều buông xuống, ráng chiều núp sau mái nhà rông cao vút. Mái nhà rông điểm xuyến cùng ngọn Gưng kapô (cột lễ của người Gia Rai - sau này tôi mới biết). Nhìn theo góc độ Cong sôlây, đẹp làm sao! Nó như một bức tranh thủy mặc đang hiện hữu. Sự đón tiếp nồng hậu của dân làng Iachia khiến chúng tôi quên cả vất vả khổ nhọc trên đường đi. Cô nhạc sĩ như choàng tỉnh sau một cơn say, cái khối hình khẳng khiu đỏ chót, bức tượng đất bị bóp méo nở ngay một nụ cười tròn vành vạnh lộ hai hàm răng trắng ngần. Tối hôm đó, dân làng tập trung đông đúc tại nhà ông Hơ Lô. Trẻ em, ông già, bà lão, thanh niên đều quay quần bên chúng tôi. Ông Hơ Lô khệ nệ bưng ra một vật gì to tròn trong chiếc bao tải buộc dây thừng cẩn thận. Thì ra đó là một chiếc cồng! Ông bảo đây chính là bảo bối của gia tiên để lại. Mỗi lúc có khách quý vào nhà, thì vật gia bảo ấy mới được đem ra đánh để tỏ lòng mến khách. Nghe nói vật gia bảo được ông cố của ông đổi những năm mươi con trâu đực cho một nhà giàu có ở Lào. Ông Hơ Lô bảo mỗi lần tiếng cồng quý đánh lên, tiếng ngân của nó vọng qua hàng chục dãy núi, cả mấy mươi làng gần xa đều nghe thấy. Nghe đâu ông quận trưởng Thuận Mẫn tỉnh Phú Bổn của chế độ Sài Gòn nhòm ngó, cho quân đi lùng sục mãi mà không được. Cha của ông Hơ Lô chôn nó trong khu nhà mả, nhờ ma che chở nó.

Đã hơn một tuần, chúng tôi sống và làm việc ở nhà ông Hơ Lô, dân làng phân công nhau gùi lúa, bắp, chuối, chim, chuột, gà, vịt đến. Họ còn phân công người đến giã gạo, nấu cơm mỗi lúc chúng tôi quá bận rộn với công việc. Thường thì công việc cơm nước vẫn do cô nhạc sĩ và ông RơmaDel đảm nhận, bởi công việc của hai người ấy thường rơi vào ban đêm, lúc mà công việc của nương rẫy của dân làng đã xong. Riêng tôi, hàng ngày phải tranh thủ, khi thì chép trang phục, khi thì chép vật dụng, vì vậy phải đi lùng sục suốt ngày hết làng này, lại lặn lội sang làng khác, mỗi làng cách nhau vài ba cây số đường rừng, có khi cả hàng chục cây số. Có đêm về không được phải ở lại. Có lần đang cặm cụi bước vào làng Plây Bia thì bị đám thanh niên chặn lại, họ làm hung dữ lắm! Hoảng hồn, tôi vội lật mấy bức tranh vẽ phong cảnh các làng lân cận, chìa ra cho người trưởng nhóm xem, người trưởng nhóm xem xong, ánh mặt đã dịu lại, rồi anh ta quay qua nói với cả nhóm bằng tiếng thổ ngữ. Cả nhóm tươi cười xúm lại xem các bức tranh của tôi. Sau đó người trưởng nhóm bảo tôi phải quay trở lại, anh ta chỉ lên ngọn tre khô cắm ở đầu làng, ở đó tôi thấy có một nhành lá (ở miền xuôi gọi là lá Đùng đình, dùng để trừ ma quỷ - tôi biết được điều này từ năm 1972, mọi người dân thành phố đều treo lá này để trừ Ma Quỷ té ra dân Huế bày trò chơi chữ là trừ Mỹ Qua). Tôi nhìn nhánh lá và hiểu là mình đã lạc vào vùng cấm. Sau đó có người bảo với chúng tôi: làng Plây Bia vừa qua xử vụ Ma lai. Chúng tôi tiếc hùi hụi. Mọi người trong Đoàn không có cái may mắn được chứng kiến một dịp hiếm hoi về việc xử Ma lai ở làng Plây Bia. Và Ma lai là gì? Câu hỏi được đặt ra ngay trong đầu tôi. Suốt ngày hôm sau, tôi lại lặn lội vào phía làng Plây Bia, tiếng cồng chiêng râm ran ở phía làng, những nhịp điệu A Tâu buồn bã, không như những lúc làng mở hội. Có chiếc xe đạp đi ra từ phía làng, đằng sau xe chở nhiều thứ cồng kềnh. Thấy tôi, chiếc xe dừng lại, một người phụ nữ ăn mặc nhếch nhác, đầu tóc rối bù, không phải người địa phương. Tôi kịp nhận ra điều đó. Bàn tay thô ráp của chị phe phẩy, chị nói trong cơn thở dốc: “Quay lại đi, chớ vào đó! Ma lai!” Thấy tôi không có vẻ ngạc nhiên, chị trách móc bằng tiếng Bình Định đặc kẹo: “Biết! sao còn dám zô í?” Kéo tay tôi ngồi xuống vạt cỏ, chị kể về con Rơ Lan Nhul: “Nó chẳng phải ma lai ma liếc gì hết, nó là con Rơ chăm Mót bị bệnh hủi lở loét cả người, thế là để triệt cái mầm bệnh quái ác, dân làng gán cho ông ta là ma lai. Nấu chì đổ vào tay thử cho đến chết”. Câu chuyện đó xảy ra cách đây 18 năm, lúc đó con Rơ Lan Nhul mới chưa đầy một tháng tuổi. Tôi sốt ruột hỏi: “Vậy làng đã xử nó chưa?” Người phụ nữ lắc đầu: “Không rõ lắm, nhưng ngày hôm qua, có người làng ra mua của tôi mấy đoạn dây thừng, bảo là cột nó vào đá thả xuống sông, úi zu za! Tội nghiệp con bé, đẹp và hiền lành lắm!”.

Câu chuyện về Rơ Lan Nhul cứ ám ảnh tôi mãi, trong buổi họp Đoàn trao đổi về công việc, tôi có đưa ra thảo luận về cái hủ tục quá tàn nhẫn đến nay còn tồn tại ở làng mà chính quyền lúc đó vẫn thờ ơ. Ông Thoan trưởng đoàn bảo: “Thời buổi Fulro Ful riết thế này! Chắc các ngài sợ đụng chạm!”

Hôm nay, chuyển điểm, trong hành trang tôi mang theo, ngoài những tư liệu mỹ thuật tôi ghi chép được ở Plây Bia, còn có cả sự day dứt về số phận những con người bất hạnh trói buộc trong cái hủ tục quá lạc hậu mà thời gian đó còn chưa kịp tháo gỡ.

Chúng tôi đến thị trấn Azun Pa. Sau khi làm xong các thủ tục với chính quyền địa phương, chúng tôi được đưa đến Ia Trok, làng của người dân tộc Gia Rai đã định cư bên dòng sông Pa này từ lâu. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi đó là những nếp nhà sàn khang trang, những cây gỗ lớn từ thời nào, đã được đưa về đây làm cột, kèo, sàn và đẽo gọt thành những hình nấm vú trên những tay vịn của cầu thang. Trông thật cầu kỳ, hoành tráng! Chúng tôi được đại diện của Hội đồng già làng mời vào ngôi nhà dài hàng chục mét. Ở đây, nhà được phân chia ranh giới một cách rõ nét, gian đầu hồi Đông dành cho các cặp vợ chồng trẻ, gian đầu hồi Tây dành riêng cho các cặp vợ chồng già - họ quan niệm vợ chồng mới cưới như ánh nắng ban mai, đem đến sự sống, còn người già như ánh hoàng hôn le lói, sắp khuất sau đỉnh núi. Nên việc bố trí như vậy là hợp với quy luật. Già làng mời chúng tôi vào gian giữa của ngôi nhà, ở đây được đặc biệt chú trọng trong việc trang trí bằng cả 2 trường phái kim - cổ. Những chiếc ghè xưa đủ loại, từ nhỏ đến lớn, trên bức vách được treo một chiếc xương đầu trâu, trang trí trên cặp sừng là những mô típ hình xương cá bằng xơ tre. Ảnh Bác và những giấy khen, bằng khen được treo nơi trang trọng. Một vuông bếp lớn được đặt ngay giữa nhà. Chúng tôi được già làng mời ngồi chung quanh bếp. Già làng Kơ So Van cho biết trong ngôi nhà này tồn tại đến sáu gia hệ, bao gồm: 20 nhân khẩu từ chít trở lên. Một bữa tiệc thịnh soạn diễn ra, toàn những thức ăn Kinh hóa, duy nhất có một món dê nướng may ra còn không khí dân gian một chút, nhưng cũng đã được ướp tẩm theo người Kinh chứ chẳng còn nguyên vẹn. Những ghè rượu say khướt trong màu mắt người Gia Rai đã vơi dần khi buổi chiều buông xuống. Lửa đã được thổi bùng lên, cồng chiêng cũng được nổi lên dồn dập, theo nhịp xoang của các cô gái, lần đầu tiên tôi thấy một tiết tấu dữ dội như vậy. Ông Thoan là người chuyên sưu tầm nghiên cứu múa Dân gian cũng thốt lên: “Dữ dội quá!” Một thời gian, sau khi tìm hiểu, ông Thoan mới ngớ người vì biết đó là tiết tấu và điệu múa của một lính Mỹ, sáng tác dựa trên nền dân gian dân tộc Gia Rai. “Thảo nào trông kích động gớm!” - Chị Lều Kim Thanh bảo thế. Sống ở cái làng “tiến bộ” này, làm cho mọi người chán. Riêng tôi, không những không chán mà trái lại có quá nhiều việc để làm. Chưa có nơi nào tôi qua mà có nhiều tư liệu mỹ thuật dân gian như ở nơi này, từ các vật dụng sinh hoạt, trang phục, kiến trúc nhà rông, nhà ở, nhà mồ, vân vân và vân vân, tất cả đều rất đậm đặc của dân tộc Gia Rai.

Mấy bữa nay, chị Lều Kim Thanh rỗi việc, chị gác máy Cassetter ở nhà ôm kẹp vẽ và đi theo tôi. Hơn một tháng này, giờ tôi mới biết thân phận của chị. Chị vốn xuất thân từ một gia đình “nòi”, có truyền thống âm nhạc, chị nguyên là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi môn lý luận âm nhạc. Hèn chi thời gian qua ít khi thấy chị sử dụng đến chiếc máy Cassetter. Một dàn chiêng đánh lên nhiều bè thế mà chị vẫn ghi được từng bè, từng nốt. Anh Thoan bảo chị có lỗ tai vàng, chị rất khiêm tốn nói năng nhỏ nhẹ, giọng con gái Hà thành nói hay như chim hót! Có nhiều khi tôi vụng khen chị như thế. Thời gian gần đây chị rất quan tâm tới tôi, từ bữa ăn đến tất cả mọi thứ chị đều ưu ái cho tôi. Chị bảo tôi là em út ngoan của Đoàn, không cưng sao được!

Thời gian đã kết thúc, thế là gần ba tháng mùa khô trôi qua một cách nhanh chóng. Sáng hôm đó, tôi cùng với ông Trịnh Kim Sung - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin đưa đoàn ra sân bay Cù Hanh. Ngồi trên xe, ông Sung quay sang tôi, bảo: “Đoàn đi nhưng cậu vẫn còn ở lại tiếp tục với công việc, chặng đường còn rất dài, cậu phải cố gắng!” Tôi chợt hiểu: Ngoài những trận đánh lớn phối hợp tác chiến, nhiệm vụ của tôi là phải một mình một ngựa trên con đường gian nan này! Tôi nhìn chị Lều Kim Thanh, đưa ngón tay cái lên, chị cũng làm như vậy, rồi nhìn ra phía ngoài cánh cửa hun hút.

Kon Tum tháng 3 năm 2000
P.S
(TCSH325/03-2016)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nét Xuân... (25/03/2016)
Hồi Quang (21/03/2016)
Giếng cát (21/03/2016)