HÀ KHÁNH LINH
Trích tiểu thuyết (Chương 8)
Thụy Lâm nấu nướng trong gian bếp mà không để lọt tai bất cứ động tĩnh nào, lời tiếng nào của ông bà nội với cu cậu cháu đích tôn Nguyễn Phúc Trường Sa mười ba tháng tuổi mà mồm miệng thì láu lỉnh, chân tay thì nhanh như sóc ở hàng hiên với khoảng sân rộng ngoài kia. Thế nhưng cu cậu nào có chịu để cho ai gọi là “sóc” đâu, cứ phải gọi là “Chồn” mới chịu thưa chịu dạ mà phải là “Chồn Alpha” cơ! Con với cái! Một phần là do ông bà nội quá cưng chiều đó mà!...
- Trường Sa! Trường Sa đâu rồi!
Lại có tiếng ông nội gọi. Nó vừa quậy bà nội xong. Bà ngồi trên hàng hiên gói buộc mấy thứ quà để gởi đi đảo cho bố nó. Bà nội vừa quát xong nó bỏ chạy biến vào góc sân. Lại có tiếng bước chân ông nội nó lật đật trên sân vừa cất tiếng gọi:
- Trường Sa! Trường Sa!... Bắt được rồi! Bắt được “Chồn Alpha” rồi! “Chồn Alpha” của ông đây rồi!...
Thụy Lâm hiểu chắc chắn là cậu con trai yêu quý của mình đã lại chui vào cái hốc giữa gốc cây hoa hải đường với bể non bộ thả cá vàng cá đỏ. Từ khi bố nó - Nguyễn Phúc An Khang “gởi ngược” tờ báo Quân Đội Nhân Dân từ quần đảo Trường Sa về đất liền cho ông nội của nó - cựu chiến binh Nguyễn Phúc Nhân đọc bài báo dịch từ báo Mỹ viết về trận hải chiến của Hải quân Mỹ phối hợp với quân đội Sài Gòn năm 1967 săn bắt Chồn Alpha. Chồn Alpha là mật danh của chiến dịch mà đối phương đặt cho tàu không số mang ký hiệu 198 của đơn vị ông chở vũ khí từ Bắc vào Nam chuẩn bị cho Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968. Các cựu chiến binh cứ đọc và luận bàn mãi về 198 Chồn Alpha đến nỗi cu cậu mới biết đi biết nói cũng suốt ngày “Chồn Alpha, Chồn Alpha”… Ông nội bồng cháu phủi bụi ở vai áo rồi bước về phía bà. Ông đặt cháu lên ghế rồi ngồi xuống bên giữ cho bà buộc dây chằng thùng bìa cứng, bên trong đầy ắp bánh kẹo, áo ấm, thư, ảnh - rất nhiều ảnh của Chồn Alpha chụp chung với ông bà nội, với mẹ, đặc biệt là bức ảnh cu cậu Trường Sa ngồi ở giữa ông nội với các bạn cựu chiến binh của ông -tựa như một nhụy hoa sặc sỡ giữa bông hoa sáu cánh. Một trong sáu “cánh hoa” ấy là đồng đội cùng sống sót sau trận hải chiến năm ấy, cũng là hai chiến binh trẻ nhất bơi được vào bờ… Bà nội bồng Trường Sa, ông nội bưng thùng quà đi vào nhà. Trường Sa vội vàng tụt khỏi tay bà nội chạy đến bên mẹ - cũng vừa lúc Thụy Lâm dọn cơm xong. Thụy Lâm bồng con nói.
- Con mời bố mẹ xơi cơm cho nóng.
Đặt thùng quà ở góc nhà, ông Nguyễn Phúc Nhân ngồi xuống bên bàn ăn:
- Lại có món ốc nấu chuối và món cá kho riềng cho bà đấy!
- Phần ông hai cái tỏi gà còn gì? - Bà cười vừa xới cơm ra bát nói:
- Ông phần cho Trường Sa một cái. Mẹ con nó làm gì mà chưa ra cùng ngồi ăn? Ông nói.
- Dạ, mời bố mẹ xơi trước, con tắm nhanh cho cháu rồi ra ngay ạ.
- Thôi mình ăn đi! Bà nói và ấn đôi đũa vào tay ông.
Nguyễn Phúc Nhân làm theo lời vợ cầm đũa, bưng bát vừa đưa mắt nhìn thùng quà. Thụy Lâm bồng cháu đặt cạnh bà rồi đi lấy cây bút dạ bước về phía thùng quà. Ông nhìn con dâu rồi thầm nghĩ: Rõ khéo! Đúng là vợ nào chồng ấy! Sao mà tính nết chúng nó giống nhau thế không biết! Bố thằng Trường Sa cũng vậy, chưa làm xong hết việc thì đố mà bảo nó ngồi vào mâm được!
Thấy con dâu đang xoay trở thùng quà, bà nói:
- Tuy hai chai rượu đã khằng kỹ rồi nhưng mẹ vẫn xếp theo trục đứng với những gói thịt khô, lạp xưởng bó ở chung quanh… Đấy, con cứ theo cái nuộc dây đỏ ấy mà tính.
- Dạ vâng ạ.
Thụy Lâm nghe lời mẹ chồng, định vị trục đứng của những chai rượu rồi đề lên nắp thùng quà gởi Nguyễn Phúc An Khang - đảo Thuyền Chài, Binh Đoàn Trường Sa. Thụy Lâm nghĩ mẹ cẩn thận gượng nhẹ xếp đồ khô theo trục ngang, dung dịch lỏng theo trục đứng… Một khi đã chất lên xe tải, đã đưa xuống hầm tàu thủy thì có mà trục đứng với trục ngang!
Quả đúng đây là một thùng quà đặc biệt, theo lời bố. Nếu không phải của cô Nghiêm Doãn Lan Chi gởi cho thì việc gì phải gởi rượu ra đảo? Nhưng bố nói cũng có lý - Ở biển xa có ngụm rượu, nhất là vào dịp lễ Tết cũng ấm lòng lắm. Huống nữa đây là một chai Hồng Tây phượng, một chai Ngũ vị Lương kèm với lạp xưởng với thịt dê ướp sấy và tấm lòng của cô Nghiêm Doãn Lan Chi… Khi Thụy Lâm chuyển ngành đi học khóa Trung cấp kế toán cũng là thời gian mang thai Nguyễn Phúc Trường Sa. Sinh con xong thi tốt nghiệp rồi xin làm việc ở khu công nghiệp Vũng Áng. Tại đây gặp và quen biết với cô kỹ sư xinh đẹp Mã Phi Phụng rồi qua Mã Phi Phụng được quen biết với cô Nghiêm Doãn Lan Chi - trợ lý Tổng hợp, nên cô Nghiêm Doãn Lan Chi đưa Thụy Lâm về làm thư ký kiêm lễ tân. Được biết chuyện tình của vợ chồng Thụy Lâm Nguyễn Phúc An Khang cô cảm kích và thích thú lắm, nhất là khi nghe nói đoàn nghệ thuật năm ấy đi phục vụ ở Trường Sa, tàu Hải quân ghé qua các đảo chìm đảo nổi “đặt” một vài ca sĩ ở đó để biểu diễn phục vụ các cán bộ chiến sĩ đang đóng chốt trên đảo, xong tàu lại quay về đón lần lượt. Thụy Lâm được “đặt” lên đảo Thuyền Chài. Tại đây cô biểu diễn hai tiết mục. Khi bài ca vừa dứt thì một chàng hải quân trẻ bẽn lẽn chạy lên tặng chùm bông hoa dừa màu tím nhạt mà anh tự tay trồng trong một thùng xốp đặt ở góc công sự. Khi tàu vừa về đến đất liền Thụy Lâm đã nhận được thư anh, trong đó có đoạn “… Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được - Em ơi, lời bài ca đã nói hộ anh rằng vẻ đẹp của em chẳng người con gái nào trên đời sánh được! Em là tinh hoa của đất trời cộng lại, em là tình yêu của anh!...” Về phía Thụy Lâm cũng lấy làm ngạc nhiên với cả chính mình, đã nhanh chóng đáp lại tình yêu của chàng lính đảo. Bạn bè và gia đình càng ngạc nhiên hơn vì nhiều chàng trai đang quay quắt đeo bám Thụy Lâm, trong đó có đám được cha mẹ nàng cho là được cả người lẫn nết, được cả gia phong lẫn tài sản… Thế rồi chàng lính đảo được nghỉ phép hai tuần về quê cùng cha mẹ mang sính lễ đến Cố đô Huế hỏi cưới vợ. Tuần trăng mật ngắn ngủi của đôi vợ chồng trẻ đã kịp kết tinh nên một Nguyễn Phúc Trường Sa mũm mĩm, khỏe mạnh, xinh tươi mà ông bà nội ngoại đều rất mực thương yêu và quý báu. Cô Nghiêm Doãn Lan Chi cũng rất quan tâm đến bé Trường Sa. Thỉnh thoảng có cuộc liên hoan trong công ty hay xí nghiệp, anh chị em đều yêu cầu Thụy Lâm trình bày hai ca khúc về Huế yêu thương mà cô đã từng hát ở Trường Sa. Những dịp như thế Thụy Lâm được nhận cát-sê rất đặc biệt. Cô Nghiêm Doãn Lan Chi nói:
- Đây là cát-sê cho “Nét dịu dàng sâu lắng trầm tư…”.
Ai mới nghe không khéo lại tưởng là nói về cái vẻ bên ngoài của Thụy Lâm. Một số công nhân cả người Việt và người nước ngoài nói:
- Đề nghị ban giám đốc không phải để cho cô Thụy Lâm làm bất cứ công việc gì hết, mà chỉ để hát “Huế thương” và “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”… cho chúng tôi nghe là đủ… tăng năng suất rồi!...
Ngày trước Thụy Lâm chỉ biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mình qua kiến thức phổ thông, nhưng từ khi có chồng là lính đảo Thụy Lâm đã gắn bó với đảo hơn, hiểu đảo kỹ hơn. Vậy nên thỉnh thoảng có ai đó bất ngờ hỏi về bất cứ một thực thể nào của Hoàng Sa hay Trường Sa, ví như Phú Lâm, Vành Khăn, Chữ Thập, Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Tây, Suối Ngà, Suối Ngọc… chẳng hạn thì Thụy Lâm sẽ nói ngay cho họ nghe, họ chép về vị trí, tọa độ, hình dáng, đặc thù, diện tích và cả khí hậu, thổ nhưỡng… Có người tưởng rằng đó là những tri thức Thụy Lâm học được từ chồng. Từ Nguyễn Phúc An Khang ư? Có chăng đó là những hiểu biết về các thế hệ nhà đảo. Nhà đảo mà thế hệ Nguyễn Phúc An Khang đang đóng giữ hiện nay cũng là hệ nhà đảo mà Thụy Lâm đã được chứng kiến là nhà đảo đời thứ năm. Đời nhà đảo thứ nhất đóng trên các đảo chìm kể từ khi quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Những chiếc pông tông quân Mỹ vốn dùng để đựng vũ khí đạn dược đã được quân ta sử dụng như một doanh trại nổi bằng sắt, ngoài chức năng làm kho vũ khí, công sự, còn là chỗ ăn ở, vui chơi, giải trí… “Căn cứ” nhà đảo đầu tiên này có nhiều bất tiện nên không lâu sau đó đã được thay thế bằng thế hệ nhà đảo thứ hai, đó là những ngôi nhà cao cẳng được định vị trên các đảo chìm. Chân nhà có chỗ đúc bằng bê tông cốt thép, có nơi bằng cột gỗ cắm sâu xuống nền đá san hô, mái lợp tôn. Mùa hè nắng chan rát bỏng, mùa đông lạnh buốt xương. Đến đời nhà đảo thứ ba thì để khắc phục tình trạng trên nên được thiết kế như những chiếc lô cốt, nắng nóng khó chạm đến da và lạnh khó đến xương hơn. Rồi đến đời nhà đảo thứ tư là những ngôi nhà hai tầng bê tông cốt thép khang trang bề thế trông xa tựa những ngôi thủy tạ thơ mộng của các ông hoàng bà chúa kiểu như Hoàng đế thi sĩ Tự Đức. Và đời nhà đảo thứ năm hiện nay là những ngôi nhà ba tầng đầy đủ tiện nghi. Tất nhiên nắng biển nhiệt đới vẫn nóng và gió biển mùa đông vẫn rét buốt, nhưng chỗ ăn chỗ nằm tươm tất, có chỗ sưởi ấm, có chỗ tắm nắng, có bồn chứa nước ngọt, và tất nhiên có cả “vốn” đất hiếm hoi để trồng rau xanh, trồng hoa. Bông vạn thọ nở, rau muống, rau mồng tơi leo bò miên man chung quanh vách công sự, và điều đáng nói hơn cả là một hệ thống lan can vững chắc tuyệt đẹp cho người lính khi cần có thể tựa ngắm biển trời bao la và mơ mộng… Thỉnh thoảng có việc về Trường Sa Lớn thì được ngắm đường phố, ngắm chùa, ngắm trường học với đàn em ríu rít bên thầy cô giáo, ngắm đường băng thẳng tắp thênh thang, gặp trạm khí tượng thủy văn, gặp cảng cá…
- Con có nhớ kẹp cái thư của bố vào trong áo ấm cho nó không?
Câu hỏi của bố chồng kéo Thụy Lâm trở về với thực tại.
- Dạ có ạ. Thư bố, thư con đều… đặt trong áo ấm cho anh ấy.
- Ừ, được…
- Áo ấm mẹ Lâm đan cho bố Khang…
Trường Sa nuốt vội miếng cơm, chu đôi môi đỏ chót nói.
- Đúng rồi! Mẹ Lâm đan áo cho bố Khang mặc ấm ở đảo…
Bà nội dỗ cháu ăn vừa nói tiếp lời cháu.
Thụy Lâm đã làm đúng như lời bố chồng dặn. Ông Nguyễn Phúc Nhân giải thích:
- Khi người lính vui mừng mở chiếc áo ấm ra bất ngờ thấy bức thư của người thân… càng ấm hơn!...
Thụy Lâm hiểu cảm giác này của bố chồng. Bởi vì ông cũng từng là người lính. Ba của Thụy Lâm trong Huế cũng từng là lính, nhưng ông chiến đấu ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc rồi đi làm nhiệm vụ quốc tế đánh đuổi quân Polpot giải phóng nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Từ nhỏ đến lớn được nghe ba nói về những kỷ niệm thời binh lửa. Giờ đây, luôn được nghe bố chồng cũng chuyện thời binh lửa. Mỗi chiến trường, mỗi vị trí chiến đấu đều có sự khốc liệt của riêng nó. Đặc biệt trường hợp của bố chồng còn là một nỗi đau mấy mươi năm nay giờ đây mới được giải tỏa. Trong lúc con dâu nghĩ về tâm tư của bố chồng, thì bố chồng cô - ông Nguyễn Phúc Nhân lại miên man về những gì đã viết cho con trai trong bức thư dài… Một lần nữa ông lại nói lời cảm ơn con trai đã “gởi ngược” tờ Quân Đội Nhân Dân từ đảo về đất liền cho bố. Trước đó đã mấy lần nói chuyện với con qua điện thoại, nhưng chưa thể nói hết những cảm xúc đang trào dâng trong ông. Con trai chứng kiến những trăn trở của bố vì sao tàu không số mang ký hiệu 198 được châm ngòi cho bộc phá nổ để phá hủy tàu - khi bị địch phát hiện - nhưng bộc phá không nổ. Thì nay bài báo dịch từ một tờ báo Mỹ kể lại sự kiện Chỉ huy trưởng Charles Stéphen triển khai chiến dịch Chồn Alpha trên Biển Đông năm 1967. Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ lúc bấy giờ tại Việt Nam là Kenneth Veth đã đánh giá rất cao chiến công này của Charles Stéphen và toàn đơn vị tham gia chiến dịch Market Time, bởi đây không phải lần đầu Hải quân Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh thắng tàu chở vũ khí của Việt Cộng trên Biển Đông - kể cả sự kiện tháng 2/1965 tại Vũng Rô - là một chiến thắng hoàn hảo nhất. Nguyễn Phúc Nhân và những đồng đội còn sống sót của ông còn nhớ rất rõ đêm hôm ấy 14/7/1967 khi tàu đang lướt trên Biển Đông ở vĩ độ 15,8 thì bị địch phát hiện, nên tàu được lệnh tăng tốc tối đa để mau mau tiếp cận với bờ biển ở khu vực Quảng Ngãi. Khi tàu vào gần giáp bờ đảo Lý Sơn thì bị tàu địch bám đuổi theo ráo riết. Chúng bật đèn pha và bắn pháo sáng làm cả một vùng trời vùng biển rực lên như giữa ban ngày! Thuyền trưởng phát lệnh chiến đấu và tiếp tục tăng tốc. Bọn địch cũng bắt đầu phát loa kêu gọi đầu hàng. Nhưng đáp trả chúng là những loạt đạn. Đối phương cũng tăng cường hỏa lực. Khi vừa tiếp cận cửa Sa Kỳ thì tàu 198 bị mắc cạn. Thuyền trưởng phát lệnh cho cán bộ chiến sĩ rời khỏi tàu đồng thời phát lệnh cho nổ bộc phá để phá hủy tàu. Đạn của hai phía dội vào nhau như vãi trấu! Một số cán bộ chiến sĩ hy sinh, số bị thương nặng sau đó được chuyển về hậu phương lớn điều trị, riêng Nguyễn Phúc Nhân và Nguyễn Quang Vinh bị thương nhẹ - cũng là hai người trẻ nhất về sau gia nhập Quân Giải phóng tiếp tục chiến đấu cho đến 1976 mới trở lại quê nhà, mới tìm gặp đồng đội ngày ấy ai còn ai mất, riêng Thuyền trưởng, tuy chỉ nhận hình thức kỷ luật ở mức độ thấp nhưng lòng ông luôn đau nhức suốt mấy chục năm qua: Vì sao bộc phá được kích hoạt đúng bài bản mà không nổ? Giờ đây bài báo Mỹ viết: 1 giờ 30 sáng 15/7/1967 khi Chồn Alpha cách bờ biển Quảng Ngãi chừng ba hải lý thì Hải quân Mỹ bắt đầu nã đạn về phía nó. Cuộc rượt đuổi và bắn nhau trên biển kéo dài, quân Mỹ nã đạn súng cối, dội đạn phospho lân tinh tới tấp về phía Chồn Alpha cho đến khi Chồn Alpha mắc cạn ở cửa Sa Kỳ và bốc cháy. Trời sáng. Việc đầu tiên là Hải quân Sài Gòn và Hải quân Mỹ cử chuyên gia thuốc nổ lên Chồn Alpha để tìm cách vô hiệu hóa hệ thống thuốc nổ. Chuyên gia thuốc nổ Eddie Knaup phát hiện ra rằng đạn cối của Hải quân Mỹ bắn vào Chồn Alpha trước đó đã ngẫu nhiên phá hỏng hệ thống kích nổ. Ông còn cho biết thêm rằng Chồn Alpha được thiết kế rất tinh xảo, rất khoa học! Với hơn hai ngàn bánh thuốc nổ TNT nó mang theo được cài đặt một cách hết sức khéo léo để tự kết liễu mình khi không còn chọn lựa nào khác! Nhưng rất tiếc (!) nó vẫn còn lại đây với hơn chín mươi tấn vũ khí các loại còn nguyên vẹn…
Báo Quân Đội Nhân dân kết luận: Chồn Alpha chính là tàu không số mang ký hiệu 198 của ta. Đọc xong bài báo Nguyễn Phúc Nhân bật lên hai tiếng “Đây rồi”! và nước mắt trào ra. Ông lật đật điện thoại cho Nguyễn Quang Vinh. Nguyễn Quang Vinh đến đọc xong bài báo rồi cả hai điện thoại cho người Thuyền trưởng năm xưa đang sống tại Đà Nẵng…
- Dẫu bây giờ không còn truy cứu gì nữa, nhưng ít ra cũng để cho anh ấy giải tỏa được nỗi niềm băn khoăn trăn trở gần suốt nửa thế kỷ qua vì sao bộc phá không nổ - Nguyễn Phúc Nhân nói.
Cảm ơn con trai đang đồn trú ở đảo xa đã gởi tờ báo về cho bố. Cảm ơn báo Quân Đội Nhân Dân đã dịch và in…
Sự kiện tàu không số 198 Chồn Alpha lúc này không phải “của riêng” hai cựu chiến binh Hải quân năm ấy, mà là cả Hội Cựu chiến binh thành phố, cả phố, cả làng… ai cũng quan tâm, vậy nên cái thùng quà chuẩn bị gởi đi Trường Sa cho Nguyễn Phúc An Khang mới to mới nặng đến thế!
- … Trường Sa ơi! Bố mày! Chồn Alpha! Thằng Chồn Alpha đâu?
- Dạ.
- Bố tên gì?
- Dạ Nguyễn Phúc An Khang.
- Mẹ tên gì?
- Dạ Nguyễn Thụy Lâm.
- Mẹ làm gì?
- Dạ làm kế toán.
- Bố làm gì?
- Dạ bố lau súng ngoài đảo Trường Sa…
- Cha bố anh!... Con nhà Thụy Lâm, con nhà An Khang, cháu đích tôn ông Nguyễn Phúc Nhân!... Bố nhà nó ở đảo chỉ để lau súng thôi sao?!...
- Trẻ con là vậy mà! Nghe người lớn nói chuyện với nhau, nó hóng hớt được điều gì thì cứ lặp lại điều đó. Nhờ thế mà mẹ nó đỡ nhớ chồng đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở đảo xa. Chả là nghe mẹ nó nói lính đảo mỗi ngày phải lau vũ khí hai ba lần, vì gió biển có vị mặn…
Ông Nguyễn Phúc Nhân gọi to:
- Vậy hóa ra mẹ thằng Trường Sa không gởi đoạn băng ghi âm ấy ra đảo cho bố nó hả?
- Dạ có chứ ạ! - Thụy Lâm tay vẫn cầm máy ghi âm nhỏ trả lời bố chồng - Con đã gởi vào thùng quà rồi. Đây là con nghe thử lại bản gốc cho vui thôi…
- Thế mà bố cứ tưởng… Gớm! Giọng của ông Quang Vinh với thằng Chồn Alpha cứ sang sảng…
- Dạ thưa chú, bố cháu đang ở nhà, mời chú vào nhà ạ.
Nghe tiếng con dâu chào mời khách và tiếng đáp lại, ông Nguyễn Phúc Nhân bước ra đón người bạn cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh đang tay xách nách mang mấy thứ.
- Thiêng thế! Bố con ông cháu nhà tôi vừa mới nhắc đến ông xong…
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh thận trọng đặt lên bàn mấy tập bài vở với báo chí lướt mắt nhìn cả nhà nói:
- Vừa đi phô tô bài báo trên tờ Quân Đội Nhân Dân đấy, chả là không những anh em Hội Cựu chiến binh mà bà con cô bác ai biết chuyện cũng đòi xin một bản… Vậy nên nhân thể phô tô hơn trăm bản.
- Ấy thế thì tốn tiền của ông quá!
Vợ Nguyễn Phúc Nhân bưng nước lên mời khách vừa lên tiếng.
- Không sao! Cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh tươi cười nói - việc đáng tốn thì phải tốn chứ ạ?
H.K.L
(TCSH326/04-2016)