Tạp chí Sông Hương - Số 326 (T.04-16)
Để có phòng tranh “Niệm”
08:23 | 25/04/2016

ĐẶNG MẬU TỰU  

Một sáng giữa tháng 2, tình cờ tôi được nhóm họa sĩ trẻ nội thành mời uống cà phê ở đường Thạch Hãn. Hôm ấy có khá đông anh em nhóm trẻ ở cà phê Rider, lâu mới gặp, chuyện trò rôm rả trên nền tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly quen thuộc cùng những ca khúc Trịnh Công Sơn.

Để có phòng tranh “Niệm”
Tranh của Nguyễn Đăng Sơn

Bỗng ai đó nói: mới đó mà Trịnh Công Sơn mất đã 15 năm rồi! Câu nói làm mọi người lặng đi. Ai cũng có ý nghĩ riêng. Mọi người đều đồng tình nên làm cái gì đấy bằng nghề nghiệp của mình để nói về Trịnh Công Sơn.

Một tuần sau, họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn gọi điện cho mọi người, ngày 28/2 này là sinh nhật của Trịnh Công Sơn, “em đã chuẩn bị sẵn tole và màu Acrylic kể cả sơn mài, các anh đến cùng vẽ cho vui anh nhé”. Nguyễn Đăng Sơn thông báo cho anh em trong nhóm như: Nguyễn Đình Dàng, Nguyễn Quốc Sơn, Nguyễn Ánh Dương, Vũ Duy Tâm, Phạm Thanh Sơn, Tôn Thất Minh Nhật, Trần Xuân Minh, Nguyễn Văn Lập, Tường Vân. Nhóm còn mời thêm họa sĩ Đặng Mậu Triết, Phạm Trinh và có cả tôi.

Khởi sự từ ngày 26/2, ai đến trước vẽ trước. Nhưng tối hôm trước họa sĩ Đặng Mậu Triết đã đến và vẽ luôn trong đêm 3 bức ghép lấy cảm xúc từ tác phẩm Như cánh vạc bay. 9 giờ sáng ngày 26 tất cả mới vào việc với không khí quá vui, quá hồ hởi. Mỗi người mỗi góc say mê làm công việc của mình trên nền nhạc Trịnh Công Sơn lan tỏa khắp không gian. Cảm xúc ngập tràn, lời nhạc đầy chất thơ, lãng mạn và triết lý sâu sắc thâm thúy nhưng hết sức gần gũi với nhân gian… chúng tôi vừa vẽ vừa chiêm nghiệm, ai cũng muốn đem hết ý tưởng những bài hát của Trịnh Công Sơn vào tranh của mình. Có người muốn nói đến Trịnh Công Sơn với những khía cạnh trong cuộc đời, có người cảm từ bài hát bằng một hình ảnh hoặc bằng những ý niệm, bằng những rung cảm với những hình tượng. Nguồn cảm hứng cứ ào ạt đến, mọi người không biết mệt mỏi, không biết giờ giấc. Những nét cọ cứ tung tẩy vì cái hào sảng khí phách của cố nhạc sĩ đã truyền sang. Có người cẩn trọng chắt lọc trong cái tính chất đầy triết lý, hay lung linh ảo mờ trong cái mang mang một trời sương khói. Tất cả những điều đó đã làm nên tác phẩm, cái cảm từ trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn và từ nhân cách sống của một thiên tài, một con người luôn sống trong lòng mọi người yêu mến anh.

Nguyễn Đăng Sơn chu đáo đến mọi thứ, làm cho anh em hết sức cảm kích. Buổi ăn trưa Sơn dọn ra chỉ đơn giản nhưng lại có “rượu ngoại” (rượu nếp của bà ngoại cu Son - con trai đầu của Sơn - làm ra) và bia để anh em uống lấy cảm hứng. Có người vừa ăn vừa nhìn vào tranh của mình thấy chỗ nào chưa vừa ý lại hứng lên cầm cọ sửa chữa, thành ra bữa ăn thiếu tính nghiêm túc như có người đã phê bình, nhưng đem lại hiệu quả sáng tác rất tốt. Nguyễn Đăng Sơn đề nghị anh em ta nên có một tác phẩm chung, thế là tấm tole rộng 2m lại được đóng lên tường, lấy ảnh Trịnh Công Sơn đang đàn và hát phóng to lên và phân công cho Vũ Duy Tâm phát hình vì anh em rất phục tài vẽ chân dung của Tâm. Thế là buổi chiều hôm ấy trở thành một buổi sáng tác tập thể. Hôm ấy có những họa sĩ hay những người dự khán nhưng cũng tham gia để ký vào bức tranh chung để chứng nhận mình cũng có mặt ở sự kiện này. Đây là một niềm vui bất chợt và đầy thú vị. Chiều tối, anh em nào còn sức thì ngồi lại rôm rả bình phẩm tranh còn đa số đã về vì thấm mệt. Nguyễn Đăng Sơn thông báo còn một ngày nữa để hoàn chỉnh. Sau ngày đó, anh em lại về với công việc của mình nhưng cũng có một số tiếp tục đến xưởng vẽ của Sơn để hoàn chỉnh tác phẩm. Nhà thơ Lê Tấn Quỳnh đến thăm xưởng vẽ của Sơn và gợi ý các tác phẩm này có thể triển lãm ở Tạp chí Sông Hương. Vài hôm sau tôi trao đổi với nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương về chất lượng số tranh đã sáng tác. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã đồng ý sẽ tổ chức triển lãm vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguyễn Đăng Sơn đề nghị anh em hoàn chỉnh tác phẩm và thêm một ngày nữa vẽ thêm một số tác phẩm mới để đủ số cho một phòng triển lãm. Trong số tác phẩm mới ngày hôm ấy, đáng nói là tác phẩm sắp đặt của Tôn Thất Minh Nhật, với ý tưởng thể hiện các bài hát của Trịnh Công Sơn bằng cách in các bài hát ấy lên cây đàn ghi-ta. Thế là họa sĩ Vũ Duy Tâm chuyển ngay cây đàn của mình cho Nhật, và Nhật đã biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Nhật đã thay lại dung mạo cây đàn, sơn màu trắng, sắp đặt in lên đó các tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn - một tác phẩm khá độc đáo. Kết quả của những ngày sáng tác đã có đến 27 tác phẩm của 12 tác giả, một cuộc triển lãm khá đầy đặn và chất lượng, trong đó có một tác phẩm vẽ chung, 1 tác phẩm sơn dầu, 1 tác phẩm sơn mài, 1 tác phẩm sắp đặt và số còn lại là Acrylic.

12 tác giả đều có nội lực và vững vàng trong nghề nghiệp, có một cách cảm riêng về Trịnh Công Sơn. Họ đều có chung một niềm vui là đã làm được một việc ý nghĩa để thể hiện sự kính trọng một nhân cách, một bậc tài hoa nghệ thuật trong thiên hạ ngày nay. Qua những cảm xúc được thể hiện ở các tác phẩm đã cho thấy tấm lòng của họ với Trịnh Công Sơn. Mỗi người yêu kính Trịnh Công Sơn đều có cách thể hiện riêng; với các họa sĩ, họ đã nhớ bằng cách “NIỆM”.

Đ.M.T
(TCSH326/04-2016)






 

Các bài mới
Bức tranh (06/05/2016)
Các bài đã đăng
Niệm (22/04/2016)
Một nét Huế (21/04/2016)
Tân Hình Thức (19/04/2016)