Tạp chí Sông Hương - Số 40 (T.01-1990)
Một trường học đặc biệt
08:31 | 14/07/2016

HOÀNG ANH

Ngày 1 tháng 9 năm 1939 Phát xít Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Tiếp theo đó chính phủ bình dân Pháp bị đổ, chính phủ phản động lên cầm quyền.

Một trường học đặc biệt
Biến nhà tù thành trường học cách mạng - Ảnh: internet

Cuối tháng 9, chính phủ phản động ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp. Ở Đông Dương tên toàn quyền Catơru (Catroux) ra nghị định giải tán các tổ chức ái hữu, nghiệp đoàn. Những đợt khủng bố cộng sản xẩy ra khắp nơi. Ở Thừa Thiên Huế những vụ soát nhà bắt cộng sản xảy ra liên tục từ cuối tháng 9 khắp 6 Huyện và Thành phố Huế. Vì phần lớn cán bộ và Đảng viên ở Thừa Thiên Huế đã lộ mặt trong những năm hoạt động công khai, hơn nữa vì trong nội bộ có mấy tên phản Đảng, cho nên địch đã nhanh chóng bắt trúng và bắt gần hết cán bộ và Đảng viên. Trong số các đồng chí bị bắt lần này có các anh Lê Thế Tiết, Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên, Phan Văn Đạt, Trần Lưu, Hoàng Thái, Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu). Nữ thì có chị Lê Thị Quế. Anh Nguyễn Chí Thanh bị bắt từ tháng 7 năm 1939 cũng bị giam chung một phòng với anh em mới bị bắt. Tôi bị giam chung một phòng với Phan Văn Đạt.

Hằng ngày địch lần lượt bắt các đồng chí chúng ta đến Sở mật thám tra tấn cực kỳ dã man: dí điện vào những nơi hiểm yếu trong người, lộn mề gà (trói hai tay sau lưng và lộn ngược lên đàng đầu làm hộc máu ra miệng ra mũi), đánh vào hai mu bàn chân... Nhiều đồng chí của ta bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần. Người bị tra tấn nhiều nhất là anh Lê Thế Tiết.

Bọn mật thám muốn buộc anh Tiết khai ra tổ chức và cơ quan của Xứ ủy Trung kỳ nhưng chúng đã không làm được. Trong khi hỏi cung chúng tôi bọn mật thám tỏ ra biết khá rõ về tổ chức và hoạt động của Đảng ta. Thấy như vậy một số đồng chí sinh ra nghi ngờ các đồng chí bị hỏi cung trước mình. Phan Văn Đạt cũng bị gọi lên Sở mật thám nhiều lần. Mỗi lần từ Sở mật thám trở về, Đạt đều đấm lưng, đấm vai, nhăn mặt kêu vang đau đớn vì bị tra tấn. Chúng tôi nghĩ rằng Đạt giữ một trọng trách trong Đảng cho nên bị tra tấn nhiều là điều khó tránh. Không ai tỏ ý nghi ngờ Phan Văn Đạt.

Một hôm trong lúc nhiều đồng chí ngồi tán gẫu với nhau, đánh đố nhau đoán xem địch sẽ kết án từng người bao nhiêu năm tù? Tôi không nhập bọn với anh em mà khoác vai Đạt vừa đi vừa nói: "Anh Đạt này, ta cứ để cho bọn nó ở tù mục xương, tôi với anh chúng ta về nhà thôi, ở tù làm gì cho mệt xác nhỉ". Ý định của tôi là nói cho vui. Người khác thì còn có hy vọng lĩnh án nhẹ, còn Đạt cũng như tôi, thì chắc chắn sẽ lĩnh án nặng nhất trong những đồng chí bị bắt. Nhưng tôi và nhiều đồng chí hết sức bất ngờ: Tôi vừa nói xong thì thái độ của Đạt thay đổi hẳn, mặt đỏ rằn lên rồi trắng bạch ra và hổn hển nói: "Các anh đừng có chế nhạo tôi, chưa phải là tôi đã khai hết đâu" rồi im bặt... Chúng tôi hiểu ra rằng Đạt đã khai tất cả và đến đây y còn đe dọa chúng tôi rằng nếu cần Đạt đã khai rất nhiều nhưng y đã khéo che mắt chúng tôi, cho nên không một ai nghi ngờ y. Bọn mật thám cũng tìm cách che dấu cho Đạt để có thể khai thác ở Đạt nhiều hơn. Cứ khoảng 2 hoặc 3 ngày sau khi đã tra hỏi một số đồng chí chúng ta, Sở mật thám lại gọi Đạt lên để thẩm tra lại lời khai của những người vừa bị tra hỏi và chúng thường gọi Đạt đến Sở mật thám vào buổi chiều là lúc chúng ít gọi những anh em khác.

Trong 2 tháng 11, 12 năm 1939, một số Đảng viên và quần chúng tiếp tục bị bắt và bị đưa vào nhà lao Huế, trong đó có anh Huỳnh Ngọc Huệ, Trịnh Huy Lãng, Trần Văn Trà ở trường Kỹ nghệ Huế, Trần Chí Hiền ở Bao Vinh, về nữ có các chị Út, Hường, Thuân, Đính. Thấy các cơ sở của Đảng và tổ chức quần chúng tiếp tục bị vỡ, chúng tôi càng nóng ruột lo cho phong trào cách mạng trong tỉnh nhà.

Đầu năm 1940, sau khi chúng tôi bị bắt hơn 3 tháng, địch mở phiên tòa tại Phủ Doãn (Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên) để xử án. Những đồng chí trước đây có chân trong Tỉnh ủy như: Nguyễn Vinh, Phạm Tế, Lê Tự Nhiên, Hoàng Anh, bị kết án 3 năm rưỡi tù. Anh Lê Thế Tiết cũng bị kết án 3 năm rưỡi, những đồng chí hoạt động ở cấp Huyện 3 năm, những đồng chí khác 2 năm rưỡi hoặc 2 năm tù. Phan Văn Đạt chỉ bị kết án 3 tháng tù vừa ngang với số ngày bị giam cứu. Kêu án xong y được tha ngay. Dương Công Kỉnh cũng có mặt trong phiên tòa, y không bị bắt giam tuy có một số người khai cho y và y được trắng án. Đến đây chúng tôi nghi rằng Phan Văn Đạt đã khai nhiều đến mức xử án xong y được tha ngay, kêu án 3 tháng tù chỉ là cho có lệ. Dương Công Kỉnh thì còn tệ hơn, cho nên y không bị bắt và được trắng án. Mãi về sau, khi cướp chính quyền về tay nhân dân (tháng 8-1945), chúng tôi lục tìm trong kho lưu trữ của mật thám Pháp ở Huế mới tìm được đầy đủ chứng cớ của hai tên phản Đảng. Sự việc đại thể như sau: Khoảng tháng 7 năm 1939, sau một cuộc họp của Tỉnh ủy, Phan Văn Đạt đã viết một báo cáo nói rõ nội dung và thành phần cuộc họp, báo cáo với Xô-Nhi Chánh mật thám Pháp ở Trung Kỳ, kèm theo một bản Nghị quyết của Xứ ủy viết tay. Từ đó y thường xuyên báo cáo với Xô-Nhi những gì mà y biết về tổ chức và hoạt động của Đảng. Y đã trở thành một tên nội gián trong hàng ngũ của Đảng ta. Dương Công Kỉnh thực chất là một tên mật thám chui vào trong Đảng ta. Y đã cung cấp nhiều tin quan trọng về tổ chức và hoạt động của Đảng cho Mật thám Pháp. Từ cuối năm 1939, sau khi đã lộ mặt, y công khai làm một tên mật thám bắt bớ và tra tấn dã man nhiều đồng chí của chúng ta.

Sau khi đã thành án, chúng tôi tiếp tục bị giam ở Nhà lao Thừa Phủ Huế. Vì chế độ đối với tù chính trị không được thi hành ở nhà lao Huế, chúng tôi phải đi làm khổ sai như những tù thường phạm nhưng việc làm thì nhẹ nhàng hơn: chăm sóc vườn hoa, quét đường hoặc quét sân một vài Công sở... Ra ngoài nhà lao chúng tôi có dịp được gặp bà con hoặc bạn bè đến thăm, nhờ vậy cũng biết được một ít tình hình ở bên ngoài. Ngoài những giờ đi làm khổ sai, trong những lúc nghỉ, chúng tôi giúp nhau học chữ Pháp, chữ Trung Quốc, hoặc trao đổi ý kiến về đường lối chủ trương của Đảng. Ở nhà lao Huế địch cấm ngặt việc dùng giấy bút, chúng tôi phải dùng lá cây cội làm giấy và những que tăm vót nhọn làm bút viết bài để học với nhau. Viết chữ trên lá gội non khi lá còn tươi chữ hiện lên rất rõ. Sau khi lá khô nét chữ vẫn không mờ, hàng tháng sau vẫn có thể đọc được chữ viết trên lá.

Trong những năm tháng đầu và giữa năm 1940, nhiều anh em thanh niên tiếp tục bị bắt và bị đưa vào nhà lao Huế. Chúng tôi nóng ruột lo cho phong trào bị chà đi xát lại liệu có còn giữ được ít nhiều cơ sở hay không? Giữa lúc chúng tôi đang ngồi trao đổi ý kiến với nhau về những khó khăn của phong trào trong tỉnh, một số anh chị em khác đang đánh cờ thì nhà lao mở to. Nhìn qua cửa sổ chúng tôi thấy một ô tô con chạy vào, hai người lính xúm lại đưa từ trên ô tô xuống một người đang bất tỉnh và đưa thẳng vào một ca-sô (cachot), một phòng rất hẹp dùng để giam tù bị phạt. Sáng hôm sau chúng tôi được anh em thường phạm cho biết rằng người bị đưa vào giam trong ca sô là Lê Chưởng. Đồng chí Lê Chưởng là người tỉnh Quảng Trị đã bị bắt bị tù từ 1930 và bị đày lên Lao Bảo. Sau khi ra tù, đồng chí ấy tiếp tục hoạt động ở Quảng Trị. Khi nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy Thừa Thiên bị bắt, Xứ ủy đã điều động đồng chí Lê Chưởng vào Huế hoạt động. Nay đã bị địch bắt, đồng chí Lê Chưởng bị địch tra tấn dã man. Những ngày tiếp theo đồng chí Lê Chưởng vẫn bị địch đưa lên Sở mật thám tra tấn, cuối buổi thì đưa anh ấy về nhà lao người còn bất tỉnh.

Thấy đồng chí Lê Chưởng bị bắt và bị tra tấn dã man chúng tôi lo quá. Đồng chí Chưởng bị bắt phong trào bên ngoài mất người lãnh đạo; đồng chí ấy bị tra tấn rất dã man, nếu không chịu nổi, khai thêm một người nào thì Đảng lại mất thêm người đó. Trong cảnh tù tội như chúng tôi liệu có cách gì góp phần làm giảm bớt tổn thất cho Đảng hay không? Đó là câu hỏi mà nhiều đồng chí trong chúng tôi tự đặt ra cho mình. Sau nhiều lần trao đổi ý kiến với nhau, chúng tôi đi đến nhất trí là: Cách duy nhất chúng tôi có thể làm được là đỡ đòn cho Lê Chưởng bằng cách làm náo động trong nhà lao. Chúng tôi làm náo động tất nhiên địch sẽ khủng bố chúng tôi, thậm chí có thể bắn chết một vài người, nhưng chắc chắn sẽ làm cho chúng chùn tay, không tiếp tục tra tấn đồng chí Chưởng một cách dã man như trước. Được như vậy, cuộc đấu tranh của chúng tôi được coi như có kết quả. Hơn nữa cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ có tác động động viên đồng chí Lê Chưởng cố gắng chịu đựng để giảm tổn thất cho Đảng.

Theo kế hoạch đã nhất trí khoảng 3 giờ rưỡi chiều ngày thứ 3 sau khi đồng chí Lê Chưởng bị đưa vào nhà lao, hơn 50 tù chính trị xếp thành hàng đôi đi vòng quanh khoảng trống giữa phòng giam đồng thanh hô 2 khẩu hiệu: "Phản đối tra tấn đã man", "Thi hành chế độ chính trị". Tiếng hô vang dậy một vùng trong thành phố Huế. Mặt trước của nhà Lao Huế là dinh Phủ Doãn, sát hai bên Nhà lao là trường Quốc Học, trường Nữ học Huế, bệnh viện Huế, vì vậy tiếng vang động trong nhà Lao đã làm cho địch rất bối rối. Sau khoảng 10 phút một nhân viên của dinh Phủ Doãn và sếp lao chạy vào hỏi chúng tôi vì sao lại làm náo động lên như vậy? và yêu cầu chúng tôi giữ trật tự. Chúng tôi cử đại biểu nói rõ yêu sách của mình là đòi sở mật thám chấm dứt việc tra tấn dã man người bị bắt và đòi nhà cầm quyền thi hành chế độ chính trị đối với tù chính trị. Đại biểu nói xong, chúng tôi tiếp tục đi vòng quanh, miệng hô khẩu hiệu tay nắm chặt đưa lên quá đầu.

Mấy phút sau đó địch cho đưa vào 2 xe vòi rồng và hơn 50 lính khố xanh đến đàn áp cuộc đấu tranh của chúng tôi. Tên sếp lao dõng dạc ra lệnh cho chúng tôi giữ trật tự, muốn gì thì trình bày với nhà chức trách không được gây rối loạn. Đại biểu của chúng tôi nhắc lại hai yêu sách và chúng tôi tiếp tục đi vòng quanh hô khẩu hiệu. Hai xe vòi rồng liền phun nước vào giữa đội ngũ của chúng tôi, xô ngã một số đồng chí. Được xe phun nước hỗ trợ, lính khố xanh cầm đùi cao su xông vào đánh tới tấp lên đầu lên lưng của chúng tôi. Xiết chặt tay nhau và che đỡ cho nhau, chúng tôi cố gắng giữ hàng ngũ vừa đi vừa hô khẩu hiệu: Chống khủng bố, phản đối tra tấn dã man, thi hành chế độ chính trị... Sau 30 phút khủng bố, lính đã lần lượt bắt giữ tất cả chúng tôi. Và tên Công sứ cùng với tên Phủ Doãn xuất hiện trước cửa phòng giam. Viên Phủ Doãn hỏi chúng tôi vì sao lại làm náo động? Chúng tôi nhắc lại yêu sách của mình. Tên công sứ liền nói: Không có tra tấn ai và sẽ không tra tấn, chế độ chính trị sẽ từng bước thực hiện. Những ngày sau đó đồng chí Lê Chưởng không bị đưa đến sở mật thám tra trấn nữa. Chúng tôi vui mừng được thấy cuộc đấu tranh của mình thu được kết quả.

Một tuần sau khi cuộc đấu tranh của chúng tôi kết thúc địch lần lượt gọi chúng tôi lên dinh Phủ Doãn chất vấn về tội làm rối loạn trong nhà lao và hỏi ai là người cầm đầu cuộc bạo loạn? Chúng tôi đều nói rằng: trước những lần mật thám tra tấn rất dã man anh Lê Chưởng mà mọi người đều thấy rõ khi người ta đưa anh Chưởng từ Sở mật thám trở về, thì ai cũng tức giận và la lên, làm gì có người cầm đầu. Sau gần nửa tháng gạn hỏi địch không mò tìm được ai là người đề xướng và cầm đầu cuộc đấu tranh. Nhưng một hôm vào lúc sắp kết thúc đợt lập hồ sơ về vụ làm náo động trong nhà lao, tên Nghè Phanh đã xảo quyệt lừa được anh Lê Thế Tiết đứng ra nhận mình là người cầm đầu cuộc đấu tranh. Sự việc đã xảy ra như sau:

Sau khi kết thúc buổi hỏi cung và sắp sửa lấy chữ ký của anh Tiết vào biên bản, Nghè Phanh nói với anh Tiết rằng "Các anh rất kiên cường nhưng mà dại lắm, tôi phụ trách vụ án này, tôi biết thế nào rồi người ta cũng phải kết án các anh. Nếu trong các anh có người đứng ra nhận mình là người cầm đầu thì chỉ một người bị tăng án, nhiều lắm cũng chỉ 1 năm rưỡi hoặc 2 năm. Nếu không có ai là người cầm đầu thì tất cả những người tham gia đấu tranh đều bị tăng án, ít nhất mỗi người phải tăng 6 tháng tù. Như vậy có phải là dại hay không?" Nghè Phanh đã đánh trúng vào tâm lý của anh Tiết là sẵn sàng lo cho lợi ích của cách mạng, cho Đảng dù mình bị thiệt. Nghe Nghè Phanh nói xong anh Tiết hỏi nó có đúng như vậy không? Nó nói rằng anh cũng đã từng làm Thừa phái mà anh còn không tin là đúng như vậy hay sao?. Nghe nó nói cũng xuôi tai anh Tiết đứng lên nhận với Nghè Phanh rằng anh là người cầm đầu cuộc đấu tranh trong nhà lao. Nó chỉ cần có thế, lấy xong chữ ký của anh Tiết nó đã hoàn thành hồ sơ của một vụ đấu tranh của tù chính trị. Những người tham gia đấu tranh và người cầm đầu đã ký tên xác nhận hành động của mình. Một tuần sau khi xác nhận lấy chữ ký của anh Tiết, địch mở phiên tòa tại dinh Phủ Doãn, xử vụ án gây rối loạn trong tù (rebellion). Anh Tiết bị kết án một năm tù, tất cả các đồng chí mỗi người 6 tháng tù.

Một tuần sau khi mở phiên tòa để kết án chúng tôi, địch bắt 6 người mà chúng cho là nguy hiểm đày đi Lao Bảo. Hai lính giải 1 tù, chúng tôi gồm có: Lê Thế Tiết, Nguyễn Vinh, Phạm Tế, Lê Tự Nhiên, Nguyễn Kim Thành, Hoàng Anh bị chúng đưa từ nhà lao Huế ra Quảng Trị. Ở Quảng Trị chúng tôi bị giam trong nhà lao một đêm. Ở đây tôi gặp mấy người quen vừa mới bị bắt. Các đồng chí ấy cho tôi biết rằng Đảng bộ Quảng Trị vừa bị vỡ nặng, hơn 40 đảng viên đã bị bắt và bị tra tấn rất dã man. Tin nhiều đồng chí ở Quảng Trị bị bắt càng làm cho chúng tôi thêm khổ tâm. Sáng hôm sau khoảng 7 giờ sáng, một ô tô hàng đợi sẵn ở cửa nhà lao đưa chúng tôi lên Lao Bảo, nơi đã chôn vùi bao nhiêu chiến sĩ cách mạng trong những năm qua.

Lao Bảo là một nhà lao đày (pénitencier) ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, gần đường quốc lộ số 9 và sát biên giới Việt - Lào. Trước kia chính phủ Nam Triều phong kiến nhà Nguyễn dùng Lao Bảo làm nơi đày ải những ai có tội nặng. Sau đó thực dân Pháp làm nơi đày ải những nhà ái quốc, từ 1928 - 1929, chúng dùng Lao Bảo để đày ải những chiến sĩ cách mạng của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, của Đảng Tân Việt, Đảng Cộng sản ở các tỉnh Trung bộ. Lao Bảo là một vùng khí hậu khắc nghiệt. Bệnh kiết lỵ, bệnh sốt rét ác tính, sốt đái ra máu cộng với một chế độ nhà tù cực kỳ tàn ác, đã giết chết nhiều nhà yêu nước, nhiều đồng chí của chúng ta, nhiều nhất là trong những năm 1931, 1932, 1933. Đến năm 1939, tù chính trị ở Lao Bảo được đưa hết đến nhà lao Ban Mê Thuột hoặc nhà tù Côn Đảo, Lao Bảo được dùng làm nơi đày tù thường phạm. Đầu năm 1940, thực dân Pháp lại đưa một số tù chính trị ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam đến giam ở Lao Bảo.

Nhà tù Lao Bảo chỉ có một tòa nhà xây rất kiên cố gồm có một tầng hầm và một tầng bên trên. Tầng trên địch dùng để giam tù bị phạt, được dùng để giam tù chính trị. Ngoài ra, trong nhà tù Lao Bảo chỉ có 4 ca sô để giam riêng người bị bệnh phải cách ly hoặc tù bị phạt. Khi chúng tôi đến Lao Bảo thì ở đây đã có anh Nguyễn Vỹ, người Nghệ An (là đồng chí đã cùng với anh Lê Duẩn mở lớp huấn luyện tôi và anh Nguyễn Chí Thanh ở Đà Nẵng, cuối năm 1937). Người quê ở Thừa Thiên có Lê Quang Thuyết, quê ở Quảng Trị có Trần Công Khanh và Hoàng Trọng, còn tất cả là người Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam. Trong khi tiếp xúc với các đồng chí bị giam ở tầng hầm, tôi thấy cách ăn ở và cư xử của Hoàng Trọng có cái gì khang khác, hỏi ra mới biết rằng anh ta là một người ăn cắp bị kết án chính trị và đày lên Lao Bảo. Trọng vốn là một tay móc túi chuyên nghiệp. Đầu năm 1940, y theo dõi một thanh niên xách một va ly mới tinh và rất nặng trên một chuyến xe lửa Vinh - Đà Nẵng. Đến Quảng Trị người thanh niên để va ly tại chỗ và đi sang toa khác. Trọng thừa cơ cuỗm chiếc va ly và xuống ga. Y liền bị mật thám soát và bắt quả tang một va ly đầy truyền đơn, bị kết án 5 năm tù vì tội hoạt động Cộng sản và đày lên Lao Bảo.

Chế độ ăn uống, quần áo, thuốc cho người ốm... ở Lao Bảo cũng giống như ở nhà Lao Thừa Phủ Huế và các nhà lao Tỉnh. Nhưng ở Lao Bảo anh em tù tự nấu lấy để ăn, không bị chủ thầu bớt xén cho nên bữa ăn có khá hơn. Khi đau ốm, ngoài số thuốc do y tá cấp, anh em tù còn tự tổ chức tủ thuốc của mình và phân công nhau săn sóc người ốm, nhờ vậy đời sống cũng tạm ổn. Công việc của tù ở Lao Bảo, ngoài việc nấu ăn, vệ sinh trong lao, chúng tôi thỉnh thoảng ra ngoài làm khổ sai như phát quang chung quanh nhà lao, làm cỏ cam, café, trồng khoai, tưới rau...

Lên Lao Bảo được hơn 1 tuần, chúng tôi bắt đầu học chữ Pháp, chữ Trung Quốc, tiếp tục chương trình đang học dở ở Nhà lao Huế. Nhưng bệnh sốt rét không để cho chúng tôi yên. Người bị ốm đầu tiên là anh Lê Thế Tiết rồi đến anh Lê Tự Nhiên, sau đó vài hôm thì 6 anh em từ nhà lao Huế lên lần lượt bị sốt rét. Từ đó, cứ sau khoảng 2 tuần chúng tôi lại bị một trận sốt ly bì. Sau 3 trận ốm anh Lê Thế Tiết yếu đi trông thấy. Anh Nguyễn Chí Thanh tuy dáng người khỏe mạnh, nhưng cũng bị sốt rét vào loại nặng nhất, có lúc 2 hoặc 3 ngày chưa dứt một trận. Mặc dầu bị sốt rét hoành hành, nhưng nhờ biết giữ gìn và được anh em tận tình săn sóc suốt thời gian bị đày lên Lao Bảo cho đến ngày rời Lao Bảo đi Ban Mê Thuột, tất cả các đồng chí ở Lao hầm không ai bị chết vì sốt rét.

Ngoài số tù chính trị bị giam ở Lao hầm, ở Lao Bảo còn có khoảng 60 tù thường phạm từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình bị đày lên đây và đều ở tầng trên của Lao hầm. Trong số tù thường phạm chúng tôi quen biết nhiều người trước kia đã bị giam ở nhà lao Huế. Trong những lúc tiếp xúc với anh em, chúng tôi tuyên truyền giải thích cho anh em thấy rõ mục đích chính đáng của cuộc đấu tranh mà Đảng ta lãnh đạo, chỉ cho họ thấy rõ những nỗi bất công trong xã hội lúc bấy giờ và những thiệt thòi của người dân mất nước... nhờ vậy hầu hết anh em tù thường phạm ở Lao Bảo rất có cảm tình và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Đối với binh lính, chúng tôi hết sức giữ gìn, tránh những việc làm, những cử chỉ làm cho họ khinh chúng ta. Khi có dịp chúng tôi lựa lời giải thích cho họ rõ vì sao chúng ta phải đấu tranh, chỉ cho họ thấy những bất công hằng ngày mà mọi người đều bất bình... Nhờ kiên trì tuyên truyền giải thích, thái độ của binh lính đối với tù chính trị ở Lao Bảo cũng dần dần dễ chịu hơn... Tên đồn trưởng đồng thời là sếp lao, là người Pháp tự xưng với chúng tôi rằng y là người tán thành Đờ Gôn. Nó thường đến phòng giam chúng tôi, tìm gặp anh Lê Thế Tiết nói chuyện vui vẻ với anh Tiết và một vài người khác. Cuối năm 1940, nó đến gặp anh Tiết báo rằng Cộng sản nổi lên đánh nhiều nơi ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Về sau chúng tôi mới biết rằng những nơi trên là Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa.

Sau một thời gian vật lộn với bệnh sốt rét, chúng tôi cũng quen dần cuộc sống đày ải ở Lao Bảo. Sau vài tuần lại lên một cơn sốt mà chúng tôi gọi đùa là "đóng thuế", anh em chúng tôi tiếp tục học tập, tổ chức việc ăn ở hàng ngày, đi phát quang làm cỏ quanh nhà Lao. Khoai chúng tôi trồng đã có củ... Giữa lúc chúng tôi không ngờ tới, thì anh Lê Thế Tiết bị gọi lên đồn và bị đánh chết trong phòng giấy của tên đồn trưởng. Thật đúng là sét đánh ngang tai, chúng tôi ai nấy đều sửng sốt bàng hoàng. Sự việc đã xảy ra đại thể như sau:

Cách đó mấy tuần, anh Tiết được báo tin có người nhà đến thăm và anh Tiết được một tên lính đưa lên phòng giấy để gặp người nhà. Khi trở về nhà giam anh Tiết cho chúng tôi biết rằng chị Lê thị Diệu Muội con gái đầu của anh lên thăm. Thăm anh Tiết về được mấy hôm, chị Diệu Muội bị bọn mật thám tỉnh Quảng Trị đến vây bắt nhưng chị đã trốn thoát. Không bắt được chị Muội, bọn mật thám cho rằng chị Muội đã lên Lao Bảo hỏi anh Tiết về chỗ để đi trốn. Vì vậy, muốn bắt được chị Muội phải buộc anh Tiết nói ra nơi anh đã chỉ cho chị Muội trốn. Một tên mật thám tỉnh Quảng Trị lên Lao Bảo cùng với tên đồn trưởng để làm việc nói trên. Anh Tiết bị gọi lên đồn và bị buộc phải khai nơi chị Muội đang trốn. Cố nhiên anh Tiết không thể nào biết được nơi một chiến sĩ Cộng sản thoát ly đang lẫn trốn và dù có biết thì anh Tiết cũng không khai. Thấy anh Tiết trước sau chỉ nói rằng mình không biết, tên đồn trưởng đánh anh Tiết một tát tai. Bị đánh bất ngờ, anh Tiết ngã xuống thềm nhà đập đầu vào cạnh một bậc tam cấp và tắt thở.

Việc anh Lê Thế Tiết bị đánh chết, khiến chúng tôi vô cùng đau xót và thương tiếc. Anh Tiết chết chúng tôi mất một người bạn chiến đấu hết sức kiên cường, mất một người anh, một đồng chí rất trung thành hết lòng lo cho lợi ích của Đảng của cách mạng. Không thể để cho địch muốn giết ai thì giết, không thể làm ngơ trước tội ác của địch, ngay chiều hôm anh Tiết bị giết, chúng tôi gồm 30 tù chính trị bị giam trong lao hầm, trong đó có Hoàng Trọng, nhất trí tiến hành một cuộc đấu tranh để phản đối. Hình thức đấu tranh là đình công, tuyệt thực và hô khẩu hiệu làm huyên náo trong lao, khẩu hiệu đấu tranh là "Phản đối giết chết anh Tiết" - "Thi hành chế độ chính trị", mỗi ngày 2 lần buổi sáng lúc 7 giờ và khoảng 5 giờ chiều, đồng thanh hô khẩu hiệu làm huyên náo trong vài chục phút...

Khoảng 4 giờ rưỡi chiều, sau khi thông báo cho anh em tù thường phạm biết rõ quyết định của chúng tôi và đề nghị anh em cố gắng ủng hộ, chúng tôi báo cho sếp lao biết rằng chúng tôi kiên quyết phản đối việc y giết chết anh Tiết và đòi thi hành chế độ chính trị đối với chúng tôi. 5 giờ chiều ngày hôm đó chúng tôi hô khẩu hiệu và làm huyên náo trong gần 20 phút. Chúng tôi hô rát cả cổ họng nhưng địch vẫn im lìm. Sếp lao và ngay cả viên đội cũng không hỏi han gì. Chúng tôi không nấu cơm tối, cửa lao không mở cho nên nước uống cũng không đưa vào. Sáng hôm sau khoảng 7 giờ sáng chúng tôi lại hô khẩu hiệu làm huyên náo trong 15 -20 phút địch vẫn im lìm. Ở Lao Bảo giữa núi rừng âm u, chỉ có tù và lính không phải như ở nhà lao Huế, cho nên địch không ngại gì mà không để chúng tôi hò reo hô khẩu hiệu. Nhưng đến 5 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu hô khẩu hiệu được vài phút thì hơn 30 lính khố xanh, tay cầm roi song xông vào đánh tới tấp lên đầu, lên lưng, lên mặt của chúng tôi cho đến khi chúng mệt lử, chúng mới thôi. Những ngày sau đó cứ mỗi ngày 2 lần chúng tôi hô khẩu hiệu thì địch lại xông vào đánh đập cho đến khi chúng tôi không hô nữa.

Ngoài việc tổ chức cho lính khủng bố, mỗi khi chúng tôi reo hò, hô khẩu hiệu, để đối phó với cuộc đấu tranh của chúng tôi, địch không cho chúng tôi ra ngoài lấy nước. Giam khát, địch nghĩ rằng chúng tôi bị buộc phải sớm chấm dứt cuộc đấu tranh. Cũng may cho chúng tôi là trước khi đấu tranh, trong phòng giam của chúng tôi có sẵn một ít nước để rửa chén bát sau bữa cơm thừa. Vì chiều hôm đó bắt đầu đấu tranh, chúng tôi không dùng nước để rửa bát mà để dành lại khi cần đến. Với số nước đó chúng tôi quản lý rất chặt, chỉ phân phát để uống cầm hơi. Đối với người ốm nặng chúng tôi báo cho lính gác để đưa ra ngoài chạy chữa. Anh Tố Hữu bị sốt nặng phải đưa ra giam riêng trong một ca sô. Ở đây người ta đưa cơm đến cho người ốm, đồng chí Tố Hữu kiên quyết không ăn. Bài thơ "Con cá chột nưa" được ra đời trong hoàn cảnh đó.

Cuộc đấu tranh của chúng tôi kéo dài dược 6 ngày. Anh em tù thường phạm nhiều lần cử đại biểu gặp sếp lao yêu cầu giải quyết yêu sách của chúng tôi, đưa thuốc và bông cho chúng tôi để chữa các vết thương vì bị đánh đập. Sự quan tâm giúp đỡ của anh em có tác dụng cổ vũ chúng tôi trong cuộc đấu tranh gay go này. Sáng ngày thứ 7 tính từ hôm nổ ra cuộc đấu tranh, tên đồn trưởng vào phòng giam yêu cầu gặp đại biểu của tù, trước đông đủ anh em chúng tôi, y phân trần rằng anh Tiết chết không phải vì bị nó đánh mà anh ấy ngã đập đầu vào cạnh thềm nhà, nó rất ân hận(!). Nó nói rằng nó hết sức chăm sóc đời sống của chúng tôi... Mục đích của cuộc đấu tranh của chúng tôi là nhằm biểu thị thái độ phản đối hành động dã man của nhà cầm quyền. Nay tên đồn trưởng đã đến gặp chúng tôi tỏ ý xin lỗi và hứa sẽ quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Như vậy cuộc đấu tranh đã thắng lợi. Giữ lời hứa sẽ chú ý đến đời sống của chúng tôi, tên đồn trưởng cho chúng tôi đào dỡ tất cả khoai lang tù đã trồng quanh đồn đem về chất đống trong nhà ăn, để ăn dần. Chúng tôi phải chia một phần cho anh em thường phạm, vì phần lớn số khoai đó do anh em thường phạm trồng. Hơn nữa chúng tôi cố gắng giữ quan hệ tốt với anh em. Số khoai được đào dỡ về chưa ăn hết thì địch cho đưa những người trước đây bị đày từ nhà lao Huế lên Lao Bảo một lần với anh Lê Thế Tiết là Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phạm Tế, Lê Tự Nhiên, Hoàng Anh lên nhà lao đày Banmêthuột.

Khoảng cuối tháng 3 năm 1941, sau không đầy 6 tháng ở nhà tù Lao Bảo, 6 anh em từ nhà lao Huế ra đi, nay chỉ còn 5 người, đến nhà lao đày Banmêthuột, một nhà tù cỡ lớn ở Tây nguyên. Cùng bị đưa từ Lao Bảo lên Banmêthuột còn có anh Trần Công Khanh và Hoàng Trọng là người tỉnh Quảng Trị...

(Trích từ Hồi ký "Nhà tù đế quốc trở thành trường học của chiến sĩ cách mạng" của đồng chí Hoàng Anh - một chiến sĩ cộng sản và người lãnh đạo lão thành)
(TCSH40/01-1990)





 

Các bài mới
Khúc ca mới (08/09/2016)
Các bài đã đăng