TỪ MỘNG QUÂN
Cách đây 14 năm, trong các ngày từ 6 - 17/10/2002, Tuần lễ Việt Nam tại Munchen đã diễn ra sôi động với 2 phần chính:
1/ Lần đầu tiên tại châu Âu, Nhà hát Tuồng Đào Tấn nổi tiếng của Việt Nam đã trình diễn vở tuồng hát bội “Đông Lộ Địch” do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác dự trên tác phẩm “El Cid” của nhà viết kịch P.Corneille. 2/ Lễ hội Việt Nam với âm nhạc truyền thống, diễn văn của giáo sư Trần Văn Khê về nghệ thuật tuồng cổ và âm nhạc truyền thống Việt Nam, hội đàm về kịch nghệ, về ẩm thực cung đình Huế…
Từ trái sang: GS Hoàng Chương, GS Trần Văn Khê, nghệ sĩ Hoàng Anh, Thái Kim Lan trước ngày khai mạc Tuần Việt Nam tại Đức. |
Ngày đó, với tư cách Chủ tịch Hội giao lưu Đức - Á châu ở CHLB Đức, GS.TS Thái Kim Lan đã mời Nhà hát Tuồng Đào Tấn trình diễn, cùng các giáo sư Trần Văn Khê, giáo sư Hoàng Chương sang giới thiệu cho công chúng Đức về vở tuồng “Đông Lộ Địch”. GS. Thái Kim Lan nói: “Từ lâu tôi những tâm nguyện có dịp phục hồi tuồng truyền thống của dân tộc và rất ngưỡng mộ tài năng của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Nhân đây, tôi muốn gợi ý các nhà hát tuồng nên chăng tham khảo Nhà hát Tuồng Đào Tấn thử làm như vở “Đông Lộ Địch” để có thể đem những vở tuồng phóng tác kịch Tây trở lại sân khấu phương Tây biểu diễn”. Trong thư của GS. Thái Kim Lan gửi cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn, chị viết: “Tôi chỉ là một kẻ nghiệp dư, cũng không nặng nợ trầm luân chi cho lắm với ánh đèn sân khấu, nhưng lại vướng một chút say mê tuồng hát, yêu thích tích tuồng do nội tổ của tôi truyền lại. Từ hồi còn bé thơ được bà hay đem đi xem hát, ươm vào trong tâm một sự ái mộ nghệ thuật cũng như gieo mầm tưởng tượng một thế giới vượt ngoài thế giới thực tại, cho đến nay ở trời Tây đôi khi lại ngỡ mình đang dạo chơi nơi cõi không bờ, gặp lại nội tổ cùng nhau cầm tay đi xem tuồng Phụng Nghi Đình hay Mạnh Lệ Quân… Hơn nữa lớn lên trong khung cảnh văn hóa cổ truyền của thành phố Huế, thấm nhuần ít nhiều văn chương thi phú của nhiều nhà, cũng tập tành thơ phú nơi chốn đế đô, theo đòi Tùng - Tuy - Siêu - Quát. Lòng khâm phục sự nghiệp văn chương của cụ Ưng Bình từ lâu vẫn còn ấp ủ, nên sự trùng phùng chị Hỷ Khương đã trở thành một nhịp cầu nối lại hai bờ Xưa - Nay. Việc bảo trợ tuồng “Đông Lộ Địch” xuất phát từ lòng tri ân nội tổ cũng như lòng ái mộ một nền kịch nghệ Á Đông tuyệt vời. Ước vọng của tôi là nền kịch nghệ này sẽ được bảo tồn và phát huy, nuôi dưỡng và mang lại cho thế hệ trẻ một sắc thái độc đáo và đầy sáng tạo của nền kịch nghệ Á Đông, nhất là nhà hát Tuồng sẽ được tái lập ở thành phố Huế…”.
GS. Trần Văn Khê thăm hỏi các nghệ sĩ tuồng trước giờ biểu diễn Đông Lộ Địch |
Vì sao vở tuồng “Đông Lộ Địch” được chọn trong chương trình Giao lưu Văn hóa quốc tế tại Munchen và tại Đức?
Dự án Giao lưu giữa các dân tộc với chủ đề văn hóa liên quốc gia nêu rõ:
“Từ năm 1981 Trung Tâm Giao Lưu Đức Á đã lấy trọng điểm tìm hiểu và cảm thông giữa các dân tộc làm mục đích chính cho sinh hoạt của trung tâm. Chủ đề này chưa bao giờ trở thành một công việc đầy ý nghĩa và thời sự nóng bỏng như ngày hôm nay, nhất là sau ngày 11. Sept. 2001. Chiến tranh và chém giết lẫn nhau đang trở thành ngôn ngữ đối thoại giữa các dân tộc thay thế cho những hội đàm hòa bình. Những diễn biến trên chính trường quốc tế chưa bao giờ như hôm nay đặt ra cho chúng ta một câu hỏi cấp bách về những lý do văn hóa và tinh thần sâu xa của sự ngộ nhận lẫn nhau càng ngày càng trầm trọng, đồng thời đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trong công việc hỗ trợ sự cảm thông giữa các dân tộc, để tìm ra đường lối cũng như những thí dụ gương mẫu có thể đem lại niềm hy vọng sẽ thiết lập được một sự trao đổi giao lưu có ý nghĩa trong thời đại toàn cầu hóa không chỉ ở trên lãnh vực kinh tế mà còn trên lãnh vực văn hóa.
Với “Đông Lộ Địch“ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, chúng ta có thể tìm thấy được một ví dụ điển hình cho mục đích nói trên. Nhà thơ, một vị vương tôn của kinh đô Huế, là một trong những người Việt Nam đầu tiên, đã đỗ khoa thi Nho học và Việt học truyền thống tại triều đình Huế, đồng thời cũng đã đỗ khóa thi tiếng Pháp của chính quyền bảo hộ Pháp thời bấy giờ. Cụ đã tìm thấy trong tác phẩm “EL CID” của nhà văn P. Corneille những thí dụ đức hạnh của các nhân vật trong thế giới tây phương, và những thí dụ này cũng được thế giới Đông phương truy nhận như những giá trị đạo đức. Trong lời nói đầu của vở tuồng cụ viết: “Sự tích tuồng Le Cid có đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa, nên tôi xét có nhiều điểm rất hợp với tinh thần luân lý Á đông. Như vậy kịch Pháp có thể dung hòa một phần nào tuồng ta: đó là lý do khiến tôi phỏng theo tuồng Le Cid mà diễn tuồng Lộ Địch.” (Đông Lộ Địch, 1959, trang VI). Trong bài thơ “Khai diễn tuồng Lộ Địch” về buổi diễn đầu tiên tại Kinh Đô năm 1928 có đoạn:
“Hiếu tình ngắm rõ gương bi kịch,
Thanh sắc mừng thêm vẻ lạc quan...
Ham vui điệu cũ, câu tuồng mới,
Tri kỷ xin chào bạn khách quan.”
…Trong tác phẩm Tuồng “Đông Lộ Địch” chúng ta tìm được một thí dụ tuyệt vời cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa có thể đưa đến một cuộc gặp gỡ thật sự giữa Đông và Tây. Chính tên vở tuồng cũng đã nói lên điều ấy rồi: không phải người anh hùng Le Cid ròng phương Tây của Corneille là nhân vật chính, mà là một Lộ Địch dưới ngòi bút của nhà thơ nhuần nhuyễn linh hồn và thể xác Á đông đã được tái sinh. Không phải sự thâu nhận thụ động nền văn hóa ngoại bang đang đe dọa tàn phá bằng vũ lực gia sản tinh thần Việt Nam mà là sự cùng suy tư đầy sáng tạo và sống động đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ Đông Tây này. Tình – Trung - Hiếu, vâng, nhưng không phải là chữ tình, chữ hiếu, chữ trung của tư tưởng đạo đức Tây phương được phô diễn ra cho khán giả Việt Nam, mà là Tình – Trung - Hiếu như là những rung cảm đạo đức Việt Nam được nêu lên nổi bật nơi đây. Trong phần “Mẹo Tuồng” của tác phẩm, nhà thơ mà cũng là nhà đạo diễn sành điệu tuồng đã dựng vở truyện bằng kinh nghiệm lão luyện và nhạy cảm thưởng thức của mình, đã ghi: “Về phần Chi Manh, trong tuồng Le Cid kết thúc theo tinh thần văn hóa Tây Phương, nên để khán giả có cảm tưởng và hy vọng sau này thời gian sẽ khiến nàng khuây được thù cha; có thể theo tiếng gọi ái tình, rồi Cát Ti Vương sẽ đứng chủ hôn cho nàng đẹp duyên cùng Lộ Địch. Nhưng kết cấu như vậy tôi xét không hợp với luân lý Á đông cho nên trong phần kết cuộc của tuồng Lộ Địch, tôi đã phải tìm cho Chi Manh một lối thoát duy nhất là đi tu...” (Đông Lộ Địch X/XI).
Đông Lộ Địch là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử tuồng cổ Việt Nam lấy đề tài từ tác phẩm Âu châu, từ trước các tích tuồng đều lấy từ những điển tích Trung Hoa.
Đông đảo công chúng châu Âu đến xem vở tuồng Đông Lộ Địch |
Tuồng được diễn lần đầu tiên năm 1928, do gánh hát nổi tiếng Đào Tấn diễn. Năm 2000 vở tuồng đã được diễn lại trọn vẹn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định và Huế, với sự khuyến khích của Bà Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của nhà thơ và tác giả Ưng Bình và sự hỗ trợ tài chánh của GS.TS Thái Kim Lan, Chủ tịch Trung tâm Đức Á tại Munich.
Ngay cả khi mới khai diễn năm 1928, Đông Lộ Địch đã được khán giả và các nhà phê bình ca ngợi, không những trên phương diện kịch nghệ, tác phẩm này còn được xem là một áng văn chương quý báu trong lịch sử văn học cũng như lịch sử sân khấu Việt Nam. Khi vở tuồng này được tái diễn năm 1998 (dưới sự hỗ trợ tinh thần của ông Tổng Lãnh sự Đức) tất cả những nhà phê bình đã đồng một quan điểm cho rằng, với tuồng Lộ Địch đã đem lại khởi sắc cho sự trở về Nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam đồng thời có khả năng khơi dậy thị hiếu thưởng thức tuồng cổ nơi các khán giả trẻ tuổi”.
Dự án này do Trung tâm Giao lưu Đức Á làm chủ dự án. Với sự cộng tác của Diễn đàn Viện Goethe tại Munich, Đại học Dân lập Munich, L,Beck, KoKon. Dưới sự tài trợ của tiến sĩ W.Boehme, Quỹ W.P. Schmitz-Stftung (Duesseldorf) và Nhà hàng Cố đô (Munich). Tham gia trình diễn có GS. Trần Văn Khê, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (con gái cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị), Nhà hát Đào Tấn, Nhà hàng Phú Xuân cùng với nhiều văn nghệ sĩ đến từ Huế, TP. HCM.
GS. Thái Kim Lan đã bỏ ra 10.000 đô la Mỹ để tài trợ cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn dựng lại vở “Đông Lộ Địch”.
Vở “Đông Lộ Địch” của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị nếu diễn hết phải mất 6 tiếng. Nhà hát Tuồng Đào Tấn dựng còn 2 tiếng. Khi đưa sang Đức thu gọn còn 70 phút song vẫn giữ được các màn lớp chính. Các buổi diễn vở tuồng Đông Lộ Địch đã diễn ra hết sức thành công. Công chúng châu Âu đã đến xem rất đông, họ hiểu hơn về một loại hình nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam, với tính ước lệ cực cao của nó, chất thơ nhạc dân tộc tràn ngập không gian sân khấu, và qua đó, hiểu hơn về nền văn hóa rất thơ, rất đẹp, rất phong phú, đa dạng của Việt Nam.
T.M.Q
(SHSDB20/04-2016)