Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-16)
Đôi nét về việc thờ Ông Làng trong các gánh hát tuồng ở Huế
08:48 | 13/05/2016

TUỆ MINH

Về hai Ông Làng, giới sân khấu truyền thống cả nước xưa nay vốn không hề xa lạ. Tuy vậy, hiện nay chưa có một sự khẳng định dứt khoát nào thống nhất.

Đôi nét về việc thờ Ông Làng trong các gánh hát tuồng ở Huế
Các Ông Làng được thờ ở Thanh Bình từ đường

Ở miền Bắc, những người làm công tác sân khấu cho rằng, tượng hai Ông Làng là ông Đặng Hồng Lân và ông Đào Văn Só - ông Lân là người dạy các điệu hát, ông Só là người dạy vũ đạo và điệu bộ. Theo truyền thuyết, hai ông sinh cùng thời với bà Phạm Thị Trân (một nghệ nhân giỏi múa hát thời nhà Đinh). Còn ở Huế, có thuyết cho rằng, hai Ông Làng là Đào Duy Từ (người đã có công giúp chúa Nguyễn về nhiều mặt, đặc biệt là quân sự, sau này ông là người đặt nền móng cho nghệ thuật cung đình của Huế) và Càn Cương Hầu (một kép hát người Tàu dạy điệu hát khách cho các nghệ sĩ cung đình dưới thời vua Minh Mạng). Về vấn đề này, trong tập “Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam”, có viết: “... Nay ở phường Phú Mỹ kinh thành Huế, còn nhà thờ Thự Thanh Bình trên thờ Tam giới (Thượng giới, Trung giới, Hạ giới), dưới thờ hai vị Càn Cương Hầu, tương truyền là Tổ sư đã đặt ra các vũ khúc và Đào Duy Từ, người có công tu sửa các điệu múa...1. Cũng có thuyết cho rằng, hai Ông Làng là hai vị hoàng tử hoặc hai em bé say mê hát bội, bị chết khi đang xem hát. Và câu chuyện thường được các nghệ nhân truyền tai nhau, vị thần bổn mạng của ngành hát tuồng là hai vị hoàng tử say mê hát Bội.

Theo Nguyễn Huy Hồng, trong Truyền thống sân khấu Huế: “Ở vùng Huế, mỗi khi một phường, một gánh hay một rạp hát được thành lập, xây dựng, người ta đều đến từ đường Thanh Bình “thỉnh” tượng Ông Làng về thờ. Số lượng tượng ở đây thường được bổ sung bằng tượng mới do các phường, gánh, rạp tạc dâng lên và những tượng của các phường, gánh ngừng hoạt động rước trả lại”2.

Theo các nghệ nhân, mỗi gánh hát được gia thần phù hộ. Trong ban gọi là tổ, ngoài ban gọi là Ông Làng. Người ta bồng tượng mà thờ. Tượng bằng gỗ, đầu bịt khăn đỏ, mình mặc áo lụa. Ban hát đi đâu cũng mang theo, mỗi lần di chuyển đều cung kính vái trình. Các tượng này được thờ ở hậu trường sân khấu với bàn thờ luôn đầy lễ vật. Ai cũng lo mất tượng thần, bởi tượng là linh hồn của gánh hát. Hiện bóng dáng của những Ông Làng trong những gánh hát vẫn còn được lưu giữ ở Thanh Bình từ đường. Vậy Ông Làng là ai? Vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên theo những nghệ nhân ở Huế, Ông Làng là hai vị hoàng tử say mê nghệ thuật hát Bội, một hôm có một buổi hát cho vua ngự giám, hoàng tử muốn đi xem, nhưng bị phụ vương quả phạt nên đành phải thúc thủ. Vì quá đam mê, hai hoàng tử bèn cải trang rời cung điện, đi xem hát cho bằng được, đến địa điểm xem hát, hoàng tử leo lên chõng tre ngồi chung với dân chúng.

Hôm đó, vở tuồng diễn ra rất hay, đào kép diễn rất xuất sắc, vua ban thưởng và dân chúng thì không ngớt tung hô cuồng nhiệt làm dàn tre bị sập, đè chết hai vị hoàng tử.

Kể từ ngày đi xem hát bị dàn tre đè chết, oan hồn của hai hoàng tử không tiêu dao miền cực lạc mà vẫn còn vương vấn với trần gian, vương vấn theo các gánh hát. Các nghệ nhân cho rằng, oan hồn của hai hoàng tử đi theo các gánh hát là để phù hộ cho những nghệ sĩ đã hát cho hai ông nghe lúc sanh thời. Người ta tin chắc rằng, hai vị hoàng tử sau khi chết đã thành thần, và hai vị thần này rất linh thiêng, do dó họ thờ rất kính cẩn và trang trọng, bởi ai cũng mong ngài truyền cho ngọn lửa thiêng của nghề để có cảm hứng trong diễn xuất, cũng như giọng hát lúc nào cũng hay và mùi mẫn, diễn xuất thì tức cảnh, ứng cảnh và ứng khẩu cho may mắn, cho có duyên để thành công với nghề nghiệp.

Tục thờ Ông Làng trong các gánh hát ở Huế cũng nói rằng, vì hai Ông Làng chết khi tuổi còn rất trẻ nên hồn chưa sạch nợ nần vật chất, nhất là hương thơm, nên chi hai ông còn giữ cái phù khí lúc còn sống để chạy theo hương thơm. Chính vì vậy, trong mỗi xuất diễn, buổi diễn của các gánh hát, người ta yêu cầu khán giả không được mang theo các vật có mùi thơm. Đặc biệt, trong các loại trái cây có mùi thơm, quả thị luôn bị cấm triệt, họ cho rằng mùi thơm của quả thị sẽ khiến cho hai Ông Làng đi theo mà quên mất việc phù hộ cho diễn viên, như thế sẽ tạo ra sóng gió trong quá trình diễn xuất của diễn viên, khiến diễn viên quên lời hát, quên vai diễn, từ đó sẽ gây trở ngại cho việc thành công của vở diễn.

Chúng ta chưa có thể khẳng định, việc thờ cúng hai Ông Làng trong các gánh hát tuồng có nguồn gốc từ đầu, có phải Huế đã cung đình hóa hai Ông Làng hay không, bởi tất cả vẫn là là truyền thuyết. Tuy nhiên, hiện nay trong Thanh Bình từ đường vẫn có thờ hai Ông Làng là hai em bé đi xem hát. Ngoài ra, tượng của hai Ông Làng này còn được thờ ở các gia đình nghệ nhân của ngành hát tuồng, những nghệ nhân thờ Ông Làng luôn hương khói rất cẩn thận, họ coi đây như vị thần bổn mạng phò hộ cho cuộc đời làm nghề tuồng của họ.

T.M
(SHSDB20/04-2016)

--------------
1. (Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huệ (1992), Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam, Tr.409, Nxb. Văn học, HN.
2. Nguyễn Huy Hồng (1986), Truyền thống sân khấu Huế, Nxb. Xí nghiệp in Bình Trị Thiên.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng